Đọc truyện Tân Nương Là Nữ Quỷ – Chương 20: Mâu thuẫn
Ngọn lửa cứ nhảy múa trên không trung cho đến khi hoàn toàn cháy rụi, và ông lão đã nằm bẹp xuống đất thất thần. Tôi vội vã chạy đến xem Cảnh Dã và Phàn Vĩ. Nhưng mà chân tôi còn chưa bước lên cầu thang thì cửa phòng đã đóng sầm lại. Tôi đương nhiên cảm giác không đúng rồi, chỉ là không ngờ lần này cô ta xuất hiện với một hình dạng hoàn chỉnh.
“Bắc Cung Phồn Di, đã lâu không gặp.”
Giọng bà đồng vang lên, tôi quay đầu, cô ta đã xuất hiện. Vẫn là bộ dạng mặc áo cưới như cũ, vẫn là khuôn mặt giống tôi như đúc. Cô ta vươn tay đón tro bụi của bức hoạ, cất một tràn cười rồi nói: “Ngươi sống thật dai đó, Duệ Âm. Làm sao, đến giúp nửa linh hồn yếu đuối kia à?”
“Giúp ai, là việc của ta. Mấy trăm năm qua đi, ta vẫn là phía đối địch với ngươi.”
Bà đồng không chút sợ hãi, nụ cười trên môi trãi ra cho dù hoàn cảnh hiện tại là không thể nhúc nhích được. Cô ta bóp nát một mảnh tro trong lòng bàn tay, chằm chằm nhìn bà đồng: “Mạnh miệng ghê nhỉ, hiện tại không còn Thanh Phù nữa, sẽ không có ai giúp đỡ ngươi đâu. Vậy nên, đừng có mà hống hách.”
“Thôi nói nhảm đi, cô rốt cuộc đã làm gì bọn họ hả?” Tôi gườm gườm nhìn cô ta. Nếu như ánh mắt có thể giết người thì tôi chắc chắn cô ta đã ngủm củ tỏi rồi. Cô ta không đếm xỉa đến tôi mà trong miệng lẩm bẩm điều gì đó.
Không hay rồi, cô ta lại muốn điều khiển ông lão. Ông lão đang nằm ngoan ngoãn dưới đất bây giờ lại rục rịch tay chân.
“Dừng lại đi, cô sẽ giết ông lão mất. Ông ấy dù sao cũng là hậu nhân của cô mà.” Chết tiệt, cô ta giống như loại sẽ lắng nghe sao. Tôi thà tự thân vận động còn hơn. Đau, đau quá! Vai tôi lại đau nữa rồi. Nhưng mà tôi đâu thể trơ mắt nhìn cô ta lộng hành trong khi tôi còn có thể làm gì đó chứ.
Ông lão chuẩn bị ngóc dậy, dù tôi có đau đớn nhưng vẫn cố nhào qua đè ngang ông lão. Không phải tôi liều mạng, nhưng mà tôi đang hy vọng, hy vọng tôi có thể tác động được đến thủ đoạn của cô ta. May mắn thay nó đã có tác dụng, ông lão sau khi bị tôi đè lên đã xuôi tay nằm yên, tôi nhìn cô ta, thở dốc vì mệt và đau vai mà nói: “Bắc Cung Phồn Di, cô đúng là đồ hèn hạ. Uổng công bọn họ đã cung phụng di vật của cô như báo vật. Uổng công bọn họ đã cung kính gọi cô một tiếng cô tổ, thật là đáng thất vọng.”
“Cô tổ?”
Trời ạ, tôi giật mình khi nghe tiếng nói của ông lão. Có vẻ ông lão đã tỉnh rồi, giọng nói thều thào mang vẻ mệt mỏi vô cùng. Tôi gật đầu: “Đúng vậy, cô ta chính là Bắc Cung Phồn Di.”
Ấy vậy mà ông lão không chút sợ hãi, còn liều cái thân già bò dậy quỳ bái cô ta. Bà đồng đứng bên kia đột nhiên chỉ tay về phía tôi, hoá ra nơi đoá hoa bỉ ngạn trên vai tôi đang phát sáng. Tôi không tài nào nhìn thấy được, đành quay lưng lại chỗ bà đồng. Bà đồng kinh ngạc kêu lên: “Đoá hoa kia, hoàn chỉnh rồi. Nhưng mà, nữa đoá còn lại rất mờ nhạt.”
Vậy là sao? Cô ta hừ một tiếng rồi đắc ý nói: “Tốt lắm, không lâu nữa ta sẽ lấy thân xác đó. Dù sao cũng cảm ơn các ngươi vì đã đốt bức hoạ phóng thích ta.”
Tôi nhăn nhúm mặt mày, vậy ra tất cả là sự sắp đặt của cô ta, hay bà đồng là người đi sai nước cờ? Hay là, bà đồng một phe với cô ta, vì không động được vào bức hoạ mà lừa tôi đốt nó? Trong khi tôi còn đang đấu tranh tư tưởng thì cô ta đã xoay lại, mỉa mai bà đồng: “Duệ Âm, ta đã nói rồi. Không có Thanh Phù, ngươi chỉ là đồ bỏ đi.”
Bà đồng siết chặt tay đè nén cơn giận nhưng lại không nói gì. Cô ta đã biến mất, điện đóm trong nhà lại sáng choang như cũ. Tôi tự hỏi rằng liệu tôi có nên tiếp tục tin bà đồng hay không đây? Mặc kệ thôi, tôi đi cứu hai người kia trước.
“Bà đồng, đi được rồi chứ? Nếu được đến giúp tôi với.”
Tôi gọi bà đồng vì không tài nào đẩy nổi cánh cửa từ phía trong, cũng không có bất cứ cơ quan nào để mở cửa. Không ngờ bà đồng còn chưa tới thì bên ngoài đã có người mở cửa.
“Di Di, em ổn chứ?”
Là Cảnh Dã mở cửa, anh ấy mặt mày bầm tím, cái nhan sắc mỹ nam triệt để tiêu tùng. Nhưng mà, tôi vẫn còn rất giận, tôi không hiểu vì sao tôi bị bóp cổ gần chết mà anh vẫn không quan tâm. Nhưng người khác bị, anh ấy liền nhiệt huyết như thế. Tôi lườm ngang: “Không chết được!”
Cảnh Dã ngu ngơ không hiểu chuyện gì, và tôi rất thích cảm giác này. Đi ngang qua Cảnh Dã đến chỗ Phàn Vĩ, than ôi cậu chàng bị thương còn dã man hơn lần trước. Tôi run rẩy lục lọi di động của cậu ấy để gọi cấp cứu, nhưng mà di động cũng vỡ tan tành rồi. Tim tôi đau quá, sao tôi lại đau lòng khi thấy Phàn Vĩ bị thương thế này. Cứ như, tôi của lúc này không phải là tôi nữa.
“Cảnh Dã, mau gọi cứu thương đi!”
Tôi khóc rồi, cứ thế dùng ánh mắt như người tôi yêu sắp chết cầu cứu người xung quanh vậy. Cảnh Dã ánh mắt nhìn tôi đượm buồn, anh không nói gì, chỉ lẳng lặng lấy di động gọi cứu thương. Bà đồng đã đi qua lấy khăn tay lau các vết máu trên mặt Cảnh Dã, vừa hỏi han: “Bác sĩ Cảnh Dã, không sao chứ?”
Cảnh Dã không đếm xỉa bà đồng và cũng né tránh tay bà. Anh ấy chỉ nhìn về tôi, một ánh mắt rất lạ, ánh mắt mà bấy lâu nay tôi chưa từng thấy. Tôi cũng không biết rốt cuộc bản thân bị làm sao, tôi đáng ra phải đau lòng vì Cảnh Dã chứ. Có phải việc đốt hai bức hoạ kia có ảnh hưởng gì đến tôi hay không, thân xác này của tôi, đã dần dần bị chiếm lĩnh rồi sao.
Xe cứu thương đến rồi, nhân viên y tế đã đem Phàn Vĩ và bà thím giúp việc đi, còn khuyên Cảnh Dã nên đến bệnh viện nhưng anh ấy từ chối. Tôi mệt nhoài cả thể xác lẫn tinh thần, vừa định chống tay đứng dậy thì đột nhiên trên vai tôi đau dữ dội. Tôi khụy xuống thở dốc, Cảnh Dã lo lắng đến đỡ tôi: “Di Di, em nên đến bệnh viện. Nào anh bế em.”
“Mặc kệ em!” Tôi toan xua anh, gắng gượng đứng dậy, ôm cánh vai đau nhức rời khỏi căn nhà. Tâm trạng tôi rối bời, bơ phờ đi thang lang trong vô định. Không biết đi qua bao lâu, tôi bị đám phóng viên vây quanh phỏng vấn. Bọn họ nói về đoạn video gì đó phát tán trên mạng gần đây mà tôi không biết gì cả. Bọn họ vô cùng thô lỗ khác xa với những lần tôi đi cùng quản lí. Tôi sợ hãi không biết phải bám víu vào đâu, xung quanh tôi phóng viên hay cảnh vật đều mù mịt.
Trong lúc tôi rối loạn sợ hãi, tôi cảm nhận được hương thơm thoang thoảng quen thuộc, là mùi nước hoa trên áo khoác của Cảnh Dã. Cảnh Dã dùng áo khoác của anh phủ lên đầu tôi, sau đó ôm lấy tôi đưa khỏi đám phóng viên. Cảnh Dã không đi cùng tôi mà bắt taxi chở tôi về ngôi nhà cổ.
Tôi xuống taxi, lẩn thẩn vào nhà. Dù sao đây cũng là ngôi nhà tôi đã bỏ cả đống tiền để mua mà, phải ở thôi. Căn phòng kia không ở được nữa rồi, tôi di chuyển chăn gối sang phòng khác ở tạm. Vì di động của tôi hỏng bét rồi nên tôi dùng điện thoại bàn có sẵn gọi cho bà đồng, hỏi thăm về Phàn Vĩ.
“Sao cô biết tôi sẽ đi theo Phàn Vĩ?”
Bà đồng có chút không vui nói, tôi thở dài: “Tôi đoán thế.”
“Tôi sẽ lo cho cậu ta, cô yên tâm đi. Nhưng mà cô ở một mình nhất định phải cẩn thận.”
“Sao bà biết tôi ở một mình?”
“Tôi biết hết! Tóm lại cô hãy cẩn thận.”
Cuộc đối thoại không dài, tôi cúp máy, cảm thấy đói nên đã nấu một nồi mỳ. Sau khi ăn xong tôi đã quét dọn khắp nhà, còn chăm sóc mấy luống hoa đến tận buổi chiều. Đợi đến sau khi tôi ăn bữa tối Cảnh Dã vẫn không về, tôi đành lên giường ngủ.
Trong nhà có một chiếc máy phát nhạc đặt trong phòng khách, tuy rằng không phải loại cát xét cũ kĩ nhưng là đồ cổ tôi đều dị ứng không muốn nghe. Tôi lên giường lúc 10 giờ tối, nằm trằn trọc một lúc cuối cùng cũng ngủ thiếp đi. Nhưng không lâu sau đó, vì thời tiết có chút nóng, phòng không có điều hoà nên tôi đã tung chăn và thòng chân xuống đất. Kết quả chưa mát được bao lâu thì tôi cảm thấy chân mình lạnh toát, là giống như bị ai đó nắm chân, bàn tay đó lạnh như băng.
Tôi mở to hai mắt và tỉnh hẳn ngồi bật dậy nhìn xuống. Dưới đất, đứa trẻ xuất hiện trong nhà ông lão lúc trưa lại đến. Nó đang nắm chân tôi và cười khúc khích, vẫn là mặt trắng môi đỏ trông vô cùng kinh dị. Tôi chửi một tiếng “mẹ kiếp” rồi vung chân đá nó, đứa trẻ lại tháo chạy như lần trước. Tôi không có thứ gì trong tay, đành cầm lấy đồng hồ trên bàn, xỏ dép xuống giường chạy theo nó.
Lần này trong nhà có đèn lờ mờ, nên tôi đã thấy đứa trẻ đó bay trên mặt đất. Nó bay ra khỏi phòng, hướng đến phòng khách thì mất dấu. Tôi lúc này mới nhìn đồng hồ trong tay, nó đã chễm chệ 0h. Lại là 0h, phía sau lưng tôi rục rịch tiếng gì đó. Tôi quay lại, đối diện chiếc máy phát nhạc, nó đang khởi động. Phía sau tôi lại có tiếng động, tôi lại xoay người, không có ai.
Có tiếng nhạc từ phía sau vang lên, là giai điệu ấy, U cấu chi vãng sinh. Tôi đối diện, nó im lặng. Tôi quay lưng, nó phát nhạc.