Đọc truyện Tận Cùng Là Cái Chết – Chương 9
Imhotep ngồi đối diện với Esa:
– Tất cả bọn chúng nó đều thuật lại giống như nhau. – Giọng ông chua chát.
Esa bảo:
– Ít nhất đó là một điều thuận tiện.
– Thuận tiện – thuận tiện? Mẹ dùng tiếng gì kỳ quặc thật.
Esa cười lên một tiếng khô khan:
– Mẹ biết mẹ nói gì, con ạ!
– Chúng có nói thật không, đó là điều mà con phải quyết định. – Imhotep tư lự.
– Con khó có thể là nữ thần Maat. Cũng không thể là thần Cumbia để có thể đặt trái tim con người ta lên bàn cân.
– Có phải là một tai nạn không? – Imhotep lắc lắc đầu – Con không thể không nhớ rằng việc con công bố ý định con trong thư với mấy đứa con vô ơn của con có thể đã khơi dậy lên một số tình cảm phẫn nộ nào đó.
Esa đáp:
– Quả vậy. Thư của con đã gây ra những phẫn nộ. Chúng gào lên như vậy trong phòng khách mà mẹ ở đây cũng có thể nghe thấy. À nhân tiện, mẹ muốn hỏi, đó có phải là những ý định thật sự của con không?
Imhotep nói nhỏ, giọng ông hơi bối rối:
– Con viết trong khi đang tức giận – một sự tức giận rất chính đáng. Tụi con cái con đáng phải cho một bài học.
– Nói cách khác – Esa thêm – Con chỉ muốn dọa chúng, phải vậy không?
– Mẹ ạ, điều đó bây giờ có quan trọng gì nữa đâu.
– Mẹ biết, thế là con không hiểu con muốn làm gì. Con vẫn suy tưởng lộn xộn như thường lệ.
Imhotep cố gắng lắm mới kiềm hãm được cơn bực tức.
– Con chỉ muốn nói rằng những chuyện như thế không được xảy ra nữa. Còn bây giờ thì cái chết của Nofret mới là vấn đề. Nếu như con biết rằng một đứa nào trong gia đình này có thể dám bạo nghịch như thế, và có thể giận quá hóa cuồng mà làm hại đến cô gái, thì con, con thật sự cũng không biết con sẽ phải làm gì!
– Vậy thì thật là may mắn khi tất cả chúng nó đều thuật lại y như nhau! Không có đứa nào nói đến chuyện khác chứ, Imhotep?
– Chắc chắn là không, mẹ ạ.
– Thế thì tại sao con không xem chuyện này chấm dứt đi? Đúng ra con phải đem đứa con gái ấy đi theo con như mẹ đã bảo con mà con không nghe.
– Như thế chính mẹ, mẹ cũng tin rằng…
Esa nhấn mạnh:
– Mẹ tin những gì chúng kể cho mẹ, trừ khi nó mâu thuẫn với những gì chính mắt mẹ thấy (mà mắt mẹ thì ngày nay mờ lắm rồi) hay với những gì bằng chính tai mẹ nghe. Mẹ nghĩ rằng con đã cật vấn Henet? Thế mụ ta nói gì về việc này?
– Mụ sầu thảm, hết sức sầu thảm – vì con.
Esa nhướng mày:
– Thế hả? Con làm mẹ ngạc nhiên.
Imhotep nói với vẻ ấm lòng:
– Henet rất nhiều tình cảm.
– Hoàn toàn đúng. Tình cảm mụ ta chắc còn nhiều hơn cái miệng của mụ nữa. Nhưng nếu phản ứng duy nhất của mụ trước sự mất mát của con chỉ là đau buồn, thì chắc chắn mẹ sẽ xem sự việc này như kết thúc. Có rất nhiều công việc khác con cần tập trung chú ý hơn.
– Phải, quả vậy! – Imhotep đứng lên với một bộ điệu huênh hoang, trang trọng – Yahmose hiện đang đợi con ngoài sảnh với rất nhiều công chuyện chờ con giải quyết. Có rất nhiều chuyện đang chờ con quyết định. Đúng như mẹ nói, nỗi đau khổ riêng tư không được quyền chiếm chỗ của những chức năng chính của đời sống.
Ông vội vã đi ra.
Esa mỉm cười một lúc, một nụ cười thoáng vẻ giễu cợt, rồi khuôn mặt bà trở thành nghiêm trọng. Bà thở dài và khe khẽ lắc đầu.
II
Yahmose cùng với Kameni đợi cha anh ở khách sảnh. Còn Hori, như Yahmose giải thích, thì đi coi sóc các người tẩm liệm và tống tán đang bận tíu tít trong việc sửa soạn tang lễ.
Khi nghe tin về cái chết của Nofret, Imhotep phải đi mất vài tuần mới về đến nhà, và hiện giờ mọi việc sửa soạn tang lễ đã xong xuôi. Thân thể người chết được nhúng trong nước hoa, được sửa sang lại cho lành lặn, sau đó rửa bằng dầu và muối, rồi được quấn chặt lại và đặt vào trong quan tài.
Yahmose giải thích cho cha rõ là anh đã dành sẵn một căn phòng đá nhỏ trong Lăng để quàng linh cữu của chính Imhotep sau này. Anh đi vào chi tiết tỉ mỉ những công việc anh đã dặn bọn phu và Imhotep gật đầu đồng ý.
– Con làm tốt lắm, Yahmose ạ. – Ông nói dịu dàng – Con đã tỏ ra có phán đoán rất đúng, và có trí óc minh mẫn.
Yahmose hơi đỏ mặt.
Imhotep tiếp:
– Các thầy Ipi và Masu là những người tống táng hoang phí quá. Chẳng hạn, những cái bình Canopic kia, cha thấy đắt tiền quá. Không cần thiết phải phung phí quá đáng như vậy. Tiền chi phí một số việc cha thấy quá cao đấy. Đó là điều tệ nhất của các người lo việc tống táng. Họ cứ cho rằng họ định giá bao nhiêu cũng được. Nếu chúng ta đi thuê những thầy tống táng ít danh tiếng thì giá cả sẽ rẻ hơn nhiều.
Yahmose đáp lời cha:
– Khi cha vắng, con đã phải quyết định những vấn đề này. Sở dĩ con phải thuê những người này vì con nghĩ rằng phải dành tất cả danh dự cho một người vợ hầu mà cha rất yêu thương.
Imhotep gật đầu, vỗ lên vai Yahmose:
– Đó là một khuyết điểm nhỏ của một việc làm đúng, con ạ. Cha biết con vốn rất thận trọng trong vấn đề tiền bạc. Cha cũng biết sở dĩ con phải chi phí vô ích thế này là để làm cha hài lòng. Thật tình, cha đâu có phải giàu ức vạn gì cho cam và nói cho cùng, e hèm, một nàng hầu thì cũng chỉ là một nàng hầu thôi. Cha nghĩ, mình sẽ xem lại những món đồ tống táng quá đắt kia, và để xem, có cách nào cắt giảm bớt chi phí không… Kameni hãy đọc lên những món đồ và giá cả của chúng xem nào…
Kameni lật cuộn giấy.
Yahmose thở dài nhẹ nhõm.
III
Kait đi chậm rãi từ nhà ra hồ, cô ngừng lại nơi đám đàn bà và trẻ con đang chơi giữa sân.
– Chị nói đúng, chị Satipy ạ – Cô nói – Một con vợ hầu chết thì không giống như một con vợ hầu còn sống!
Satipy nhìn lên cô, cặp mắt đờ dẫn như không nìn thấy gì. Chính Renisenb hỏi Kait:
– Chị Kait, chị muốn nói gì vậy?
– Đối với một con hầu còn sống, bao nhiêu cũng chưa vừa đủ: áo quần, tư trang, cả tài sản thừa kế của cháu của Imhotep nữa kia! Nhưng bây giờ thì Imhotep đang bận lo cắt giảm chi phí của việc tống táng. Nói cho cùng, tại sao phí tiền cho một người đàn bà đã chết? Chị nói đúng quá chị Satipy ạ.
Satipy thì thào:
– Tôi nói gì nhỉ? Tôi quên mất rồi.
– Thế là tốt – Kait đồng ý – Tôi, tôi cũng quên rồi. Và Renisenb cũng vậy.
Renisenb nhìn Kait không nói gì. Có một cái gì đó trong giọng nói của Kait – có vẻ gì hơi đe dọa – làm nàng thấy khó chịu. Nàng đã quen nghĩ rằng Kait là một người đàn bà hơi đần độn – dịu dàng nhưng lệ thuộc – hầu như nhút nhát. Thế mà chính cái cô Kait thầm lặng đó giờ đây lại có vẻ như đang khống chế Satipy.
Thế nhưng, Renisenb thầm nghĩ, con người ta đâu có thay đổi tính tình nhỉ, hay quả thật họ có thay đổi? Nàng cảm thấy bối rối. Có phải Kait và Satipy đã thật sự thay đổi trong vài tuần trở lại đây, hay sự thay đổi nơi người này là kết quả của sự thay đổi nơi người kia? Có phải Kait đã thật sự trở nên chủ động, đàn áp hơn, hay chính cô chỉ có vẻ như thế bên cạnh sự suy sụp đột ngột của Satipy?
Satipy thì rõ ràng thay đổi. Cô không còn cất cao giọng với những âm thanh chì chiết quen thuộc. Cô lê la quanh sân và quanh nhà với một vẻ nóng nảy, run rẩy, hoàn toàn xa lạ với cái vẻ tự tin thường ngày của cô. Thoạt đầu, Renisenb cho rằng sự thay đổi ấy là do sự xúc động về cái chết của Nofret, nhưng làm sao mà chấp nhận được rằng cái xúc cảm đó lại kéo dài lâu đến như vậy? Renisenb không thể không nghĩ hẳn Satipy phải vui mừng ríu rít về cái chết đột ngột của Nofret, thế mà Satipy lại run rẩy mỗi khi có ai nhắc đến tên Nofret. Ngay cả Yahmose cũng khỏi bị cô đay nghiến, ngược đãi, và kết quả là anh bắt đầu tỏ ra có phong cách tự chủ, quyết đoán hơn. Dầu sao đi nữa, sự thay đổi tính tình của Satipy cũng đem lại những điều tốt, hay ít ra Renisenb cũng giả định như vậy. Thế nhưng có một cái gì đó làm nàng mơ hồ cảm thấy không thoải mái…
Đột nhiên, nàng chợt nhận thấy Kait chăm chăm nhìn nàng, đôi mày chau lại. Nàng nhận thức rằng Kait đang chờ đợi nàng một tiếng gì tỏ dấu đồng tình với điều cô ta vừa nói.
Kait lập lại:
– Renisenb cũng đã quên hết.
Renisenb chợt thấy một cơn giận trào lên trong nàng. Kait hay Satipy hay ai đi nữa cũng không có quyền gì ra lệnh cho nàng phải nhớ hoặc phải quên điều này điều nọ. Nàng quay lại chăm chăm nhìn Kait với một thoáng thách thức. Kait nói:
– Đàn bà trong nhà phải về phe với nhau.
Renisenb tìm thấy giọng nói của mình. Nàng nói rõ ràng và thách thức:
– Tại sao?
– Bởi vì lợi ích của chúng mình là một.
Renisenb lắc đầu một cách giận dữ. Nàng nghĩ một cách bối rối: “Mình là một con người cũng như là một phụ nữ. Mình là Renisenb”.
Và nàng nói lớn:
– Không đơn giản như vậy đâu.
– Có phải cô muốn gây khó khăn không Renisenb?
– Không. Nhận tiện, chị muốn nói gì khi nói “gây khó khăn” nhỉ?
– Mọi điều được nói trong khách sảnh hôm nọ phải được quên đi hết.
Renisenb bật cười:
– Chị ngốc lắm, chị Kait ạ. Bọn đầy tớ, bọn nô lệ, cả bà nội nữa đều nghe cả. Tại sao lại giả vờ như không có gì xảy ra trong khi điều đó đã xảy ra?
Satipy chen vào bằng một giọng buồn tẻ:
– Lúc ấy chúng tôi giận, chúng tôi không thật sự nghĩ như đã nói.
Rồi cô thêm bằng một giọng nói bực bội:
– Thím Kait, chúng mình đừng bàn chuyện đó nữa. Nếu Renisenb muốn gây khó khăn, cứ để mặc cô ấy.
– Em không muốn gây khó khăn gì cả – Renisenb đáp – Như giả vờ như thế thật ngốc.
Kait đáp:
– Không ngốc đâu. Đó là khôn ngoan đấy. Chính cô cũng có Teti để phải thận trọng.
– Teti thì ổn rồi.
– Mọi thứ đều ổn thôi. Khi mà giờ đây Nofret đã chết – Kait mỉm cười.
Đó là một nụ cười điềm đạm, yên tĩnh, thỏa mãn – và một lần nữa, một làn sóng phẫn nộ dâng lên trong người Renisenb.
Tuy vậy điều Kait nói là đúng. Giờ đây khi mà Nofret đã chết, mọi thứ đều ổn thỏa cả.
Satipy, Kait, chính nàng, bọn nhỏ… Tất cả đều an toàn, bảo đảm, không có một đe dọa gì trong tương lai. Kẻ lạ mặt phá bĩnh, làm xáo trộn, đe dọa đã ra đi – vĩnh viễn.
Thế thì tại sao nàng vẫn còn bị cuốn hút cái mối xung động về Nofret mà chính nàng cũng không hiểu.
Tại sao nàng lại mang cái tình cảm biện hộ cho cô gái đã chết, người mà nàng không thích? Tại sao nơi nàng lại gợn lên một sự thương hại – một cái gì đó hơn là sự thương hại – một cái gì đó hầu như là một sự cảm thông.
Renisenb lắc đầu bối rối. Ngồi lại bên bờ hồ khi những người kia đã đi vào nhà hết, nàng cố gắng một cách vô vọng để hiểu sự hỗn độn trong tâm trí mình.
Mặt trời xuống thấp khi Hori đi ngang qua sân, trông thấy nàng và ngồi lại bên cạnh.
– Muộn rồi, Renisenb. Mặt trời đang lặn. Cô nên đi vào nhà đi.
Giọng nói trang nghiêm, êm ả của anh làm nàng yên lòng như thường lệ. Nàng quay lại nhìn anh với một câu hỏi.
– Có phải tụi phụ nữ trong nhà chúng em phải liên kết với nhau không anh?
– Ai vừa nói với cô điều đó vậy Renisenb?
– Chị Kait. Chị ấy và Satipy…
– Còn cô. Cô muốn nghĩ đến chính cô?
– Ồ… nghĩ? Em không biết nghĩ thế nào nữa, anh Hori ạ. Một thứ đều hỗn độn trong đầu em. Mọi người đều hỗn loạn cả. Mọi người đều khác với cái mà em nghĩ về họ. Như chị Satipy mà em luôn luôn nghĩ rằng chị là một con người táo bạo, quả quyết, áp chế, nhưng giờ đây chị ấy yếu ớt, dao động, nhút nhát nữa. Vậy thì đâu là chị Satipy thật? Người ta không thể thay đổi như thế trong một ngày.
– Trong một ngày, không đâu.
– Còn chị Kait nữa. Chị ấy trước đây ôn hòa, khuất phục và mọi người ngược đãi chị. Thế mà bây giờ chị ấy lại khống chế tất cả bọn chúng em. Ngay cả anh Sobek cũng có vẻ sợ chị ấy. Cả anh Yahmose cũng khác đi. Anh ấy ra lệnh và đợi người ta tuân theo.
– Tất cả những điều ấy làm cho cô rối trí sao, Renisenb?
– Vâng. Bởi vì em không hiểu gì hết. Đôi khi em cảm thấy ngay cả mụ Henet cũng hoàn toàn khác với vẻ bề ngoài của mụ ta.
Renisenb cười như thể đó là một điều vô lý. Hori không cười theo nàng. Khuôn mặt anh vẫn giữ vẻ trang nghiêm và trầm tư.
– Trước đây cô chưa bao giờ suy nghĩ nhiều về con người phải không Renisenb? Nếu có suy nghĩ hẳn cô sẽ nhận thức rằng… – Anh ngừng một lúc rồi lại nói tiếp – Cô có biết rằng trong tất cả lăng mộ luôn luôn có một cánh cửa giả?
Renisenb nhìn anh đăm đăm:
– Vâng, em biết chứ!
– Vậy thì con người ta cũng giống như vậy đó. Họ tự tạo ra những cánh cửa giả để đánh lừa. Nếu họ ý thức được về sự yếu đuối, sự bất túc của mình, họ sẽ làm một cánh cửa đồ sộ của lòng tự tin, của sự phách lối, của quyền lực tràn đầy… và sau một thời gian, chính họ đi đến chỗ tin điều đó là thực. Họ tưởng và mọi người đều tưởng rằng họ là như thế. Nhưng, Renisenb ạ, đằng sau cánh cửa ấy là tảng đá trơ trụi. Và khi thực tế đến va chạm vào họ thì cái bản ngã chân thực của họ chợt tự hiện ra. Đối với Kait, sự dịu dàng, sự khuất phục đem lại cho cô những gì cô mong ước, chồng con chẳng hạn. Sự khờ dại làm cho đời sống dễ chịu đối với cô. Nhưng khi thực tế dưới hình thức một nỗi nguy hiểm đe dọa thì bản tính thật của cô ta xuất hiện. Cô ta không thay đổi đâu, Renisenb ạ, sức mạnh đó, tính tàn nhẫn đó có sẵn nơi người cô ta.
Renisenb nói một cách trẻ con:
– Nhưng em không thích thế anh Hori ạ. Nó làm em sợ hãi. Mọi người đều khác với điều em nghĩ về họ. Và còn em thì sao? Em luôn luôn như cũ mà.
– Có thật không? – Hori mỉm cười – Thế thì tại sao cô lại ngồi ở đây hàng giờ, trán cô nhăn lại, phiền muộn và suy tư? Có phải cái cô Renisenb ngày xưa – cái cô Renisenb ra đi với Khay ấy – đã từng làm như vậy?
– Ồ, không! Anh không cần phải… – Cô ngừng lại.
– Cô thấy không? Chính cô vừa nói ra điều ấy. Cái tiếng của thực tại: cần! Cô không còn là đứa bé hạnh phúc, vô tư như vẻ bề ngoài của cô, cô không chấp nhận mọi vật theo giá trị bề mặt của chúng. Cô cũng không phải chỉ là một phụ nữ trong nhà – cô là Renisenb, người muốn tự mình suy nghĩ, người đặt vấn đề về kẻ khác…
Renisenb nói chậm rãi.
– Em đã từng tự hỏi về Nofret…
– Cô tự hỏi về vấn đề gì?
– Em tự hỏi tại sao em không thể quên cô ta… Cô ấy xấu xa và độc ác, cô ấy cố sức làm hại chúng ta và cô đã chết. Thế tại sao em không thể bỏ rơi chuyện ấy tại đó?
– Cô không thể?
– Vâng. Em đã cố – nhưng… – Renisenb ngừng lại. Cô đưa tay quyệt mắt một cách bối rối – Anh Hori ạ, đôi khi em cảm thấy biết Nofret.
– Biết? Cô muốn nói gì?
– Em không thể giải thích. Nhưng thỉnh thoảng ý tưởng đó đến với em – hầu như cô ta có mặt tại đây, bên cạnh em. Em cảm thấy, hầu như em là cô ấy vậy. Dường như em biết những gì cô ấy cảm thấy. Anh Hori ạ, cô ấy rất bất hạnh, bây giờ thì em biết, mặc dù lúc đó em không biết. Cô ấy muốn làm tổn thương tất cả chúng ta bởi vì cô ấy rất bất hạnh.
– Cô không thể biết được điều đó đâu, Renisenb ạ.
– Vâng, dĩ nhiên là em không thể biết, nhưng đó là những gì em cảm thấy. Cái nỗi thống khổ, cái sự chua chát, cái lòng thù hận đen tối ấy – em thấy rõ một lần nọ trên nét mặt cô ta, và em đã không hiểu! Hẳn là cô ta đã yêu một người nào đó và rồi một điều không hay gì đó xảy ra – có lẽ anh ta chết… hay đi xa – và đã để lại cô ta như vậy: muốn xúc phạm, muốn làm tổn thương người khác. Mặc, anh muốn nghĩ sao thì nghĩ, em biết chắc là em đúng! Cô ta trở thành vợ hầu của một ông già – cha em. Cô ta đến đây, và tất cả chúng ta đều ghét cô ta. Và cô ta nghĩ cô ta sẽ làm cho tất cả chúng chúng ta cũng bất hạnh như cô. Vâng, như vậy đấy!
Hori nhìn cô một cách tò mò:
– Cô có vẻ chắc chắn lắm, Renisenb ạ. Tuy thế cô không biết gì rõ về Nofret.
– Nhưng em cảm thấy điều ấy là đúng, anh Hori ạ. Em cảm thấy cô ta, Nofret. Đôi khi, em cảm thấy cô ta sát cạnh em…
– Tôi hiểu.
Im lặng một lúc lâu. Bây giờ trời hoàn toàn tối. Rồi Hori nói lặng lẽ:
– Có phải cô tin rằng Nofret không chết vì tai nạn? Cô nghĩ rằng cô ta bị ném xuống?
Renisenb cảm thấy một mối mâu thuẫn cuồng nhiệt khi ý tưởng của nàng bị Hori nói ra thành lời.
– Không, không, anh đừng nói điều đó.
– Nhưng Renisenb ạ, tôi nghĩ ta nên nói ra một khi nó đã nằm trong đầu cô. Có phải quả thật cô nghĩ như vậy?
– Em… ơ… vâng.
Hori cúi đầu ngẫm nghĩ. Rồi anh tiếp:
– Và cô nghĩ rằng Sobek làm điều đó?
– Có thể là ai khác được chứ? Anh còn nhớ anh Sobek với con rắn không? Anh còn nhớ anh ấy nói gì ngày hôm ấy – ngày cô ta chết, trước khi anh ấy rời phòng khách?
– Có, tôi nhớ điều anh ta nói. Nhưng không phải luôn luôn người nói nhiều nhất là làm nhiều nhất.
– Thế anh không tin rằng Nofret bị giết?
– Có chứ, Renisenb, tôi tin vậy… Nhưng nói cho cùng, đó cũng chỉ là một ý kiến. Tôi không có một chứng cớ nào cả. Và tôi cũng không nghĩ rằng sẽ có thể có một chứng cớ nào. Đó là lý do tại sao tôi cố gắng khuyến khích ông Imhotep chấp nhận cách giải thích rằng đó là một tai nạn. Nếu như quả có một người nào đó đẩy Nofret té xuống, chúng ta sẽ không bao giờ biết người đó là ai.
– Nghĩa là anh muốn nói anh không nghĩ là anh Sobek?
– Tôi không nghĩ vậy. Nhưng như tôi đã nói, chúng ta không thể biết được. Vì thế tốt nhất là đừng nghĩ đến chuyện đó nữa.
– Nhưng… nếu không phải là anh Sobek… thì anh nghĩ là ai?
Hori lắc đầu:
– Nếu tôi có một ý nghĩ nào đó thì cũng có thể đó là một sai lầm. Vậy tốt hơn hết không nên, không nên nói ra…
– Nhưng thế thì… chúng ta sẽ không bao giờ biết cả. – Có một vẻ gì thất vọng trong giọng nói của Renisenb.
Hori lưỡng lự:
– Có lẽ, đó là điều tốt hơn hết.
– Tốt hơn hết là không biết.
– Ừ, không biết.
Renisenb chợt rùng mình:
– Nhưng, anh Hori ơi, em sợ quá