Bạn đang đọc Tám Năm Có Bao Nhiêu Hoài Niệm – Lanra7 – Chương 31: 31. Chị Người Yêu
Mấy bữa trước mà được nghe Niệm gọi chị ngọt ngào như này chắc chị sẽ sướng tai lắm đấy, tiếc rằng bây giờ ruột gan đang não nề đâm ra chẳng vui nổi. Chị kêu Niệm biến ra ngoài chơi để chị còn dọn dẹp, cơ mà cái thằng bướng bỉnh này nó đâu có chịu, nó cứ ở lì bên chị, cằm tựa vai chị, đợi chị rửa bát xong thì lăng xăng đem đi úp. Úp xong liền nhấc bổng chị lên vác ra phòng khách.
– Chị người yêu vẫn còn ghét Niệm ạ?
Còn giả bộ “ạ” đầy lễ phép nữa chứ, rõ ghét.
– Buông ra, đây còn chưa lau tay.
– Chị lau luôn vào áo Niệm cũng được ạ.
Chả cần đợi chị đồng ý, Niệm đã cầm tay chị bỏ vào vạt áo mình cẩn thận lau lau chùi chùi.
– Sạch rồi chị Hoài ạ. Chị đừng buồn Niệm nữa có được không? Từ giờ Niệm hứa sẽ ngoan mà!
Niệm làm bộ mặt đáng thương hại lòng chị mềm nhũn. Nó còn cứ cố dụi đầu vào người chị, tay ranh mãnh chạm tới viên ngọc trai hồng hồng, đùa nghịch chán chê rồi khẽ đẩy lên, dùng môi dây dưa không rời. Chân tay chị bột bạt không sao mà đẩy nó ra nổi. Lồng ngực chị căng cứng theo từng chiếc hôn của Niệm, chị không thể phủ nhận được rằng cơ thể chị bị những yêu thương nơi ấy làm cho tê dại. Niệm hôn chị rất ngọt, bất cứ phần da dẻ nào của chị bị Niệm chạm tới đều ngay tức khắc chuyển sang một màu ửng đỏ đầy e thẹn. Mỗi lần nơi sâu thẳm trong chị bao bọc lấy Niệm trái tim chị lại thổn thức. Chị thầm chửi rủa chính mình, chị bị điên rồi, điên nặng. Chị bật khóc, nghẹn ngào, tức tưởi. Niệm ngay lập tức rời khỏi chị, hốt hoảng vỗ má chị dỗ dành. Chị gạt tay cậu, mếu máo đòi công bằng:
– Trả lại ba Hùng của ngày xưa cho đây! Trả lại đi!
– Đấy…đấy nói linh tinh gì vậy?
– Đấy có biết sống ở nhà đó khổ như nào không? Sáng dậy từ sớm tinh mơ quét sân quét vườn nấu cơm cho cả gia đình, hôm nào có giỗ thì rửa bát tới nửa đêm, những lần Bông ốm cũng chẳng ai đỡ cả, cứ một mình đây ôm con đung đưa quanh nhà, cả đêm cũng không được chợp mắt xíu nào.
Chị nức nở kể lại, cậu ôm chị vỗ về:
– Thôi mà…qua rồi mà…đây xin…
– Đấy có biết đây lấy phải thằng chồng tệ như thế nào không? Ngoài dẻo miệng ra thì nhát, hèn, ra đường bị ai bắt nạt, gặp chuyện gì khó cũng về méc vợ, nhờ vợ giải quyết thay. Đây vừa làm vợ, vừa làm chồng luôn. Hết lòng hết sức như vậy mà lão có thể ngoại tình được, để bây giờ đây đi đâu người ta cũng dè bỉu là gái một đời chồng. Ừ, gái một đời chồng thì làm sao mà có giá bằng gái tân cơ chứ?
Cậu não nề hôn trán chị rồi đưa tay lau nước mắt người thương, chị ấm ức gạt cậu ra.
– Đấy có biết đây làm thụ tinh nhân tạo đau đến như nào không? Đấy có biết bao nhiêu lần kim chọc nó buốt nó nhức đến tận óc không? Chắc đấy không biết đâu…vì đấy đang hạnh phúc bên Mỹ với Đan mà…đấy quan tâm gì đến đây đâu? Giá như lúc đó đấy chịu nghe điện thoại của đây…mà không…giá như đấy đừng gây tai nạn…
– Đấy…đấy vừa nói gì?
Giọng Niệm run run, chị nóng máu quát lớn:
– Đừng nói là đấy quên rất nhiều năm trước đấy uống say rồi đâm vào đây với ba đây nhé. Đến giờ này rồi mà đấy còn giả bộ không biết gì à? Diễn giỏi thật đấy! Phục!
Đúng là cậu không biết gì thật, nhưng Hoài tất nhiên không tin cậu. Cô ấy đấm cậu rầm rầm rồi bỏ vào nhà tắm thay đồ, trước khi đi làm thở dài bảo cậu:
– Xin lỗi Niệm, chị biết tuổi trẻ ai cũng có những lúc bồng bột lầm lỡ. Chị cũng biết người lo liệu cho ba chị suốt bao nhiêu năm nay là mẹ cậu chứ không phải anh Hoàng, nhưng chị vẫn không sao tha thứ được. Ba chị đi sai đường, chị thay mặt ba xin lỗi cậu, nhưng hèn đến mức bỏ trốn biệt tích thì cậu cũng nợ chị và ba một lời xin lỗi.
Bỏ trốn biệt tích? Tai nạn? Tai nạn năm đó sao? Không phải là cậu đâm xuống ruộng hay sao? Chính mẹ Kỷ bảo cậu thế mà. Tất cả mọi người xung quanh cậu cũng nói vậy. Tại sao ngày hôm nay Hoài lại kể cho cậu một câu chuyện hoàn toàn khác? Không thể lý giải được mọi việc, cậu đành lao tới gặp Bách hỏi cho ra nhẽ:
– Tôi chỉ hỏi một câu thôi, có phải hay không năm đó tôi đâm vào Hoài và ba Hùng?
– Niệm…tôi…tôi quên rồi…
– Một là cậu nhớ lại, hai là ngay bây giờ tôi cho người đưa Bông Bích đi khỏi tầm mắt cậu, cậu chọn đi.
Ánh mắt Niệm đầy dữ tợn, chơi với nhau bao nhiêu năm cậu thừa hiểu tính bạn, nói được làm được. Lo cho an nguy của vợ con nên cậu buồn buồn thuật lại:
– Dù sao cũng là việc ngoài ý muốn, cậu thì uống say rồi thích thử cảm giác mạnh bằng cách lái xe từ ghế phụ, chú Hùng thì không nhìn thấy biển cấm xe máy, cả hai đều có lỗi nên mọi người nhất trí cho chuyện này vào dĩ vãng.
Sự thật từ Bách khiến cậu choáng váng, cảm giác như có một quả bom vừa nổ tung trong đầu, cậu run run hỏi:
– Sau…sau đó…thì sao?
– Sau đó gia đình chị Hoài rơi vào hoàn cảnh túng quẫn. Mẹ cậu bận bay sang Mỹ chăm cậu nên dì đưa tiền cho anh Hoàng, nhờ anh nộp viện phí cho chú Hùng và trả nợ cho nhà chị. Tôi đoán chị hiểu nhầm số tiền đó là của anh, đồng thời cũng do anh nhiệt tình giúp đỡ trong quãng thời gian chị gặp khó khăn nên chị mới mủi lòng chịu cưới anh. Mẹ cậu thì cậu biết rồi đấy, chút tiền đó với dì rất nhỏ nên trước mặt chị Hoài dì cũng chẳng kể công.
Bách vừa dứt lời thì thấy sắc mặt bạn mình tái mét. Ánh mắt nó bi thương thảm khốc như vừa gặp chấn động tâm lý cực mạnh. Bản tính Niệm rất kiêu ngạo, năm xưa cậu nhớ có lần bác sĩ bảo có khả năng Niệm sẽ bị liệt nửa người, nó chỉ cười nhạt chứ không hề để lộ vẻ yếu đuối của mình trước mặt mọi người. Đây là lần đầu tiên cậu thấy Niệm rơi vào khủng hoảng nặng như vậy, những ngón tay run rẩy mất kiểm soát, đi từ trong nhà ra ngoài cửa mà suýt vấp mấy lần. Cậu cứ đinh ninh rằng Niệm sẽ tìm chị Hoài nói chuyện, ai ngờ lúc tới công ty chẳng thấy nó đâu. Cả mấy ngày sau đó cũng không thấy nó xuất hiện. Niệm biến mất một cách lặng lẽ và chẳng để lại bất cứ một dấu vết nào.
– Chị Hoài nếu biết Niệm đang ở đâu chị nói cho em được không? Có rất nhiều việc cần nó giải quyết.
Cậu Bách tìm chị Hoài hỏi han, chị Hoài thở dài lắc đầu rồi kêu cậu ngồi lại bàn chuyện công việc:
– Đợt trước có lần Hương gán nhãn hàng may thủ công cho áo quần may công nghiệp để dụ khách mua hàng, chị nhắc nhở thì dỗi không thèm quản nữa nhưng lúc chị giao cho người khác làm thì lại đứng đằng sau xúi giục họ dùng chiêu trò bẩn làm ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu. Nhiều lúc chị điên chỉ muốn chửi nhau một trận, nhưng nghĩ kỹ thì dù sao cũng là nơi công sở chứ không phải cái chợ nên chị cố nhẫn nhịn đợi thời cơ thích hợp thay đổi nhân sự.
– Em hiểu, chị Hương tuy rất năng động và biết chớp thời cơ nhưng lại khôn lỏi và thích làm ăn kiểu chộp giật. Em cũng lo kiểu làm việc của chị ấy khó có thể đi đường dài, em đang đào tạo Bích rồi, nếu chị không chê thì đợi vợ em đẻ xong, em sẽ đưa vợ tới phụ giúp chị.
– Ôi dào được thế thì còn gì bằng? Chị chỉ sợ cô vừa đi học vừa đi làm lại con mọn vất vả thôi chứ cô mà làm tốt chị sẽ thay luôn chức Phó Giám đốc.
Chị Hương vô tình nghe được đoạn đối thoại cay không sao tả xiết. Thú thực hôm đó bị Hoài càu nhàu chị đã định không thèm quản nữa, nhưng nghĩ rộng ra tương lai nếu chị lấy Niệm thì kiểu gì công ty may cũng là của chị nên chị lại bày cách giúp anh Bình tăng doanh số. Một người hết lòng tận tuỵ với công ty như chị cớ sao lại bị người ta gièm pha sau lưng, bị người ta tìm cách thay thế? Phải chăng vì chị giỏi hơn Hoài? Vì giỏi nên mới bị ganh ghét. Chị cố gắng kiềm nén, đợi Bách đi rồi liền nở nụ cười tươi như hoa, đem tài liệu vào cho sếp ký. Chị Hoài ký xong cũng chẳng tỏ thái độ gì cả. Mấy hôm nay chị đều làm rất muộn, vì chị sợ về nhà, sợ về căn nhà trống vắng đó. Chị sợ phải đối diện với sự thật là chị nhớ Niệm, nhớ ngay từ đêm đầu tiên Niệm rời khỏi nhà. Hôm đó chị định dọn đồ chuẩn bị chuyển ra ngoài nhưng lúc chị về tới nơi thì nhà trống lắm, đồ của Niệm đã được đem đi hết rồi. Trên giường có hợp đồng chuyển nhượng căn nhà cho chị và một mẩu giấy nhỏ chỉ vỏn vẹn vài chữ:
“Hoài,
Xin lỗi. Thực sự xin lỗi.”
Nước mắt chị rơi xuống, nhoè luôn cả dòng chữ của Niệm. Suốt một đêm dài chị không sao mà ngừng khóc, ngoài khóc ra chị thực sự cũng không biết phải làm sao? Chị chưa từng nghĩ sẽ có lúc chị yếu đuối như vậy, chỉ là một anh người yêu thôi mà, không có anh này thì có anh khác, phải không? Không…không phải đâu…không ai có thể thay thế được Niệm. Chị suy sụp rất nhiều, chiều thứ sáu sau khi họp xong chị gọi điện về trách mẹ Quỳnh, mẹ chị bao biện:
– Nếu chị Hoài không hận người gây tai nạn thì mẹ sẽ không giấu đâu. Với cả mẹ cũng đồng ý với dì Kỷ, Hoài mà biết thì Niệm cũng biết.
– Niệm biết thì sao chứ? Lớn rồi có gan làm thì phải có gan chịu. Dì bao bọc cho nó mãi sao được?
– Không phải, mẹ thấy dì kể rằng thời gian đó Niệm nguy kịch phải đưa ra nước ngoài chữa trị. Nó nằm viện còn lâu hơn con và ba con mà, dì Kỷ chắc xót Niệm, sợ Niệm phải sống trong mặc cảm tội lỗi cả đời nên nhờ mẹ giấu chuyện. Mẹ cũng thấy chuyện qua rồi thì nên cho qua.
Nằm…nằm viện? Chị chợt nhớ tới những nét chữ rắn rỏi của Niệm đằng sau tấm ảnh năm xưa:
“Ngắm lá vàng rơi trong bệnh viện. Đằng đấy đã lấy chồng, chú rể không phải đằng này.”
Một người đang nằm trong bệnh viện thì sao có thể bỏ trốn được cơ chứ? Đó cũng là lý do vì sao năm ấy chị không thể liên lạc được với Niệm ư? Không phải Niệm cố ý bỏ chị ở lại không nói lời từ biệt, mà chính Niệm cũng không biết mình bị đưa sang bên đó. Chị chào mẹ rồi vội chạy qua phòng cậu Bách hỏi chuyện:
– Vụ tai nạn đó…Niệm bị nặng lắm à?
– Vâng, hôn mê mấy tháng liền chị ạ. Lúc tỉnh nghe bác sĩ bảo có khả năng liệt nửa người làm ai cũng sốc. Dì Kỷ xót quá còn ngất lên ngất xuống mấy lần cơ. Dì sợ Niệm thấy day dứt nên thay vì sự thật là đâm vào ba con chị thì dì bắt mọi người nói dối Niệm rằng Niệm đâm xuống ruộng. Niệm vẫn tin là như thế cho tới một ngày chả hiểu nghe phong phanh ở đâu mà nó như thằng rồ lao tới ép em nói sự thật.
– Là…là tại chị…Niệm năm đó…như nào?
Giọng chị run run, cậu Bách thở dài bảo:
– Còn như nào ngoài cố gắng vượt qua thử thách hả chị? Được cái thằng này nghị lực lắm, không bị rơi vào u uất hay trầm cảm như một số bệnh nhân khác. Nó rất nghe lời bác sĩ và kiên trì làm vật lý trị liệu. Thời gian đó nó không chủ động liên lạc với ai hết, ai vào thăm nó cũng chỉ cho ngồi năm mười phút rồi đuổi về, tối ngày lo luyện tập và bồi bổ sức khoẻ. Chắc nhờ ý chí sắt đá nên nó hồi phục một cách thần kỳ, đến bác sĩ còn phải ngạc nhiên mà chị. Tới giờ thì nó đô hơn cả em ý chứ, tiếc mỗi cái là thi thoảng nó vẫn bị đau đầu, chị ở gần nhiều chắc biết?
Chị không biết, rất nhiều lần nằm cạnh Niệm, thấy Niệm chau mày chị hỏi làm sao, nhưng Niệm chỉ bảo:
– Thấy đấy ngứa mắt quá thì khó chịu thôi.
Thế là chị lại đập Niệm ầm ầm, giá như chị có thể tinh tế hơn một chút. Mắt chị nhoè đi, chị nghe Bách kể tiếp:
– Cái ngày Niệm đi lại được như một người bình thường, việc đầu tiên nó làm là đặt vé máy bay để về nước với chị. Khi đó em xót Niệm quá nên đành phải khai thật là chị cưới anh Hoàng rồi. Nó ban đầu còn cười khẩy kêu em đừng đùa dai cơ, đến lúc nhìn ảnh cưới của chị thì sốc khuỵu luôn. Mắt nó đỏ hoe chị ạ, nó vò nát tấm ảnh ném vào thùng rác, lúc lâu sau lại mò lại xé làm đôi, vứt mẩu của anh Hoàng đi còn mẩu của chị nhét vào ví. Nó bị trầm mặc, phải nằm viện điều trị sang chấn tâm lý mất một thời gian dài mới trở lại bình thường được, xong thì bắt đầu lao vào kiếm tiền như một thằng điên, khởi nghiệp ngay lúc còn là sinh viên chị ạ. Làm ăn kinh doanh tất nhiên có dự án thành công rực rỡ thì cũng phải có dự án gặp rủi ro, nhưng tựu chung lại nhờ Niệm khá nhạy bén nên tính tổng doanh thu vẫn khủng lắm. Nếu như Niệm không quyết định về nước thì sự nghiệp bên đó của bọn em còn phát triển nữa.
Nếu như Niệm không về nước thì chị cũng chẳng có ngày hôm nay. Có những người phấn đấu cả đời mới lên được chức quản lý, chị thì chẳng có bằng đại học cũng điềm nhiên ngồi vào ghế Giám đốc. Niệm cho chị tất cả mọi thứ, mái ấm, sự nghiệp và cả sự tự tin. Vậy mà chị chỉ vì một chuyện chưa hiểu rõ đầu đuôi đã gào thét chửi bới Niệm. Chị rệu rã bước từng bước trở về phòng làm việc, nước mắt rơi lã chã ướt đẫm khuôn mặt, chảy tí tách xuống xấp giấy vẽ. Là tập giấy có những nét vẽ linh tinh của Niệm mỗi lần xuống văn phòng đợi chị may đồ. Niệm luôn đợi chị đầy kiên nhẫn như vậy, mua đồ cho chị ăn lót dạ, chở chị về, chăm chị như một đứa nhỏ. Vậy mà chị…chị ác với Niệm quá!
Niệm à,
Hoài xin lỗi. Thực sự xin lỗi. Hoài sai rồi. Niệm ở đâu…về đi được không?
Tại sao Niệm lại khoá máy vậy? Niệm giận chị lắm, phải không? Giận là đúng rồi, ai kêu chị vô tâm như thế? Chị chỉ biết đến những tổn thương của chị, của ba chị mà không biết rằng năm đó Niệm cũng chịu nhiều cay đắng. Niệm sai vì uống rượu, ba chị sai vì không nhìn thấy biển cấm xe máy, vậy còn chị, chị cũng đâu có vô tội? Nếu như chị không thơ thẩn áp mặt vào lưng ba kể chuyện linh tinh, nếu như chị để ý đường hơn một chút để nhắc ba thì đâu đến nông nỗi nào. Đáng nhẽ khi dì Kỷ dặn chị giấu Niệm vụ tai nạn chị phải nghi ngờ rồi mới đúng. Đáng nhẽ khi nghe mọi người nói Niệm nằm viện chị không nên nghĩ đơn giản là cậu bị ốm do thay đổi múi giờ. Là chị tự lựa chọn cưới anh Hoàng nhưng chị lại điềm nhiên đổ tội cho Niệm vì quyết định sai lầm của mình. Chị già rồi mà sao chị nông nổi quá! Hễ nóng giận lại sồn sồn lên chả biết nghĩ trước nghĩ sau, vì thế mới nghi oan cho Niệm, buông những lời tổn thương cậu.
Tại sao chị có thể nghĩ là Niệm sợ tội bỏ trốn được cơ chứ? Cái đợt bình rượu của chú Nhất bị vỡ, chị bảo anh Hoàng về nhà xong định nhận lỗi về mình cho êm chuyện, nhưng rồi chính Niệm lại là người chuyển khoản đền chú bình rượu vỡ thay chị mà. Ngày xưa làm giúp việc nhà cậu thi thoảng chị cũng làm sứt bát mẻ đĩa, mỗi lần như thế Niệm đều nói với dì Kỷ là tại Niệm, dì thương cậu nên chẳng mắng, chỉ dặn lần sau cẩn thận hơn. Còn chị thì được cớ trêu Niệm:
– Eo sao tự dưng đằng ấy lại nhận đánh vỡ bát thế?
– Vì đây thích thế!
Niệm nói kiểu rất kiêu, chị xuyên tạc ý nó:
– Có vẻ đằng ấy thích thể hiện nhỉ?
– Ừ…thích thể hiện đấy…thì sao? Trước mặt gái đẹp ai mà không thích thể hiện?
Niệm nửa đùa nửa thật trêu chị. Hai má chị ngượng hồng, bấu trộm Niệm một cái rồi lí nhí bảo:
– Cứ như là đấy thích đây ý nhờ?
– Nhỡ thích thật thì sao?
Niệm hỏi, chị lại bị ngượng lần hai.
– Thích thật thì hơi bị nguy đấy, gu của đây không phải con nít như đằng ấy đâu.
– Khỏi lo bò trắng răng, gái già như đấy cũng chẳng lọt mắt xanh của đây đâu.
Niệm móc mỉa lại khiến chị phừng phừng giận dữ, cầm chổi đuổi cậu khắp nhà. Ngày ấy hay cãi nhau lắm, nhưng dù có đánh nhau khủng khiếp cỡ nào thì cứ hễ có đồ ngon hay có chuyện gì hay hay vẫn í ới gọi nhau. Năm ấy…thật vui! Năm nay…cũng từng rất vui. Chỉ là, chính chị đã tự tay bóp chết hạnh phúc của mình mất rồi. Chắc Niệm buồn chị lắm, biệt tăm biệt tích như vậy chắc chẳng cần chị nữa rồi, chắc sẽ không tha thứ cho chị đâu. Trẻ như Niệm, giỏi như Niệm, giàu như Niệm thiếu gì gái để hẹn hò mà phải quay về bên chị, một bà già nóng nảy nhiều lời? Chị buồn quá, cứ cách chục phút chị lại thử liên lạc với Niệm mà chẳng ăn thua. Chị không dám gọi cho dì Kỷ hỏi han tình hình, thế nên đành phải nhấn số của Đan.
– Đan ơi em biết Niệm ở đâu không?
– Em không biết chị ạ.
Hoài Đan đáp rồi lạnh lùng dập máy. Đan thích những mẫu thiết kế của chị Hoài, nhưng không thích con người chị. Một người mà đến cả em chồng cũng tán tỉnh thì thử hỏi tôn nghiêm đặt ở đâu? Tuy nhiên Đan cũng thấy tội nghiệp cho chị, tội chị ôm mối tình đơn phương trong vô vọng. Cơ mà không thể vì thương chị mà Đan mủi lòng tiết lộ cho chị Niệm đang ở đâu. Giờ Niệm đang rất bệnh, Niệm cần được nghỉ ngơi. Đan đồng ý với dì Kỷ ngắt điện thoại của Niệm, để Niệm rời xa công việc vài ngày. Dì Kỷ là một người phụ nữ rất rộng lượng, tuy chú Nhất ghét ba Tám nhưng vì Đan ở trong nhóm bạn thân của Niệm nên dì vẫn đối xử rất tốt với Đan. Mấy bữa nay dì còn cho Đan ở lại chăm Niệm cùng dì, tâm sự rất nhiều chuyện với Đan:
– Thằng Hoàng đúng là ác ôn mà, dì đoán chính nó là người làm lộ bí mật vụ tai nạn. Bao nhiêu năm chú dì nâng đỡ nó mà nó ăn cháo đá bát. Cái hôm biết sự thật Niệm lao về nhà trách móc dì rất nhiều, khiến dì đau lòng chảy cả nước mắt. Cơ mà vẫn không đau bằng khoảnh khắc chứng kiến con phải nhập viện lại. Đau buốt ruột buốt gan Đan ạ.
Đan thở dài vỗ vỗ tay dì an ủi, nhìn biểu hiện của Niệm mấy hôm trước chắc đau dữ lắm. Niệm vẫn bị đau đầu mà, vẫn uống thuốc đều đều, nhưng mỗi lần gặp chuyện gì căng thẳng là lại lên cơn đau dữ dội, thuốc thang cũng không lại được. Do Niệm rất giỏi nên ít khi bị nhức đầu bởi công việc kinh doanh, hồi ở nước ngoài Đan chỉ thấy mỗi năm tới tầm tháng tám là Niệm dễ bị xúc động, dễ bị đau nhiều hơn những tháng còn lại. Có lần Đan còn bắt gặp Niệm nhìn chằm chằm vào một bức ảnh đã bị xé làm đôi trong ví với ánh mắt đầy uất hận. Chẳng cần hỏi Đan cũng biết đó là ảnh của Đan, hồi cấp ba có lần giận Niệm nên Đan đã xé đôi ảnh của hai người rồi vứt vào sọt rác. Không ngờ Niệm nhặt lại, và còn không ngờ Niệm vẫn giữ tới giờ. Nếu như ba Tám không ngăn cấm, có lẽ Niệm đã đường đường chính chính đến với Đan và không phải chịu nhiều đau thương đến thế.
– Con nghĩ lần này Niệm buồn nhiều là bởi vì Niệm thấy có lỗi với gia đình chị Hoài, và còn vì Niệm sợ nếu ba con biết Niệm gây ra chuyện tày đình như vậy ba sẽ ghét Niệm, và khoảng cách giữa con và Niệm sẽ ngày một xa.
Dì Kỷ há hốc vì sốc, dì sốt sắng hỏi:
– Cái gì? Con nói thế là có ý gì? Con…và Niệm…hai đứa…hai đứa…bao lâu rồi?