Bạn đang đọc Tam Hạ Nam Đường – Chương 46: Hô Diên Táng đánh phá binh Liêu Dương lịnh công dưới bia tự sát
Lúc này Phan Nhơn Mỹ kéo binh ra khỏi kinh thành, đi được mấy ngày đã đến ải Huỳnh Long hạ trại, phân binh đóng ở các hiểm địa, để cho Hô Diên Táng trấn tại Đông Bích, còn mình thì đồn trú phía tây.
Công việc hoàn thành, Nhơn Mỹ hội các tướng là: Lưu Quân Kỳ, Hạ Quốc Cựu, Trần Chiêu Khánh và Mễ Liện Giáo đến nghị luận. Phan Nhơn Mỹ nói:
– Ta căm hờn bọn cha con Dương Nghiệp bấy lâu mà trả thù chưa được, nay may có cơ hội này ta tính lúc ra binh tìm cách sát hại chúng nó. Nhưng có Hô Diên Táng làm chức Bảo Quân thiệt khó bề tính kế. Mễ Liện Giáo thưa:
– Tiểu tướng có một kế, trước phải trừ Hô Diên Táng, sau mới sát hại bọn Dương Nghiệp được. Phan Nhơn Mỹ nghe nói rất vừa lòng, liền hỏi Mễ Liện Giáo:
– Tướng quân có kế gì hay, xin nói ra cho anh em bàn luận. Mễ Liện Giáo thưa:
– Nay nhơn lúc binh ta mới đến, thế nào tướng Phiên cũng dẫn binh ra áp chiến. Mà lúc này Dương Nghiệp chưa có mặt nơi đây, tướng quân dùng kế ấy mà giao việc binh cho Hô Diên Táng. Ngày nay Hô Diên Táng cũng đã già yếu rồi, làm sao mà cự lại Phiên tướng. Ta cứ án binh không cứu ứng, thì Hô Diên Táng phải chết về tay tướng Phiên.
Phan Nhơn Mỹ y kế, dọn tiệc ăn uống vui chơi. Hôm sau, quả có binh Phiên kéo tới. Quân thám mã chạy về báo, Phan Nhơn Mỹ liền nói với Hô Diên Táng;
– Nay Phiên binh đến đánh ta, mà binh mã Dương tiên phong chưa đến, vậy tướng quân có cớ gì trừ được binh Liêu? Diên Táng nói:
– Trong binh pháp có nói: hễ giặc đến thì tướng ngăn, nước tràn thì lấy đất đắp. Nay chúng ta đã vâng mạng Bệ hạ đi chinh phạt, phải tận trung báo quốc, đánh cùng Phiên bang một trận, cho chúng nó khiếp uy. Phan Nhơn Mỹ nói:
– Vậy là tướng quân ra trận trước, để tôi kéo binh theo cứu ứng.
Hô Diên Táng không ngờ mưu của Phan Nhơn Mỹ, nên lập tức đứng dậy ra khỏi dinh, dẫn binh ra trận. Vừa đến nơi gặp tướng Phiên là Tiêu Tiêu Thát Lại cỡi ngựa cản đường. Hô Diên Táng nạt lớn:
– Đồ rợ Phiên! Mau kéo binh trở về, đừng quen thói hống hách mà bỏ mạng. Tiêu Thát Lại nói:
– Ngươi chớ múa miệng. Không lo thân già lại còn dám ra đây so tài với ta sao?
Thát Lại nói xong, vung dao chém tới. Hai đàn đánh với nhau hơn tám mươi hiệp vẫn không phân thắng bại. Hô Diên Táng muốn lập đại công nên ráng sức đánh vùi làm cho tướng Phiên thua chạy. Hô Diên Táng đuổi theo đến chỗ phục binh thì bị quân Phiên áp tới phủ vây Hô Diên Táng vào giữa. Hô Diên Táng lúc này lúng túng nên không đủ sức chống cự, chỉ còn cách đánh cầm chừng chờ đợi binh sau tiếp ứng.
Bỗng nghe trong rừng thình lình phát ra ba tiếng pháo, thấy một tướng Liêu cầm đầu kéo ra hơn mấy ngàn binh nữa. Hô Diên Táng thất kinh, đánh giải vây mà chạy nhưng đánh hơn mấy chục hiệp vẫn không thoát ra được. Trong lúc đang nguy cấp, Diên Táng nóng lòng đợi quân tiếp ứng, bỗng thấy xa xa có một đạo binh ở phía Đông đang kéo tới, tiếng quân reo inh ỏi. Đó là đạo quân của Dương Nghiệp. Lúc Dương Nghiệp xem thấy binh Phiên đang vây khốn, liền giục ngựa tới kêu lớn:
– Tướng Liêu chớ chạy có binh Dương Nghiệp đến đây.
Tên tướng Liêu này là bộ hạ của Thái Lại tên là Hạ Văn Long, thấy Dương Nghiệp xông ngựa tới thì vội vàng ra cản đầu binh đánh với Dương Nghiệp bị Dương Nghiệp chém một đao đứt làm hai khúc. Ba cha con Dương Nghiệp giục ngựa xông vào trùng vây đánh phá tan hoang, cứu Diên Táng đem trở về dinh. Hô Diên Táng về đến dinh nói với Dương Nghiệp:
– Nếu tôi không nhờ tướng quân đến cứu thì mất mạng rồi. Dương Nghiệp nói:
– Vì tôi đến chậm nên lão tướng nhọc nhằn, xin Tổng quản niệm tình mà miễn tội.
Hô Diên Táng bảo Dương Nghiệp đồn binh tại dinh mình, để hôm sau báo tin cho Phan Nhơn Mỹ. Phan Nhơn Mỹ nghe tin ấy hối hận vô cùng, đòi Lưu Quân Kỳ đến bàn chuyện. Lưu Quân Kỳ nói:
– Dương Nghiệp lãnh chức tiên phong, mà chần chờ đến trễ xin quân sư lấy theo phép nước, bất tội mà hạ sát để trừ mối hận trước kia. Hai người đang chuyện trò thì Dương Nghiệp vào ra mắt Phan Nhơn Mỹ. Phan Nhơn Mỹ hét:
– Quân cơ là việc trọng, sao ngươi dám trễ nải như vậy? Dương Nghiệp đáp:
– Tôi vâng lệnh thánh thượng trở về Hùng Châu kéo binh đến hợp với binh triều, vì vậy nên đến không sớm được. Phan Nhơn Mỹ nghe Dương Nghiệp nói cùng thì nổi giận:
– Ngươi chớ cậy lệnh vua mà cãi lời ta, tội ấy ta không dung.
Nói rồi, liền truyền tả hữu bắt trói Dương Nghiệp đem chém. Tả hữu vâng lệnh áp tới bắt trói. Dương Nghiệp nạt lớn:
– Ta không phải là người sợ chết, mà chết như vậy e khi việc lớn không thành.
Dương Nghiệp nói vừa dứt tiếng, thì có Hô Diên Táng cỡi ngựa đến hét lớn, hỏi Nhơn Mỹ:
– Người lãnh chức Chiêu thảo làm chi mà ta ra giao phong ngươi lại ngồi không, chẳng chịu đem quân ra tiếp ứng. Nếu chẳng có Dương tướng quân thì mạng ta còn gì. Nay ngươi còn dám chuyên quyền đòi chém Dương tướng quân. Ngươi có thấy cây kim giản của ta không? Nếu ngươi không nghe lời, thì cây kim giản này sẽ không tha mạng ngươi.
Phan Nhơn Mỹ lòng như lửa đốt, ngồi làm thinh không dám chống trả. Hô Diên Táng nói rồi dẫn Dương Nghiệp trở về dinh. Phan Nhơn Mỹ xấu hổ với tướng sĩ của mình, trọn ngày không nói một tiếng. Mễ Liện Giáo khuyên:
– Thái sư chớ có lo sầu, tiểu tướng còn một kế nữa, có thể trừ khử Hô Diên Táng và Dương Nghiệp. Phan Nhơn Mỹ lúc này đã bí kế, nên nghe Mễ Liện Giáo nói, tiền hỏi;
– Ông còn kế chi hay nói cho ta nghe thử? Mễ Liên Giáo thưa:
– Trong quân đang thiếu lương thực, xin Thái sư sai Hô Diên Táng trở về vận lương. Nếu nó đi khỏi nơi đây rồi mình kiếm chuyện để bắt tội bọn Dương Nghiệp thì còn ai mà che chở nữa.
Phan Nhơn Mỹ khen hay liền sai Hô Diên Táng trở về vận lương. Diên Táng đang ngồi lo buồn thì Dương Nghiệp bước vào hỏi:
– Chẳng có việc chi mà Tổng quản buồn lo như vậy?
Hô Diên Táng đem chuyện Nhơn Mỹ khiến mình đi vận lương nói lại với Dương Nghiệp. Dương Nghiệp không ngờ âm mưu của Nhơn Mỹ, nên nói:
– Lương thảo là việc quan trọng, nếu lão tướng không đi thì làm sao được. Hô Diên Táng nói:
– Không phải ta trốn tránh việc ấy, song lo vì Nhơn Mỹ là đứa lòng lang dạ thú, ý muốn hãm hại tướng quân. Nếu ta ra đi thì lấy ai bảo trợ tướng quân được. Dương Nghiệp nói:
– Đội ơn lão tướng có lòng lo lắng như vậy, nhưng lão tướng có đi cũng chẳng sao, bởi vì tôi xem thế giặc cũng đã yếu rồi, ắt không dám ra quân nữa. Dù cho Nhơn Mỹ có tính cách nào hại tôi cũng không làm được. Hô Diên Táng cực chẳng đã phải ra đi, nên dặn Dương Nghiệp:
– Việc đi vận lương không chừng không đổi, nên không chắc ngày nào trở về. Vậy tướng quân hãy lưu trú trong dinh này mà đợi tôi về sẽ tính việc xuất quân.
Dương Nghiệp vâng lời. Diên Táng từ giã dẫn năm ngàn binh trở về Trường An vận lương. Bấy giờ Phan Nhơn Mỹ hay tin Hô Diên Táng đã trở lại Biện Kinh thì rất mừng liền hợp các tướng lo việc xuất binh. Mẽ Liên Giáo bước ra thưa:
– Xin Thái sư hạ chiến thơ sai người đến dinh Phiên mà định kỳ giao chiến.
Nhơn Mỹ nhận lời, hạ chiến thơ sai người đem sang dinh Tiêu Thát Lại. Tiêu Thát Lại nhóm họp các tướng, nói:
– Nếu Nhơn Mỹ ra quân ta chẳng có gì lo, chỉ sợ bọn Dương Nghiệp là tay hào kiệt, chúng ta khó chống lại. Các tướng nói:
– Cách đây chừng một dặm có chỗ kêu là Trần Gia cốc khẩu, địa thế rất hiểm trở, nếu sai một người đến đó phục binh, rồi dụ địch đến độ mà đánh thì chắc trọn thắng.
Gia Luật Tà Chuẩn nghe nói vừa dứt, liền xin ra ứng chiến. Thát Lại rất mừng, liền phát binh cho Tà Chuẫn đến Trần Gia cốc khẩu mai phục.
Ngày hôm sau Thát Lại theo kế đến dinh Tống khiêu chiến. Phan Nhơn Mỹ bèn đòi Lưu Quân Kỳ đến hỏi:
– Vậy ngày mai ngươi định sai ai đem quân đi trước? Quân Kỳ thưa:
– Việc ấy phải sai Dương tiên phong, còn ngài giả đò dẫn binh theo sau tiếp ứng. Nhơn Mỹ nghe theo liền cho đòi Dương Nghiệp đến nói:
– Binh Liêu ngày mai đến khiêu chiến, tướng quân phải dẫn quân ra đánh một trận để không làm mất uy phong của chúa thượng. Dương Nghiệp đáp:
– Ngày mai Hô tổng quản vận lương chưa về, còn thế lực của quân giặc mạnh lắm, phải cho quân thám thính dò xét địch tình thì mới mong thắng được. Phan Nhơn Mỹ nói:
– Giặc đã đến khiêu chiến, ngươi còn đợi ai? Nếu ngươi không chịu ra đánh thì ta sẽ làm sớ tâu với triều đình là ngươi muốn trở lòng làm phản. Dương Nghiệp biết mình không có quyền gì, nên đành chịu nhục nói:
– Đạo hành quân phải có kế sách, nếu không cần thận e rằng quân Phiên phục binh nơi Trần Gia cốc khẩu thì ta rất khó mà đánh cho lại, vì nơi đó núi non rất hiểm trở. Vậy xin Chiêu thảo dẫn một đạo binh đến trước đó mà ngăn ngừa, đặng cho tôi thủ thắng mới được. Nhơn Mỹ nói:
– Vậy thì ngươi ra trận đi, ta sẽ sai người đến đó tiếp ứng.
Dương Nghiệp vâng lời, lui ra về dinh thu xếp binh mã, kế đó có Hạ Hoài Phổ vào thưa với Phan Nhơn Mỹ:
– Nếu Dương tiên phong đã chịu ra quân thì ngài cũng nên đem quân đến Trần Gia cốc khẩu mà ngăn ngừa, mới đề phòng bất trắc. Nhơn Mỹ nói:
– Ta muốn hại nó đã lâu, song chưa có cơ hội. Nay có dịp này thì rất tốt, lại còn phải đem quân tiếp cứu làm chi. Hoài Phổ nói:
– Như ngài muốn trả thù riêng thì thiếu gì cơ hội. Nếu để thua trận thì hư việc lớn. Nhơn Mỹ nghe nói trái ý, bỏ vào trong nghỉ ngơi. Hoài Phổ than:
– Đồ thất phu, muốn làm hư việc nước, ta nỡ nào ngồi ngó mà chẳng cứu người. Nói rồi, bỏ ra ngoài, đến ra mắt Dương Nghiệp, nói:
– Ông ra binh lần này tôi e bất lợi, bởi vì thằng thất phu kia nó muốn hại ông, xin ông phải cẩn thận cho lắm. Dương Nghiệp nói:
– Cảm ơn ông có lòng trung nghĩa, nhưng bổn phận tôi phải chịu chứ biết làm sao. Tôi chẳng kể thân tôi vì thời thế bất lợi, nên khiến chuyện không hay, vậy phải ôm lòng mà chịu. Hoài Phổ nói:
– Ông đã một lòng tự quyết, vậy tôi xin cùng đi với ông, may ra giúp được một đôi lời cho phỉ nguyện. Dương Nghiệp nói:
– Nếu vậy thì rất may. Tôi cùng ông phân ra làm tả chi, hữu dứt, may ra thắng được kẻ địch.
Hôm sau, ba cha con Dương Nghiệp và Hoài Phổ kéo binh ra, thấy binh Liêu kéo đến chật đường, tiếng chiêng ầm ĩ. Gia Luật Hề Để giục ngựa tôi trước trận lớn tiếng nói:
– Tống tướng mau xuống ngựa qui hàng, bằng nghịch mạng đừng có oán trách.
Dương Nghiệp không nói, cứ việc giục ngực tới đánh. Hề Để giao tranh mấy hiệp rồi giả thua bỏ chạy, Dương Nghiệp đuổi theo. Dương Diên Chiêu và Hoài Phổ hối thúc tướng sĩ đuổi theo tướng Phiên, làm cho quân Phiên cả loạn. Dương Nghiệp rượt theo một lúc nghĩ thầm:
– Chốn này là đất bằng, không có gì đáng sợ, chẳng lẽ chúng nó phục binh nơi đây hay sao?
Dương Nghiệp nghĩ như vậy, giục ngựa đuổi đen Trần Gia cốc khẩu. Thác Lại ở trên cao trông thấy liền cho nổ ba tiếng pháo. Gia Luật Tà Chuẩn truyền phục binh nổi dậy bao vây Dương Nghiệp, rồi dùng tên bắn xuống như mưa. Quân Tống bị chết không biết bao nhiêu mà kể. Lúc này Dương Diên Chiêu, Dương Diên Tự, hai anh em thấy đạo binh của cha mình đã bị vây ở cốc khẩu, bèn liều mạng xông phá trùng vây nhưng không phá nỗi.
Lúc ấy Hề Để giục ngựa qua Đông Bích, chẳng ngờ gặp Hoài Phổ đang phá trận. Hề Để xốc ngựa tới chém Hoài Phổ té nhào, hai anh em Diên Chiêu, Diên Tự lúc này cũng bị vây giữa trận, không biết làm sao cứu ứng. Diên Chiêu nói với Diên Tự:
– Em mau tìm đường trở lại thưa với Phan Nhơn Mỹ đem binh thêm mà giải vây, còn để ta ở đây tìm đường vào cốc khẩu bảo hộ thân phụ.
Diên Chiêu nói rồi đánh phá vòng vây, đặng đưa Diên Tự ra, còn mình thả lên chỗ cao nhắm chừng nơi cốc khẩu, chỗ binh Tống bị vây mà tới. Bấy giờ Dương Nghiệp ở trong vòng vây đánh ra, gặp Diên Chiêu kêu lớn:
– Binh Phiên đông lắm, con phải tìm đường thoát thân, kéo bị chúng bắt. Diên Chiêu vừa khóc vừa nói:
– Con xông pha vào đây giải cứu cho thân phụ, xin thân phụ theo con mà ra.
Tiếp đó, đạo binh của Tiêu Thái Lại từ trong núi kéo ra vây cha con Dương Nghiệp một chặng nữa làm cho hai cha con bị chia cắt. Diên Chiêu quay ngựa đánh trở lại một lần nữa, thì bộ hạ đều bị quân Phiên giết hết. Lúc này Dương Nghiệp đánh đã đuối sức, khôi giáp rách tơi bời, liền lách ngựa lên chỗ cao xem thấy bốn phía toàn là binh giặc, thì than dài:
– Lòng ta muốn lập công, vun đắp cho nước nhà, không ngờ lại bị lầm tay quân độc.
Dương Nghiệp nói rồi đưa mắt nhìn bốn phía, có ý tìm kiếm con mình, nhưng nhìn mãi không thấy, xung quanh tướng sĩ chỉ còn độ một trăm người… Dương Nghiệp nói:
– Các ngươi mỗi đứa đều có cha mẹ vợ con mà chịu bỏ thân nơi đây thì thật là đáng tiếc, vậy các ngươi nay đổi dáng lên núi trốn đi, đặng về báo tin cho vua hay tự sự… Quân sĩ đều khóc và thưa:
– Nay đại gia vì nước mà chịu chết ở đây, chúng tôi đâu nỡ sống làm gì. Dương Nghiệp thở dài, nói với quân sĩ:
– Ta không thể cứu các ngươi được, chỗ này là nơi ta hết lòng với chúa thượng.
Nói xong Dương Nghiệp đập đầu vào bia đá tự vận. Bấy giờ Dương Diên Tự khi chạy về đến Qua Châu vào ra mắt Phan Nhơn Mỹ vừa khóc vừa nói:
– Cha tôi bị Phiên binh vây khốn tại cốc khẩu xin ngài cho binh đến cứu, nếu không ắt chẳng khỏi chết. Nhơn Mỹ nói:
– Cha con người thuở nay xưng là vô địch, tại sao bây giờ mới ra quân lại trở về xin cầu cứu? Thôi ngươi hãy đến nói với cha ngươi là binh mã ta chỉ còn đủ giữ dinh, không có dư để sai đi cứu viện. Dương Diên Tự nghe nói cả giận, hét lớn:
– Nay cha con ta đã ra sức giúp nước, ngươi nỡ nào đối xử ác tâm như vậy.
Nhơn Mỹ nổi giận sai tả hữu đuổi Dương Diên Tự ra khỏi dinh. Dương Diên Tự mắng:
– Ta không ngờ ngươi là đứa thất phu. Nếu ta còn sống trên đời thì không nguyện cùng ngươi đội trời chung. Phan Nhơn Mỹ nói:
– Thằng con nít sao dám cả gan mắng ta? Việc cừu hận ta không thèm nói tới, còn quyền sát phạt là ở tay ta, sao ngươi dám lớn gan như vậy?
Lời bàn: Trách nhiệm của kẻ cầm quyền là phải rèn luyện thân mình biết trong đạo đức thì mới thu phục được thiên hạ. Tống Thái Tông là một anh quân, thế mà dùng Phan Nhơn Mỹ một kẻ có quyền thế, nhưng thiếu đạo đức, chi biết thù hận, mà không kể đến đạo nghĩa. Dương Nghiệp dù bị mắc trong lòng oan nghiệt, nhưng cũng có kẻ thương tâm, vì tình người mà giúp đỡ là nghĩa khí mà mến nhau như Hô Diên Táng, Hoài Phổ chẳng hạn. Như vậy kẻ có lương tri bao giờ cũng đồng cảm với người có thiện ý. Trong xã hội, không phải ai cũng đồng cảm với người có thiện ý. Trong xã hội, không phải ai cũng ác độc, trong những kẻ ác độc lại có những kẻ từ tâm. Điều đáng nói là muốn cầm quyền trong một tổ chức, bất kỳ là tổ chức nào, người cầm quyền phải là kẻ biết rèn luyện bản thân tôn thờ đạo nghĩa làm người. Được như vậy thì mới thu phục được thiên hạ. Không ai thương kẻ độc ác. Không ai ghét kẻ có lòng nhân.-oOo-
– Hết hồi 47:00 (84):