Bạn đang đọc Tam Hạ Nam Đường – Chương 4: Thái Tổ cầu xin cứu nạn Trần Đoàn cho tướng hạ san
Đêm ấy, vua tôi Thái Tổ ăn chay cầu nguyện, quỳ trước bàn hương án cầu trời, và đọc sớ như sau: “Triệu Khuông Dẫn xin cáo với Hoàng Thiên. Tôi từ mười ba năm trước, đem binh dẹp loạn cứu dân. Trời cho được ngôi ngai vàng ra ơn bủa đức, gồm tám phần thiên hạ, đem về một mối giang sơn. Mạng trời đã cho, lòng người mến phục. Nào ngờ nay Lý Cảnh gởi thơ nhục mạ triều thần. Cực chẳng đã tôi mới cử binh chinh phạt Kim Lăng, không ngờ mắc kế bị vây, bởi Dư Hồng yêu đạo xúi Lý Cảnh nghịch thần, dùng tà phép bắt tướng, bày kế dụ hàng. Tôi thế không đương, lương gần hết. Nhờ ơn trời phật sai tướng thần thông xuống trừ Dư Hồng yêu đạo, cứu hai mươi vạn sinh linh. Khi tôi về nước rồi sẽ giảm thuế tha tù, làm phước mà chuộc tội.” Thái Tổ vái xong đất sớ, thì đã hết canh ba, vua tôi vào trướng an nghỉ.
Du thần đem sớ về dâng cho Ngọc Hoàng. Biết Thái Tổ bị vây ba năm tại thành Thọ Châu, vì giết oan trung thần nên Xích Mi phạt tội. Ngặt lương đã kiệt mà cứu binh chưa tới, mấy mươi muôn sánh linh chắc phải chết đói. Vậy phải sai phi thử vận ba mươi vạn giạ lúa của Lý Mật năm xưa mà cứu Tống.
Hôm sau, vào lúc trời rạng sáng, các quan đang chầu chực trong thành, xảy có trận gió ào ào, không biết thứ gì bay vào kho lúa, rồi lại bay ra hết. Quan coi kho vào tâu:
– Có bầy chuột tha lúa nhả đầy kho, được hơn ba mươi muôn giạ. Vua Thái Tổ và các quan nghe tâu mừng rỡ vô cùng, định chắc là có thần linh giúp đỡ.
Bây giờ Trần Đoàn lão tổ ở núi Hoa Sơn biết vua Thái Tổ bị Dư Hồng vây phủ ngày đêm cũng bởi Xích Mi lão tổ muốn trừng phạt Triệu Khuông Dẫn, về tội giết oan Trịnh Ân. Vả lại Trịnh Ân tuy bị giết oan, song ta đã cứu được con của Trịnh Ân là Trịnh Ấn về dạy pháp thuật đã ba năm. Vậy nay sai nó xuống phò vua Thái Tổ mà chế ngự Dư Hồng, sau nữa kết duyên Tần Tấn. Nghĩ rồi, Trần Đoàn gọi Trịnh Ấn vào hầu. Trịnh Ấn lau nước mắt, theo đồng tử vào quỳ thưa:
– Chẳng hay sư phụ đòi tôi vào có việc chỉ dạy bảo? Trần Đoàn nói:
– Thầy đem con về núi nay đã ba năm, dạy cặp song chùy đã giỏi, nay thầy cho con xuống Thọ Châu, trước là vua tôi biết mặt, sau nữa là mẹ con sum vầy cho thỏa lòng nhung nhớ. Sau đó, xe duyên cá nước, trả nợ áo cơm, đền ơn dưỡng dục. Vậy con hết lòng trung nghĩa mà lo việc công danh. Trịnh Ấn thưa:
– Nhờ ơn thầy dạy dỗ cứu con thoát hiểm, song vua Thái Tổ không có lòng nhân đức, giết oan cha con, nay thành cừu địch, làm sao con phò vua Thái Tổ. Nồi xong khóc ròng, Trần Đoàn nói:
– Ngươi đừng lo việc ấy làm chi, vua Thái Tổ giết oan cha con sau đó đã hối lỗi. Ngặt chuyện đã lỡ, không biết làm sao. Con là dòng dõi trung thần, trời cho phước lộc, đừng vì thù cha mà oán chúa, cũng nên suy xét bỏ qua. Vì cha con quen miệng mắng vua nên bị hại mạng. Còn con nay nếu đem lòng phò chúa thì hưởng phước trọn đời. Nói xong, truyền tiên đồng đem kim khôi kim giáp giao cho Trịnh Ấn, rồi lấy cây kim định hồn găm trên mão để trừ tà phép của Dư Hồng. Trịnh Ấn vâng lệnh lạy thầy xuống núi. Trần Đoàn dặn:
– Con phải đến Thọ Châu, đường xa ngàn dặm, hãy xòe tay ra để thầy làm phép. Trịnh Ấn xòe tay, Trần Đoàn lấy viết vẽ bùa phong vân, rồi bảo nhắm mắt lại, chừng nào nghe hết gió sẽ mở mắt ra. Vua Thái Tổ lúc này đang lo sợ cái chiêng lạc hồn của Dư Hồng, bỗng thấy trên mây có một người bay xuống, lưng có dắt cặp song chùy thì thất kinh ra lớn:
– Có thích khách! Trịnh Ấn nói lớn:
– Không phải thích khách! Ta là Trịnh Ấn con của Nhữ Nam vương Trịnh Ân, vâng lệnh sư phụ đến Thọ Châu cứu giá. Các tướng nghe ra nhìn thấy Trịnh Ấn tuổi độ mười lăm, mình cao, mũi nhọn, mặt đen mắt dài, tướng mạo mạnh dạn giống như Trịnh Ấn. Miêu quân sư hỏi:
– Ngươi xưng là con Nhữ Nam vương xuống đây cứu giá, sao không làm lễ bệ hạ cho rõ đạo vua tôi? Trịnh Ấn nghe nói liền sụp lạy vua Thái Tổ. Vua Thái Tổ thấy Trịnh Ấn, nghĩ nhớ đến Trịnh Ân, lòng rất hối hận, ăn năn thì đã muộn, nên mủi lòng rơi lệ, bước xuống nắm tay Trịnh Ấn nói:
– Cháu hãy đứng dậy, nghe câu chuyện cho rõ ràng. Khi trẫm hai mươi tuổi kết làm anh em với Nhữ Nam vương, tuy khác họ mà tình như ruột thịt. Bởi trong cơn say, ta đã làm hại Nhữ Nam vương, lúc tỉnh rượu ăn năn không kịp. Nay thấy ngự điệt hình dung như tạc, thì mủi lòng, vậy trẫm cho ngự điệt giữ chức Nhữ Nam vương để đền đáp lúc ngự đệ bị thác oan, cho rõ sự lỗi lầm của trẫm. Vua Thái Tổ nhắc đến chuyện cũ làm cho Trịnh Ấn khóc ròng, rồi kể lề:
– Ba năm trước cháu bị gió thổi bay mất, được sư phụ là Trần Đoàn đem về nuôi dưỡng, rèn luyện võ nghệ. Nay sư phụ sai xuống Thọ Châu cứu giá nhưng sức tôi đánh với Dư Hồng sao cho lại, chừng có đủ mặt năm vị âm tinh mới thắng nổi. Đó là lời thầy tôi dạy bảo. Vua Thái Tổ mừng rỡ nói:
– Cách ba đêm trước trẫm cầu trời khẩn phật xin có người tài phép đến Thọ Châu giải vây. Trẫm có hứa khi dẹp giặc xong rồi sẽ về nước giảm thuế, tha tù mà chuộc tội. Nay có ngự điệt vâng lệnh tiên ông xuống đây thì trẫm hết lo sợ. Trịnh Ấn tâu:
– Thầy tôi có nói Dư Hồng là con chim hồng nhạn, tu cả ngàn năm, học trò của Xích Mi lão tổ, phép tắc thần thông không ai đánh lại. Tôi đến đây là bảo hộ thành Thọ Châu cho an lòng bệ hạ mà thôi. Thầy tôi có nói rằng: Đợi đủ mặt năm tướng ngũ âm xuống chừng ấy mới lấy đặng Nam Đường, và có đưa tám câu thơ, xin bệ hạ xem qua thì rõ. Vua Thái Tổ lấy xem, thấy bài thơ như vầy:
“Muốn thắng Nam Đường đặt cõi ba,
Chờ năm tướng gái giúp điều ca,
Phải Lưu Kim Đính cầm mây lại,
Chờ Ngại Ngân Bình coi gió qua,
Còn Út Sanh Hương bay cứu giá,
Nhành hoa Giải Nữ giỏi trừ tà,
Tiến Tiêu Dẫn Phụng bề sân Thuấn,
Cá nước rồng mây hiệp một nhà. ”
Vua Thái Tổ xem thơ xong mà không rõ ý liền trao cho Miêu quân sư. Miêu quân sư là người giỏi thiên văn, thông việc xét đoán hiểu rõ lời sấm của Trần Đoàn, biết là có năm tướng gái đến bảo giá. Đó là: Lưu Kim Đính, Ngại Ngân Bình, Út Sanh Hương, Hoa Giải Nữ, Tiêu Dẫn Phụng. Vua Thái Tổ phán:
– Lúc gần đi chinh nam, Thái Hậu có thấy một điềm là trẫm trèo lên cây lý, sa tay rớt xuống, có năm con chim Phụng bay đến đỡ trẫm. Nay Trần Đoàn tiên ông nói có năm tướng gái đến dẹp giặc, thì chính là điềm ứng mộng đó. Trịnh Ấn tâu:
– Nay tiên ông sai tôi xuống giúp, vậy xin cho ra trận một phen giải phá trùng vây để về Biện Lương mà cầu viện. Vua Thái Tổ mừng rỡ, viết chiếu trao cho Trịnh Ấn, sai phá vòng vây đi cầu cứu. Trịnh Ấn lãnh chiếu, lạy vua lên ngựa, ra khỏi thành mới nghĩ thầm:
– Mình đến Thọ Châu chưa lập được công gì, vậy thì phá trùng vây cho biết sức.
Vua Thái Tổ và Miêu quân sư đồng lên đứng trên mặt thành xem Trịnh Ấn ra đi thế nào, thấy Trịnh Ấn tay xách cặp roi, xông vào dinh Nam Đường, bị binh tướng chận lại, dùng cung tên bắn như mưa. Trịnh Ấn múa cặp roi gạt hết tên, làm cho binh Nam Đường thất kinh chạy tứ tán, tránh cho Trịnh Ấn đi ra. Trịnh Ấn thừa thắng phá hết các vòng binh, cho đến vòng thứ tư thì có đại tướng Huỳnh Phủ Huy phục binh ở đó, kêu Trịnh Ấn nói:
– Ngươi là tướng gì bên Tống, cả gan dám phá trùng vây? Trịnh Ấn không thèm xưng tên, cứ múa cặp roi đánh tới làm cho Huỳng Phủ Huy bị thương chạy dài. Các tướng Nam Đường xông đến bao nhiêu đều bị Trịnh Ấn đánh chạy ráo. Phá đến vòng vây thứ bảy, Trịnh Ấn gặp một tướng cởi hươu xông ra đón lại. Trịnh Ấn biết là Dư Hồng liền nạt lớn:
– Yêu đạo. Ngươi biết lòng trời đã định, hãy về núi au kẻo uổng công tu luyện. Dư Hồng cười lớn, nói:
– Như là đứa con nít, đã không biết sợ chết lại dám nói hỗn hào. Nói rồi vung gậy đánh Trịnh Ấn hai bên giao đấu một lúc, Dư Hồng cự không lại bèn giục hươu bỏ chạy. Trịnh Ấn xách roi đuổi theo. Vua Thái Tổ đứng trên mặt thành nhìn thấy thất kinh, kêu lớn:
– Bớ ngự điệt, đừng đuổi theo. Yêu đạo có tà phép rất nguy hiểm.
Lời bàn: Trong cuộc sống, ai cũng bị lầm nhưng biết sai lầm mà sửa chữa thì không thiệt hại đến danh dự, mà còn rèn luyện được bản thân. Vua Thái Tổ giết Trình Ân, mà Trịnh Ấn con của Trình Ân vẫn không oán trách, mà tiếp tục thờ chúa. Đó và vì vua Thái Tổ biết ăn năn hối hận, cải tạo lỗi lầm. Trong đời sống con người, nhiều kẻ vì tự ti, tự phụ mà dẫu có lỗi lầm cũng biện lý để che đậy, không tự sửa chữa, đó là một tai hại rất nguy hiểm cho bản thân không được sửa chữa, rồi tiếp tục phạm những lỗi lầm khác. Không ai khen những kẻ tự cao, tự phụ, tìm cách che đậy những lỗi lầm của mình, mà nhiều kẻ hiểu đời rất ngợi khen những người biết lỗi lầm để sửa chữa.-oOo-
– Hết hồi 5:118: