Bạn đang đọc Ta Vẫn Còn Thương Nhớ Mà Người Đã Thờ Ơ – Chương 51. Rằm Tháng Mười Năm Ất Hợi
Ta tất nhiên không rõ trái tim chàng bị đâm qua bao nhiêu nhát, nhưng ta chắc chắn trái tim mình đã nát tươm rồi. Hoàng cung bao la rộng lớn, đâu đâu cũng thấy người thân của chàng, chàng sao có thể hiểu được nỗi lòng của một đứa trẻ thầy không cần, bu không thương như ta? Xung quanh chàng có biết bao nhiêu kẻ xu nịnh, bọn họ nhìn sắc mặt chàng mà hành động, chàng đâu biết cảm giác được cưu mang đáng giá đến nhường nào? Người mà ta dành cả kiếp này cũng chưa chắc đã đền đáp được hết ân tình rốt cuộc lại bại trong tay chàng. Chúng ta bây giờ so đo ai bi thương hơn ai còn có ý nghĩa gì nữa? Chàng đau đớn hơn ta thì sao? Ta khổ sở hơn chàng thì như thế nào? Có thể mang sư phụ trở lại không? Có thể mang quê hương dấu yêu của ta quay về không? Những người con ở phương xa luôn nỗ lực từng ngày bởi vì họ biết ở nơi quê nhà, thầy bu vẫn còn đó, vẫn bình an trông ngóng, thương nhớ ta mỗi khắc. Người đã không còn nữa, mọi tia hi vọng đều dập tắt, mọi cố gắng bất chợt đều trở nên vô nghĩa. Ta tháo trâm cài tóc, vứt bỏ trang sức quý giá, ném luôn đôi hài đính ngọc lam, tự do, tự tại chạy ra cổng thành hét lớn:
– Người đâu! Mau mở cổng!
Mấy tên thị vệ lưỡng lự nhìn nhau. Ta cáu ầm ĩ:
– Mau! Ta phải về Sơn Nam chịu tang!
– Bẩm Đơn phi, nương nương muốn xuất cung phải được sự ân chuẩn của Hoàng thượng.
Một tên lính bẩm báo. Ta bất cần tuyên bố:
– Cái chức Đơn phi này ta đây không thèm làm nữa. Ta và hoàng cung từ nay không còn dính dáng. Lũ vô dụng các ngươi khôn hồn thì thả ta ra!
– Nhanh lên! Lũ thối tha! Nếu như hôm nay ta không kịp về tiễn sư phụ đoạn đường cuối, đảm bảo sau này ta làm ma cũng không tha cho các ngươi!
– Đồ máu lạnh! Cả hoàng cung này đều là đồ máu lạnh! Sai lầm lớn nhất của cuộc đời ta là vào cung!
Mặc ta gào thét điên loạn, mấy tên thị vệ vẫn đứng im như tượng. Có ai đó khẽ thở dài một tiếng, giọng nói đầy chua chát:
– Hoá ra sai lầm lớn nhất của cuộc đời Đơn phi chính là bước đến bên trẫm.
– Phải. Nếu như biết trước ngươi sẽ không tha cho sư phụ, ta thà chết ở Sơn Nam cùng người.
– Vì hắn mà bước đến bên trẫm, vì hắn mà hạ mình nịnh nọt trẫm, vì hắn mà cầu xin trẫm… tất cả những gì đã có giữa chúng ta… rốt cuộc… đều là vì hắn sao?
– Phải.
– Có nghĩa là từ đầu tới cuối… trẫm không hề có lấy nổi một chỗ trú trong tim nàng ư?
– Không có.
– Ngay cả khi trẫm đã phơi bày toàn bộ những tổn thương mà lẽ ra một bậc quân vương oai phong nên giấu nhẹm đi, ngay cả khi trẫm đã vứt bỏ liêm sỉ để nói với nàng rằng trẫm đau như thế nào, nàng cũng nhất định không chịu về phe trẫm… dù chỉ là một lần thôi sao?
– Ta sao có thể về phe người đã lấy mạng sư phụ mình? Giữa chúng ta không thể có bất cứ ràng buộc nào nữa cả. Mau cho người mở cổng thành!
Con người một khi rơi vào biển khổ có thể nói ra bất cứ lời nào làm tổn thương đối phương. Ta ngoa miệng thấy rõ, Hoàng thượng cũng chẳng vừa, chàng hạ lệnh:
– Được! Người đâu! Mau mở cổng thành cho Đơn phi! Chỉ cần nàng ta bước qua cánh cổng đó thì ngay lập tức tống Đại Hoàng tử vào nhà lao, cả đời này hắn ở trong đó mà trưởng thành, tuyệt đối không được ra ngoài. Nếu như Đơn phi đã quyết tâm tuyệt tình với trẫm thì trẫm cũng không cần đứa trẻ do nàng ta sinh ra!
Đây không phải là lần đầu tiên ta nếm mùi sức mạnh quyền lực, và cũng chẳng phải lần đầu tiên ta dù uất điên người vẫn phải nhún nhường. Cánh cổng thành đã mở toang, nhưng ta như con én hèn nhát không dám bay ra khỏi chiếc lồng sơn son thếp vàng. Ta chỉ có thể chui rúc trong Mẫu Đơn cung gặm nhấm nỗi đau mất người thân. Buổi đêm luôn là thời điểm ta suy sụp nhất, khi các cung nữ và thái giám đã say giấc nồng, ta thường đi lang thang trong vườn mẫu đơn. Bởi vì ta thích mẫu đơn nên đã từng có người trồng mẫu đơn khắp biệt phủ trong trấn Sơn Nam, còn lừa bán biệt phủ cho ta với giá hai chục quan tiền. Ở trong vườn mẫu đơn năm xưa cũng có treo rất nhiều đèn lồng, tuy không cầu kỳ rực rỡ như đèn lồng mà nghệ nhân làm trong cung nhưng nhìn vào có cảm giác yên bình lắm. Ta nhớ cả chiếc đèn lồng bằng giấy hình con thỏ siêu dễ thương mà người làm cho ta hồi nhỏ. Thấy ta thích thú cầm đèn chạy tới chạy lui, người quát:
– Vô Tư! Cẩn thận kẻo nến chảy vào váy!
– Sư phụ chớ lo bò trắng răng! Người nhìn con nè! Vù vù vù vù! Em thỏ biết bay nè! Hí hí! Vù vù!
Ta huênh hoang khoe mẽ, thế rồi, đùa quá trớn khiến lửa lan ra làm cháy cả chiếc đèn lồng. Ta khóc thét. Sư phụ hoảng hốt chạy tới dập lửa. Xong xuôi, người ôm ta vào lòng, mắt người đỏ hoe, người nghẹn ngào hỏi:
– Có sao không?
Ta xoè lòng bàn tay của mình ra làm nũng:
– Đau đau.
– Đau chỗ nào?
Ta chẳng đau chỗ nào cả, nhưng ta cứ thích chỉ trỏ linh tinh trêu sư phụ. Vậy mà người vẫn thổi phù phù qua tất cả các chỗ ta chỉ. Ta chê sư phụ thật ngốc quá đi mà không hề hay biết người chỉ đang cưng chiều ta mà thôi!
– Sư phụ! Làm đèn lồng nữa đi!
Sư phụ làm cho ta chiếc đèn lồng khác hình con lợn, nhưng ta không được chạm vào chiếc đèn đó. Sư phụ cầm đèn đi lang thang khắp nơi, ta ngồi trên cổ người hống hách lêu lêu mấy đứa nhỏ trong xóm. Bọn chúng đều nhìn ta với ánh mắt vô cùng ngưỡng mộ.
– Sư phụ! Trứng kìa! Trứng kìa! Ai bế con gà lên cây đẻ trứng mà nhiều trứng quá ta!
– Ngốc! Đó là trứng chim cút.
– Ủa? Vậy con chim cút đâu? Sao nó không ấp trứng?
– Ta không biết. Nhưng những quả trứng này đều hỏng hết rồi, có ấp cũng không nở được.
– Thật may quá!
Ta thở dài cảm thán. Sư phụ thắc mắc:
– Sao lại may?
– May vì tuy thầy bu Vô Tư bỏ quả trứng Vô Tư nhưng sư phụ vẫn nhặt quả trứng Vô Tư về ấp, chứ không thì quả trứng Vô Tư hỏng, sao có thể nở ra Vô Tư dễ thương xinh đẹp rạng ngời như bây giờ chứ?
Sư phụ phì cười mắng ta:
– Ngốc! Con người không đẻ trứng!
– Vậy con người đẻ gì ạ?
– Đẻ con.
– Nghĩa là bu của Vô Tư ngay từ đầu đã đẻ ra Vô Tư đẹp xuất sắc luôn rồi á?
– Ừ.
– Vậy tại sao bu lại bỏ Vô Tư?
Sư phụ thở dài, mãi một lúc sau người mới bảo ta:
– Vô Tư! Cuộc sống của mỗi người luôn có rất nhiều sự lựa chọn. Trong sự lựa chọn của sư tỷ không có ngươi không có nghĩa là nàng đã hết thương ngươi. Ngươi đừng oán trách, hãy tôn trọng quyết định của nàng và cho qua chuyện cũ, như vậy lòng ngươi mới có thể bình an.
Mắt ta đỏ hoe. Ta đâu muốn cắn mãi chuyện cũ không buông, chỉ là, có những vết xước trong tim, dẫu dùng trăm tấm vải vụn chèn lên, thi thoảng vẫn cứ bị ứa máu. Sư phụ! Đường về Sơn Nam xa xôi, người có lạnh không? Vô Tư nhớ người! Không thể tiễn biệt người đoạn đường cuối… là Vô Tư bất hiếu. Kiếp sau, nếu sư phụ vẫn mong tái ngộ, Vô Tư thật hi vọng có thể trở thành con gái của người, mọi chuyện đều sẽ nhất nhất nghe theo người.
Một tuần sau khi sư phụ rời xa hồng trần, Bách Hương tới Mẫu Đơn cung tìm ta. Không một lời thương nhớ sư đệ vừa mới khuất núi, cũng chẳng hỏi han đứa con gái bị nàng vứt bỏ bấy lâu nay sống như nào, chỉ ích kỷ bảo:
– Phu quân của bu năm ngoái xử án oan cho người ta nên bị cắt chức. Giang Nhất từ nhỏ đã õng ẹo, không chịu luyện võ lại còn thích ở trong cung làm thái giám, bu cũng hết cách với nó. Cả nhà ta bây giờ chỉ có thể trông chờ vào Mỹ tần. Con có công sinh Đại Hoàng tử, lại còn vừa được thăng chức phi, thôi thì con giúp bu nâng đỡ nàng, dù sao cũng là muội muội ruột của con mà.
Bởi vì ta, Mỹ tần và Giang Nhất rất giống nhau nên từ lâu ta đã lờ mờ đoán ra mọi chuyện rồi. Nhưng ta vẫn giả ngu hỏi đểu:
– Muội muội ruột? Bu? Ngươi đùa à? Bổn cung sinh ra đã bị bỏ rơi, từ bao giờ có lắm người thân vậy?
– Đơn phi có điều không biết… ta chính là người đã sinh ra con. Bách Tâm vì tham quyền lực nên mới bắt cóc con ngay từ lúc con còn đỏ hỏn. Sư đệ tuyên bố nếu như ta không gả cho Thiếu bảo Văn Kiên thì hắn sẽ lấy mạng con. Ta thực không còn cách nào khác.
Nực cười! Sư phụ ta tham quyền lực ư? Người chẳng phải vì bận chăm ta nên mới từ chối làm quan hay sao? Bách Hương chắc cũng không biết sư phụ mang trong mình dòng máu hoàng tộc nên mới bịa chuyện như đúng rồi. Ta mỉa mai bà ta:
– Xưa đã tham vinh hoa phú quý, nay lại còn thích diễn vai nạn nhân cơ à? Có vị sư tỷ vừa ăn cướp vừa la làng như ngươi đúng là bất hạnh của sư phụ!
– Đơn phi! Con phải tin bu!
– Ta không tin những gì mình nghe được, ta chỉ tin vào những gì mà trái tim mình cảm nhận được.
– Dù sao bu cũng đẻ ra con, con phải báo hiếu.
– Ta không có bu! Không có thầy! Ta chỉ có sư phụ thôi! Sư phụ nuôi ta lớn, ngoài người ra, ta không cần phải báo hiếu cha con thằng nào sất!
– Thứ ngang ngược! Con ở trong cung không kết bè kéo phái, cứ lủi thủi một mình, sớm muộn gì cũng thịt nát xương tan mà thôi.
– Rồi sao? Năm xưa, ngươi đã chọn hướng đi riêng. Ta nghe lời sư phụ, cố gắng hoan hỉ chấp nhận. Chúng ta từ lâu vốn đã chẳng liên quan, ngươi hà cớ gì không tiếp tục vững bước trên con đường trải đầy châu báu ngọc ngà của mình mà phải quay lại dè bỉu con đường của ta?
– Con ăn nói xếch mé với bu thế mà nghe được à? Tên khốn Bách Tâm đã dạy hư con rồi! Con cố gắng rèn giũa lời ăn tiếng nói, bằng không, sau này bu không thể công khai với mọi người rằng mình có một đứa con gái ngang ngược như con, thực sự quá mất thể diện!
– Ta sống bao nhiêu năm không có bu vẫn ổn. Ngươi có bao nhiêu thể diện cứ giữ lấy mà dùng, khỏi lo mất.
– Đơn phi! Ngoan, nghe bu, cố gắng sửa đổi. Bu chỉ là thật lòng thương con và muốn tốt cho con mà thôi.
– Hay cho cái chữ thương chót lưỡi đầu môi! Nếu như ngươi thực sự thương ta, ngươi sẽ cảm nhận được ta đã trải qua bao nhiêu đau đớn, ngươi sẽ thấu hiểu vì sao ta lại có thể thốt ra những lời lẽ xếch mé như thế, ngươi sẽ động viên ta làm những điều khiến trái tim ta bớt nhức nhối thay vì đưa ra những lời khuyên chỉ có lợi cho ngươi. Ngươi rốt cuộc là thương ta hay thương cho cái thể diện của ngươi bị mai một khi ở bên ta?
– Đơn phi! Con điên rồi! Con người sống mà không có thể diện thì sống để cho con chó nó cười vào mặt à?
– Không sai. Có lẽ ta đã điên thật rồi. Một khi trái tim ta mục nát, tâm hồn ta u ám, thể xác ta kiệt quệ thì cái thể diện mà ngươi nhắc tới, đối với ta không đáng một đồng. Kẻ điên như ta không thể bắt tay cùng người thường như ngươi đâu. Trung Nhất! Tiễn khách!
Ta ở trước mặt Bách Hương cứng cỏi là thế mà lúc bà ta ra về thì lại khóc lóc tức tưởi. Ta tủi thân lắm. Những năm qua, ta đã từng mơ gặp bu ruột rất nhiều lần. Trong giấc mộng của ta, bu đã ôm ta vào lòng. Bu an ủi ta, vỗ về ta, còn dịu dàng nói lời xin lỗi ta nữa. Nhưng thực tế nó mới chua chát làm sao!
– Cục cưng hồi ở Sơn Nam thảnh thơi, chiều nào cũng rong chơi cùng Vũ. Từ khi vào cung, người mới bận bịu điên cuồng. Đã rất nhiều ngày rồi Vũ chưa được gặp cục cưng, Vũ nhớ cục cưng chớt đi được mà Vũ còn không khóc, Tư tỷ khóc lóc cái nỗi gì?
Là giọng của Uy Vũ, hắn nhỏ xíu vậy mà dám hỏi đểu ta. Nhìn gương mặt ngây thơ non choẹt của hắn, ta không đành lòng tiết lộ chuyện sư phụ đã khuất núi. Ta vẫy hắn vào gần mình, nhỏ nhẹ hỏi:
– Uy Vũ làm cách nào mà trốn khỏi Phượng Ngọc cung được thế? Thái hậu mà phát hiện ra thì nguy đấy!
– Con người ta nghiêm túc chính trực, có lươn lẹo như Tư tỷ đâu mà phải trốn?
Uy Vũ hí hửng lấy ra một tấm thẻ bài màu vàng cho ta xem. Hắn vênh váo nói:
– Phụ hoàng cho ta đó! Có tấm thẻ này trong tay, ta thích đi đâu, Dương tỷ cũng không quản nổi.
Ta phì cười, ở cái hoàng cung này cũng chỉ có Uy Vũ dám gọi Thái hậu là Dương tỷ thôi.
– Uy Vũ ở với Thái hậu có vui không?
– Vui! Dương tỷ rất cưng chiều Vũ, Vũ rất mê. Chỉ là, Vũ vẫn mê Dương tỷ thua cục cưng. Thật là nhớ cục cưng quá đi à! Không biết bao giờ cục cưng mới hết bận?
– Tư tỷ cũng nhớ sư phụ quá!
– Vậy hả? Thế Tư tỷ có nhớ phụ hoàng không?
– Sao tự dưng Uy Vũ lại hỏi vậy?
– Vì dạo này, lần nào Vũ chạy qua Mẫu Đơn cung chơi cũng thấy phụ hoàng đứng từ xa nhòm trộm Tư tỷ đó nha! Vũ thấy phụ hoàng nhớ Tư tỷ nên đoán Tư tỷ cũng nhớ phụ hoàng. Hai người thương nhau thường nhớ nhau mà, kiểu như Vũ và cục cưng đó, bọn đệ lúc nào cũng nhớ nhau nhiều ghê lắm nha!
– Không. Uy Vũ nhầm rồi. Ta không thèm nhớ phụ hoàng của Uy Vũ đâu.
Uy Vũ thở dài cảm thán:
– Vậy thì tội nghiệp phụ hoàng ghê! Người quan tâm Tư tỷ thế mà lại bị phũ!
– Quan tâm như nào?
– Phụ hoàng không cho Vũ chạy đi chơi, người bắt Vũ phải qua đây nói mấy lời làm Tư tỷ vui lòng.
– Lời nào là lời khiến ta vui lòng?
– Thì khen Tư tỷ xinh đẹp đó! Nhưng mà Vũ thấy Tư tỷ xinh đẹp là điều hiển nhiên rồi, tỷ chả biết thừa ý chứ, khen thêm cũng làm sao mà khiến tỷ vui lên được? Về bộ môn nịnh con gái, nói thiệt là cả cục cưng và phụ hoàng đều xách dép cho Vũ!
– Ta không tin.
– Thật mà. Không tin thì dỏng tai lên, để Vũ nịnh cho mà sáng mắt ra.
Ta làm bộ nghe ngóng. Uy Vũ ghé tai ta gọi nhỏ:
– Mẫu phi!
Ta thoáng giật mình, nước mắt chảy ra như mưa. Uy Vũ khinh bỉ nhìn ta, hắn mắng:
– Đồ yếu đuối! Có thế cũng khóc! Vũ đi chơi đây! Nếu Tư tỷ ngoan không bỏ bữa nữa thì ngày nào Vũ cũng sẽ qua Mẫu Đơn cung nịnh tỷ.
Ta bởi vì thèm được nghe Uy Vũ nịnh nọt nên mặc dù nhạt mồm nhạt miệng vẫn cố ăn mỗi bữa một chút. Mỗi lần nghe đứa con do mình dứt ruột đẻ ra gọi “mẫu phi”, lòng ta lại như có dòng nước mát chảy qua. Cuộc sống của ta bớt tăm tối đi nhiều. Những vết sẹo sâu hoắm vẫn mãi ở trong tim ta, nhưng nhờ có cái miệng dẻo như kẹo kéo của Uy Vũ, nơi đó dần ngưng rỉ máu. Nỗi nhớ sư phụ giày vò ta hàng đêm, nhưng khi bình minh đến, trông thấy nụ cười rạng rỡ của Uy Vũ, ta lại dặn mình phải thật kiên cường. Ta đâu còn là một cô nương tự do tự tại ở Sơn Nam, ta bây giờ đã là mẫu phi của Đại Hoàng tử, bất kể hành động nào của ta, dù lớn hay nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến hắn. Ta tuyệt đối không thể khinh suất. Ta cũng không muốn quá mềm yếu, tối ngày chỉ biết khóc lóc, trở thành gánh nặng của con trai mình. Ta đã đi qua những ngày giông tố một cách đầy chật vật. Nhưng sau hai năm, ngoảnh đầu nhìn lại, ta liền thở phào nhẹ nhõm, vậy mà rồi ta cũng đã băng qua được quãng đường đầy gian khó ấy.
Mẫu Đơn cung hiện tại thực sự rất yên bình, một phi tần suốt hai năm ròng rã không thèm đến Tuệ Long điện thỉnh an, không tham gia các buổi đại tiệc, cũng không chủ động mồi chài Hoàng thượng như ta thì có gì đâu để mà bị người khác ghen ghét? Thục Đức cung trong khi đó lại rất nhộn nhịp. Đức phi nắm quyền quản lý hậu cung, không thiếu kẻ xu nịnh. Thục phi vào năm Giáp Tuất sinh được Đại Công chúa dễ thương hết sảy, các phi tần đầy người muốn kết giao lấy may. Tình hình của Hoàng hậu không được khả quan lắm. Sau lần sảy thai năm Quý Dậu, nàng đã kiệt quệ lắm rồi. Thái hậu và Thái sư mời rất nhiều thầy lang giỏi ở khắp nơi vào cung để chữa trị cho Hoàng hậu nhưng sức khoẻ của nàng vẫn không khá lên nổi.
Rằm tháng Mười năm Ất Hợi, Uy Vũ tròn năm tuổi, Thái hậu mở tiệc linh đình ở Phượng Ngọc cung. Phượng Hoàng cung ngược lại im ắng lạ thường, chẳng có tiệc kỷ niệm ngày đại hôn của Hoàng thượng và Hoàng hậu, chẳng thấy bóng các phi tần ngày xưa từng hết mực tôn sùng Hoàng hậu, cũng chẳng có thật nhiều thị vệ, cung nữ, thái giám tấp nập ra vào, chỉ còn một khoảng không đìu hiu lạnh lẽo, buồn đến thê lương. Ở trong khoảng không ấy, chợt xuất hiện một bông mẫu đơn dần tan biến vào hư vô. Có lẽ không nhiều người giống ta, nhìn thấy những thứ mà người khác không thấy.Ta còn chưa kịp lướt qua nơi vắng vẻ ấy thì đã nghe tiếng gọi:
– Đơn phi! Hoàng hậu muốn gặp nương nương.
Ta có chút lưỡng lự. Thuận Nhu năn nỉ:
– Đơn phi biết xem vận mệnh, chắc cũng nhìn ra được thời gian của Hoàng hậu thực sự không còn nhiều. Mong Đơn phi nể tình chủ nhân của nô tì.
Ta lựa lời từ chối:
– Có chuyện gì, ngươi kêu Hoàng hậu chuyển lời là được rồi. Sức khoẻ của Hoàng hậu không tốt, gặp bổn cung nhỡ uất ức rồi xảy ra chuyện gì, ta gánh không nổi.
– Chẳng nhẽ Đơn phi không muốn biết vì sao tháng Tám năm Quý Dậu, sư phụ của nương nương lại lẻn vào Uy Hoàng cung hay sao?