Bạn đang đọc Ta Vẫn Còn Thương Nhớ Mà Người Đã Thờ Ơ – Chương 32. Không Cần Quay Trở Lại
Ta nhớ Uy Vũ. Ta nhớ sư phụ. Ta nhớ các đồ đệ của mình. Ta nhớ những tháng ngày thong dong, tự do, tự tại. Ta nhớ cảm giác cuộn tròn trong chăn ngủ mỗi khi trời trở lạnh. Ta ở Sơn Nam chửi đồ đệ như hát hay. Ta ở trong cung một câu bẩm, hai câu dạ, ba câu xu nịnh. Nhờ cái mồm dẻo như kẹo kéo của mình, ta rất được lòng An tần. Công việc của ta so với các cung nữ khác thật quá nhàn nhã. Bọn họ rất ghen tị với ta. Nào ai biết ta thà chẻ trăm thúng củi, giặt ngàn chậu đồ, rửa vạn chồng bát còn hơn hàng đêm phải đứng nghe những tiếng hoan ái của An tần. Ta oà khóc nức nở. Có một cung nữ mặc yếm vàng vội vã chạy tới bên ta. Nàng giúp ta mặc đồ rồi khuyên ta đêm nay nên ngủ ở phòng nàng, để nhỡ ta bị ốm thì còn có nàng chăm sóc. Ta gật đầu rồi mệt mỏi thiếp đi. Khoảng một canh giờ sau, ta tỉnh giấc, phát hiện ra mình đang ở Tuệ phòng, nằm ngay cạnh Hoàng thượng, ta toát mồ hôi hột. Trong tất cả các cung luôn có một phòng rất trang trọng, được gọi là Tuệ phòng. Hoàng thượng khi tới thăm các phi tần nếu như không ngủ cùng các nàng thì sẽ ở đây.
– Dám trèo lên long sàng, to gan gớm!
Hoàng thượng mỉa mai. Ta cuống quýt phân bua:
– Bẩm Hoàng thượng… oan… oan cho nô tì quá. Nô tì bị người ta lừa tới đây.
Ta sợ tội nên định chuồn, nhưng không sao thoát được vòng tay chắc nịch của chàng. Ta van nài:
– Xin… Hoàng… Hoàng thượng… tha cho nô tì. Cung nữ chưa được sự đồng ý của chủ nhân… mà… mà dám… vào Tuệ phòng… trèo lên long sàng… thì… thì…
Hoàng thượng ghé tai ta hỏi dò:
– Thì sao?
Ta khổ sở đáp:
– Thì… nếu như… không được Hoàng thượng thương xót và trở thành phi tần với chức vị cao hơn hoặc ngang hàng với chủ nhân… sẽ… bị xử… tội chết…
Hoàng thượng bình thản hỏi ta:
– Vậy ngươi muốn chết hay muốn được trẫm thương?
– Nô tì chưa muốn chết.
– Nghĩa là muốn được trẫm thương ư?
– Nô tì không dám.
– Ngươi có cái gì mà không dám? Ngươi giúp An tần đắc sủng, hà cớ gì lại không giúp chính mình?
Thực ra, ta chỉ giảng giải cho An tần làm thế nào để có chửa thôi chứ không hề có ý định giúp nàng đắc sủng. Tại Hoàng thượng mắng ta chọc điên chàng nên ta mới tủi thân đốp chát lại thôi. Chàng vậy mà vẫn để bụng. Xấu tính ghê! Ta hậm hực nói liên thiên:
– Nô tì tự biết mình nhân cách thấp hèn, cho dù có dùng trăm phương ngàn kế cũng không thể khiến Hoàng thượng rung động. Nô tì vì thế mới gửi gắm hi vọng vào An tần, nàng đắc sủng thì nô tì cũng có chỗ dựa tốt.
– Vậy sao? Hẳn là chỗ dựa tốt! Vậy để trẫm mở to mắt ra xem lần này nàng ta cứu ngươi như nào!
Không lâu sau, Nhiên tần và An tần đem theo chục thị vệ xông vào Tuệ phòng. Trông thấy ta ở bên Hoàng thượng, An tần đau đớn oán trách:
– Vô Tư! Ngươi dám mò vào Tuệ phòng, trèo lên long sàng thì chắc chắn dã tâm của ngươi rất lớn, cớ sao ngươi lại nói với ta rằng ngươi không có bất kỳ sự rung động nào với Hoàng thượng? Ta coi ngươi như muội muội, chuyện gì cũng chia sẻ. Tại sao ngươi lại lừa dối ta?
– An muội đừng phí lời với loại chó phản chủ này!
Nhiên tần chửi ta rồi quỳ xuống nói:
– Bẩm Hoàng thượng, thần thiếp dạy cung nữ không nghiêm, đã làm bẩn long sàng của người rồi. Thần thiếp xin phép đưa ả ra ngoài xử trảm.
Hoàng thượng bình thản gật đầu. Chàng hoá ra chẳng thèm đoái hoài tới an nguy của ta. Cũng phải, trong tim chàng bây giờ toàn hình bóng của An tần, lấy đâu ra chỗ chứa chấp ta nữa. Nếu như ta không nhún nhường, có lẽ kiếp này ta vĩnh viễn không được gặp lại Uy Vũ. Mặc dù rất nhục nhã, ta vẫn phải van nài chàng:
– Hoàng thượng! Nô tì biết lỗi rồi. Nô tì xin người làm ơn làm phước thương xót nô tì, cho nô tì được trở thành phi tần của người!
Khoé môi Hoàng thượng khẽ cong lên. Nhưng chàng không đồng ý ngay mà cao giọng hỏi ta:
– Ngươi sao? Chẳng phải ngươi vẫn luôn ăn thua với trẫm, luôn miệng đay đi nghiến lại chuyện mình là thứ đàn bà có nhân cách thấp hèn ư? Đã như vậy thì làm sao có thể trở thành phi tần hả?
– Nô tì sai rồi ạ. Từ giờ trở đi, Hoàng thượng chửi một câu nô tì thề chỉ dám nhại lại một lần thôi, tuyệt đối không có lần thứ hai.
Ta rối quá nên nói năng loạn xạ. Bị chàng lườm cho một cái, ta cuống quýt chữa ngu:
– Dạ bẩm Hoàng thượng, nô tì nhầm ạ. Từ giờ trở đi, Hoàng thượng chửi câu nào nô tì sẽ nuốt vào bụng câu đó, tuyệt đối không dám nhả ra nửa chữ.
– Chỉ cần biết nghe chửi là đã có thể trở thành phi tần của trẫm à? Ngươi xem thường trẫm quá rồi!
– Dạ nô tì không dám ạ. Ngoài nghe chửi ra, nô tì còn có rất nhiều kỹ năng tuyệt vời khác ạ. Nô tì đảm bảo sẽ không làm Hoàng thượng thất vọng. Xin Hoàng thượng thương xót cho nô tì một cơ hội được hầu hạ người ạ.
Hoàng thượng có vẻ hài lòng. Chàng xoa đầu ta, hắng giọng ra lệnh:
– Ngọc Minh đâu! Truyền chỉ của trẫm, tặng cho cung nữ Vô Tư tên Mẫu Đơn, phong nàng thành Đơn tần.
Lễ sắc phong của ta được cử hành ngay đêm hôm đó, tại Mẫu Đơn cung. Rằm tháng Chạp năm Kỷ Tỵ, Vô Ưu cầu thân Tứ Tứ. Tứ Tứ đồng ý gả cho Vô Ưu với tâm thế đầy kiêu ngạo. Rằm tháng Chạp năm Nhâm Thân, cung nữ Vô Tư xin xỏ được trở thành phi tần của Hoàng thượng. Rốt cuộc, ta vẫn gả cho chàng, nhưng ta của bây giờ thật hèn mọn. Chúng ta lại một lần nữa kết tóc se duyên. Chỉ là, chén rượu đêm tân hôn còn chưa kịp uống cạn, ta đã trông thấy cung nữ mặc yếm vàng lừa mình tới Tuệ phòng. Ta cảm thán:
– Hoá ra tất cả đều là kế hoạch của Hoàng thượng!
Hoàng thượng không nói gì. Ta chất vấn chàng:
– Thần thiếp không tin Hoàng thượng sơ suất đến mức đã cho cung nữ kia đi lừa thần thiếp rồi lại vô tình để nàng xuất hiện trước mặt thần thiếp. Tất cả đều có chủ đích, Hoàng thượng muốn trả thù thần thiếp, phải không?
Hoàng thượng cười khẩy hỏi ta:
– Hoá ra trong mắt Đơn tần, trẫm luôn bỉ ổi như thế. Có phải đó là lý do mà trẫm vừa mới ra trận, nàng đã sà vào lòng người đàn ông thanh cao kia không?
– Trong tim Hoàng thượng có An tần rồi nhưng vẫn để tâm tới chuyện xưa giữa chúng ta ư? Bởi vậy nên người mới nghĩ kế khiến thần thiếp nhục nhã sao?
– Gả cho trẫm là loại chuyện nhục nhã đến vậy ư?
– Hoàng thượng biết thừa thần thiếp không có ý đó. Thần thiếp dẫu sao cũng là phận đàn bà, phải đi cầu xin người ta thương xót mình, quả thực rất mất mặt.
– Nàng lôi cả phận đàn bà ra để nói chuyện với trẫm cơ đấy! Trẫm còn sống sờ sờ mà nàng dám đẻ con cho kẻ khác, phận đàn bà mấy ai được như nàng?
Ngữ điệu của chàng tuy nhẹ nhàng nhưng lực sát thương thì cực mạnh. Ta cũng cố nhẹ nhàng đáp trả:
– Chính vì không mấy ai được như thần thiếp nên hình phạt dành cho thần thiếp cũng khác biệt, phải không? Thần thiếp hàng đêm đứng ngoài sương gió, cam chịu nghe người Hoàng thượng thương hò reo vui sướng, sau đó lại ngoan ngoãn hầu hạ nàng. Nếu như sự ẩn nhẫn của thần thiếp bấy lâu nay vẫn chưa đủ khiến Hoàng thượng nguôi ngoai thì người quả thực quá nhỏ mọn rồi!
Hoàng thượng có vẻ cũng bị lời nói của ta làm cho tổn thương. Chàng buồn bã rời khỏi Mẫu Đơn cung. Ngọc Trí khó chịu trách móc ta:
– Đơn tần nương nương đi quá xa rồi! Sự hò reo của An tần không đen tối như nương nương nghĩ đâu.
Ta bĩu môi mỉa mai:
– Đêm khuya thanh vắng, một nam một nữ ở trong phòng, nữ hò reo như bắt được vàng, hẳn là loại chuyện trong sáng quá đỗi!
Ngọc Trí thở dài bảo:
– Đơn tần nương nương đang nóng giận, thôi thì trong sáng hay đen tối, để hồi sau khắc rõ. Còn việc nương nương bị lừa tới Tuệ phòng là kế của Nhiên tần. Hoàng thượng cho gọi ả cung nữ đó qua đây là vì muốn để nương nương trút giận mà thôi. Cơ mà… chưa gì nương nương đã nổi đoá rồi.
– Ngươi là thái giám thân cận của Hoàng thượng, tất nhiên nói tốt cho người.
– Không phải nô tài nói tốt cho Hoàng thượng mà là đối với nương nương, Hoàng thượng tốt thực sự. Hoàng thượng có thể tàn nhẫn với bất kỳ ai, nhưng nhất định không bạc bẽo với nương nương.
– Vậy tại sao Hoàng thượng biết rõ ta bị oan rồi còn ép ta phải xin xỏ để trở thành phi tần của người?
– Đơn tần nương nương ơi là Đơn tần nương nương! Hoàng thượng chịu biết bao nhiêu thương tổn, người chớp thời cơ giải toả chút ấm ức trong lòng thì có sao đâu? Hoàng thượng như vậy đã là xuống nước lắm rồi. Nếu lương tâm của nương nương vẫn còn, Ngọc Trí xin nương nương thương xót Hoàng thượng, đừng buông mấy lời ác độc đả kích người nữa.
Nghe Ngọc Trí phân tích, tự dưng ta lại thấy mình quá đáng. Hoàng thượng chắc giận ta thật rồi. Sau hôm đó, chàng không thèm tới Mẫu Đơn cung nữa. Tối ba mươi Tết, Hoàng hậu tổ chức tiệc tất niên ở Phượng Hoàng cung. Ta nghe đồn Hoàng thượng sẽ tham gia nên đã trang điểm rất lộng lẫy, định bụng lúc gặp chàng sẽ nói vài lời đường mật. Chỉ là, ta còn chưa kịp rời cung thì đã nôn ra một ngụm máu đen. An tần bất thình lình chui ra từ vườn mẫu đơn, khiếp sợ hỏi ta:
– Đơn muội! Sao muội lại nôn ra máu đen?
Ta thều thào hỏi nàng:
– Sao An tỷ lại trốn trong cung của muội? Đừng nói là tỷ bỏ độc muội nhé!
– Không sai. Là tỷ lén bỏ độc vào đồ ăn của muội. Nhưng rõ ràng người đó nói độc Hắc Huyền chỉ khiến muội bị đau bụng rồi đánh rắm thối thôi mà.
– Người đó là ai?
– Ta không dám nói. Nếu ta tiết lộ danh tính của người đó, cả nhà ta sẽ rơi vào cảnh khốn cùng. Tất cả là tại ta, bởi vì ta ghét muội, muốn muội bị mất mặt trong bữa tiệc tất niên nên người đó mới cho ta ít độc Hắc Huyền. Muội đừng trách người đó, có lẽ người đó cũng không biết độc Hắc Huyền có tác dụng phụ.
– Tác dụng phụ gì cơ chứ? Độc Hắc Huyền nếu không được giải trong vòng một canh giờ sẽ mất mạng.
An tần toát mồ hôi hột. Nàng van xin ta đừng nói gì với Hoàng thượng. Ta tin nàng khờ khạo bị kẻ khác lợi dụng, cộng thêm chút cảm giác tội lỗi vì thời điểm ở An Nhiên cung đã nói dối nàng nên từ tốn bảo:
– Cũng may tỷ đã tiết lộ là độc Hắc Huyền, nếu không muội sẽ không biết cách giải. Chúng ta từ nay không ai nợ ai. Nhờ tỷ tới Phượng Hoàng cung nói với Hoàng hậu rằng muội nhớ quê nên đổ bệnh, không thể tới tham dự bữa tiệc tất niên, mong Hoàng hậu thứ tội.
An tần cảm kích đa tạ ta rồi gạt nước mắt chạy tới Phượng Hoàng cung. Những cách giải độc Hắc Huyền thông thường đều cần tới cánh của rất nhiều loài hoa chỉ nở trong mùa hạ. Người hại ta chắc đang phấn khởi lắm. Thật không may cho người đó, ta lại có sư phụ cao minh, người đã dạy ta cách giải độc Hắc Huyền bằng trà vỏ quýt. Trong một canh giờ, ta đã phải uống cạn mười bình trà cỡ lớn. Ta còn nôn ra nửa chậu máu đen khiến tụi cung nữ một phen khiếp vía. Ta doạ các nàng:
– Đã là người của ta thì khi chưa có sự cho phép của ta, cấm bép xép nhiều chuyện. Không biết giữ mồm giữ miệng thì đừng mong giữ mạng.
Các nàng sợ hãi gật đầu lia lịa. Ta mệt mỏi lịm đi. Mãi đến khi có một bàn tay man mát chạm vào trán mình, ta mới bừng tỉnh. Có tiếng kẻng vang lên, vừa hay chính là thời khắc chuyển giao giữa năm Nhâm Thân và năm Quý Dậu. Hoàng thượng buồn bã hỏi ta:
– Nghe nói nàng nhớ quê nên đổ bệnh?
Ta gật đầu. Tết đến xuân về, ai mà không nhớ quê? Thật buồn khi chàng lại hiểu cái sự nhớ nhung của ta sang một nghĩa khác. Chàng chất vấn:
– Nhớ quê hay nhớ sư phụ?
Ta cố gắng giải thích:
– Thần thiếp có nhớ sư phụ… nhưng…
Hoàng thượng cắt ngang lời ta:
– Thật đáng ghen tị!
Thế rồi, chàng rời đi luôn, không cho ta cơ hội được giãi bày rằng nỗi nhớ mà ta dành cho sư phụ giống như nỗi nhớ mà con gái dành cho thầy bu. Canh năm, Ngọc Trí thay chàng truyền chỉ cho phép ta được về Sơn Nam mười ngày. Ta vì quá mong được gặp Uy Vũ nên chẳng thèm chuẩn bị đồ gì cả, cứ thế như một cơn gió lao lên kiệu. Kiệu đưa ta ra khỏi hoàng cung thì dừng lại. Ta xuống kiệu, đi lên chiếc xe ngựa mà Ngọc Minh đã chuẩn bị sẵn. Bên trong chiếc xe có một phong thư nhỏ, trên phong thư có dòng chữ căn dặn thư này chỉ được phép đọc ở Sơn Nam, nhưng ta quá tò mò nên đã mở thư luôn. Trên tờ giấy vương vấn mùi hương đầy dễ chịu của chàng, chỉ viết ngắn gọn duy nhất một câu:
“Nếu nơi đây không còn gì để nàng lưu luyến, thì sau mười ngày, nàng không cần quay trở lại nữa.”