Bạn đang đọc Ta Vẫn Còn Thương Nhớ Mà Người Đã Thờ Ơ – Chương 1-2-3. Tại Sao Chúng Ta Phải Đi Trốn?
Rằm tháng Giêng, năm Mậu Thìn, tại Mẫu Đơn trang viên, trấn Sơn Nam, trong vườn mẫu đơn trăm hoa khoe sắc, ta nằm thư giãn trên chiếc võng mây, khoan khoái ngắm non xanh nước biếc. Giọng nói ngọt ngào của Nhất đồ đệ vang lên như rót mật vào tai ta:
– Bẩm sư phụ, đệ tử đã lập xong lá số tử vi cho phú ông ở làng bên.
Ta lười biếng liếc qua tờ giấy trên tay Nhất đồ đệ, nhàn nhạt hỏi:
– Có thật là ngươi đã lập xong lá số tử vi?
– Dạ, bẩm sư phụ, thực sự là con đã lập xong rồi ạ. Sư phụ nhìn coi, con đã xuất sắc chia lá số tử vi thành mười hai cung theo Thập Nhị Địa Chi.
– Chỉ thế thôi ư?
– Dạ. Không phải như thế là đã xong rồi sao?
– Thế mà đã là xong thì ngươi làm sư phụ ta luôn đi! Mau cút về phòng đọc sách!
Ta cáu. Nhị đồ đệ dịu dàng an ủi:
– Sư phụ bớt giận, sư huynh học mười hiểu một, có trách thì chỉ nên trách huynh ấy quá ngu. Đâu phải ai cũng sáng dạ như con đâu. Mời sư phụ ngó qua lá số tử vi do con lập ạ, sư phụ đừng quá khen!
Nhị đồ đệ kính cẩn dâng lên lá số tử vi do hắn tự tay lập khiến ta uất nghẹn. Ta mắng xối xả:
– Khen cái đầu nhà ngươi. Hà cớ làm sao người này sinh giờ Tý mà ngươi lại cho Thân cư Phu Thê?
– Dạ, bẩm sư phụ. Người này sinh giờ Tý tức là giờ của con chuột, mà bọn chuột nó thường sống bầy đàn, có đôi có cặp nên con an Thân tại Phu Thê.
Tam đồ đệ hào hứng chen ngang:
– Nhị sư huynh, sư phụ đã nói bao nhiêu lần rồi, huynh không thể cậy mình thông minh mà tự suy diễn. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học, huynh hiểu “hông”? Người sinh giờ Tý, hiển nhiên Thân cư tại Mệnh. Những người Thân Mệnh đồng cung có tiền vận và hậu vận liên kết rất chặt chẽ. Họ có tính cách thẳng thắn, bộc trực, thường xem bản thân mình làm trung tâm…
Nhị đồ đệ cắt ngang:
– Bẩm sư phụ, Tam đệ chỉ giỏi học thuộc, nhàm chán. Sư phụ nom lá số tử vi đệ ấy lập kìa, đã hai canh giờ trôi qua rồi mà còn chưa an xong Thiên Phủ tinh hệ.
Tam đồ đệ ấm ức nói:
– Bẩm sư phụ, đồ đệ mải nghiên cứu sách nên có phần chậm chạp. Nhưng mà con vẫn nhanh hơn Tứ đệ, hiện tại, đệ ấy còn chưa lập cục.
Tứ đồ đệ gãi đầu gãi tai bảo ta:
– Thưa sư phụ, trước Tết con ra chợ mua câu đối đỏ của ông đồ, đồng thời có nhận lời lập lá số tử vi giúp ông ấy. Ngặt nỗi, con phân vân mãi mà không biết ông ấy rốt cuộc thuộc Kim tứ cục hay Mộc tam cục?
– Một lũ ngu xuẩn! Tết nốc nhiều cho lắm vào, để rồi bây giờ đứa nào đứa nấy béo trắng cả ra. Đầu óc toàn bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, có vài câu đối đỏ cũng phải bỏ tiền đi mua thì còn làm nên cái trò trống gì? Ta hận không thể cho mỗi đứa một cái bạt tai! Từ giờ các ngươi khỏi học nữa! Học mà để bôi tro trát trấu vào mặt ta thì học làm chi? Mau! Mau nhảy xuống ao vớt bèo! Từ nay lợn đực, lợn cái, lợn giống, lợn sữa của phủ ta giao hết cho bốn huynh đệ các ngươi!
Ta tung liên hoàn chửi. Ngũ đồ đệ bĩu môi mắng:
– Các huynh đều ngốc nghếch!
Ngũ đồ đệ chạy lon ton tới chỗ ta. Hắn đem cho ta coi lá số tử vi do hắn lập. Đây là lần đầu tiên trong đời ta thấy có cái lá số tử vi hình củ khoai lang đó a! Chỉ là, hắn năm nay mới lên ba, biết cầm bút vẽ đã là giỏi lắm rồi. Hắn cũng thuộc dạng mau nước mắt, chê một câu liền mếu máo rồi khóc inh ỏi lụt cả trang viên nên ta đành xoa đầu hắn, thảo mai khen ngợi:
– Ngũ đồ đệ đỉnh quá a!
Được cái ngũ đồ đệ bụ bẫm, xinh trai, có hai cái má bánh bao núc ních nên chẳng ai ganh tị với hắn cả. Hắn được các sư huynh thương dữ lắm. Nhất sư huynh và Nhị sư huynh đều có ý với bu của hắn, chính là Ngân Hạnh, tì nữ của ta nên lại càng ra sức cưng chiều hắn. Ngân Hạnh chẳng tỏ vẻ mến mộ vị sư huynh nào cả, nàng tối ngày chỉ quan tâm tới việc quán xuyến trang viên cho ta thôi. Nàng dịu dàng dâng trà cho ta, lễ phép thông báo:
– Bẩm cô nương, sư tỷ của cô nương cho người từ trấn Sơn Tây tới báo tin rằng nàng đã sinh hạ thành công tiểu thư Đinh Phi Yến.
Ta buột miệng cảm thán:
– Ôi chao! Tiểu thư xứ Đoài, con gái rượu của quan thất phẩm thì phước báu để đâu cho hết! Cháu gái của ta sau này sẽ được phu quân cưng chiều lắm đây! Có điều, mai sau nó không nên lấy chồng xa. Nếu chẳng may phải gả cho người ở xã khác thì nhất định không được đem theo tì nữ thân cận, bằng không, chỉ e không rơi vào cảnh tranh chồng thì mẫu tử cũng sớm bị chia cắt!
Ngân Hạnh ngạc nhiên thốt lên:
– Cô nương! Ngân Hạnh còn chưa nói cho người biết ngày giờ sinh của tiểu thư Phi Yến! Cô nương quả đúng là người có căn, thảo nào sư phụ của cô nương lại xem trọng người như vậy! Ngân Hạnh nể phục cô nương!
Ta biết mỗi lần Ngân Hạnh giở giọng nịnh hót đều có mục đích cả, nhưng giọng nàng ngọt quá, ta nghe vẫn thấy bùi tai. Ta cười hả hê, sau đó mới nghiêm túc hỏi:
– Em vừa mới nhận khách phải không?
– Đúng là chẳng có chuyện gì qua được đôi mắt tinh tường của cô nương. Bẩm cô nương, là khách từ kinh thành tới ạ, họ nói là muốn xem vận mệnh.
– Ngày Rằm là ngày bổn cô nương nghỉ ngơi. Em nói khách ngày mai hẵng ghé qua!
– Dạ thưa cô nương, em biết. Nhưng mà…
Ngân Hạnh chìa ra một thỏi vàng sáng lóng lánh như ánh sao xa. Mắt ta khi ấy xem chừng còn sáng hơn cả sao! Mí mắt ta giật giật, miệng ta cười không khép lại được. Ta vội vã lấy khăn voan che mặt rồi theo Ngân Hạnh đi gặp khách. Giá như nhan sắc của ta chỉ dừng lại ở mức xinh xắn dễ thương như Ngân Hạnh thì tuyệt vời biết bao. Cơ mà, số ta khổ, sinh ra đã là mỹ nữ, vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của ta khiến đàn ông say đắm muốn rước về nhà, khiến đàn bà ghen nổ đom đóm mắt. Ngân Hạnh nói để sóng yên gió lặng, tốt hơn hết khi gặp người lạ, ta nên che mặt. Duyên phận thế nào vị khách hôm nay ta gặp cũng che mặt. Chỉ là, hắn không cần dùng khăn. Tuy có hai người đầy tớ mặc áo nâu đứng hai bên cầm hai chiếc quạt lớn, cố ý che ngang mặt hắn, nhưng chỉ cần nhìn dáng ngồi oai phong trên chiếc ghế trường kỷ là ta liền biết người này không thể xem nhẹ rồi. Trong phòng có ba đầy tớ, đứa còn lại mặc áo đen, tay cầm kiếm. Hắn trịnh trọng bảo ta:
– Tại hạ họ Ngô, tên Hải Triều, năm nay hai mươi hai tuổi. Tại hạ xin mạn phép hỏi quý danh và tuổi tác của cô nương để tiện bề xưng hô.
– Hiện tại, ta mười chín tuổi. Sư phụ ta đặt cho ta cái tên Vô Tư. Ngươi có thể gọi ta là Tư cô nương hoặc Tứ cô nương đều được.
– Tứ cô nương! Thứ lỗi cho tại hạ không thể cung cấp tên của công tử, ở trong tờ giấy này chỉ có ngày tháng năm sinh và giờ sinh, liệu Tứ cô nương có thể xem được vận mệnh cho công tử hay không?
Ta làm màu:
– Được. Có điều… giá cả sẽ cao hơn một chút…
– Không thành vấn đề. Chỗ này… gọi là chút lòng thành của công tử… mong cô nương giúp cho.
Hải Triều mở chiếc rương vàng, ta tưởng như phòng khách của mình bừng sáng. Ta ngay lập tức lập lá số tử vi cho vị công tử kia, sau đó, chậm rãi luận giải:
– Thành thực mà nói, từ thuở mới vào nghề tới giờ, đây là lần đầu tiên ta lập cái lá số tử vi đẹp như tranh vẽ thế này. Cục sinh Mệnh, Âm Dương thuận lý…
Vị công tử khẽ giơ tay, Hải Triều liền nói:
– Tứ cô nương! Hiện tại, mợ ba của công tử đang có hỷ, công tử chỉ muốn biết xem hài tử trong bụng của mợ ba là trai hay gái thôi ạ.
Ta há hốc! Gì vậy? Đùa ta hả? Ta cố gắng tập trung, nhẩm đi tính lại đến cả chục lần, kết quả vẫn chỉ có một, đó là vị công tử kia chưa thành thân. Vậy lấy đâu ra mợ? Lại còn mợ ba mới oách chứ! Đây cũng là lần đầu tiên từ thuở mới vào nghề, ta hoài nghi về năng lực của mình. Có lẽ, ta đã bị năm đồ đệ làm cho ngu người theo rồi. Ta thòm thèm liếc chiếc rương vàng, lòng tham trỗi dậy, ta đập bàn đánh rầm, cao giọng phán bừa:
– Con trai! Chắc chắn mợ ba sẽ sinh con trai! Bổn cô nương xin chúc mừng công tử, chắc chắn năm nay biệt phủ của công tử sẽ có người nối dõi tông đường!
– Cô nương chắc chưa? Nếu là con gái thì sao? Nếu cô nương nói sai, tại hạ sẽ đòi lại vàng nhé!
Hải Triều ra điều kiện. Ta lươn lẹo trả lời:
– Ấy chết! Ai lại làm thế? Vàng đã cho đi cấm kỳ đòi lại. Nếu nhỡ có là con gái thì sẽ có vài phần tính cách như con trai… cũng như nhau cả thôi.
Hải Triều đột ngột đổi giọng, hắn quát lớn:
– Thế nào là như nhau? Hỗn xược! Mau quỳ xuống!
Ta sợ xanh mặt, vội vã quỳ xuống theo lệnh. Hải Triều cười vang. Hắn đắc chí nói:
– Thì ra nhà ngươi không hề biết xem vận mệnh, chỉ giỏi khoa môi múa mép để lừa tiền thiên hạ.
Giọng điệu của Hải Triều hào hùng ghê lắm, rất giống giọng của người đã từng ra trận. Ta đoán vị công tử kia chính là quan lớn nên rối rít phân bua:
– Bẩm… bẩm quan lớn… oan… oan cho dân nữ quá… dân nữ quả thật biết xem vận mệnh… dân nữ… dân nữ là nữ thầy bói giỏi nhất trấn Sơn Nam đó a!
Vị công tử khẽ ho. Ta cũng đến phục Hải Triều, chủ chưa nói gì mà phận tôi tớ như hắn đã đoán được ý rồi. Hải Triều hắng giọng hỏi ta:
– Vậy ta cho ngươi thêm một cơ hội nữa để thể hiện bản thân. Ngươi thử xem ngươi sống được bao lâu?
Ta cẩn trọng trả lời vị công tử:
– Dạ, bẩm quan lớn. Dân nữ phúc lớn, sau này sẽ hưởng thọ tám mươi tám tuổi ạ.
Hải Triều cười khẩy nói:
– Ta lại nghĩ nhà ngươi phúc mỏng, chỉ được hưởng dương mười chín tuổi thôi.
Ta buột miệng chửi Hải Triều:
– Điên à? Tầm bậy! Ngươi mở to mắt ra mà coi, vận mệnh của ta nằm trong lòng bàn tay ta đây này, rõ ràng đường sinh mệnh của ta rất đẹp.
– Thế cơ à?
Hải Triều bĩu môi hỏi ta. Vị công tử kia lại khẽ phẩy tay ra hiệu. Hải Triều ngoảnh ra bên ngoài. Trang viên của ta đã bị lính vây kín từ lúc nào mà ta không hay. Ta còn đang hoảng hồn thì Hải Triều đã lớn tiếng ra lệnh:
– Bay đâu! Lôi con tiện nữ này ra chém cho ta!
Ta mơ hồ nghe được tiếng cười khẩy của vị công tử đang được đầy tớ che mặt kia. Ta thề là ta chưa từng nghe thấy cái tiếng cười nào nó ác độc hơn thế! Đồ tra nam khốn nạn không biết thương hoa tiếc ngọc! Chỉ một cái phẩy tay của hắn thôi cũng đủ để lấy mạng ta.
Vận mệnh của ta, quả thực không nằm trong tay ta!
Vận mệnh của ta, vốn dĩ nằm trong tay hắn!
Ta liều chết gào lên:
– Bẩm quan lớn! Quan lớn xử án qua loa cuống quýt, không phân minh! Ta đây không phục!
– Có chỗ nào không phục?
Hải Triều cao giọng hỏi. Ta ấm ức bảo hắn:
– Cứ cho là ta không biết xem vận mệnh, chỉ biết bịa chuyện để lừa tiền thiên hạ đi thì cùng lắm ta cũng chỉ bị tịch thu của cải rồi tống vô nhà lao dăm ba năm thôi chứ, làm gì tới nỗi mất mạng?
– Ai bảo ta lấy mạng ngươi vì ngươi bịa chuyện lừa tiền thiên hạ?
– Thế thì vì cái gì? Rốt cuộc ta đã phạm phải tội gì? Ngươi không nói rõ thì ta làm sao mà biết được?
– Ngươi còn ở đó mà giả ngu hả? Ngươi hại chết người ta, không đền mạng hơi phí!
– Hải Triều! Ngươi đừng có mà ngậm máu phun người! Ta hại chết ai? Hồi nào?
Hải Triều giở giọng lịch sự mỉa mai ta:
– Tại hạ hỏi khí không phải chứ Tứ cô nương đang chơi trò mắc bệnh mất trí nhớ à?
Ta mệt mỏi đáp lời hắn:
– Cứ cho là như thế đi. Kính mong Hải Triều công tử nhắc cho bổn cô nương nhớ lại tường tận sự tình.
– Được! Vợ chồng Củ Chuối lấy nhau ba năm rồi vẫn chưa có con, ngươi có biết hay không?
– Ta biết. Tuần trước, vợ chồng hắn ghé qua phủ ta, nhờ ta xem vận mệnh.
– Chính ngươi đã lừa Cù Văn Củ rằng chỉ cần hắn dâng tặng ngươi vườn chuối rộng bảy sào, ngươi sẽ chữa bệnh hiếm muộn cho vợ chồng hắn. Hắn vì tin tưởng ngươi nên mới viết khế ước chuyển giao vườn chuối. Ai ngờ, ngươi nhận vườn xong liền lật mặt. Đêm qua, Văn Củ ức chế doạ ngươi rằng nếu ngươi không trả lại vườn chuối, hắn sẽ báo quan. Ngươi nổi cơn thú tính đẩy hắn ngã xuống ao, khiến hắn bị đuối nước mà chết.
– Ngươi kể chuyện tầm bậy không à! Ta lừa Cù Văn Củ hồi nào? Ta giúp vợ chồng hắn lập lá số tử vi mà. Lá số của Thị Chuối chẳng đến nỗi nào, nhưng lá số của Văn Củ thì không được đẹp cho lắm. Cung Phúc Đức của hắn có rất nhiều sao xấu toạ thủ…
– Liên quan gì tới cung Phúc Đức?
– Ngươi có điều không biết rồi, tất cả các cung trong lá số tử vi dù ít hay nhiều đều bị cung Phúc Đức chi phối. Ngươi chưa nghe câu đức năng thắng số à? Vợ chồng Củ Chuối đi khám khắp nơi, thầy lang nào cũng phán cả hai đứa đều không có bệnh tật gì. Bởi vậy, ta đoán nguyên nhân hiếm muộn là do nghiệp ác Cù Văn Củ gieo trong quá khứ. Cung Phúc Đức xấu kéo theo sự tăm tối của cung Tử Tức. Ta đã khuyên hắn chịu khó sám hối, đồng thời làm thật nhiều việc thiện để hồi hướng phước báu cho gia đình và chuyển nghiệp khó có con. Vợ chồng hắn tâm sự đã bị sảy thai mấy lần nên ta còn làm lễ cầu siêu cho những vong thai đó, ta chỉ lấy vỏn vẹn có một buồng chuối thôi à. Còn về vườn chuối… là… là…
– Là sao?
Hải Triều quát lớn khiến ta giật nảy mình. Ta thở dài thườn thượt, thật thà tâm sự:
– Cù Văn Củ có một người họ hàng xa tới từ trấn Hải Đông, muốn học xem vận mệnh. Hắn hứa sẽ cho ta vườn chuối với điều kiện ta phải bỏ một đêm ra để dạy người đó cách lập lá số tử vi.
– Ban ngày ban mặt không học, lại học ban đêm?
– Ta cũng thấy nghi ngờ. Tuy nhiên, Hải Triều à! Ngươi có thích ăn chuối không?
Ta chỉ hỏi một câu bình thường, chẳng hiểu sao khoé môi của hai đầy tớ đang che quạt cho vị công tử kia lại cong tớn hết cả lên. Hải Triều cáu kỉnh đáp:
– Hỏi linh tinh. Ta không thích!
– Không thích thì ngươi làm sao mà hiểu được nỗi lòng của ta. Chuối ở vườn của Cù Văn Củ là chuối ngự đó a, nó ngon, nó ngọt lắm á! Ngoài chợ, giá của một nải chuối ngự bằng giá của hai bát bún riêu. Ta còn phải nuôi năm đồ đệ, một tì nữ nên mỗi ngày đều không dám ăn quá ba quả chuối. Giờ hắn cho ta cả vườn chuối, ta ngu gì mà từ chối? Ăn không hết còn có thể đem bán nha!
– Ngươi không sợ hắn bán ngươi sao?
– Sợ chứ! Tuy nhiên, lòng tham của ta đã đánh bại nỗi sợ. Đêm qua, ta theo lời Văn Củ tới quán trọ Thảo Linh. Ta còn đem cả dao theo, nhưng có lẽ ta đã quá đa nghi, người họ hàng xa của Văn Củ không làm gì ta hết. Hắn thậm chí còn không cho ta bước chân vào phòng. Ta ngồi ngoài hiên giảng bài, hắn ngồi trong phòng lắng nghe. Tới canh năm, hắn sai đầy tớ đưa cho ta một miếng ngọc bội thay lời cảm ơn.
– Học thế mà cũng gọi là học hả? Ngươi bịa chuyện nó cũng phải có lý một chút chứ!
Hải Triều mỉa mai ta. Ta mỉa mai lại hắn:
– Ngươi mới là người bịa chuyện đấy! Ta hỏi khí không phải chứ ngươi đến từ kinh thành, nào đâu phải người trấn Sơn Nam, cớ sao mọi sự lại rõ như thể chui trong gầm giường nhà người ta thế?
– Chính miệng Trấn thủ Sơn Nam tiết lộ cho ta.
Ta giận run người. Trấn thủ Sơn Nam quả thực đã hận ta thấu xương thấu tuỷ rồi, bằng không hắn sẽ không bao giờ bịa chuyện vu oan cho ta. Cảm thấy tranh luận với Hải Triều không đi đến đâu, ta nhanh trí quay sang cầu cạnh vị công tử kia:
– Bẩm quan lớn! Oan uổng! Thực sự oan uổng quá a! Lời nói của Trấn thủ Sơn Nam, quả thực không thể tin được. Dân nữ van xin quan lớn, xin người cho dân nữ được gặp mặt trực tiếp Trấn thủ Sơn Nam để ba mặt một lời.
– Ngươi! To gan! Đến Trấn thủ ngươi cũng dám bất kính! Có tin ta vả rụng răng ngươi không?
Hải Triều nóng nảy doạ ta. Thế nhưng, vị công tử kia đã khẽ ho khiến hắn bình tĩnh trở lại. Hắn đồng ý dắt ta đi gặp Trấn thủ Sơn Nam. Ta lươn lẹo xin xỏ:
– Có thể nào cho ta chút thời gian từ biệt các đồ đệ không? Ngộ nhỡ gặp Trấn thủ Sơn Nam xong mọi việc vẫn chưa được sáng tỏ thì biết bao giờ thầy trò chúng ta mới được đoàn viên? Không khéo sau này gặp nhau dưới suối vàng, tụi nhỏ lại mếu máo trách ta bỏ đi không nói lời từ biệt thì nó cũng bi ai ghê lắm!
Ta giả bộ khóc lóc thê lương khiến Hải Triều mủi lòng. Hắn gật đầu đồng ý. Ta dắt theo Ngân Hạnh, ba chân bốn cẳng đi tìm các đồ đệ. Ngũ đồ đệ đang gấp thuyền giấy thả xuống ao, những ngón tay mũm mĩm liên tục vỗ vỗ vào mặt nước. Tam đồ đệ và Tứ đồ đệ đang vớt bèo. Nhất đồ đệ và Nhị đồ đệ ở trên bờ cật lực băm bèo. Ôi chao! Cái khung cảnh mới yên bình làm sao! Đối lập với cái lòng ta đang cuộn trào như sóng biển! Ta chỉ lừa Hải Triều thôi, chứ ta đâu có ngu mà theo hắn đi gặp Trấn thủ. Lam Hoà tài trí, mưu mẹo hơn người, ta đấu với hắn chỉ có thiệt thân. Ta hối hả bảo các đồ đệ:
– Mau! Mau! Mau thu dọn đồ đạc rồi trốn thôi!
– Không băm bèo nữa hả sư phụ?
Nhất đồ đệ ngu ngốc hỏi. Ta quát:
– Chết đến nơi rồi còn ở đó mà băm bèo! Mau lên! Ngươi và Nhị đồ đệ mau đi chuẩn bị xe ngựa! Những người còn lại mau đi thu dọn đồ đạc.
Nhất đồ đệ và Nhị đồ đệ ngoan ngoãn nghe lệnh. Tứ đồ đệ ngược lại đăm chiêu thắc mắc:
– Có đem theo lợn không sư phụ?
Ta cáu điên:
– Lợn liếc cái bà nội nhà ngươi! Người còn chưa lo xong, lo cho lợn làm gì?
– Nhưng lợn không biết tự nấu cám, nếu chúng bị bỏ lại, chúng sẽ chết đói.
Ngũ đồ đệ sụt sịt nói. Ta an ủi hắn:
– Ngũ đồ đệ ngoan! Ngươi mau mở cửa chuồng, thả hết lợn ra vườn, để tụi nó ăn được cái gì thì ăn, còn không thì chui sang nhà hàng xóm mà ăn chực.
Tứ đồ đệ ngơ ngác hỏi:
– Thế còn dê, gà, ngan, ngỗng thì sao ạ?
– Thì động cái đầu chứa toàn bã đậu của nhà ngươi đi! Hỏi lằm hỏi lắm! Mệt hết cả người!
– Vậy con thả hết nha!
Ta đến phát điên với mấy đứa đồ đệ này mất. Cũng may vẫn còn có Ngân Hạnh thông minh lanh lợi, trong thời gian tụi nó hỏi nhăng hỏi quậy, nàng đã thu dọn xong đồ đạc. Nàng lễ phép bảo ta:
– Bẩm cô nương! Em chỉ đem theo tiền và những đồ vật quý giá có thể đổi ra tiền thôi. Những thứ còn lại, cứ có tiền ắt mua được!
– Vẫn là Ngân Hạnh hiểu ta nhất! Ta mà làm nam nhân thì nguyện cả đời chỉ che chở cho một mình em.
– Không được! Sư phụ đừng đi vào rừng mơ bắt con tưởng bở! Ngân Hạnh đã có con che chở rồi!
Nhất đồ đệ nói lớn rồi đánh xe ngựa đi tới. Nhị đồ đệ đỡ mọi người lên xe hết rồi mới mở lời:
– Ngân Hạnh! Nhất sư huynh ngoài cái sự ngu ra thì chẳng được cái nước non gì sất! Em vẫn nên đi theo ta thì hơn. Ta hứa sẽ lo cho em và Ngũ đệ một tương lai tươi rói, sáng loá và chói loà rực rỡ.
Tam đồ đệ chẹp miệng nhận xét:
– Ngân Hạnh thông minh xinh đẹp, hiền lành phúc hậu, ắt sẽ có nhiều người thương. Ngặt nỗi, lá số tử vi của em có Cô Thần, Quả Tú cư ở cung Phu Thê khiến cho đường tình duyên gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
Nhất đồ đệ và Nhị đồ đệ ngây người. Bọn chúng quay sang nhìn ta, đồng thanh hỏi:
– Sư phụ! Tam đệ nói có đúng không?
– Ngày thường các ngươi mải chơi cho lắm vào để bây giờ phận làm sư huynh, tiểu đệ nói đúng hay sai cũng chịu không phân biệt được. Hỏi có nhục không cơ chứ?
Ta chửi. Ngũ đồ đệ phụng phịu thắc mắc:
– Sư phụ! Tại sao chúng ta phải đi trốn?
Đấy! Rốt cuộc chỉ có Ngũ đồ đệ quan tâm tới ta. Ta buồn bã kể lể tường tận sự tình cho các đồ đệ nghe. Tụi nhỏ sợ xanh mặt. Khi ta kể xong cũng là lúc ta nghe thấy tiếng ngựa hí rất to. Nhất đồ đệ tò mò vén rèm ngó ra bên ngoài rồi hoảng hốt quay lại bảo ta:
– Bẩm sư phụ, quân lính đã bao vây tứ phía! Tất cả đều giương cung chĩa về phía chúng ta.
Ta còn chưa biết phải xử trí như nào thì Ngân Hạnh đã nhanh nhảu bảo:
– Tứ cô nương! Cảm tạ cô nương đã cưu mang bu con em! Khách là do em nhận, chính em đã hại cô nương cùng mọi ngươi rơi vào cảnh này. Chuyện em gây ra, em sẽ tự mình gánh chịu hậu quả. Cô nương hãy dắt năm đồ đệ cao chạy xa bay, nhất định đừng quay lại tìm em.
Dứt lời, nàng lấy khăn voan che mặt rồi ngay lập tức nhảy ra khỏi xe, nhại giọng ta nói lớn:
– Tứ cô nương ta tự làm tự chịu. Không liên luỵ đến các đồ đệ và tì nữ của ta!
Ta rất muốn lao ra che chở cho nàng. Khổ nỗi, năm đứa đồ đệ khốn nạn cứ ôm ta nhất định không buông. Ta nghe thấy giọng Hải Triều đầy uy phong:
– Được! Tứ cô nương có gan làm, có gan chịu! Tại hạ nể phục. Bắt lấy Tứ cô nương, giải đến phủ Trấn thủ Sơn Nam. Những người còn lại, thả!
Hải Triều không quan tâm tới bọn ta nữa nên chúng ta lại quay xe về trang viên Mẫu Đơn. Năm đồ đệ cứ bảo ta an tâm, Ngân Hạnh khéo ăn khéo nói kiểu gì cũng thoát nạn. Ta cũng muốn an tâm lắm, cơ mà tới chập tối, vẫn chưa thấy bóng dáng nàng, ta chịu không nổi. Ta thay bộ đồ đen, dùng khăn đen bịt mặt rồi lẻn vào phủ Trấn thủ Sơn Nam. Ta thực sự không biết Ngân Hạnh bị nhốt ở phòng nào nên bất đắc dĩ phải hối lộ cho tì nữ trong phủ một thỏi bạc để nàng dẫn đường cho ta. Cứ ngỡ sắp được gặp Ngân Hạnh, ta vui như mở cờ trong bụng. Nào ngờ, đó chỉ là một cái bẫy. Cánh cửa phòng vừa mở, ta đã nghe thấy giọng Hải Triều đầy đắc thắng:
– Rốt cuộc tại hạ cũng đợi được Tứ cô nương.
Căn phòng này rất lớn. Trấn thủ Sơn Nam cũng đang ở đây. Còn có một vị nam nhân ngồi sâu bên trong, cách chúng ta một tấm rèm che. Ta đoán chính là vị công tử kia. Chỉ có điều, ta không biết thân thế của hắn hiển hách cỡ nào mà đến cả Trấn thủ Sơn Nam cũng phải cúi đầu trước hắn. Lam Hoà lễ phép báo cáo:
– Bẩm công tử, đúng như người dự đoán. Tứ cô nương đã tự mình đến nhận tội.
Nhận tội cái bà nội nhà ngươi! Ta giận dữ hỏi:
– Tì nữ của ta đâu?
– Đã được thả ra ngay khi Tứ cô nương bước chân vào phủ Trấn thủ. – Hải Triều đáp.
– Ngươi phát hiện ra bắt nhầm người từ khi nào?
– Ngay từ đầu đã biết.
– Vậy tại sao còn bắt Ngân Hạnh đi?
Ta thắc mắc. Hải Triều kênh kiệu hỏi ta:
– Cho hỏi Tứ cô nương có biết trò chơi mèo đuổi chuột không?
– Biết. Cơ mà liên quan gì?
– Liên quan quá đi chứ! Công tử nhà tại hạ cho rằng, cái hay của trò chơi đó không phải là mèo bắt được chuột mà là chuột tự chui vào bẫy, nộp mạng cho mèo.
Ta phẫn uất siết chặt bàn tay. Công tử gì chứ? Ác thú thì có! Hắn dám ngang nhiên vờn ta như mèo vờn chuột! Bổn cô nương hận không thể lột da tróc vẩy hắn!
– Tứ cô nương! Trấn thủ Sơn Nam đang có mặt tại đây, ngươi có điều gì oan ức, mau nói!
Hải Triều nhắc nhở. Trấn thủ Sơn Nam bịa chuyện tào lao, rắp tâm hãm hại ta, ta thực sự không thể cung kính với hắn được. Ta gọi thẳng tên hắn:
– Lam Hoà! Lương tâm của ngươi quẳng cho chó gặm rồi hay sao mà ngươi lại ăn không nói có, đặt điều vu khống bổn cô nương?
Trái ngược với sự giận dữ của ta, Lam Hoà bình thản ghê lắm. Hắn nhã nhặn nói:
– Tứ cô nương! Ngươi hại chết Cù Văn Củ, trong lòng run sợ, nhất thời không dám thừa nhận là chuyện có thể hiểu và thông cảm được. Tuy nhiên, ta khuyên ngươi nên quay đầu là bờ.
– Ngươi đúng là loại đàn ông cặn bã, ăn không được liền đạp đổ. Không gả cho ngươi là quyết định sáng suốt nhất của cuộc đời ta.
Ta tuyên bố. Hải Triều thắc mắc:
– Tứ cô nương! Ngươi nói vậy là có ý gì?
– Còn có ý gì nữa? Trấn thủ Sơn Nam, Lam Hoà công tử đây đã từng tới phủ ta cầu thân ba lần.
Lam Hoà gian xảo chối:
– Tứ cô nương! Ta từ khi nhậm chức liền dốc hết lòng quản việc trong trấn, chăm lo cho cuộc sống của người dân, nào đã có thời gian để ý tới hôn sự của mình. Mong Tứ cô nương bớt ảo tưởng.
– Ngươi lại thích chơi trò mắc bệnh mất trí nhớ hả? Được! Để bổn cô nương nhắc cho ngươi nhớ vậy! Tháng Giêng năm ngoái, ngươi đem ba lợn, bốn dê, năm gà, sáu chó tới phủ ta cầu thân. Đen cho ngươi là ta sợ chó, nghe thấy tiếng sáu con chó sủa ăng ẳng cùng một lúc, ta liền hoảng loạn. Tháng sáu, ngươi thay sáu chó bằng bảy trâu đưa đến phủ ta. Ngặt nỗi, ta đâu có ruộng, cần trâu làm chi? Tháng Chạp, ngươi vẫn không bỏ cuộc, thấy ta trâu chó không ham, ngươi liền đem năm thùng bạc tới phủ ta lấy lòng. Ngươi còn nhớ ta đã nói gì với ngươi không?
– Chuyện Tứ cô nương bịa, ta nhớ sao nổi?
Lam Hoà mặt dày hỏi ta. Ta cười khẩy bảo hắn:
– Ta nói với ngươi rằng ta đã trông thấy ngươi thường xuyên tán tỉnh nữ nhân giỏi thơ ca nhất trấn ta, Phương Tuyền cô nương. Ta nhận lời gả cho ngươi, há chẳng phải là trò cười hay sao? Đúng là ta tham tiền, nhưng ta còn tham tình hơn. Đã là nam nhân của ta, nhất định không được có đôi mắt liếc, đôi lông mày lộn xộn, chiếc mỏ nhọn, cánh môi mỏng và cái mồm nhả ra chữ nào là thấy thum thủm chữ ấy giống như Lam Hoà ngươi, bởi vì sư phụ ta bảo rằng đó là tướng của kẻ lăng nhăng.
Hải Triều chau mày nhận xét:
– Nói Lam Hoà tán tỉnh Phương Tuyền ta còn thấy có lý. Chứ một Trấn thủ như hắn phải cầu thân một thầy bói quèn như ngươi những ba lần, ta cứ thấy sai sai.
– Muốn biết sai hay đúng, ngươi chỉ việc hỏi đại một người trong trấn. Lam Hoà khi tới cầu thân ta khua chiêng gõ trống, bắn pháo hoa làm cháy hơn chục khóm mẫu đơn của ta, người trong trấn ai mà không biết?
– Ta cầu một lý do khiến Lam Hoà phải lòng ngươi.
– Trong một lần truy đuổi tội phạm, Lam Hoà đã va vào ta. Khăn bịt mặt của ta bị rớt xuống đất, hắn tình cờ đã được chiêm ngưỡng dung nhan của ta.
– Nói như ngươi thuộc dạng nghiêng nước nghiêng thành lắm không bằng. Theo hiểu biết của ta về Lam Hoà, hắn chỉ vừa mắt với những cô nương tài hoa hơn người. Đối với những cô nương xinh đẹp nhưng khí chất tầm thường, hắn chắc chắn không có hứng thú.
Ta chẳng buồn tranh luận với Hải Triều, chỉ lẳng lặng tháo khăn bịt mặt rồi khẽ rút chiếc trâm ngọc để mái tóc đen dài bồng bềnh như dòng suối buông xuống. Lam Hoà thẫn thờ nhìn ngắm ta. Hải Triều như bị trúng tà, ánh mắt hắn ngây dại, hai má hắn đỏ bừng. Ta liếc về phía chiếc rèm, trong lòng bất chợt thấy tò mò, chẳng biết vị công tử kia có nhìn rõ ta hay không? Chắc là không. Ta vốn cũng chẳng nhìn rõ gương mặt hắn. Tuy rèm thưa nhưng khoảng cách của bọn ta khá xa, ta chỉ thấy dáng vẻ của hắn thôi. Có vẻ như hắn vừa định đứng dậy, nhưng rồi, lại kiềm được mà ngồi xuống. Liệu hắn có nhìn thấy mái tóc dài thướt tha của ta không nhỉ? Nếu có, liệu hắn có thương hoa tiếc ngọc mà tha cho ta không? Ta đợi mãi nhưng chẳng thấy hắn ra hiệu. Hải Triều hình như bị nhan sắc của ta làm cho u mê luôn rồi, hắn không thèm ngoảnh lại xem ý tứ của chủ nhân, cứ thế hỏi ta:
– Tứ… Tứ cô nương… ngươi nói… ngươi oan uổng. Vậy có bằng chứng không?
Ta dõng dạc nói:
– Hải Triều! Theo như những gì Lam Hoà kể với ngươi thì Cù Văn Củ bị ta hại đêm qua phải không? Điều đó là không thể! Đêm qua, ta ở cùng người họ hàng xa của Văn Củ, đến canh năm mới rời khỏi quán trọ Thảo Linh.
Hải Triều không những không nghi ngờ ta như lúc trước mà ngược lại còn tìm cách giải vây cho ta:
– Vậy chỉ cần tìm được người họ hàng xa đó thì Tứ cô nương sẽ được giải oan phải không?
Ta buồn bã hỏi hắn:
– Tìm sao được? Ta vốn dĩ không biết mặt hắn.
– Tứ cô nương yên tâm. Ta nhất định sẽ điều tra tất cả họ hàng xa của Cù Văn Củ đến từ trấn Hải Đông, nhất định sẽ minh oan cho cô nương.
Ta cười thầm trong bụng. Sư phụ ta nói anh hùng không qua được ải mỹ nhân, quả không sai. Lam Hoà có vẻ không vui cho lắm. Hắn khó chịu quát Hải Triều:
– Hải Triều! Ngươi thế mà lại bị con tiện tì này mê hoặc, mới đó thôi mà đã muốn xoá trọng tội cho ả.
– Lam Hoà! Cớ sao ngươi cứ khăng khăng là ta sát hại Văn Củ? Nếu như hắn đã chết, cớ sao tới bây giờ Thị Chuối vẫn chưa phát tang? Ngươi không thấy vô lý sao?
Ta vừa dứt lời thì Thị Chuối đẩy cửa lao vào trong phòng. Nó gào khóc rồi cao giọng hỏi ta:
– Kẻ sát hại chồng ta còn chưa bị trừng trị, ta phận làm vợ lấy tâm trí đâu mà lo hậu sự?
Ta liếc Thị Chuối. Nó chỉ giỏi gào to chứ làm gì có rặn ra được nước mắt. Ta mỉa mai nó:
– Ngươi nói hay quá ha! Ngộ nhỡ như đây là vụ án khó, mất cả tháng mới bắt được tội phạm thì đến tháng sau chồng ngươi mới được yên nghỉ à? Từ thuở bé tới giờ, ta chưa từng thấy có con vợ nào vô tâm như ngươi!
– Ngươi im miệng!
Thị Chuối quát ta rồi quỳ xuống trước mặt Lam Hoà, khóc lóc giả trân, sụt sịt thưa gửi:
– Bẩm Trấn thủ, đêm qua, chính mắt dân nữ đã nhìn thấy Tứ cô nương đẩy chồng mình ngã xuống ao rồi lạnh lùng bỏ đi. Dân nữ vì không biết bơi nên đã phải chạy đi gọi người cứu chàng. Chỉ tiếc… phúc chàng mỏng. Lúc người ta đến… vớt được chàng lên… chàng đã… đã… rời xa nhân thế. Dân nữ van xin Trấn thủ làm chủ, đòi lại công đạo cho chàng!
– Thị Chuối! Ta và ngươi không thù không oán, hà cớ gì ngươi phải ngậm máu phun người, đổ oan cho ta? Có thật là Cù Văn Củ đã chết không? Hắn đi thật rồi mà ngươi vẫn có tâm trạng để trang điểm hả?
– Ta trang điểm để tiễn chàng lên đường.
– Ngươi chưa phát tang, tiễn tiếc cái gì?
– Thời khắc nào rồi mà ngươi còn có tâm trạng bắt bẻ tiểu tiết? Tóm lại, chồng ta đã bị ngươi hại chết. Ngươi đừng mong thoát tội!
– Ta không tin. Ngươi nói láo! Sống phải thấy người, chết phải thấy xác. Các người vu cáo ta hại Cù Văn Củ thì đem xác của hắn đến đây!
Ta to mồm yêu cầu. Ta cứ đinh ninh rằng Cù Văn Củ vẫn còn sống. Thật không ngờ, Trấn thủ Sơn Nam cho người về nhà Thị Chuối, đưa xác của Văn Củ tới phủ hắn. Khoảng khắc trông thấy Văn Củ, ta thực sự bị choáng váng. Không thể nào! Ta đã từng xem tiểu hạn cho hắn. Năm nay, hắn bị sao La Hầu chiếu mệnh, hiển nhiên không phải năm tốt. Cơ mà, xấu đến nỗi thiệt mạng thì ta không lường trước được. Thật… không thể tin nổi!
Năm xưa, ta từng hỏi sư phụ việc người xem vận mệnh cho người khác có chính xác tuyệt đối hay không. Sư phụ mỉm cười lắc đầu. Ta tò mò hỏi nguyên do, người chẳng giải thích gì cả, chỉ nói đúng ba chữ:
– Thiên, Địa, Nhân.
Ta chưa đủ tầm để hiểu thâm ý của sư phụ. Tuy nhiên, do sợ bị mất mặt với các đồ đệ nên khi bọn chúng hỏi ta đúng cái câu hỏi mà năm xưa ta từng hỏi sư phụ, ta cũng bắt chước người mỉm cười, giả vờ như mình là người có học thức uyên thâm, làm bộ bí hiểm nói:
– Thiên, Địa, Nhân.
Các đệ tử mắt tròn mắt dẹt nhìn ta, ra điều phục ta sát đất. Hồi ấy, tự trong lòng ta thấy hổ thẹn. Hiện tại, ta đã vỡ lẽ ra được một chút ý tứ mà sư phụ muốn truyền đạt. Ngặt nỗi, so với sư phụ, ta vẫn chỉ là một con gà mà thôi. Lam Hoà nở nụ cười đắc thắng. Hắn gằn giọng:
– Tứ cô nương! Ngươi xem cho kỹ đi! Xem ngươi đã ra tay tàn độc như thế nào!
– Ngươi ngậm bà cái miệng thối của ngươi vào đi cho ta nhờ! Ta đã nói rồi, đêm qua, ta không ở cùng Cù Văn Củ, thử hỏi ta ra tay với hắn kiểu gì?
Thị Chuối lớn tiếng chửi ta:
– Ngươi là cái đồ đàn bà ngoa độc, xảo quyệt! Đến nước này rồi mà ngươi còn giảo biện! Ngươi nhìn đi! Đây chẳng phải là chuỗi hạt được làm từ ngọc phỉ thuý, vòng đeo tay của ngươi hay sao?
Quả đúng là vòng đeo tay của ta. Trên đó có bốn hạt ngọc được khắc lần lượt bốn chữ Vô, Ưu, Vô, Tư. Đời này của ta không cầu gì nhiều, chỉ cầu lắm tiền, nhiều của, sư phụ mạnh khoẻ, đồ đệ thành danh, phu quân thuỷ chung, hài tử giỏi giang, phàm là người ta thương đều được an nhiên, còn cuộc đời ta sẽ được thong dong tự tại, vô ưu, vô tư. Ta tuy hơi lươn lẹo, nhưng do sợ nghiệp báo nên chưa từng hại ai. Ấy vậy mà người ta lại nỡ lòng nào hại ta, nhất quyết dồn ta đến đường cùng. Ta rối rít quỳ lạy vị công tử ngồi sau tấm rèm, ấm ức kêu oan:
– Bẩm quan lớn! Mong quan lớn minh xét, tuy chuỗi hạt phỉ thuý là của dân nữ nhưng dân nữ đã làm mất nó lâu rồi, không thể dùng nó để kết tội dân nữ.
Có tiếng đập bàn đánh rầm. Vị công tử kia chắc hẳn rất phẫn nộ. Hắn đâu phải người tặng ta chuỗi hạt, đâu có lý do gì để nổi giận nhỉ? Phải chăng hắn cảm thấy bực bội vì hắn cho rằng ta đang nguỵ biện? Hắn khẽ phẩy tay, Hải Triều miễn cưỡng nói:
– Tứ cô nương phạm tội giết người, nhân chứng, vật chứng đầy đủ. Người đâu! Mau giam Tứ cô nương vào nhà lao, đợi đến giờ Ngọ ngày mai giải ra pháp trường xử tử.
Đấy! Ta đã bị tống vào nhà lao như một trò đùa vậy đấy! Thật sự quá oan uổng a! Nếu sư phụ mà biết, người nhất định sẽ đau lòng lắm. Người chăm chút ta từ thuở lọt lòng, cưng chiều ta hết mực. Năm ta mười lăm tuổi, người ngỏ lời muốn kết duyên với ta. Khi ấy, người mới ba mươi hai tuổi, phong độ ngời ngời. Tuy nhiên, ta vẫn cảm thấy rất khiếp sợ. Bởi lẽ, đối với ta, người không chỉ là sư phụ mà còn là thầy, là bu, là bề trên của ta chứ không phải là người ngang hàng với ta. Cho tới bây giờ, ta vẫn không biết người có thực sự yêu ta không, hay người có cảm tình với ta chỉ đơn giản bởi vì ta giống hệt bu ta, vị sư tỷ mà người đã từng yêu đơn phương nhiều năm. Ta không dám từ chối người đã nuôi dạy mình, cũng không muốn nhận lời làm vợ người đó. Ta đã chạy trốn. Mới đó thôi mà đã bốn năm ta chưa gặp lại sư phụ, cũng có thể, mãi mãi, ta sẽ không được gặp lại người. Không chỉ sư phụ, ngay cả năm đồ đệ và Ngân Hạnh, ta cũng sẽ không được gặp lại họ nữa. Ta buồn khủng khiếp. Ngặt nỗi, nước mắt còn chưa kịp rớt xuống thì ta đã nghe thấy giọng Nhất đồ đệ oang oang:
– Sư phụ! Sư phụ! Nghe Hải Triều báo tin trưa ngày mai người bị giải ra pháp trường nên con mang nắm xôi và nải chuối vào nhà lao cho người đây! Con chúc người lên đường xuống suối vàng thượng lộ bình an. Con mong người sống khôn thác thiêng, mong người luôn nhớ về con, phù hộ độ trì cho con tán được Ngân Hạnh.