Bạn đang đọc Suối Nguồn (The Fountainhead): Phần 4 – Chương 10
X.
Trời đã tạnh mưa nhưng Peter Keating mong trời tiếp tục mưa trở lại. Những vỉa hè lấp loáng nước; những vết đen bẩn loang trên những bức tường của các tòa nhà; và bởi vì những vệt nước ấy không từ trên trời rơi xuống nên thành phố như vừa mới rùng mình toát mồ hôi. Không khí trở nên nặng nề vì bóng tối xuống sớm và thấp thỏm như một người già trước tuổi; ánh đèn vàng vọt từ các cửa sổ tụ thành từng đám. Keating không bị mưa, nhưng anh cảm thấy ướt lạnh, từ trong xương ra đến ngoài.
Anh đã rời phòng làm việc sớm và đi bộ về nhà. Có cái gì không thực trong căn phòng làm việc của anh – và nó đã như thế từ lâu nay rồi. Anh chỉ có thể tìm được cuộc sống thực vào những buổi tối, khi anh lén lút chạy tới căn hộ của Roark. Ta không chạy, và cũng không lén lút – anh giận dữ tự bảo mình – và anh biết rằng anh quả có chạy và lén lút thật, ngay cả khi anh rảo bước qua sảnh chính của tòa nhà Enright rồi lên thang máy như bất cứ một người đàn ông đang đi có việc nào khác. Đó là một cảm giác lo lắng mơ hồ, là sự thúc bách phải liếc nhìn mọi khuôn mặt xung quanh, là nỗi lo sợ bị ai đó nhận ra; đó là một thứ cảm giác tội lỗi vô danh tính, không hướng tới bât cứ một ai, nhưng lại càng đáng sợ hơn chính vì nó là cảm giác tội lỗi không đi kèm với một nạn nhân nào cả.
Anh đã lấy từ chỗ Roark tất cả những bản vẽ phác ọi chi tiết của tòa nhà Cortlandt – và rồi để cho nhân viên của anh biến chúng thành các bản vẽ thi công. Anh đã lắng nghe những lời chỉ dẫn của Roark. Anh cũng ghi nhớ tất cả những lý lẽ anh phải trình bày với những người thuê anh nếu như có bất cứ ý kiến phản đối nào. Anh đã hấp thụ chúng như thể là một cái máy ghi âm. Để rồi sau đó, khi anh giải thích cho các nhân viên của mình, giọng anh cứ như là được phát ra từ một cái đĩa ghi âm vậy. Anh không phiền lòng vì chuyện đó. Anh không hỏi gì cả.
Bây giờ anh đang đi bộ thật chậm, qua những khu phố trên ngập những giọt mưa đã rơi từ trước. Anh nhìn lên và thấy một khoảng trống lẽ ra thuộc về chóp mái của các tòa nhà quen thuộc; khoảng không ấy không giống sương mù hay mây mà giống như một khối đặc của bầu trời xám xịt có sức hủy diệt khổng lồ và câm lặng. Cảnh những tòa nhà biến mất vào bầu trời luôn đem lại cho anh cảm giác khó chịu. Anh lại tiếp tục bước đi, vừa bước vừa cúi nhìn xuống đất.
Đôi giày là cái đầu tiên đập vào mắt anh. Anh biết là anh đã nhìn thấy gương mặt của người phụ nữ đó. Anh biết cái bản năng tự bảo toàn bản thân đã khiến cho anh đảo mắt đi chỗ khác và để cho toàn bộ ý thức của anh tập trung vào đôi giày. Đó là đôi giày đế bằng, màu nâu, quá sang trọng và bóng lộn trên cái vỉa hè lầy lội nạy; nó coi thường cả mưa và cái đẹp. Cặp mắt của anh dịch chuyển lên chiếc váy màu nâu, lên bộ áo vét được may đo riêng, đắt tiền và lạnh lùng như một bộ đồng phục; cặp mắt nhìn tới bàn tay nằm trong chiếc găng tay đắt tiền, để hở một lỗ ở chỗ ngón tay, tới cái ve áo có một họa tiết trang trí ngớ ngẩn – một người Mexico có cặp chân vòng kiềng với quần dài hoa văn đỏ – cặp mắt dừng lại ở đó với vẻ vụng về thô lỗ; rồi chúng đi lên đôi môi mỏng, lên cái kính, và đôi mắt.
“Katie,” anh nói.
Cô đang đứng bên ô kính của một hiệu sách; đôi mắt cô ngập ngừng, nửa như cố tập trung nhận ra anh, nửa như vẫn còn đang mải suy nghĩ về tiêu đề của quyển sách lúc nãy; sau đó, khi đã nhận ra người quen với bằng chứng là một nụ cười, cô quay mắt lại tiếp tục nhìn cuốn sách, rồi kết thúc việc ấy và ghi nhớ nó. Sau đó cô đưa mắt nhìn Keating. Nụ cười của cô thật dễ chịu; không phải là cô đang cố gắng để che giấu cảm giác chua chát, và cũng không phải là đón chào; chỉ đơn thuần là dễ chịu, thoải mái.
“Chà, Peter Keating,” cô nói, “Chào anh, Peter.”
“Katie…” Anh không thể đưa tay ra cũng không thể bước lại gần hơn với cô.
“Chà, không thể tưởng tượng được chúng ta có thể gặp nhau như thế này; New York hóa ra cũng giống như các thị trấn nhỏ, mặc dù em đoán là có lẽ không có một số đặc điểm tốt của các thị trấn nhỏ.” Không có một sự gượng ép nào trong giọng nói của cô.
“Em đang làm gì ở đây vậy? Anh tưởng… Anh đã nghe nói…”
Anh biết là cô đang có một việc làm tốt ở Washington và đã chuyển tới đó từ hai năm trước.
“Chỉ là một chuyến công tác thôi. Em phải quay lại ngay ngày mai. Không thể nói là em không mừng, vì điều đó. New York bây giờ như một thành phố chết, quá chậm chạp.”
“Dù sao thì anh cũng mừng là em thích công việc của mình… nếu ý em là thế… mà có phải ý em là như vậy không?”
“Thích công việc của em ư? Thật nực cười. Ở đất nước này chỉ có duy nhất Washington là thành phố đã đủ trưởng thành. Em không hiểu làm sao mọi người có thể sống được ở những nơi khác. Thế anh đang làm gì vậy, Peter? Hôm trước em nhìn thấy tên anh ở trên báo, về một vụ việc quan trọng gì đó.”
“Anh… Anh đang làm việc… Em chẳng thay đổi mấy, Katie, không nhiều, phải vậy không? – Ý anh là, gương mặt của em – trông em hệt như ngày xưa – theo một cách nào đó…”
“Em chỉ có mỗi bộ mặt này thôi. Tại sao mọi người cứ phải nói chuyện thay đổi chỉ vì họ không gặp nhau vài năm nhỉ? Hôm qua em gặp Grace Parker và chị ta nhai đi nhai lại về vẻ ngoài của em. Em có thể đoán được từng chữ một trước khi chị ấy nói – Trông em thật xinh – không già đi một tí nào, thật thế đấy, Catherine. Mọi người mới quê làm sao.”
“Nhưng… thực sự là em nhìn rất xinh… Anh rất… rất vui được gặp lại em…”
“Em cũng mừng vì được gặp anh. Chuyện xây dựng thế nào rồi?”
“Anh không biết… Chắc là em đã đọc về Cortlandt… anh đang làm thiết kế cho Cortlandt Homes, một khu chung…”
“Vâng, tất nhiên. Em đã đọc về nó. Em nghĩ là chuyện đó tốt cho anh, Peter. Được làm một việc, không chỉ vì lợi nhuận cá nhân, mà còn đem lại lợi ích cho xã hội nữa. Em nghĩ là các kiến trúc sư nên dừng việc moi tiền của người khác và bỏ ra chút thời gian để làm việc cho chính phủ và những mục đích lớn hơn.”
“Chà, hầu hết họ sẽ vồ ngay lấy nếu có thể; chính phủ là một trong những chốn khó chen vào nhất, đó là một chỗ khép kín…”
“Rồi, rồi, em biết rồi. Thật không thể nào làm cho những người bình thường hiểu được cách làm việc của bọn em, và vì thế mà lúc nào bọn em cũng phải nghe toàn những lời cảm thán ngớ ngẩn và phát chán. Anh phải thôi đọc báo của bọn Wynand đi, Peter.”
“Anh chẳng bao giờ đọc báo của Wynand cả. Mà chuyện đấy thì có liên quan quái gì tới… Ồ, anh… anh không biết là chúng ta đang nói chuyện gì nữa, Katie.”
Anh nghĩ hoặc cô không nợ anh bất cứ điều gì, hoặc cô nợ anh tất cả sự giận dữ và khinh bỉ mà cô có thể có và cô phải ném nó vào mặt anh; và thêm vào đó, cô vẫn còn một nghĩa vụ đối với anh – cô nợ anh một biểu hiện của sự căng thẳng trong cuộc gặp này. Nhưng chẳng có biểu hiện nào cả.
“Chúng ta có lẽ phải nói chuyện rất nhiều, Peter.” Những từ này lẽ ra sẽ khiến cho anh nhẹ nhõm, nếu như chúng không được nói ra một cách trơn tru như thế. “Nhưng chúng ta không thể đứng ở đây cả ngày được.” Cô liếc nhìn đồng hồ đeo tay. “Em chỉ còn khoảng một tiếng nữa, anh có thể mời em đi đâu đấy uống một ly trà, có thể anh cũng cần uống một ly trà nóng, trông anh như đang chết cóng.”
Đó là lời nhận xét đầu tiên của cô về bẻ ngoài của anh; nhận xét đó đi kèm một cái liếc nhìn vô cảm. Anh nghĩ, thậm chí Roark cũng còn sốc và thừa nhận sự thay đổi bề ngoài của anh.”
“Đồng ý, Katie. Như thế thật tuyệt. Anh…” Anh thầm nghĩ giá mà cô không là người gợi ý việc này thì tốt hơn; đó là một việc phải phép trong tình huống này; anh ước gì cô đã không hề biết việc gì là việc phải phép, hoặc đừng có nhanh nhẩu như thế. “Vậy thì mình đi tìm một chỗ nào đẹp và yên tĩnh nhé…”
“Chúng ta sẽ đến quán Thorpe. Có một quán như vậy ở góc phố kia. Họ có bánh mì kẹp cải xoong rất ngon.”
Chính cô là người đã cầm tay anh khi đi qua đường, và sang đến đường thì cô lại bỏ tay anh ra. Cử chỉ đó có tính tự động. Cô không hề nhận thức được điều đó.
Có một quầy bánh ngọt và kẹo ở bên trong quán Thorpe. Một bát to đựng quả hạnh đào bọc đường, màu xanh và trắng, đập vào mắt Keting. Nơi đây có mùi cam ướp lạnh. Đèn bật mờ mờ, tỏa ánh sáng màu da cam sậm; mùi hương làm cho ánh sáng có vẻ sền sệt. Những chiếc bàn rất nhỏ được đặt cạnh nhau.
Anh ngồi xuống và nhìn vào tờ giấy lót đặt dưới một cái ly màu đen. Nhưng khi anh ngước mắt lên nhìn Catherine, anh biết rằng anh không cần phải cẩn thận như vậy. Cô không có phản ứng gì với cái nhìn chăm chú của anh; thái độ của cô vẫn như vậy bất kể anh có chăm chú nhìn cô hay nhìn người phụ nữ bàn bên cạnh; dường như cô không hề ý thức được về chính mình.
Thay đổi lớn nhất của cô ấy là cái miệng – anh nghĩ; đôi môi mím lại, chỉ còn một vành mỏng, nhợt nhạt sót lại; một cái miệng để ra lệnh, anh nghĩ, nhưng không phải là những mệnh lệnh lớn hay độc ác; chỉ là những thứ nhỏ bé vụn vặt – về chuyện ống nước hay vệ sinh. Anh nhìn thấy những nếp nhăn nhỏ xíu ở bên khóe mắt cô – một làn da như giấy mỏng đã bị vò nát và sau đó lại được vuốt phẳng lại.
Cô đang kể chuyện công việc của cô ở Washington, và anh ngồi mơ màng nghe. Anh không nghe được cụ thể từng từ mà chỉ nghe được giọng điệu của cô – khô và giòn.
Một cô bồi bàn mặc đồng phục được gột hồ cứng màu tím nhạt đi tới. Catherine nói thõng:
“Làm ơn cho săng-uých trà[143], loại đặc biệt.”
Keating nói:
“Cho một ly cà phê.” Anh nhìn thấy mắt Catherine đang hướng về mình, và trong cơn bối rối bất thần, anh cảm thấy anh không được thú nhận rằng bây giờ anh không thể nốt được dù chỉ một miếng thức ăn. Anh có cảm giác lời thú nhận đó sẽ làm cô nổi giận. Anh nói thêm với người phục vụ: “Một bánh mì lúa mạch đen kẹp thịt xông khói và pho-mát Thụy Sĩ nữa vậy.”
“Peter, thói quen ăn uống của anh thật kinh khủng! Cô chờ chút. Anh không thể ăn như thế, nó rất có hại cho anh. Anh nên ăn một suất salad tươi. Vào giờ này uống cà phê cũng không tốt. Người Mỹ uống cà phê quá nhiều.”
“Cũng được” Keating nói.
“Cô làm ơn cho trà và một đĩa salad trộn nhé. À, đừng kèm bánh mì vói salad – anh đang tăng cân đấy Peter – làm ơn cho thêm vài miếng cracker[144], loại ăn kiêng.”
Keating đợi đến khi bộ đồng phục màu tím nhạt rời đi, sau đó anh nói, đầy hy vọng:
“Anh đã thay đổi, phải không Katie? Có phải là nhìn anh bây giờ rất khủng khiếp không?” Giá như có một lời nhận xét, dù là tiêu cực, từ phía cô thôi – thì nó cũng có thể là dấu hiệu một mối liên hệ riêng giữa hai người.
“Gì cơ? Ồ, em đoán thế. Như thế không tốt cho sức khoẻ. Nhưng người Mỹ chúng ta chẳng biết gì về cân đối dinh dưỡng. Tất nhiên là đàn ông thì luôn quan trọng hóa chuyện hình thức bên ngoài. Họ còn phù phiếm hơn cả phụ nữ. Bây giờ chính phụ nữ là người đang làm tất cả những việc có ích, và phụ nữ sẽ là người xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn.”
“Làm thế nào đê xây dựng được một thế giới tốt đẹp hơn hả Katie?”
“Thì, nếu anh nghĩ đến yếu tố quyết định, mà, tất nhiên rồi, là kinh tế…”
“Không, anh… anh không hỏi về chuyện đó… Katie, anh đã rất bất hạnh.”
“Em rất lấy làm tiếc khi nghe điều đó. Thời buổi này, ai cũng nói thế cả. Đó là bởi vì bây giờ là giai đoạn chuyển tiếp, và mọi người cảm thấy chông chênh. Nhưng anh thì luôn có số phận sáng lạn, Peter.”
“Em có… em có nhớ ngày xưa anh như thế nào không?”
“Ôi trời, Peter, anh cứ làm như đã sáu mươi năm rồi.”
“Nhưng đã có quá nhiều điều xảy ra. Anh…” Anh trở nên liều lĩnh; anh phải như vậy; thô lỗ lại hóa ra cách dễ nhất. “Anh đã cưới vợ. Và sau đó li dị.”
“Vâng, em đã được đọc về chuyện đó. Em cũng mừng khi anh li dị vợ.” Anh chúi người về phía trước. “Nếu vợ anh là loại phụ nữ có thể lấy Gail Wynand thì anh quả là may mắn vì đã thoát được cô ta.”
Cái giọng nôn nóng quen thuộc – cái giọng đã nói líu ríu các từ với nhau – đã không hề thay đổi khi phát âm những câu trên. Anh phải tin điều này: với cô, chủ đề này chỉ có tầm quan trọng đến vậy thôi.
“Katie, em rất khéo và tốt bụng… nhưng đừng diễn kịch với anh nữa,” anh nói và sợ hãi biết rằng đó không phải là một vở kịch. “Thôi đi em ạ… Hãy nói những gì em thực sự nghĩ về anh đi… Nói tất cả… Anh không ngại đâu… Anh muốn nghe hết… Em có hiểu không? Anh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu anh được nghe chúng.”
“Tất nhiên rồi, Peter, anh không muốn em bắt đầu kết tội đấy chứ? Việc này quá trẻ con, nếu không em hẳn phải nói là anh quá tự phụ.”
“Em đã cảm thấy như thế nào – ngày đó – khi anh không đến – và rồi sau đó nghe tin anh lấy vợ?” Anh không biết bản năng nào đã khiến cho anh, từ chỗ tê liệt lại trở nên thô bạo, như thể đó chỉ là lối thoát duy nhất. “Katie, em đã phải chịu đựng rất nhiều phải không?”
“Vâng, tất nhiên là em đau khổ. Tất cả những người trẻ tuổi trong hoàn cảnh đó đều như vậy. Nhưng sau đó, mọi chuyện có vẻ ngớ ngẩn. Em đã khóc, em đã gào thét những điều khủng khiếp vào mặt chú Ellsworth, và chú ấy đã phải gọi bác sĩ đến cho thuốc giảm đau, và vài tuần sau đó, có một số lần em bị ngất ở trên đường mà không có lý do gì cả – việc này thật đáng hổ thẹn. Em đoán là em trải qua những thứ thông thường mà người ta trải qua trong tình huống này, như kiểu bệnh sởi ấy mà. Tại sao em lại hy vọng là mình sẽ được miễn dịch chứ? – như lời chú Ellsworth đã nói.” Keating nghĩ anh đã không biết rằng có một điều còn tồi tệ hơn một hồi ức sống động về nỗi đau: một hồi ức chết. “Và tất nhiên chúng ta biết rằng mọi chuyện xảy ra như thế là tốt nhất ỗi người. Em không thể tưởng tượng được việc em sẽ cưới anh.”
“Em không thể tưởng tượng nổi điều đó sao, Katie?”
“Tức là, lấy ai cũng vậy thôi. Sẽ chẳng đi đến đâu cả, Peter. Tính khí của em không phù hợp với cuộc sống nội trợ. Cuộc sống ấy quá ích kỷ và hẹp hòi. Tất nhiên là em hiểu anh đang nghĩ gì vào lúc này và em trân trọng nó. Nếu anh có những cảm giác như ân hận thì nó cũng là bình thường của con người thôi, bởi vì anh biết anh đã làm cái việc mà người ta gọi là phụ bạc.” Keating nhăn mặt. “Anh thấy những chuyện này nghe ngớ ngẩn thế nào chưa. Nếu anh có ăn năn hối lỗi một chút thì cũng là tự nhiên – một phản ứng bình thường – nhưng chúng ta cần phải nhìn vào nó thật khách qua, chúng ta đều là những người đã trưởng thành, những người có lý trí, không có gì là quá nghiêm trọng cả, chúng ta thực sự không thể dừng được những gì chúng ta làm, chúng ta đã được lên kế hoạch sẵn như thế rồi, chúng ta chỉ có thể bật công tắc để trải qua kinh nghiệm đó và rồi sống tiếp thôi.”
“Katie! Em đâu có phải khuyên nhủ một cô gái hư hỏng nào đó đâu. Em đang nói về bản thân em cơ mà.”
“Hai cái đó có thực sự khác biệt nhau không? Mọi người đều có những vấn đề giống nhau, và tình cảm cũng vậy.”
Anh thấy cô nhâm nhi một miếng bánh mì kẹp rau, và nhận ra rằng đồ ăn của anh đã được đem đến. Anh di chuyển cái nĩa của anh ở trong bát salad và ép mình cắn một miếng bánh quy nhỏ màu xám. Để rồi anh nhận ra cái cảm giác lạ lùng khi một người bị mất thói quen ăn uống tự động và phải ép mình làm việc đó; miếng bánh quy dường như không thể tiêu hóa nổi; không thể tiếp tục nhai được nữa; anh vẫn cử động hàm răng mà không hề nuốt một ít nào từ cái đống bột nhệu nhạo trong miệng.
“Katie… suốt sáu năm qua… anh luôn nghĩ đến việc xin em tha thứ. Và bây giờ anh đang có cơ hội, nhưng anh sẽ không cầu xin em nữa. Dường như… dường như là việc này không còn ý nghĩa nữa. Anh biết nói ra như thế thật là độc ác, nhưng nó đúng là những gì anh cảm thấy. Đó là việc tồi tệ nhất mà anh đã làm trong cuộc đời mình – nhưng nó tồi tệ không phải bởi vì anh đã làm tổn thương em. Đúng là anh đã làm tổn thương em, Katie ạ, và thậm chí có thể còn nhiều hơn là em nghĩ. Nhưng đó không phải là tội lỗi lớn nhất của anh… Katie, anh đã muốn cưới em. Đó là điều duy nhất anh thực sự muốn. Và đó là tội lỗi mà không bao giờ có thể tha thứ được – cái tội là anh không dám làm điều mà anh muốn. Cảm giác thật là bẩn thỉu, vô nghĩa và kinh khủng, giống như cảm giác mất trí, bởi vì đúng là nó chẳng có nghĩa gì cả, chẳng có giá trị, chẳng có gì ngoài sự đau đớn – và lại là một sự đau đớn uổng phí… Katie, tại sao người ta cứ dạy rằng làm theo những gì chúng ta muốn là quá dễ dàng và xấu xa, và rằng chúng ta cần có kỷ luật để kiềm chế bản thân? Điều khó làm nhất trên quả đất này chính là làm những gì chúng ta muốn. Và nó đòi hỏi lòng dũng cảm lớn lao nhất. Ý anh là đối với những gì chúng ta thực sự muốn. Giống như là anh đã muốn cưới em. Chứ không phải như khi anh muốn ngủ với một người phụ nữ nào đó hoặc muốn say rượu hoặc muốn được lên báo. Những điều này – chúng thậm chí không phải là ham muốn – chúng chỉ là những thứ người ta làm để chạy trốn ham muốn của mình – bởi vì việc thực sự muốn một cái gì đó là một trách nhiệm quá lớn.”
“Peter, những gì anh đang nói thật là xấu xa và ích kỷ.”
“Có thể lắm. Anh cũng không biết nữa. Anh có nghĩa vụ lúc nào cũng phải nói sự thật với em. Về mọi thứ. Thậm chí ngay cả khi em không đòi hỏi. Anh buộc phải làm điều đó.”
“Vâng. Anh đã làm thế. Đấy đã là một điểm đáng yêu của anh. Anh từng là một cậu bé dễ thương, Peter ạ.”
Chính cái bát đựng quả hạnh đào bọc đường ở quầy bàn kia đã làm mình đau – anh nghĩ một cách u uất. Những quả hạnh có màu xanh lá cây và trắng; chúng không được phép có màu xanh và trắng vào thời điểm này trong năm; đó là màu của ngày lễ thánh Patrick[145] – khi đó luôn có những cái kẹo như thế trong cửa kính của tất cả các gian hàng – và ngày lễ thánh Patrick có nghĩa là mùa xuân – không, còn hơn cả mùa xuân, đó là khoảnh khắc chờ đợi tuyệt vời ngay cả trước khi mùa xuân bắt đầu.
“Katie, anh sẽ không nói là anh vẫn còn yêu em. Anh cũng không biết là anh có yêu hay không nữa. Anh chưa bao giờ tự hỏi bản thân mình cả. Bây giờ điều đó cũng chẳng có nghĩa lý gì. Anh nói những điều này không phải vì anh hy vọng một thứ gì hoặc cố thử làm một việc gì hoặc… Anh chỉ biết là anh đã yêu em. Katie, anh đã từng yêu em, dù anh có là gì đi chăng nữa, thậm chí nếu như đây là cách anh phải nói điều đó lần cuối cùng, Katie, anh yêu em.”
Cô nhìn anh – và có vẻ như cô đang hài lòng. Không kích động, không hạnh phúc, không nuối tiếc; chỉ là hài lòng the cách thông thường nhất. Anh nghĩ: giá như cô là một bà cô già ế chồng thực sự, hoặc là một người làm công tác xã hội cáu bẳn[146] – như người ta vẫn nghĩ về hai kiểu phụ nữ này, những người khinh bỉ tình dục vì cái đức hạnh kiêu hãnh của họ, thì ít nhất họ cũng còn thừa nhận nó, cho dù là thừa nhận theo cái lối thù địch. Nhưng còn cái này – cái lòng khoan dung dửng dưng này dường như muốn nói rằng sự lãng mạn chỉ là một đặc tính cố hữu của con người, rằng mỗi người đều phải trải qua nó, như tất cả những người khác, đó là một điểm yếu tố phổ biến và vô hại – và vì thế mà cô cảm thấy hài lòng, giống như cô cũng sẽ hài lòng nếu như những lời lẽ trên của anh được phát ra từ miệng bất kỳ người đàn ông nào khác – nó cũng giống như gã Mexico mặc quần đỏ được thêu trên ve áo của cô vậy – nó là sự thỏa hiệp đáng hổ thẹn đối với nhu cầu phù phiếm của con người.
“Katie… Katie, hãy bỏ qua chuyện này nhé – chuyện này cũng chẳng là gì, phải không? Chỉ có quá khứ là quan trọng, đúng không em? Chuyện này chẳng ảnh hưởng đến quá khứ, phải không Katie? Mọi người luôn tiếc nuối vì quá khứ không thể thay đổi được – nhưng anh mừng vì nó như vậy. Chúng ta không thể làm hỏng quá khứ. Chúng ta có thể nghĩ về quá khứ, phải không? Tại sao lại không nên nghĩ về nó nhỉ? Ý anh là, như em đã nói, chúng ta đều là những người đã trưởng thành, chúng ta sẽ không lừa dối bản thân nữa, không cố gắng hy vọng, mà chỉ là nhìn lại… Em có nhớ cái ngày anh lần đầu tiên đến nhà em ở New York? Trông em thật gầy và nhỏ bé, và tóc em xõa tứ tung. Anh đã nói với em rằng anh sẽ không bao giờ yêu một ai khác. Anh đã ôm em trong lòng, em thật là nhẹ, và anh đã nói với em rằng anh sẽ không bao giờ yêu ai khác. Và em đã nói em biết điều đó.”
“Em nhớ.”
“Khi chúng ta bên nhau… Katie, anh có thể xấu hổ về nhiều thứ, nhưng không bao giờ xấu hổ về những lúc chúng ta ở bên nhau. Khi anh ngỏ lời cầu hôn em – không, anh chưa bao giờ ngỏ lời cầu hôn em cả – anh chỉ nói chúng ta đính hôn – và em đã đáp lại vâng – đó là khi chúng ta đang ngồi trên một cái ghế ngoài công viên – và tuyết đang rơi…”
“Vâng.”
“Khi đó em đeo một đôi găng tay len rất buồn cười. Như là đôi găng đấu quyền Anh vậy. Anh vẫn nhớ – có những hạt nước đọng trên đám lông găng tay – chúng tròn – như những hạt ngọc – và lấp lánh – đó là bởi vì có một chiếc ô-tô đi qua.”
“Vâng, em nghĩ là việc thỉnh thoảng nhìn lại quá khứ cũng không sao. Nhưng thế giới quan của mỗi người đều đã mở rộng ra rồi. Tinh thần của mỗi người đều phong phú hơn khi thời gian qua đi.”
Anh giữ im lặng một lúc lâu. Cuối cùng anh nói, giọng thẳng băng:
“Anh xin lỗi.”
“Tại sao cơ? Anh thật là dịu dàng, Peter. Em luôn nói rằng đàn ông các anh là những người ủy mị.”
Anh nghĩ: Đó không phải là một vở kịch – một người không thể diễn kịch được như thế – trừ khi bên trong họ cũng chỉ là một vở kịch, và như thế thì chẳng còn giới hạn nào nữa, chẳng còn lối thoát và chẳng còn thực tại…
Cô tiếp tục nói chuyện với anh, và sau một hồi thì câu chuyện lại quay lại chủ đề Washington. Anh chỉ trả lời những khi cần thiết.
Anh đã từng nghĩ rằng đó chỉ là một chuyển tiếp đơn giản, giữa quá khứ và hiện tại, và nếu một người có những mất mát trong quá khứ thì họ sẽ được bù đắp bởi nỗi đau trong hiện tại, và nỗi đau sẽ biến quá khứ thành bất tử – nhưng anh không biết rằng một người có thể có khả năng tự hủy diệt quá khứ như thế này, có thể giết ngược lại nó – và như thế, với cô, quá khứ ấy chưa bao giờ tồn tại.
Cô liếc nhìn đồng hồ đeo tay và tỏ vẻ bồn chồn.
“Em bị muộn giờ rồi. Em phải đi thôi.”
Anh đáp lại một cách nặng nhọc.
“Em không phiền nếu anh không đi cùng em chứ, Katie? Anh không định bất lịch sự. Anh chỉ nghĩ như vậy sẽ tốt hơn.”
“Tất nhiên rồi, không sao đâu. Em có thể tự tìm đường được mà, bạn bè cũ thì không cần khách sáo như thế. ” Cô trả lời trong lúc cầm túi và găng tay lên; cô vo tròn một tờ giấy ăn và thả nó vào cốc nước trà: “Lần sau qua đây em sẽ gọi điện cho anh biết và chúng ta sẽ lại đi ăn cùng nhau. Mặc dù em không thể hứa trước là bao giờ em sẽ quay lại. Bây giờ em rất bận, em phải đi đến rất nhiều nơi, tháng trước là Detroit, và tuần sau em lại phải bay tới St. Louis, nhưng bất cứ khi nào họ bắt em đi New York thì em sẽ gọi anh. Tạm biệt, Peter, rất vui được gặp anh.”