Suối Nguồn (The Fountainhead)

Phần 3 - Chương 01 d


Bạn đang đọc Suối Nguồn (The Fountainhead): Phần 3 – Chương 01 d

Các chủ bút cùng thời anh tự hào về việc họ luôn đóng dấu ấn cá nhân trên các trang báo của họ. Gail Wynand hiến tờ báo của anh, cả phần xác và phần hồn cho đám đông. Phần xác của tờ Ngọn cờ giống như một tấm bích chương quảng cáo gánh xiếc, còn phần hồn của nó thì giống như một buổi diễn xiếc. Nó cũng theo đuổi mục tiêu giống một gánh xiếc: đó là làm ọi người kinh ngạc, thích thú và thu tiền từ họ. Nó mang dấu ấn không phải của một người mà của một triệu người. “Mọi người có phẩm chất khác nhau, nếu quả thực họ có,” Gail Wynand nói khi giải thích chính sác của anh “nhưng họ đều giống nhau trong các thói xấu.” Anh nói thêm, nhìn thẳng vào mắt mọi người đặt câu hỏi: “Tôi đang phụng sự cho cái tồn tại nhiều nhất trên trái đất này. Tôi đang đại diện cho đa số – hẳn đây cũng là một hành động đạo đức chứ?”
Công chúng muốn đọc về các vụ án, xì-căng-đan, và những thứ lá cải mùi mẫn. Gail Wynand mang đến cho họ. Anh trao cho họ những gì họ muốn, cộng thêm những lời biện hộ cho những ý thích mà bản thân họ thấy xấu hổ. Tờ Ngọn cờ viết về án mạng, đốt nhà, hiếp dâm, tham nhũng – và trên cơ sở đạo lý, lên án những thứ này. Cả ba cột báo bao gồm những chuyện vụ án, lạ đến một bài nhỏ về đạo đức. “Nếu ta yêu cầu người đọc phải thực hiện một sứ mệnh cao cả, họ sẽ chán ngấy” – Wynand nói – “Nếu ta cho phép họ dung tục thoải mái, họ sẽ thấy xấu hổ. Nhưng nếu kết hợp được cả hai thứ, họ sẽ là của chúng ta.” Wynand đưa các câu chuyện về các cô gái sa ngã, các cuộc ly hôn nổi tiếng, những nhà tế bần cho trẻ vô thừa nhận, các khu đèn đỏ, các bệnh viện từ thiện.
“Sex là ưu tiên số một,” Wynand nói. “Nước mắt là số hai. Làm cho họ dậm dật và làm cho họ khóc lóc – và họ sẽ thuộc về chúng ta.”
Tờ Ngọn cờ thực hiện các cuộc thánh chiến vĩ đại và can đảm – nhưng chỉ với những lĩnh vực mà công chúng không phản đối. Nó vạch tội các chính trị gia trước khi Đại bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết; nó tấn công các hãng độc quyền – nhân danh những người bị bóc lột; nó mỉa mai những người giàu có và thành công – nhân danh những người không bao giờ có thể giàu có và thành công. Nó phóng đại sự quyến rũ của tầng lớp thượng lưu và đưa tin về tầng lớp này cùng với sự chế giễu khéo léo. Việc này làm hài lòng người bình dân tới hai lần: một là họ được bước vào các phòng khách lộng lẫy và hai là họ không phải chùi chân ở trước cửa ra vào. Tờ Ngọn cờ được phép bóp méo sự thật, thị hiếu và uy tín của người khác nhưng không được làm căng thẳng trí óc của độc giả. Các đầu mục in chữ lớn, tranh ảnh bắt mắt và ngôn ngữ đơn giản quá mức của nó tác động trực tiếp vào các giác quan và đi thẳng vào nhận thức người đọc mà không cần tới quá trình suy diễn trung gian, như thức ăn được tiêm thẳng vào trực tràng, mà không cần phải qua quá trình tiêu hoá.
“Tin tức,” Gail Wynand bảo các nhân viên “là bất cứ cái gì có khả năng kích động nhiều người nhất. Tin tức là bất cứ cái gì làm người ta choáng váng. Càng choáng váng càng tốt – dĩ nhiên với giả thiết là có những thứ như thế.”
Một ngày kia, anh đưa tới văn phòng một người anh nhặt được ở ngoài đường. Đó là một người đàn ông bình thường, ăn mặc không lịch sự cũng không tồi tàn, không cao và không thấp, tóc không đen cũng không vàng và có một khuôn mặt khiến người ta không thể nhớ được ngay cả khi người ta đang nhìn vào nó. Ông ta thật đáng sợ vì hoàn toàn không có gì khác biệt cả, ông ta thậm chí còn không có cả vẻ kỳ quặc của một kẻ ngớ ngẩn. Wynand đưa ông ta đi khắp tòa nhà, giới thiệu với tất cả các nhân viên rồi để ông ta đi. Sau đó Wynand gọi tất cả các nhân viên lại và nói với họ: “Khi nào các anh hồ nghi về công việc của mình, hãy nhớ tới khuôn mặt đó. Các anh đang viết cho ông ta đọc.”

“Nhưng, ông Wynand”, một biên tập viên trẻ nói “chúng tôi không thể nhớ được khuôn mặt của ông ta.”
“Chính là vì thế!” Wynand nói.
Khi cái tên Gail Wynand trở thành một mối đe dọa trong giới xuất bản, một nhóm các chủ báo gặp riêng ông trong một buổi lễ từ thiện ở thành phố mà tất cả đều phải tham dự. Họ trách ông vì cái mà họ gọi là hạ thấp thị hiếu công chúng. “Chức năng của tôi”, Wynand nói “không phải là giúp mọi người giữ gìn lòng tự trọng mà họ không có. Các ngài mang lại cho họ những gì mà họ công khai thừa nhận là họ thích. Còn tôi mang lại cho họ những gì họ thực sự thích. Thật thà là cha quỷ quái, các quý ngài ạ, dù nó không hoàn toàn theo nghĩa mà các ngài được dạy.”
Wynand luôn làm cực tốt những gì ông muốn làm. Dù mục tiêu của ông là gì thì cách thức ông tiến hành cũng đều vượt xa những người khác. Tất cả mục đích, sức mạnh, ý chí – những thứ không hiển hiện trên các trang báo – đều được sử dụng trong quá trình thực hiện các trang báo – đều được sử dụng trong quá trình thực hiện các trang báo đó. Đấy là một tài năng phi thường, được đốt cháy một cách phung phí để đạt được sự hoàn hảo trong những điều bình thường. Một đức tin tôn giáo mới lẽ ra đã có thể được tạo ra từ năng lượng tinh thần ông dành cho việc sưu tầm các câu chuyện rẻ tiền và bôi trát chúng lên trên các trang giấy báo.
Tờ Ngọn cờ luôn là tờ báo đưa tin sớm nhất. Khi có một trận động đất xảy ra ở Nam Mỹ và mọi liên lạc bị cắt từ khu vực bị thảm hoạ, Wynand thuê riêng một tàu biển, gửi một đội phóng viên tới hiện trường và tăng phụ bản trên các đường phố New York, sớm hơn các đối thủ cạnh tranh nhiều ngày. Các phụ bản này có các tranh minh họa cảnh lửa cháy, đất đá nứt toác và những thân thể bị nghiến nát. Khi người ta nhận được tín hiệu S.O.S từ một con tàu đang bị chìm trong bão ngoài khơi Đại Tây dương, đích thân Wynand bay đến hiện trường cùng nhóm phóng viên, còn sớm hơn cả Lực lượng phòng vệ bờ biển. Wynand chỉ đạo việc cứu hộ và mang về một câu chuyện độc quyền với những tấm ảnh đích thân ông trèo lên một cái thang bên trên những tấm ảnh đích thân ông trèo lên một cái thang bên trên những cơn sóng dữ, tay ôm một em bé. Khi một ngôi làng ở Canada bị cách ly khỏi thế giới vì một trận tuyết lở, chính tờ Ngọn cờ đã gửi một khinh khí cầu thả thực phẩm và Kinh Thánh cho dân làng. Khi một khu mỏ bị tê liệt bởi một trận đình công, tờ Ngọn cờ mở bếp ăn cung cấp súp cho họ và đưa lên trang báo những câu chuyện thê thảm và mối hiểm nguy mà các cô con gái xinh xắn của các công nhân mỏ đang gặp phải do nghèo đói. Khi một con mèo bị mắc kẹt trên đỉnh một cột điện, thì một phóng viên ảnh của tờ Ngọn cờ đã giải cứu nó.
“Khi không có tin tức, hãy đẻ ra tin tức”, đó là lệnh của Wynand. Một bệnh nhân tâm thần trốn khỏi một bệnh viện tâm thần của bang. Sau khi gây ra sự sợ hãi của cư dân sống trong bán kính vài dặm quanh vùng – sự sợ hãi này được tăng thêm do những dự đoán kinh khủng mà tờ Ngọn cờ đưa ra cũng như sự phẫn nộ của tờ báo trước tình trạng bất lực của cảnh sát địa phương – anh ta bị một phóng viên của tờ Ngọn cờ bắt được. Bệnh nhân tâm thần này phục hồi một cách diệu kỳ sau hai tuần kể từ khi bị bắt. Anh ta được thả ra và bán cho tờ Ngọn cờ những thông tin vạch trần sự đối xử tàn tệ mà anh ta phải chịu tại bệnh viện tâm thần. Việc này đã mang lại những cải cách toàn diện. Về sau này, một số người nói rằng bệnh nhân đó từng làm việc cho tờ Ngọn cờ trước khi nhập viện. Nhưng chẳng ai chứng minh được việc này.

Một đám cháy xảy ra tại một xưởng thủ công có ba mươi cô gái trẻ làm thuê. Hai cô gái bị chết trong đám cháy. Mary Watson, một trong số những người sống sót, bán cho tờ Ngọn cờ câu chuyện độc quyền về sự bóc lột mà họ phải chịu ở xưởng làm. Câu chuyện nay đã làm dấy lên làn sóng chống lại các xưởng sản xuất bóc lột công nhân, do các quý bà danh giá hàng đầu của thành phố lãnh đạo. Nguyên nhân của đám cháy không bao giờ được làm rõ. Người ta thì thầm với nhau rằng Mary Watson vốn có tên là Evelyn Drake và từng là phóng viên của tờ Ngọn cờ. Việc này không bao giờ được chứng minh.
Trong những năm đầu của tờ Ngọn cờ, Gail Wynand ngủ trên tràng kỷ trong phòng làm việc của ông nhiều hơn là ở phòng ngủ tại nhà. Những đòi hỏi của ông với các nhân viên đều khó thực hiện những những đòi hỏi của ông với chính mình thì thật là khó tin. Ông buộc các nhân viên của ông làm việc như ở trong quân đội, ông buộc chính mình làm việc như một tên nô lệ. Ông trả lương cao cho nhân viên, còn bản thân ông chỉ có tiền nhà và tiền ăn. Ông tiêu tiền nhanh hơn kiếm tiền, và ông tiêu tất cả các tiền kiếm được vào tờ Ngọn cờ. Tờ báo giống như một người tình xa xỉ mà mọi nhu cầu của nó đều được ông thoả mãn, bất chấp giá cả.
Tờ Ngọn cờ là tờ báo đầu tiên có thiết bị máy in mới nhất. Tờ Ngọn cờ là tờ cuối cùng thuê được các phóng viên tốt nhất – cuối cùng bởi vì nó giữ được các phóng viên này. Wynand đột kích khắp các tòa soạn báo, không tờ báo nào có thể theo kịp mức lương mà Wynand trả. Quy trình của ông dần biến thành một công thức đơn giản. Khi một phóng viên nhận được lời mời đến gặp Wynand, anh ta coi nó như một sự lăng mạ vào lương tâm nghề nghiệp của anh ta, nhưng anh ta vẫn đến cuộc hẹn. Anh ta đến, chuẩn bị sẵn những điều kiện khó khăn phải được thỏa mãn nếu như Wynand muốn anh ta làm thuê. Wynand bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách nêu ra mức lương ông sẽ trả. Sau đó, ông nói thêm: “Tất nhiên, anh có thể đưa ra các điều kiện khác…” Rồi ông liếc nhìn người phóng viên đang nuốt nước bọt, ông kết thúc câu chuyện: “Không à? Tốt. Anh bắt đầu làm việc từ thứ Hai.”
Khi Wynand mở tờ báo thứ hai của ông tại Philadelphia, các tờ báo địa phương đối phó với ông như các thủ lĩnh châu Âu từng hợp sức chống lại cuộc xâm lược của Attila.[104] Một cuộc chiến khốc liệt đã diễn ra. Wynand chỉ cười lớn. Làm gì có ai có thể qua mặt ông trong những chuyện như thuê du côn chặn phá các xe chở báo và đánh đập những người bán báo. Hai trong số các đối thủ cạnh tranh của ông gục ngã trong trận chiến. Tờ Wynand Philadelphia Star của ông tồn tại.
Sau đó, mọi thứ diễn ra nhanh chóng và đơn giản, như sự lây lan của một thứ bệnh dịch. Năm 35 tuổi, Wynand có các tờ báo ở những thành phố chính tại Mỹ. Khi 40 tuổi, ông có các tạp chí Wynand, kênh tinh tức Wynand và phần lớn các công ty trong tập đoàn Wynand. Rất nhiều hoạt động khác nhau – thường không công khai – đã giúp ông dựng lên sự nghiệp. Ông không quên bất cứ điều gì về thời thơ ấu của mình. Ông nhớ những điều ông từng nghĩ tới các cơ hội có thể có từ một thành phố đang phát triển. Ông mua đất đai ở những nơi không ai nghĩ rằng chúng có giá; ông xây nhà ở những nhưng ơi đó, bất chấp mọi lời khuyên; ông biến tiền trăm thành tiền ngàn. Ông tham gia đủ lĩnh vực kinh doanh. Đôi khi, những ngành này lụi bại và tất cả mọi người trong ngành đều phá sản, trừ Gail Wynand. Ông dàn dựng một cuộc thánh chiến chống lại một hãng độc quyền xe điện ám muội, khiến hãng này bị mất độc quyền ột nhóm còn ám muội hơn; nhóm này do Gail Wynand kiểm soát. Ông vạch trần một mưu toan xấu xa nhằm độc quyền thị trường thịt bò ở khu vực đồng bằng Trung Tây nước Mỹ – và mở cửa thị trường này ột nhóm khác, hoạt động theo lệnh của ông.

Rất nhiều người từng giúp đỡ ông – họ nghĩ rằng anh chàng Wynand trẻ tuổi là một người khôn ngoan và đáng sử dụng. Ông thường tỏ ra dễ chịu một cách duyên dáng khi được sử dụng. Nhưng trong tất cả mọi trường hợp, những người này sau đó đều nhận ra rằng chính họ mới là kẻ bị lợi dụng – tương tự như những người từng mua tờ Gazette họ cho Gail Wynand.
Đôi khi ông mất tiền trong các hoạt động đầu tư, một cách lạnh lùng và có tính toán.
Bằng một loạt các bước đi không ai có thể làm được, ông làm lụn bại nhiều nhân vật có thế lực: một vị chủ tịch ngân hàng, một giám đốc công ty bảo hiểm, một người chủ hãng tàu và nhiều người khác. Không ai hiểu được động cơ của ông. Những người này không phải đối thủ cạnh tranh của ông và ông không có lợi gì từ việc loại bỏ họ cả.
“Không biết lão Wynand vô lại có mục đích gì,” người ta bảo nhau thế, “nhưng chắc chắn không phải tiền.”
Những người kiên trì lên án ông đều mất việc: một số người trong vòng vài tuần, một số khác sau đó nhiều năm. Có những lúc ông bỏ qua những lời lăng nhục và không phản ứng, lại có những lúc ông làm một người phá sản chỉ vì một nhận xét vu vơ. Người ta không thể nói trước được ông sẽ báo thù những chuyện gì và tha thứ cho những chuyện gì.
Một ngày kia, ông để ý đến những bài báo xuất sắc của một phóng viên trẻ ở một tờ báo khác và đề nghị anh này về làm cho ông. Chàng trai trẻ đến gặp ông, nhưng mức lương mà Wynand nêu ra không có tác dụng gì với anh ta. “Tôi không thể làm việc cho ông, ông Wynand”, anh ta nói với vẻ nghiêm túc tột độ, “bởi vì ông… ông không hề có lý tưởng.” Cặp môi mỏng của Wynand cười mỉm. “Anh bạn trẻ này, anh không thể chạy thoát khỏi sự sa đọa của con người đâu”, ông nói nhẹ nhàng. “Ông chủ hiện nay của anh có thể có nhiều lý tưởng, nhưng ông ta phải cầu xin tiền bạc và nhận lệnh từ nhiều kẻ đáng khinh bỉ. Tôi không có lý tưởng, nhưng tôi không cầu xin ai. Hãy lựa chọn đi. Không còn con đường nào khác đâu.” Chàng trai trẻ quay trở về tờ báo của mình. Một năm sau, anh ta đến gặp Wynand và hỏi liệu đề nghị của ông còn hiệu lực không. Wynand trả lời là có. Chàng trai trẻ đã ở lại tờ Ngọn cờ kể từ đó. Anh ta là người duy nhất yêu quý Gail Wynand trong số các nhân viên của ông.
Alvah Scarret, người duy nhất còn trụ lại từ tờ Gazette, cũng thăng tiến theo Wynand. Nhưng không thể nói là ông ta yêu quý Wynand – ông ta chỉ bám vào ông chủ với sự tận tụy tự nhiên, như một chiếc thảm chùi dưới chân Wynand. Alvah Scarret chưa bao giờ ghét điều gì, và vì thế cũng không có khả năng yêu. Ông ta khôn ngoan, có năng lực và vô nguyên tắc theo một lối rất vô tư của người không hiểu tại sao lại phải có nguyên tắc. Ông tin vào tất cả những gì mình viết cũng như tất cả những gì được viết ra trên tờ Ngọn cờ.

Ông có thể giữ được lòng tin vào bất cứ điều gì trong vòng hai tuần. Ông trở nên vô giá đối với Wynand – ông như một chiếc phong vũ biểu đo phản ứng của công chúng.
Không ai có thể nói chắc chắn liệu Gail Wynand có cuộc sống riêng tư hay không. Những giờ không làm việc của ông cũng có phong cách tương tự như trang nhất tờ Ngọn cờ, nhưng đã được nâng lên một tầm ới, như thể ông vẫn đang diễn trong một rạp xiếc, có điều khán giả lúc này là các ông hoàng. Ông bao trọn cả nhà hát để xem một buổi trình diễn opera lớn và ngồi một mình trong phòng nghe nhạc vắng lặng cùng với người tình lúc đó của ông. Ông phát hiện ra một vở kịch rất hay của một nhà soạn kịch vô danh và trả cho người này một số tiền lớn để trình diễn nó một lần duy nhất. Wynand là khán giả duy nhất tại buổi trình diễn đó và ông cho đốt kịch bản ngay sáng hôm sau. Khi một quý bà nổi tiếng đề nghị ông đóng góp ột mục đích từ thiện chính đáng, Wynand trao cho bà ta một tờ séc để trống và cười khi nhận thấy số tiền bà ta dám điền vào còn ít hơn số tiền mà ông dự định cho. Ông mua một cái ngai vàng Balkan và tặng ột kẻ bị tiếm ngôi không một xu dính túi và ông gặp ở một quán rượu lậu và sau đó không bao giờ buồn gặp lại. Ông gọi kẻ đó là “người hầu của tôi, tài xế của tôi và ông hoàng của tôi.”
Khi đêm xuống, khoác một bộ -lê nhàu nát được mua với giá 9 đôla, Wynand thường bắt tàu điện ngầm và lang thang dọc các quán rượu lậu ở các khu ổ chuột và lắng nghe công chúng của ông. Một lần, trong một quán bia ở dưới tầng hầm, ông nghe thấy một tài xế xe tải lên án Gail Wynand như một kẻ hiện thân cho những thứ bẩn thỉu của chủ nghĩa tư bản – anh ta dùng những từ ngữ rất chính xác và phong phú. Wynand tỏ ra đồng tình với anh ta và thậm chí góp thêm bằng những câu nói của dân chợ búa ở Hells Kitchen. Sau đó Wynand nhặt một tờ Ngọn cờ ai đó bỏ lại trên bàn, xé tấm ảnh của ông ở trang 3, cặp vào đó tờ 100 đôla, đưa cho người lái xe tải và bước ra khỏi quán trước khi người có mặt kịp thốt ra bất cứ điều gì.
Ông thay người tình nhanh như thay áo, đến nỗi người ta chẳng còn buồn bàn tán về chuyện đó nữa. Người ta đồn rằng ông không bao giờ tận hưởng một người đàn bà trừ khi ông đã mua đứt cô ta – và cô ta lại phải là loại người không thể mua được bằng tiền.
Ông giữ bí mật chi tiết đời tư của mình bằng cách tung hê tất cả chúng ra chốn công cộng.
Ông trao mình cho đám đông, ông là tài sản của tất cả mọi người, giống như một bức tượng trong công viên, giống biển chờ xe buýt, giống các trang báo Ngọn cờ. Ảnh của ông xuất hiện trên các trang báo của ông nhiều hơn ảnh của các minh tinh màn bạc. Ông được chụp với mọi loại quần áo và trong mọi dịp có thể. Ông chưa từng chụp ảnh khỏa thân nhưng người đọc có cảm giác như đã nhìn thấy ông khỏa thân… Ông không tìm kiếm toản mãn từ sự nổi tiếng cá nhân; sự nổi tiếng chỉ là một thứ ông phải làm để tuân thủ nguyên tắc của mình. Tất cả các xó xỉnh trong ngôi nhà của ông đều đã được đăng trên các báo và tạp chí của ông. “Bất cứ kẻ vô lại nào trên đất nước này cũng biết tủ lạnh và bồn tắm của tôi có gì”, ông nói.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.