Suối Nguồn (The Fountainhead)

Phần 2 - Chương 07 a


Bạn đang đọc Suối Nguồn (The Fountainhead): Phần 2 – Chương 07 a

VII.
“Và nó sẽ đứng ở đó, như một tượng đài chẳng để tôn vinh cái gì ngoài cái tôi của ông Enright và ông Roark. Nó sẽ đứng giữa một bên là một dãy nhà chung cư bằng đá nâu và bên kia là những thùng chứa của một trạm xăng. Điều này, có lẽ, không phải là một sự tình cờ, mà là bằng chứng về khả năng sắp đặt của tạo hóa. Không một sự sắp đặt nào khác có thể phô ra bản chất ngạo mạn của tòa nhà này một cách hùng hồn như thế. Nó sẽ mọc lên như một sự nhạo báng đối với tất cả các công trình của thành phố và đối với những người đã xây chúng. Các công trình của chúng ta là vô nghĩa và sai trái; tòa nhà này sẽ khiến sự vô nghĩa và sai trái càng nổi bật. Có điều, sự tương phản ở đây không có lợi cho tòa nhà Enright. Bằng cách tạo nên sự tương phản, nó sẽ tự biến nó trở thành một phần của cái tổng thể vô lý to lớn, thậm chí trở thành phần lố bịch nhất trong cái tổng thể ấy. Nếu một tia sáng lọt vào một chuồng lợn, chính tia sáng đó sẽ chỉ cho chúng ta sự bẩn thỉu và cũng chính tia sáng đó sẽ trở thành lố bịch. Các công trình của chúng ta có lợi thế to lớn về mặt tăm tối và nhút nhát. Ngoài ra, chúng còn phù hợp với chúng ta. Tòa nhà Enright thì sáng sủa và táo tợn. Vì thế nó như là một chiếc khăn quàng bằng lông. Nó sẽ thu hút sự chú ý – nhưng chỉ là chú ý đến sự tự phụ hết sức ngang nhiên của ông Roark mà thôi. Khi tòa nhà này được xây dựng xong, nó sẽ là một vết thương trên bộ mặt của thành phố chúng ta. Thậm chí là một vết thương sặc sỡ.”
Đoạn này xuất hiện trong mục Ngôi nhà của bạn do Dominique Francon viết, một tuần sau bữa tiệc ở nhà Kiki Ho be.
Vào buổi sáng nó xuất hiện, Ellsworth Toohey bước vào văn phòng của Dominique. Ông cầm một bản của tờ Ngọn cờ – chìa trang báo có mục của cô về phía cô. Ông im lặng, hơi đung đưa người trên đôi bàn chân nhỏ bé của mình. Dường như đôi mắt ông đang nói chứ không phải đang nhìn: nó đang phá ra cười. Đôi môi ông mím lại với vẻ đức hạnh, vô tư.
“Sao?” cô hỏi.
“Cô gặp Roark ở đâu trước bữa tiệc đó?”
Cô ngồi nhìn ông, một cánh tay cô vắt qua lưng ghế, những đầu ngón tay lỏng lẻo đung đưa một chiếc bút chì. Cô dường như đang mỉm cười. Cô nói:
“Tôi chưa bao giờ gặp Roark trước bữa tiệc cả.”
“Tôi nhầm. Tôi chỉ đang băn khoăn về…” ông vo cho tờ báo kêu sột soạt, “… sự thay đổi thái độ.”
“À, cái đó? Tôi đã không ưa anh ta khi tôi gặp anh ta – ở bữa tiệc.”
“Tôi đã nhận thấy thế.”
“Mời ông ngồi, Ellsworth. Trông ông không phong độ lắm khi đứng đâu.”
“Cô có phiền không? Không bận chứ?”

“Không hẳn.”
Ông ngồi xuống góc bàn của cô. Ông trầm ngâm vỗ nhẹ tờ báo đã được gấp lại lên đầu gối mình.
“Cô biết không, Dominique,” ông nói, “không ổn đâu. Không ổn chút nào cả.”
“Vì sao?”
“Cô không thấy người ta có thể suy ra điều gì à? Tất nhiên, không mấy người sẽ nhận ra điều đó. Nhưng anh ta sẽ. Tôi thì đã.”
“Nó không được viết cho anh ta hay cho ông.”
“Mà cho những người khác?”
“Cho những người khác.”
“Vậy thì đó là trò đùa tồi tệ với anh ta và với tôi.”
“Ông thấy chưa? Tôi đã biết là nó rất ổn.”
“Dào, ai cũng có mánh của mình.”
“Ông định viết gì về nó?”

“Nó nào?”
“Về tòa nhà Enright.”
“Không gì cả.”
“Không gì cả?”
“Không gì cả.”
Ông ném tờ báo lên chiếc bàn mà không hề cử động người, chỉ bật cổ tay về phía trước. Ông nói:
“Đứng về kiến trúc, Dominique, tại sao cô chưa từng viết bất kỳ điều gì về tòa nhà Cosmo-Slotnick?”
“Nó có đáng để viết không?”
“À, chắc chắn rồi. Có những người sẽ rất phiền lòng về điều đó.”
“Và những người này đáng để ta bận tâm?”
“Có vẻ như thế đấy.”

“Những người nào?”
“Ồ, tôi không biết. Làm sao chúng ta biết được ai đã đọc những bài báo của chúng ta cơ chứ? Đó chính là cái làm ọi việc thú vị. Tất cả những người lạ mặt mà chúng ta chưa hề gặp, chưa hề nói chuyện, hay không thể nói chuyện với – và với tờ báo này họ có thể biết được câu trả lời của chúng ta nếu chúng ta muốn đưa ra lời giải đáp. Tôi thực sự nghĩ là cô nên nhanh chóng viết vài lời ca tụng tòa nhà Cosmo-Slotnick.”
“Ông có vẻ rất thích Peter Keating.”
“Tôi á? Tôi cực kỳ thích cậu ấy. Rồi cô cũng sẽ thế thôi – nếu như cô biết cậu ấy rõ hơn. Biết Peter là một việc rất có ích. Tại sao cô không bớt chút thời gian, một hôm nào đấy, và bảo cậu ấy kể cho cô nghe về cuộc đời cậu ấy. Cô sẽ học được nhiều điều thú vị đấy.”
“Ví dụ?”
“Ví dụ chuyện cậu ấy đã học ở Stanton.”
“Chuyện đấy thì tôi biết.”
“Cô không nghĩ đó là một chuyện thú vị sao? Tôi thì nghĩ thế. Một nơi tuyệt diệu – Stanton ấy. Một ví dụ điển hình của kiến trúc Gothic. Cửa sổ kính màu ở nhà thờ của trường này thực sự là một trong những kiểu đẹp nhất đất nước này. Và hãy thử nghĩ xem, rất nhiều những sinh viên trẻ. Rất khác nhau. Có những người tốt nghiệp loại ưu. Có người thì bị đuổi học.”
“Rồi sao?”
“Cô có biết Peter Keating là bạn cũ của Howard Roark không?”
“Không. Anh ta là bạn cũ?”
“Anh ta là bạn cũ!”
“Peter Keating là bạn cũ của tất cả mọi người.”
“Chính xác. Một chàng trai nổi bật. Nhưng chuyện này thì khác. Cô không biết là Roark học ở Stanton đúng không?”

“Không.”
“Cô có vẻ không biết nhiều về ngài Roark thì phải.”
“Tôi chẳng biết gì về ngài Roark cả. Chúng ta đâu có bàn về ngài Roark.”
“Chúng ta không à? Tất nhiên là không rồi, chúng ta đang nói về Peter Keating. Chà, cô thấy đấy, để thể hiện rõ ý mình thì có lẽ cách tốt nhất là dùng sự đối lập, dùng phép so sánh. Như cô đã làm trong bài viết ngắn rất hay hôm nay đấy. Để đánh giá đúng về Peter, như cậu ấy xứng đáng được hưởng, thì ta hãy lấy một ví dụ. Hãy vẽ hai đường thẳng song song. Tôi đồng ý với Euclid, tôi không nghĩ là hai đường thẳng song song có thể gặp nhau. Cả hai bọn họ đều học ở Stanton. Mẹ của Peter cho thuê nhà trọ và Roark sống với họ khoảng ba năm. Thế cũng chẳng có gì đặc biệt trừ một việc là nó làm cho sự đối lập giữa họ càng rõ rệt và – chà – cá nhân hơn. Peter tốt nghiệp loại ưu, đứng đầu cả khóa còn Roark thì bị đuổi học. Đừng nhìn tôi như thế. Tôi không cần phải giải thích vì sao anh ta bị đuổi học; chúng ta, tôi và cô, đều hiểu điều đó. Peter vào làm cho bố cô và bây giờ cậu ta đã là một đối tác rồi. Roark cũng làm việc cho bố cô nhưng cũng bị đuổi việc rồi. Đúng thế đấy. Nhân tiện, điều này chẳng phải buồn cười sao? – lần đó anh ta đã bị đuổi, mà chẳng cần cô nhúng tay vào. Peter thì có cái nhà Cosmo-Slotnick làm vốn, còn Roark thì có mỗi một cái nhà xúc xích ở Connecticut. Peter thì được người hâm mộ xin chữ ký – còn Roark… thậm chí những người sản xuất thiết bị phòng tắm cũng không biết đến anh ta. Giờ thì Roark nhận được hợp đồng thiết kế một khu nhà chung cư và anh ta tôn thờ nó như đứa con trai độc nhất – còn Peter, giá có được giao thiết kế tòa nhà Enright thì Peter cũng chẳng buồn để ý, ngày nào mà anh ta chẳng nhận những tòa nhà như thế. Nào, tôi nghĩ là Roark chẳng coi công việc của Peter ra cái gì cả. Anh ta chưa bao giờ và sẽ không bao giờ làm thế, dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa. Nhưng thử nghĩ thêm một chút mà xem. Chẳng ai muốn bị đánh bại cả. Nhưng bị đánh bại dưới tay một người mà mình luôn coi thường; mình cùng xuất phát với cái kẻ tầm thường đó và rồi chứng kiến nó vượt xa mình trong khi mình thì vật lộn mà vẫn chẳng thu được gì ngoài một cái đạp vào mặt; và phải nhìn cái kẻ tầm thường kia tước đi của mình, cứ lần lượt, từng cơ hội mà mình sẽ đánh đổi cả mạng sống để có được; phải thấy cái tầm thường đó được tôn vinh, thấy mình mất đi cái vị trí mình ao ước và thấy kẻ tầm thường kia ngự ở đó; và để thua cuộc, để bị hy sinh, để bị cho ra rìa, bị đánh bại, rồi lại đánh bại, rồi lại đánh bại – không phải bởi một thiên tài vĩ đại, không phải bởi một vị chúa, mà chính là Peter Keating – chà, cô bạn của tôi, cô có nghĩ rằng Cục điều tra Tây Ban Nha đã từng nghĩ tới hình thức tra tấn nào bằng được như thế này không?”
“Ellsworth!” cô gào lên “Ông cút khỏi đây ngay!”
Cô đã đứng bật dậy. Cô đứng thẳng được trong giây lát, rồi chùng người về phía trước, hai lòng bàn tay cô chống trên mặt bàn, và cô đứng đó, đầu cúi xuống; ông nhìn thấy mớ tóc mềm mại của cô đung đưa nặng nề rồi dừng lại, che mất khuôn mặt cô.
“Kìa Dominique,” ông nói một cách thoải mái “Tôi chỉ đang kể cho cô nghe vì sao Peter Keating lại là một người thú vị đến như vậy.”
Tóc của cô hất mạnh ra sau như một cái giẻ lau nhà, để lộ ra khuôn mặt cô. Cô thả người xuống ghế; cô nhìn ông, miệng cô trễ xuống và trông rất xấu.
“Dominique,” ông nói khẽ, “cô thật lộ liễu. Quá lộ liễu.”
“Ông cút đi.”
“Thế đấy, tôi đã luôn nói là cô đánh giá thấp tôi mà. Lần sau nếu cần giúp đỡ thì cứ gọi tôi nhé.”
Ra đến cửa, ông quay lại nói thêm:
“Tất nhiên, đứng về cá nhân, tôi thấy Peter Keating là kiến trúc sư giỏi nhất mà chúng ta có.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.