Bạn đang đọc Suối Nguồn (The Fountainhead): Chương 01 part 2
Viện Công nghệ Stanton nằm trên một ngọn đồi. Những bức tường có lỗ châu mai của nó đứng như một chiếc vương miện nổi lên trên thành phố trải rộng phía dưới. Học viện trông như một pháo đài thời Trung cổ với một nhà thờ kiểu Gothic mọc ra từ lưng chừng. Công trình này sẽ là một pháo đài hoàn hảo – giả sử như một học viện thế này có lúc cần biến thành pháo đài. Nó có những bức tường gạch kiên cố và một vài ô trống đủ rộng cho lính gác. Nó có các chiến lũy cho các cung thủ đứng nấp và những tháp canh ở các góc của nó có thể dùng làm nơi đổ dầu sôi xuống đầu những kẻ tấn công pháo đài. Nhà thờ nổi lên trên pháo đài như một đường viền tráng lệ, một sự bảo vệ mỏng manh trước hai kẻ thù khổng lồ: ánh sáng và không khí.
Văn phòng Trưởng khoa trông như một nhà nguyện; tràn ngập một thứ ánh sáng nhờ nhờ chiếu xuống từ một cửa sổ kính màu cao. Cái ánh sáng nhờ nhờ ấy phải đi xuyên qua những bức trướng vẽ các vị thánh kiên nghị – tất cả đều trong tư thế khoanh tay. Hai luồng sáng nhỏ màu đỏ và tím chiếu thẳng vào hai hình đầu thú đắp nổi ở hai bên góc cái lò sưởi chưa bao giờ được sử dụng. Một luồng sáng màu xanh lá cây chiếu thẳng vào bức tranh đền Parthenon[3] được treo ngay phía trên lò sưởi.
Khi Roark bước vào văn phòng, anh thấy bóng dáng ông Trưởng khoa hiện ra mờ mờ phía sau cái bàn làm việc được chạm trổ như một cái cửa sổ xưng tội[4]. Ông Trưởng khoa là một người thấp, phệ với những khối thịt chảy xệ được cố che giấu bằng một vẻ nghiêm nghị cứng nhắc.
“À, phải, Roark,” ông mỉm cười. “Anh ngồi đi.”
Roark ngồi xuống. Ông Trưởng khoa đan các ngón tay trước bụng, chờ đợi những lời cầu xin. Nhưng chẳng có lời cầu xin nào cả. Ông hắng giọng.
“Tôi thấy không cần phải nói rằng tôi rất tiếc vì sự việc không may sáng nay,” ông bắt đầu, “tôi chắc anh biết là tôi thực sự quan tâm tới quyền lợi của anh.”
“Hoàn toàn không cần đâu ạ,” Roark nói.
Ông Trưởng khoa nhìn anh hồ nghi nhưng vẫn tiếp tục nói.
“Khỏi cần phải nói, tôi không bỏ phiếu chống lại anh. Tôi bỏ phiếu trắng. Nhưng có lẽ anh sẽ vui mừng nếu biết rằng có một nhóm nhỏ kiên quyết bảo vệ anh tại cuộc họp khoa. Một nhóm nhỏ nhưng rất kiên quyết. Ông giáo sư kỹ thuật kết cấu của anh đã liều chết tranh đấu cho anh. Ông giáo sư toán cũng thế. Tiếc là những người cảm thấy mình có trách nhiệm phải bỏ phiếu đuổi học anh lại nhiều hơn đáng kể so với số còn lại. Giáo sư Peterkin, người phản biện thiết kế, thậm chí đặt vấn đề khá gay gắt. Ông ấy dọa chúng tôi là sẽ từ chức nếu không đuổi học anh. Anh thấy đấy, anh thực sự đã làm cho giáo sư Peterkin rất tức giận.”
“Em biết.” Roark trả lời.
“Đấy, vấn đề là chỗ đấy. Tôi đang nói về thái độ của anh đối với môn thiết kế kiến trúc. Anh không bao giờ chú trọng đúng mức ôn học. Thế mà anh đã học rất xuất sắc các môn kỹ thuật. Tất nhiên, không ai phủ nhận tầm quan trọng của môn kỹ thuật kết cấu đối với một kiến trúc sư tương lai, nhưng tại sao lại phải thái quá như thế? Tại sao lại lơ là mặt nghệ thuật và cảm hứng nghề nghiệp để tập trung vào những môn học tính toán, kỹ thuật và khô khan như vậy? Anh định trở thành một kiến trúc sư chứ có phải là một kỹ sư xây dựng đâu.”
“Có lẽ điều này là thừa, phải không ạ?” Roark hỏi. “Mọi việc đã qua rồi. Chúng ta đâu cần tranh luận về việc em chọn học gì.”
“Roark, tôi đang cố giúp anh. Anh phải công bằng về việc này. Không thể nói là anh đã không được cảnh báo rất nhiều lần trước khi chuyện này xảy ra.”
“Em đã được cảnh báo.”
Ông Trưởng khoa cựa mình trên ghế. Roark làm ông cảm thấy không thoải mái. Ánh mắt của Roark nhìn thẳng vào ông một cách lịch sự. Cậu ta nhìn thế chẳng có gì sai – ông Trưởng khoa nghĩ – thực ra còn đúng mực là đằng khác, thậm chí rất đúng mực; chỉ có điều… cứ như thể ta không hề có mặt ở đây vậy.
“Đối với mọi bài tập mà anh được giao,” ông Trưởng khoa tiếp tục, “mọi đề án mà anh phải thiết kế – anh đã làm gì với chúng nào? Anh xử lý chúng theo kiểu – ừm, tôi không thể gọi nó là một phong cách – theo kiểu kỳ quặc của anh. Nó đi ngược với mọi nguyên tắc mà chúng tôi đã cố dạy anh, ngược với tất cả những tiền lệ và truyền thống đã được công nhận của nghệ thuật. Anh có thể nghĩ anh sáng tác theo kiểu mà người ta gọi là chủ nghĩa hiện đại, nhưng thậm chí cũng không phải như vậy. Nếu anh không phiền… nó… nó hoàn toàn điên rồ.”
“Em không phiền.”
“Khi người ta giao cho anh các đề án mà anh được tự do lựa chọn phong cách thì anh biến chúng thành những thử nghiệm mạo hiểm của anh – ừm, thật lòng mà nói, các giáo sư đã cho anh qua vì họ cũng chẳng biết phải đánh giá những thứ đó thế nào. Nhưng, khi anh được giao một bài tập thiết kế theo phong cách truyền thống… thiết kế một nhà nguyện kiểu Tudor hoặc một nhà hát opera kiểu Pháp – và anh lại biến nó thành một cái gì đó trông như vô vàn những cái hộp chồng lên nhau một cách vô nghĩa – thì, nói cho tôi nghe xem, anh nghĩ đấy là một bài thi hay là sự chống đối?”
“Đó là sự chống đối.” Roark nói.
“Vì nghĩ đến thành tích học tập xuất sắc của anh ở các môn khác, chúng tôi đã muốn cho anh một cơ hội. Nhưng khi anh nộp cái này” – ông Trưởng khoa nện nắm tay xuống một tờ giấy trải rộng trước mặt – “cái này mà anh dám nộp làm bài thi cuối năm về biệt thự Phục hưng thì, chàng trai ơi, thật sự là không thể chấp nhận được nữa.”
Tờ giấy đó có một hình vẽ – một ngôi nhà bằng kính và bê tông. Ở góc tờ giấy có một chữ ký sắc nét và góc cạnh: Howard Roark.
“Anh hy vọng là chúng tôi sẽ cho anh đỗ bằng cái này ư?”
“Em không hy vọng.”
“Trong chuyện này, anh đã không cho chúng tôi một lựa chọn nào khác. Tất nhiên, bây giờ anh có thể oán trách chúng tôi, nhưng…”
“Em không hề cảm thấy gì”, Roark khẽ trả lời. “Em nợ thầy một lời xin lỗi. Em thường không mặc kệ mọi chuyện xảy ra với em. Lần này em đã phạm sai lầm. Đáng lẽ em không nên đợi thầy tống cổ em. Em nên rời trường từ lâu rồi mới phải.”
“Nào, nào, đừng nản chí. Đó không phải là một thái độ đúng đắn. Nhất là vì tôi sắp nói cho anh biết một việc.”
Ông Trưởng khoa mỉm cười và ngả người về phía trước một cách bí hiểm. Ông tận hưởng cảm giác sắp ban phát một ân huệ.
“Đây mới là mục đích thật sự của buổi nói chuyện này. Tôi muốn cho anh biết càng sớm càng tốt. Tôi không muốn để anh chán nản. Là thế này, đích thân tôi đã lựa lời đề cập chuyện này với thầy Hiệu trưởng, mặc dù ông ấy rất cáu, nhưng… anh lưu ý nhé, ông ấy chưa hứa hẹn gì đâu, nhưng… tình trạng bây giờ là như thế này: bây giờ, vì anh đã nhận ra vấn đề nghiêm trọng đến mức nào, nếu anh tạm nghỉ học một năm, để nghỉ ngơi, để suy ngẫm về những cái đã qua – để, có lẽ chúng ta có thể dùng từ “trưởng thành”, nhỉ – thì có thể chúng tôi sẽ nhận anh trở lại trường. Anh lưu ý là tôi không hề hứa hẹn chắc chắn điều gì cả – những cái này hoàn toàn không chính thức – làm thế này là hết sức bất thường; nhưng khi xem xét toàn bộ sự việc và xét đến kết quả học tập xuất sắc của anh, có lẽ cơ hội của anh khá cao.”
Roark mỉm cười. Đó không phải là nụ cười sung sướng mà cũng chẳng phải là nụ cười biết ơn. Đó là một nụ cười giản dị, dễ dàng; một nụ cười lạ lùng.
“Em nghĩ là thầy không hiểu ý em” Roark nói. “Điều gì làm thầy nghĩ là em muốn quay lại trường?”
“Hả?”
“Em sẽ không quay lại trường. Em chẳng còn gì để học ở đây nữa.”
“Tôi không hiểu anh.” – giọng ông Trưởng khoa đanh lại.
“Có gì để giải thích đâu nhỉ? Thầy không cần phải quan tâm nữa đâu.”
“Anh sẽ phải giải thích cho tôi biết!”
“Nếu thầy muốn vậy. Em muốn trở thành một kiến trúc sư, chứ không phải một nhà khảo cổ học. Em thấy việc thiết kế các biệt thự kiểu Phục hưng là hoàn toàn vô nghĩa. Tại sao phải học thiết kế chúng, khi mà em sẽ chẳng bao giờ xây dựng chúng?”
“Chàng trai thân mến của tôi ơi, phong cách vĩ đại của thời kỳ Phục hưng còn lâu mới chết. Những ngôi nhà theo phong cách đó vẫn đang được xây dựng hàng ngày đấy.”
“Đúng, chúng đang được xây dựng. Và sẽ còn được xây dựng. Nhưng không phải bởi em.”
“Thôi nào, đừng có trẻ con.”
“Em đến đây để học cách xây nhà. Khi em được giao một đề án, thì điều đó có nghĩa là em phải học cách giải quyết đề án đó giống hệt như em sẽ giải quyết một công trình thực sự trong tương lai. Em thiết kế theo cách mà em sẽ thực sự xây nó. Em đã học tất cả những gì em có thể học ở đây – từ những môn học kết cấu mà thầy đã không đồng tình. Thêm một năm vẽ bưu thiếp Ý sẽ chẳng đem lại ích lợi gì cho em cả.”
Một giờ trước đây ông Trưởng khoa đã muốn buổi nói chuyện diễn tiến một cách yên ả nhất có thể. Giờ thì ông ước gì Roark bộc lộ cảm xúc nào đó; thật không bình thường khi cậu ta im lặng một cách thản nhiên đến thế trong hoàn cảnh này.
“Anh định nói với tôi là anh nghiêm túc nghĩ đến việc xây nhà theo cách đó, khi mà và nếu như anh trở thành một kiến trúc sư?”
“Đúng vậy.”
“Anh bạn thân mến, ai sẽ cho phép anh?”
“Đó không phải là vấn đề. Vấn đề là ai cấm được em?”
“Xem này, đây là chuyện nghiêm túc. Tôi tiếc là tôi đã không có một cuộc nói chuyện dài và nghiêm túc với anh sớm hơn. Tôi biết, tôi biết, tôi biết, đừng ngắt lời tôi, anh đã thấy một hay hai tòa nhà theo trường phái hiện đại và chúng đã cho anh những ý tưởng. Nhưng anh có nhận ra rằng cái gọi là trường phái hiện đại ấy chỉ là một thứ trào lưu nhất thời? Anh phải cố mà hiểu – và cái này thì tất cả những nhà chuyên môn đã chứng minh – rằng mọi cái đẹp trong kiến trúc đều đã được phát hiện rồi. Mỗi phong cách thiết kế của quá khứ là một mỏ vàng. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn từ những gì các nhà thiết kế vĩ đại đã nghĩ ra. Chúng ta là ai mà dám đòi cải tiến? Chúng ta chỉ có thể cố mà bắt chước – một cách trân trọng – mà thôi.”
“Tại sao?” Howard Roark hỏi.
Không, ông Trưởng khoa nghĩ, không, cậu ta chỉ nói mỗi từ đó; “tại sao” là một từ hoàn toàn bình thường; cậu ta không hề dọa mình.
“Điều đó quá hiển nhiên!” Ông Trưởng khoa nói.
“Đây,” Roark nói từ tốn và chỉ qua cửa sổ. “Thầy có nhìn thấy trường học và thị trấn này không? Thầy có thấy có bao nhiêu người đang đi lại và sinh sống ở đó không? Thực lòng, em không hề quan tâm đến việc một hay là tất cả bọn họ nghĩ gì về kiến trúc – hay về bất kỳ vấn đề nào khác. Thế thì tại sao em phải coi trọng những gì mà tổ tiên họ nghĩ về kiến trúc?”
“Vì đó là truyền thống thiêng liêng của chúng ta.”
“Tại sao?”
“Vì Chúa, sao anh lại có thể ngây thơ thế nhỉ?”
“Nhưng em không hiểu. Tại sao thầy cứ muốn em nghĩ rằng đây là một công trình kiến trúc vĩ đại?” Roark chỉ vào bức tranh đền Parthenon.
“Đó là đền Parthenon!”, ông Trưởng khoa nói.
“Phải, chính là nó.”
“Tôi không có thời gian để lãng phí vào những câu hỏi ngốc nghếch.”
“Thôi được rồi.” Roark đứng dậy, anh cầm một cái thước dài ở trên bàn và tiến về phía bức tranh. “Em có thể nói với thầy cái này lố bịch thế nào không?”
“Đấy là đền Parthenon!” Ông Trưởng khoa nói.
“Chính thế, quỷ tha ma bắt, chính là đền Parthenon khốn kiếp!”
Cây thước đập vào mặt kính phủ ngoài bức tranh.
“Thầy nhìn xem,” Roark nói. “Những đường rãnh nổi tiếng trên những cái trụ nổi tiếng – chúng ở đó để làm gì? Để che giấu những khớp gỗ – khi những cái trụ còn được làm bằng gỗ; nhưng những cái trụ này thì đâu có làm bằng gỗ, chúng được làm bằng cẩm thạch. Những nét chìm ba, chúng là gì vậy? Gỗ. Những cái rầm gỗ – khi con người bắt đầu dựng những cái lán gỗ, họ cần phải ghép gỗ thành những nét chìm ba như vậy. Những người Hy Lạp của thầy dùng đá cẩm thạch nhưng họ lại đi sao chép kiến trúc xây bằng gỗ chỉ vì những người khác đã từng làm như thế. Rồi những kiến trúc sư Phục hưng mà thầy ngưỡng mộ lại tiếp tục sao chép những bản sao đá cẩm thạch của kiến trúc gỗ trong khi người Phục hưng dùng vữa. Bây giờ lại đến lượt chúng ta, chúng ta làm những bản sao trên thép và bê tông từ những bản sao trên đá cẩm thạch vốn bắt chước từ gỗ. Tại sao?”
Ông Trưởng khoa nhìn anh đầy tò mò. Có cái gì đó làm ông hoang mang; không phải bản thân những lời của Roark mà là cách anh nói.
“Các quy tắc ư?” Roark nói. “Quy tắc của em là thế này: những cái có thể làm với chất liệu này thì không được làm với chất liệu khác. Không có hai chất liệu nào giống hệt nhau. Không có hai địa điểm nào trên trái đất này giống hệt nhau. Không có hai tòa nhà nào có cùng mục đích như nhau. Mà mục đích, địa điểm, nguyên liệu lại quyết định hình khối. Một tòa nhà không thể hợp lý hoặc đẹp đẽ trừ khi nó được thiết kế từ một ý tưởng xuyên suốt; và ý tưởng đó sẽ chi phối mọi chi tiết. Một tòa nhà là một thực thể sống, giống như một con người. Đức hạnh của một tòa nhà là phải tuân thủ những nguyên lý của chính nó, tuân thủ triết lý xuyên suốt của nó, và phải phục vụ mục đích của chính nó. Một con người không vay mượn các bộ phận cơ thể anh ta. Một tòa nhà không vay mượn những mảng miếng linh hồn của nó. Người xây ngôi nhà phải cho nó một linh hồn và phải cho làm mọi bức tường, cửa sổ và cầu thang thể hiện được cái linh hồn ấy.”
“Nhưng tất cả những hình thức thể hiện thích hợp đã được phát hiện ra từ rất lâu rồi.”
“Thể hiện – nhưng thể hiện cái gì? Đền Parthenon không có cùng mục đích sử dụng như những tổ tiên bằng gỗ của nó. Một sân bay không cùng mục đích với đền Parthenon. Mọi cấu trúc đều có mục đích riêng của nó. Mỗi con người tự tạo ý nghĩa, phong cách và mục đích cuộc sống của anh ta. Tại sao lại quan trọng hóa những cái mà người khác đã làm? Tại sao một thứ lại trở nên thiêng liêng chỉ bởi vì nó không phải do ta nghĩ ra? Tại sao bất kỳ người nào và tất cả mọi người đều đúng – miễn nó không phải là ý tưởng của bản thân ta? Tại sao số lượng người lại có thể thay thế cho nội dung của chân lý? Tại sao chân lý được xác định chỉ hoàn toàn bằng các phép tính số học – và chỉ bằng cách bổ sung thêm vào nó? Tại sao mọi thứ bị bóp nặn để phù hợp với những thứ khác? Phải có lý do nào đó chứ? Em không biết. Em chưa bao giờ biết. Em muốn hiểu rõ điều này.”
“Vì Chúa,” ông Trưởng khoa thốt lên. “Ngồi xuống!… Thế, tốt hơn rồi… Anh làm ơn bỏ cái thước đó xuống được không?… Cảm ơn anh… Giờ anh hãy nghe tôi nói. Không ai phủ nhận tầm quan trọng của kỹ thuật hiện đại đối với một kiến trúc sư. Chúng ta phải học cách ứng dụng vẻ đẹp của quá khứ vào nhu cầu hiện tại. Tiếng nói của quá khứ là tiếng nói của quần chúng. Không có gì trong kiến trúc lại chỉ do một người sáng tạo ra cả. Quá trình sáng tạo phù hợp là một quá trình chậm chạp, dần dần, vô danh và tập thể mà mỗi người hợp tác với tất cả những người khác và đặt các tiêu chuẩn cá nhân mình xuống dưới tiêu chuẩn của số đông.”
“Nhưng thầy thấy đấy,” Roark nói khẽ, “Em có, xem nào, cứ cho là sáu mươi năm để sống. Hầu hết thời gian đó là dành cho làm việc. Em đã lựa chọn công việc mà em muốn làm. Nếu em không tìm thấy niềm vui trong công việc thì em chỉ đang tự kết án sáu mươi năm hành xác cho chính mình. Và em chỉ có thể tìm thấy niềm vui nếu em làm việc của mình theo cách tốt nhất có thể đối với em. Nhưng nói ‘cách tốt nhất’ tức là nói đến các tiêu chuẩn – và em tự đặt ra các tiêu chuẩn cho riêng mình. Em chẳng kế thừa cái gì cả. Em không đứng ở điểm cuối của bất cứ truyền thống nào. Em có thể đứng ở điểm khởi đầu của một truyền thống.”
“Anh bao nhiêu tuổi rồi?” ông Trưởng khoa hỏi.
“Hai mươi hai.” Roark trả lời.
“Có thể tha thứ được.” ông Trưởng khoa nói; ông có vẻ nhẹ người. “Rồi anh sẽ thoát ra khỏi những ý nghĩ đó.”
Ông mỉm cười. “Các tiêu chuẩn cũ đã tồn tại hàng nghìn năm và không ai có khả năng cải tiến chúng. Những người theo chủ nghĩa hiện đại của anh là cái gì? Một đám chạy theo mốt, những kẻ thích phô trương và đang cố gắng thu hút sự chú ý. Anh có theo dõi sự nghiệp của họ không? Anh có thể nêu tên bất kỳ ai trong số họ mà được công nhận vĩnh viễn không? Hãy nhìn Henry Cameron. Một người vĩ đại, một kiến trúc sư hàng đầu cách đây hai mươi năm. Bây giờ ông ta thế nào? May lắm thì mỗi năm có một hợp đồng sửa ga-ra ô-tô. Một kẻ vô công rồi nghề và một tên nát rượu, một kẻ…”
“Chúng ta sẽ không bàn về Henry Cameron.”
“Ồ? Anh quen ông ta à?”
“Không. Nhưng em đã xem những tòa nhà ông ấy thiết kế.”
“Và anh thấy chúng…”
“Em đã nói là chúng ta sẽ không bàn về Henry Cameron.”
“Tốt thôi. Anh phải biết rằng tôi đang cho phép anh rất nhiều… chúng ta có thể gọi là… quyền? Tôi không có thói quen nói chuyện với một sinh viên có cách cư xử như anh. Tuy nhiên, tôi quan tâm đến việc phải ngăn ngừa trước, nếu có thể, cái có vẻ như là một thảm kịch, cái khả năng một thanh niên với khả năng thiên bẩm rõ ràng như anh lại đang cố tình phá hỏng đời mình.”
Ông Trưởng khoa tự hỏi không biết vì sao ông đã hứa với ông giáo sư toán là sẽ làm tất cả những gì có thể vì chàng trai này. Chỉ vì ông ấy đã nói rằng: “Đây,” và chỉ vào đồ án của Roark, “là một người vĩ đại.” Một người vĩ đại – ông Trưởng khoa nghĩ – hoặc là một tên tội phạm. Ông Trưởng khoa cau mày. Ông không thích cả hai loại người này.
Ông nghĩ đến những gì mà ông được nghe về quá khứ của Roark. Cha của Roark từng là một công nhân luyện thép đâu đó ở tại Ohio và chết đã lâu. Hồ sơ nhập học của anh không đề cập đến bất kỳ người thân nào khác. Khi được hỏi về điều này, Roark đã trả lời tỉnh bơ: “Em không nghĩ là em có bất kỳ người thân nào. Có thể em có. Em không biết.” Roark dường như rất ngạc nhiên khi người ta cho rằng anh nên quan tâm đến vấn đề này. Anh đã không kết bạn hoặc tìm kiếm bất kỳ một người bạn nào ở trường. Anh từ chối tham gia hội nam sinh đại học. Anh đã làm theo ý mình suốt thời trung học và suốt cả ba năm tại Học viện này. Anh đã lao động chân tay trong ngành xây dựng từ thủa nhỏ: thợ nề, thợ ống nước, công nhân thép, bất kỳ việc gì mà anh có thể tìm được, đi từ thị trấn nhỏ này đến thị trấn khác theo hướng đông, rồi đến các thành phố lớn. Trong kỳ nghỉ hè năm ngoái, ông Trưởng khoa đã thấy anh đang bắt các đinh tán nung đỏ ở một tòa nhà chọc trời đang xây dựng ở Boston; thân hình cao gầy của anh như bơi trong bộ quần áo bảo hộ lao động rộng thùng thình đầy dầu mỡ, chỉ có đôi mắt là chăm chú và cánh tay phải nhịp nhàng lăn về phía trước một cách chuyên nghiệp, như không phải nỗ lực gì, để bắt cái khối lửa nóng rực đang bay, đúng vào lúc mà dường như cái đinh nóng sắp tuột khỏi cái xô đón và lao thẳng vào mặt anh.
“Nghe này, Roark,” ông Trưởng khoa nói nhẹ nhàng. “Anh đã làm việc vất vả để có thể theo học. Anh chỉ còn một năm nữa thôi. Có một số thứ quan trọng cần cân nhắc, đặc biệt là đối với một thanh niên ở hoàn cảnh của anh. Anh phải nghĩ một cách thực tế về sự nghiệp kiến trúc sư. Một kiến trúc sư không thể tự coi mình là cái đích cuối cùng. Anh ta chỉ là một bộ phận nhỏ của một xã hội rộng lớn. Hợp tác là một khái niệm sống còn đối với thế giới hiện đại của chúng ta và đặc biệt là đối với nghề nghiệp của một kiến trúc sư. Anh đã bao giờ nghĩ đến những khách hàng tiềm năng của anh chưa?”
“Rồi ạ,” Roark trả lời.
“Khách hàng,” ông Trưởng khoa nói tiếp. “Khách hàng. Trên tất cả mọi thứ, anh hãy nghĩ đến khách hàng. Họ là người sẽ sống trong ngôi nhà mà anh xây dựng. Mục đích duy nhất của anh là phục vụ họ. Anh phải khao khát đưa ra những hình mẫu nghệ thuật phù hợp với mong muốn của khách hàng. Tôi nói thế có phải không nhỉ?”
“Tất nhiên, em có thể nói rằng em phải khao khát xây dựng cho khách hàng của em những ngôi nhà tiện nghi nhất, hợp lý nhất, đẹp đẽ nhất có thể xây dựng được. Em có thể nói rằng em phải cố gắng bán cho họ cái tốt nhất mà em có và cũng dạy cho họ biết cái gì là tốt nhất. Em có thể nói điều này, nhưng em sẽ không nói. Vì em không định xây để phục vụ hoặc giúp đỡ bất kỳ ai. Em không định xây để có khách hàng. Em định có khách hàng để có thể xây.”
“Thế anh định áp đặt ý tưởng của anh lên họ như thế nào?”
“Em không định áp đặt hoặc bị áp đặt. Những người muốn ý tưởng của em sẽ tìm đến em.”
Lúc này, ông Trưởng khoa chợt hiểu cái gì đã làm ông hoang mang về cách cư xử của Roark.
“Anh biết không,” ông nói, “những lời nói của anh sẽ thuyết phục hơn nếu như khi nói, anh tỏ ra quan tâm tới việc tôi có đồng ý với anh hay không.”
“Đúng thế,” Roark nói “Em không quan tâm liệu thầy có đồng ý với em hay không.”
Anh nói điều này đơn giản đến mức câu nói không có vẻ xúc phạm; nó như thể một lời tuyên bố về một thực tế mà lần đầu tiên anh để ý và nhận ra.
“Anh không quan tâm đến suy nghĩ của người khác – điều đó có thể hiểu được. Nhưng chẳng lẽ anh cũng không quan tâm đến việc làm cho người khác đồng ý với anh.”
“Không.”
“Nhưng, điều đó… điều đó thật kinh khủng.”
“Kinh khủng? Có thể. Em không biết.”
“Tôi rất mừng vì cuộc nói chuyện hôm nay,” ông Trưởng khoa đột ngột nói to. “Nó đã giải thoát lương tâm tôi. Tôi tin là – như những người khác cũng đã nói trong cuộc họp – kiến trúc không phải là nghề dành cho anh. Tôi đã cố gắng giúp anh. Giờ thì tôi nhất trí với Hội đồng. Anh không nên được khuyến khích. Anh thật nguy hiểm.”
“Đối với ai cơ ạ?” Roark hỏi.
Nhưng ông Trưởng khoa đã đứng dậy, ám chỉ rằng cuộc nói chuyện đã kết thúc.
Roark rời khỏi phòng. Anh bước những bước chậm rãi dọc theo các sảnh dài, xuống cầu thang đi ra ngoài vườn cỏ phía dưới. Anh đã gặp nhiều người như ông Trưởng khoa; anh đã không bao giờ hiểu nổi họ. Anh chỉ biết rằng có một sự khác biệt cơ bản nào đó giữa hành động của anh và của họ. Từ lâu, anh đã thôi không băn khoăn về điều này. Nhưng anh đã luôn tìm kiếm ý tưởng chủ đạo của các tòa nhà và anh tìm kiếm động lực chủ đạo của con người. Anh biết động lực các hành vi của mình; nhưng anh lại không thể phát hiện ra động lực ở người khác. Anh không quan tâm. Anh chưa từng học cách suy nghĩ về người khác. Nhưng thỉnh thoảng anh thấy băn khoăn cái gì đã làm họ trở thành người như vậy. Anh lại băn khoăn khi nghĩ đến ông Trưởng khoa. Hẳn phải có một bí mật quan trọng nằm đâu đó trong vấn đề này. Một nguyên tắc mà anh phải khám phá.
Nhưng anh dừng lại. Anh nhìn thấy hoàng hôn chựng lại trong chốc lát trước khi nhạt dần trên tảng đá vôi xám của một đường gân tường chạy dọc theo bức tường gạch của tòa nhà Học viện. Anh quên con người, quên ông Trưởng khoa và nguyên tắc đằng sau ông ta mà anh muốn khám phá. Anh chỉ nghĩ đến việc tảng đá trông tuyệt vời thế nào dưới ánh sáng nhạt dần và việc anh đã có thể làm gì với tảng đá đó.
Anh nghĩ đến một tờ giấy rộng và anh nhìn thấy, nổi lên trên tờ giấy, những bức tường trần trụi bằng đá vôi xám với những mảng kính dài hấp thụ ánh sáng rực rỡ của bầu trời vào trong các lớp học. Ở góc của tấm giấy có một chữ ký sắc nét, góc cạnh – HOWARD ROARK.
[1] Chữ thêm cho rõ nghĩa. (NHĐ)
[2] Petey: cách gọi thân mật tên “Peter”. Người Mỹ thường có cách gọi thân mật những người thân bằng cách đổi tên họ đi; ví dụ như William thành Bill, Catherine thành Kate, Kate thành Katie,…vv…
[3] Đền Parthenon thờ Nữ thần Athena, là công trình nổi tiếng nhất của kiến trúc Hy Lạp cổ đại. (NHĐ)
[4] Ở các nhà thờ, thường có một phòng xưng tội cho các con chiên. Phòng này có một cửa sổ chạm trổ cầu kỳ, người xưng tội và cha nhận tội hầu như không thể nhìn rõ mặt nhau. (NHĐ)