Bạn đang đọc Suối Nguồn (The Fountainhead): Chương 10 part 1
Ralston Ho be bị rụt cổ và cái cằm của ông làm nhiệm vụ thay cho cái cổ. Cằm và hàm ông tạo thành một đường vòng cung liền nét, ngự trên bộ ngực.
Gò má ông hồng, mềm mềm, với vẽ nhũn nhẽo không cưỡng lại được của tuổi tác, giống như vỏ của một trái đào đã bị trần qua nước sôi. Mái tóc bạch kim dày phủ trước trán và trùm cả xuống vai ông tạo thành một bờm tóc kiểu Trung cổ. Nó rắc gàu lên đằng sau cổ áo ông.
Ông đi bộ qua những đường phố của New York, đội một chiếc mũ rộng vành, mặc một bộ -lê công sở sẫm màu, một chiếc áo sơ mi sa-tanh màu xanh lá cây nhạt, một chiếc áo vét nhung trắng thêu kim tuyến, một cái nơ to bự lộ ra từ dưới cằm ông, và ông cầm một cái ba toong – không phải một cái gậy nhỏ – mà là một cái ba toong bằng gỗ mun, cao, một đầu gắn vàng ròng. Cứ như thể cái thân hình đồ sộ của ông đã thu vén cả vào những món trang sức thông thường của một một nền văn minh dung tục và những thứ vải vóc xám xịt của nền văn minh ấy; nhưng vòm ngực và khoanh bụng hình ô-van của ông vẫn nhô ra phía trước, để lộ những sắc màu của tâm hồn bên trong.
Những điều này là hoàn toàn phải phép với ông, bởi ông là một thiên tài. Ông còn là chủ tịch của Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ.
Ralston Ho be không tán thành những quan điểm của các đồng nghiệp trong hiệp hội. Ông không phải là một nhà xây dựng, đơn thuần làm công việc đào xới đất, cũng chẳng phải là một doanh nhân. Ông là – ông dõng dạc tuyên bố – một con người của những lý tưởng.
Ông lên án tình trạng kiến trúc tồi tệ của nước Mỹ và chủ nghĩa chiết trung vô nguyên tắc của những người tạo ra các công trình kiến trúc đó. Ông tuyên bố rằng trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào thì những kiến trúc sư cũng xây dựng trên tinh thần của thời đại họ sống và không sử dụng các thiết kế của quá khứ; chúng ta chỉ có thể trung thực với lịch sử bằng cách tuân theo quy luật của nó – quy luật đó đòi hỏi chúng ta phải gieo trồng các hạt mầm nghệ thuật của mình trên thực tại đời sống. Ông công khai chỉ trích sự ngu dốt của việc xây dựng các tòa nhà kiểu Hy Lạp, Gothic hay La Mã; hãy để chúng ta – ông nài nỉ – được hiện đại và được xây theo phong cách thuộc về thời đại chúng ta. Ông đã tìm được phong cách đó. Đó là phong cách Phục hưng.
Ông nói rõ lý do của mình. Ông chỉ ra rằng vì chưa có sự kiện lịch sử quan trọng nào xảy ra trên thế giới từ thời kỳ Phục hưng đến nay nên chúng ta nên tự coi mình vẫn đang sống trong thời kỳ đó; và tất cả những biểu hiện bên ngoài của sự tồn tại của chúng ta vẫn nên trung thành với những kiệt tác kiến trúc vĩ đại của thế kỷ 16.
Ông không có kiên nhẫn với một số ít những người có quan điểm khác ông về kiến trúc hiện đại; ông phớt lờ họ; ông chỉ nói rằng những kẻ muốn đoạn tuyệt với mọi thứ của quá khứ là những kẻ ngu dốt lười biếng, và rằng người ta không thể đặt Cái Mới lên trên Cái Đẹp. Giọng ông run lên một cách cung kính khi nói từ cuối cùng đó. Ông không chấp nhận bất kỳ thứ gì ngoại trừ những hợp đồng xây dựng thực sự lớn. Ông chuyên thiết kế các công trình vĩnh cửu và tượng đài. Ông xây dựng rất nhiều đài kỷ niệm và các tòa nhà trụ sở chính quyền bang[1]. Ông thiết kế cho các Hội chợ Quốc tế.
Ông xây dựng như một nhà soạn nhạc ứng tác dưới một sự thôi thúc thần bí. Ông có những cảm hứng bất thình lình. Ông có thể cho xây thêm một mái vòm khổng lồ lên mái bằng của một công trình đã được hoàn thành, có thể cho khảm một mái vòm dài bằng những cái lá mạ vàng, hay phá bỏ một mặt tiền đá vôi để thay bằng đá cẩm thạch. Các khách hàng của ông ta chỉ biết xanh xám mặt mày, lắp bắp và trả tiền. Nhân cách uy nghi của ông khiến ông giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc đối đầu nào với tính tằn tiện của một khách hàng; hỗ trợ cho ông là cả một sự cả quyết vững chắc, không lời và mạnh mẽ rằng ông là một Nghệ sĩ. Uy tín của ông rất lớn.
Ông sinh trưởng từ một gia đình được đề cập trong cuốn Danh bạ thân hữu[2]. Ở tuổi trung niên ông cưới một phụ nữ trẻ mà gia đình cô không có tên trong Danh bạ thân hữu nhưng thay vào đó lại làm ra rất nhiều tiền trong một đế chế kẹo cao su được truyền lại ột cô con gái độc nhất.
Giờ đây Ralston Ho be 65 tuổi, cái tuổi mà ông đã tăng thêm vào đó vài năm vì những lời khen ngợi của bạn bè ông về thể lực tuyệt vời của ông; còn bà Ralston Ho be thì 44 tuổi và bà đã giảm tuổi mình đi khá nhiều.
Bà Ralston Ho be vẫn duy trì các buổi gặp mặt thân mật cho giới văn nghệ sĩ vào mỗi chiều Chủ nhật. “Tất cả những người có tên tuổi trong giới kiến trúc đều đến” bà nói với bạn bè bà như vậy. “Họ nên!” bà nói thêm.
Vào một buổi chiều Chủ nhật tháng Ba, Keating lái xe đến biệt thự Ho be – một công trình mô phỏng cung điện Florentine – một cách mẫn cán, nhưng cũng hơi miễn cưỡng. Anh đã trở thành vị khách quen ở những buổi họp mặt như thế và anh đã bắt đầu cảm thấy chán vì anh đã biết tất cả những người có thể mong đợi ở đó. Tuy nhiên anh cảm thấy mình nên đi lần này vì đây là buổi chúc mừng việc Ralston Ho be vừa hoàn tất một tòa nhà trụ sở chính quyền ột bang nào đó.
Một đám đông đáng kể đang tụ tập trong phòng khiêu vũ của nhà Ho be và đứng rải rác thành những nhóm nhỏ trên khoảng đất rộng vốn dành cho các buổi tiếp tân ngoài trời. Khách khứa đứng quanh, vừa làm ra vẻ suồng sã, vừa gắng sức để mình nổi bật. Tiếng bước chân trên nền đá cẩm thạch tạo ra những tiếng vọng như trong một nhà mồ. Những ánh lửa từ những cây nến cao đối chọi một cách thảm hại với ánh sáng xám của ngọn đèn đường – ánh đèn làm ánh nến bị lu mờ, trong khi ánh nến lại khiến cho ban ngày ở bên ngoài nhuốm một vẻ hoàng hôn quá sớm. Một mô hình thu nhỏ của công trình trụ sở bang mà Ho be mới hoàn thành được đặt trên một cái kệ ở giữa phòng, lấp lánh với những bóng đèn điện nhỏ xíu.
Bà Ralston Ho be chủ trì bên bàn trà. Mỗi vị khách nhận một chiếc tách mỏng manh bằng sứ trong suốt, khẽ hớp hai hớp và biến mất về hướng quầy bar. Hai người giúp việc oai vệ đi lại xung quanh để thu lượm những chiếc tách đã được dùng xong.
Bà Ralston Ho be, như một bà bạn của bà đã miêu tả, “nhỏ nhắn, nhưng có trí tuệ.” Vóc người nhỏ bé là một nỗi buồn thầm kín của bà, nhưng bà đã học được cách bù đắp cho nó. Bà có thể nói chuyện về – và thực sự đã làm – việc bà mặc váy cỡ 10[3] và mua sắm trong các cửa hàng dành cho trẻ em. Bà mặc quần áo của học sinh trung học và đi tất ngắn trong mùa hè, để lộ đôi cẳng chân khẳng khiu nổi những mạch máu xanh đậm. Bà ngưỡng mộ những người nổi tiếng. Đấy là sứ mệnh của đời bà. Bà săn lùng họ ráo riết; bà đối diện với họ với sự ngưỡng mộ ra mặt và nói về sự tầm thường của mình, về sự khiêm nhường của bà trước những thành tựu; bà nhún vai, mím môi và hằn học bất kỳ khi nào một ai trong số họ không tỏ ra quan tâm đúng mức đến những quan điểm riêng của bà về cuộc sống sau khi chết, về thuyết tương đối, về kiến trúc Aztecm, về phòng tránh thai và về phim ảnh. Bà có rất nhiều bạn nghèo và khoe khoang về điều đó. Nếu một người bạn may mắn cải thiện được tình hình tài chính của mình thì bà lập tức ruồng bỏ anh ta với cảm giác anh ta đã phản bội lại bà. Bà căm ghét người giàu với tất cả sự chân thành: họ chỉ có chung với bà cái vẻ thượng lưu bề ngoài. Bà coi kiến trúc là lĩnh vực của riêng bà. Bà được đặt tên thánh là Constance nhưng thích được gọi là “Kiki” – một biệt danh mà bà bắt các bạn bà phải gọi khi bà đã qua cái tuổi 30 được khá lâu rồi.
Keating chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi có mặt bà Ho be bởi vì bà ta cười với anh quá dai và nhận xét về những lời bình phẩm của anh bằng cách nháy mắt và nói: “Ôi, Peter, cậu cứ đùa!” khi anh chẳng hề có ý đùa chút nào. Tuy thế, chiều nay, anh vẫn cứ cúi hôn tay bà như thường lệ và bà ta mỉm cười từ sau ấm trà bạc. Bà mặc một chiếc váy dài vương giả bằng nhung màu ngọc lục bảo, đeo một dải ruy-băng đỏ tía trên mái tóc ngắn ngang vai, phía trước là một chiếc nơ nhỏ xinh xắn. Da bà ta rám nắng và khô, với những lỗ chân lông to trên hai cánh mũi. Bà ta đưa cho Keating một chiếc tách, một viên ngọc lục bảo hình vuông lấp lánh trên ngón tay bà ta trong ánh nến.
Keating bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với tòa trụ sở liên bang rồi lỉnh ra xem xét mô hình thu nhỏ của nó. Anh đứng trước cái mô hình trong một khoảng thời gian hợp lý, làm bỏng cả môi mình với thứ chất lỏng nóng có mùi đinh hương. Ho be, người chẳng bao giờ nhìn về phía cái mô hình nhưng không bao giờ bỏ qua bất cứ ai đứng ngắm nó, đã vỗ vai Keating và nói một điều gì đó thích hợp về việc các kiến trúc sư trẻ tuổi cần học hỏi vẻ đẹp của phong cách Phục hưng. Rồi Keating đi loanh quanh, bắt tay với vài người một cách thờ ơ, và anh liếc nhìn đồng hồ đeo tay để xem khi nào thì thích hợp cho việc ra về. Rồi anh bỗng khựng lại.
Anh thấy, phía sau một cái cổng vòm rộng, trong một thư viện nhỏ, với ba thanh niên đứng cạnh, là Dominique Francon.
Cô đang đứng dựa vào một cái cột, tay cầm một cốc rượu cốc-tai. Cô mặc một bộ vét bằng nhung đen; chất vải nặng không phản quang đã neo cô lại với thực tại bằng cách chặn đứng cái ánh sáng đang chảy tràn tự do trên da thịt của bàn tay, cổ và gương mặt cô. Một tia sáng trắng lóe lên giống như một cây thánh giá kim loại lạnh lẽo trong cái cốc cô đang cầm, như thể cái cốc đó là một thấu kính hội tụ lại ánh sáng tỏa ra từ làn da cô vậy.
Keating băng về phía trước và tìm thấy Francon trong đám đông.
“À, Peter!” Francon vui vẻ nói. “Có muốn tôi lấy cho cậu cái gì uống không? Không nóng mấy,” ông ta thêm vào, hạ thấp giọng xuống, “nhưng làm một ly Manhattan cũng không tệ.”
“Không ạ,” Keating nói, “cảm ơn bác.”
“Giữa bác cháu với nhau,” Francon nói, nháy mắt về phía cái mô hình trụ sở liên bang, “thật là một đống hổ lốn, đúng không?”
“Vâng ạ,” Keating nói. “Những tỷ lệ khốn khổ… Cái cổng vòm đó trông như khuôn mặt của Ho be đang mô phỏng mặt trời mọc trên mái nhà vậy…”
Họ dừng lại ở vị trí có thể nhìn bao quát cả thư viện và mắt Keating dán vào cô gái mặc bộ đồ đen với dụng ý khiến Francon phải chú ý; Keating muốn cho Francon vào bẫy.
“Và cái thiết kế mặt bằng nữa chữ! Trời đất! Cậu có thấy cái đó trên tầng hai… Ồ!” Francon nói và nhận ra.
Ông nhìn Keating, rồi nhìn vào thư viện, rồi lại nhìn đến Keating.
“Thôi được” cuối cùng Francon nói, “sau này đừng có trách tôi đấy. Chính cậu muốn thế đấy nhé. Nào đi nào.”
Họ cùng bước vào thư viện. Keating dừng lại một cách đúng mực nhưng lại cho phép mắt anh được chăm chú một cách quá mức trong khi Francon tươi cười với một sự vui vẻ không được thuyết phục:
“Dominique! Cha xin giới thiệu đây là Peter Keating – cánh tay phải của cha. Peter – đây là con gái tôi.”
“Xin chào cô.” Keating khẽ nói.
Dominique cúi chào một cách trang trọng.
“Tôi đã đợi để được gặp cô từ rất lâu rồi, thưa cô Francon.”
“Cái này thú vị đây,” Dominique nói. “Anh sẽ muốn đối tốt với tôi, tất nhiên rồi, nhưng như thế thực ra lại không khôn ngoan lắm đâu.”
“Ý cô là gì, cô Francon?”
“Cha thì muốn anh xử tệ với tôi hơn. Cha và tôi không hợp nhau chút nào.”
“Ồ, cô Francon, tôi…”
“Tôi nghĩ nên công bằng mà nói với anh điều này ngay từ đầu. Anh có thể rút lại một vài kết luận.” Keating đang tìm Francon nhưng ông đã biến mất. “Không,” cô khẽ nói, “Cha tôi không thạo những việc như thế này. Ông ấy quá lộ liễu. Anh nhờ ông giới thiệu nhưng ông lẽ ra không nên để tôi nhận thấy chuyện ấy. Nhưng thế cũng chẳng sao vì cả hai chúng ta đều thừa nhận. Anh ngồi xuống đi.”
Cô trượt vào một chiếc ghế và anh ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh cô. Người thanh niên mà Keating không quen biết đứng quanh đó vài phút, cố tham gia vào cuộc chuyện trò bằng những nụ cười trống rỗng, rồi anh ta lảng đi. Keating thở phào nghĩ không có gì đáng sợ về cô gái cả; chỉ có một sự tương phản kỳ quặc giữa những lời lẽ của cô và sự trong sáng tự nhiên của cái cách mà cô nói những lời ấy; anh không biết phải tin vào điều nào.
“Tôi thừa nhận là tôi đã xin bác giới thiệu,” anh nói, “Dù sao thì như thế cũng là lộ liễu, đúng không? Ai mà lại không xin được giới thiệu cơ chứ? Nhưng chẳng nhẽ cô không nghĩ là những kết luận tôi sẽ rút ra có thể chẳng có liên quan gì đến cha cô?”
“Đừng nói là tôi đẹp và tinh tế và không giống bất kỳ ai anh đã từng gặp và rằng anh rất sợ là anh sắp yêu tôi. Rút cục thì anh sẽ nói thôi nhưng hãy hoãn lại đã. Ngoài cái đó ra, tôi nghĩ là chúng ta sẽ hợp nhau.”
“Nhưng cô đang cố làm khó cho tôi đúng không?”
“Đúng thế. Lẽ ra cha tôi nên cảnh báo anh.”
“Bác ấy đã.”
“Đáng lẽ anh nên nghe lời ông ấy. Hãy tử tế với cha tôi. Tôi đã gặp rất nhiều cánh tay phải của ông ấy và tôi đã bắt đầu hoài nghi. Nhưng anh là người đầu tiên được giữ lại lâu. Và có vẻ như ông ấy sẽ giữ anh lại lâu đấy. Tôi đã nghe rất nhiều về anh. Chúc mừng!”
“Tôi đã mong được gặp cô từ lâu rồi. Và tôi đã đọc cột báo của cô một cách rất…” Anh ngừng lại. Anh biết mình lẽ ra không nên đề cập đến nó; và hơn thế, lẽ ra anh không nên ngừng lại.
“Rất sao cơ?” cô nhẹ nhàng hỏi.
“… rất thích thú.” anh hoàn thành nốt câu nói, hy vọng cô sẽ chấp nhận câu chuyện như thế.
“Ồ vâng,” cô nói. “Cái nhà của Ainsworth. Anh đã thiết kế nó. Tôi xin lỗi. Anh không may lại là nạn nhân của một trong những cơn nói thật hiếm hoi của tôi. Tôi không lên cơn thường xuyên lắm. Như anh biết đấy, nếu anh có đọc bài của tôi hôm qua.”
“Tôi đã đọc rồi. Và – được rồi, tôi sẽ noi gương cô và sẽ hoàn toàn thẳng thắn. Cô đừng coi đó là một lời than phiền nhé – một người không bao giờ được phép than phiền về lời bình phẩm của một ai đó. Nhưng mà nói thực nhé, cái nhà trụ sở bang của Ho be còn tồi hơn nhiều nếu xét về tất cả những mặt mà cô đã chỉ trích chúng tôi. Tại sao cô lại dành cho ông ta những lời tán tụng hào phóng như thế hôm qua? Hay cô buộc phải làm thế?”
“Đừng tâng bốc tôi. Tất nhiên tôi không buộc phải làm thế. Chẳng lẽ anh nghĩ có ai ở tòa báo lại chú ý đến một cột báo về trang trí nhà cửa đến nỗi phải quan tâm tôi nói gì trong đó à? Thêm nữa, tôi thậm chí không có nhiệm vụ phải viết về các nhà trụ sở bang nữa kia. Chỉ là tôi đang thấy chán chuyện trang trí nhà cửa.”
“Vậy sao cô lại khen ngợi Ho be?”
“Tại vì cái nhà đó quá kinh khủng đến nỗi phê phán gay gắt nó sẽ có tác dụng ngược. Thế nên tôi nghĩ, sẽ rất thú vị nếu tâng bốc nó đến tận mây xanh. Và đúng thế thật.”
“Đấy chính là cách cô làm việc sao?”
“Đó chính là cách tôi làm việc. Nhưng mà chẳng ai đọc cột báo của tôi, chỉ trừ mấy bà nội trợ chẳng bao giờ đủ tiền để trang trí nhà cửa, thế nên chẳng sao cả.”
“Nhưng cô thực sự thích cái gì ở kiến trúc?”
“Tôi chẳng thích bất kỳ cái gì ở kiến trúc hết.”
“Ồ, tất nhiên là cô biết tôi sẽ không tin điều đó. Cô viết làm gì nếu cô chẳng có gì muốn nói cơ chứ?”
“Thì để có thứ gì đó mà làm. Thứ gì đó kinh tởm hơn nhiều thứ khác mà tôi có thể làm. Và thú vị.”
“Thôi nào, đó không phải là một lý do tốt.”
“Tôi chẳng bao giờ có bất kỳ lý do tốt nào.”
“Nhưng cô hẳn phải thích công việc của mình.”
“Tôi có thích. Anh không thấy tôi thích nó sao?”
“Cô biết không, tôi thật sự ghen tỵ với cô đấy. Làm việc ột hãng khổng lồ như các tờ báo của Wynand. Tập đoàn lớn nhất trong nước, tập hợp những cây bút giỏi nhất và…”
“Nghe này” cô nói, nghiêng mình về phía anh một cách bí mật, “để tôi giúp anh. Nếu anh mới gặp cha tôi, và ông ấy đang làm việc cho Wynand thì đúng là anh phải nói những điều vừa rồi. Nhưng mà tình hình lại không như thế. Tôi đã đoán là anh sẽ nói thế, mà tôi thì lại không thích nghe cái điều tôi đã đoán. Sẽ hay hơn nhiều nếu anh nói là các tờ báo của Wynand là một đống hổ lốn đáng khinh của một thứ báo chí lá cải và các tất cả các cây bút của chúng gộp lại chẳng đáng đến một xu.”
“Cô thực sự nghĩ thế về họ sao?”
“Không. Nhưng tôi không thích những người cứ chỉ nói những gì mà họ cho là tôi nghĩ.”
“Cám ơn. Tôi sẽ cần đến sự giúp đỡ của cô. Tôi chưa bao giờ gặp ai… À, không, tất nhiên đó là điều cô không muốn tôi nói. Nhưng tôi đã nói thật về những tờ báo mà cô đang làm việc. Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ Gail Wynand. Tôi đã luôn mong được gặp ông ấy. Ông ấy là người như thế nào?”
“Đúng như lời Austen Heller gọi ông ta – một gã quý tộc vô lại.”
Keating cau mày. Anh nhớ lại anh đã nghe Austen Heller nói điều đó ở đâu. Ký ức về Catherine dường như nặng nề và thô kệch trước sự hiện diện của cái bàn tay trắng trẻo thon thả đang đặt trên thành ghế trước mặt anh.
“Nhưng, ý tôi là,” anh hỏi, “mặt đối mặt thì ông ấy là người thế nào?”
“Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ gặp ông ta.”
“Cô chưa bao giờ?”
“Chưa.”
“Ồ, tôi nghe nói ông ấy rất thú vị!”
“Chắc chắn là thế. Khi nào tôi có hứng về một cái gì đó suy đồi, có thể tôi sẽ gặp ông ta.”
“Cô có biết ông Toohey không?”
“Ồ,” cô nói. Keating nhìn thấy điều mà anh đã nhìn thấy trong mắt cô trước đây, và anh không thích sự tươi tỉnh ngọt ngào trong giọng nói của cô. “Ồ, Ellsworth Toohey. Tất nhiên là tôi biết ông ấy. Ông ấy thật là tuyệt vời. Ông ấy là một người mà tôi luôn thích nói chuyện cùng. Ông ấy thật là một kẻ đê tiện hoàn hảo.”
“Ôi, cô Francon! Cô là người đầu tiên từng…”
“Tôi không cố làm anh bị sốc đâu. Tôi thật sự muốn nói thế. Tôi ngưỡng mộ ông ấy. Ông ấy thật hoàn hảo. Chẳng mấy khi gặp được sự hoàn hảo trên thế giới này – dù hoàn hảo kiểu nào, đúng không? Và ông ấy đúng như thế. Hoàn hảo thuần khiết theo cách riêng của ông ấy. Mọi người khác đều không trọn vẹn, bị vỡ thành quá nhiều phần không hợp với nhau. Nhưng Toohey không thế. Ông là một hòn đá tảng. Đôi lúc, những khi tôi cảm thấy cay đắng trước thế giới này, tôi lại tìm được niềm an ủi khi nghĩ rằng thế cũng được, rằng tôi sẽ bị trừng phạt, rằng thế giới sẽ nhận được cái đang xảy đến với nó – bởi vì có Ellsworth Toohey.”
“Cô muốn bị trừng phạt về cái gì kia?”
Cô nhìn anh, mí mắt nhướng lên trong một giây lát, và đôi mắt vì thế không có vẻ hình chữ nhật nữa mà mềm mại và trong.
“Anh rất thông minh,” cô nói. “Đó là điều thông minh đầu tiên anh nói đấy.”
“Vì sao cơ?”
“Vì anh biết phải nhặt ra điều gì từ cái mớ nhảm nhí mà tôi nói. Thế nên tôi sẽ phải trả lời anh. Tôi muốn bị trừng phạt về cái việc tôi chẳng có gì để mà bị trừng phạt. Giờ hãy nói tiếp về Ellsworth Toohey.”
“À, tôi luôn nghe mọi người nói ông ấy như kiểu một vị thánh, một người lý tưởng hóa thuần khiết, hoàn toàn không thể bị mua chuộc và…”
“Khá đúng. Cứ làm một kẻ ăn hối lộ thì dễ hơn nhiều. Nhưng Toohey thì giống như một viên đá thử ọi người vậy. Anh có thể hiểu về họ qua quan điểm của họ về ông ấy.”
“Vì sao? Ý cô thực sự là gì?”
Cô ngả người ra chiếc ghế, và duỗi hai cánh tay xuống đầu gối, vặn cổ tay, hai lòng bàn tay hướng ra ngoài, những ngón tay cô đan vào nhau. Cô cười một cách thoải mái.
“Chẳng có ý gì đáng để bàn bạc ở một tiệc trà cả. Kiki đã đúng. Bà ấy ghét trông thấy tôi nhưng vẫn thỉnh thoảng phải mời tôi. Và tôi thì không thể không đến, vì bà ấy tỏ quá rõ là không muốn tôi đến. Anh biết đấy, tối nay tôi đã nói với Ralston tôi thực sự nghĩ gì về cái nhà trụ sở bang của ông ta, nhưng mà ông ta không tin. Ông ta chỉ cười và bảo tôi là một cô bé dễ thương.”
“Thì, cô là thế, đúng không?”
“Là gì?”
“Một cô bé dễ thương.”
“Không. Không phải hôm nay. Tôi đã làm anh hoàn toàn không thoải mái. Nên tôi sẽ đền bù cho anh. Tôi sẽ nói anh biết tôi nghĩ gì về anh, vì anh sẽ lo lắng về điều đó. Tôi nghĩ anh thông minh, an toàn, rõ ràng và khá tham vọng và anh sẽ tiến xa với tính cách đó. Và tôi thích anh. Tôi sẽ nói với cha là tôi duyệt cánh tay phải của ông. Anh thấy đấy anh chẳng có gì phải lo về con gái sếp; mặc dù thực ra sẽ tốt hơn nếu tôi chẳng nói gì với cha tôi, vì ý kiến của tôi sẽ có tác dụng ngược với cha.”
“Tôi có thể nói điều duy nhất mà tôi nghĩ về cô không?”
“Tất nhiên. Mấy điều cũng được.”
“Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu cô không nói là cô thích tôi. Như thế tôi sẽ có nhiều cơ hội biến nó thành sự thật hơn.”
Cô cười to.
“Nếu anh hiểu được thế,” cô nói, “thì chúng ta sẽ rất hợp nhau đấy. Thế thì điều đó cũng có thể thành sự thật.”
Gordon L. Prescott xuất hiện ở cổng tò vò của phòng khiêu vũ, tay cầm cốc. Ông ta mặc một bộ vét xám và một chiếc áo len cổ rùa bằng len bạc. Khuôn mặt trẻ con của ông được lau rửa sạch sẽ và ông ta vẫn có cái mùi xà bông, kem đánh răng và bụi đường như thường lệ.
“Dominique thân yêu!” ông kêu lên, huơ huơ chiếc cốc của mình. “Chào Keating,” ông nói thêm cụt lủn. “Dominique, cô trốn ở đâu thế? Tôi nghe bảo cô ở đây và tôi tìm mãi không thấy cô!”
“Chào anh, Gordon,” cô nói. Cô nói điều ấy khá vừa phải; chẳng có gì xúc phạm trong giọng nói lịch sự điềm tĩnh của cô; nhưng sau cái nốt thăng nhiệt tình của ông ta thì giọng cô vang lên một nốt giáng chết chóc bởi sự thờ ơ của nó – như thể hai âm thanh đó hòa quện với nhau tạo thành một đối ấm rành mạch, làm nền ột giai điệu du dương là sự khinh miệt của cô.
Prescott không nghe thấy tiếng cô. “Cô bé” ông nói, “mỗi lần gặp cô, trông cô lại càng đáng yêu hơn. Ai mà nghĩ là chuyện này lại có thể.”
“Lần thứ bảy.” Dominique nói.
“Gì cơ?”
“Lần thứ bảy anh nói thế khi gặp tôi, Gordon. Tôi đang đếm chúng.”
“Cô không bao giờ chịu nghiêm túc cả, Dominique. Cô không bao giờ nghiêm túc.”
“Thế sao, Gordon? Tôi vừa mới có một cuộc nói chuyện rất nghiêm túc với người bạn tôi đây, Peter Keating.”
Một quý bà vẫy Prescott và ông ta chấp nhận cơ hội đó để lỉnh đi, trông rất ngu ngốc. Và Keating vui mừng với ý nghĩ cô đã đuổi một tay khác vì một cuộc trò chuyện mà cô muốn tiếp tục với “người bạn” của mình là Peter Keating.
Nhưng khi anh quay sang cô thì cô lại ngọt ngào hỏi: “Chúng ta đang nói đến đâu rồi, anh Keating?” Và rồi cô lại nhìn chằm chằm một cách hết sức thích thú ngang qua căn phòng vào dáng vẻ héo hon của một người đàn ông nhỏ bé đang đứng ho bên một ly whisky.
“À,” Keating nói, “chúng ta đang…”
“Ồ, Eugene Pettingill kia rồi. Một người tôi rất yêu thích. Tôi phải đến chào Eugene.”
Và cô đứng dậy, đi ngang qua căn phòng, thân hình ngả về phía sau khi cô bước đi. Cô tiến về phía người đàn ông tứ tuần xấu xí nhất quả đất kia.
Keating không biết anh đã bị cô sung vào hàng ngũ những người như Gordon L.Prescott hay là đây chỉ là sự tình cờ.