Bạn đang đọc Suối Nguồn (The Fountainhead): Phần 4 – Chương 15b
Gail Wynand ngồi bên bàn làm việc và nhìn xuống đống giấy tờ. Ông có rất nhiều việc phải làm, nhưng có một hình ảnh luôn quay về và ông không thể thoát được nó – ý thức về nó đeo bám mọi hành động của ông – hình ảnh một cậu bé rách rưới đứng trước bàn làm việc của một biên tập viên: “Cậu có thể đánh vần từ cat (mèo) được không?” – “Anh có thể đánh vần từ anthropomorphology (hình thái nhân chủng học) được không?” Những hình ảnh vỡ ra và lẫn vào nhau, dường như là cậu bé đó đang đứng ở đây, tại bàn làm việc của ông, chờ đợi và một lần ông đã quát to: “Cút đi!” Ông thấy mình đang giận dữ, ông nghĩ: Nhà ngươi đang huyên thuyên vớ vẩn, đồ ngốc, bây giờ không phải là lúc diễn ra thầm lặng trong khi ông đọc, kiểm tra và ký giấy tờ: “Cút đi! Không có việc gì ở đây cả!” “Tôi sẽ ở quanh đây. Hãy gọi tôi khi ông muốn. Ông không phải trả lương cho tôi đâu.” “Người ta đang trả lương ày, hiểu không, đồ ngốc? Người ta đang trả luơng ày.” Ông nói vào điện thoại, thành tiếng, giọng ông bình thường: “Bảo Manning rằng chúng ta sẽ phải lấp chỗ trống bằng những thứ vớ vẩn… Gửi bản in thử lên đây càng sớm càng tốt. Mang một cái bánh mì kẹp thịt nữa. Loại nào cũng được.”
Một số người ở lại với ông: mấy người già và mấy cậu học việc. Họ đến, vào buổi sáng, thường là với những vết cắt ở trên mặt và máu ở cổ áo; một người dò dẫm đi vào, đầu anh ta bị vỡ và phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Đấy không phải là lòng dũng cảm hay là sự trung thành; chỉ là sự ỷ lại; họ đã sống quá lâu với ý nghĩ rằng thế giới sẽ sụp đổ nếu như họ mất việc ở tờ Ngọn cờ. Người già thì không hiểu. Người trẻ thì không quan tâm.
Những cậu bé học việc được cử đi làm công việc săn tin thế chỗ cho các phóng viên. Hầu hết những thứ họ đem về có chất lượng tới mức Wynand rú lên cười thay vì cảm thấy tuyệt vọng: ông chưa bao giờ được đọc một thứ tiếng Anh sách vở đến vậy; giờ thì ông hiểu vì sao những cậu bé học việc lại tự hào đến thế khi được trở thành phóng viên chính thức. Ông không cười khi những câu chuyện đó được đăng nguyên văn trên tờ Ngọn cờ bởi vì không có đủ người hiệu đính.
Ông cố thử tuyển thêm người mới. Ông đã đề nghị mức lương rất cao. Nhưng những người ông cần thì từ chối làm việc cho ông. Có một vài người đồng ý làm việc cho ông, và sau đó ông đã phải ước giá mà họ không nhận; rút cục ông vẫn tuyển họ. Họ là những người không xin được việc ở bất cứ tòa báo tên tuổi nào trong suốt cả mười năm qua; là những loại người mà lẽ ra, một tháng trước đây, đã không được phép bước vào sảnh của tòa nhà này. Một vài người bị đuổi việc chỉ sau hai ngày; những người khác ở lại. Hầu hết thời gian bọn họ say khướt. Có người còn hành động như thể họ đang ban ơn cho Wynand. “Gail, đừng có nóng tính quá, bố già,” một người đã nói như thế – và đã bị hất văng xuống hai tầng cầu thang. Anh ta bị vỡ một mắt cá chân và dập mông xuống sàn; anh ta ngước lên nhìn WY với vẻ kinh hoàng. Những người khác kín đáo hơn; họ chỉ đi vơ vẩn và nhìn lén Wynand rồi nháy mắt ra ý rằng tất cả đang là đồng phạm trong một vụ làm ăn bẩn thỉu.
Ông đã đến các trường đào tạo báo chí. Nhưng không có ai đáp lại ông. Một hội sinh viên gửi cho ông một bản cam kết được ký bởi tất cả các hội viên: “… Bước vào nghiệp báo chí, chúng tôi rất coi trọng đạo đức nghề nghiệp và nguyện cống hiến bản thân cho sự vinh quang của báo chí. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng không ai trong chúng tôi có thể bỏ đi lòng tự trọng và chấp nhận lời đề nghị tuyển dụng của ông.”
Biên tập viên mục tin thời sự vẫn làm việc; biên tập viên mục tài chính thì đã bỏ đi. Wynand kiêm nhiệm luôn mấy việc: phụ trách mục tài chính, làm chủ bút, làm người đánh điện tín, người hiệu đính, và soát lỗi chính tả. Ông không rời khỏi tòa nhà. Ông ngủ trên đi văng ở phòng làm việc của mình – hệt như những năm đầu khi tờ Ngọn cờ mới hoạt động. Ông không đeo cà-vạt, cổ áo luôn phanh ra. Ông chạy lên chạy xuống cầu thang, những bước chân của ông nghe như tiếng súng máy. Có hai người trực thang máy vẫn làm việc; những người khác thì đã biến mất, không ai biết khi nào, tại sao, vì họ đồng cảm với vụ đình công, vì sợ hay chỉ đơn giản là chán nản.
Alvah Scarret không thể hiểu nổi sự bình tĩnh của Wynand. Một cỗ máy tuyệt vời – và đó, Scarret nghĩ, luôn là từ mà ông dùng để miêu tả Wynand – cỗ máy chưa bao giờ làm việc tốt như bây giờ. Ngôn ngữ của Wynand ngắn gọn, các mệnh lệnh nhanh chóng, các quyết định lập tức. Giữa những máy móc, chì, dầu mỡ, mực, rác, những căn phòng làm việc bừa bộn, những bàn làm việc bỏ trống, những tiếng kính vỡ bất ngờ khi bị ai đó từ dưới đường ném đá vào, Wynand đi lại như một cái bóng to lớn gấp đôi, bao trùm lên mọi thứ quanh ông, vượt khỏi không gian và kích thước thông thường. Ông ấy không thuộc về nơi này, Scarret nghĩ, bởi vì ông ấy không có dáng vẻ hiện đại – vấn đề chính là ở chỗ này – kiểu gì đi chăng nữa – ông ấy trông như một vật thuộc về một nhà thờ Gothic. Cái đầu quý tộc được giữ thẳng và gương mặt xương xương đanh lại. Thuyền trưởng của một con tàu mà ai cũng biết là đang chìm, ngoại trừ chính thuyền trưởng.
Alvah Scarret vẫn ở lại. Ông vẫn chưa tin những sự kiện xảy ra là có thật; ông đi đi lại lại trong trạng thái mộng du; ông cảm thấy choáng váng vào mỗi buổi sáng khi ông lái xe đến tòa nhà và nhìn thấy những người biểu tình. Ông không bị tổn hại gì ngoài việc người ta ném vài quả cà chua vào kính chắn gió của xe ông. Ông cố giúp Wynand; ông cố làm công việc của mình và thêm cả việc của năm người khác, nhưng ông không thể hoàn thành công việc của một ngày bình thường. Ông cứ rã rời một cách lặng lẽ và các khớp xương trên người ông lỏng ra vì một câu hỏi. Ông làm mất thời gian của tất cả mọi người vì ông thường làm gián đoạn công việc của họ để hỏi: “Nhưng tại sao? Tại sao? Làm sao mà bỗng chốc ra nông nỗi này?”
Ông nhìn thấy một y tá mặc đồng phục trắng đang đi dọc hành lang – một trạm sơ cứu đã được dựng lên ở tầng một của tòa nhà. Ông nhìn thấy chị ta mang một thùng rác tới lò đốt rác – toàn là bông gạc dính máu. Ông ngoảnh mặt đi; ông thấy buồn nôn. Không phải vì cái cảnh đó, mà vì bản năng của ông mách bảo một sự kinh hoàng còn lớn hơn thế: tòa nhà văn minh này – với những sàn nhà được đánh vécni bóng loáng, mọi thứ vận hành quy củ, một nơi đương đầu với những vấn đề trí tuệ như chữ viết và các hợp đồng thương mại, một nơi chấp nhận quảng cáo quần áo trẻ con và bàn về chơi gôn – trong vòng vài ngày đã trở thành một nơi mà người ta có thể cầm những thứ rác rưởi máu me như thế đi dọc hành lang. Tại sao? – Alvah Scarret nghĩ.
“Tôi không hiểu,” ông lè nhè bằng giọng đều đều với bất cứ ai ở xung quanh, “Tôi không thể hiểu được tại sao Ellsworth lại có quá nhiều quyền lực như vậy… Và Ellsworth lại là một người có văn hóa, một người có lý tưởng, chứ đâu phải là một kẻ cực đoan bẩn thỉu chuyên đứng kêu gào trên đường phố; ông ấy thật là thân thiện và dí dỏm, và thật là uyên bác! – một người lúc nào cũng hài hước thì không thể là một người bạo lực được – Ellsworth không cố tình, ông ấy đã không lường hết hậu quả việc này, ông ấy yêu quý mọi người, tôi có thể lấy đầu đảm bảo cho Ellsworth Toohey.”
Một lần, trong phòng làm việc của Wynand, ông liều mạng nói:
“Gail, tại sao ông không thương lượng? Tại sao ít nhất ông không gặp bọn họ?”
“Im đi.”
“Nhưng, Gail, có thể họ cũng có phần đúng. Họ cũng là dân báo chí. Ông biết họ nói gì rồi đấy, tự do báo chí…”
Rồi ông nhìn thấy cơn thịnhnộ mà ông đã chờ đợi nhiều ngày và tưởng rằng nó đã được dẹp bỏ – hai đồng tử màu xanh da trời biến mất trong lòng trắng, hai con mắt rực sáng, quắc lên trên một gương mặt hốc hác, những bàn tay run lên. Nhưng trong khoảnh khắc tiếp theo, ông nhìn thấy một thứ mà ông chưa từng chứng kiến: ông nhìn thấy Wynand phá tan cơn thịnh nộ mà không cần gào thét hay xả nó ra. Ông nhìn thấy mồ hôi lấm tấm trên hai thái dương trũng sâu của Wynand, và những nắm đấm đặt cạnh mép bàn.
“Alvah… nếu tôi không ngồi ở bậc thang tờ Gazette trong một tuần… thì lấy đâu ra báo chí để cho họ đòi quyền tự do?”
Cảnh sát được bố trí ở ngoài và ở trong hành lang của tòa nhà. Điều đó cũng giúp một phần, nhưng không nhiều. Một đêm nọ, người ta ném axit vào cửa ra vào chính của tòa nhà, vết sần sùi trên miếng kính lớn ở cửa sổ tầng một và để lại nhiều vết sần sùi trên tường. Cát ở trong trụ máy đã làm một máy in ngừng hoạt động. Một cửa hàng bán đồ ăn sẵn bị phá tan hoang vì đã đăng quảng cáo trên tờ Ngọn cờ. Rất nhiều khách hàng đã xin rút quảng cáo. Xe phân phối báo Wynand bị lật đổ. Một lái xe bị giết. Công đoàn đã ra lời phản đối hành vi bạo lực; rằng công đoàn không tham gia xúi giục; rằng hầu hết thành viên công đoàn không biết ai là thủ phạm. Tờ Những mặt trận mới có lên tiếng về những vụ việc đáng tiếc xảy ra, nhưng mô tả chúng như “những cơn bột phát từ sự giận dữ chính đáng của công chúng.”
Homer Slottern, nhân danh một nhóm những người tự xưng là những doanh nhân cấp tiến, gửi cho Wynand một thông báo về việc hủy bỏ các hợp đồng quảng cáo. “Ông có thể kiện nếu như ông muốn. Nhưng chúng tôi nghĩ là chúng tôi có lý do hợp pháp để hủy hợp đồng. Chúng tôi đã ký hợp đồng để quảng cáo trên một tờ báo danh tiếng, chứ không phải trên một tờ giấy lộn mà hiện vừa là sự điếm nhục cho công chúng, vừa khiến những người biểu tình kéo đến trước cửa nhà chúng tôi. Tờ báo vừa hủy hoại chuyện làm ăn của chúng tôi và lại chẳng có ai đọc nó cả.” Trong nhóm này có hầu hết những khách hàng quảng cáo giàu có nhất của tờ Ngọn cờ.
Gail Wynand đứng bên cửa sổ trong phòng làm việc và nhìn xuống thành phố của ông.
Austen Heller viết trên tờ Tin tức hàng ngày: “Tôi đã luôn ủng hộ các cuộc biểu tình vào những thời điểm mà việc ủng hộ như vậy là rất nguy hiểm. Tôi đã chống lại Gail Wynand cả đời mình. Tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ có một ngày và một việc khiến cho tôi phải nói – như lúc này – rằng tôi ủng hộ Gail Wynand.”
Wynand gửi một tin nhắn cho ông: “Quỷ tha ma bắt ông đi, tôi không yêu cầu ông phải bảo vệ tôi. G W.”
Tờ Những mặt trận mới mô tả Austen Heller như “một kẻ phản động đã bán mình cho những kẻ lắm tiền”. Các quý bà trong giới thượng lưu nói rằng Austen Heller là một người đã lỗi thời.
Gail Wynand vẫn đứng bên cạnh một cái bàn trong phòng tin tài chính-kinh tế và viết các bài xã luận như thường lệ. Các nhân viên còn lại của ông không thấy có sự thay đổi nào ở ông; ông không vội vàng cũng không đột ngột nổi nóng. Chẳng còn ai để nhận ra rằng một vài hành động của ông hoàn toàn mới: ông sẽ đi đến xưởng in và đứng nhìn chuỗi dài những tờ báo trắng nối đuôi chui ra khỏi những cỗ máy khổng lồ và lắng nghe âm thanh của chúng. Ông sẽ nhặt lên một thanh chì từ sàn nhà của phòng sắp chữ, và lơ đãng vần vò nó trong lòng bàn tay, như thể đó là một miếng ngọc thạch, rồi cẩn thận đặt nó lên một cái bàn, như thể ông không muốn lãng phí nó. Ông còn nhặt nhanh nhiều thứ người ta vứt đi nhưng ông không nhận ra việc mình làm; cử chỉ của ông có tính bản năng: ông thu gom những cái bút chì, ông để dành cả nửa tiếng đồng hồ để sửa một cái máy đánh chữ đã hỏng trong lúc tiếng chuông điện thoại reo liên tục. Đây không phải là chuyện tiết kiệm; ông ký hóa đơn mà không thèm nhìn vào những con số ghi trên đó; Scarret sợ hãi khi nghĩ về chi phí mà ông phải trả ỗi ngày trôi qua. Đây là chuyện về những thứ đã trở thành máu thịt của tòa nhà mà ông yêu đến từng cái núm cửa, về những thứ quen thuộc về tờ Ngọn cờ, và tờ Ngọn cờ thì thuộc về ông.
Cuối mỗi buổi chiều ông gọi điện cho Dominique ở ngoại ô. “Ổn cả. Mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát. Đừng có nghe những lời đàm tiếu… Không, quỷ tha ma bắt nó đi, em biết là anh không muốn nói về tờ báo mà. Kể cho anh xem vườn nhà mình bây giờ thế nào… Hôm nay em có đi bơi không?… Kể cho anh về hồ nước… Em đang mặc cái váy nào?… Hãy nghe kênh WLX tối nay, vào lúc 8h, họ sẽ phát bản nhạc mà em yêu thích – Công-xéc-tô số hai của Rachmaninoff… Tất nhiên là anh có đủ thời gian để cập nhật mọi thứ… Ồ, được rồi, anh hiểu là không thể bịt mắt được một cựu phóng viên như anh, anh đã đọc lướt trang tin về đài phát thanh… Dĩ nhiên là có nhiều người làm, có điều anh không thể hoàn toàn tin tưởng mấy cậu bé mới vào và anh cũng có chút thời gian rảnh… Trên hết, đừng vào thành phố. Hãy hứa với anh điều đó… Chúc em ngủ ngon, em yêu quý…”
Ông dập máy và ngồi xuống. Ông nhìn cái điện thoại, mỉm cười. Cái ý nghĩ về vùng ngoại ô giống như là ý nghĩ về một lục địa ở phía bên kia đại dương mà người ta không thể vượt qua; nó đem lại cho ông cảm giác bị nhốt lại trong một pháo đài đang bị bao vây và ông thích điều đó – không phải là thích thực trạng bao vây, mà là thích cảm giác bị bao vây. Gương mặt ông trông giống với một cụ tổ nào đó thời xưa, một người đã chiến đấu trên chiến lũy để bảo vệ một lâu đài.
Một buổi tối, ông đi ra ngoài để ăn tối ở một nhà hàng bên kia đường; đã nhiều ngày rồi ông chưa có bữa ăn nào hoàn chỉnh. Khi ông quay lại, những đường phố vẫn còn sáng – hoàng hôn phủ một màu nâu dễ chịu của mùa hè, như thể là những tia nắng mặt trời quá lưu luyến cảm giác ấm áp thoải mái của không khí nên không chịu rút đi, ngay cả khi mặt trời đã lặn; nó khiến cho bầu trời trông trong trẻo tươi mát còn mặt đường thì trở nên bẩn thỉu; có những khoảng màu nâu và màu vỏ cam ủng trong những góc các tòa nhà cũ. Ông nhìn thấy những người biểu tình đang đi đi lại lại trước cửa ra vào của tòa nhà Ngọn cờ. Bọn họ có tám người tất cả và họ cứ đi đi lại lại theo một hình bầu dục ở trên vỉa hè. Ông nhận ra một người – một phóng viên chuyên đưa tin pháp luật, còn những người khác thì ông chưa từng nhìn thấy. Họ đem theo những biểu ngữ: “Toohey, Harding, Alien, Falk…” “Tự do báo chí..” “Gail Wynand chà đạp lên nhân quyền…”
Mắt ông nhìn theo một phụ nữ. Hông của bà ta bắt đầu từ mắt cá chân, bàn chân bành ra khỏi những sợi dây giày buộc chặt. Bà ta có bờ vai vuông. Một chiếc áo khoác dài vải tuýt màu nâu rẻ tiền phủ lên một thân hình phì nộn cũng hình vuông. Bà ta có bàn tay nhỏ màu trắng, bàn tay của tuýp người không biết nấu ăn. Trên mặt bà ta có một chỗ mở ra thành cái miệng nhưng lại không có môi; khi bà ta di chuyển, cả thân người lắc lư sang hai bên; tuy thế bà ta lại di chuyển nhanh đến không ngờ. Bước chân của bà ta như thách cả thế giới dám làm hại bà, với cái vẻ nanh nọc như muốn nói rằng bà ta không thích gì hơn là được làm hại, bởi vì thế giới sẽ biết tay bà nếu định làm hại bà, hãy thử xem, hãy cứ thử làm việc đó đi. Wynand biết bà ta chưa từng là nhân viên của tờ Ngọn cờ; bà ta không thể làm được ở đó; bà ta có vẻ không có khả năng học đọc; bước chân của bà ta như muốn nói thêm rằng bà ta cũng chả cần phải biết đọc. Bà đem theo một biểu ngữ: “Chúng tôi yêu cầu…”
Ông nghĩ về những đêm ông ngủ trên đi văng trong tòa nhà Ngọn cờ cũ, trong những năm đầu tiên, bởi vì ông phải dành dụm tiền mua máy in mới và phải tìm cách làm cho tờ Ngọn cờ xuất hiện trên đường phố sớm nhất; và ông nhớ một đêm ông đã ho ra máu và đã từ chối đi khám bệnh, nhưng cuối cùng hóa ra không có gì cả, ông chỉ bị kiệt sức.
Ông đi nhanh vào trong tòa nhà. Những chiếc máy in vẫn đang hoạt động. Ông đứng lại và lắng nghe chúng một lúc.
Ban đêm, tòa nhà rất yên tĩnh. Dường như nó rộng hơn, như thể âm thanh chiêm slấy khoảng không gian và khiến tòa nhà trở nên trống rỗng; có vài dải sáng hắt qua những cánh cửa mở, chiếu dọc theo những hành lang tối mờ. Ở đâu đó có người đang gõ một cái máy chữ, nghe đều đặn như những giọt nước rỉ ra từ vòi. Wynand đi dọc theo hành lang. Ông nghĩ rằng người ta đã từng sẵn lòng làm việc cho ông khi ông ủng hộ những kẻ lừa đảo trong những cuộc bầu cử thành phố, khi ông đánh bóng các khu phố đèn đỏ, khi ông hủy hoại danh tiếng người khác bằng những lời vu khống bỉ ổi trên báo, khi ông khóc thương cùng với mẹ của những tên giết người. Những người giỏi giang và đáng kính đã từng háo hức muốn được làm việc cho ông. Bây giờ là lần đầu tiên ông trung thực trong cả sự nghiệp của mình. Ông đang cầm đầu một chiến dịch vĩ đại nhất của mình – và giúp ông lại là những kẻ chuyên phá hoại đình công, của những kẻ thay việc như thay áo, những tên nát rượu, và những kẻ sống nô dịch ỷ lại đến mức không dám bỏ việc. Ông nghĩ, cũng chẳng thể kết tội những người hiện từ chối làm việc cho ông.