Suối Nguồn (The Fountainhead)

Phần 4 - Chương 13a


Bạn đang đọc Suối Nguồn (The Fountainhead): Phần 4 – Chương 13a


XIII.
Dominique đưa mắt nhìn quanh phòng ngủ của cô trên căn hộ áp mái. Đấy là liên lạc đầu tiên của cô với thế giới xung quanh, sau khi cô tỉnh lại. Cô biết là mình đã được chuyển về đây sau nhiều ngày nằm viện. Căn phòng tràn ngập ánh sáng. Cô nghĩ: cái cảm giác nhận biết mọi thứ rõ ràng như pha lê vẫn còn ở lại, nó sẽ còn ở lại mãi mãi. Cô nhìn thấy Wynand đang đứng bên giường. Ông quan sát cô. Trông ông vui mừng.
Cô nhớ đã nhìn thấy ông ở bệnh viện. Lúc đó trông ông không vui. Cô cũng nhớ là ngay trong đêm đầu tiên nhập viện, bác sĩ đã nói với Wynand rằng cô khó có thể qua khỏi. Lúc đó cô muốn nói với tất cả mọi người rằng cô phải sống, cô chẳng có lựa chọn nào khác ngoài sống, chỉ có điều hình như việc nói ọi người biết cũng chẳng quan trọng gì – chẳng bao giờ còn quan trọng nữa.
Bây giờ thì cô đã quay trở lại với cuộc sống. Cô có thể cảm thấy băng quấn khắp thân thể cô – ở cổ họng, ở hai chân và ở cánh tay trái. Hai bàn tay cô được đặt phía trước mặt cô, trên tấm chăn. Người ta đã tháo gạc và hai tay chỉ còn lại vài vết xước đỏ.
“Em thật là đồ ngốc!” Wynand nói với vẻ sung sướng “Tại sao em lại phải làm việc đó hoàn hảo đến vậy?”
Cô nằm trên giường với bộ tóc vàng mềm mại xõa trên chiếc gối màu trắng, người mặc một bộ đồng phục cao cổ màu trắng của bệnh viện. Trông cô trẻ trung hơn cả lúc cô còn trẻ. Một vẻ rạng rỡ lặng lẽ tỏa trên khuôn mặt cô – cô đã không bao giờ có điều đó kể cả trong thời thơ ấu, nó là sự nhận biết trọn vẹn về sự thanh thản, về sự trong trắng và sự bình yên.
“Xe của em bị hết xăng” cô nói, “em đang ngồi đợi trong xe thì…”
“Anh đã nói thế với cảnh sát và người trực đêm cũng nói điều đó với họ. Nhưng chẳng nhẽ em không biết là phải cẩn thận với kính hay sao?”
Gail trông thư thái – cô nghĩ – và rất tự tin. Sự việc vừa xảy ra đã làm thay đổi mọi thứ với ông ấy – cũng như đối với mình.
“Nó không làm đau em” – cô nói thêm.
“Lần sau nếu em muốn đóng vai kẻ qua đường vô tội thì hãy để anh dạy em trước đã nhé.”
“Nhưng mà họ tin, có đúng không?”
“Phải rồi, họ tin chứ. Họ phải tin. Vì em gần chết cơ mà. Anh chỉ không hiểu là tại sao anh ta phải cứu sống gã trực đêm, trong khi suýt lấy đi mạng sống của em.”
“Ai cơ?”
“Howard, em yêu quý. Howard Roark.”
“Anh ấy thì có dính dáng gì ở đây?”
“Em yêu quý, bây giờ thì cảnh sát chưa hỏi em, nhưng rồi họ sẽ hỏi, và khi đó em phải tỏ ra đáng tin hơn thế này nhiều. Tuy nhiên, anh nghĩ là em sẽ thành công. Họ sẽ không nghĩ tới vụ Stoddard.”
“Ồ.”
“Em đã làm điều đó và em sẽ luôn làm. Dù em nghĩ về con người anh ấy thế nào đi nữa, em vẫn cảm thấy giống hệt như anh về các công trình của anh ấy.”
“Gail, anh mừng vì em đã làm điều đó?”
“Phải.”
Cô thấy ông đang nhìn xuống bàn tay của cô đặt ở mép giường. Sau đó ông quỳ xuống, môi áp vào tay cô, ngón tay ông không nâng, không chạm vào nó, chỉ có miệng là chạm vào. Đó là sự thú nhận duy nhất ông cho phép mình bộc lộ về những gì ông cảm thấy trong những ngày cô nằm viện. Cô nhấc bàn tay còn lại và đặt nó lên tóc ông. Cô nghĩ: mọi chuyện sẽ còn tồi hơn so với việc em chết, Gail, nhưng không sao, nó sẽ không thể làm đau anh được, sẽ không còn có đau đớn trên thế giới, không là gì so với việc chúng ta tồn tại: anh ấy, anh và em – anh đã hiểu tất cả những điều quan trọng nhất, mặc dù anh không biết là anh đã mất em.
Ông ngẩng đầu lên và đứng dậy.
“Anh không có ý trách em đâu. Tha lỗi cho anh.”
“Em sẽ không chết đâu, Gail. Em cảm thấy rất tuyệt vời.”

“Trông em đúng là như vậy.”
“Có phải là họ đã bắt anh ấy?”
“Anh ấy được bảo lãnh tại ngoại.”
“Anh hạnh phúc chứ?”
“Anh mừng vì em đã làm điều đó và đó là vì anh ấy. Anh cũng mừng vì anh ấy đã làm như vậy. Anh ấy phải làm thế.”
“Vâng. Và nó sẽ lại là phiên tòa Stoddard một lần nữa.”
“Không hẳn.”
“Anh đã luôn muốn có một cơ hội nữa, phải không Gail? Trong chừng ấy năm?”
“Đúng vậy.”
“Em đọc báo được không?”
“Không. Em không được đọc cho đến khi khỏi hẳn.”
“Thậm chí không được đọc cả tờ Ngọn cờ!”
“Tờ Ngọn cờ thì càng không.”
“Em yêu anh, Gail. Nếu anh có thể đứng vững đến cùng…”
“Đừng có hối lộ anh. Chuyện này không phải là giữa em với anh. Thậm chí cũng không phải là giữa anh ấy với anh.”
“Mà là giữa anh và Thượng đế?”
“Nếu em muốn gọi nó như thế cũng được. Nhưng chúng ta sẽ không thảo luận về chuyện này, cho đến ngày mọi chuyện xong xuôi đã. Có một người đang đợi em ở dưới. Anh ấy đã ở đây hàng ngày.”
“Ai vậy?”
“Người tình của em Howard Roark. Có muốn để anh ta cảm ơn em vào lúc này không?”
Vẻ chế giễu hài hước của ông, cái giọng ông khi nói ra cái điều phi lý nhất mà ông có thể nghĩ ra mách bảo với cô rằng ông không hề đoán được sự thật. Cô nói:
“Vâng. Em muốn gặp anh ấy. Gail, nếu em quyết định biến anh ấy thành người tình của em?”
“Anh sẽ giết chết cả hai người. Nào, đừng có nhúc nhích, nằm yên, bác sĩ nói rằng em nên thư giãn, em đã có tổng cộng hai mươi sáu mũi khâu trên khắp người.”
*
* *
Khi viên cảnh sát đầu tiên đến hiện trường của vụ nổ, ông ta tìm thấy, ở sau tòa nhà, bên bờ sông, cái pít-tông dùng để châm ngòi cho khối thuốc nổ. Roark đứng bên cạnh cái pít-tông đó, tay đút trong túi áo, mắt nhìn vào khối đổ nát còn sót lại của Cortlandt.

“Này anh kia, anh có biết gì về vụ này không?” viên cảnh sát hỏi.
“Ông nên bắt tôi,” Roark nói. “Tôi sẽ nói tại phiên tòa.”
Anh không nói thêm một từ nào để đáp lại những câu thẩm vấn chính thức liền sau đó.
Chính Wynand đã bảo lãnh cho anh được tại ngoại, vào sáng sớm hôm sau. Wynand đã rất bình tĩnh tại bệnh viện cấp cứu khi ông nhìn thấy những vết thương trên người Dominique, cả vào lúc người ta đã nói với ông rằng Dominique sẽ không qua khỏi. Ông đã rất bình tĩnh khi gọi điện thoại, lôi một viên thẩm phán của hạt ra khỏi phòng ngủ và thu xếp cho Roark tại ngoại. Nhưng khi ông đứng trong phòng giám trại của cái nhà giam bé nhỏ trong hạt thì ông bất thần run người. “Một bọn ngu ngốc khát máu!” Ông rít lên qua kẽ răng và tiếp đó là tất cả những câu chửi bẩn thỉu nhất mà ông đã học được ở bến cảng. Ông quên hết mọi khía cạnh của tình trạng hiện tại, chỉ trừ một thứ: việc Roark đang ở đường sau song sắt. Ông lại là Wynand Kều ở Hell’s Kitchen và đây là kiểu thịnh nộ mà thỉnh thoảng ông vẫn để nổ ra, giống như khi ông phải đứng đằng sau một bức tường gạch đổ vỡ, chờ đợi bị giết chết. Chỉ đến lúc này ông mới nhận ra rằng ông cũng còn là Gail Wynand, ông chủ của một đế chế, và ông không hiểu tại sao người ta cần có những thủ tục luật pháp lằng nhằng đến vậy, tại sao ông không phá tan cái phòng tạm giam này, bằng nắm đấm hoặc những bài báo của ông, tất cả chỉ là một đối với ông trong thời điểm này, ông muốn được giết, ông phải giết, giống như cái đêm đó ở đằng sau bức tường, ông đã phải giết để bảo vệ mạng sống của mình.
Ông đã kiềm chế để ký các loại giấy tờ, đã kiềm chế trong lúc đợi Roark được đưa ra gặp ông. Họ cùng nhau bước ra ngoài, Roark cầm cổ tay ông lôi đi, và khi họ tới xe thì Wynand đã bình tĩnh trở lại. Ở trong xe Wynand hỏi:
“Tất nhiên là anh đã làm việc đó?”
“Tất nhiên.”
“Chúng ta sẽ cùng chiến đấu.”
“Nếu như ông muốn biến nó thành trận chiến của ông.”
“Theo ước tính hiện tại thì tài sản của tôi có khoảng 40 triệu đô la. Như thế là đủ để thuê bất cứ luật sư nào anh muốn, hoặc tất cả ngành luật của cái nước này.”
“Tôi sẽ không sử dụng luật sư.”
“Howard! Anh không định nộp các bức ảnh nữa đấy chứ?”
“Không, lần này thì không.”
*
* *
Roark đi vào phòng ngủ và ngồi xuống một cái ghế ở cạnh giường. Dominique vẫn nằm im, mắt nhìn anh. Họ mỉm cười với nhau. Không cần phải nói gì cả, kể cả lần này – cô nghĩ.
Cô hỏi:
“Anh đã bị giam?”
“Chỉ vài giờ thôi.”
“Nó như thế nào?”
“Đừng có phản ứng giống Gail.”
“Gail phản ứng tệ lắm à?”
“Rất tệ.”
“Em sẽ không như thế.”

“Có thể anh sẽ phải quay lại ở tù trong nhiều năm. Em đã biết điều đó khi em nhận lời giúp anh.”
“Vâng. Em biết.”
“Anh trông chờ vào em để cứu Gail, nếu như anh phải vào tù.”
“Trông chờ vào em?”
Anh nhìn vào cô và lắc đầu. “em yêu…” tiếng anh như thể là lời trách móc.
“Vâng” cô thì thầm.
“Đến giờ em vẫn không biết rằng đó là một cái bẫy anh đặt ra để lừa em sao?”
“Thế nào cơ?”
“Em sẽ làm gì nếu anh đã không nhờ em giúp anh?”
“Em sẽ ở chỗ anh, trong phòng của anh, trong nhà Enright, ngay lúc này, công khai và đàng hoàng.”
“Đúng rồi. Nhưng bây giờ thì em không thể làm được việc đó. Em là bà Gail Wynand, không ai nghi ngờ em cả, và mọi người đều tin rằng em tình cờ có mặt ở hiện trường. Cứ để ọi người nghĩ như vậy về chúng ta – và đó sẽ là bằng chứng anh đã làm việc đó.”
“Em hiểu rồi.”
“Anh muốn em giữ im lặng. Nếu em có ý định muốn chia sẻ gánh nặng này với anh thì hãy từ bỏ đi nhé. Anh sẽ không nói cho em biết anh định làm gì bởi vì đó là cách duy nhất anh có thể kiểm soát được em cho đến phiên tòa. Dominique, nếu anh bị kết án, anh muốn em ở lại với Gail. Anh tin tưởng vào em về chuyện đó, anh muốn em vẫn tiếp tục sống với Gail và không bao giờ nói với ông ấy về chuyện của chúng ta, bởi vì em và ông ấy sẽ cần đến nhau.”
“Còn nếu anh được xử trắng án?”
“Thì…” anh nhìn lướt qua căn phòng, phòng ngủ của Wynand. “Anh không muốn nói điều đó ở đây. Nhưng em biết điều đó.”
“Anh rất yêu quý ông ấy phải không?”
“Đúng thế.”
“Đủ để hy sinh…”
Anh mỉm cười. “Em đã sợ điều đó kể từ lần đầu tiên anh đến đây phải không?”
“Vâng.”
Anh nhìn thẳng vào mắt cô. “Em có nghĩ là điều đó có thể xảy ra không?”
“Không.”
“Không thể, với công việc của anh hoặc là em, Dominique. Không bao giờ. Nhưng anh có thể làm đến mức này vì ông ấy. Anh có thể để em lại cho ông ấy, nếu như anh phải ra đi.”
“Anh sẽ được trắng án.”
“Đó không phải là điều anh muốn nghe em nói.”
“Nếu họ kết tội anh – nếu họ đưa anh vào tù hoặc còng anh lại – nếu họ bôi bẩn tên anh trên những dòng tít báo nhơ nhuốc – nếu họ không cho anh thiết kế một tòa nhà nào nữa – nếu họ không bao giờ cho em được nhìn thấy anh nữa – thì nó cũng chẳng quan trọng. Không quá quan trọng. Chỉ xuống đến một điểm nào đó thôi.”
“Dominique, anh đã chờ nghe em nói điều đó suốt bảy năm qua.” Anh cầm lấy tay cô, anh nâng nó lên và ghé môi hôn, và cô cảm thấy môi anh đặt đúng chỗ mà Wynand đã hôn lúc trước. Sau đó anh đứng dậy.
“Em sẽ chờ,” cô nói. “Em sẽ giữ im lặng. Em sẽ không lại gần anh. Em hứa.”
Anh mỉm cười và gật đầu. Sau đó anh đi.

*
* *
“Chuyện là, vào những tình huống hiếm hoi, các lực lượng to lớn của thế giới mà chúng ta vốn không thể hiểu được lại cùng tụ lại trong một sự việc đơn lẻ, giống như những tia sáng đi qua một cái thấu kính hội tụ sẽ tụ lại thành một điểm sáng chói, để cho tất cả chúng ta cùng nhìn thấy. Đó là vụ phá hoại tòa nhà Cortlandt. Tại đây, trong một thế giới vi mô, chúng ta có thể quan sát được giống ác quỷ đã phá hoại hành tinh tội nghiệp của chúng ta từ ngày nó được sinh ra từ dòng máu vũ trụ. Cái tôi của một người dám chống lại tất cả những khái niệm về tình thương, lòng nhân đạo và tình bằng hữu. Một người dám phá hủy ngôi nhà tương lai của những người nghèo. Một người đẩy hàng ngàn người khác về với sự kinh hoàng của những khu nhà ổ chuột, của sự hôi thối, của bệnh tật và chết chóc. Khi một xã hội – nhờ được giác ngộ và có một quan niệm mới về bổn phận và nhân đạo – đã nỗ lực hết mình để cứu vớt những người thiệt thòi, khi những tài năng lớn nhất của cả xã hội đã tập trung lại để tạo ra một khu nhà ở tử tế cho họ – thì cái tôi của một kẻ khác đã phá tan tành tất cả thành tựu ấy. Và để làm gì cơ chứ? Để thỏa mãn thói hám danh phù phiếm, thỏa mãn thói kiêu ngạo rỗng tuếch nào đó. Tôi thật lấy làm tiếc là luật pháp của chúng ta chỉ dừng lại ở mức phạt tù đối với tội này. Kẻ đó cần phải bị tước bỏ cuộc sống. Xã hội cần có quyền được loại bỏ ra khỏi nó những người như Howard Roark.”
Ellsworth M. Toohey đã viết như vậy trên tờ Những mặt trận mới.
Ông đã nhận được sự đồng tình từ khắp nơi. Vụ nổ của Cortlandt chỉ kéo dài nửa phút. Nhưng cơn thịnh nộ của công chúng thì cứ tiếp diễn, như có một đám mây làm từ thạch cao phủ lên bầu không khí, từ đám mây đó gỉ sắt và rác rưởi rơi xuống như mưa.
Roark đã bị truy tố bởi một bồi thẩm đoàn. Anh đã tuyên bố mình “Vô tội” và đã từ chối phát biểu bất cứ điều gì khác. Anh được thả ra theo một bản cam kết do Gail Wynand sắp đặt, và anh đang đợi phiên tòa.
Có rất nhiều phỏng đoán về động cơ của anh. Có người nói rằng đó là vì lòng đố kỵ nghề nghiệp. Người khác cho rằng có sự tương đồng giữa thiết kế Cortlandt và phong cách của Roark, rằng Keating, Prescott và Webb có thể đã vay mượn một chút từ Roark – “một sự mô phỏng hợp pháp” – “không có quyền sở hữu về ý tưởng” – “trong một xã hội dân chủ, nghệ thuận thuộc về nhân dân” – và rằng Roark đã bị kích động bới cái máu trả đũa của giới nghệ sĩ khi anh tin rằng người ta đã đánh cắp ý tưởng của anh.
Chẳng có lời giải thích nào rõ ràng, nhưng cũng chẳng ai để ý nhiều đến động cơ. Vấn đề rất đơn giải: một người chống lại nhiều người. Roark không có quyền có cả động cơ.
Một tòa nhà, được xây vì mục đích từ thiện, làm chỗ ở cho người nghèo. Tòa nhà ấy được xây dựng trên mười nghìn năm, ở đó loài người luôn được dạy dỗ rằng từ thiện và hy sinh bản thân là những khái niệm tuyệt đối không được phép nghi ngờ, đó là thước đo của phẩm giá, là lý tưởng cuối cùng. Mười ngàn năm những tiếng nói về phục vụ và hy sinh – hy sinh là nguyên tắc quan trọng nhất của cuộc sống – phục vụ và được phục vụ – tiêu diệt hay bị tiêu diệt – hy sinh là cao quý – hãy làm những gì bạn có thể, ở đầu này hoặc đầu kia – phục vụ và hy sinh – phục vụ và phục vụ và phục vụ…
Chống lại những điều ấy – là một người không muốn phục vụ mà cũng không muốn cai trị. Và vì thế người ấy đã mắc một tội lỗi không thể tha thứ được.
Đó là một vụ xì-căng-đan giật gân, và đi kèm với nó, như thường lệ, là những ồn ào và phẫn nộ chính đáng – giống như sự chính đáng của những lễ hành hình ném đá trong lịch sử loài người. nhưng hơn thế nữa, còn có cái gì đó dữ dội và rất riêng tư trong sự căm phẫn của mỗi người thể hiện khi bàn tán về chuyện này.
“Anh ta chỉ là một kẻ cực kỳ ích kỷ, hoàn toàn không có ý niệm đạo đức nào.”
– đó là lời nói của một quý bà giàu có đang mặc đồ để đi đến một hội chợ từ thiện. Bà ta không dám nghĩ xem, nếu như làm từ thiện không còn là một thứ đức hạnh có thể biện minh ọi thứ khác, thì bà ta còn cách nào khác để bộc lộ bản thân mình, và khi ấy làm thế nào để bà ta có thể khoe khoang với bạn bè về bản thân.
– đó là lời nói của một nhà văn, một người sẽ không biết viết gì nếu như bỏ đi chủ đề về sự phục vụ và lòng hy sinh, một kẻ thổn thức trước hàng nghìn người rằng anh ta yêu họ, rất yêu họ và xin họ làm ơn hãy yêu anh ta dù chỉ là một chút ít.
– đó là lời nói của một nhà báo, một người vừa mua một biệt thự ở ngoại ô nhờ vào những bài viết vỗ về những người thấp cổ bé họng.
– đó là lời nói của tất cả những người thấp cổ bé họng, những người muốn được nghe nói về tình yêu, tình yêu vĩ đại, tình yêu dễ dãi, tình yêu mà có thể bao bọc được mọi thứ, tha thứ tất cả và cho phép tất cả.
– đó là lời nói của một kẻ sống thứ sinh, một người không thể tồn tại được trừ khi làm một con đỉa hút linh hồn người khác.
Ellsworth Toohey ngồi thoải mái, quan sát, lắng nghe và mỉm cười.
Gordon L. Prescott và Gus Webb liên tục được mời đến dự các bữa tối và các buổi tiệc cocktail; họ được đối xử với một sự quan tâm nhẹ nhàng, hơi tò mò, như những kẻ sống sót sau một thảm họa. Họ nói họ không thể hiểu được động cơ nào khiến cho Roark làm điều đó, và họ đòi phải có công lý.
Peter Keating không đi đâu cả. Anh từ chối gặp gỡ báo chí. Anh từ chối gặp bất cứ ai. Nhưng anh đã viết một bản tuyên bố rằng anh tin Roark vô tội. Nó có một câu khá lạ, câu cuối cùng. Câu đó nói: “Hãy để cho anh ấy yên thân, làm ơn, các người không thể để cho anh ấy yên được sao?”
Những người biểu tình thuộc Hiệp hội những người xây dựng Hoa Kỳ diễu qua diễu lại trước tòa nhà Cord. Nhưng điều ấy chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì hiện công ty của Roark đã ngừng làm việc. Tất cả những dự án sắp được triển khai của anh đều đã bị hủy bỏ.
Đây là tinh thần đoàn kết. Những cô diễn viên mới vào nghề đang ngồi làm móng chân – những bà vợ đang mua cà-rốt từ một hàng rong – những người thủ thư từng muốn trở thành một nghệ sĩ Piano nhưng đã từ bỏ với lý do phải kiếm sống nuôi em gái mình – những người công nhân ghét công việc – những người trí thức ghét tất cả mọi người – tất cả đều đoàn kết lại như anh em một nhà vì họ có chung một cơn giận dữ. Cơn giận ấy có thể giải tỏa được những buồn chán của họ, giải phóng họ ra khỏi bản thân, và họ biết được giải phóng khỏi bản thân thật là một ơn phước lớn. Tất cả bạn đọc đều nhất trí đồng lòng. Báo chí cũng vậy.
Gail Wynand chống lại dòng thác đó.
“Gail” Alvah Scarret đã há hốc miệng. “Chúng ta không thể bảo vệ một kẻ phá nhà bằng thuốc nổ!”
“Đừng nói nữa, Alvah,” Wynand đã nói, “trước khi tôi đấm gãy răng của anh.”
Gail Wynand đứng ở giữa phòng làm việc, đầu ông ngửa ra phía sau, ông mừng vì ông đang sống, giống như ông đã cảm thấy thế khi đứng ở bến cảng trong đêm tối, nhìn về ánh đèn của thành phố.
“Trong những tiếng gào thét hỗn loạn đang bao trùm lên chúng ta” – một bài xã luận của tờ Ngọn Cờ, ký tên “Gail Wynand”, đã viết với chữ phóng to – “dường như không có ai nhớ rằng Howard Roark đã tự nguyện nộp mình cho nhà chức trách. Nếu chính anh ta làm nổ tòa nhà đó – thì anh ấy có cần phải ở lại hiện trường để bị bắt không? Thế mà chúng ta đã không đợi để biết lý do của anh ấy. Chúng ta đã kết tội Roark mà không cần nghe bào chữa. Chúng ta muốn anh ta mắc tội. Chúng ta sung sướng vì có vụ án này. Những gì các bạn đã nghe không phải là sự phẫn nộ – đó là sự hả hê. Bất cứ một kẻ vô học nào, bất cứ một kẻ vô đạo đức phạm tội giết người nào cũng đều nhận được một chút thương cảm từ chúng ta, thậm chí được cả một đội quân những người bảo vệ nhân quyền ủng hộ. Nhưng một thiên tài lại luôn bị mặc định là có tội. Chúng ta luôn mặc nhiên cho rằng việc kết án một người chỉ vì người đó yếu đuối và bé nhỏ là bất công. Như vậy, một xã hội đã xuống cấp đến mức nào khi nó kết án một người chỉ vì người đó mạnh mẽ và vĩ đại? Thế nhưng đó lại là cả cái bầu không khí đạo đức trong thời đại chúng ta – thời đại của những kẻ đạo đức giả.”
“Chúng ta đã được nghe người ta gào lên,” một bài xã luận khác của Wynand viết “rằng Howard Roark đã dành cả sự nghiệp của anh ta để đi vào các phiên tòa. Điều đó rất đúng. Một người như Roark sinh ra là để suốt đời đứng trước phiên tòa xét xử của cả xã hội. Nhưng ai được quyền kết tội ai đây – Roark hay là xã hội này?”
“Chúng ta chưa từng cố gắng hiểu điều gì tạo nên sự vĩ đại ở con người và làm thế nào để nhận ra sự vĩ đại đó” lại một bài xã luận nữa của Wynand. “Chúng ta thường cho rằng – và đây là một kiểu nhận thức hết sức cải lương – sự vĩ đại được đo bởi mức độ hy sinh bản thân. Chúng ta nhai đi nhai lại rằng hy sinh bản thân là phẩm chất cao quý nhất. Hãy dừng lại một giây và suy nghĩ xem. Có thật hy sinh là một phẩm chất cao quý? Liệu một người có thể hy sinh sự chính trực của anh ta? Danh dự của anh ta? Tự do của anh ta? Lý tưởng của anh ta? Niềm tin của anh ta? Sự trung thực trong cảm giác của anh ta? Khả năng tư duy độc lập của anh ta? Những thứ này là những tài sản quý giá nhất của một con người. Bất cứ cái gì anh ta phải từ bỏ để giữ lại được chúng đều không phải là hy sinh, mà chỉ đơn giản là một thỏa hiệp dễ dãi. Những thứ này nằm bên trên phạm vi những thứ có thể hy sinh, dù vì bất cứ sự nghiệp nào hay lý do nào. Như vậy, có lẽ chúng ta nên chấm dứt việc rao giảng những lý thuyết độc ác và nguy hiểm. Hy sinh bản thân ư? Nhưng chính bản thân lại là thứ không thể và không được phép hy sinh. Chính cái tôi-không-chịu-hy-sinh này là thứ mà chúng ta cần phải kính trọng nhất ở một con người.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.