Suối Nguồn (The Fountainhead)

Phần 4 - Chương 11b


Bạn đang đọc Suối Nguồn (The Fountainhead): Phần 4 – Chương 11b

“Có chuyện gì vậy? Sao giọng anh lại như thế?”
“Tôi xin lỗi. Hãy tha lỗi cho tôi. Chỉ là tôi đang nghĩ tới một điều. Tôi đã nghĩ về nó khá lâu rồi. Nhất là khi ông bắt tôi nằm trên boong thuyền và lười biếng suốt những ngày qua.”
“Nghĩ về tôi?”
“Về ông, và về nhiều điều khác.”
“Anh đã kết luận như thế nào?”
“Tôi không phải là một kẻ vị tha, Gail. Tôi không kết luận hộ người khác.”
“Anh không phải lo lắng vì tôi đâu. Tôi đã bán đứng bản thân tôi, nhưng tôi không hề ảo tưởng về điều đó. Tôi chưa bao giờ biến thành Alvah Scarret. Anh ta thực sự tin vào bất cứ những gì công chúng tin. Tôi thì coi thường công chúng. Đó là sự bào chữa duy nhất của tôi. Tôi đã bán đi cuộc sống của tôi, nhưng tôi bán được với giá hời. Đó là quyền lực. Tôi chưa bao giờ sử dụng nó. Tôi đã không cho phép mình được có bất cứ ham muốn cá nhân nào. Nhưng bây giờ tôi tự do. Tôi có thể sử dụng quyền lực đó cho những gì tôi muốn. Cho những gì tôi tin. Cho Dominique. Cho anh.”

Roark quay mặt đi. Khi anh quay lại về phía Wynand, anh chỉ nói ngắn gọn:
“Tôi hy vọng thế, Gail.”
“Vậy anh đã nghĩ về cái gì trong suốt mấy tuần vừa qua?”
“Cái nguyên tắc của ông Trường khoa, người đã đuổi tôi khỏi trường Stanton ngày trước.”
“Nguyên tắc gì?”
“Đó là thứ đang hủy hoại thế giới này. Đó cũng là điều mà ông vừa nói. Sự không vị kỷ thực sự.”
“Có phải cái lý tưởng mà người ta cho là không tồn tại?”

“Họ đã nhầm. Lý tưởng đó có tồn tại – mặc dù không theo cách mà họ nghĩ. Đó là điều mà trong suốt một thời gian dài tôi không thể hiểu được về con người. Họ không có cái tôi. Họ sống trong những người khác. Họ sống cuộc sống thứ sinh[147]. Hãy nhìn vào Peter Keating xem.”
“Anh đi mà nhìn. Tôi ghét bộ dạng của anh ta.”
“Tôi đã nghĩ về Keating – về những gì còn lại của anh ta – và nó đã giúp tôi hiểu ra. Anh ta đang phải trả giá và anh ta băn khoăn không hiểu anh ta phải trả giá vì tội lỗi gì; anh ta tự nhủ hẳn là vì anh ta đã sống vì bản thân mình quá nhiều. Nhưng liệu có hành động hoặc suy nghĩ nào của anh ta lại tồn tại cái “bản thân” đó không? Mục đích của anh ta trong cuộc sống là gì? Sự vĩ đại – dưới con mắt của những người khác. Là danh vọng, sự ngưỡng mộ và đố kỵ – tất cả đều đến từ những người khác. Chính những người khác đã khống chế niềm tin của anh ta, một niềm tin mà Keating chưa bao giờ có, nhưng anh ta thỏa mãn vì mọi người tin rằng anh ta có niềm tin như thế. Những người khác chính là động cơ, là mối quan tâm chính của anh ta. Anh ta không muốn trở thành vĩ đại, mà chỉ muốn được mọi người cho là vĩ đại. Anh ta không muốn tự xây dựng mà chỉ muốn được ngưỡng mộ như một người xây dựng. Anh ta vay mượn của người này để tạo ấn tượng với người kia. Đó chính là sự không vị kỷ đích thực nhất mà ông vừa nói. Anh ta đã phản bội và từ bỏ chính cái tôi của mình. Và mọi người vẫn gọi anh ta là kẻ ích kỷ.”
“Đó cũng là cái cách nghĩ của hầu hết mọi người.”
“Vâng! Và đó không phải là nguồn gốc của mọi hành động đê tiện hay sao? Không phải sự ích kỷ, mà chính xác là sự vắng mặt của cái “kỷ” đó. Hãy nhìn vào họ. Kẻ luôn lừa dối nhưng vẫn giữ được vẻ bề ngoài đáng kính trọng. Anh ta tự biết rằng mình không trung thực, nhưng người khác lại nghĩ là anh ta trung thực và điều đó đem lại cho anh ta lòng tự trọng – một thứ tự trọng thứ sinh. Kẻ luôn nhận những thành tựu không phải của mình. Anh ta biết rằng anh ta chỉ là một kẻ tầm thường, nhưng anh ta lại thật vĩ đại trong mắt của mọi người. Một kẻ hèn hạ bày tỏ tình thương đối với những người còn nghèo kém hơn, và bám chặt lấy họ để tự tạo ình một chỗ đứng cao hơn trong phép so sánh đó. Còn đối với những người mà mục đích duy nhất là kiếm tiền. Nào, tôi không thấy có gì xấu xa trong khát vọng kiếm tiền cả. Nhưng tiền chỉ là một phương tiện để đi đến một cái đích. Nếu một người cần tiền cho những mục đích riêng của họ – để đầu tư cho công việc, để sáng tạo, để học tập, để đi du lịch, để hưởng thụ cuộc sống giàu có – thì người đó hoàn toàn có đạo đức. Nhưng những người đặt đồng tiền lên trên hết thường đi xa hơn thế nhiều. Cuộc sống xa hoa chỉ là một phần thôi. Điều họ muốn là sự phô trương: họ muốn khoe khoang, muốn làm kinh ngạc, muốn giải trí, và muốn tạo ấn tượng ọi người. Họ chỉ là những người sống thứ sinh. Hãy nhìn vào cái gọi là những thành tựu văn hóa của chúng ta. Một diễn giả phun ra những thứ chắp vá, vay mượn và vô nghĩa đối với ông ta – và những người đang nghe ông ta nói cũng chẳng coi những thứ ấy ra gì nhưng họ vẫn ngồi đó chỉ để có thể khoe với bạn bè rằng họ đã dự một bài giảng của một người nổi tiếng. Tất cả bọn họ đều là những người sống thứ sinh mà thôi.”
“Nếu tôi là Ellsworth Toohey, tôi sẽ nói: Như thế chẳng hóa ra anh đang lập luận chống lại sự ích kỷ à? Chẳng phải là tất cả bọn họ đều ứng xử dựa trên động cơ ích kỷ của họ sao – đó là để được chú ý, được yêu thích và được ngưỡng mộ?”
” – bởi những người khác. Và họ làm thế với cái giá là hy sinh sự tự tôn của chính họ. Và hy sinh ở những chỗ quan trọng nhất – ở các giá trị, ở khả năng đánh giá, ở tinh thần và tư duy – họ đều đặt những người khác lên trên bản thân họ, theo đúng cái cách mà sự không ích kỷ đòi hỏi. Một kẻ thực sự ích kỷ sẽ không bao giờ để sự chấp thuận của người khác ảnh hưởng tới mình. Anh ta không cần điều đó.”

“Tôi nghĩ là Toohey hiểu được điều này. Đó chính là cái cách giúp cho ông ta tuyên truyền được những ý tưởng nhảm nhí của mình. Toàn là yếu kém và hèn nhát. Chạy theo người khác thì quá dễ. Còn đứng độc lập một mình lại không dễ chút nào. Anh có thể đóng vai đạo đức giả trước một đám khán giả. Nhưng anh không thể tự lừa dối mình được. Cái tôi của anh chính là viên thẩm phán nghiêm khắc nhất. Nhưng họ thì chạy trốn khỏi cái tôi. Họ sống cả một đời lúc nào cũng chạy trốn. Họ đóng góp vài nghìn cho quĩ từ thiện và do vậy nghĩ mình cũng cao quý – thực ra việc đó quá dễ so với việc đánh giá lòng tự trọng dựa trên những tiêu chuẩn riêng về những thành tựu của cá nhân mình. Người ta có thể đi tìm những vật thế chỗ cho năng lực làm việc – toàn những vật thế chỗ dễ dãi: nào là tình yêu, sự quyến rũ, lòng tốt và công việc từ thiện. Nhưng không có cái gì có thể thực sự thay thế được cho năng lực.”
“Đó chính là điểm nguy hiểm nhất ở những kẻ sống thứ sinh. Họ không quan tâm đến các sự kiện, ý tưởng và công việc. Họ chỉ để ý đến mọi người. Họ không hỏi: Cái này có đúng không? Mà họ hỏi: Cái này có phải là cái mà mọi người cho là đúng? Họ không phán xét, mà chỉ lặp lại. Không lao động, mà chỉ ra vẻ lao động. Không sáng tạo, mà chỉ khoe khoang. Không có khả năng, mà chỉ có quan hệ. Không có phẩm chất, mà chỉ có thế lực. Thế giới sẽ ra sao nếu thiếu những người có thể làm việc, nghĩ, lao động và sản xuất ra của cải vật chất? Họ chính là những người sống vì bản thân. Anh không nghĩ bằng bộ óc của người khác, và anh không lao động bằng đôi tay của kẻ hác. Khi anh ngừng khả năng phán xét độc lập, cũng là lúc anh ngừng nhận thức. Ngừng nhận thức cũng có nghĩa là ngừng sống. Những kẻ sống thứ sinh thì không biết thế nào là thực tại. Thực tại không ở bên trong con người họ, mà ở đâu đó trong cái khoảng không ngăn cách cơ thể người này với cơ thể khác. Thực tại không phải là một thực thể, mà là một quan hệ – và không được neo chắc vào bất cứ cái gì. Đó chính là sự trống rỗng mà tôi không thể hiểu nổi. Đó cũng là cái đã khiến cho tôi dừng lại mỗi khi tôi phải đối mặt với một hội đồng. Toàn những người không có cái tôi. Những ý kiến được phát biểu mà không trải qua quá trình suy nghĩ. Những chuyển động không có phanh hoặc không có động cơ. Những quyền lực không đi đôi với trách nhiệm. Những kẻ sống thứ sinh đó cũng hành động, nhưng động cơ của những hành động đó thì nằm rải rác ở tất cả mọi người. Nó có ở tất cả mọi nơi và không ở nơi nào cả, và anh không thể nào nói chuyện lý lẽ với những kẻ đó. Họ không chấp nhận lý lẽ. Anh không thể tranh luận với họ, và họ không thể nghe thấy gì cả. Anh bị đấu tố bởi một bồi thẩm đoàn vô hình. Một đám đông mù quáng đang chạy như điên và nghiến nát anh mà không có lý do hay mục đích gì. Steve Mallory đã không thể định nghĩa được con quái vật này, nhưng anh ấy biết. Đấy chính là con quái vật râu xanh mà anh ấy sợ. Những kẻ sống thứ sinh.”
“Tôi nghĩ những người thứ sinh theo định nghĩa của anh biết điều này, mặc dù bọn họ cố gắng không thừa nhận với bản thân. Thử để ý việc họ có thể chấp nhận mọi thứ trừ một người dám đứng độc lập. Họ sẽ ngay lập tức nhận ra anh ta. Nhờ bản năng. Họ có một lòng căm ghét đặc biệt, âm thầm đối với người đó. Họ có thể tha thứ cho bọn tội phạm. Họ ngưỡng mộ những kẻ độc tài. Tội phạm và bạo lực luôn đi đôi với nhau. Một dạng phụ thuộc lẫn nhau. Họ cần có những ràng buộc kiểu như thế. Họ cần phải áp đặt cái tính cách ti tiện nhỏ nhen của bản thân lên tất cả những người mà họ gặp. Trong khi đó, con người độc lập kia sẽ hủy diệt họ – bởi vì họ không tồn tại ở bên trong anh ta; mà tồn tại trong người khác lại là cách tồn tại duy nhất mà họ biết. Hãy để ý tới sự phẫn nộ đầy ác ý của họ nhằm chống lại bất cứ ý tưởng độc lập nào. Hãy để ý tới những đối xử ác độc của họ nhằm vào một người sống độc lập. Hãy nhìn lại cuộc đời anh xem, Howard, và nhìn vào những người mà anh đã gặp. Họ biết đấy. Họ sợ hãi. Anh là nỗi nhục của họ.”
“Đó là bởi vì bên trong họ vẫn còn một chút phẩm giá. Họ vẫn là người. Nhưng họ được dạy cách đi tìm bản thân họ trong những người khác. Nhưng không ai có thể đạt tới sự khiêm tốn tuyệt đối mà lại không trải qua sự tự tin. Bởi vì nếu như thế thì nhưng đó không thể tồn tại được. Do vậy, sau hàng thế kỷ bị nhồi nhét với cái lý thuyết coi việc sống vì người khác là thứ lý tưởng tối cao, loài người đã chấp nhận nó theo một cách duy nhất có thể. Đó là bằng cách tìm kiếm lòng tự trọng qua người khác. Bằng cách sống cuộc đời thứ sinh. Và điều đó đã mở đường cho đủ thứ rùng rợn khác. Nó đã trở thành một biến dạng khủng khiếp nhất của tính ích kỷ mà ngay cả một người thực sự ích kỷ cũng không thể hiểu nổi. Và giờ đây, để cứu rỗi một thế giới đang bị diệt vong vì cái chủ nghĩa sống vì người khác, người ta lại đòi hỏi chúng ta bỏ đi cái tôi của mình. Hãy nghe về những điều luôn được rao giảng ngày nay. Hãy nhìn vào tất cả mọi người ở xung quanh chúng ta. Anh sẽ tự hỏi tại sao họ phải khổ đau như vậy, tại sao họ cứ đi tìm hạnh phúc và không bao giờ tìm thấy nó. Nếu ai cũng dừng lại và tự hỏi bản thân rằng liệu anh ta đã từng có một khát vọng nào thực sự là của riêng mình thì người đó sẽ tìm được câu trả lời. Anh ta sẽ thấy rằng tất cả những mong ước, những nỗ lực, những giấc mơ và tham vọng của anh ta đều do những người khác tạo nên. Anh ta thậm chí không hề vật lộn để có được sự giàu có vật chất, mà anh ta vật lộn vì một thứ ảo ảnh của kẻ sống thứ sinh – đó là danh vọng. Anh ta vật lộn để có con dấu chấp thuận của người khác, chứ không phải của chính anh ta. Anh ta không thể tìm được niềm vui trong sự vật lộn đó, và cũng không có niềm vui khi anh ta thành công. Anh ta không thể nói như thế này về bất cứ điều gì: Đây là cái tôi muốn bởi vì Tôi muốn nó, chứ không phải là vì nó khiến cho những người xung quanh há hốc miệng nhìn tôi. Thế mà anh ta vẫn băn khoăn tại sao anh ta không hạnh phúc. Mọi dạng thức của hạnh phúc đều có tính cá nhân. Những khoảnh khắc lớn nhất của mỗi chúng ta đều là khoảnh khắc riêng tư, đều là tự giác, và không thể để kẻ khác chạm vào. Những gì quý giá và thiêng liêng chính là những thứ mà chúng ta không muốn chung chạ với ai. Nhưng bây giờ chúng ta lại được dạy phải ném tất cả những gì ta có ra chỗ công khai ọi người mổ xẻ. Chúng ta được dạy phải đi tìm niềm vui ở những tiền sảnh đông người. Ý tôi là chúng ta không có dù chỉ là một từ để đặt tên cho trạng thái tự-thấy-tràn-đầy, tự-thỏa-mãn trong đời sống tinh thần của con người. Khó có thể gọi nó là sự ích kỷ hay sự vị kỷ – những từ này đã bị bóp méo rồi, chúng được dùng để miêu tả Peter Keating. Gail, tôi nghĩ rằng điều xấu xa lớn nhất trên quả đất này chính là việc đặt mối quan tâm cơ bản nhất của mình vào người khác. Tôi đã luôn luôn đòi hỏi những người tôi thích phải có một phẩm chất nhất định. Tôi đã luôn nhận ra nó ngay lập tức – và đó là phẩm chất duy nhất mà tôi trân trọng ở con người. Tôi chọn bạn bè theo cách đó. Và bây giờ tôi đã biết đó là gì. Một cái tôi tự thỏa mãn[148]. Tất cả những thứ khác đều không quan trọng.”
“Tôi mừng là anh thú nhận anh có bạn bè.”
“Thậm chí tôi còn thú nhận là tôi yêu quý họ. Nhưng tôi không thể yêu họ nếu họ là mục đích sống cơ bản nhất của tôi. Ông có để ý thấy Peter Keating không còn sót lại một người bạn nào không? Ông có biết tại sao không? Nếu một người không thể tôn trọng bản thân mình thì người đó không thể yêu hay tôn trọng người khác được.”
“Quỷ tha ma bắt cái gã Peter Keating đó đi. Tôi đang nghĩ về anh – và bạn bè của anh.”
Roark mỉm cười.

“Gail, nếu chiếc thuyền này chìm thì tôi sẵn sàng hy sinh đời tôi để cứu ông. Không phải vì đó là bổn phận. Chỉ bởi vì tôi thích ông, theo những lý do và tiêu chuẩn của riêng tôi. Tôi có thể chết vì ông. Nhưng tôi không thể và cũng không bao giờ sống vì ông được.”
“Howard, những lý do và tiêu chuẩn nào vậy?”
Roark nhìn Wynand và nhận ra rằng anh đã nói tất cả những gì mà anh đã cố không nói với ông. Anh trả lời:
“Đó là vì ông không sinh ra để sống như một kẻ thứ sinh.”
Wynand mỉm cười. Ông nghe thấy câu đó – và không gì nữa.
Sau đó, khi Wynand quay trở lại cabin, Roark vẫn ở lại một mình trên boong thuyền. Anh đứng tựa vào lan can nhìn ra biển nhưng không tập trung vào một cái gì cả.
Anh nghĩ: Ta còn chưa nói với ông ấy biết về loại người sống thứ sinh tồi tệ nhất trên đời – đó là những kẻ chạy theo quyền lực.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.