Đọc truyện Song Nữ Hiệp Hồng Y – Chương 29: Ba lọ thuốc
Thanh Lam đã nhận ra đó là bút tích của Hắc Ma Lạt trên đó viết rằng:
“Sang bờ bên kia”.
Chàng mừng rỡ khôn tả nhìn sang phía bờ bên kia.
Thì ra bên cạnh thác nước có một mỏm núi nhô ra cao chừng tám chín trượng,
trên đó mọc đầy rêu, chàng liền cõng Liễu Kỳ, nhảy luôn sang bên đó, rồi cứ theo mỏm núi ấy mà leo lên phía trên, khi lên tới trên đỉnh núi Liễu Kỳ kinh hãi kêu “ủa” một tiếng rồi nói:
– Lam đại ca, đây là
Bát Phú Lãnh, qua nơi đây là Bàn Tú Sơn trước kia em đã theo sư phụ tới
qua nơi đây rồi. Còn ở trên núi đó hái rất nhiều thuốc, chúng ta muốn ra khỏi khu núi này thì phải đi về phía Nam.
Thanh Lam nghe lời
nàng tiến thẳng về phía Nam đi được hai ba dặm đường thì quả thấy đằng
xa có làng mạc. Hai người mừng rỡ khôn tả đang định đi xuống dưới núi
thì đột nhiên nghe thấy có tiếng cười ha hả ở trong rừng chạy ra tiếp
theo đó có hai cái bóng đen phi tới và nói:
– Anh em chúng ta tìm kiếm quanh đây hàng trăm dặm mà không thấy đâu hết, không ngờ ngươi lại núp ở nơi đây.
Thanh Lam nghe nói lùi về phía sau một bước định thần nhìn kỹ mới hay hai
người đó là Yến Sơn Song Kiệt, một tả một hữu cứ nhìn mình cười hoài.
Liễu Kỳ thấy vậy lo âu vô cùng vội rỉ tai Thanh Lam:
– Lam đại ca, hai người này không phải là người tử tế đâu mà võ công lại cao siêu chúng ta nên chạy đi thôi.
Dù Liễu Kỳ nói rất khẽ nhưng Yến Sơn Song Kiệt đều nghe thấy hết.
Khương Nhân tít mắt lại cười ha hả và nói:
– Cô nương này nói không sai, nhưng bây giờ anh em chúng ta đã tìm thấy rồi hai người muốn chạy cũng không kịp nữa.
Thanh Lam không thèm đếm xỉa tới cứ quay đầu lại hỏi Liễu Kỳ rằng:
– Kỳ muội không việc gì chứ? Ngu huynh đang định kiếm hai tên giặc này thanh toán đây.
Nói tới đó, chàng bỗng trợn ngược đôi lông mày lên quát lớn:
– Yến Sơn Song Kiệt hãy nghe ta nói đây, tại sao các ngươi dám dùng bừa
Tuyệt Tình châm ném bừa người ta như thế, tiểu sinh đang định kiếm các
ngươi…
Khương Nghĩa không đợi chàng nói dứt đã cười nhạt nói:
– Khương Nhân, Khương Nghĩa bôn nam tẩu bắc bấy nhiêu lâu nay buôn bán
những cái gì, không ngờ cường đạo lại gặp phải giặc con, tiểu tử ngươi
là người của môn phái nào? Mà ngươi lại dám lấy trộm của cải của Yến Sơn Song Kiệt này, đã thế ngươi lại còn nói muốn kiếm anh em chúng ta nữa.
Hì, có lẽ ngươi không muốn sống nữa chăng?
Khương Nhân cũng cười hí hí xen lời nói:
– Lão nhị đừng có làm vỡ mật thằng nhỏ này như thế, dù sao chúng ta cũng chỉ cần làm ăn buôn bán thôi, nếu có ngoan ngoãn trả lại những vật đã
lấy cho anh em chúng ta thì chúng ta cũng nên tha chết cho nó.
Thanh Lam nghe thấy anh em y nói mới vỡ nhẽ thì ra chúng đi khắp nơi tìm kiếm mình là vì những đồ ở trong người chúng đã bị Hắc đại hiệp lấy hết, có
lẽ lúc bấy giờ Hắc đại hiệp đang giả dạng ta cũng chưa chừng.
Chàng nghĩ như thế liền tủm tỉm cười đáp:
– Phải những vật ở trên người các ngươi tuy không phải tiểu sinh lấy
nhưng ngoài đôi vòng ngọc đã gửi trả thất chủ rồi còn những cái khác thì hiện đang ở trong người của tiểu sinh.
Khương Nghĩa vừa cười vừa gật đầu nói tiếp:
– Không sao, không sao, đôi vòng ngọc chúng ta sẽ tự đi lấy, còn cái hộp vải trắng và ba lọ thuốc thì phải trao trả ngay cho anh em chúng ta.
Thanh Lam cười khì một hồi rồi hỏi lại:
– Tiểu sinh hãy hỏi các người, cô em gái này với các người không thù
không oán gì hết, tại sao các người lại dùng Tuyệt Tình châm hạ độc thủ
như thế? Ngày hôm nay gặp gỡ quí hồ các ngươi mang những độc châm ở
trong người ra đây hủy hết trước mặt tiểu sinh và cam kết từ giờ trở đi
không sử dụng nữa và đồng thời bảo cho tiểu sinh cách sử dụng ba lọ
thuốc độc này thì tiểu sinh tha cho hai người đi ngay. Bằng không …
Khương Nhân nghe nói biến sắc mặt, nhưng chỉ trong nháy mắt lại bình tĩnh như thường liền cười tít hỏi lại:
– Bằng không thì sao?
Thanh Lam mỉm cười đáp:
– Bằng không tiểu sinh sẽ có cách trừng trị.
Khương Nhân rụt đầu rụt cổ cười nhạt mấy tiếng và xen lời nói:
– Lý thú đấy! Lý thú đấy, từ khi anh em mỗ ra đời tới giờ có thể nói là
chưa gặp một người nào ngông cuồng như thằng nhỏ này dám táo gan vuốt
râu cọp như vậy. Hì … hì … tiểu tử tên ngươi là chi, chẳng lẽ sư
trưởng của ngươi chưa nói cho ngươi biết Yến Sơn Song Kiệt này hay sao?
“Bộp” Khương Nghĩa bỏ cái túi tiền ra rồi trầm giọng nói:
– Lão đại đừng có nói lôi thôi với tiểu tử này làm chi cho mất hết thì
giờ, có lẽ tiểu tử này không trông thấy quan tài thì không bao giờ ứa
mước mắt đâu, hãy để cho nó nếm mùi cái túi tiền của đệ như thế nào
trước đã.
Thanh Lam lui về phía sau một bước đặt Liễu Kỳ ngồi
xuống một tảng đá lớn rồi từ từ tiến tới trước mặt Yến Sơn Song Kiệt
liếc nhìn chúng một cái, và trầm giọng hỏi:
– Một vị lên đấu với tiểu sinh, hay là cả hai vị cùng lên? Xin tùy ý!
Khương Nhân quả thực không hổ thẹn là người đã lăn lôn giang hồ lâu năm kinh
nghiệm phong phú, y thấy Thanh Lam ung dung như vậy nhất là đôi mắt sáng như điện, liền rùng mình kinh hãi bụng bảo dạ rằng:
“Chắc thiếu niên này là một nội gia cao thủ, nên mới dám nói đường hoàng như thế và bước đi lại vững trãi như vậy.”.
Nghĩ đoạn, y liền trù chừ giây lát rồi thay đổi giọng nói, đáp:
– Anh em tại hạ vốn là người buôn bán xưa nay, không có thù hiềm gì với
các môn phái, xin công tử cho biết môn phái trước để khỏi mất hòa khí.
Hai lần Thanh Lam đã mục kích Song Kiệt nhân lúc người ta không chuẩn bị sử dụng tuyệt tình châm ra tay ác độc khôn tả. Lúc này gặp gỡ khi nào
chàng lại chịu để yên cho chúng? Chàng đứng nghiêm, kiếm đeo ở ngang
lưng nhưng chưa rút ra khỏi bao, vẻ mặt lạnh lùng lớn tiếng đáp:
– Sư môn của tiểu sinh quyết không liên can gì với những bọn trộm cắp hạ môn, điều này xin hai vị cứ yên tâm.
Hiện giờ chàng cũng nhận được nhiều kinh nghiệm giang hồ rồi, huống hồ chàng lại định tâm chọc tức anh em Song Kiệt.
Quả nhiên chàng vừa nói xong thì Khương Nhân đã ngửng mặt lên trời cười như điên như khùng, đủ thấy y đã tức bực khôn tả. Y liền vén cái áo lông
lên lấy cái bàn tính sắt ra cầm ở trong tay rồi quát lớn:
– Tiểu tử, mau rút khí giới ra! Hai món khí giới sắt của anh em chúng ta không bao giờ đả thương người tay không đâu!
Thanh Lam cười khì một tiếng đáp:
– Các người ra tay đi! Thất Tinh kiếm của tiểu sinh ra tay một cái là
hai đống sắt gỉ của các ngươi không còn múa may được nữa đâu!
– Tiểu tử ngông cuồng thực!
Khương Nhân nổi giận quát lớn một tiếng, tay trái cầm cái bàn tính giơ lên đẩy mạnh về phía trước một cái. Khương Nghĩa cũng chẳng nói chẳng rằng đẩy
mạnh cái túi tiền vào ngang lưng của đối thủ.
Hai người cùng một động tác nhanh không thể tưởng tượng được, một tấn công nơi ngực, một tấn công ngang lưng, lợi hại khôn tả.
Thanh Lam thấy đối phương hai người đã nổi danh lâu năm nên chàng cũng không
dám khinh thường, mà rất thận trọng múa song chưởng phản công. Chờ hai
môn khí giới của đối phương sắp đụng đến người, chàng mới chắp song
chưởng lại, gạt sang bên một thế, và dùng tay trái chém luôn vào cổ tay
của đối phương đang cầm bàn tính sắt. Thế đó là chàng mới học được ở
trong hang núi ra và cũng là thế thứ nhất của Tỷ La Thập Nhị thức. Ngờ
đâu mười hai thức lại lợi hại đến thế, túi tiền của Khương Nghĩa vừa tấn công thì đã thấy cổ tay rung động và bị đẩy bắn ngược trở lại. Đồng
thời, Khương Nhân cũng thấy thế công của mình đánh hụt và thấy một luồng gió mạnh nhằm cổ tay mình lấn áp xuống. Y liền bụng bảo dạ rằng:
“Chưởng pháp của tiểu tử này là chưởng pháp gì thế? Sao lại lợi hại như vậy?”.
Cả hai cùng lui về phía sau. Chúng lang bạt giang hồ hơn hai mươi năm đã
gặp rất nhiều cao thủ, nhưng chưa có một trận nào mới đấu có một hiệp đã bị người ta đẩy lui như thế. Chúng biết thiếu niên này là tay cao thủ
lợi hại nhưng chúng không chịu lép vế, vừa lui bước đã tiến lên ngay bàn tính với túi tiền cứ tấn công lia lịa, thực không hổ thẹn là Yến Sơn
Song Kiệt.
Mấy tháng gần đây, Thanh Lam đã gặp khá nhiều cao thủ
hạng nhất. Bây giờ, chàng thấy vừa đấu một hiệp đã thắng nổi đối thủ,
nên chàng không coi Song Kiệt vào đâu cả. Tuy vậy chàng vẫn không dám
khinh thường, lại giở thế võ khác đối phó tiếp.
Đấu được bảy tám hiệp, anh em Yến Sơn Song Kiệt đã bị cuống cả chân tay lên không biết chống đỡ như thế nào cho phải.
Liễu Kỳ một mình ngồi ở trên tảng đá, thoạt tiên còn lo âu hộ cho Lam đại ca đối địch với hai kẻ thù lừng danh như thế. Nhưng càng xem, nàng càng
yên tâm, không những thế nàng còn mừng rỡ là khác. Vì nàng thấy Lam đại
ca đối địch rất trầm tĩnh và trông rất anh hùng, dũng cảm.
Yến Sơn Song Kiệt tựa như hai con heo khùng, cứ múa tít hai món khí giới dị hình tấn công tới tấp mà không làm gì nổi Thanh Lam.
Lúc ấy nàng mới biết mười hai thức Tỷ La quả thật lợi hại.
Nàng lại bực mình, nếu mình không vì ảnh hưởng bởi vết thương của ám khí
độc, chân tay uể oải, thì lúc này có phải cũng giở môn võ ấy ra thử
thách được không?
Nàng vừa nói vừa múa tay múa chân bắt chước
những thế thức của Thanh Lam. Nhưng khi vừa uốn lưng một cái, lại thấy
đau nhức, nàng liền kêu “ối chà” mấy tiếng và hậm hực khẽ mắng chửi Song Kiệt:
– Quân khốn nạn! Chúng thực là hai con heo của Yến Sơn.
Lúc ấy anh em Song Kiệt hầu như điên như rồ, vì cứ bị Thanh Lam đánh cho bắn ra ngoài, loạng choạng suýt ngã luôn.
Anh em Song Kiệt bị Thanh Lam đánh cho tơi bời, lại bị Liễu Kỳ nhục mạ như vậy, nên anh em chúng không thể chịu nhịn được.
Khương Nghĩa hai mắt đỏ ngầu, liền quát lớn:
– Con nhãi này, mi dám chửi chúng ta phải không? Ta hãy giết mi chết trước!
Nói xong, y xông lại, giơ cái túi tiền lên, nhằm đầu Liễu Kỳ tấn công xuống.
Ngờ đâu y đã nhanh, người ta lại còn nhanh hơn. Chỉ thấy bóng người thấp
thoáng một cái, Thanh Lam đã nhảy tới, nhằm đầu y tấn công xuống. Vì
chàng đã nổi giận, nên chưởng này vừa nhanh vừa mạnh như sấm sét.
Khương Nghĩa nghe thấy tiếng gió động, biết có người đã tấn công mình rồi. Y
giật mình kinh hãi, vội nhảy về phía trước, nhưng cái túi tiền vẫn theo
đà đánh xuống “bộp”, một bóng người bắn tung lên. Thì ra người của
Khương Nghĩa vừa to vừa béo, với cái túi tiền sắt, cũng bị Thanh Lam
đánh cho bắn tung ra ngoài xa mười mấy thước.
Khương Nghĩa kêu
“hự” một tiếng rồi nhảy lên. Y mới hay cánh tay phải của y đã bị phế
rồi, mồ hôi lạnh toát ra như mưa. Y nghiến răng, mím môi, và cúi mình
nhặt cái túi tiền sắt lên, mặt lộ vẻ hung ác, hậm hực nói:
– Tiểu tử, ngươi cho ta biết tên tuổi đi! Thế nào cũng có ngày gặp lại ngươi!
Thanh Lam vẫn đứng yên ở đó, vẻ mặt giận dữ, tiến lên hai bước rồi quát bảo:
– Ngươi có mau đứng yên không?
Khương Nhân vội chạy lên che chở cho Khương Nghĩa, cười khỉnh hỏi:
– Các hạ còn muốn gì?
Thanh Lam đáp:
– Ta chỉ muốn các ngươi để lại Tuyệt tình châm và nói cho ta biết cách giải thôi!
Khương Nghĩa nghiến răng, mím môi, nói tiếp:
– Các hạ hãy cho biết tên tuổi và sư môn đi!
– Giang Thanh Lam, môn hạ phái Không Động!
Khương Nhân nghe nói liền giật mình đánh thót một cái. Y đã nhớ ra gần đây
trên giang hồ đồn đại, tiết độ sứ Tiết Tung có một người cháu ngoại tên
là Giang Thanh Lam đã đánh lui được Công Tôn Vô Kỵ cao thủ thượng thặng
của phái Tần Lãnh sau lại chém gẫy mấy cái răng cưa, khí giới độc đáo
của Vương ốc Tản Nhân ở trên núi Thác Thành. Như vậy, chàng này chắc là
đệ tử đích truyền của Không Không lão nhân chứ không sai?
Khương Nhân càng nghĩ càng hoảng sợ, liền quay đầu lại bảo với Khương Nghĩa rằng:
– Lão nhị, chúng ta để Tuyệt tình châm lại cho Giang thiếu hiệp đi!
Nói xong, y móc túi lấy cái ống kim ra ném xuống đất.
Chừng như hai con gà chọi bị thua, mất hết cả oai phong Thanh Lam lại nói tiếp:
– Còn vấn đề thuốc giải nữa? Lọ nào mới là thuốc giải của Tuyệt tình châm?
– Lọ thuốc bột mầu lam ấy!
Nói xong, anh em y đang định quay đi thì trong rừng đã có giọng lanh lảnh nói vọng ra:
– Hãy khoan!
Anh em Song Kiệt nghe thấy như sét đánh ngang tai, vội ngừng chân lại.
Mọi người thấy trong rừng có hai cái bóng người tha thướt bước ra. Người đi trước là một thiếu phụ, ăn vận rất lịch sự, phía sau là một đứa thị tỳ, tuổi chừng mười lăm mười sáu tay cầm một cái hộp nhỏ hình dài.
Thanh Lam nghe Hắc đại hiệp nói đã biết nàng này là Băng Phách phu nhân nhưng chưa biết lai lịch và xuất thân của nàng ta ra sao? Bây giờ chàng lại
thấy nàng đi tới gần dùng giọng mũi kêu “hừ”.
một tiếng, và hỏi anh em Song Kiệt rằng:
– Khương lão đại! Anh em ngươi quả thực không hổ thẹn là đệ tử của Đường môn tâm địa độc ác, ra tay tàn nhẫn! Người ta trúng phải tuyệt tình
châm của hai ngươi, mà hai ngươi còn bảo cô bé uống thuốc độc màu lam
kia! Hừ! Nghe nói đệ tử của nhà họ Đường các ngươi đi đâu cũng có mang
theo ba lọ thuốc với hai câu nói. Vậy hai câu nói ấy là gì thế?