Sông Đông Êm Đềm

Chương 61


Đọc truyện Sông Đông Êm Đềm – Chương 61

Thông thường các tráng đinh Cô- dắc các trấn miền trên Quân khu sông Đông: Elanskaia, Vosenskaia, Migulinskaia và Cadanskaia đều được đưa về hai trung đoàn Cô- dắc dã chiến 11, 12 và trung đoàn ngự lâm Atamansky.

Nhưng năm 1914, không biết vì lý do gì một phần trong số các tráng đinh Cô- dắc người trấn Vosenskaia bị gọi vào lính hiện dịch lại được đưa vào trung đoàn Cô- dắc sông Đông số 3 mang tên Emark Timofeevich 1, trung đoàn nầy trước kia gồm những gã Cô- dắc khu Ust- Medvedisky. Trong số những người bị gọi đi Trung đoàn 3 có cả Mitka Korsunov.

Trung đoàn nầy đóng ở Vilnius 2, cùng với vài phân đội của Sư đoàn kỵ binh số 3. Đến tháng Sáu các đại đội đều thả ngựa ra ngoài thành phố cho ăn cỏ trên đồng.

Một ngày mùa hè ấm áp, u ám, mây trôi trên trời ụn lại từng chỗ, nom như những đàn gia súc, che cả mặt trời. Trung đoàn tiến theo đội hình hành quân. Quân nhạc cử vang trời. Các ngài sĩ quan cưỡi ngựa đi túm tụm một đám với những chiếc mũ cát- két mùa hè màu ka- ki, những chiếc áo quân phục mỏng nhẹ, khói thuốc toả xanh xanh trên đầu.

Hai bên đường làng, những người đàn ông mu- gích và những người đàn bà quần lành áo tốt đang cắt cỏ. Họ đưa tay lên che mắt nhìn các đoàn quân Cô- dắc.

Ngựa đổ mồ hôi đã khá nhiều. Mồ hôi sủi từng đám vàng vàng dưới háng ngựa. Gió đông nam hiu hiu thổi không làm cho ngựa ráo mồ hôi mà càng làm không khí trở nên ngột ngạt, đầy hơi nước.

Đến giữa chặng đường hành quân, khi chỉ còn cách một cái làng nhỏ không xa, bỗng có một con ngựa non xén bờm tự nhiên chạy lẫn vào đại đội năm. Nó đang phi như bay từ một dãy hàng rào ra, thì trông thấy đàn ngựa đông như thế, bèn hí dài một tiếng, phóng ngang qua, cái đuôi vắt hẳn sang một bên vẫn còn giữ những sợi lông tơ bù xù của thời thơ ấu. Bụi xám bay mù lên dưới bốn cái móng nhỏ gọn như vỏ sò rồi lại rơi lả tả xuống lớp cỏ xanh đã bị dẫm nát. Nó chạy lên tới trung đội đi đầu rồi tinh nghịch húc mõm vào bẹn con ngựa của lão quản. Con ngựa của lão quản đã hất mông lên nhưng không nỡ đá: có lẽ nó cũng thương.

– Xéo ngay, đồ ngu xuẩn! – Lão quản vung roi quát.

Binh lính Cô- dắc phá lên cười, họ cảm thấy thích thú trước cái vẻ đáng yêu của con ngựa non gợi lại cho họ những cảnh ở nhà. Đến lúc ấy thì xảy ra một chuyện chẳng ai lường trước: con ngựa non láo xược len vào giữa các hàng của trung đội, thế là trung đội bị tách ra, mất hẳn đội hình chỉnh tề, chặt chẽ lúc nãy. Những con ngựa bị thúc đi cứ trù trừ giậm chân loạn lên. Con ngựa non bị những con ngựa khác len chặt bèn quay ngang và tìm cách cắn con ngựa gần nó nhất.

Viên đại đội trưởng phi ngựa như bay tới:

– Có chuyện gì thế nầy?

Ở chỗ con ngựa xén bờm lỗ mãng xông bừa vào, có mấy con ngựa quay ngang hí rầm lên. Bọn Cô- dắc vừa cười vừa lấy roi quất con ngựa non. Trung đội không còn hàng ngũ gì nữa, láo nháo dồn cả lại một chỗ. Các trung đội phía sau thì thúc lên. Viên sĩ quan chỉ huy trung đội từ dưới đuôi đại đội phi lên theo lề đường, mặt giận bừng bừng.

– Có gì thế hử? – Viên đại đội trưởng gầm lên rồi cho ngựa xông vào giữa đám đông.

– Có con ngựa con kia…

– Nó xông ngay vào giữa đánh chúng tôi…

– Cái con quỷ con nầy, không làm thế nào đuổi đi được!

– Thì cho nó vài roi? Thương cái gì?

Bọn Cô- dắc mỉm cười ra vẻ nhận lỗi. Họ kéo chặt dây cương giữ những con ngựa đang tức bực.

– Chánh quản đâu? Ngài trung uý, trò của nợ gì thế nầy hả? Ngài chỉnh đốn ngay hàng ngũ trung đội của ngài đi, thật chưa từng thấy thế nầy bao giờ?

Viên đại đội trưởng cho ngựa chạy sang bên. Con ngựa của hắn lùi lại, tụt hai chân sau xuống một cái rãnh bên đường. Hắn thúc cho nó một cái đinh gót ủng, con ngựa nhảy sang bên kia rãnh, lên cái ụ mọc đầy tân lê và cúc vàng. Một nhóm sĩ quan đứng lại đằng xa.

Một viên trung tá ngửa đầu uống nước trong bi- đông, một tay đặt lên mũi yên bọc sắt rất đẹp, với cái vẻ âu yếm của một người cha đặt tay lên đầu con.

Lão quản cho trung đội tản ra, rồi vừa văng tục vừa đuổi con ngựa non ra khỏi mặt đường. Trung đội lại tập hợp. Một trăm rưởi cặp mắt cùng nhìn lão quản dướn thẳng người trên bàn đạp, phi ngựa đuổi theo con ngựa non. Nhưng con ngựa non kia lúc thì đứng lại dựa cái sườn bẩn thỉu đầy phân khô vào con ngựa ba véc- sốc của lão quản, lúc lại ngoặt đuôi phi vụt lên. Lão quản đã tìm đủ mọi cách mà không tài nào quất nổi cái roi vào lưng nó, lần nào cũng chỉ trúng cái đuôi xòe ra như cái chổi. Cái đuôi bị đánh rơi thõng xuống, nhưng chỉ một giây sau lại ngang ngạnh vung vẩy trước gió.

Toàn đại đội phá lên cười. Bọn sĩ quan cũng cười. Ngay đến bộ mặt sầm sầm dái trâu của viên đại uý cũng có một cái nhếch mép tương tự như nét cười.

Đi trong hàng thứ ba của trung đội đầu tiên có Mitka Korsunov cùng với Mikhail Ivankov, một gã Cô- dắc ở thôn Kargin trấn Vosenskaia, Kotma Kriuchkov ở Ust- Khop. Gã Ivankov mặt to, vai rộng, cứ lầm lì chẳng nói chẳng rằng. Còn Kriuchkov, biệt hiệu là “Lạc đà” là một gã hơi rỗ hoa, lưng gù gù, luôn kiếm chuyện với Mitka. Kriuchkov là gã Cô- dắc “cũ”, tức là đã ở lính hết năm cuối cùng của thời hạn đi lính, và theo một thứ luật không ghi trên giấy trắng mực đen được áp dụng trong trung đoàn, cũng như tất cả các tên Cô- dắc “cũ” khác, gã có quyền đốc thúc, bắt ne bắt nét những thằng Cô- dắc ít tuổi, hơi có chút không vừa ý là có thể rút dây lưng đánh được. Đã qui định như sau: một gã Cô- dắc khoá 1913 có lỗi thì bị đánh mười ba roi, nếu là khoá 1914 thì mười bốn roi. Bọn quản và bọn sĩ quan rất khuyến khích thứ quy củ nầy vì chúng cho rằng làm như thế thì nhồi nhét được cho binh lính ý thức phục tùng người trên, không những theo cấp bậc mà còn theo tuổi.

Mới gần đây Kriuchkov được gắn lon binh nhất. Gã gù lưrg ngồi trên yên, hai vai xuôi thõng, so lại như con chim. Gã nheo mat nhìn một đám mây xám ưỡn căng bộ ngực mênh mông, rồi bắt chước giọng vién đại đội trưởng đại uý Popop vai u thịt bắp, hỏi Mitka:

– Nè, Korsunov, mi bảo tao hay, đại đội trưởng đại đội ta tên là gì hử?

Mitka đã nhiều lần được nếm mùi doi ra vì cái tính ngang ngạnh đầu bò đầu bướu của nó, vì thế lần nầy nó cố làm vẻ mặt cung kính phục tùng.

– Là đại uý Popop, thưa thầy Cô- dắc “cũ”?

– Sao?

– Là đại uý Popop, thưa thầy Cô- dắc cũ!

– Tao có hỏi thế đâu. Mày bảo tao hay anh em Cô- dắc chúng ta nói riêng với nhau gọi là gì cơ.

Ivankov hoác cái miệng sứt môi ra cười rồi nháy mắt ra hiệu cho Mitka, vẻ sợ hãi. Mitka đưa mắt nhìn thì thấy chính viên đại uý Popop đang từ phía sau đi tới.

– Thế nào? Trả lời đi!

– Thưa thầy Cô- dắc cũ, anh em gọi là đại uý Popop ạ.

– Mười bốn roi. Có nói ngay không, đồ mạt kiếp!

– Thưa thầy Cô- dắc cũ, tôi không biết ạ.

– Được rồi, về đến chỗ thả ngựa, – Kriuchkov nói giọng không còn có vẻ đùa nữa, – tao sẽ cho mày ăn roi da! Đã hỏi thì phải trả lời.


– Tôi không biết mà.

– Sao vậy, thằng nhóc con chết tiệt nầy, mày không biết anh em gọi giễu lão là gì à?

Mitka nghe thấy sau lưng có tiếng con ngựa của viên đại uý rón rén bước tới như một thằng ăn cắp, bèn ngậm tăm.

– Thế nào hử? – Kriuchkov hung hãn nheo mắt.

Những hàng phía sau cố nén tiếng cười. Kriuchkov không hiểu người ta cười cái gì, nên cứ tưởng họ cười mình, bèn nổi xung.

– Thằng Korsunov, mày liệu cái thần hồn! Về đến nơi tao sẽ nện cho mày năm mươi roi.

Mitka nhún vai đánh liều.

– Nhọ đuôi!

– Đúng rồi, có thế chứ.

– Khriuchkov! – Sau lưng có tiếng gọi.

Thầy Cô- dắc cựa binh run bắn trên yên, cố rướn thẳng người.

– Mày, thằng khốn nạn nầy, mày giở trò bậy bạ gì ở đây thế hử? – Viên đại uý Popop vừa nói vừa cho ngựa lên ngang con ngựa của Kriuchkov. – Tại sao mày lại dạy thằng Cô- dắc nhóc con nầy như thế hả?

Kriuchkov hấp háy hai con mắt nheo lại, má gã đỏ tím như quả bồ quân. Bọn lính phía sau phá lên cười.

– Năm ngoái tao đã cho đứa nào một bài học rồi hử? Cái móng tay nầy đã xọc rách mõm thằng nào mày còn nhớ không hử? – Viên đại uý giơ cái móng tay út vừa dài vừa nhọn ra trước mũi Khriuchkov, ria hắn rung rung. – Đừng để lần sau tao nghe thấy như thế nữa! Hiểu không?

– Thưa vâng, bẩm quan lớn hiểu rồi ạ!

Viên đại uý cho con ngựa của hắn chạy chậm lại rồi rẽ sang bên đường giữ ngựa, chờ đại đội tiến qua. Đại đội bốn và đại đội năm đã chuyển sang nước kiệu.

– Đại đội nước kiệu… tiến!

Kriuchkov cầm lại dây cương, ngoái nhìn viên đại đội trưởng lúc nầy đã ở tụt lại phía sau. Gã kéo lại ngọn giáo cho ngay ngắn rồi lắc lắc đầu bực bội.

– Thế đấy cái lão Nhọ đuôi nầy? Không biết tự nhiên ở đâu mò tới thế?

Mồ hôi còn đầm đìa sau mẻ cười, Ivankov kể lại:

– Lão đã đi mãi sau lưng bọn mình mà lại. Nói những gì lão đều nghe thấy hết. Hoặc có lẽ lão đã đánh hơi thấy mình nói chuyện gì.

– Đồ ngu xuẩn, sao mày không nháy mắt ra hiệu cho tao biết?

– Nhưng chuyện can gì đến tôi.

– Không can gì à? Thế thì được, lột quần mười bốn roi!

° ° °

Các đại đội đóng quân tại các trang trại của bọn địa chủ trong vùng. Ban ngày binh lính cắt cỏ chua me và các thứ cỏ khác trên bãi cho địa chủ, đêm đến lại buộc hai chân sau những con ngựa, thả cho ăn cỏ những nơi đã chỉ định rồi túm tụm đánh bài, kể chuyện cho nhau nghe hay giở những trò tinh nghịch quanh những đống củi khói bốc nghi ngút.

Đại đội sáu đã biến thành cố nông cho tên đại địa chủ Ba Lan Snaider. Bọn sĩ quan ở một chái nhà, chúng hết chơi bài, bí tỉ chai bố chai con lại bám lấy đứa con gái lão quản lý như một đàn nhặng.

Binh sĩ Cô- dắc đóng trại ở một nơi cách trang trại ba vec- xta. Sáng sáng “pan” 3 quản lý cưỡi một chiếc xe đua đến chỗ họ ở. Lão quý tộc lớp dưới béo phệ và bệ vệ ấy đứng dậy trên xe, duỗi duỗi cho cặp giò toàn mỡ bớt tê dại và không bao giờ quên vẫy cái mũ cát- két trắng lưỡi trai véc- ni chào “anh em Cua- dắc”. Trong hàng lính Cô- dắc mặc áo sơ- mi trắng có những tiếng gọi ơi ới:

– Xuống cắt cỏ với chúng tôi cái, “pan”!

– Xuống làm một lát cho tiêu bớt lớp mỡ đi chứ!

– Cầm lấy cái hái mà đi vài hàng, kẻo bán thân bất toại mất!

“Pan” mỉm cười khá điềm tĩnh, rút chiếc mùi xoa đưa ra lau vừng trán hói rất dốc rồi đưa lão quản đi nhận những khoảng cỏ mới cho anh em cắt.

Xe nhà bếp đến lúc giữa trưa. Binh lính Cô- dắc lau rửa rồi đi ăn. Trong bữa ăn anh chàng nào cũng câm như hến, nhưng đến nửa giờ nghỉ sau bữa trưa, chuyện mới nở như pháo ran.

– Cỏ vùng nầy thật là thổ tả. Bì~ sao được với cỏ đồng ta.

– Hầu như chẳng thấy sợi nga quan nào.

– Ở vùng sông Đông, bà con ta bây giờ cắt cỏ xong rồi đấy.


– Cả chúng mình cũng cắt sắp xong rồi. Hôm qua là ngày đầu tuần trăng, sắp mưa đấy.

– Lão Ba Lan nầy thật vắt cổ chày ra nước. Anh em vất vả thế nầy mà chẳng cho được chai rượu.

– Ồ hô- hô? Rượu lão còn cất trên bàn thờ…

– Nầy, các cậu ạ, thế nầy là nghĩa lý làm sao nhỉ: càng giàu có càng keo kiệt?

– Chuyện nầy thì cậu lên tìm hoàng đế mà hỏi.

– Còn ả con gái lão địa chủ, đã có cậu nào trông thấy chưa?

– Thế sao?

– Một con bé đờ đẫn những thịt là thịt!

– Lợn sữa 4 à?

– Đúng đấy đúng đấy.

– Món ấy thì có thể để nguyên xơi tái…

– Không biết có đúng hay không, nhưng nghe nói họ hàng nhà vua đã có người đánh mối rồi đấy.

– Miếng ngon như thế thì đâu đến miệng dân ngu cu đen?

– Nầy các cậu ạ, có tin đồn hình như bộ tư lệnh tối cao sắp tới kiểm tra chúng ta thì phải.

– Con mèo vô công rồi nghề, thành thử…

– Thôi bỏ cái chuyện ấy đi, Tarat.

– Cho anh em một khói được không?

– Đồ dị chủng, đồ quỷ đói, muốn dài tay ra ăn xin thì đến nhà thờ!

– Nầy, các thầy quyền lại đây mà xem, Fedorna nó rít có ghê không, chẳng còn chút gì cả.

– Còn tàn đấy thôi.

– Trông kìa, người anh em, lửa chỗ kia cứ như trong một ả đa tình ấy.

Mọi người nằm sấp hút thuốc. Những cái lưng trần phơi nắng đỏ ửng lên. Ở một chỗ khác, chừng năm gã Cô- dắc cựu binh tra hỏi một tên lính mới:

– Cậu ở trấn nào thế?

– Trấn Elanskaia.

– Như thế là cậu thuộc loài dê 5 à?

– Đúng thế.

– Thế ở vùng các cậu người ta chở muối bằng gì hả?

Ngay gần đấy Kriuchkov Kotma đang nằm trên tấm áo ngựa, vẻ mặt chán ngán, mấy ngón tay vê vê những sợi ria lơ thơ.

– Bằng ngựa.

– Còn bằng gì nữa?

– Bằng bò.

– Còn cá dầy ở Krym thì chở đến bằng gì? Cậu có biết không, cái giống bò có cái gì gồ gồ trên lưng nhai cả gai ấy mà, người ta gọi là gì nhỉ?

– Là lạc đà.

– Ô hô- hô- ha- ha!


Kriuchkov lừng khừng đứng dậy bước tới trước mặt kẻ vừa phạm tội lưng gã gù gù hệt như lưng lạc đà. Gã vươn cái cổ nâu nâu vàng vàng, chỗ lộ hầu to tướng, vừa đi vừa tháo dây lưng.

– Nằm xuống.

Tối tối, khi bóng đêm tháng sáu bềnh bệch như mắt đá mèo toả xuống cánh đồng, bên đống lửa lại có tiếng hát:

Viễn chinh đồng đất nước người,

Con ngựa huyền dưa chàng trai Cô- dắc,

Vĩnh biệt quê hương, ruổi rong vạn dặm xa…

Giọng nam cao sang sảng như tiếng bạc thít đi, nhường cho những giọng trầm trải rộng tấm thảm nhung của nỗi buồn u uất:

Nơi cắt rốn chôn rau, chẳng bao giờ chàng trở lại.

Giọng nam cao lại vút lên mãi, mỗi lúc một trong:

Người vợ trẻ hướng về phương bắc,

Sớm ngóng trông, chiều lại ngóng trông,

Đợi đợi mãi, mong có ngày sẽ thấy,

Ngựa chiến trả về chàng Cô- dắc bạn lòng.

Rồi không biết bao nhiêu giọng cùng hoà theo. Vì vậy bài hát nghe đặc quánh và ngây ngất như thứ rượu bia vùng Polesia:

Bên kia núi, nơi mịt mùng bão tuyết,

Nơi đại hàn, tiếng băng nổ rền vang,

Nơi rừng thông ngả nghiêng trong gió,

Dưới lớp tuyết kia, chàng Cô- dắc gửi nắm xương tàn.

Những giọng hát kể lể câu chuyện mộc mạc về một cuộc đời Cô- dắc. Bè nam cao phụ rung lên như tiếng chim sơn ca tháng tư, khi mặt đất đã tan tuyết:

Lúc hấp hối, chàng xin các bạn.

Đắp cho mình nấm kurgan to.

Kèm theo là những giọng trầm u uất:

Trên mộ ấy, hoa tuyết cầu yêu dấu

Sẽ nở xum xuê, muôn sắc huy hoàng.

Bên một đống lửa khác, một đám người ít hơn hát một bài khác hẳn:

Biển Azop ầm ầm cuộn sóng,

Đoàn chiến thuyền tiến ngược sông Đông

Chàng ataman trẻ trai

Về với nhà cửa ruộng đồng.

Cách đó hơi xa, một gã bẻm mép trong đại đội ngồi bên đống lửa thứ ba kể một câu chuyện diễn biến rất éo le. Khói bốc nghi ngút làm hắn húng hắng ho. Mọi người nín thở lắng nghe từ đầu đến cuối.

Năm thì mười hoạ, chỉ những lúc người anh hùng trong chuyện vượt được một cách tài tình những cạm bẫy do bọn Môtxcan 6 cùng với tà ma bày ra, thì qua ánh lửa mới loáng thấy bàn tay của một anh chàng nào đó vỗ đen đét vào ủng, rồi một giọng khản đặc vì khói kêu lên ra vẻ rất thống khoái:

– Ái chà chà, quả là tài tình, chúa thật!

Rồi chỉ còn cái giọng thao thao bất tuyệt, trơn leo lẻo của anh chàng kể chuyện.

Trung đoàn chuyển ra đóng quân trên đồng cỏ được một tuần thì viên đại uý Popop cho gọi gã đóng móng ngựa của đại đội và lão quản đến gặp hắn:

– Con ngựa thế nào rồi? – Hắn hỏi lão quản.

– Bẩm quan lớn khá lắm, rất béo khỏe nữa là khác. Các chỗ gầy hõm trên lưng đã đầy lên cả rồi. Nó đã lại sung sức.

Viên đại uý vê vê hàng ria đen, vuốt nhọn ra như mũi tên (chính vì thế anh em mới đặt cho hắn cái biệt hiệu Nhọ đuôi), rồi nói:

– Quan trung đoàn trưởng vừa ra lệnh mạ thiếc lại tất cả các bàn đạp và hàm thiếc. Bộ tư lệnh tối cao sẽ xuống kiểm tra trung đoàn. Phải làm thế nào cho bất kỳ cái gì cũng sáng bóng: yên cương cũng như tất cả các thứ khác. Phải làm thế nào cho tất cả những thằng Cô- dắc đều có vẻ đáng yêu, ưa nhìn. Thế nào, người anh em, bao giờ thì mọi việc sẽ làm xong?

Lão quản đưa mắt cho gã đóng móng ngựa. Gã đóng móng ngựa đưa mắt cho lão quản rồi cả hai cùng nhìn viên đại uý.

Lão quản nói:

– Bẩm quan lớn, đại khái đến chủ nhật được không ạ? – Rồi lão đưa mấy ngón tay lên vuốt hàng ria mốc xanh vì khói thuốc để tỏ vẻ cung kính.

– Với tôi thì cẩn thận đấy? – Viên đại uý doạ trước.


Đến đây thì lão quản và gã đóng móng ngựa ra ngoài.

Từ hôm ấy, mọi người bắt đầu làm các công việc chuẩn bị cho bộ tư lệnh tối cao tới kiểm tra. Ivankov Mikhail là con một người đóng móng ngựa và chính hắn cũng biết nghề nầy, vì thế hắn đã giúp gã đóng móng ngựa tráng thiếc lại tất cả các bàn đạp và hàm thiếc. Tất cả các binh sĩ khác tắm chải cho ngựa đến sạch quá tiêu chuẩn. Họ dùng gạch vụn đánh bóng tất cả các dây xích và các bộ phận bằng kim khí trên đồ thắng.

Một tuần sau trung đoàn đã bóng lộn như một đồng hai mươi kopeik mới toanh. Từ móng ngựa tới mặt mũi binh sĩ Cô- dắc, mọi thứ đều sáng như gương. Đến hôm thứ bảy, viên trung đoàn trưởng đại tá Grekov xuống kiểm tra trung đoàn, đã ngợi khen các ngài sĩ quan cùng anh em Cô- dắc siêng năng mẫn cán làm các công việc chuẩn bị và có được một vẻ hùng dũng như thế.

Những ngày tháng bảy tuôn dần ra như cuộn sợi xanh da trời. Được ăn uống no đủ, đàn ngựa Cô- dắc mỗi ngày một béo phây ra, chỉ có binh lính Cô- dắc là nhốn nháo cuống cuồng, trong lòng như thiêu như đốt vì những ý đoán mò: về chuyện bộ tư lệnh tối cao xuống kiểm tra chẳng có phong thanh gì… Những buổi chuyện trò bàn tán quẩn quanh, những cuộc cưỡi ngựa và tập luyện, thế là hết một tuần. Chợt đùng một cái có lệnh đi Vilnius.

Trời gần tối thì tới Vilnius. Các đại đội lại nhận được mệnh lệnh thứ hai: chuyển ngay những cái hòm đựng các đồ riêng của binh lính Cô- dắc lên các xe quân nhu để có thể lại xuất phát.

– Bẩm quan lớn, có chuyện gì thế? – Bọn Cô- dắc bức bội, cố hỏi các sĩ quan chỉ huy trung đội xem tình hình đích xác thế nào.

Bọn sĩ quan chỉ nhún vai. Chính họ cũng đang muốn biết tình hình, dù phải trả tiền.

– Tôi không biết.

– Sắp tới có những buổi diễn tập cho hoàng thượng duyệt hay không?

– Tạm thời chưa rõ. – Những câu trả lời của bọn sĩ quan cũng làm cho binh lính Cô- dắc vui vui.

Chiều mười chín tháng bảy gã liên lạc của viên trung đoàn trưởng rỉ tai thằng bạn gã là Mrykhin ở đại đội sáu, đang trực nhật trong tàu ngựa:

– Chiến tranh rồi, anh em ạ!

– Chỉ nói bậy!

– Lạy Chúa tôi, thật đấy. Nhưng cậu chớ có hở với ai đấy nhé?

Sáng hôm sau trung đoàn tập hợp trong đội hình sư đoàn. Các khung cửa sổ của doanh trại nhấp nhoáng một thứ ánh sáng ảm đạm trên những miếng kính đầy bụi. Toàn trung đoàn ngồi trên lưng ngựa chờ trung đoàn trưởng.

Đại uý Popop cưỡi con ngựa chân rất dài đứng trước đại đội sáu, tay trái đeo găng trắng kéo dây cương. Con ngựa cúi cong cái cổ như hình bánh xe, ngoẹo đầu cọ mõm vào mấy bắp thịt trước ức.

Viên đại tá từ góc ngôi nhà của doanh trại tiến ra, cho ngựa đứng nghiêng trước hàng quân. Viên phó quan rút khăn tay, ngón tay út được chăm sóc cẩn thận tách ra nom rất điệu, nhưng hắn chưa kịp xỉ mũi thì viên đại tá đã phá tan bầu không khí chết lặng căng thẳng.

“Đúng rồi” – Ai cũng nghĩ bụng như thế. Mọi người đều hồi hộp, tinh thần căng thẳng như lò xo. Con ngựa của Mitka Korsunov giậm hết chân nọ đến chân kia. Nó tức mình thúc luôn cho con ngựa một cái gót ủng. Bên cạnh nó là Ivankov. Thằng cha ngồi chĩnh chện trên yên, há hốc miệng ra nghe, cái môi sứt để lộ hàm răng khấp khểnh đen sì. Kriuchkov ở sau lưng hắn, lưng gù gù, mặt nhăn như bị. Xa chút nữa là gã Lapin với hai cái tai như tai ngựa. Sau lưng hắn có thể nhìn thấy bộ mặt cạo nhẵn nhịu và chỗ lộ hàu nổi đầy gân của Segonkov.

– Nước Đức đã tuyên chiến với chúng ta.

Tiếng loạt soạt lan khắp hàng quân tập hợp chỉnh tề, cứ như có làn gió ào ào thổi tới làm gợn sóng cả một cánh đồng đại mạch cuộng đen đã chín đại trà. Một tiếng ngựa hí dài xuyên vào tai mọi người nghe như rnột tiếng rú. Ai nấy há hốc những cái miệng vuông vuông đen ngòm, giương mắt nhìn về phía đại đội một, ở cánh trái, nơi có con ngựa cất tiếng hí.

Viên đại tá còn nói thêm nhiều nữa. Hắn đã sắp đặt các từ ngữ câu cú theo một thứ tự cần thiết, hòng làm cho lòng tự hào dân tộc bùng cháy trong mọi người, nhưng hàng ngàn binh lính Cô- dắc đâu có nhìn thấy trước mặt họ những lá cờ lụa của quân địch loạt soạt ngã xuống dưới chân mình, mà chỉ thấy những cái gì có quan hệ xương máu với mình trong cuộc sống hàng ngày đang hiện lên rõ mồn một, đang kêu gọi inh tai nhức óc: vợ con, người yêu, lúa má chưa gặt, thôn xóm quạnh hiu, cửa nhà…

“Hai giờ nữa trung đoàn sẽ lên đoàn tàu quân sự”. Đó là lời duy nhất lọt vào trí nhớ mọi người.

Những người vợ sĩ quan đứng túm tụm cách đó không xa lấy khăn tay che mặt khóc. Binh lính Cô- dắc kéo nhau đi từng đám về doanh trại. Viên trung uý Khorov gần như bế bổng vợ hắn, một người đàn bà Ba Lan, đang có mang.

Trung đoàn ra ga, vừa đi vừa hát. Quân nhạc lúc đầu thổi inh tai, nhưng đến giữa đường lại ngượng ngùng câm bặt. Các bà vợ sĩ quan đi theo bằng xe ngựa. Những đám người quần áo sặc sỡ đứng nháo nhác trên hè đường. Vó ngựa hất tung cát bụi. Gã quản ca của đơn vị như nhạo nỗi đau khổ của mình và của người khác, cứ nhún nhún vai trái, làm nhô cái lon vai màu lam rúm ró, cất giọng hát nhữngười lăng nhăng của một bài hát Cô- dắc thô tục:

Nầy cô nàng hơ hớ, anh mới vừa được con cá măng…

Đại đội cố hát lẫn lộn phần lời của bài hát, đệm theo chỉ có tiếng những vó ngựa mới đóng móng. Họ mang theo ra ga, những toa xe đó từ nay trở thành nhà ở cả, một sự thiếu thốn của mình thể hiện trong bài hát:

Con cá măng, con cá măng, con cá măng anh vớ được,

Quẳng vào nồi anh luộc, anh nấu cháo cá măng.

Cháo cá măng, cháo cá măng, cháo cá măng, nầy cô nàng hơ hớ…

Viên phó quan của trung đoàn cho ngựa chạy từ dưới đuôi đại đội lên đám đang hát, mặt đỏ như gấc vì cười và vì ngượng. Gã quản ca vung tay, quẳng dây cương xuống, nháy mắt một cách rất mất dạy với đám đàn bà đứng xúm đông bên hè đường tiễn đơn vị Cô- dắc. Một thứ nước ngải cứu sắc đắng hắc, không còn là mồ hôi nữa, chảy ròng ròng từ hai bên má đen như đồng hun của gã xuống hàng ria đen.

Nầy cô nàng hơ hớ, anh tìm bà mối, anh mời sơi cháo cá măng…

Tìm ba mối, tìm bà mối, anh mời xơi cháo cá măng…

Trên đường ray, đầu máy xe lửa rúc còi một cách tỉnh táo, như báo trước cho người ta đề phòng rồi phì hơi chuyển bánh.

° ° °

Những đoàn tàu chở quân… Những đoàn tàu chở quân… Những đoàn tàu chở quân… Đếm sao hết những đoàn tàu chở quân.

Trên khắp các mạch máu của đất nước, theo các đường xe lửa, nước Nga đang sôi sục đổ dồn về biên giới miền Tây những đợt máu đựng trong những chiếc áo ca- pôt màu xám.

— —— —— —— ——-1 Người anh hùng Cô- dắc xưa kia đã đi đánh người Tarta ở Sibiri và chết ở đấy (ND).

2 Nay là thủ đô nước Lidva(ND).

3 Tiếng Ba Lan: quan lớn, địa chủ, ông (ND).

4 Nguyên văn: “thịt cừu” (ND).

5 Dê là biệt hiệu của trấn Elanskaia.

6 “Moskan” là cái tên mà người Ukraina và người Bạch- Nga dùng để gọi một cách khinh bỉ cho đại biểu chính quyền cũng như dân chúng và binh lính Moskva (ND).


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.