Đọc truyện Sông Đông Êm Đềm – Chương 222
Lúc khoảng tám giờ sáng, Acxinhia cào than nóng trong bếp lò thành một đống rồi vừa ngồi xuống chiếc ghế dài vừa kéo tạp dề lên lau khuôn mặt đỏ bừng bừng, đẫm mồ hôi. Trời còn chưa hửng, nàng đã dậy để làm xong thật sớm các công việc bếp núc: nàng nấu món mì gà, làm bánh tráng, tưới rất nhiều bơ nóng vào bánh phó mát rồi đưa vào lò nướng. Nàng biết rằng Grigori rất thích ăn bánh phó mát nướng vì thế đã làm một bữa thật sang với hy vọng người yêu sẽ sang nhà mình ăn trưa.
Nàng chỉ muốn kiếm một cớ gì đó để tạt sang nhà Melekhov và ở lại bên ấy một phút thôi cũng được, cốt sao có dịp được nhìn thấy Grigori, dù chỉ một loáng. Chàng đang ở ngay đây, bên cạnh nhà mà không được trông thấy mặt chàng thì thật là không tưởng tượng được. Nhưng dù sao nàng cũng nén được ý muốn ấy và không sang. Thật ra nàng đâu còn là một cô gái. Ở cái tuổi của nàng thì không thể làm gì một cách xốc nổi.
Nàng rửa tay rửa mặt sạch hơn mọi ngày, mặc chiếc áo lót sạch và cái váy lót mới viền đăng- ten. Nàng đứng đắn đo rất lâu bên cạnh cái rương mở nắp, không biết bên ngoài nên mặc cái gì bây giờ?
Ngày thường mà diện quần lành áo tốt thì không tiện, nhưng nàng cũng không muốn mặc những áo xống giản dị thường mặc trọng khi làm lụng. Vì không biết nên quyết định lựa chọn những thứ gì.
Acxinhia cau mày, thẫn thờ so sánh những cái váy đã là cẩn thận.
Cuối cùng nàng quyết định mặc một chiếc váy màu lam sẫm và cái áo ngoài màu xanh da trời viền đăng- ten đen gần như chưa mặc lần nào. Đó là những thứ đẹp nhất mà nàng có. Suy đến cùng thì hàng xóm láng giềng nghĩ thế nào chẳng được? Đối với họ hôm nay là ngày thường nhưng đối với nàng lại là ngày hội: Nàng vội vã thắng bộ cánh vào rồi ra đứng trước cái gương. Một nụ cười hơi có phần ngạc nhiên thoáng trên môi nàng: hai con mắt rất trẻ, bừng bừng như hai hòn than của một người nào đó, đang tò mò và vui vẻ nhìn nàng.
Acxinhia chăm chú xem xét lại khuôn mặt của mình một cách nghiêm khắc rồi thở dài nhẹ nhõm. Không, sắc đẹp của nàng vẫn chưa phai tàn chút nào? Khi gặp nàng nhiều gã Cô- dắc đã phải đứng lại nhìn theo bằng cặp mắt rồ dại.
Trong khi đứng trước gương sửa lại những nếp váy, nàng nói thành tiếng: “Chà, anh Grigori Pantelevich, anh hãy cẩn thận đấy!, Rồi cảm thấy mình đỏ mặt, nàng khẽ cười và cố giữ cho mình khỏi cười to. Tuy vậy nàng vẫn tìm ra trên thái dương vài sợi tóc bạc và nhổ đi. Không nên để Grigori nhìn thấy cái gì nhắc nhở chàng về cái tuổi của nàng. Đối với chàng, nàng muốn mình vẫn còn trẻ như bảy năm về trước.
Cho đến giờ ăn trưa, nàng vẫn còn cố nán ngồi được ở nhà, nhưng rồi không chịu được nữa, nàng khoác lên vai chiếc khăn bằng lông dê trắng và sang nhà Melekhov, Dunhiaska ở nhà một mình, Acxinhia chào Dunhiaska rồi hỏi:
– Ở nhà chưa ăn trưa à?
– Với những con người không thiết gì đến nhà cửa ấy thì làm thế nào có thể cơm nước đúng giờ được? Chồng em còn ra Uỷ ban, còn anh Grigori thì lên thị trấn. Em đã cho hai đứa trẻ ăn xong rồi, còn đang chờ người lớn đây.
Nhìn bên ngoài thì Acxinhia rất bình tĩnh, không có một cử chỉ hay lời nói nào để lộ rõ nỗi thất vọng trong lòng. Nàng nói:
– Thế mà tôi cứ tưởng mọi người đều có nhà đầy đủ. Thế bao giờ anh Griska… anh Grigori Pantelevich mới về! Hôm nay chứ?
Dunhiaska đưa nhanh mắt nhìn khắp người chị láng giềng ăn mặc diêm dúa rồi trả lời miễn cưỡng:
– Anh ấy đi đăng ký rồi.
– Anh ấy hứa lúc nào sẽ về!
Vài giọt nước mắt long lanh trong khoé mắt Dunhiaska. Cô nói giọng ngắc ngứ và có vẻ trách móc:
– Thật là chị đã chọn đúng lúc… để trang điểm thế nầy… Sao chị còn chưa biết rằng anh ấy có thể không bao giờ trở về nữa?
– Tại sao lại không trở về nữa?
– Miska nói rằng ở trên trấn họ sẽ bắt giữ anh ấy… – Dunhiaska khóc với những giọt nước mắt dè xẻn đầy căm uất. Cô đưa tay áo lên lau nước mắt và kêu lên – Nó thật đáng nguyền rủa, cái cuộc sống nầy! Mà không biết tất cả chuyện ấy bao giờ mới chấm dứt? Anh ấy đi rồi là hai đứa trẻ có thể nói là như hoá điên hoá ngộ. Chúng nó không rời em nửa bước. Hết “Bố cháu đi đâu?” lại “Bao giờ bố cháu mới về!”. Mà em thì biết gì được? Đưa tiễn hai người ra sân mà trong lòng đau như cắt… Cái cuộc sống chết tiệt nầy nó còn ra sao nữa! Chẳng được một lúc nào yên tĩnh, thật là khóc lên được!
– Nếu đêm nay anh ấy không về, ngày mai tôi sẽ lên trấn hỏi xem sao. – Acxinhia nói rất lạnh nhạt, cứ như đang bàn về một câu chuyện hết sức bình thường, không đáng xúc động một chút nào.
Dunhiaska ngạc nhiên trước vẻ mặt bình tĩnh của nàng. Cô thở dài:
– Bây giờ thì xem ra không còn có thể chờ anh ấy được nữa đâu. Anh ấy về đây chỉ để chịu khổ?
– Tạm thời còn chưa biết sẽ thế nào đâu! Thôi cô đừng khóc nữa, nếu không hai đứa nhỏ lại tưởng… Tôi về nhé!
Đến tối mịt Grigori mới về. Chàng ở nhà một lát rồi sang với Acxinhia.
Những điều lo lắng khắc khoải mà nàng vừa phải chịu đựng một ngày dài đằng đẵng cũng có phần giảm bớt cái vui khi trông thấy nhau. Đến lúc trời sắp hoàng hôn thì Acxinhia có cảm tưởng như mình đã phải làm quần quật suốt ngày, không được rướn lưng lên một lần nào. Chờ đợi mãi đâm ra nản lòng và mệt mỏi, nàng bèn nằm xuống giường ngủ thiếp đi một lát, nhưng vừa nghe thấy tiếng bước chân bên ngoài cửa sổ, nàng đã nhảy chồm dậy, lẹ như hồị còn con gái.
– Tại sao anh không cho em biết rằng anh lên Vosenskaia? – Nàng ôm lấy Grigori, vừa hỏi vừa giúp chàng cởi những cái khuy áo ca- pốt.
– Anh vội quá, không kịp nói.
– Còn em và Dunhiaska thì khóc hết nước mắt, cả hai cứ tưởng anh không về nữa.
Grigori mỉm cười dè dặt.
– Không, chưa đến nỗi như thế đâu. – Chàng lặng đi một lát rồi lại nói thêm – Tạm thời còn chưa đến nỗi như thế đâu.
Chàng khập khiễng bước tới bên cạnh cái bàn ngồi xuống. Qua cánh cửa mở toang có thể nhìn thấy gian nhà trong, cái giường gỗ rộng kê ở góc phòng, chiếc rương với những chỗ ốp đồng sáng bềnh bệch. Tất cả ở đây đều vẫn như hồi còn là một thanh niên, chàng thường mò sang bên nầy những lúc Stepan vắng nhà. Gần như chàng không nhận thấy có sự thay đổi nào cả, tựa hồ thời gian đã trôi qua nhưng quên không ngó vào căn nhà nầy. Ngay đến những hương vị xưa kia cũng còn được giữ nguyên: vẫn nồng nặc cái mùi ngây ngất của men rượu mới, mùi sàn nhà lau rửa sạch sẽ và mùi bách lý hương héo thoang thoảng. Grigori có cảm tưởng như lần trước mình mới ra khỏi nơi nầy chưa được bao lâu, vào một buổi sáng, nhưng thật ra tất cả các việc đó đã xảy ra lâu lắm rồi…
Chàng nén tiếng thở dài, bắt đầu từ từ cuốn một điếu thuốc, nhưng không hiểu sao hai tay cứ run lên, làm thuốc rơi lả tả xuống đầu gối.
Acxinhia vội vã bày bàn ăn. Món mì đã nguội tanh, phải hâm lại mới được. Nàng bèn chạy ra nhà kho vơ lấy một ít củi vụn rồi bắt đầu nhóm lửa trên đống than trước lò. Nàng thở hổn hển, mặt hơi tái đi. Trong khi thổi những hòn than cháy rực toé ra những tia lửa đỏ, nàng vẫn kịp đưa mắt nhìn Grigori gù lưng xuống lặng lẽ hút thuốc.
– Công việc của anh ở trên ấy thế nào? Tất cả đều ổn thoả rồi chứ?
– Mọi việc đều rất tốt.
– Không biết tại sao Dunhiaska cứ nói rằng thể nào anh cũng bị bắt? Cô ấy đã làm em sợ chết đi được.
Grigori cau mày ném điếu thuốc đi, đầy vẻ tức tối.
– Thằng Miska đã thở vào tai nó như thế đấy. Cái thằng ấy, lúc nào nó cũng nghĩ tới chuyện đem tai vạ đổ lên đầu anh.
Acxinhia bước tới gần cái bàn. Grigori nắm lấy tay nàng.
– Mà em có biết không, – chàng ngước nhìn vào mắt nàng và nói – Tình hình anh cũng không ổn lắm đâu. Chính anh cũng đã nghĩ rằng mình đặt chân vào cái phòng chính trị ấy rồi sẽ không ra khỏi đấy nữa. Dù sao anh cũng đã chỉ huy một sư đoàn trong cuộc bạo động, với cái hàm trung uý… Trong lúc nầy họ đang muốn nắm chắc trong tay những thằng như anh đấy.
– Thế họ đã nói với những anh những gì?
– Họ đưa cho một bản tự khai để anh điền vào. Đó là một tờ giấy trên đó phải ghi lại toàn bộ thời kỳ đi lính. Nhưng chữ nghĩa của anh thì tồi lắm. Cha sinh mẹ đẻ không bao giờ phải viết nhiều đến như thế. Anh phải ngồi hai tiếng đồng hồ để viết lại tất cả mọi việc mình đã làm. Rồi lại có thêm hai người nữa vào trong phòng, họ hỏi tất cả mọi chuyện về cuộc bạo động. Họ ra vẻ cũng chẳng đến nỗi nào, đều là những anh chàng nhã nhặn. Anh chàng cao cấp hơn hỏi: “Đồng chí có muốn uống trà không? Nhưng chỉ có đường hoá học thôi”. Anh nghĩ thầm: trong lúc nầy thì còn trà với triếc cái gì? Chỉ cốt sao hai cái cẳng tao còn đưa ra được toàn vẹn ra khỏi chỗ chúng mày là tốt. – Grigori nín lặng một lát rồi nói thêm bằng một giọng khinh bỉ như nói về người khác – Anh đã khá nhu nhược trong việc đền nợ cũ Anh đã sợ.
Chàng cảm thấy bực bội với chính mình vì ở đấy, trên Vosenskaia, chàng đã nhát gan và không đủ sức chống lại sự sợ hãi xâm chiếm lòng mình. Chàng càng bực mình gấp bội vì nỗi lo lắng của chàng hình như chẳng có căn cứ gì cả. Bây giờ thì tất cả những điều mà chàng cảm thấy trong lúc đó đều có vẻ vừa buồn cười vừa đáng nhục. Chàng đã nghĩ về chuyện ấy trên đường về, có lẽ chính vì thế nên bây giờ chàng vừa kể lại tất cả vừa chế giễu mình và cũng có phần thổi phồng các cảm xúc của mình.
Acxinhia chăm chú nghe chàng kể lại rồi nhẹ nhàng rút tay ra và đi tới chỗ bếp lò. Nàng khơi to ngọn lửa, hỏi:
– Nhưng sau nầy sẽ như thế nào?
– Một tuần nữa anh lại phải đi đăng ký.
– Anh nghĩ rằng dù sao người ta cũng sẽ bắt anh à?
– Xem ra thì như thế đấy. Sớm hay muộn chúng nó cũng sẽ bắt thôi.
– Nếu vậy chúng ta sẽ làm thế nào bây giờ? Chúng mình sẽ sống thế nào bây giờ, anh Griska?
– Anh cũng không biết. Nhưng chuyện ấy cứ để lúc khác hãy bàn.
– Em có nước rửa không thế?
Hai người ngồi vào bàn ăn tối, và cái hạnh phúc trọn vẹn mà Acxinhia cảm thấy lúc sáng quay trở lại với nàng. Grigori đang ngồi đây, ngay bên cạnh nàng. Bây giờ thì có thể nhìn chàng không rời mắt mà không lo có người khác rình mò ánh mắt của mình, có thể dùng cặp mắt nói ra tất cả mọi điều, không chút giấu giếm, không chút ngượng ngùng. Lạy Chúa tôi, nàng đã đau khổ mong nhớ chàng đến ngần nào, tấm thân của nàng đã chờ đợi bao lâu nay hai bàn tay to lớn và thô bạo nầy! Nàng gần như không đụng tới các món ăn mà chỉ hơi ngả người về phía trước nhìn Grigori ăn lấy ăn để, cặp mắt mờ đục của nàng âu yếm vuốt ve khuôn mặt, cái cổ ngăm ngăm bó chặt trong cái cổ đứng của áo quân phục, cặp vai rộng, hai bàn tay nặng nề đặt trên bàn. Nàng thèm khát, ra sức hít cái mùi mồ hôi đàn ông nồng hắc toả ra từ người chàng lẫn với mùi thuốc lá, cái mùi quen thuộc và thân thiết chỉ có ở một mình chàng. Dù bịt mắt lại, nàng chỉ cần ngửi thấy cái mùi ấy cũng có thể phân biệt được Grigori của nàng với hàng ngàn người đàn ông khác. Hai làn má của nàng đỏ rực lên, tim nàng đập dồn dập, đập thình thịch. Tối nay nàng không thể nào làm trọn nhiệm vụ của một bà chủ nhà đãi khách chu đáo, vì ngoài Grigori ra, nàng không còn nhìn thấy chung quanh mình có gì khác nữa. Nhưng chàng cũng không đòi nàng phải săn sóc cho mình: chàng tự tay lấy bánh mì, đưa mắt tìm thấy cái đựng muối trên lò sưởi, tự múc lấy đĩa mì thứ hai.
– Anh đang như một con chó đói ấy. – Chàng mỉm cười nói như tự bào chữa. – Từ sáng chưa được miếng nào vào bụng.
Và mãi lúc nầy Acxinhia mới chợt nhớ nhiệm vụ của mình. Nàng vội vã đứng chồm lên:
– Chao ôi, sao mà đầu óc em nó mụ ra mất rồi? Có cả bánh phó mát lẫn bánh tráng mà em quên khuấy đi mất! Anh ăn thịt gà đi! Ăn thật nhiều vào, anh yêu của em! Em mang ra ngay đây.
Nhưng chàng đã ngồi ăn lâu và tận tình biết bao? Làm cứ như hàng tuần nay không được cho ăn không bằng: Acxinhia kiên nhẫn chờ đợi, nhưng rồi nàng cũng không nhịn được nữa: nàng đến ngồi bên cạnh Grigori, đưa tay trái níu đầu chàng vào với mình, còn tay phải thì với lấy chiếc khăn thêu sạch, tự tay lau cặp môi và cái cằm chảy mỡ của người yêu rồi nín thở, áp chặt môi mình vào môi chàng, hai con mắt lim dim toé ra những tia màu da cam trong bóng tối.
Thật ra con người ta muốn cảm thấy hạnh phúc cũng không cần nhiều gì cho lắm. Dù sao tối hôm ấy Acxinhia cũng đã được hưởng hạnh phúc.