Đọc truyện Sống Chung Với Mẹ Chồng – Chương 13: Cuộc đối đầu khó chịu
Trời tháng bảy nóng như đổ lửa, hoa nở rực rỡ, là một khoảng thời gian đẹp
để đi du lịch. Cơ quan của bố chồng tổ chức cho các cán bộ lãnh đạo bậc
trung tới sơn trang Thừa Đức để nghỉ mát, sau bữa cơm, mẹ chồng đang
giúp chồng thu dọn hành lý hôm sau cần mang, áo sơ mi, quần, bàn chải
đánh răng, xà phòng thơm, thậm chí còn có dầu gió, tất cả đều vô cùng
đầy đủ. Bố chồng đứng cạnh nói:
– Ở trong khách sạn cái gì mà không có, mang vài bộ quần áo là được rồi.
Mẹ chồng lại nhét một lọ thuốc đau bụng vào túi:
– Cứ mang thêm một chút, ở ngoài không bằng ở nhà. Thuốc này để vào đây cho anh nhé, dạ dày anh không tốt, thức ăn bên ngoài không sạch sẽ, ngộ nhỡ bị đau bụng thì uống một viên, có tác dụng lắm. Anh quên năm đó,
không biết anh ăn cái gì ở ngoài, về nhà són hết cả ra quần, em lại phải lau chùi giúp anh.
Đúng lúc đó Hy Lôi ở trong bếp đi ra, nghe thấy câu này, mặt bố chồng đỏ bừng:
– Nói cái gì thế? Không còn gì để nói à?
– Còn xấu hổ nữa chứ.
Hứa Bân lúc này mới mở cửa bước vào.
– Con trai, sao hôm nay về nhà muộn thế, không về nhà ăn cơm cũng không nói một tiếng.
– Hôm nay có tiệc, ngày mai con phải cùng luật sư Hình đi làm án, chắc phải một tuần.
Hy Lôi vừa nghe Hứa Bân nói thế, tim đã thót lại, Hứa Bân cũng đi công
tác, bố chồng thì đi du lịch, nghĩa là ở nhà chỉ còn mỗi Hy Lôi với mẹ
chồng. Vừa nghĩ thế Hy Lôi đã thấy buồn muốn chết đi được.
Hứa Bân thấy mẹ thu xếp hành lý cho bố thì vô tư gọi Hy Lôi:
– Bà xã, giúp anh thu xếp hành lý đi! – Hy Lôi lườm anh một cái rồi đi vào phòng ngủ.
Hai người vừa vào phòng, nước mắt Hy Lôi đã tuôn rơi, lưu luyến ôm chặt Hứa Bân:
– Em không muốn anh đi đâu.
Sự quyến luyến của Hy Lôi khiến Hứa Bân phút chốc cũng trở nên thật dịu dàng, khẽ khàng an ủi:
– Ngoan nào, anh chỉ đi có mấy ngày, về nhà nhanh thôi. Chẳng phải ngày nào em cũng nói sự nghiệp của anh không có khởi sắc gì sao, bây giờ anh làm việc kiếm tiền để mua quần áo mới cho em còn gì.
– Anh đi để một mình em ở nhà, em làm thế nào đây! – Hy Lôi tủi thân chu miệng.
– Sao lại một mình! Còn có mẹ anh mà!
Hy Lôi nghĩ bụng, chính vì có mẹ chồng nên mới khó chịu. Không phải cô
chưa từng sống những ngày tháng độc thân, cuối tuần đi leo núi với bạn
bè, đi bơi, đi hát hoặc vào bar, tự do tự tại biết bao nhiêu. Giờ có mẹ
chồng rồi, chắc chắn là không được như thế nữa.
Hy Lôi thở dài, không nói gì nữa, lặng lẽ giúp Hứa Bân thu dọn mấy bộ quần áo, chán nản nằm lên giường rồi ngủ thiếp đi.
Sáng sớm, mẹ chồng dậy từ rất sớm làm bữa sáng cho Hứa Bân, đôi mắt hiền từ nhìn con trai ăn xong:
– Ăn đi! Ra ngoài phải chú ý sức khỏe, ở khách sạn đừng bật điều hòa
lạnh quá, ăn cơm thì phải chọn chỗ sạch sẽ. – Rồi bà còn dặn dò rất
nhiều việc khác. Khi đi, Hy Lôi tiễn Hứa Bân ra tận cửa.
Nhìn ánh mắt buồn bã của Hy Lôi, Hứa Bân lại thấy đau lòng, nói:
– Ngoan nhé, anh về nhanh thôi! – Mẹ chồng đưa Hứa Bân ra tới cửa thang máy, cười nói:
– Yên tâm đi, có mẹ đây mà! – Hy Lôi đứng ở cửa sổ nhìn Hứa Bân xách
túi hành lý bước từng bước dài ra khỏi tiểu khu, nước mắt không kiềm chế được lại rơi ra.
2.
Cả buổi sáng Hy Lôi chả có tâm trạng nào mà đọc bản thảo, mở máy tính
ra chơi bài, chơi được mấy ván lại thấy chán, thế là ra chỗ máy nước để
rót nước, rồi thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ. Tiểu Lộc thấy Hy Lôi có vẻ
buồn rầu không vui thì hỏi:
– Lại làm sao thế?
– Hứa Bân đi công tác rồi. – Hy Lôi ngậm ngùi đáp.
– Ồ, cưới nhau bao nhiêu lâu rồi mà vẫn còn dính nhau thế, mới đi có mấy tiếng mà đã nhớ rồi à! – Tiểu Lộc trêu.
– Cậu thì biết gì? Không phải vì cái này. Anh ấy đi công tác, bố chồng cũng đi chơi, ở nhà còn mỗi tớ với mẹ chồng.
– Ồ, tớ biết rồi. Thế thì cậu về nhà muộn một chút, buổi chiều tan làm thì tới nhà mới của tớ, xem nhà mới thế nào, được không?
Nhà mới của Tiểu Lộc đã bắt đầu trang trí lại, mặc dù người ta bận rộn
cả ngày, nhưng lại vui vẻ như một chú chim sẻ, ngày nào cũng lên mạng
tìm kiếm hình ảnh, tan làm là đi dạo quanh các khu chợ bán đồ trang trí
nội thất, tranh thủ thời gian đi xem tiến độ hoàn thành ngôi nhà của
mình, một lòng một dạ lo cho ngôi nhà mới.
Vừa nhắc tới chuyện nhà cửa là Hy Lôi lại càng buồn hơn:
– Tớ không đi, tớ ghen tị với cậu!
– Ha ha ha, cậu cứ ra sức mà ghen tị với tớ đi.
Trước khi tan làm, Hy Lôi vốn định cùng Tiểu Lộc đi xem nhà mới thật, nhưng mẹ chồng phá lệ gọi điện thoại tới:
– Hy Lôi này, tan làm thì về nhà đúng giờ nhé, đừng ăn cơm ở ngoài.
– Con biết rồi! – Hy Lôi chán nản nhìn Tiểu Lộc một cái. – Không đi nữa, mẹ chồng gọi tớ về nhà ăn cơm.
Về tới nhà, mẹ chồng hình như đã ăn cơm xong, đang ngồi trong phòng khách đọc báo, thấy Hy Lôi về bèn nói:
– Cơm ở trên bàn ấy.
Hy Lôi rửa tay rồi vào phòng bếp, trên cái bàn ăn rộng lớn chỉ có một
đĩa khoai tây xào, một đĩa thức ăn mặn, cái màn thầu đã nguội ngắt và ít cháo loãng. Chẳng phải gọi điện giục cô về nhà ăn cơm sao? Hy Lôi còn
tưởng là mẹ chồng nấu món ăn nào ngon, bỗng dưng cảm giác thê lương trào lên trong lòng. Cô đành ăn hết bát cháo nhỏ với mấy miếng khoai tây,
sau đó ăn một cái màn thầu rồi lặng lẽ đi rửa bát.
Ăn cơm xong, mẹ chồng vẫn đang ngồi đọc báo trong phòng khách, tivi
cũng bật lên. Tối hôm đó đài Hồ Nam có một tiết mục phỏng vấn một ca sĩ
mà Hy Lôi thích nhất, nếu là bình thường thì Hứa Bân sẽ chiều theo sở
thích của Hy Lôi, chuyển sang tiết mục mà cô muốn xem, mẹ chồng cũng
chẳng nói gì, còn lúc này, mẹ chồng đã bỏ báo xuống, bắt đầu xem vở
kịch Hôn nhân là vàng, Hy Lôi do dự một lát rồi đi vào phòng mình.
Gọi điện thoại cho Hứa Bân nhưng lại không có tín hiệu.
Buổi sáng đi làm, cô nói với Tiểu Lộc nghe chuyện mẹ chồng nấu cơm tối, Hy Lôi vô cùng tức giận:
– Rõ ràng là hai người thân quan trọng với bà ấy không có nhà nên đồ ăn lập tức thay đổi, gọi điện thoại dặn tớ đừng ăn cơm ở ngoài nhưng quay
về, cậu đoán bà ấy cho tớ ăn cái gì? Một đĩa khoai tây xào, đĩa thịt
mặn. Bình thường con trai mà có nhà thì trên bàn ăn lúc nào cũng phải
bảy, tám món, chỉ tiếc là không thể gắp hết thức ăn trên bàn cho con
trai.
Tiểu Lộc cười:
– Bà ấy không nấu cơm thì cậu tự vào bếp, muốn ăn gì thì tự làm.
– Cái bếp đó tớ vào được à, cậu không biết đâu, đừng nói là nấu cơm,
buổi tối tớ vào bếp tìm cái gì đó ăn cũng sẽ đi theo tớ, hỏi tớ tìm gì.
Tớ mà nấu được bữa cơm, không nói tớ cho nhiều dầu thì cũng bảo tớ rửa
rau lãng phí nước, sau đó tớ chẳng vào bếp nữa. Ở trong cái nhà đó, mọi
nơi đều là thiên hạ của bà ấy, tớ chỉ là một người khách trọ, một người
khách trọ không có bất cứ bí mật hay đời tư nào.
Tiểu Lộc kiên nhẫn nghe Hy Lôi tố khổ, bất lực lắc đầu.
Trước khi tan làm, mẹ chồng lại gọi điện thoại tới, Hy Lôi vẫn về nhà
đúng giờ. Vừa vào nhà, thấy mẹ chồng đang bận rộn gì đó trong bếp, nồi
cơm điện đang bốc khói nghi ngút, mùi thơm của cơm lan tỏa khắp phòng,
trong chảo cũng đang xào cái gì đó. mẹ chồng thấy Hy Lôi về bèn nói:
– Phải chờ thêm lát nữa, sắp xong rồi. – Hy Lôi nhớ lại những lời chê
trách của mình về mẹ chồng sáng nay ở cơ quan, trong lòng thầm thấy hơi
xấu hổ.
Lúc này, điện thoại của Hy Lôi đổ chuông, là một độc giả nhiệt tình
thường xuyên viết thư cho Hy Lôi, đã từng có nhiều ý kiến rất hữu ích
cho tạp chí, vài lần trò chuyện với nhau, coi nhau như những người bạn
dù chưa từng gặp mặt. Mấy hôm trước, tòa soạn thực hiện một hoạt động
điều tra độc giả, sau đó bầu chọn độc giả nhiệt tình nhất, gửi cho họ
mấy món quà nhỏ, trong đó có vị độc giả này. Đó là một độc giả nữ, tên
là Tiểu Uyển, giọng nói trong điện thoại rất ngọt ngào, nói là đã nhận
được quà mà tạp chí gửi tới, rất cảm ơn Hy Lôi, bây giờ cô đang ở gần
nhà Hy Lôi, muốn gặp Hy Lôi để cảm ơn cô.
Hy Lôi có lẽ ngày trước trong lúc nói chuyện đã đề cập tới vị trí nhà
mình, không ngờ Tiểu Uyển lại nhớ, còn tới đây thăm. Hy Lôi thấy hơi cảm động, luôn miệng nói:
– Được rồi, em chờ nhé, chị xuống luôn.
– Mẹ, con ra ngoài một lát rồi về ngay.
Ra tới cổng tiểu khu, từ đằng xa đã nhìn thấy một cô gái mặc cái váy
liền màu trắng, trong tay cầm một bó hoa, đang đứng giữa dòng người qua
lại, trông vô cùng nổi bật. Hy Lôi lại gần, vui vẻ chào:
– Hi, em là Tiểu Uyển phải không?
Tiểu Uyển trông còn rất trẻ, chỉ khoảng 20 tuổi, trên mặt vẫn còn vẻ e
thẹn của một cô gái mới lớn, được gặp biện tập viên mà mình ngưỡng mộ,
cô bé hơn rụt rè:
– Là chị Hy Lôi phải không ạ? Em là Tiểu Uyển. Em rất thích tạp chí của các chị, thích những bài viết mà chị viết.
– Cảm ơn em! Bọn chị chắc chắn sẽ nỗ lực hơn để tạp chí càng ngày càng tốt. Em từ xa chạy tới thăm chị, chị cảm động lắm.
Tiểu Uyển cúi thấp đầu, xấu hổ cười:
– Chị mới làm em cảm động, em có bao nhiêu ý kiến với tạp chí của chị,
thế mà còn chọn em làm độc giả nhiệt tình, tặng em một món quà rất đẹp.
Em vui lắm. – Món quà của tạp chí thực ra chỉ là một bộ mỹ phẩm, có lẽ
là món quà mà cô gái nào nhìn thấy cũng thích, không ngờ lạ đem lại niềm vui lớn như thế cho Tiểu Uyển.
Tiểu Uyển đưa bó hoa trong tay cho cô. Đó là một bó hoa thạch trúc màu tím rất dễ thương:
– Chị, cái này em mua trên đường đến đây. Cảm ơn chị, em sẽ tiếp tục
ủng hộ các chị. Chúc chị vui vẻ, tạm biệt! – Nói xong, cô bé quay người
bỏ đi. Đúng là một cô gái dễ thương. Hy Lôi nhìn theo cái dáng cô đi đã
xa, phảng phất như nhìn thấy mình hồi 20 tuổi, ngây thơ, mơ mộng, nhìn
thế giới toàn một màu hồng, trong lòng bỗng thấy cảm ơn cô bé vì chút
niềm vui và niềm hạnh phúc nho nhỏ mà cô bé mang lại.
Về tới nhà, mẹ chồng đã nấu xong cơm, thấy Hy Lôi về, có vẻ không vui:
– Con đi đâu mà lâu thế.
Hy Lôi cắm bó hoa trong tay vào lọ hoa, niềm vui trong lòng vẫn còn đong đầy:
– Một độc giả nhiệt tình tới thăm, tòa soạn bọn con tổ chức hoạt động
bốc thăm, cô ấy trở thành người may mắn, được tặng một món quà nhỏ, cô
ấy vui quá nên tặng bó hoa cảm ơn con. Đẹp không mẹ?
Mẹ chồng nhìn những bông hoa trong tay Hy Lôi, cảnh giác hỏi:
– Độc giả nhiệt tình? Nam hay nữ?
– Con gái ạ. Tạp chí của bọn con chuyên dành cho con gái đọc mà, con trai ai đọc mấy thứ đó.
Mẹ chồng “ồ” một tiếng rồi nói:
– Ăn cơm thôi.
Hy Lôi cũng đói rồi, vừa nhìn vào mâm cơm, thấy một đĩa gì đó dính dính màu vàng, đó là món dưa muối Thúy Hoa rất nổi tiếng, mẹ chồng vốn là
người Đông Bắc, nhưng bà không lớn lên ở Đông Bắc, bởi vậy bà không học
được cách làm chính tông món ăn này, ngày trước từng làm một lần, bị Hứa Bân đánh giá là siêu khó ăn, nên không bao giờ làm nữa. Hy Lôi thì chưa ăn dưa Đông Bắc bao giờ, nhưng cũng cảm thấy món ăn này của mẹ chồng
không ngon mấy, giống như rau cải thảo ninh với thịt ấy.
Mẹ chồng lại bắt đầu tuyên truyền về ẩm thực quê hương:
– Đây là dưa muối Đông Bắc, ăn thử xem.
Hy Lôi không kén ăn như Hứa Bân, xới một bát cơm, gắp vài miếng rau cải thảo và mấy miếng thịt nạc nạc, và nhanh hết bát cơm. Mẹ chồng thấy Hy
Lôi không ăn mấy thức ăn thì có vẻ không vui, cau mày:
– Sao thế, không ngon à? Bọn trẻ các chị sao mà kén ăn thế, không biết là thích ăn cái gì nữa?
– Không phải ạ, con ăn no rồi. – Hy Lôi vội vàng giải thích.
Chờ mẹ chồng ăn cơm xong, số dưa trong đĩa hầu như bà cũng không động đến. Cuối cùng bà cất vào tủ lạnh.
Khoảng hơn 9 giờ, Hứa Bân gọi điện thoại về máy bàn ở nhà, mẹ chồng chạy nhanh như bay nghe điện thoại:
– Con trai à, ăn cơm chưa? Hả, ở đâu? À, sao không gọi điện về nhà, ở
núi, di động không có tín hiệu à? Ở nhà mọi việc đều tốt, con yên tâm.
Hy Lôi cũng lại gần, đứng một bên để nghe. Mẹ chồng vẫn nói liên tu bất tận, không có ý nhường điện thoại cho cô:
– À, buổi tối nhớ đắp chăn, cẩn thận kẻo bị cảm lạnh, ăn cơm đúng giờ
nhé! Còn việc gì nhỉ? Chú ý an toàn, không có việc gì thì mẹ cúp nhé,
gọi đường dài đắt lắm. Cúp nhé?
Mẹ chồng không hề do dự, cúp điện thoại, nhưng Hy Lôi nghe thấy rõ ràng là ở bên kia Hứa Bân bảo gọi Hy Lôi ra nghe điện thoại. Mẹ chồng quay
sang nói với Hy Lôi:
– Hứa Bân tất cả vẫn ổn, con yên tâm! – Hy Lôi chán nản bỏ về phòng,
nhìn điện thoại di động của mình, trong lòng thầm chửi Hứa Bân, đồ ngu
ngốc, không biết đường mà gọi và di động hay sao.
Hơn 10 giờ, Hy Lôi bỗng dưng cảm thấy đói ghê gớm, biết là vì lúc tối
mình ăn không no. Ở nhà cũng chẳng có đồ ăn vặt gì, tự nhiên cô rất nhớ
mùi vị mì gói mà các cô gái ở ký túc xá vẫn lén nấu ăn với nhau. Lúc này mẹ chồng đã về phòng ngủ.
Cứ như có con sâu cào trong bụng, càng lúc càng khó chịu, Hy Lôi không
nhịn nổi nữa, đi vào phòng bếp, bật lửa lên nấu cho mình một gói mì, rồi lại đập thêm một quả trứng, cho vài cọng rau cải vào. Không ngờ lúc đó
mì gói lại ngon như vậy. Hy Lôi ngồi trước bàn ăn, húp nước sì sụp.
Mẹ chồng bỗng dưng lặng lẽ xuất hiện trước mặt Hy Lôi, Hy Lôi ngẩng đầu lên, giật nảy mình:
– Mẹ, mẹ chưa ngủ à?
– Tối ăn chưa no à?
– Dạ không phải, chỉ là tự nhiên ban nãy thấy đói quá thôi ạ.
– Nấu cơm thì không ăn, đói thì chẳng phải trong tủ lạnh còn thức ăn
thừa sao? Mì gói có gì đâu mà ngon. Trước khi ngủ còn ăn cái này không
sợ béo à.
– Con có béo đâu, con không sợ.
Mẹ chồng lại cằn nhằn mấy câu, thấy Hy Lôi không lên tiếng, lại sa sầm mặt đi vào phòng ngủ.
Hy Lôi húp mì soàn soạt, nhai ngon lành mấy cọng rau, như cố tình muốn phát tiết nỗi tức giận trong lòng.
3.
Đã là ngày thứ ba từ hôm Hứa Bân đi, Hy Lôi cảm giác nó dài như ba năm, cuối cùng cũng hiểu câu “một ngày không gặp như đã ba thu”. Buổi trưa,
anh mới gọi điện thoại di động cho Hy Lôi, vừa nghe thấy giọng nói quen
thuộc của Hứa Bân, nước mắt Hy Lôi đã không kìm chế được, lăn ra:
– Sao giờ anh mới gọi điện thoại cho em.
– Hi hi, nhớ anh rồi hả, lúc anh ở nhà thì không đối xử tốt với anh,
bây giờ hối hận rồi phải không? – Hứa Bân vẫn còn tâm trạng để đùa, nghe thấy tiếng nghẹn ngào của Hy Lôi, anh lại an ủi. – Còn mấy ngày nữa là
anh về rồi. Anh bận lắm, em tưởng anh đi chơi à. Ngoan nhé, đừng cãi
nhau với mẹ.
Vừa nghe nói câu này, Hy Lôi lại nổi giận:
– Ai thèm cãi hau với bà ấy? Ăn cơm cũng chẳng ăn no, làm gì còn sức mà cãi nhau?
– Sao lại ăn không no?
– Anh về nhìn thì biết, nhưng mà anh về chắc cũng chẳng nhìn thấy đâu. Thôi bỏ đi, không nói nữa.
Buổi chiều về đến nhà, bữa tối chỉ còn lại một đĩa dưa, làm nóng lại,
nó phả ra cái mùi gì đó khó chịu khiến axit trong dạ dày Hy Lôi như muốn trào ngược lên. Thực sự không thể ăn được nữa, cô đành phải ăn cơm với
tương ớt. Mẹ chồng đang ăn dưa rất ngon lành, thấy thế bèn hỏi:
– Khó ăn thế sao? Vất vả nấu ăn cho chị mà chị không ăn miếng nào? Chê không ngon thì đừng về nhà ăn cơm.
Hy Lôi không nói gì, hằm hằm bỏ ra ngoài.
Trưa ngày thứ tư, Hy Lôi ngồi ở quán ăn gần cơ quan, một mình cô gọi
một cái đầu cá, thịt sốt chua ngọt, mấy món rau và một bát canh trứng,
ăn ngon lành một bữa, ngay cả bản thân cô cũng phải kinh ngạc với khả
năng ăn của mình. Ăn no xong, tâm trạng cô cũng tốt hơn rất nhiều.
Trên đường về nhà, Hy Lôi còn đang nghĩ, dù sao thì lúc trưa cũng ăn no rồi, buổi tối cho dù mẹ chồng làm món gì cũng cứ ăn vài miếng lịch sự
là được rồi.
Quả nhiên, mẹ chồng lại hâm lại cái món dưa ấy, sau đó cho thêm ít mì
vào nấu chung, Hy Lôi thấy thế đã buồn nôn. Mẹ chồng liếc biểu cảm trên
mặt Hy Lôi, ngước mắt lên nói:
– Không muốn ăn thì tự làm mà ăn. Hồi Hứa Bân học đại học, tôi ở nhà
toàn ăn thế này cho đơn giản! Cũng có chết đâu! Chị cao quý quá nên
không ăn được à?
Cuối cùng Hy Lôi không nhịn được, phản bác một câu:
– Sao mẹ không cho Hứa Bân ăn những món này? Con có nói gì đâu, con không ăn là được chứ gì.
Mẹ chồng á khẩu, đúng lúc đó điện thoại di động của Hy Lôi đổ chuông,
một số điện thoại lạ. Nhấc máy nghe, là một giọng đàn ông như quen như
lạ:
– Hy Lôi, là tớ đây. Tớ về thành phố A rồi, cậu có thời gian không? Có thể ra ngoài gặp mặt không?
Thì ra là giọng của Châu Cường. Hy Lôi nhìn thấy anh mắt hoài nghi của
mẹ chồng, lập tức kìm nén niềm vui trong lòng, cố làm ra vẻ bình thản:
– Là cậu ạ, cậu tới công tác à?
– Tớ cố ý tới thăm cậu, có thời gian không, tiện không?
Hy Lôi đang chán ở nhà đến tận cổ, lập tức đồng ý:
– Được thôi, ở đâu? Tớ qua luôn!
Hẹn thời gian xong xuôi, thấy quần áo mặc trên người có vẻ đã bẩn, cô
bèn vào phòng thay một bộ quần áo mới. Mẹ chồng đã đuổi theo vào:
– Ai thế, ai hẹn chị?
– Một bạn học cũ hồi đại học.
– Con trai hay con gái?
Hy Lôi vốn định nói dối là con gái, nhưng tự nhiên nghĩ lại, dù sao
mình cũng quang minh chính đại, nói dối thì cứ như thể mình chột dạ vậy, nên thoải mái đáp:
– Con trai.
– Không được đi! – Mẹ chồng bỗng dưng nói gay gắt. – Là con trai thì không được đi.
– Con trai thì làm sao, trên thế giới này ngoài con gái thì là con trai, sao lại không thể đi?
– Không được đi tức là không được đi. Chị mà đi, về nhà tôi sẽ mách Hứa Bân.
– Mẹ cứ mách đi, có phải con làm việc gì mất mặt đâu, chẳng nhẽ con
không còn quyền tự do cá nhân, không còn quyền giao tiếp xã hội à! – Hy
Lôi mở cửa đi ra ngoài, cánh cửa bị đóng sầm lại. Chắc chắn không phải
là cô mà do mẹ chồng giận quá nên đóng mạnh cửa, ngay cả tiếng hét phẫn
nộ của bà cũng bị đóng lại sau lưng.
4.
Một quán ăn Tây với cách bài trí rất trang nhã, tiếng nhạc du dương,
khi Hy Lôi tới, Châu Cường đã gọi cho cô món thịt bò bít tết rắc hạt
tiêu mà cô thích ăn nhất, thịt tái, vẫn còn một chút máu, đang bốc khói
nghi ngút. Nhìn thấy đồ ăn ngon, trái tim ban nãy còn đập thình thịch
của Hy Lôi trong giây phút bình yên trở lại.
– Chưa ăn cơm phải không? Không biết cậu có còn thích món này nữa không?
– Thích! – Ngẩng đầu lên nhìn Châu Cường, mấy năm không gặp, trên gương mặt người đàn ông này là vẻ đẹp trai của một người trưởng thành, giọng
nói cũng trở nên trầm trầm và chín chắn hơn. Chỉ có sự quan tâm, chu đáo của anh là vẫn không hề thay đổi.
Hy Lôi cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều tới hình tượng của mình, mặc dù trưa
nay cô đã ăn rất no, nhưng giờ là hơn 7 giờ tối, cô cũng đói rồi, thế là cô cầm dao nĩa lên, cắt miếng thịt bò thành nhiều miếng nhỏ rồi ăn ngon lành. Ngẩng đầu lên, cô mới thấy Châu Cường đang mỉm cười nhìn cô âm
yếm.
– Cậu vẫn như thế, chẳng thay đổi chút nào cả, không màu mè, chân thực, đáng yêu.
– Nhưng cậu thì thay đổi rồi.
Châu Cường tỏ ra hơi mất tự nhiên:
– Ồ? Vậy sao? Thay đổi chỗ nào?
– Trưởng thành, chín chắn hơn.
– Vậy sao? Tớ thì cảm thấy hình như mình già đi rồi, thích nhớ lại
chuyện cũ, nhớ hồi học đại học, nhớ những ngày tháng bọn mình vui vẻ
cùng nhau. – Nghe Châu Cường càng lúc càng nói những câu thâm tình, Hy
Lôi thấy hơi sợ. Vừa nãy cô thản nhiên thể hiện sự trong sáng của mình
trước mặt mẹ chồng, rằng mình chỉ đi gặp gỡ một người bạn bình thường,
cô không muốn vào lúc Hứa Bân không có nhà, cô lại biến cuộc gặp này
thành một buổi hẹn hò với người tình cũ. Thế là cô vội vàng nói lảng
sang chủ đề khác:
– Haiz! Sao cậu không ăn gì thế? Để nguội là không ngon đâu.
– Ồ! – Châu Cường cúi đầu ăn mấy miếng rồi lại ngẩng đầu lên, – Hy Lôi, cậu hạnh phúc không? Nói cho tớ biết, cậu hạnh phúc không? Từ lần trước gọi điện thoại cho cậu, nghe giọng điệu của cậu trong điện thoại tớ đã
rất lo lắng, vẫn muốn tới thăm cậu, nhưng khi đó công ty mới đi vào hoạt động, không thể bỏ đi được. Cậu sống thế nào?
– Ờ, đúng rồi, sao cậu đột nhiên lại tới đây, vì công việc à? Hay là gặp bạn bè nào nữa? Đã tới trường mình chưa?
– Hy Lôi, cậu đừng chuyển chủ đề, nói cho tớ biết, cậu sống tốt không?
Hy Lôi nhìn vẻ mặt nghiêm túc của Châu Cường, cũng không dám giả vờ nữa:
– Lần trước chẳng phải tớ nói với cậu rồi sao? Tớ vẫn sống tốt, thực sự rất tốt.
– Cậu nói dối, biểu cảm và ánh mắt của cậu đã nói với tớ là cậu sống
không tốt! Vì sao? Anh ta đối xử không tốt với cậu phải không?
Hy Lôi luôn miệng phủ nhận:
– Không, rất tốt, rất tốt.
– Thế người nhà anh ta đối xử với cậu có tốt không?
Câu hỏi này hỏi đúng vào chỗ đau của Hy Lôi, những giọt nước mắt ấm ức suýt chút nữa lại trào ra. Cô đành gượng cười, thở dài:
– Cũng được!
Châu Cường bỗng dưng nắm tay Hy Lôi:
– Vì sao cậu lại cưới sớm như thế? Vì sao không chờ tớ? Tớ vẫn luôn tưởng rằng rồi bọn mình sẽ ở bên nhau.
Hy Lôi hoang mang rút tay ra, cứ như thể nghe thấy một câu chuyện cười, cười lạnh một tiếng:
– Chờ cậu? Cậu từng bảo tớ chờ cậu sao? Giữa chúng ta có ước hẹn gì sao?
– Tớ tưởng là cậu vẫn luôn hiểu trái tim tớ?
– Không, tớ ghét những tình cảm không đi kèm với lời hứa, như thế tớ không thấy an toàn.
Ánh mắt như lửa đốt của Châu Cường tối dần đi, buồn bã nâng cốc hồng trà lên, nói:
– Tớ vẫn luôn rất thích cậu, tớ tưởng là cậu biết. Sở dĩ tớ không tỏ
tình là vì cảm thấy bọn mình vẫn còn trẻ, tớ không thể nào hứa điều gì
đó với cậu, tớ muốn cho cậu những gì tốt nhất. Nhưng giờ khi tớ tưởng
rằng tớ đã có đủ điều kiện, có nhà có xe, có sự nghiệp, tớ tưởng là mình đã có tư cách thì không ngờ cậu đã…
– Cậu thực sự quá ngốc, hai người cùng phấn đấu để có nhà, có xe chẳng phải là có ý nghĩa hơn sao?
– Tớ có còn cơ hội không? Hy Lôi, tớ thực sự nghiêm túc, nếu cậu không
hạnh phúc thì hãy rời khỏi anh ta, chúng ta bắt đầu lại từ đầu. Anh yêu
em!
Hy Lôi bật cười, nụ cười có vẻ gì đó cay đắng. Nước mắt chạy vòng quanh mắt, nhưng cô lại vội vàng lấy giấy lau đi:
– Nếu mấy năm trước cậu nói với tớ những điều này, không biết là tớ sẽ
vui như thế nào. Muộn quá rồi, có những thứ để lỡ rồi thì sẽ không quay
lại được nữa.
Hai người đều không nói gì nữa, ngồi đối diện với nhau rất lâu, tâm
trạng dần dần ổn định lại. Châu Cường nói về trải nghiệm của anh mấy năm nay, sau khi tốt nghiệp, anh làm thêm cho một công ty phần mềm, viết
những phần mềm khô khan, rồi dần dần tích lũy kinh nghiệm, cuối cùng tự
mở một công ty phần mềm của mình, việc kinh doanh đã đi vào quỹ đạo, sự
nghiệp cũng dần thuận lợi, lại gặp nhiều cơ hội nên khoảng một năm nay,
thu nhập của anh được khoảng hơn 1 triệu nhân dân tệ, cũng coi như là
người thành công, bây giờ ở Thượng Hải anh đã mua được một căn nhà rộng
rãi ở khu phố phồn hoa nhất, còn mua xe đẹp, nhưng trong lòng anh vẫn
thấy trống rỗng, những cô gái xinh đẹp làm cùng trong tòa nhà văn phòng
với anh, không ai đi được vào trái tim anh.
Nhưng những điều này giờ đều không liên quan gì với Hy Lôi nữa rồi. Cô
nhìn ra ngoài cửa sổ, phố đã lên đèn, ở ngoài quá lâu chắc chắn là mẹ
chồng không vui, không biết bà còn thêm mắm dặm muối gì khi “tố cáo” với Hứa Bân nữa.
– Châu Cường, tớ phải về nhà đây!
Châu Cường vẫn muốn giữ Hy Lôi lại quán trà, nhưng cô kiên quyết đòi về.
– Hy Lôi, cậu nhớ nhé, cho dù lúc nào, cánh cửa nhà tớ luôn mở ra với cậu. – Anh chỉ vào ngực mình.
– Cảm ơn cậu. Tớ rất hạnh phúc, hy vọng tình cảm đó của cậu để dành cho một người may mắn hơn. Tạm biệt!
Đi ra khỏi nhà hàng, những giọt nước mắt vẫn cố kìm nén nãy giờ của Hy
Lôi lăn nhanh ra, tuổi thanh xuân đã trôi qua giống như một con sóng,
quay đầu bước đi, con sóng cũng trôi xa.
Cô không hề để ý, từ đầu tới cuối vẫn luôn có một ánh mắt theo dõi cô.
5.
Trưa ngày thứ tư, cuối cùng Hứa Bân cũng về. Hy Lôi tan làm về nhà, vừa bước vào cửa đã thấy đôi giày da quen thuộc, cô vui lắm. Hứa Bân về
rồi, có nghĩa là những ngày tháng phải ăn dưa muối kết thúc rồi, có
nghĩa là những ngày tháng khó khăn phải sống với mẹ chồng kết thúc rồi.
Hy Lôi vui vẻ reo lên:
– Hứa Bân, anh về rồi à? – Không có tiếng ai đáp lại.
Từ phòng mẹ chồng vang lên tiếng trò chuyện nho nhỏ, là giọng của Hứa
Bân với mẹ chồng. Hy Lôi lại gần gõ cửa, Hứa Bân đi ra, không hề có niềm vui vì xa vợ mấy ngày nay mới gặp lại, gương mặt anh hầm hầm đáng sợ.
Hy Lôi biết, chắc chắn mẹ chồng lại nói gì đó với Hứa Bân.
Theo Hứa Bân vào phòng ngủ, còn chưa kịp phản ứng gì, Hứa Bân đã đóng
sầm cửa, ngay sau đó là một cái tát giáng xuống mặt Hy Lôi. Cái tát đó
rất mạnh! Hy Lôi tối tăm mặt mũi, một bên gò má rát bỏng, trong lỗ mũi
ngưa ngứa. Ôm một bên mặt đã tê dại, cô đang định lên tiếng hỏi thì một
cái tát nữa của Hứa Bân lại vụt tới, gương mặt phẫn nộ đỏ tía tai:
– Con đà bà hư hỏng, dâm đãng, con đĩ…
Hy Lôi lại bị một cái tát nữa giáng mạnh xuống, ngã ngồi xuống giường, khựng lại, trong phút chốc, cô tuyệt vọng khóc lớn:
– Tôi làm sao? Có phải anh điên rồi không? Sao lại đánh tôi?
Hứa Bân đã bị cơn tức giận che mờ lý trí, chỉ mặt Hy Lôi hỏi:
– Khi tôi không có nhà, thằng con hoang nào tặng hoa cho cô! – Nói rồi
anh với tay lấy những bông hoa thạch trúc trong lọ hoa, ném mạnh vào
người Hy Lôi, những cánh hoa rơi lả tả và những giọt nước lạnh buốt bắn
khắp nơi.
– Khi tôi không có nhà cô đi hẹn hò với thằng nào mà quyến luyến không
nỡ chia tay, lại còn khóc nữa. Ai? Có phải thằng lần trước gọi điện
thoại không?
Hy Lôi khóc, nhìn người đàn ông xa lạ trước mắt, vô cùng tuyệt vọng:
– Ai nói với anh? Ai nói liên thiên những điều đó?
Lúc này mẹ chồng nghe thấy tiếng động ở phòng bên này thì chạy sang, thấy Hứa Bân ra tay đánh vợ bèn kéo tay con trai lại:
– Mẹ nói với con những điều này nhưng có bảo con đánh nó đâu, nói chuyện tử tế mà, hỏi cho rõ ra.
Hy Lôi chỉ mặt mẹ chồng, hỏi Hứa Bân:
– Là bà ấy, bà ấy nói với anh là có thằng con hoang tặng hoa cho tôi, rằng tôi ra ngoài hẹn
hò với người ta sao! Được, đúng là một cặp mẹ con tốt, anh tin lời bà
ta, không hỏi tôi lấy một câu, không phân trắng đen đã đánh tôi. Anh
cũng xứng làm luật sư sao. Anh với mẹ anh cứ sống với nhau đi, đừng lấy
vợ nữa.
Hứa Bân nhìn gương mặt sưng đỏ của Hy Lôi, mặc dù vẫn còn giận nhưng thấy hơi hối hận, run giọng hỏi:
– Cô muốn thế nào? Cô vẫn còn có lý cơ à?
Hy Lôi vơ vội vái túi xách, gào lên với Hứa Bân và mẹ chồng:
– Cuộc sống này tôi sống đủ rồi, sống đủ rồi. Ly hôn!
Giây phút lao ra khỏi cửa, cô còn nghe thấy tiếng mẹ chồng lo lắng thúc giục Hứa Bân:
– Mau đuổi theo nó, chạy ra ngoài thế này mất mặt quá! – Hứa Bân không
hề đuổi theo, Hy Lôi cũng không hy vọng anh đuổi theo, cô đã hoàn toàn
thất vọng với người đàn ông này rồi.
Ra đến đường cô mới phát hiện ra ở cái thành phố này cô không có một
người thân thích, không có nơi nào có thể đi. Bên Mai Lạc cũng đang rối
bời chẳng kém, không thể đến làm phiền bạn được nữa. Hy Lôi lên bừa một
chiếc xe buýt, ngồi suốt mấy trạm, sau đó xuống xe, tìm một nhà nghỉ
thuê một phòng. Nhìn mình trong gương, khóe mắt và sống mũi đều sưng đỏ, có chỗ thì bị bầm, cô nhìn mình rồi bưng mặt khóc. Một cuộc hôn nhân tệ hại đến cực điểm đã khiến trái tim cô vỡ nát. Cô sờ lên gò má rát bỏng, lẩm bẩm: Tận cùng của sự thất vọng có phải là tuyệt vọng hay không?
Giây phút đó cuối cùng cô cũng đưa ra quyết định: Ly hôn!