Sơn Nam Hải Bắc

Chương 8


Đọc truyện Sơn Nam Hải Bắc – Chương 8

Trần Dật ngờ ngợ con bé tìm đến mình nên buột miệng hỏi: “Cháu tới tìm cô đấy à?”.

Con bé gật đầu, đến bên Trần Dật, giơ tay trái ra, khẽ nắm lấy bàn tay phải đang buông thõng của cô.

Trần Dật ngồi xổm xuống, nhìn thẳng vào mắt con bé, hỏi: “Nhà cháu ở gần đây sao?”.

Đồng Đồng lắc đầu, nắm tay Trần Dật chặt hơn.

Không gần, sao lại xuất hiện ở đây?

Trần Dật nhìn con bé, thoáng mỉm cười, vén mấy sợi tóc rơi trên trán ra sau tai: “Vậy cháu tìm cô có chuyện gì?”.

Con bé cầm tay Trần Dật, định dẫn cô ra ngoài khoảnh sân nhỏ. Nhưng do lực không đủ mạnh, mặt sân lại lõng bõng nước, lòng bàn chân trơn trượt, không kéo được Trần Dật đi.

Trần Dật hiểu ra, đứng lên theo lực của Đồng Đồng: “Cháu muốn dẫn cô đi đâu à?”.

Con bé xoay người gật đầu, lực tay vẫn không giảm.

Đêm hôm trước, Trần Dật có ấn tượng cực kỳ sâu sắc với con bé.

Tuy không nói, nhưng muốn làm gì, nên làm gì, trong lòng con bé đều hiểu rất rõ.

Lúc này, nhìn con bé có vẻ nôn nóng.

Có lẽ do sợ Trần Dật không chịu đi theo, Đồng Đồng bỗng buông tay cô, giơ cao cánh tay phải lên, vung vẩy miếng gạc trắng trước mặt Trần Dật.

Trần Dật giữ tay con bé, nhìn vào miếng gạc, hỏi: “Tay làm sao à?”.

Đồng Đồng lắc đầu, chỉ vào vết thương trên tay mình trước, sau đó xoay người, chỉ về một hướng khác giữa quả đồi cách đó không xa.

Nói thật, Trần Dật nhìn nhưng không hiểu.

Ngay khi con bé lặp lại động tác này lần thứ ba, trong đầu cô chợt lóe lên suy đoán: “Có người bị thương? Vết thương ở tay giống như cháu đúng không?”.

Ánh mắt Đồng Đồng sáng rực, miệng hé mở, gắng nói nhưng cuối cùng chỉ có thể phát ra mấy tiếng ‘ô ô’.

Không phát được thành lời nên con bé đành ra sức gật đầu.

+++

Phương Thanh Dã vừa xếp ngói và mấy tấm gỗ lên xe thì nhận được điện thoại của Tiết Sơn.

Nhìn tên người gọi, anh ta tưởng Tiết Sơn giục về ăn cơm. Đang định báo cáo tiến độ bên này, kết quả vừa ‘alo’, câu nói đầu tiên của đối phương khiến anh ta giật mình.

Tiết Sơn bảo, lại không thấy Đồng Đồng đâu.

“Cái gì?”. Con nhóc dạo này sao ấy nhỉ, hai ba hôm lại mất tích.

Nhưng sao lại không thấy?

Tiết Sơn kể sơ qua tình hình. Anh đoán có lẽ do Đồng Đồng sợ quá nên mới bỏ trốn. Anh bảo Phương Thanh Dã khi về nhớ quan sát hai bên đường, còn anh sẽ tìm quanh đây, duy trì liên lạc.

Cúp điện thoại, Tiết Sơn đứng ở sân, ngắm nhìn cảnh núi rừng xanh ngắt, bỗng cảm thấy trong lòng trống rỗng.

Anh nhận Đồng Đồng về ở với mình chưa đến một năm.

Lúc mới bắt đầu, con bé không muốn tiếp xúc với ai, liên tục không gật không lắc. Sau này, dưới sự kiên nhẫn dẫn dắt của anh, tuy con bé vẫn không mở miệng nhưng dần dần đã biết sử dụng ngôn ngữ cử chỉ để diễn tả ý mình. 

Đêm hôm trước, khi anh đưa nó về nhà, Đồng Đồng đã nhìn anh bằng ánh mắt mãi không thể nào quên. Sau khi nhận nuôi, đây là lần đầu tiên anh bắt gặp ánh mắt nhớ nhung ỷ lại của nó.

Giống như mũi khoan, khoan sâu vào trong lòng anh.


Đau âm ỉ rồi bỗng nhiên lóe lên một tia vui mừng.

Khoảnh khắc ấy, trong đầu anh có một ý niệm – chỉ cần Đồng Đồng khỏe mạnh, bình an trưởng thành. Dù thời gian có dài dằng dặc, dù sự thực tương lai con bé không thể mở miệng nói chuyện được nữa, anh cũng sẽ dùng cả đời để che chở con bé trong vòng tay mình.

Đây là điều duy nhất anh có thể làm và cũng là chuyện duy nhất anh có thể làm được.

+++

Trần Dật cảm thấy hành động của mình có vẻ điên rồ.

Đi gần 20’ vẫn chưa đến nơi, chân trời xám thoáng chốc đã không nhìn ra sắc màu nguyên thủy.

Đồng Đồng như sợ Trần Dật bỏ về, liên tục nắm tay cô không buông. Chân bước tuy nhanh nhưng do dóng chân nhỏ và ngắn nên tốc độ không nhanh.

Trần Dật muốn hỏi con bé vài câu nhưng từ ngữ không thể thốt ra khỏi miệng.

Không hiểu vì sao, cô phát hiện mình tin tưởng cô nhóc 6 tuổi này.

Thậm chí cô còn có cảm giác, không cần biết mất bao nhiêu lâu và bao nhiêu xa, cũng không cần biết điểm đến là ở đâu nhưng cô chắc chắn một điều, đúng là có một người bị thương đang chờ cô tới cứu.

Nhưng càng đi, trong lòng cô lại nổi lên một suy nghĩ khác: Sao con bé lại biết mình đang ở đây?

Trong lúc cô còn đang nghi hoặc thì con bé bỗng dừng bước.

Con bé chỉ vào ngôi nhà ngói xanh cũ kỹ rộng chừng 20m2 ở phía trước, Trần Dật gật đầu.

Trần Dật đưa mắt quan sát ngôi nhà rồi cúi xuống nhìn con bé khẽ cười. Cô đưa tay xoa đầu Đồng Đồng, bảo: “Đi thôi”.

Con bé dắt cô vào.

Sau khi tiến vào chiếc sân nhỏ, Trần Dật chú ý tới đống ngói vỡ dưới nền đất như vừa được dỡ trên mái xuống vất ở đây.

Ngôi nhà rất yên tĩnh, mấy tán cây trước sân gió thổi xào xạc.

Đồng Đồng đứng trong sân, nhìn xung quanh rồi đi về căn phòng xây bằng gạch ở bên cạnh.

Con bé đi đến cửa bếp, do dự vươn tay, khẽ đẩy cánh cửa gỗ ra.

Bên trong không một bóng người.

Bố không có ở đây, cái người đáng sợ kia cũng không có ở đây.

Trần Dật theo sau, thấy trên bếp vẫn chất một đống nguyên liệu nấu ăn và nửa củ khoai tây thái sợi đặt trên thớt. Cô cúi đầu hỏi Đồng Đồng: “Trong nhà không có ai à?”.

Con bé không có phản ứng, cô cũng hơi nghi ngờ.

Lúc này, sau lưng vang lên lên tiếng gõ cửa.

Hai người đều vô thức quay đầu tìm nơi phát ra âm thanh.

Tiếng động ấy phát ra từ căn phòng đã bị khóa trái.

Miệng vừa hỏi: “Ai đấy?”, Trần Dật vừa bước qua.

Trên cánh cửa gỗ cũ kỹ dán một bức tranh hộ pháp đã phai hết màu, giữa hai cánh cửa có một khe hẹp nhỏ, Trần Dật xuyên qua khe hở quan sát bên trong, tối om, không thấy gì.

Nhìn kỹ lần nữa, hình như…

Cô chạm phải ánh mắt của ai đó.


Cô vô thức lui về sau một bước, đuôi mắt liếc sang, con bé cũng theo tới đây.

Cô cúi đầu nhìn ổ khóa cài trên cửa, hỏi Đồng Đồng: “Trong nhà có ai không? Sao khóa thế này?”.

Con bé mù mờ, ngó Trần Dật lăm lăm.

Thôi được, tự mình lần mò xem sao.

Cô mở miệng: “Xin hỏi, ai ở bên trong đấy ạ?”.

Thấp thoáng có tiếng chân bước và tiếng người ‘ô ô’ như bị nghẹn.

Cô ghé sát vào, nhấc ổ khóa lên xem, chỉ nghe ‘cạch’ một tiếng, chiếc khóa bung ra.

Thì ra cánh cửa không khóa, nhìn không kỹ lại tưởng có khóa.

Cô lưỡng lự, hỏi lại lần nữa: “Bên trong có ai không ạ? Bác có phải là người nhà của Tiết Hải Đồng không? Bác bị thương ạ?”.

Qua lớp cửa, một giọng nói yếu ớt vang lên:

“Thả tôi ra…”.

“Tôi muốn đi tìm cháu tôi…”.

Là giọng nói của một bà cụ, rất rõ ràng.

Trần Dật ngạc nhiên, trong đầu thoáng hiện lên hình ảnh một bà lão bị những đứa con bất hiếu vây nhốt.

Cô quay sang hỏi Đồng Đồng: “Người bị thương ở trong đây à?”.

Bị thương là bố mà, không phải người này, hơn nữa chính bé đã để bố bị thương.

Con bé vội lắc đầu, kéo Trần Dật ra ngoài.

Đi được vài bước, Trần Dật níu tay con bé lại.

Đồng Đồng quay sang, phát hiện trong mắt đối phương nổi lên một tia lạnh lẽo.

Cô hỏi: “Đây không phải là nhà của cháu?”.

Lắc đầu.

Lại hỏi: “Cháu dẫn cô tới đây, người cháu muốn cô chữa trị vết thương cho không phải là bà cụ kia đúng không?”.

Lắc đầu.

Tựa như lắc đầu không đủ để biểu đạt, con bé chỉ vào gian phòng kia, vẻ mặt làm như thể ‘ở trong đó rất đáng sợ’.

Trong phòng, tiếng bà cụ vẫn vọng ra, vô cùng thê lương: “Có ai không? Bên ngoài có người không? Cứu tôi, cứu tôi, cho tôi ra đi”.

Nghe giọng nói ấy, Trần Dật lạnh sống lưng.

Những kỷ niệm xưa cũ tưởng chừng đã lãng quên bỗng rót vào tâm trí.

Trần Dật không kịp phỏng đoán hàm ý con bé biểu đạt, cô lập tức quay đầu, không nói năng gì, đến trước cửa phòng, mở khóa đẩy cửa ra.

Trông thấy bà cụ tóc bạc phơ đứng co ro bên trong, rốt cuộc Trần Dật cũng quay lại với thực tại.


Không phải, không phải bà của cô.

Đây là một gương mặt hoàn toàn xa lạ, không phải bà ngoại của cô.

Bà cụ thấy cửa đột nhiên bật mở, ánh mắt ánh lên mừng rỡ, khóe miệng toét ra, không để ý đến Trần Dật đang đứng sửng sốt ở cửa. Bà cụ tiến lên trước, đẩy cô sang bên, đi ra ngoài.

Vì sao, vì sao không phải bà ngoại?

Cuối cùng, là do cô đã tới muộn ư?

Chậm trễ trọn 10 năm.

Trần Dật đứng ngây ở đó, một lúc sau mới lấy lại tinh thần.

Mãi cho đến khi sau lưng vang lên tiếng bà cụ quát the thé: “Cút ra ngoài, đứa con hoang!”.

Cô hoảng hốt quay đầu, thấy bà cụ đang điên loạn bổ nhào về phía Đồng Đồng.

Trần Dật chạy vội theo, kéo tay bà cụ, đứng ngăn trước mặt con bé.

Bà cụ giương nanh múa vuốt, sắc mặt dữ tợn, miệng liến thoắng không ngừng: “Mày muốn hại cả nhà tao ư? Cút ra ngoài, cút ra ngoài mau!”.

Trần Dật hoàn toàn không hiểu nhưng bảo vệ cho một đứa trẻ thì không có gì là sai. Cô đặt hòm thuốc sang bên, dồn sức túm chặt hai tay bà cụ đang khua khoắng loạn xạ.

Đồng Đồng hoảng hốt trốn sau lưng Trần Dật, xiết chặt vạt áo khoác trắng của cô.

“Đồng Đồng?”. Giọng một người đàn ông bỗng vang lên từ phía sau.

Con bé quay đầu lại, nhãn cầu sáng rực, buông vạt áo Trần Dật chạy tới.

+++

Tiết Sơn tìm xung quanh rất lâu. Còn Phương Thanh Dã cũng trèo lên mấy ngọn đồi Đồng Đồng hay chơi để kiếm mấy lần.

Đầu óc anh như bị tê liệt, không rõ tâm trạng.

Rõ ràng đã che chở cho con bé đến như thế nhưng một lần nữa anh lại làm mất con bé.

Anh quay trở lại, định về nhà bà cụ xem Đồng Đồng đã về chưa.

Đi đến gần, anh nghe thấy bà cụ đang la hét.

Không khuyên bảo được bà cụ, Đồng Đồng lại không thấy đâu, trong lúc cấp bách, anh đành phải nhốt bà cụ vào trong phòng.

Nhưng bà cụ đã ra bằng cách nào?

Bước nhanh tới, thấy cảnh tượng trước mắt, anh vô cùng ngạc nhiên.

Một cô gái mặc bộ quần áo trắng đang đứng chắn giữa bà cụ và Đồng Đồng, dường như có ý định ngăn không cho bà cụ làm ‘tổn thương’ Đồng Đồng.

Trần Dật cũng nghe thấy tiếng ai đó gọi “Đồng Đồng”, phát giác đứa bé sau lưng mình đã chạy đi, cô quay lại, sắc mặt thoáng cứng đờ.

Đúng là bọn họ đã gặp nhau rất nhiều lần.

Nói đúng hơn, sau hơn nửa năm kiên trì đến phòng khám uống thuốc, Trần Dật đã nhớ rất kỹ gương mặt này.

Cô còn nhớ rõ tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh, số điện thoại cùng lịch sử hút chích của anh.

Nhưng những thứ đó chỉ giới hạn trong phạm vi ‘người bệnh” và ‘bác sĩ’. Ngoại trừ liên quan đến việc điều trị, họ không có thêm bất kỳ trao đổi nào khác.

Không thể phủ nhận, hai người đều biết rõ về nhau.

Trong hoàn cảnh hiện tại, vì đối phương đột nhiên xuất hiện nên trong mắt hiện lên vẻ kinh ngạc giống như nhau.

+++

Trong sân bày hai chiếc ghế.

Tiết Sơn ngồi một cái, Đồng Đồng đứng nghiêm bên cạnh, ôm cánh tay bị thương của Tiết Sơn suốt, thi thoảng lại liếc nhìn Trần Dật đang rửa tay dưới vòi nước.

Trần Dật rửa tay rất lâu, cô cảm thấy có một sự lúng túng không hề nhẹ.


Vừa rồi Tiết Sơn ra tay giúp khống chế bà cụ, sau khi đưa bà cụ vào trong phòng, anh kể sơ quà tình hình của bà cụ cho cô nghe.

Cảm giác áy náy, Trần Dật nhất thời im lặng, một lúc sau chỉ biết nói một câu: “Xin lỗi anh, do tôi không nắm rõ tình hình”.

Tiết Sơn cũng không để bụng: “Không sao”.

Biết lý do Đồng Đồng bỏ đi, Tiết Sơn đành phải giải thích cho Trần Dật biết vết thương của mình không nghiêm trọng lắm.

Trần Dật đương nhiên cũng nhìn ra.

Nhưng Đồng Đồng không muốn thả cô ra như vậy, ánh mắt vẫn đầy vẻ cầu xin. Trần Dật mềm lòng, nhìn đứa bé một lòng một dạ lo lắng cho Tiết Sơn. Suy nghĩ một lúc, cô nói: “Hay là làm khử trùng để con bé yên tâm”.

Lúc cô nói câu này, ánh mắt rơi trên cánh tay của Tiết Sơn, trên đó có một vết thương dài chừng 5-6 cm đã khô máu.

Người đàn ông trước mặt cô trông rất bình thường.

Anh mặc một chiếc áo sơ mi màu tro, chiếc quần dài màu đậm, chân đi đôi giày nhựa giản dị, dưới đế dính đầy bùn đất.

Đầu tóc anh gọn gàng, gương mặt không để lộ nhiều cảm xúc, cánh tay trần không quá vạm vỡ nhưng nhìn rất mạnh mẽ rắn chắc.

Toàn thân anh toát lên vẻ nam tính trai tráng thường xuyên vận động hoặc lao động, không gầy gò ốm yếu giống phần lớn những người bệnh nghiện heroin khác.

Bởi vì lý do gia đình, Trần Dật từng có tư tưởng trút bỏ mọi hận thù dai dẳng từ khi còn bé vào những bệnh nhân đặc biệt này. Cô cũng vô thức phân chia họ thành đủ loại cao thấp khác nhau.

Nhưng dần dần cô hiểu ra một điều, ai cũng có sai lầm, là sai lầm lớn, hay sai lầm nhỏ mà thôi.

Kết quả tạo ra không thể đảo ngược, quan trọng hơn vẫn là, chấp nhận trả giá bao nhiêu để bù đắp cho sai lầm của chính mình.

Đối với những người nghiện heroin mà nói, sự bù đắp quan trọng nhất là tránh cho họ dẫm phải vết xe đổ.

Cô từng xem qua bản ghi chép quá trình hút heroin của Tiết Sơn. Trong hồ sơ bệnh án có ghi, anh vô tình bị nghiện thuốc trong quá trình giao tiếp với bạn bè. Trước khi tiếp nhận điều trị, anh từng có 3 năm hút thuốc, số lượng mỗi lần hút vô cùng lớn, trải qua hai lần cưỡng chế cai nghiện.

Số người bị bạn bè lôi kéo dính vào heroin không ít, thời gian nghiện hơn ba năm không hề nhỏ, người chết vì ma túy cũng rất nhiều.

Vì vậy, với lịch sử nghiện hút như của Tiết Sơn, thoạt nhìn không hề có ‘điểm sáng’ gì đáng nói.

Nhưng anh lại có ý chí hối cải mãnh liệt, chủ động tới phòng khám methadone để chữa bệnh.

Thực ra, không phải bệnh nhân cai nghiện nào đến với phòng khám cũng dễ dàng được điều trị.

Bộ phận kiểm soát dịch bệnh đã đưa ra 5 quy định, yêu cầu bệnh nhân tiếp nhận trị liệu phải có đầy đủ 5 điều kiện tối thiểu sau:

1. Nhiều lần cai nghiện nhưng không thoát khỏi heroin.

2. Cưỡng chế cai nghiện từ 2 lần hoặc tái giáo dục thông qua lao động 1 lần trở lên.

3. Tuổi từ 20 trở lên.

4. Có hộ khẩu là dân địa phương.

5. Hoàn toàn có năng lực dân sự.

Người nghiện ma túy đã bị nhiễm HIV được tiếp nhận điều trị mà không cần đến mục 4 và 5.

Nhưng ngay cả khi được điều trị thì vẫn có rất đông bệnh nhân tự động bỏ giữa chừng hoặc bị ép buộc phải dừng lại.

Tiết Sơn đáp ứng tất cả 5 tiêu chuẩn trên.

Anh đã đến.

Anh là một trong những người bệnh có nhiều ‘quá khứ’ kiên trì cho đến tận bây giờ.

Về điểm này, Trần Dật hết sức kính trọng.

Sự kính trọng đó không liên quan đến sai lầm, đến quá khứ của anh. Cô kính phục anh bởi ý chí ngoan cường tránh xa ma túy của anh.

Không ai đánh thức được người đang giả vờ ngủ.

Và giống như thế, cũng không ai ngăn được một người đang ngủ say tỉnh lại lần nữa.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.