Đọc truyện Sơn Nam Hải Bắc – Chương 58
“Cháu đang nhìn gì vậy?”.
Dư Sanh Sanh tò mò, nhìn sau lưng Đồng Đồng.
Ngó nghiêng một vòng, con bé lắc đầu, vẻ mặt nghi ngờ.
Ông chú khi nãy vừa ở đây cơ mà?
Sao đột nhiên lại biến mất tăm?
Dư Sanh Sanh quan sát từng biểu hiện nhỏ trên mặt Đồng Đồng, xoa đầu con bé: “Rốt cuộc là thế nào hả?”.
Con bé giơ chai nước trái cây về phía Dư Sanh Sanh, rồi chỉ ra sau lưng mình.
Dư Sanh Sanh không hiểu: “Cái này… chai nước có vấn đề gì à?”.
Ngước mắt nhìn cô, con bé khẽ thở dài, lắc đầu.
Trở về phòng bệnh, nhân lúc người lớn đang nói chuyện, Đồng Đồng lại đi ra ban công.
Ở đây tuy là tầng bảy nhưng đứng trên ban công vừa vặn nhìn rõ cửa sau của cửa hàng tiện lợi 711.
Con bé vừa gặp ông chú kia ở đó.
Đứng một lát, Đồng Đồng nghe tiếng kéo cửa sau lưng. Con bé quay đầu lại, Tiết Sơn đang đi đến.
Tiết Sơn tới gần, xoa đầu con bé, hỏi: “Con đang nhìn gì vậy?”.
Con bé không nghĩ ngợi, chỉ tay về phía cửa hàng tiện lợi 711 dưới lầu.
Tiết Sơn nhìn theo ngón tay con bé: “Con vừa mua đồ ở đấy à?”.
Đồng Đồng gật mạnh nhưng không buông tay, tiếp tục chỉ ra xa.
“Chỗ ấy làm sao? Đã xảy ra chuyện gì?”. Tiết Sơn hỏi.
Con bé lại gật đầu, dùng tay không làm động tác mở chai nước, sau đó giơ cao, khua khoắng một hồi, ý bảo đã có một ông chú cao cao giúp con bé vặn mở.
Nhưng Tiết Sơn nhất thời không hiểu.
Đồng Đồng gấp gáp, tiếp tục khoa chân múa tay, vừa dùng động tác cử chỉ vừa mấp máy môi, tựa như muốn nói nhưng không thể phát ra âm thanh. Cuối cùng, con bé sốt ruột đến mức dậm mạnh chân.
Tiết Sơn ngồi xuống, nhẹ nhàng nắm chặt bả vai con bé: “Không sao, không việc gì phải vội”.
Lúc ấy con bé mới chịu dừng hành động, dần hít thở chậm lại.
Tiết Sơn vuốt lưng con bé, đang định hỏi han cẩn thận ý con bé muốn truyền đạt thì phía sau có tiếng gõ cửa.
Anh quay đầu, Trần Dật vẫy tay ý bảo hai bố con vào đây.
Trong lúc buôn chuyện, Trần Dật khoe Đồng Đồng thích vẽ tranh, vừa hay Dư Sanh Sanh có người bạn học cùng cấp 3 mở trường mỹ thuật, trong đó có cả lớp mỹ thuật tạo hình cho thiếu nhi, chất lượng trường khá tốt và có chút danh tiếng trong vùng.
Nói là làm, Dư Sanh Sanh liền gọi điện ngay cho bạn cũ.
Sau khi tham khảo ý kiến, đối phương đề nghị Đồng Đồng đến đăng ký học luôn trong kỳ nghỉ lễ – Lớp học đào tạo mười lăm ngày theo kiểu khép kín, đồng thời dành tặng ưu đãi khi đăng kí trình độ cao.
Tiết Sơn nghe xong, mặc dù có chút lo lắng cho Đồng Đồng nhưng theo như lời Trần Dật nói hôm trước, hai người không có khả năng che chở con bé cả đời, đã đến lúc để con bé dung nhập xã hội, học cách tự lập.
Cho nên, anh cảm thấy đây là cơ hội tốt.
Còn Đồng Đồng, sau khi biết mình có thể được học vẽ tranh liền vô cùng hưng phấn.
Nhưng con bé cũng có chút do dự, như vậy sẽ có một khoảng thời gian rất dài không được gặp người nhà.
Dường như nhận ra suy nghĩ của Đồng Đồng, Trần Dật nắm tay con bé, ôm con bé vào lòng, dịu dàng nói: “Không sao, tuy hàng ngày cháu sẽ ăn ở và học tập cùng thầy cô và các bạn nhỏ khác nhưng hàng tuần, bố cháu và cô sẽ đến thăm cháu”.
Bấy giờ con bé mới gật đầu.
Một việc đại sự xem như đã được giải quyết. Tiễn Dư Sanh Sanh xong, mọi người ra ngoài ăn cơm trưa sau đó quay trở về viện. Trên đường đi, nét mặt Trần Dật luôn treo một nụ cười nhẹ nhàng vui vẻ.
Tâm trạng hào hứng này theo cô đến trước lúc ngủ trưa, bởi vì cô đã gặp ác mộng.
Thậm chí, cô không phân biệt được cảnh tượng trước mắt rốt cục là ảo hay là thật. Mà trong không gian hỗn độn u ám, cô chỉ có thể liên tục trốn chạy, cố gắng tránh xa những ký ức khiến mình cảm thấy đau đớn.
Đột nhiên, dưới chân hẫng hụt, cô ngã xuống một vực thẳm tối đen sâu hun hút.
Cô mở choàng mắt, nhìn trần nhà trắng toát trên đỉnh đầu. Đến khi nghe tiếng hít thở nhẹ nhàng của Đồng Đồng nằm bên cạnh, cô mới phục hồi tinh thần, chậm rãi đưa tay vuốt trán.
Toàn thân toát mồ hôi đầm đìa, dấp dính không thoải mái. Cô từ từ chống người ngồi dậy, đặt nhẹ chân xuống giường, đi về phía buồng vệ sinh.
Tiết Sơn nằm nghỉ trên chiếc giường chật hẹp của điều dưỡng viên.
Vóc dáng anh cao lớn, chiếc giường thì ngắn, nằm bó tay bó chân, ngủ rất khó nhọc.
Trần Dật vừa đứng dậy anh đã tỉnh ngay, dõi mắt theo bóng lưng của cô. Thấy Trần Dật bước vào nhà vệ sinh, anh mới nhắm mắt lại.
Nhưng một lúc lâu không thấy Trần Dật ra, anh cảm thấy hơi lạ, vội vã đứng lên.
Đồng Đồng và cô gái trẻ giường bên đều đã ngủ. Anh lại gần nhà vệ sinh, gõ cửa khe khẽ.
Sau hai tiếng “cốc cốc”, anh nhỏ giọng gọi: “Trần Dật?”.
Yên tĩnh vài giây, bên trong mới vọng ra tiếng cô: “Sao ạ?”.
Tiết Sơn hỏi: “Em không sao chứ? Sao vào đấy lâu vậy?”.
Trần Dật dáp: “Không sao ạ, em lau mồ hôi trên người thôi ấy mà”.
Vết thương dính nước không dễ khép miệng, ngày nào Trần Dật cũng dùng khăn bông ướt lau qua cơ thể. Sợ tay chân cô không tiện, kéo căng vết mổ, mấy hôm trước Tiết Sơn phải giúp cô.
Im lặng một lúc, Tiết Sơn hỏi tiếp: “Có cần anh vào giúp không?”.
Trần Dật lập tức từ chối: “Không cần, không sao, em tự làm được”.
Không yên tâm, Tiết Sơn lặp lại lần nữa: “Để anh vào giúp em”.
Trần Dật vẫn kiên quyết: “Thật sự không sao mà, em tự làm được. Anh cứ nghỉ đi, em xong ngay thôi”.
Ngoài miệng bảo “ừ” nhưng Tiết Sơn chưa rời đi ngay. Anh đứng im chờ ở cửa, nghe từng động tĩnh nhỏ bên trong truyền ra.
Đứng một lát, anh thấp thoáng nghe thấy tiếng nức nở cực nhỏ.
Tiếng khóc như nén trong cổ họng, cố hết sức che giấu.
Tiết Sơn luống cuống, đưa tay vặn nắm cửa nhưng tay nắm cửa không hề xê dịch, cửa đã khóa từ bên trong.
“Trần Dật, em mở cửa mau”.
Hình như không nghĩ anh vẫn đứng chờ bên ngoài, tiếng khóc đột nhiên im bặt.
Giọng Trần Dật khôi phục vẻ bình thường: “Em ổn, em ra ngay bây giờ đây”.
Anh không tin cô không làm sao, liền gõ cửa, trầm giọng nói: “Trần Dật, em mở cửa ra đi”.
Không có tiếng trả lời.
“Trần Dật, em để anh vào xem nào”.
Vẫn không có tiếng đáp trả.
Vô cùng yên ắng. Tiết Sơn nhẹ giọng: “Thôi được, anh không vào nữa, anh đứng ngoài cửa chờ em”.
Không biết hiệu quả do thái độ nhượng bộ của anh, hay do Trần Dật đã nghĩ thông suốt. Ngay khi Tiết Sơn nói xong câu cuối chưa đến nửa phút, cánh cửa nhà vệ sinh liền bật mở, để lộ một khe hở hẹp.
Cánh cửa dần dần mở rộng, Trần Dật cúi thấp đầu đứng bên trong, trên người là bộ quần áo bệnh nhân sọc xanh trắng cô thay khi đi dạo về, mái tóc rối xõa trên vai, che khuất non nửa khuôn mặt.
Bộ quần áo rộng thùng thình tôn thêm vẻ gầy yếu như tờ giấy, chạm vào là rách của Trần Dật.
Tiết Sơn nhìn cô, lách người đi vào, trở tay đóng cửa.
Dưới ánh điện, anh nắm chặt bả vai Trần Dật, chăm chú nhìn cô, trong mắt có thắc mắc và cả sự đau đớn.
“Sao vậy? Em gặp chuyện gì à?”. Giọng anh trầm ấm, thận trọng.
Trần Dật từ từ ngước lên, ánh mắt đã khôi phục vẻ trong trẻo, không hề gợn sóng. Cô vòng tay qua eo anh, dán mặt lên ngực anh.
“Em vừa gặp ác mộng”.
Bàn tay ấm áp vỗ nhè nhẹ lưng cô, Tiết Sơn hỏi: “Em mơ thấy gì?”.
Trần Dật cọ má vào áo Tiết Sơn, trả lời: “Em mơ thấy bố mẹ em”.
Tiết Sơn một tay ôm xiết lưng cô, một tay khẽ vén mái tóc dài của cô lên, thấp giọng an ủi: “Không sao đâu, tất cả đều đã qua rồi”.
Trần Dật gật đầu, khẽ “vâng” một tiếng.
Thật sự đã qua rồi sao?
Trong mơ, vẫn là con ngõ chật chội u ám kia. Cô trông thấy bố mình nằm trong vũng máu, còn mẹ cô đứng sau thi thể, lẳng lặng nhìn cô, cười nhạt.
“Tiểu Dật giỏi quá, con làm rất khá”.
Tại sao mẹ cô lại khen cô như vậy? Cô đã làm gì để được khích lệ như thế chứ?
Trần Dật cúi đầu, nhìn vạt áo khoác màu hồng nhạt của mình, phía trên dính đầy máu tươi.
Cô nhìn cánh tay buông thõng đang cầm một con dao. Một con dao gọt trái cây, bố cô giết mẹ cô bằng con dao ấy, sau đó tự tử cũng chính bằng con dao ấy.
Đột nhiên như nhận ra điều gì, cô ném con dao đi, lắc đầu khóc váng lên: “Không phải con, con không làm! Không phải con, không phải con!
Nước mắt cô tuôn rơi theo tiếng khóc, lập tức làm mờ dần cảnh tượng phía trước.
Cô quay người bỏ chạy, muốn rời khỏi nơi đáng sợ này. Nhưng dưới chân như bị đổ chì, bước càng lúc càng nặng.
Nỗi sợ hãi cực lớn đã nhấn chìm cô.
Cô lớn tiếng gọi: “Chú Cát Ngũ”, “Bà ngoại ơi”. Cứ như vậy vừa chạy vừa hô.
Thế nhưng không có ai trả lời cô.
***
Ngày mùng 4 tháng 10, Trần Dật xuất viện.
Mặc dù không có dấu hiệu bị nhiễm trùng, vết thương khép miệng khá tốt nhưng Trần Dật vẫn cần tiếp tục truyền kháng sinh, đề phòng nhiễm trùng sau mổ.
Trong khoảng thời gian này, hàng ngày, Tiết Sơn vẫn đi tới đi lui giữa bệnh viện và thôn Nhã Lý, mệt mỏi thế nào không cần nói cũng biết nhưng anh không hề phàn nàn một tiếng.
Không cần truyền dịch ở bệnh viện lớn, chỉ cần làm ở trung tâm sức khỏe cộng đồng là được. Vì vậy, sau khi trao đổi với bác sĩ, Trần Dật quyết định xuất viện.
Gần bệnh viện có dịch vụ cho thuê xe đưa đón bệnh nhân. Lo đường xá xóc nảy, cơ thể Trần Dật không chịu đựng nổi, Tiết Sơn liền thuê một chiếc xe tải tư nhân.
Sáng sớm ngày mùng 4, đợi bác sĩ kiểm tra xong, Tiết Sơn làm thủ tục xuất viện, Trần Dật ở trong phòng thu dọn đồ đạc.
Mọi thứ đã sẵn sàng, 10h trưa, hai người cầm túi lớn túi nhỏ rời bệnh viện.
Tiết Sơn gọi điện từ sớm nên tài xế taxi đã đứng chờ sẵn ở cổng viện. Trông thấy đoàn người đi đến, người đàn ông trung niên khoảng hơn 40 tuổi nhiệt tình lại gần, tiếp nhận đồ đạc từ tay Tiết Sơn, bỏ vào cốp xe.
Đồng Đồng lên xe trước, Trần Dật theo sát phía sau, Tiết Sơn đứng sau đỡ cô.
Sau khi nhìn cô ngồi yên vị, Tiết Sơn định bước lên xe, đúng lúc ấy điện thoại kêu vang. Là một số máy lạ.
Qua tấm cửa kính, Trần Dật nghe thấp thoáng giọng anh liên tục trả lời đầu dây bên kia: “Vâng”, “cảm ơn”.
Cúp điện thoại, Tiết Sơn thò nửa người vào giải thích với Trần Dật, y tá gọi điện tới, báo còn một tờ hóa đơn viện phí chưa ký tên, nhắc anh quay lại bổ sung, nếu không quá trình chi trả sau này sẽ gặp phiền phức.
Giải thích xong, anh trao đổi với tài xế taxi, làm phiền bác ấy chờ một lát, mình sẽ quay lại ngay.
Bác tài phóng khoáng, nói không có vấn đề gì, bảo anh cứ đi giải quyết công việc, còn mình chờ ở đây cũng được.
Sau khi cảm ơn, Tiết Sơn vội vã rời đi, Trần Dật và Đồng Đồng ngồi trên xe đợi anh.
Lúc này, nhiệt độ đang giảm mạnh, gió lạnh thổi tới, xuyên qua khe cửa lùa vào trong không gian ấm áp.
Trần Dật che kín chiếc áo khoác màu cà phê trên người, quay sang hỏi Đồng Đồng có lạnh không.
Đồng Đồng lắc đầu, thấy Trần Dật run rẩy liền nắm tay cô, liên tục hà hơi.
Trần Dật lặng im nhìn động tác của con bé, khóe môi thấp thoáng nụ cười.
Đợi gần 10 phút, Tiết Sơn vẫn chưa ra, Đồng Đồng nhịn không được ngó ra ngoài cửa sổ. Trần Dật xoa đầu con bé nói không cần phải lo, có lẽ thang máy quá đông người nên bố cháu phải đứng chờ một lát.
Đợi thêm mấy phút, con bé bắt đầu đứng ngồi không yên, đưa mắt nhìn ngó xung quanh.
Đột nhiên, con bé như nhìn thấy gì đó, thoáng bổ nhào về phía cửa sổ, ánh mắt ngó chằm chằm sang bên đường.
Là ông chú kia.