Đọc truyện Sơn Nam Hải Bắc – Chương 49
“Đây là bánh vị dăm bông, đây là bánh lòng đỏ trứng, còn kia là bánh dẻo”.
Trần Dật giơ tay chỉ các loại bánh trung thu bày trước mặt, hỏi Đồng Đồng: “Cháu muốn ăn loại nào?”.
Đồng Đồng rướn cổ quan sát một lượt, cuối cùng chỉ vào chiếc bánh dẻo đặt trong góc.
Trần Dật mỉm cười, bảo bà chủ: “Phiền chị lấy cho tôi loại này”.
Hai cô cháu mua bánh xong, rời cửa hàng, hòa mình vào con phố lớn đông đúc, náo nhiệt.
Trần Dật nắm chặt tay Đồng Đồng, chen chúc trong biển người.
Thời gian trôi qua lặng lẽ, nháy mắt đã đến giữa tháng chín.
Tết trung thu trùng với ngày nghỉ của Trần Dật, Tiết Sơn bận việc cửa hàng. Ăn sáng xong, Trần Dật dẫn Đồng Đồng đi phố chọn mua bánh và nguyên liệu về nấu ăn.
Hai cô cháu xách túi lớn túi nhỏ, chật vật một hồi mới len ra khỏi đám đông, đi bộ trên con đường đất nhỏ trở về cửa hàng.
Ánh mặt trời kết hợp cùng gió thu phả lên mặt, mang theo hơi lạnh mát rượi mà ấm áp, vô cùng sảng khoái.
Trần Dật hai tay xách hai túi, Đồng Đồng cầm túi bánh trung thu đi bên cạnh.
Nhập học hơn một tuần, Đồng Đồng dần thích nghi với bầu không khí trường lớp. Hơn nữa, vợ của Tiểu Phương đã nói qua với cô giáo chủ nhiệm, nên Đồng Đồng rất được các thầy cô quan tâm.
Hôm trước do viết chính tả đạt điểm tốt, Đồng Đồng được tặng thưởng phiếu bé ngoan, về nhà giữ khư khư mãi, cho đến hôm nay, vẫn cười híp mắt cả ngày.
Trần Dật nhìn Đồng Đồng hớn hở nhảy chân sáo, cô giật mình, thi thoảng nhắc con bé nhìn đường cẩn thận kẻo ngã.
Về đến cửa hàng, Trần Dật thấy một chiếc xe máy đỗ trước cửa, Tiết Sơn đang khom lưng vá lốp. Đứng bên cạnh là một người đàn ông trung niên, ông ấy đang hỏi Tiết Sơn vì sao lốp xe lại bị thủng.
Liếc thấy hai cô cháu trở về, Tiết Sơn ngước lên khẽ mỉm cười, nhìn Trần Dật xách nhiều đồ, anh định đứng dậy giúp một tay.
Trần Dật vội ngăn: “Không cần, không cần, anh đang bận, bọn em vào trước”.
Cô dẫn Đồng Đồng vào trong, thấp thoáng nghe tiếng bác khách đứng sau nói: “Ông chủ nhỏ, đó là vợ con cháu đấy à? Thật là có phúc”.
Bữa trưa có sáu món mặn một món canh, rất phong phú.
Trên bàn cơm, Phương Thanh Dã đột nhiên bưng một cốc rượu mời Trần Dật: “Bác sĩ Trần, chúng ta cụng một cái nào. Tôi cạn hết, còn cô thì tùy nhé”.
Mặc dù đã dặn anh ta gọi tên mình rất nhiều lần nhưng Phương Thanh Dã cảm thấy không tự nhiên, huống hồ gọi “bác sĩ Trần” quen rồi, không đổi được nữa.
Hôm nay ngày lễ, ai nấy đều vui vẻ, sau khi bưng đồ ăn lên, Trần Dật chủ động rót cho mình một cốc rượu.
Lúc ấy Tiết Sơn ngăn cô, ý tứ rất rõ ràng, bảo cô không được cậy mạnh. Nhưng Trần Dật đang cao hứng, làm như không nhìn thấy ánh mắt của anh.
Nghe Phương Thanh Dã nói vậy, Trần Dật sảng khoái giơ cốc lên, chạm với anh ta.
Phương Thanh Dã toét miệng cười, ngửa cổ uống cạn.
Trần Dật cũng cầm chiếc cốc đưa lên miệng.
Cô chỉ định uống một ngụm nhỏ, nhưng lúc đưa gần lên miệng thì đột nhiên đổi ý, thoáng do dự một lát, sau đó uống hết.
Phương Thanh Dã sợ ngây ra: “Ơ ơ, đừng uống hết như thế. Cô mà uống say, Tiết Sơn lột da tôi mất”.
Trần Dật bật cười, giọng điệu ngang bướng: “Anh ấy dám”.
Phương Thanh Dã thoáng sửng sốt, bật cười ha hả: “Đúng đúng, cậu ấy mà lột da tôi thì cô phải phạt cậu ấy đấy nhé”.
Tiết Sơn ngồi bên thờ ơ, tiếp tục gắp thức ăn cho Đồng Đồng. Lúc ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt “sắc bén” của Trần Dật, anh chỉ lắc đầu, khẽ cười một tiếng.
Ăn hết bữa cơm mất gần hai tiếng.
Cứ tưởng Trần Dật uống rượu theo hứng, nào ngờ, cô và Phương Thanh Dã càng uống càng hăng. Sau khi uống mấy chén, Phương Thanh Dã còn dạy cô đi vài quyền.
Cái gì mà “mười lăm hai mươi”, “hổ đánh một gậy, gà ăn giun”. Trần Dật học một lượt, càng chơi càng thích, mặc kệ Tiết Sơn ngồi bên khuyên giải vẫn cứ uống.
Phương Thanh Dã uống nhiều hơn cô, mơ màng say, bắt đầu kể chuyện xưa.
“Bác sĩ Trần, cô không biết tôi vui thế nào đâu! Tiết Sơn gặp được cô là may mắn của cậu ấy. Tôi không phải phét lác chứ, người anh em của tôi là một trang hảo hán. Cô theo anh ấy vĩnh viễn sẽ không bị thua thiệt”.
“Tôi trở về đây đã được mấy năm, ai cũng coi tôi như ruồi nhặng, chỉ có A Sơn là chào đón tôi, coi tôi như anh em”.
Phương Thanh Dã bất chợt cao giọng: “Ông đây ngồi tù hai năm thì đã sao chứ?”.
Nói xong, anh ta lại sầu não kể tiếp: “Hầy, tôi ở trong đó hai năm, cô không biết, người thân không một ai tới thăm tôi. Tôi gọi về nhà không biết bao lần, họ vừa nghe thấy giọng tôi liền dập máy ngay. Cô xem thế có tức không, có đau không?”.
Trần Dật hơi chóng mặt, nghe câu được câu chăng nhưng vẫn bắt được câu trọng điểm: “Vì sao anh lại bị ngồi tù?”.
Nói đến đây, Phương Thanh Dã thoáng cái lại tức giận, đập bàn: “Cái thằng lùn bốn mắt ấy, kiếm được mấy đồng tiền dơ bẩn tưởng là giỏi. Tiểu Quyên theo tôi bao năm, bị hắn ta dụ dỗ, sau đó chia tay tôi”.
Trần Dật lảo đảo đặt tay lên bàn đỡ đầu, hỏi: “Anh đã làm gì người ta?”.
Phương Thanh Dã hừ một tiếng: “Tôi đánh thằng lùn bốn mắt ấy một trận nên thân! Đánh đến nỗi bố mẹ hắn nhận không ra”.
Trần Dật như hiểu lời anh ta, nhất thời không nói gì.
Phương Thanh Dã không muốn tiếp tục để chuyện cũ làm mất hứng, chuyển hướng chủ đề: “Hôm nay ngày lễ, chúng ta phải thật vui. Không nói đến mấy chuyện đó nữa, uống tiếp, uống tiếp nào”.
Trần Dật cười rộ, lúc chạm cốc mới phát hiện chiếc cốc rỗng không. Cô quơ quơ chai rượu trước mặt, thấy cũng không còn một giọt nào, liền vươn tay định cầm chai rượu mới lên.
Tiết Sơn thật sự ngồi không yên, chặn tay cô lại, trầm giọng ra lệnh: “Không được uống nữa, em uống hết hai chai rồi đấy”.
Trần Dật lảo đảo gạt tay anh ra: “Hôm nay em đang vui”.
Nhưng cô vừa ngước lên trông thấy vẻ mặt lo lắng của Tiết Sơn liền như một quả bóng xì hơi, ngoan ngoãn đặt chai rượu xuống: “Được rồi, em không uống nữa”.
Thu dọn qua loa tàn cuộc, đỡ Phương Thanh Dã vào phòng ngủ, Tiết Sơn cõng Trần Dật, đóng cửa hàng, đưa cô về nhà nghỉ ngơi.
Đi bộ về thôn Bắc Sơn, Đồng Đồng theo sát bên cạnh.
Trên đường, con bé không ngừng quan sát Trần Dật gà gật trên lưng Tiết Sơn, ánh mắt lộ vẻ lo lắng.
Tiết Sơn phát hiện ánh nhìn của con bé, nhỏ giọng trấn an: “Không sao đâu, cô ấy ngủ rồi”.
Lúc này, con bé mới khe khẽ thở phào.
Về đến nhà, trán Tiết Sơn đổ một lớp mồ hôi mỏng.
Người tuy gầy, nhưng đi cả một đoạn đường như vậy thành ra vẫn nặng.
Mở cửa vào nhà, anh đặt Trần Dật lên giường, thở dốc một hơi, cởi áo khoác của cô ra.
Quần áo mùa thu không dày nhưng với người say rượu, không biết phối hợp, mặc dù Tiết Sơn đã ôm nửa người cô, loay hoay mãi mới cởi xong chiếc áo len khoác ngoài.
Nghỉ ngơi lấy hơi, anh tiếp tục cởi cúc áo sơ mi để cô ngủ cho thoải mái.
Nhưng Trần Dật dường như không hài lòng, khẽ rên mấy tiếng.
Tiết Sơn cúi xuống nhìn cô: “Không thoải mái à? Có muốn nôn không?”.
Được anh ôm vào lòng, Trần Dật cảm thấy vô cùng an tâm.
Cô lắc đầu, duỗi hai tay choàng lấy cổ anh, ngửa người ra sau.
Tiết Sơn nhất thời đứng không vững, bị cô kéo xuống.
Toàn bộ cơ thể bỗng đè lên người cô, Tiết Sơn vội vàng chống tay đứng dậy, hạ giọng hỏi cô: “Bị đè thế có đau không?”.
Trần Dật lim dim, tay ôm cổ anh không buông, lắc đầu khe khẽ.
Cô thở đều đều, gò má ửng hồng, thoang thoảng mùi rượu.
Im lặng ôm nhau một lúc, Tiết Sơn nhẹ giọng dỗ dành cô: “Ngoan nào, cởi quần áo rồi ngủ tiếp”.
Trần Dật không phản ứng, tựa như đã ngủ.
Tiết Sơn bật cười, gỡ cánh tay khoác trên cổ mình, bỗng nghe cô thì thầm: “Hôm nay em vui lắm”.
“Anh biết”. Tiết Sơn nói.
Trần Dật lắc đầu: “Anh không biết đâu”.
Không chờ đối phương đáp lại, cô tiếp tục mở miệng: “Tiết Sơn, em thật sự rất vui, đã lâu lắm rồi em không có Trung thu”.
Tiết Sơn nhìn cô.
Gương mặt thanh tú trắng trẻo rõ ràng đang mỉm cười hạnh phúc nhưng không hiểu sao lại khiến người ta cảm thấy đau lòng.
Trần Dật chậm rãi mở mắt, ngước đôi mắt trong veo điềm tĩnh nhìn anh.
“Em rất vui”. Cô lặp lại: “Tiết Sơn, em thực sự rất vui”.
Câu lặp lại cuối cùng dường như không đủ để truyền tải hết cảm xúc trong lòng, cô kéo cổ anh xuống, hôn thật sâu.
Đôi môi mềm mại và ấm áp phủ lên, xoắn xuýt giày vò. Sau đó, hôn tới cằm, yết hầu, đi thẳng đến vành tai, cắn nhẹ một phát.
Nụ hôn tràn ngập vẻ khiêu khích, dễ dàng đốt cháy anh.
Tiết Sơn gỡ cánh tay Trần Dật đang khoác trên cổ mình ra, nắm chặt cổ tay cô, nâng qua đỉnh đầu.
Làn da trắng mịn của Trần Dật ửng hồng vì rượu, mang theo mùi thơm mềm mại, vô cùng hấp dẫn.
Anh cúi xuống, hôn cô say đắm, cởi dần từng chiếc quần chiếc áo trên cơ thể hai người.
Trước khi vào cuộc, cả hai đều đã chuẩn bị ổn thỏa. Tiết Sơn vừa hôn, vừa với tay vào ngăn kéo tủ đầu giường lấy bao cao su.
Mấy lần không tránh khỏi “hứng tình”, tuy Trần Dật nói đã uống thuốc nhưng sau lần ở phòng tắm, anh vẫn chuẩn bị thêm một hộp để ở nhà.
Anh vừa cầm chiếc hộp, động tác bỗng nhiên khựng lại.
Gói băng vệ sinh Trần Dật mua dự bị từ tuần trước để trong ngăn kéo. Lúc này, gói băng vẫn mới nguyên, như chưa từng được bóc ra.
Do dự vài giây, anh thả bao cao su vào, khẽ thì thầm vào tai cô: “Em vẫn chưa đến ngày à?”.
Trần Dật say rượu nên nhất thời không hiểu ý Tiết Sơn: “Tháng này bị chậm”.
Tính toán cẩn thận, cô bổ sung thêm: “Chậm một tuần rồi”.
Mọi động tác thân mật đều bị ngưng lại.
Trần Dật hơi mệt, nhắm mắt nghỉ ngơi, không hỏi vì sao anh không tiếp tục “làm” nữa.
Tiết Sơn im lặng, trở người, nằm xuống cạnh cô, đặt đầu cô gối lên tay mình.
Trong lúc mơ màng, Trần Dật cảm giác có một bàn tay ấm áp chầm chậm vuốt ve bụng cô.
Cô từ từ mở mắt, nhìn lên trần nhà màu trắng, rốt cuộc cũng hiểu ý anh.
“Tiết Sơn”. Cô gọi khẽ.
“Ừm?”.
“Anh sợ à?”.
Đó không hẳn là một câu hỏi nhưng anh hiểu rất rõ hàm ý bên trong.
Suy nghĩ một chút, anh đáp: “Không phải”.
Chỉ là anh lo, nhỡ chuyện này xảy ra, nếu tiếp tục thân mật sẽ làm tổn thương cơ thể cô.
Trần Dật nghiêng người, thò tay ôm anh, đầu dựa sát vào cổ anh: “Anh đừng lo, kỳ kinh của em thường xuyên bị chậm, không phải có thai đâu”.
Anh gật đầu, trong lòng rối như tơ vò.
Ôm nhau một hồi, Trần Dật bỗng bật cười.
“Em cười gì thế?”. Tiết Sơn ngạc nhiên, hỏi.
Trời chiều, mặt trời lười biếng bò lên tấm rèm, rắc ánh nắng ôn hòa xuống mọi ngóc ngách của số phận.
Trần Dật đáp: “Tương lai sẽ có”.
Sau khi vượt qua mọi khó khăn trắc trở, chúng ta sẽ có tổ ấm, sẽ chào đón một sinh mệnh nhỏ bé mới ra đời.
Mong sao sinh mệnh nhỏ bé thuần khiết ấy có thể ở bên anh suốt đời, là người thân của Đồng Đồng, là người thân trong gia đình của chúng ta.