Đọc truyện Sơn Nam Hải Bắc – Chương 19
Cú điện thoại không dài, thậm chí không có quá nhiều chủ đề để nói.
Phần lớn là Trần Dật nghe, còn đầu bên kia nói là chính. Đó đều là những chuyện vặt vãnh đời thường, không ai nhắc tới chuyện mùa đông hai mươi năm trước.
Thông qua cú điện thoại bất ngờ mà ấm áp, Trần Dật được biết người bạn thời thơ ấu đã kết hôn, có đứa con trai hai tuổi rưỡi. Cô ấy cùng chồng mở một quán ăn nhỏ trên thị trấn, kinh doanh không tệ lắm.
Nói chuyện xong, bát mì bò để trên bàn cũng trương phềnh.
Trần Dật thoáng nhìn bát mì trước mặt, cầm đũa tiếp tục ăn. Ăn được mấy miếng, cô lại đặt đũa xuống, gọi ông chủ tính tiền.
Người đàn ông trung niên chân chất thấy trong bát cô vẫn còn thừa hơn nửa, vừa thối tiền vừa hỏi: “Cháu gái, mì nhà chú không ngon à?”.
Trần Dật lắc đầu: “Cháu no rồi, không ăn được nữa”.
Người đàn ông trả xong tiền thừa, Trần Dật đứng dậy, kéo chiếc ghế sắt cọ xuống nền đất phát ra âm thanh chói tai.
+++
Ánh nắng rực rỡ, bầu trời xanh thăm thẳm, một cơn gió nhẹ lướt qua mặt, rất thoải mái.
Đi trong thời tiết nắng ráo sáng sủa như thế này, ai nghĩ rằng hậu quả mà cơn lũ mang đến vẫn còn tiếp tục.
Nhân khẩu thôn Thạch Tháp tuy ít, ruộng đồng không nhiều. Nhưng sau cơn lũ, hoa màu, nhà cửa đều bị tiêu hủy. Đợi cơn lũ rút hẳn, còn cả một quá trình tái thiết xây dựng sau tai nạn.
Trần Dật bỗng nhiên muốn đi thăm hai vợ chồng ông bà cụ.
Cô dò hỏi vị trí của khu tái định cư, mua ít hoa quả và sữa bò, đi chừng mười phút thì đến thôn Bắc Sơn.
Đầu thôn Bắc Sơn có một ngôi nhà hai tầng không người ở. Đó là nhà của bí thư chi bộ khóa trước.
Khoảng mười ba mười bốn năm trước, không biết xảy ra chuyện gì mà vợ chồng bí thư chi bộ lục đục cãi vã. Trong lúc bực tức, bà vợ đã uống thuốc diệt chuột rồi nhảy xuống sông tự tử. Ông chồng nghĩ quẩn, nhảy theo, để lại hai đứa con một trai một gái mới lên cấp hai.
Sau đó, bà cô của hai đứa trẻ đưa chúng đi nơi khác sinh sống, nhà cửa từ đấy trống không. Sau này thuộc quyền sở hữu của bí thư thôn.
Bởi vì ngôi nhà khá lớn, lại có sân rộng, hai thôn cách nhau không quá xa. Nên sau cơn lũ, chính quyền thôn lập tức thiết lập khu tái định cư tạm thời này, chuyển những hộ dân gặp nạn đến sống tạm.
Trần Dật bước vào sân, thấy trên mấy cái bếp dựng giữa bãi chất la liệt nguyên liệu nấu ăn, đồ đạc các kiểu, cô khẽ nhíu mày.
Trong căn phòng có bốn năm tấm đệm đặt dưới nền nhà, lúc này có tổng cộng hai mươi người, không chỉ người dân thôn Thạch Tháp, mà cả những hộ dân sống gần sông Đạt Ngõa và một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi cơn lũ.
Thời tiết khá đẹp, sau khi ăn trưa, dân làng tốp năm tốp ba rủ nhau ra phơi nắng. Trần Dật tìm một vòng mới thấy ông bà cụ trên tầng hai.
Nhìn hai cụ khỏe mạnh, không bị thương, đang trò chuyện với hai cụ khác.
Cả căn phòng toàn giọng quê, nghe vô cùng thân thiết.
Nhưng không gian quá nhỏ, người đang ngủ tương đối nhiều, cửa sổ không kịp mở để thông gió. Nên Trần Dật đứng ở cửa bị mùi ẩm mốc táp vào mặt.
Dừng một lúc cô mới đi vào, khẽ gọi ông bà cụ đang ngồi trong góc tường.
Ông cụ nhìn thấy Trần Dật trước, dường như không thể tin nổi, dụi mắt nhìn kỹ lần nữa. Sau khi xác nhận đúng là cô, ông cụ lay mạnh tay bà cụ: “Mình ơi, bác sĩ Tiểu Trần kìa”.
Bà cụ cũng đã nhìn thấy, ngây người gọi to: “Bác sĩ Tiểu Trần, đúng là bác sĩ Tiểu Trần”.
Hai thân già dìu nhau đứng lên, Trần Dật đi tới, nắm chặt tay hai cụ.
Bà cụ nắm tay Trần Dật nước mắt trực trào: “Nhờ Trời, cháu trở về an toàn rồi”.
Ông cụ đứng bên gật đầu: “Ôi ôi, hai thân già này mạng lớn. Nếu không phải bác sĩ Tiểu Trần bảo chúng ta đi thì chúng ta đã sớm bị vùi xác trong ngôi nhà cũ đó rồi”.
Trần Dật nhất thời không biết phải nói gì.
Rõ ràng cô đã bỏ rơi hai cụ nhưng họ không hề oán giận, trách móc cô. Đã thế còn ân cần hỏi han, quan tâm tới cô.
Thứ tình cảm ấy không thể là giả.
Cả ba người đều ổn định tâm trạng. Trần Dật mang đồ tới biếu hai cụ, hai cụ càng thêm cảm động.
Nhìn vết thương trên tay Trần Dật, hai cụ hỏi tình hình của cô, Tiết Sơn và Đồng Đồng trong hai ngày qua như thế nào.
Trần Dật nói mọi người đều đã an toàn, lúc ấy ông bà cụ mới vui mừng gật đầu.
Tình cảm giữa người với người quả là vi diệu, một giây trước còn thân thiết khăng khít, một giây sau lại như những kẻ xa lạ, ngược lại cũng như vậy.
Thấy tình trạng của hai cụ chỉ bị kiệt sức, ngoài ra không còn trở ngại nào khác, Trần Dật ngồi thêm một lúc mới đi.
Cô không quay về viện ngay mà đi lang thang dọc con suối nhỏ trong thôn.
Hơn phân nửa nhà cửa trong thôn xây theo dòng suối. Đi trên đường, nghe tiếng nước chảy róc rách, cô vô thức đi qua biển số nhà của một căn hộ.
Cô đứng trước cửa nhà số 56, thôn Bắc Sơn.
Đây là nhà của Tiết Sơn và Đồng Đồng.
Dừng một lát, cô quay đầu rời đi.
Trong thâm tâm, có một giọng nói cất lên hỏi: “Mày sao thế? Mày tới đây làm gì vậy?”.
Dường như có thứ gì đó đang lẩn trốn giam cầm khiến cô bước càng lúc càng nhanh, càng lúc càng nhanh –
“Bác sĩ Trần?”.
Đột nhiên, một giọng nói vang lên, kéo cô dừng lại.
+++
Trần Dật cúi đầu nhìn cạnh bàn gỗ tếch nhỏ, nơi đó vốn dĩ là cạnh vuông sắc nhọn, nay đã được gọt giũa thành một đường cong.
Cô lại nhìn nền gạch màu đất, in những sóng hoa văn khó hiểu.
Sau đó là bộ ghế sofa xám thẫm mình đang ngồi.
Ánh sáng rọi vào từ cánh cửa phòng khách mở rộng, cả căn phòng sáng bừng, có thể nhìn rõ mọi góc tối.
Đồ đạc trong nhà không nhiều lắm, một chiếc tủ thấp, một cái tivi, cộng thêm bộ ghế sofa cô đang ngồi, ngoài ra không còn gì khác.
Đồ nội thất trong nhà tuy cũ nhưng sạch sẽ và gọn gàng.
Căn phòng này, mang đến cho người ta cảm giác cổ xưa và yên bình.
Ánh sáng ngoài cửa bị ngăn hơn nửa, có người đang vào.
Trần Dật hơi ngước lên, Tiết Sơn đưa cho cô một cốc nước.
Cốc nước thủy tinh bốc hơi nóng, miệng cốc hiện một vòng khói, cô nhìn mấy giọt nước chảy trên thành cốc, khẽ nói: “Cảm ơn”.
Tiết Sơn mỉm cười, không đáp.
Im lặng một lúc, Trần Dật hỏi: “Sao anh về sớm vậy?”.
Anh không ngồi trên sofa, mà rút một chiếc ghế gỗ ra, ngồi xuống bên trái Trần Dật: “Tôi về lấy ít đồ cho Phương Thanh Dã, tiện thể uống thuốc luôn”.
Vì phải vòng đi vòng lại, uống thuốc xong phải quay vào bệnh viện nên anh không đưa Đồng Đồng về.
Trần Dật gật đầu, không nói gì nữa.
Cô có cảm giác hành động của mình thật điên rồ, không hiểu vì sao lại tìm tới đây, còn không ngờ gặp trúng Tiết Sơn ngay trước cửa nhà.
Anh hỏi cô sao lại ở đây, cô nói mình đến khu tái định cư tạm thời thăm xem ông bà cụ đã ổn định chưa.
Lúc ấy, Tiết Sơn đứng trước mặt cô chưa đến hai ba bước, ánh mặt trời hắt lên mặt anh, nửa tối nửa sáng, cảm giác vô cùng mơ hồ.
Giọng anh đều đều: “Khu tái định cư ở đầu thôn”.
Còn nhà anh ở cuối thôn.
Trần Dật vô thức cúi thấp đầu, cố gắng duy trì thái độ bình tĩnh: “Tùy tiện đi dạo một chút, rồi tới đây”.
Tiết Sơn không trả lời.
Trần Dật ngẩng đầu nhìn anh, phát hiện anh cũng đang nhìn mình.
Hai ánh mắt gặp nhau, không ai né tránh.
Một lúc sau, Tiết Sơn nói: “Nhà của tôi ngay phía trước, cô vào ngồi một lát”.
Trần Dật nghe thấy giọng mình đáp: “Vâng”.
+++
Trần Dật nhấp một ngụm nước, đặt chiếc cốc thủy tinh xuống.
Tiết Sơn bước ra khỏi phòng, tay cầm một chiếc túi cúc, đựng sổ tiết kiệm của Phương Thanh Dã. Thời hạn mười năm, bên trong có hai vạn, tiền làm công của anh ta ngày trước.
Năm nay vừa vặn đến kỳ, nhưng thời gian cụ thể thì Phương Thanh Dã không nhớ. Anh ta bảo Tiết Sơn về xem thế nào. Nếu đến hạn thì rút ra, giải quyết việc gấp.
“Mang hết đồ đi rồi ạ?”. Trần Dật hỏi.
“Ừ, mang hết rồi”.
“Vậy đi thôi”.
Hai người đi ra cửa.
Lúc đi qua mảnh sân nhỏ, Trần Dật nhìn thoáng qua bồn hoa, chỗ đó gieo một lùm kim trúc, bên cạnh là mấy nhánh hoa lạ.
Chân vẫn bước, nhưng mắt lại liếc sang Tiết Sơn, Trần Dật hỏi: “Anh thích hoa à?”.
Ra khỏi cổng, Trần Dật đi trước, Tiết Sơn quay người đóng cánh cửa sắt, cắm chìa khóa lại. Anh đáp: “Đồng Đồng thích nên trồng một ít”.
Thì ra là thế.
Chiếc xe máy của Tiết Sơn bị mất trong cơn lũ, hai người đành phải đi bộ.
Trên đường, hai người duy trì khoảng cách đi cạnh nhau, anh một câu tôi một câu.
“Cô không phải người địa phương à?”. Tiết Sơn hỏi.
Trần Dật gật đầu: “Quê tôi ở Úy Sơn”.
“Úy Sơn? Ở đấy khẩu âm nặng lắm, nghe cô nói chuyện, tôi không nhận ra”.
Trần Dật khẽ mỉm cười: “Do tôi lớn lên ở Hữu An”.
Nét mặt Tiết Sơn thoáng ngạc nhiên, Trần Dật cúi đầu nhìn đường dưới chân, không để ý.
Cho là anh không biết Hữu An ở đâu, Trần Dật giải thích: “Cách Úy Sơn khoảng 20 cây có một thị trấn nhỏ. Đó là nơi sản sinh ra hoa sen”.
Tiết Sơn gật đầu: “Hữu An giờ đây…có rất nhiều thôn di cư phải không?”.
“Hình như vậy, tôi không rõ lắm”.
Thị trấn Hữu An nhiều đồi núi, trên núi có không ít đồng bào dân tộc Tạng và dân tộc Di, mỗi gia đình chiếm cả một quả núi.
Trước đấy vài năm, Chính phủ đấy mạnh việc trả đất nông để làm lâm nghiệp nhưng hiệu quả không lý tưởng, đời sống sinh hoạt và kinh tế của người dân bản địa không được cải thiện. Mấy năm gần đây, thực hiện lại công cuộc ‘thối canh hoàn lâm’, Chính phủ bỏ vốn mua đất của dân, thống nhất quy hoạch gieo trồng.
Nhận được số tiền bán đất kếch xù, nhiều người dân mua đất xây nhà, bắt đầu cuộc sống mới. Họ sinh hoạt theo kiểu làng xóm, gọi là thôn di cư.
Trần Dật nói: “Tôi tốt nghiệp trung học rồi ra ngoài học đại học, lâu rồi không về đó nữa”.
Tiết Sơn quay sang nhìn cô: “Cô học đại học ở đâu?”.
“Tây An”. Trần Dật nhìn anh: “ Anh đến đó bao giờ chưa?”.
Anh cúi đầu nhìn đường: “Chưa”.
Tiết Sơn đột nhiên hỏi: “Cô rất ít khi về nhà à?”.
Cô có nói sau khi học đại học cô không về Hữu An nữa.
Trần Dật thoáng mỉm cười: “Anh từng nghe câu này chưa, cha mẹ sống, đời còn chỗ để ở. Cha mẹ mất, đời chỉ còn là đường về”.
Anh chưa nghe thấy câu đó bao giờ nên khá ngạc nhiên, không có phản ứng.
Trần Dật nói: “Bố mẹ tôi mất sớm, chỉ còn lại bà ngoại ở Hữu An”.
“Vậy bà của cô…”.
“Bỏ đi rồi, bỏ đi 10 năm rồi”.
Cô như đang nói đến một chuyện không liên quan đến mình, giọng điệu điềm tĩnh, thản nhiên.
Mười năm, khi đó cô vẫn còn ít tuổi?
Nghĩ vậy, Tiết Sơn hỏi tiếp: “Bác sĩ Trần, cô sinh sau năm 90 à?”.
Trần Dật bật cười: “Anh có thành kiến với những người sinh sau năm 90 sao?”.
“Không phải, không phải”. Tiết Sơn vội giải thích.
Trần Dật đáp: “Tôi sinh năm 90”.
Sinh năm 90, năm nay 26 tuổi.
Nhìn bề ngoài không giống lắm, cảm giác cô mới 20 thì đúng hơn. Ánh mắt và khí chất thì lại không gạt người.
Tiết Sơn cảm nhận trong mắt cô luôn thấp thoáng một nỗi đau thương. Nỗi đau thương ấy không dễ bị phát hiện. Nhưng khi toát ra, lại không dễ làm người ta thấy đau lòng thay cô.
Nó giống như một vẻ đẹp bình lặng khó nói nên lời, bị năm tháng và đau khổ đánh bóng, sau đó trở thành vẻ đẹp trầm tĩnh.
Phía trước là ngã tư, xe cộ tương đối nhiều.
Thoạt nhìn Trần Dật chỉ lo tiến lên phía trước, không để ý tới giao thông. Nhưng thực ra, ánh mắt cô quan sát hết sức cẩn thận, không đùa giỡn với tính mạng của mình.
Vậy mà Tiết Sơn không thể ngờ.
Một chiếc xe buýt lao vút qua, anh vội giơ tay ngăn trước người Trần Dật, bảo vệ cô sau lưng mình.
Đoạn đường này bụi bặm nhiều. Hai người đứng nguyên tại chỗ chờ bụi tan hết.
Tiết Sơn đứng lên trước một chút, cao hơn cô một cái đầu.
Trần Dật hơi nheo mắt, nhìn rõ mái tóc ngắn màu đen của anh, rậm rạp mồ hôi, cùng cái cổ cương trực, bờ vai rộng lớn.
“Bác sĩ Trần, đi …”.
Bui bay tan hết, anh quay sang định bảo cô đi tiếp, bắt gặp ánh mắt quan sát bình thản của Trần Dật, anh nhất thời im bặt.
Ánh mắt cô không trốn chạy, quang minh chính đại. Ngược lại, người bị nhìn có phần lúng túng.
Trần Dật lẳng lặng rời mắt về, nói: “Đi thôi”.