Đọc truyện Sơn Hà Biểu Lý – Chương 21Quyển 1 –
Nếu là ở phương Bắc Trung Quốc bốn mùa rõ ràng, bình thường trung hạ tuần tháng Mười một, trên cơ bản đã vào đông. Chử Hoàn sống ở tộc Ly Y có phần quên cả ngày tháng, chỉ tính đại khái, mang máng cảm thấy sắp đến Tết dương lịch rồi. Cũng không biết tộc Ly Y dùng lịch nào, chỉ biết là dựa theo nhiệt độ không khí thì nơi này vẫn như mới đầu thu thôi, hầu như không thay đổi gì so với thời điểm Chử Hoàn vừa đến – Ai sợ lạnh thì mặc thêm áo khoác mỏng, cá biệt có chàng ngốc da dày sức khỏe, chẳng mặc cái gì mà cũng không thấy sao.
Lá cây trong rừng vẫn còn xanh, cây cỏ thì tươi tốt, ngay cả rắn cũng chưa ngủ đông, chỉ là sáng khuya sương dày có vẻ hơi lạnh.
Lúc ấy Nam Sơn nhắc tới “mùa đông”, Chử Hoàn cảm thấy hơi khó tin: “Phong sơn? Chỗ các cậu ở phương Nam mà mùa đông cũng lạnh như vậy sao?”
Nam Sơn trả lời: “Chờ đến mùa đông là anh khắc biết.”
Nhưng mùa đông bao giờ thì đến?
Nếu có thể, anh hi vọng mùa đông vĩnh viễn đừng đến, nhưng anh khắc chế mình rất ít nghĩ như vậy, vì vọng tưởng là liều thuốc phiện tăng thêm đau đớn.
Sáng sớm ngày thứ mười bốn sau hôm ấy, Chử Hoàn như thường lệ, trời chưa sáng đã dậy rèn luyện, nhưng mới mở cửa ra đã ngây ngẩn cả người.
Sương mù vốn trôi nổi trên sông trong một đêm đã xảy ra Càn Khôn Đại Na Di, bao trùm lên đất liền, dõi mắt trông đi chỉ thấy xa gần mênh mang, mây mù vấn vít, những ngôi nhà nóc nhọn cao cao trong sương trắng mịt mù lộ ra một tẹo, như cưỡi mây lướt gió vậy.
Cả khe núi và đồng bằng đều bao trùm tiên khí mờ ảo, người đứng ở trong đó, như đã bước một chân vào Nam thiên môn.
… Tuyệt quá, anh còn chưa kịp chết mà đã thăng thiên trước rồi.
Chử Hoàn gỡ cặp kính kết sương, dùng tay áo lau lau, sau đó bước vào sương mù. Nhiệt độ kỳ thực không hề giảm xuống, nhưng cây trong rừng lại hiển lộ dấu vết của mùa đông, có vẻ như tập thể cùng chung một nỗi sầu, đồng loạt trọc đầu chỉ sau một đêm. Một tầng lá cây đọng sương chất thật dày trên mặt đất, mà không trung lại chỉ còn cành khô trơ trọi lỉa chỉa, trông có vẻ nặng nề chết chóc.
Chử Hoàn quanh quẩn chốc lát trước cánh rừng quen thuộc, trong lòng không cần ai nói cũng tự rõ – thì ra đây là mùa đông của dân tộc Ly Y.
Anh không đi tiếp, chỉ dạo qua một vòng rồi lập tức quay về chỗ ở.
Chẳng biết có phải là ảo giác không mà Chử Hoàn cảm thấy sương mù hình như còn dày hơn lúc anh mới đi ra, thế là lại xúc cảnh mà thông suốt ý nghĩa của “phong sơn”.
Chử Hoàn quay về nhà, nhanh nhẹn thu dọn hành lý – thực ra anh cũng chẳng có hành lý gì, trừ lưỡi lê và con dao Nam Sơn tặng, mấy thứ khác cơ bản đều có thể bỏ lại.
Anh ngồi ngẩn người trên mép giường lạnh băng một hồi, lẳng lặng làm bạn với sự cô quạnh trước khi trời mờ sáng, đợi một lúc, lại mò tìm nửa gói thuốc trong túi áo khoác, cầm trên tay lật qua lật lại ngắm nghía, sau cùng đem cất đi.
Thứ nhất là Chử Hoàn nghiện thuốc lá chưa nặng lắm, thứ hai là anh không muốn dùng ni-cô-tin và cac-bon mô-nô-xit làm ô nhiễm non xanh nước biếc của dân tộc Ly Y.
… Hơn nữa lúc ở thị trấn, hình như Nam Sơn đã bày tỏ rõ ràng là không thích anh hút thuốc.
Lúc này chợt có tiếng sột soạt, Chử Hoàn ngẩng đầu lên thấy con rắn nhỏ xuôi theo giường trườn tới.
Nó dường như sợ lạnh, nhanh chóng bò lên tay và vai Chử Hoàn, trực tiếp chui tọt vào lòng anh, giữa chừng đụng phải lưỡi lê Chử Hoàn xếp lại bỏ trong áo gió, động tác bỗng nhiên hơi chần chừ. Nó thè lưỡi thử một chút trên vỏ dao, sau đó nhanh chóng né tránh, vòng qua lưỡi lê, chui vào tay áo Chử Hoàn, từ bên trong thò cái đầu bé xíu hình tam giác ra nhìn anh.
Chử Hoàn: “Tao sắp đi rồi.”
Đầu rắn thò ra hơi to hơn, giống như có chút giật mình.
Có điều… sao rắn lại biết giật mình?
Chử Hoàn: “Ra đi, không lát nữa tao mang cả mày đi đấy.”
Con rắn nhỏ do dự nhô nửa người ra, lớp vảy lạnh như băng cọ mu bàn tay Chử Hoàn, thân lại quấn chặt cánh tay anh.
Chử Hoàn: “Làm gì vậy? Mày muốn đi theo tao à?”
Con rắn phì phì thè lưỡi.
“Không được,” Chử Hoàn túm lấy nó, “Tao còn phải mua chuột cho mày, phiền chết đi được…”
Lần này con rắn giảo hoạt cắn tay áo, bẻ thân mình thành một cái kẹp giấy, đuôi vẫn nằm trong tay áo Chử Hoàn, nhất định không chịu ra.
Chử Hoàn và nó vật lộn một hồi, tay suýt bị tiểu nghiệt súc này thít cho lồi gân xanh. Anh phát hiện đây là một miếng cao da chó hình rắn, dán lên rồi là gỡ không nổi, cuối cùng mềm lòng, nghĩ: “Thôi mặc nó đi, dù sao nuôi con vật nhỏ như vậy cũng không tốn tiền, coi kỹ đừng để nó chạy lung tung là được rồi.”
Vậy là anh cứ thế mang theo cái vòng tay độc đáo này, vác túi hành lý đơn giản đi ra cửa.
Cửa vừa mở ra thì Chử Hoàn lập tức ngây người – Nam Sơn không biết đã chờ anh ở đó bao lâu rồi.
Nam Sơn dắt một con ngựa trắng như tuyết, trên cổ ngựa còn đeo hai cái ống trúc, từ rất xa đã ngửi thấy mùi rượu.
Hai người một ngoài cửa một trong nhà, ban đầu chẳng ai nói gì, mà vào lúc thế này, quả thật nói gì cũng là thừa thãi thôi.
“Anh…” Nam Sơn nhìn túi hành lý sau lưng anh, khuôn mặt căng thẳng, một lúc lâu, cổ cậu nhích khẽ, mới nói nhỏ, “Đi thôi, để tôi tiễn anh.”
Mái tóc dài đã được buộc gọn gàng làm cậu có vẻ càng trẻ hơn, cậu lại mặc chiếc áo gi-lê buồn cười kia, cây kèn Harmonica cũng vẫn đeo bên hông một cách ngốc nghếch – nhưng có thêm một cái thắt lưng nữa.
Vừa thấy Nam Sơn, con rắn vốn quấn chặt cổ tay Chử Hoàn lì lợm không chịu đi lập tức mềm nhũn, không dám tiếp tục đóng vai hộ không chịu di dời, ngoan ngoãn chui ra chuồn mất tăm.
Chử Hoàn không được tự nhiên rụt tay lại, cảm thấy tay áo thoáng cái trống rỗng, gió lùa đầy vào.
Anh lên ngựa luôn không nhiều lời, bạch mã như biết đường, tự động đi theo Nam Sơn mà chẳng cần dắt.
Thực ra lúc nhỏ Chử Hoàn cũng được ông Chử Ái Quốc cho một cây kèn Harmonica, tiếc rằng thứ ấy nằm trong ngăn kéo bao nhiêu năm mà anh vẫn chưa biết lỗ nào thổi ra âm gì, ấy thế mà Nam Sơn đã có thể thành thạo thổi các khúc nhạc như thổi kèn lá vậy.
Mấy cái như khả năng âm nhạc, quả thật phải xem thiên phú.
Chử Hoàn luôn thờ ơ chẳng để ý gì, chỉ riêng lúc nghe Nam Sơn thổi kèn là hết sức chăm chú.
Trong tiếng nhạc của Nam Sơn luôn có đầy đủ buồn vui hờn giận, chưa bao giờ thèm che giấu mảy may, đậm như rượu mạnh, uống một ngụm thì ngũ tạng lục phủ đều xao động, làm cho người ta cảm nhận được vô cùng chân thật, bất kể là đau khổ hay vui sướng, thì mình quả thật vẫn đang sống.
Không phải cái xác không hồn, cũng không có mơ màng qua ngày.
Hai người dọc đường không nói chuyện, nhanh chóng đi qua khu dân cư, vườn cây ăn quả, sau đó Nam Sơn dắt ngựa, dẫn anh vượt qua con sông thần bí như cách tuyệt với thế gian.
Chử Hoàn không khỏi ngoái nhìn lại, đập vào mắt là một màu trắng xóa mịt mù không thấy gì cả.
Tiếng lũ trẻ cãi nhau trong trí nhớ đã thành ảo thính lướt qua tai anh, Chử Hoàn cúi đầu, nhìn thấy ánh mắt sẫm màu của Nam Sơn.
Cậu tuấn tú như vậy, đó là vẻ tuấn tú mà Chử Hoàn bình sinh ít thấy, dù thờ ơ nhìn lướt qua, cũng sẽ khắc sâu trong lòng.
Chử Hoàn nhìn lướt qua môi cậu, không tự chủ được dừng lại một chút, giây lát sau bị chính mình phát giác, Chử Hoàn liền hơi mất tự nhiên dời tầm mắt, cảm thấy mình mà còn tiếp tục nghĩ ngợi lung tung, thì sẽ dễ dàng phạm sai lầm.
Anh đành phải gượng gạo chuyển dời sự chú ý, lưu luyến biến thành một câu cảm khái vô nghĩa: chỉ chớp mắt mà mình đã ở đây ba bốn tháng rồi, quả đúng là thời gian như nước chảy.
“Này,” Chử Hoàn đưa tay khều vai Nam Sơn: “Cái treo trên cổ ngựa, là rượu à?”
Nam Sơn tháo một ống trúc, mở nắp ra uống một ngụm trước, sau đó quay người lại đưa cho Chử Hoàn.
Cả hai đứng ở bờ sông, mỗi người một ngụm mà uống sạch không còn một giọt rượu nào, Chử Hoàn sờ sờ cái bờm mềm mại của bạch mã, bật cười: “Cậu nói tôi có phải là uống rượu tham gia giao thông không? Ở chỗ chúng tôi uống rượu tham gia giao thông bị bắt một lần, sẽ bị tống vào tù nửa năm đấy.”
Nam Sơn nghe anh thuận miệng đùa giỡn, chẳng thèm nể mặt chút nào, không cười cũng không tiếp lời, mà nói thẳng: “Anh đi rồi, tôi rất buồn.”
Chử Hoàn: “…”
Nụ cười nhạt dần, cuối cùng anh thở dài, một tay quàng cổ Nam Sơn, kéo cậu vào lòng mình.
Mùi hoa quế lướt qua mũi anh như ảo giác, Chử Hoàn bỗng nhiên trở nên quân tử – Anh cảm thấy mình đã có ý nghĩ đen tối trong lòng, thì không nên chẳng thèm kiêng dè gì, bèn kiềm chế vỗ vai Nam Sơn, rồi lập tức buông cậu ra mà trèo lại lên ngựa.
“Lát nữa tôi thả nó ở gần bến xe lần trước, nó sẽ tự mình biết đường quay về đúng không?” Bạch mã bước đi thong thả, Chử Hoàn tùy ý quay đầu ngựa, để nó đi quanh Nam Sơn vài vòng, sau đó tháo một ống rượu khác trên cổ nó, “Cái này cho tôi nhé, tạm biệt.”
Nói xong, anh thúc nhẹ bụng ngựa, ruổi ngựa đi thẳng.
Anh đi thong dong bình tĩnh, từ đầu đến cuối không ngoảnh lại một lần.
Nam Sơn không nhịn được gọi một tiếng: “Chử Hoàn…”
Chử Hoàn ở đằng xa đưa lưng lại phất phất tay.
Trên thế giới này không có bữa tiệc nào là không tàn cả.
Nam Sơn cứ đứng nguyên tại chỗ, dõi theo bạch mã sau cùng rẽ bụi đi mất, nhìn Chử Hoàn vẫn như lúc đến, gọn gàng dứt khoát, không dây dưa chút nào.
“Lời tổ tiên nói, chưa chắc đã là thật.”
Nam Sơn nghe thấy một giọng nói quen thuộc ở đằng sau, cậu không quay đầu lại, chỉ thu tầm mắt về, cúi đầu nhìn chân mình: “Trưởng giả.”
Trưởng giả từ trong màn sương mù dày đặc đi đến, trên khuôn mặt gầy trơ cả xương không có cảm xúc gì, tựa như một lão yêu quái hóa trang lên sân khấu vậy.
“Trên thánh thư nói, ‘Bên kia sông có một người có thể nối liền quá khứ với tương lai, tiếp nối hiện thế và mạt thế’, có lẽ thật sự có, nhưng không phải lão sư cháu tìm đến đã nói rồi sao? Chỗ họ có đến sáu mươi vạn vạn người.”
Đơn vị “trăm triệu” đã vượt qua trình độ tri thức của dân tộc Ly Y, lúc trưởng lão nói cũng không tự chủ được dừng một chút, giống như đang nhớ lại sự chấn động mà con số khó lòng tưởng tượng mang đến cho ông: “Bọn họ nam nữ già trẻ, bộ dáng nào cũng có, cháu đến ‘biên giới’, mới một chút khoảng cách như vậy, vừa vặn gặp gỡ một người, vừa vặn đưa về, sao có thể là cậu ta được?”
Nam Sơn cúi đầu không nói gì.
“Ta biết ý cháu.” Trưởng giả nói, “Cháu muốn tìm một lối ra cho bọn trẻ, thế nên ta không ngăn cản cháu, nhưng dựa vào một người ngoài thì có thể dẫn mọi người qua sao? Lối ra này tựa như một sợi tóc cháy trong đêm tối, nhỏ bé xiết bao, cháu không bắt được đâu.”
Nam Sơn không lên tiếng, cũng chẳng giải thích. Ánh mắt cậu không có bao nhiêu sự sắc bén của người trẻ tuổi, mà nơi đó có sự vững vàng chẳng thể nào phá vỡ cũng chẳng cách nào lay động, tựa như núi lớn vậy.
Cậu chỉ quay người bước xuống sông, lội nước đi về.
Sau khi rời khỏi tầm mắt Nam Sơn, kỳ thực Chử Hoàn không hề vội vã lên đường.
Sau khi đi qua một dãy núi, cảm thấy rượu đã hơi ngấm, Chử Hoàn bèn ghìm ngựa, tìm một gốc cây to, ngồi xuống nghỉ ngơi.
Sau đó anh dứt khoát quyết định dựa lên gốc cây đánh một giấc.
Chử Hoàn ngủ không say lắm, bị tiếng trườn “sột soạt” của loài bò sát đánh thức. Mùa đông nơi đây không lạnh như phương Bắc, đôi khi thậm chí lên đến hơn hai mươi độ, ở vùng hoang dã không tránh khỏi có bò sát, Chử Hoàn lại không mang theo thứ gì để đuổi sâu đuổi rắn, nên đành phải ngủ tỉnh.
Kết quả là vừa mở mắt ra đã nhìn thấy một con rắn độc be bé rất quen đang lắc lư thè lưỡi ở trước mặt.
Chử Hoàn: “…”
Nhận được người, hiểu tiếng người, còn biết lặn lội đường xa băng qua con sông dày đặc sương mù đuổi theo đến đây…
Chử Hoàn chần chừ túm con rắn, giơ lên trước mặt lắc lắc: “Này, mày thật ra là xà tinh phải không?”
Ngay sau đó, Chử Hoàn liền nghe thấy một tràng tiếng bước chân dồn dập khác, anh sửng sốt quay đầu lại, thấy một con heo to đang lao tới.
Con… heo?
Con heo chạy đến trước mặt anh liền thắng lại cái két, với tinh thần gan dạ ngàn dặm tặng chân giò hun khói, ưỡn ngực ngẩng đầu đứng yên đó.
Và rồi một cái đầu nho nhỏ trọc lóc từ sau lưng heo nhô lên, nhe nguyên hàm răng sữa, nhìn Chử Hoàn toét miệng cười rạng rỡ.
Chử Hoàn: “…”