Bạn đang đọc Sơn Hà Bất Dạ Thiên – Chương 48
Tinh dầu không phải của hiếm ở Thịnh Kinh.
Tất cả những khách hàng có đủ tiền của mua nổi tinh dầu thì dù mặt hàng này không có mặt ở Thịnh Kinh, họ cũng đặt mua được từ Cô Tô, Kim Lăng xa xôi với cái giá đắt đỏ.
Tin tức Họa Đường Thu chuẩn bị bán tinh dầu vào hôm nay, chưa tới nửa tháng đã lan truyền khắp các nhà phú hộ ở Thịnh Kinh.
Tinh dầu là thứ bọn họ đã dùng rồi, giờ Họa Đường Thu có bán thì cũng không còn mới mẻ, hấp dẫn như trước, hiệu quả quảng cáo kém xa so với ở Cô Tô hay Kim Lăng.
Quản lí Hình ra lệnh cho các nhân viên Họa Đường Thu chào hàng nhiệt tình, nhưng không thu hoạch được mấy.
Chỉ còn ba hôm nữa là đến tiết Khất Xảo, Đường Thận xong việc ở viện Hàn Lâm thì đến lầu Thiên Lý gặp quản lí Hình.
Vị quản lí oai phong lẫm liệt thường ngày cũng có lúc thẫn thờ, thấy Đường Thận thì than thở: “Cậu chủ Đường, chẳng giấu gì cậu, tôi đã nghe tả cảnh dân chúng đổ xô ra đường khi Trân Bảo Các ở Cô Tô và Cẩm Tú Các ở Kim Lăng bán xà phòng, Hoàng Kim Lũ.
Chỉ tiếc là, Giang Nam tuy giàu có, đông đúc, nhưng chung quy vẫn kém Thịnh Kinh.
Xin cậu chớ nóng giận, những gì tôi nói đều là thật.
Các phu nhân, tiểu thơ ở chốn kinh kỳ chúng tôi đây còn của ngon vật lạ gì trên đời là chưa thấy, từ dạ minh châu Tây Vực đến san hô cao ba trượng Đông Doanh? E là chúng tôi chẳng thể làm Hoàng Kim Lũ đắt hàng như ở Giang Nam đâu.”
Đường Thận nghe thế thì biết mình suy đoán không trật, nhưng vẫn hơi ngạc nhiên: “Phú thương ở Thịnh Kinh am hiểu thế cơ à?”
“Quả đúng vậy ạ.”
Đường Thận an ủi ông ta: “Vậy thì phải trách người dân Thịnh Kinh cái gì cũng biết, chứ quản lí Hình đâu có lỗi.”
Quản lí Hình được an ủi thì cũng đỡ buồn, càng có hảo cảm hơn với Đường Thận.
Đường Thận hỏi: “Việc ta nhờ ông nửa tháng trước đã ổn thỏa chưa?”
Quản lí Hình nói: “Việc trưng bày ngọc ngà châu báu là sở trường của Họa Đường Thu.
Tiểu nhân đã nghe lời cậu, cho chế tác một trăm kiểu dáng khác nhau, sáng sớm hôm nay thì giao cho quản lí Lục mang đến xưởng ngoài thành.
Tiểu nhân xin mạo muội hỏi, cậu chủ Đường, cậu giao cho tôi làm thế để làm gì?”
Đường Thận mỉm cười: “Chẳng phải ông nói các phu nhân, tiểu thơ ở Thịnh Kinh am hiểu nhiều thứ, không có gì là chưa từng thấy, chưa từng thưởng thức sao? Nếu họ đã dùng Hoàng Kim Lũ rồi, chúng ta chỉ cần cho họ một thứ mới hơn là được.
Ba ngày sau, ông sẽ biết.”
Ba ngày sau, tiết Khất Xảo.
Tiết Khất Xảo còn có tên gọi khác là đêm Thất Tịch.
Cái tên này xuất phát từ việc ngày lễ này rơi vào mùng bảy tháng bảy.
Ban đầu, đêm Thất Tịch là dịp lễ mừng ngày sinh của nàng tiên thứ bảy (tức nàng Chức Nữ), cũng là dịp để các thiếu nữ cầu xin cho tay nghề may vá thêu thùa của mình thêm điêu luyện.
Về sau khi xuất hiện câu chuyện tình giữa Ngưu Lang và Chức Nữ thì ngày lễ này cũng dần dần trở thành ngày các cô gái cầu khấn nhân duyên tốt lành.
Chạng vạng hôm đó, có mấy cỗ xe ngựa xa hoa đỗ lại trước cửa Họa Đường Thu.
Nữ giới nhà quyền quý thường ít khi lộ mặt vào ban ngày.
Tới tối, họ không hẹn mà ghé thăm Họa Đường Thu.
Vừa xuống xe, ba người phụ nữ liền ngạc nhiên khi tình cờ gặp phải người quen.
“Lâm phu nhân, Triệu phu nhân.”
“Mã phu nhân, Triệu phu nhân.”
“Lâm phu nhân, Mã phu nhân.”
Ba vị phu nhân nghiêng mình chào hỏi nhau, rồi cùng đi vào Họa Đường Thu.
Tầng một Họa Đường Thu dùng để trưng bày trâm khảm đá quý, son phấn, bột màu trang điểm giá cả phải chăng và xà phòng.
Xà phòng chỉ bán riêng ở tầng thứ nhất.
Ba vị phu nhân nhà quan vào trong cửa hàng thì có nhân viên đón tiếp, kính cẩn mời lên tầng hai.
Lên đến tầng hai, ba vị phu nhân ngạc nhiên phát hiện ở khúc ngoặt trên thang có đặt một giá trưng bày rất tinh xảo, liền dừng bước.
Một phu nhân che miệng cười duyên: “Nghe nói ở Giang Nam, xà phòng là thứ bình dân hay dùng để giặt giũ, rửa tay.
Còn giới quý tộc giàu sang thì phải rửa tay bằng thứ xà phòng ướp hương thơm ngát, còn gọi là xà phòng thơm.
Ta bắt đầu chuyển sang dùng xà phòng thơm từ cách đây một năm, đúng là rất sạch sẽ, tay cũng mềm mịn hơn hẳn.”
Một phu nhân khác nói: “Độ một năm rưỡi trở lại đây ta luôn rửa tay bằng xà phòng thơm, đúng là hữu dụng.”
Vị phu nhân cuối cùng cười: “Còn ta thì chẳng bì được với hai tỷ tỷ, nửa năm trước mới bắt đầu dùng xà phòng thơm.
Song Hoàng Kim Lũ được ngợi ca nức nở thì ta vẫn sử dụng thường xuyên từ nửa năm nay, tay trắng mềm hơn bao nhiêu.
Kìa thằng hầu, ta nghe nói từ hôm nay Họa Đường Thu sẽ bán xà phòng thơm và Hoàng Kim Lũ.
Hoàng Kim Lũ ở đâu, dẫn ta và hai chị đây đi xem thử nào.”
Cậu nhân viên cửa hàng cảm thấy mình xui tận mạng mới vớ phải ba Phật bà vào cũng một buổi thế này.
Thịnh Kinh là đô thành của Đại Tống nên người ta hay bông đùa rằng, đập bừa một bảng hiệu, đấm đại mười người thì dễ có tám người là quan lại, một người đã từ quan.
Ba vị phu nhân này là khách quen của cửa hàng, phu quân các bà ở trong triều bét nhất cũng là quan ngũ phẩm.
Tướng công của Mã phu nhân còn là quan tứ phẩm – tức quan lớn! Phu quân các bà trên triều đình khác nhau về tư tưởng chính trị, đấu đá kèn cựa nhau suốt, thành thử ba bà hễ gặp mặt là phải cạnh khóe, hơn thua nhau bằng được.
Thậm khéo, đúng cái hôm Họa Đường Thu mở bán Hoàng Kim Lũ thì cả ba bà hứng chí kéo nhau đến đây!
Cậu nhân viên nén nỗi đau thét gào trong lòng, cười thân thiện: “Mời các vị phu nhân đi theo tiểu nhân.”
Ba bà đi một chốc đã băng qua gian chính bày xà phòng thơm và các loại trang sức, rồi vòng qua một tủ Bách Bảo cổ làm bằng gỗ sưa, trưng bày vô số thứ.
Đằng sau một tấm bình phong hai mặt thêu tranh bách điểu triều phượng trên gấm Tô Châu, ba phu nhân phải choáng ngợp trước một tủ Bách Bảo khác, lộng lẫy như một động tiên bí mật đang náu mình!
Trước tủ Bách Bảo là một cái giá cao bày chiếc bình lưu ly nhỏ xíu, đựng dung dịch trong veo màu vàng nhạt.
Một viên dạ minh châu to bự vô cùng xa xỉ nằm ở một góc giá.
Tắm trong ánh sáng từ viên minh châu, nước ngọc lưu ly càng lóng lánh gấp bội.
Ba vị phu nhân phú quý chẳng kém ai, thấy giá trưng bày này cũng phải trố mắt hãi hùng vì độ xa hoa phung phí.
Đến khi ngẩng lên nhìn tủ Bách Bảo…
Mỗi ô vuông trên tủ Bách Bảo đều trưng bày một chiếc lọ trong suốt bé xinh, mỗi bình chỉ đủ đựng một xíu chất lỏng.
So với chiếc bình trên giá bày dạ minh châu, mỗi bình ở đây chỉ nhỏ bằng một phần năm, nhưng chế tác thì vô cùng tinh xảo, bản thân chiếc bình đã khiến người xem phải thấy thích thú vô cùng, không nỡ buông tay.
Phần lớn những chiếc bình này chứa chất lỏng màu vàng, nhưng cũng có một số bình chứa chất lỏng nhạt màu hơn, gần như trong suốt.
Mã phu nhân hiểu biết rộng rãi, nói thẳng: “Bình trên giá này là Hoàng Kim Lũ, ta biết rồi.
Nhưng mười mấy bình nhỏ trên tủ Bách Bảo kia chẳng lẽ cũng là Hoàng Kim Lũ ư?”
Cậu nhân viên cười nói: “Phu nhân thật uyên bác.
Trên giá Bách Bảo cũng là Hoàng Kim Lũ, nhưng những bình Hoàng Kim Lũ này đều được đông gia nhà chúng tôi đích thân điều chỉnh, thay đổi thành phần.
Ba vị phu nhân e là không biết, Hoàng Kim Lũ bán ở Họa Đường Thu Thịnh Kinh không hề có mặt ở Kim Lăng hay Cô Tô! Hoàng Kim Lũ ở Thịnh Kinh chúng tôi chia làm ba bậc, hạ phẩm, thượng phẩm và trân phẩm.” Nói rồi, cậu ta giải thích về ba loại Hoàng Kim Lũ cho các phu nhân nghe, rồi kết luận: “Ở Giang Nam chỉ có Hoàng Kim Lũ hạ phẩm và thượng phẩm, còn Hoàng Kim Lũ trân phẩm, chỉ riêng Thịnh Kinh mới bán!”
Ba bà nghe thế thì sướng rơn, liên tục gật gù.
Cậu nhân viên còn thổi phồng thêm: “Những bình trên chiếc tủ Bách Bảo này còn phi thường hơn.
Hoàng Kim Lũ trân phẩm được điều chế từ nhiều loại cánh hoa khác nhau, tạo ra mùi thơm mới lại.
Họa Đường Thu chúng tôi đã cải tiến thêm một bước.
Những bình Hoàng Kim Lũ phía sau tiểu nhân đây đều là Hoàng Kim Lũ thượng phẩm, chỉ có một hương hoa, song chúng có thể được pha chế với nhau đấy ạ!”
Mã phu nhân kinh ngạc hỏi: “Ý ngươi là, chúng ta có thể tự điều chế ra Hoàng Kim Lũ trân phẩm ư?”
Cậu nhân viên gật đầu lia lịa: “Đúng rồi đấy ạ! Những hương hoa khác nhau hòa chung vào sẽ tạo ra mùi hương mới.
Ba vị phu nhân đây là thượng khách, làm sao có thể dùng chung mùi hương với người khác được!”
Nghe câu này xong thì cả ba phu nhân đều lóa mắt.
Một khắc sau, ba bà lớn cùng ra về với cả mớ chai lọ be bé, sung sướng ra mặt.
Bán được hơn một trăm bình Hoàng Kim Lũ cỡ nhỏ, cậu nhân viên phổng hết cả mũi.
Tiễn ba thượng khách xong, cậu ta thầm ngạc nhiên: “Quản lí làm thế nào mà biết, các phu nhân này sẽ mua hết mọi mùi hương nhỉ?”
Xin một tràng pháo tay, đây chính là ý tưởng mới của Đường Thận ở Thịnh Kinh: Tinh dầu tự chế tạo!
Phương pháp điều chế tinh dầu của Đường Thận còn rất sơ khai, chất lượng không thể sánh bằng sản phẩm thời hiện đại, nhưng được cái là không có nhiều chỗ lắt léo cần lưu ý như sản xuất thời hiện đại.
Khi pha trộn các mùi hương với nhau, thành quả tệ nhất là một mùi hương khó ngửi, nhưng không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng.
Bình ngọc lưu ly vô cùng quý giá, chỉ dùng để đựng hàng mẫu đặt trong cửa hàng.
Các bình tinh dầu bán cho các cô các bà đều là bình sứ trắng phỏng theo.
Độc nhất vô nhị chính là thứ bùa mê mà giới nhà giàu Thịnh Kinh không cưỡng lại nổi.
Những người phụ nữ này đã thấy vô số của hiếm trên đời rồi, dù có quý giá đến mấy, dù có thổi phồng Hoàng Kim Lũ lên như quảng cáo kim cương, họ cũng có tiền mua, thành ra chẳng mấy mặn mà hồ hởi.
Song, nếu nói rằng họ có thể tự mình điều chế, thử nghiệm, tạo ra Hoàng Kim Lũ thuộc về riêng mình, chắc chắn các quý cô quý bà sẽ lung lay ngay.
Thậm chí, Đường Thận phỏng đoán, độ nửa năm nữa thôi, Thịnh Kinh sẽ rộ lên phong trào so tài pha chế Hoàng Kim Lũ trong khuê phòng ấy chứ!
Đường Thận đem sáng kiến này nói cho quản lí Hình, quản lí Hình phải thốt lên là quá sáng suốt.
Đồng thời, ông ta cũng bổ sung một chiêu rất cao tay.
Nhân viên bình thường làm sao mà nói được những câu mê hoặc lòng người thế? Toàn là do quản lí Hình bày cho cả đấy! Thổi phồng giới nữ quý tộc ở Thịnh Kinh, hạ thấp các phu nhân tiểu thơ Giang Nam, nhấn mạnh rằng trên toàn Đại Tống, loại Hoàng Kim Lũ này chỉ được bán duy nhất ở Thịnh Kinh, làm sao các chị em không xiêu lòng cho được?
Chiêu trò marketing này quả nhiên phát huy cực kì hiệu quả.
Về sau khi nó truyền đến tai Đường Thận, cậu ngẩn người, dở khóc dở cười: “Hóa ra cái lối thượng đội hạ đạp, phân biệt vùng miền đã có từ xa xưa, mười lần chẳng sai!” Suy nghĩ một lát, cậu nghĩ thầm: “Rõ thật trơ trẽn!”
Dù sao thì các phu nhân, tiểu thơ xứ Giang Nam cũng chẳng biết đến việc này.
Đường Thận chỉ đành chờ đến sang năm thì bắt đầu bán Hoàng Kim Lũ trân phẩm ở Kim Lăng và Cô Tô, rồi mở rộng phong trào tự pha chế tinh dầu.
Xà phòng, xà phòng thơm và Hoàng Kim Lũ đại thắng ở kinh thành, tiền chảy như lũ vào túi Đường Thận và phủ Cảnh Vương.
Sang tháng tám, thời tiết vẫn rất mát mẻ.
Đường Thận và các tiến sĩ cùng bảng dần dần vững chân ở Thịnh Kinh.
Đệ nhất giáp được phân hết về viện Hàn Lâm; Đường Thận, Diêu Thiện, Vương Tiêu không còn xa lạ gì nhau nữa.
Khoảng một nửa đệ nhị giáp thì đi làm quan ở ngoài, số còn lại đều ở kinh thành.
Cuối tháng tám, Vương Tiêu chủ trì, các tiến sĩ cùng bảng tụ hội ở lầu Thiên Lý.
Trăng sáng trên không, đèn hoa vừa thắp.
Trong nhã gian trên tầng hai lầu Thiên Lý, hơn hai mươi tân khoa tiến sĩ nâng chén chúc tụng.
Vương Tiêu vui vẻ nói: “Chư vị đồng liêu, xin mời các vị, tối nay không say không về.”
Mọi người cùng nhau nói: “Mời Vương đại nhân, không say không về!”
Các tiến sĩ chia nhau ra ngồi hai bàn, vừa ăn uống vừa ngâm thơ, lãng mạn bay bổng đúng chất tài tử.
Của đáng tội, say bí tỉ rồi thì tài tử cũng thành ma men, thơ thẩn dẹp hết sang một bên để mà nói sảng.
Người thì oán thán thượng cấp hà khắc, tống cho mình cả núi việc.
Người thì khóc lóc rằng lương bổng bèo bọt, nuôi làm sao đủ tám miệng ăn trong nhà.
Cứ tưởng đỗ tiến sĩ là lên hương, nào ngờ muốn làm thanh quan thì cả đời chỉ có ăn rau ăn trấu!
Ai cũng có nỗi khổ riêng, Đường Thận tuổi nhỏ nhất nên ít bị mời rượu nhất.
Cậu không say nên lỉnh ngay sang bên chỗ Mai Thắng Trạch ngồi cùng.
Mai Thắng Trạch tửu lượng tốt nhưng mặt mũi cũng đỏ gay.
Vừa thấy Đường Thận, anh ta ôm chầm lấy cậu khóc, mắt sưng vù: “Cảnh Tắc, huynh khổ quá hu hu!”
Đường Thận đã bao giờ thấy Mai Thắng Trạch rũ rượi thế này, vừa bấm bụng cười ngất vừa giả vờ sốt sắng: “Thắng Trạch huynh, làm sao thế?”
Mai Thắng Trạch khóc: “Sau kì thi dành cho các quan lại, huynh bị điều đến bộ Công, đệ biết rồi đúng không?”
Đường Thận trêu: “Biết quá đi chứ lị.
Chẳng phải huynh là Viên Ngoại lang của Thủy bộ trực thuộc bộ Công đó sao? Chức Viên Ngoại lang ấy ở tiền triều là quan ngũ phẩm, tuy giờ xuống thành lục phẩm, nhưng Mai đại nhân ơi, ngài đỗ đệ nhị giáp mà giờ đã là quan lục phẩm, còn cao hơn cả ta.
Ta phải gọi ngài là là tiến bối mất.”
Mai Thắng Trạch chỉ vào mặt Đường Thận: “Đệ đệ đệ…”
“Đệ làm sao?”
Mai Thắng Trạch chấm nước mắt: “Thôi đệ thì ghê gớm rồi Đường Cảnh Tắc ạ, huynh không nói lại đệ, huynh khổ quá mà! Một thư sinh trói gà không chặt như huynh, học tập gian khổ mười năm những mong báo đền ơn vua.
Đệ bảo họ bắt huynh đến bộ Công để làm gì chứ? Gần đây Thủy bộ bên huynh phải lo trùng tu hồ Thái Dịch, huynh ờ à ờ ẫn, chẳng biết một cái gì.
Lang Trung đại nhân còn bắt huynh phải theo ông ta đi khảo sát hồ Thái Dịch hằng ngày trong cung.
Huynh chỉ là quan lục phẩm tép riu, mỗi lần vào cung cứ sợ nhũn cả chân.
Hồ Thái Dịch trong mắt huynh có khác gì cái ao to bự đâu, huynh có biết gì đâu chứ!”
Đường Thận nghĩ ngợi một lát, nói: “Thế huynh có muốn giống đệ, hằng ngày giam mình ở viện Hàn Lâm sửa sang Tứ Thứ, viết đến gãy cả cổ tay, tương lai mịt mù không thấy mặt trời không?”
Mắt Mai Thắng Trạch sáng rực như đèn lồng: “Muốn!”
Đường Thận: “…”
Đường Thận: “Đệ chỉ ước được hóa thành huynh thôi!”
Mai Thắng Trạch mặt mũi ngơ ngác.
Mai Thắng Trạch ước ao được tu soạn Tứ Thư giống như Đường Thận, trong mắt anh chàng đấy là nghiệp lớn, có thể lưu danh sử sách, tiếng thơm muôn đời.
Nhưng trong mắt Đường Thận, thay vì giam mình trong phòng sao chép, viết lách, cậu thà đi khảo sát hồ Thái Dịch còn hơn! Quan trọng hơn là…
Ánh mắt Đường Thận rất gian manh!
Quan trọng hơn là ngày nào cũng được vào cung!
Mai Thắng Trạch thì sợ vãi ra quần vì ngày nào cũng đụng phải quý nhân trong cung, không tránh được, thỉnh thoảng còn gặp cả hoàng đế.
Nhưng đấy chẳng phải là cơ hội vô cùng tốt sao? Đường Thận thầm thở ngắn than dài, cơ hội béo bở như vậy huynh không thèm, thì cho ta đi, ta chỉ thèm có dịp được xuất hiện trước mặt hoàng đế thôi!
Tháng chín, viện Hàn Lâm hoàn tất việc tu soạn sách Trung Dung kéo dài suốt một năm.
Lý đại học sĩ đích thân cất sách vào kho sách.
Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, nhưng chỉ nhàn rỗi được hai ngày, bên trên đã lại giao việc xuống.
Viết văn cầu phúc nhân dịp sinh nhật của hoàng đế!
Cả viện Hàn Lâm lại rơi vào cảnh nước mắt chan mưa.
Người ngoài ai cũng thấy viện Hàn Lâm là một cơ quan rất nhàn hạ, vì hằng ngày cứ tạt qua đây công chuyện là thấy từ Đại học sĩ nhị phẩm đến chức Biên tu thất phẩm đang đọc sách, còn không thì đang trên đường đi đọc sách.
“Rảnh đến mức không có việc gì ngoài việc đọc, chẳng nhàn quá thì gì?”
Quan Biên tu thất phẩm ở viện Hàn Lâm, tức Đường Thận, xin được nhổ tặng anh một bãi nước bọt: “Xùy!”
Nếu như nói, đọc sách viết văn là một việc nhàn hạ, thì đúng là viện Hàn Lâm rất nhàn, cả ngày quanh đi quẩn lại chỉ có hai việc đó thôi.
Nhưng từ sáng sớm đến đêm thâu, từ năm này qua năm khác, ai mà chịu nổi? Diêu Thiện, Vương Tiêu thì vô tư, cả hai đều là người cổ đại, đèn sách hơn mười năm nay đã thành quen.
Còn Đường Thận ấy à, cậu đến phát ốm lên từ tám mươi đời bảy mươi kiếp rồi!
Ngày nào cũng viết viết viết!
Mở mắt ra bắt đầu nghĩ hôm nay phải viết mấy bài luận, đang và miếng cơm lại nghĩ xem hôm nay còn mấy bài chưa viết.
Buổi tối tan làm, trước khi nhắm mắt lại nghĩ xem ngày mai phải viết bao nhiêu bài.
Nước mắt Đường Thận chảy ngược vào tim!
Sinh nhật hoàng đế thì càng khốn đốn gấp bội.
Khai Bình hoàng đế Triệu Phụ của nước Đại Tống sinh vào ngày mùng bảy tháng mười.
Giờ mới đầu tháng chín, viện Hàn Lâm đã bù đầu bù óc lo viết văn cầu phúc cho ông ta.
Diêu Thiện bị Dương Đại học sĩ giao việc tổng kết những gì hoàng đế đã làm trong năm vừa qua, khảo sát kỹ lưỡng xong thì chép lại thành sách.
Vương Tiêu và Đường Thận bị sai viết văn, chỉ viết đúng văn cầu phúc.
Khốn nỗi, văn chương dầu hay hớm đến mấy thì hoàng đế cũng chỉ đọc vài bài thôi, còn lại đốt tuốt dưới cái mỹ danh cầu phúc với trời.
Người lãnh trách nhiệm tuyển lựa các bài văn dâng lên bệ hạ, chính là Hàn Lâm viện Học sĩ – Dương Đại học sĩ hàm nhị phẩm.
Ngài Dương Đại học sĩ này với Đường Thận cũng gọi là có duyên phận.
Trước đây khi Đường Thận thi Hương, số người viết bát cổ chế nghệ xuất sắc ở trường đệ nhất quá nhiều, bài của cậu chưa đủ nổi bật, không có cơ hội trở thành Á Nguyên.
Nhưng Dương Đại học sĩ phát hiện ra trường đệ nhị cậu viết năm đề Chu Dịch.
Vị đại học sĩ ấy vừa thấy đã xiêu lòng, thiếu điều trao ngay ngôi Giải Nguyên cho Đường Thận.
Cuối cùng, ông cân nhắc rằng bài thi trường đệ nhất của Đường Thận quả đúng là kém hơn các thí sinh khác, vì tính công bằng, bèn chấm cho Đường Thận đỗ Á Nguyên.
Từ khi đến viện Hàn Lâm thì Đường Thận không có cơ hội gặp các Đại học sĩ.
Chức quan cao nhất cậu tiếp xúc chỉ đến hàm ngũ phẩm.
Biết ngày mai Dương Đại học sĩ đích thân tới, Đường Thận về nhà suy nghĩ miên man, bèn lôi Chu Dịch ra, đọc thêm một lượt cho kỹ.
Đi làm ở viện Hàn Lâm lâu như thế, Đường Thận đã sớm phát hiện rằng chuyện Dương Đại học sĩ thích Chu Dịch, trừ mình ra thì chẳng ai biết!
“Vương Tử Phong ơi là Vương Tử Phong!”
Đường Thận ngâm nga tên sư huynh nhà mình, dở khóc dở cười.
Ba tháng trước Đường Thận chuyển nhà về phủ Thám Hoa.
Phủ đệ của cậu quả thực rất gần phủ Thượng thư, chỉ cách hai con ngõ nhỏ.
Tối đó, đọc Chu Dịch xong, Đường Thận nghĩ ngợi một hồi, bèn cầm quyển sách mò sang phủ Thượng thư.
Người gác cổng thấy Đường Thận thì lập tức cung kính mời cậu vào.
Hôm nay Vương Trăn có nhà, Đường Thận không cần phải vào phòng khách mà đi thẳng đến thư phòng.
Vương Trăn đang nằm trên ghế bập bênh, nhàn nhã thắp nến đọc sách.
Đường Thận tới nơi thì gọi: “Tử Phong sư huynh.”
Vương Trăn ngẩng lên từ trang sách, trông mặt có vẻ ngạc nhiên: “Sao hôm nay tiểu sư đệ lại đến chơi thế?”
Đường Thận nói điêu: “Đệ đọc sách có chỗ không hiểu, thấy hẵng còn sớm, nên qua đây nhờ sư huynh giải đáp thắc mắc.”
Vương Trăn bình thản nhìn cậu, đặt sách xuống, mỉm cười: “Đến giải đáp thắc mắc thật à?”
Đường Thận ngẫm nghị, quyết định nói thật lòng: “Nhớ sư huynh.”
Vương Trăn cười tươi roi rói, chìa tay ra hỏi: “Sách gì?”
Đường Thận nghĩ thầm, nói xạo huynh không tin, nói thật huynh cũng không tin! Vương Tử Phong à, huynh thông minh lắm chỉ tổ phản tác dụng thôi, đúng là cóc thể hiểu nổi!
Hôm nay đúng là Đường Thận bỗng dưng nổi hứng đến phủ Thượng thư.
Vương Trăn nói không sai, từ khi Đường Thận đi làm ở viện Hàn Lâm, sư huynh đệ hai người tiếp xúc với nhau ngày càng ít, thời gian gặp gỡ cũng giảm đi nhiều.
Đường Thận chỉ là quan thất phẩm ruồi muỗi, trên quan trường cậu chưa đủ tư cách để được qua lại với Vương Trăn.
Hãn hữu lắm thì khi tan làm hai người mới tình cờ gặp nhau.
Hôm nay Đường Thận nhớ đến việc Vương Trăn từng mách cho mình rằng Dương đại học sĩ thích Chu Dịch, tự dưng lại muốn đến nghe ý kiến của Vương Trăn.
Vương Trăn đương nhiên sẽ không tin câu “Nhớ sư huynh” của Đường Thận, nhưng khi Đường Thận đưa cuốn Chu Dịch cho chàng thì Vương Trăn lại trầm ngâm.
Sau một hồi, chàng mới hỏi: “Viện Hàn Lâm đang phải viết văn cầu phúc cho hoàng thượng à?”
Trong giây lát Đường Thận không tài nào hiểu nổi làm sao mà Vương Trăn biết được, nhưng cậu nhìn cuốn Chu Dịch thì giật mình kinh sợ: Chỉ một cuốn sách thôi, làm sao mà Vương Tử Phong đoán được tường tận vậy? Đáng sợ quá đi mất!
Đường Thận suy nghĩ một lát, không giấu giếm: “Vâng.” Người như Vương Trăn nếu muốn biết sự thật thì chỉ chẳng tốn mấy thời gian.
Vương Trăn im lặng hồi lâu mới nói: “Tiểu sư đệ nhớ ta thật rồi.”
Đường Thận ngẩng đầu nhìn chàng bằng ánh mắt ngạc nhiên.
Trong ánh nến lung linh, Vương Trăn mỉm cười mới dịu dàng làm sao, hiếm có khi nào chàng tỏ ra hiền hậu và ấm áp đến thế.
Giây phút ấy, lần đầu tiên Đường Thận cảm thấy mình dường như đã giao nộp lòng mình cho Vương Trăn, chính thức trở thành bằng hữu của chàng rồi.
Cầm một cuốn Chu Dịch, sư huynh sư đệ rủ rỉ hàn huyên, tâm sự thâu đêm.
Hôm sau, Đường Thận đến viện Hàn Lâm, tầm buổi trưa thì Dương Đại học sĩ tới thật.
Dương Kỳ ngồi ở ghế chủ trong phòng, tầm mắt ông bao trọn tất cả quan lại trước mặt.
Ông chậm rãi nói: “Chư vị đồng liêu, mấy ngày nữa là đến thọ thần của Thánh thượng, viện Hàn Lâm bận bịu suốt cả tháng, cũng nên có thành quả rồi.
Thọ thần hàng năm của Thánh thượng, bản quan luôn là người tuyển lựa ba áng văn hay trình lên bệ hạ, năm nay cũng không ngoại lệ.
Mỗi người một bài, chư vị đã chuẩn bị xong chưa?”
Mọi người trăm miệng một lời: “Đã chuẩn bị xong rồi ạ.”
Dương Kỳ hài lòng gật đầu: “Quan Biên thừa thu lên đây đi.”
Các sai nha đi xuống từ trên đài, thu từng bài văn một.
Đường Thận nộp bài của mình, Dương đại học sĩ thu xong bài cũng không nói gì, đi thẳng luôn.
Diêu Thiện không phụ trách viết văn, trong đệ nhất giáp khoa thi năm nay thì chỉ có Vương Tiêu và Đường Thận viết.
Vương Tiêu cảm khái với Đường Thận: “Không biết kết quả ra sao, Cảnh Tắc, cậu có tự tin không?”
Đường Thận: “Từ trước đến nay ta vẫn nghĩ, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.”
Vương Tiêu gật đầu: “Đúng đấy, chúng ta chỉ cần làm tốt phần việc của mình, thế là đủ.”
Ngày kế, Dương Đại học sĩ vẫn chưa công bố ba áng văn được dâng lên vua là của ai.
Tới mùng bốn tháng mười, Đường Thận tự dưng nhận được chiếu chỉ.
Một vị quan ngũ phẩm bên bộ Lại cười tươi rói ghé thăm viện Hàn Lâm, tuyên đọc chiếu chỉ trước mặt cả viện: “Các khanh, trẫm vâng mệnh trời cao, xét thấy Hàn Lâm viện Biên tu Đường Thận khiêm nhường, chỉn chu, văn chương mẫu mực1, nay thăng lên chức Khởi Cư xá nhân hàm lục phẩm, mùng mười nhậm chức, khâm thử.
Tháng mười, năm Khai Bình thứ hai mươi bảy.”
Toàn bộ mọi người trong phòng đều choáng váng, Đường Thận cúi đầu, nét mặt bình thản, nhưng đôi tay run nhè nhè khi giơ lên tiếp chỉ đã nói lên nỗi xúc động trong nội tâm.
Cùng lúc đó, một chiếu chỉ khác cũng được đưa vào viện Hàn Lâm, nhưng nơi tuyên chỉ là tòa nhà chính ở ngay kế bên.
Diêu Thiện giơ cao hai tay tiếp chỉ, khó kiềm nổi nét mặt vui mừng, anh ta đã được thăng chức thành Khởi Cư lang hàm ngũ phẩm.
Khởi Cư lang và Khởi Cư xá nhân được coi là “sử quan bên cạnh hoàng đế”, phụ trách ghi chép lại tất cả sự vụ lớn nhỏ của hoàng đế, tập hợp lại thành cuốn Khởi Cư chú.
Từ đối thoại giữa hoàng đế với các bề tôi, đến tấu chương của quần thần, hay thánh ngôn mà hoàng đế ngẫu hứng thốt lên, tất cả đều được ghi chép lại bởi Khởi Cư lang và Khởi Cư xá nhân.
Triều đình đặt ba chức Khởi Cư lang và mười hai chức Khởi Cư xá nhân.
Phần lớn thời gian, phải có một Khởi Cư lang và một Khởi Cư xá nhân đi theo hoàng đế để ghi chép.
Khởi Cư lang hàng năm ít nhất là đổi một người.
Sau mỗi kì thi Đình, Trạng Nguyên chắc chắn được bổ nhiệm làm Khởi Cư lang, vấn đề chỉ là thời điểm bổ nhiệm.
Sau khi Trạng Nguyên làm Khởi Cư lang một thời gian thì sẽ được thay đổi, không ngày ngày theo hoàng đế nữa.
Kể từ lúc ấy, Trạng Nguyên mới chính thức được vua trọng dụng.
Về phần Khởi Cư xá nhân thì tự do hơn nhiều, thường xuyên thay đổi, cũng không giới hạn đối tượng đảm nhận là ai.
Tất cả mọi người đều biết Diêu Thiện sẽ được thăng chức làm Khởi Cư lang, nhưng không ai ngờ Đường Thận cũng được thăng chức cùng anh ta!
Mọi người trong viện Hàn Lâm đều chúc mừng, Vương Tiêu trông thất vọng ra mặt, bần thần mãi.
Nhưng anh ta vẫn chắp tay chúc mừng Đường Thận: “Cảnh Tắc, cung hỉ cung hỉ.”
Đường Thận nhìn anh ta bằng ánh mắt thâm thúy: “Đa tạ Đại Nhạc huynh.”
Cõi lòng Vương Tiêu đắng nghét, định đáp lời mà không nặn ra được chữ nào.
Đường Thận ở viện Hàn Lâm rất được lòng đồng nghiệp, thứ nhất là vì cậu còn trẻ, viện Hàn Lâm toàn các cụ học giả, ai cũng thấy cậu như cháu giai nhà mình, làm sao mà không đem lòng yêu mến? Thứ hai, ấy là vì cậu có chỗ dựa!
Đường Thận là đồ đệ của Phó Vị, chuyện này không ai không biết.
Phó Vị tuy không có mặt ở viện Hàn Lâm, nhưng trên danh nghĩa, ông vẫn là người đứng đầu viện.
Ngoài ra, quan hệ giữa Đường Thận và Vương Trăn rất tốt đẹp.
Bộ Hộ phụ trách phân phối và sửa sang phủ đệ cho Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa.
Phủ Trạng Nguyên, phủ Bảng Nhãn đều ở phía Tây thành, riêng phủ Thám Hoa lại ở phía Đông, ngay sát phủ Thượng thư.
Người đời hay kháo nhau rằng Vương Tiêu là họ hàng xa của Vương Tử Phong.
Họ nói chẳng sai, Vương Tiêu với Vương Tử Phong đúng là họ hàng xa, xa theo kiểu bắn đại bác cũng không tới nổi.
Từ khi đến Thịnh Kinh Vương Tiêu đã bái phỏng Vương Trăn mấy lần, Vương Trăn lúc nào cũng niềm nở lắm, nhưng cũng chỉ niềm nở mà thôi.
Trong khi đó, Vương Trăn với Đường Thận là sư huynh đệ đồng môn thứ thiệt.
Vương Tiêu có cay cú đến mấy thì cũng chỉ rủa được một câu: “Quỷ tha ma bắt cái mớ quan hệ!”
Nhưng anh ta không biết rằng việc Đường Thận được thăng chức thành Khởi Cư xá nhân lần này chẳng hề dính dáng gì tới Vương Trăn.
Người quyết định thăng chức cho Đường Thận chính là Khai Bình hoàng đế Triệu Phụ.
Trong ba áng văn Dương Kỳ tiến cử, đương nhiên có một bài của Đường Thận, bởi mở đầu bài Đường Thận đã viết: “Rồng bay ở trời, ngôi về đức trời.
Rồng hiện ở ruộng, thiên hạ văn minh.” Hai câu này lấy trong sách Chu Dịch, phần về quẻ Càn.
Dương Đại học sĩ vừa đọc đã thích mê, lại nhớ tới năm bài văn Đường Thận viết hồi thi Hương.
“Thôi, trước đây không thể cho ngươi đỗ Giải Nguyên, hôm nay coi như đền bù vậy, vì đã thấu hiểu tấm lòng của lão phu!”
Đoạn đầu viết để lấy lòng Dương Đại học sĩ, từ đoạn giữa trở đi, Đường Thận trích lấy trích để các thể loại kinh, điển, từ Đạo Đức Kinh đến Trang Tử, Hoài Nam Tử, rồi múa bút tâng bốc công tích vĩ đại của Triệu Phụ suốt hai mươi bảy năm trị vì lên tận chín tầng mây.
Cả bài ngợi ca Triệu Phụ là vị vua anh minh tựa thần tiên, lời lẽ hoa mỹ, chỉ thiếu điều đứng trước mặt Triệu Phụ mà tung hô “Bệ hạ, người quả là đấng tiên nhân.”
Áng văn này được thảo ngay trước mặt Vương Trăn vào đêm cậu với Vương Trăn chuyện trò thân mật.
Đường Thận nghĩ bụng chắc mình lên cơn động kinh rồi mới sáng tác nổi áng văn phỉnh nịnh vô tiền khoáng hậu như vậy! Có thể tối đấy cậu đã vô thức viết trong lúc lơ mơ buồn ngủ.
Giờ mà bảo viết lại chắc cậu bó tay: Làm sao mà trơ trẽn thế được!
Nói tóm lại, Đường Thận có việc vui, được thăng lên chức Khởi Cư xá nhân, từ giờ trở đi tha hồ theo sát hoàng đế.
Cậu cũng không keo kiệt, bèn mời đồng liêu và mấy tiến sĩ thân quen cùng bảng đi liên hoan ở lầu Thiên Lý, ăn mừng sự kiện này.
Khuya về nhà, Diêu Tam biết chuyện đó thì mừng rỡ nói: “Tiểu đông gia song hỷ lâm môn rồi!”
Đường Thận ngạc nhiên: “Song hỷ? Còn việc vui gì khác nữa?”
Diêu Tam đáp: “Việc này đáng lẽ phải xong từ sớm cơ ạ.
Nửa năm trước, lúc tiểu đông gia đỗ Thám Hoa, tiểu thư A Hoàng đã định đi từ Cô Tô lên đây, đoàn tụ với tiểu đông gia.
Chẳng may, mẹ tôi bỗng dưng bị cảm nặng, nằm liệt giường, không thể đi thuyền được.
Tiểu thư A Hoàng không chịu bỏ mẹ tôi lại để một mình lên Thịnh Kinh mà kiên quyết ở lại phủ Cô Tô chăm sóc bà.
Thế là việc điều dưỡng cho bà cụ kéo dài suốt nửa năm.
Tháng trước mẹ tôi khỏe hẳn, nên hai bà cháu lên thuyền cách đây hai ngày rồi, cỡ nửa tháng là tới Thịnh Kinh!”
Đường Thận nhớ đến hình ảnh cô nhóc mặc áo vải gai, tức tối quát “Đường Thận em không cho anh tiêu tiền bậy bạ đâu”, lòng chợt ấm áp, nói: “Được, chúng ta cùng chờ hai bà cháu đến đây!”
Mùng sáu tháng mười, Phó Vị bị cảm, Đường Thận tan làm thì sang Phó phủ thăm ông.
Một canh giờ sau, Vương Trăn cũng tới.
Hai người nói chuyện với thầy một hồi, đến khi Phó Vị ngủ thì sư huynh đệ cùng ra về.
Rời khỏi Phó phủ, Đường Thận bỗng dưng hỏi: “Hôm nay nhà sư huynh có rượu và đồ ăn ngon không?”
Vương Trăn ngạc nhiên nhìn Đường Thận, lát sau mới cười bảo: “Tiểu sư đệ sang nhà, làm gì có chuyện không sẵn rượu ngon, thức ăn ngon?”
Đường Thận gật đầu: “Thế chờ đệ về nhà thay bộ quần áo rồi sang tìm sư huynh nhé.”
Vương Trăn nheo mắt nhìn Đường Thận, chỉ cười mà không ý kiến.
Đêm xuống, quả nhiên Đường Thận đã đổi sang bộ y phục màu xanh, đi tới phủ Thượng thư.
Phủ Thượng thư rộng lớn vắng tênh.
Vương Trăn đã cho bày biện bàn ăn trong sân, cách mấy bước chân là hồ nước.
Bóng trăng lai láng mặt hồ, hơn mười chú chép hoa nô đùa dưới làn nước.
Vì Vương Trăn ít khi nói chuyện trong lúc ăn cơm, Đường Thận cũng trật tự ăn uống.
Đến khi ăn xong bữa, quản gia dọn bàn, dâng ấm trà lên.
Ngẩng đầu ngắm trăng tròn vành vạnh, cúi đầu nhấp ngụm trà thơm tho.
Đường Thận lấy từ trong tay áo ra một món đồ, khẽ khàng đặt lên mặt bàn đá, tiếng “canh cách” trong veo.
Vương Trăn cúi đầu thấy vật này thì ngẩn ra, ngẩng lên hỏi: “Tiểu sư đệ?”
Đường Thận nói:
“Có người quân tử tài ba.
Như lo cắt dũa để mà lập thân.
Dồi mài dốc chí siêng cần2.
Trước giờ đệ vẫn biết sư huynh cao nhã, thanh bạch; đệ sai người tìm kiếm ở Cô Tô suốt hai tháng mới được một miếng bạch ngọc trong trẻo thế này, trộm nghĩ ngọc này phối với áo bào gấm trắng sư huynh thường mặc là hợp nhất.
Đệ biết sư huynh xuất thân Lang Gia Vương thị, từng gặp vô vàn loại ngọc quý, nên miếng ngọc này chẳng thể nào lọt vào mắt xanh của sư huynh.
Vì vậy, mong sư huynh coi nó như chút lòng thành nhỏ nhoi của đệ, mừng sư huynh bước sang tuổi hai sáu.”
[2] Trích Kỳ úc 1, Kinh Thi.
Tạ Quang Phát dịch. Đọc thêm
Dưới ánh trăng vằng vặc, cặp mắt trong vắt như nước mặt hồ của Vương Trăn lấp lánh những tia sáng tựa ánh sao trời.
Hồi lâu, Vương Trăn cầm miếng ngọc lên: “Sao đệ biết hôm nay là sinh nhật ta?”
Đường Thận sửng sốt, nói: “Hồi năm ngoái, Phó tiên sinh có nhắc đến.
Thầy bảo bận bịu mấy bữa thành ra quên mất sinh nhật huynh vào hôm kia.
Tiên sinh nói thế vào hôm mùng tám tháng mười, lẽ nào sinh nhật sư huynh không phải là ngày mùng sáu tháng mười?”
Vương Trăn vuốt ve viên ngọc quý: “Phải.
Có điều mùng bảy tháng mười là đại thọ của Thánh thượng, các quan trên triều trăm thứ việc phải lo, ngay cả ta cũng hay quên mùng sáu là sinh nhật mình.”
Đường Thận không ngờ là còn có chuyện này, bèn nói không chút đắn đo: “Vậy cứ để đệ ghi nhớ hộ sư huynh là được mà.”
Vương Trăn thình lình ngẩng lên, nhìn Đường Thận chăm chú.
Đường Thận: “… Sư huynh?” Cậu đâu có trêu Vương Tử Phong chứ? Chẳng lẽ vuốt mông ngựa lệch chỗ rồi?
Vương Trăn ngắm nghía cậu hồi lâu mới mỉm cười.
Chàng lần xuống túi hương thắt dưới miếng ngọc.
Túi hương được làm từ gấm màu lam đậm, Vương Trăn ngửi thử, mùi hương tỏa ra từ chiếc túi ấy vừa thanh nhã vừa thân thuộc vô cùng.
“Hương thược dược3 đấy ư?”
Đường Thận giải thích: “Hương cỏ lan và thược dược đấy ạ.
Bài Trăn Vị trong tập Quốc Phong, Kinh Thi có viết: ‘Dòng sông Vị với sông Trăn, thuỷ triều vào khoảng mùa xuân dẫy đầy.
Khắp vùng con gái con trai, hoa lan mới bẻ cầm tay trao lời.
Nàng rằng: sao chẳng xem chơi? Chàng rằng: vừa mới đến rồi xem qua.
Nàng thêm: hãy đến xem mà, phía ngoài sông Vị đôi ta đến cùng.
Chắc là vui thú mênh mông, rủ nhau sánh bước đi chung hai người.
Lại nhân dịp ấy vui cười, tặng nàng thược dược ghi lời ái ân.’ Đệ đoán tên của sư huynh lấy từ bài Trăn Vị, lẽ nào đệ đoán sai rồi?”
Vương Trăn mỉm cười với Đường Thận: “Không sai đâu.”.