Bạn đang đọc Sơn Hà Bất Dạ Thiên – Chương 34
Trên tờ giấy Tuyên, những con chữ Quán các tú nhã tuyệt đẹp xếp thành hàng ngay ngắn.
Nhưng chính những hàng chữ chỉnh tề, tinh tế ấy lại dâng trào tráng khí hào hùng, cuồn cuộn như trường giang đại hải.
Chênh vênh trăm thước lầu cao,
Giơ tay với được trăng sao trên trời.
Dám đâu to tiếng nói cười,
Chỉ e kinh động đến người thiên cung.
Trong khu nhà chấm thi, các giảng tập ngâm đi ngâm lại bốn câu thơ này.
Lâm Tế tửu cầm quyển thi của Đường Thận lên, trịnh trọng xem lại một lần nữa, bình luận: “Đề mục lần này là Tinh Đẩu phân minh, yêu cầu viết thơ về đề tài lên núi ngắm sao.
Bài thơ của Đường Thận không dùng một chữ “núi” nào, nhưng từng câu từng chữ đều gợi lên sự chót vót, cheo leo.
Vô sơn thắng hữu sơn, tuyệt diệu!”
Một giảng tập nói: “Bài thơ này quả thực đã gói gọn cảm giác núi cao chênh vênh, biển sao như ẩn như hiện.”
Lâm Tế tửu đọc kĩ lại thêm ba lần nữa, không phải để dò xem còn lỗi nào không, mà là để nghiền ngẫm hai mươi từ này.
Ông thở dài: “Vừa rồi ta còn khẳng định hạng nhất quán khóa lần này ắt về tay Lưu Phóng, giờ mới biết mắt mờ, suýt thì nữa đã phạm sai lầm lớn.
Bát cổ chế nghệ của Đường Thận vô cùng ưu tú, cách tiếp cận hết sức sáng tạo, lập luận có lớp lang, câu từ diễm mỹ.
Giờ xét cả bài thơ thí thiếp, trò ấy hoàn toàn xứng đáng với hạng nhất! Chư vị đồng liêu, như vậy có được không?”
“Đường Thận xứng đáng đứng hạng nhất!”
“Phải lắm!”
Đường Thận hoàn toàn chẳng mong ước chuyện này.
Dù lần này cậu không chép tác phẩm kinh điển của Lý Thái Bạch thì cũng đứng trong ba hạng đầu.
Chép thơ của Thi Tiên chẳng qua là để chắc chân hạng ba, nào ngờ khéo quá hóa vụng, vọt thẳng lên hạng nhất.
Tan buổi chầu ngày hôm sau, Lâm Tế tửu lẳng lặng đi đến chỗ Phó Vị.
“Phó đại nhân.”
Phó Vị quay ra thấy Lâm Tế tửu bèn đáp: “Lâm đại nhân.”
Lâm Tế tửu cung kính thi lễ.
Hiện giờ Phó Vị và Lâm Tế tửu cùng cấp với nhau, đều là quan tam phẩm, nên Phó Vị cũng đáp lễ.
Lâm Tế tửu nói: “Quán khóa Quốc Tử Giám ngày hôm qua, cao đồ Đường Thận – Đường Cảnh Tắc của Phó đại nhân không trổ tài thì thôi, hễ cất tiếng là người người sửng sốt1! Không hổ là thầy giỏi trò hay, Phó đại nhân dìu dắt Vương Tử Phong đại nhân thành tài đã khiến giảng tập Quốc Tử Giám chúng ta kính nể vô cùng.
Giờ học trò mới của đại nhân cũng giỏi giang không kém.
Khi nào rảnh rỗi, liệu Phó đại nhân có thể ghé Quốc Tử Giám giảng một buổi không? Các giảng tập rất mong được học hỏi cách giáo dục của ngài, đặng dạy dỗ học trò Quốc Tử Giám cho tốt.”
[1] Xuất phát từ tích xưa.
Gà không gáy thì thôi, đã gáy một tiếng thì ai cũng phải kinh ngạc.
Phó Vị nghĩ bụng: Đường Thận có phải do ta dạy quái đâu.
Nhưng ông không thể hiện ra, chỉ mỉm cười mà thôi.
Làm quan thì phải mặt dày lòng đen.
Quan càng to thì càng trơ lì, càng mưu mô ranh mãnh.
Khi Phó Hi Như đắc thế nhất đã làm đến Hữu tướng Trung Thư tỉnh, quyền thế nghiêng đất lệch trời, da mặt ông mà mỏng thì còn ai dám nhận dày vào đây? Phó Vị cười híp mắt: “Lâm đại nhân quá khen, chẳng hay Đường Cảnh Tắc nhà ta thể hiện thế nào ấy nhỉ?”
Lâm Tế tửu đã sai người chép sẵn bài thi của Đường Thận để đem vào triều cho Phó Vị xem ngay hôm nay.
Phó Vị mở bài ra xem.
Văn bát cổ viết rất khá, giữa Quốc Tử Giám nhân tài đông đúc cũng xứng lọt vào ba hạng đầu.
Đọc đến thơ thí thiếp, Phó Vị nhíu mày ngay tức khắc.
Lâm Tế tửu đang định nói thì Phó Vị đã cất lời trước: “Đồ đệ này của ta mê làm thơ, vẽ tranh lắm.
Hầy, lời ít, ý nhiều2, hẳn là thế này nhỉ.
Bài chế nghệ này của nó còn phải cải thiện nữa, phiền Lâm đại nhân chỉ bảo thay.”
[2] (Gốc) Ngữ xuất kinh nhân: Câu từ đơn giản nhưng sâu xa, khiến người ta sửng sốt
Lâm Tế tửu: “Không dám không dám.”
Hai người đưa đẩy một hồi, Phó Vị liền né được vụ này.
Đến khi về Phó phủ, ông vừa vào thư phòng đã chép ngay lại bài thơ thí thiếp của Đường Thận.
“Đứa đồ đệ này, rốt cuộc là giấu tài hay xuất thần đây?”
Cùng lúc đó, trong giảng đường Quốc Tử Giám.
Thường quán khóa hàng tháng, các giảng tập sẽ chấm thi trong vòng ba ngày.
Nhưng lần này thì khác, trong vòng một đêm toàn bộ bài thi đã được chấm xong, ai nấy dốc sức chuẩn bị cho dịp Thiên tử lâm Ung nửa tháng nữa.
Học trò Quốc Tử Giám chưa bao giờ hồi hộp chờ đợi kết quả thi sát hạch như hôm nay.
Buổi sáng sớm, một giảng tập tóc hoa râm ôm cuốn Luận ngữ dày cui đi vào giảng đường.
Ông đặt sách xuống, nhìn một lượt những gương mặt thấp thỏm trong lớp.
Trong Chính Ý đường hiện giờ có hơn bốn mươi học trò, bao gồm cả Đường Thận và Mai Thắng Trạch.
Người giảng tập già nói: “Ta biết các cậu đang rất nóng lòng muốn biết kết quả thi.
Vì thế, trước khi vào học, ta sẽ đọc tên những người đạt hạng Ất và hạng Giáp lần này!
Lũ học trò nháo nhào cả lên.
Lần đầu tiên Thiên tử lâm Ung trong suốt hai mươi sáu năm, ai mà không muốn tận mắt chiêm ngưỡng chứ!
“Đứng thứ hai mươi sáu, hạng Ất, Tề Kiên – Tề Như Sơn.”
“Là tôi, là tôi đấy!”
“Hạng Ất, Chu Công phủ U Châu…”
Hạng Ất có hai mươi sáu người, trong số bốn mươi người trong Chính Ý Đường hôm nay, có năm người đạt hạng Ất.
Nhóm học trò này ai nấy đều hân hoan ra mặt, khó mà kiềm chế được.
Những người không đạt hạng Ất, tự biết bản thân không được nổi hạng Giáp thì mặt mặt mũi ỉu xìu, rầu rĩ, tự trách bản thân sao trước đây không chăm chỉ hơn, thành ra để lỡ cơ hội quý báu.
Trong số học trò, chỉ có Mai Thắng Trạch và Đường Thận vẫn ôm hy vọng.
Quán khóa mọi khi, Đường Thận đều đứng đầu hạng Ất.
Bát cổ chế nghệ của cậu xưa nay vẫn rất khá, cũng không mắc lỗi với chữ Quán các bao giờ, mỗi tội thơ thí thiếp không có gì xuất chúng, khá là cứng nhắc, máy móc.
Mai Thắng Trạch thấy lần này Đường Thận không có tên trong hạng Ất thì toát mồ hôi giùm.
Nhưng thấy nét mặt tràn ngập mong đợi của Đường Thận, anh ta kinh ngạc hỏi: “Cảnh Tắc, đệ làm bài tốt lắm hả?”
Đường Thận không giấu anh ta: “Đệ đã dốc hết sức rồi.”
Mai Thắng Trạch: “Tốt quá! Chúng mình phải cùng có mặt vào ngày Thiên tử lâm Ung trọng đại ấy mới được!”
Hạng Giáp quán khóa Quốc Tử Giám có tổng cộng sáu người, giảng tập già đọc tên: “Đứng hàng thứ ba hạng Giáp, Mai Thắng Trạch người Sơn Tây.”
Mai Thắng Trạch vui mừng khôn xiết, các bạn học ai nấy đều chúc mừng anh.
Tiếp theo, giảng tập già tuyên bố: “Đứng Nhất hạng Giáp, Đường Thận – Đường Cảnh Tắc, người phủ Cô Tô!”
Cả giảng đường như vỡ òa.
Ngôi đệ nhất hạng Giáp lần này thế mà lại vuột khỏi tay cả Lưu Phóng lẫn Mai Thắng Trạch.
Mặc dù Đường Thận có tài học xuất chúng, nhưng tuổi còn quá trẻ nên thiếu trải nghiệm, chưa bao giờ lọt vào hạng Giáp.
Tuy vậy, mọi người cũng không nghi ngờ gì về thành tích của cậu, bởi ai nấy đều rõ mười mươi Đường Thận giỏi văn bát cổ cỡ nào.
Mai Thắng Trạch hân hoan: “Cảnh Tắc, chúc mừng, chúc mừng đệ, lần này tiến bộ vượt bậc rồi.”
Đường Thận dù sao cũng chưa bước chân vào quan trường, da mặt hẵng còn mỏng lắm, được khen là thấy thẹn thùng ngay.
Giảng tập già lại nói thêm: “Bài thơ thí thiếp của Đường Thận lần này rất xuất sắc, các trò hãy cùng nhau thưởng thức và nhận xét nhé.” Nói rồi, ông liền đọc diễn cảm bài thơ của Đường Thận.
Cả lớp nghe tới đâu kinh ngạc đến đấy, xôn xao hết cả lên.
Mai Thắng Trạch là người am hiểu sáng tác và rất mê thơ, nghe câu “Giơ tay với được trăng sao trên trời” xong, anh ta phải nhìn Đường Thận bằng ánh mắt ngỡ ngàng, như thể vừa phát hiện ra báu vật vĩ đại.
“Cảnh Tắc, bài thơ này đúng là một kiệt tác, viết thậm khéo!”
Đường Thận sắp ngượng chín người đến nơi, cậu chắp tay nói: “Văn chương vốn do trời sinh sẵn, người tài hoa ngẫu nhiên đạt được.
Đệ chẳng qua có cảm hứng xuất thần, chứ còn kém xa Thắng Trạch huynh.”
Quốc Tử Giám thảo luận bài thơ của Đường Thận đến tận giờ Ngọ.
Mãi đến hôm sau, mọi người mới bắt đầu chuẩn bị cho dịp Thiên tử lâm Ung.
Đường Thận đến phủ Thượng thư như mọi ngày.
Lần này cậu đem theo một giỏ thịt luộc Cô Tô, được Đường Hoàng nhờ người gửi từ Giang Nam lên cách đây mấy hôm.
Như thường lệ, Vương Trăn lại vắng nhà.
Đường Thận ngồi phòng khách chờ anh đến tận tối.
Vương Trăn vừa về phủ đã đi gặp tiểu sư đệ ngay, chẳng buồn ngay quan phục nữa.
Đường Thận đứng bật dậy: “Tử Phong sư huynh.”
Vương Trăn ngắm nghía cậu một lát, nói: “Tối nay ở lại phủ ăn cơm nhé.”
“Vâng.”
Hai huynh đệ dùng bữa xong, Vương Trăn bảo Đường Thận viết chữ cho mình xem.
Chàng nói: “Viết cái bài “Chỉ e kinh động đến người thiên cung” của đệ cho ta xem nào.”
Đường Thận: “…”
Đúng là chuyện tốt không ra khỏi cửa, chuyện xấu ai ai cũng biết.
Các cụ nói cấm có sai!
Lúc ra về, Đường Thận nghiêm túc hỏi: “Tử Phong sư huynh, thơ thí thiếp của đệ viết được tới đâu hẳn huynh cũng biết, hiếm lắm mới viết được một bài hay.
Mấy bữa nay đệ vẫn cứ lo lần sau không thể hiện tốt được như vậy, huynh cho đệ lời khuyên với?”
Đường Thận kiếp trước là trai bách khoa, bao nhiêu thơ, từ, ca, phú từng nhồi vào sọ, thi đại học xong là chữ thầy trả thầy.
Cậu cũng không nhớ được nhiều thơ, từ, càng không muốn lợi dụng mãi vốn thơ kiếp trước để làm lợi cho bản thân ở kiếp này.
Thứ nhất là không có năng lực ấy, thứ hai là không ôm hy vọng ấy.
Vương Trăn yên lặng nhìn Đường Thận, mỉm cười: “Tiểu sư đệ thông minh đĩnh ngộ, sao phải lo âu chuyện đó làm gì?”
Đường Thận ngước nhìn Vương Trăn.
Vương Trăn nhìn cậu chăm chú, khóe môi hơi nhếch lên, nhưng chỉ cười thôi chứ không nói thêm nữa.
Đường Thận tỉnh ngộ ngay.
Đúng vậy, thế mạnh của cậu ở thời đại này có dựa vào thi ca cổ xưa đâu? Các giảng tập Quốc Tử Giám, Lương Tụng, Phó Vị, thậm chí cả Vương Tử Phong đều đã công nhận văn bát cổ của cậu.
Năm nghìn năm văn minh Hoa Hạ, sản sinh ra được mấy Thi Tiên, Thi Thánh? Bản thân cậu không phải người bất tài, khoa cử chỉ là phương tiện để cậu làm quan, không phải vốn lập nghiệp của cậu!
“Đa tạ Tử Phong sư huynh.”
Anh chàng Vương Tử Phong quả nhiên là người tinh tế và có cái nhìn thấu đáo, đúng như lời Lương tiên sinh từng nhắc, là người đáng tin cậy.
Đường Thận nghĩ thông suốt rồi thì định đi về ngay, nhưng Vương Trăn đã gọi cậu lại.
Chàng nói với quản gia: “Bánh ngọt mới mua ở Thái Kỳ trai hôm nay đâu, đưa tiểu sư đệ cầm về.”
Đường Thận: “…”
Con người Vương Tử Phong thực ra vẫn rất kì quặc!
Nửa tháng chớp mắt đã trôi qua.
Ngày mười sáu tháng sáu, Đường Thận mặc Nho phục tú tài mới tinh, khoác lên mình trường sam màu xanh da trời, đội mũ Phương Cân3.
Tới Quốc Tử Giám, cậu liền thấy học trò toàn trường mặc Nho phục tú tài tinh tươm.
Dù chỉ có ba mươi hai người được vào cung Ích Ung nghe thiên tử giảng bài, nhưng số học trò không được dự thính cũng không cam tâm.
Chưa tới Quốc Tử Giám, đường ngang ngõ dọc đã bị phong tỏa hết.
Đường Thận và các học sinh khác đi vào Quốc Tử Giám từ ngõ sau, Lâm Tế tửu và các giảng tập đều đã đợi sẵn.
Đến đúng giờ Mão, cổng chính của Quốc Tử Giám mở rộng, hai cửa hông trái phải cũng đều mở ra.
Từ hai cửa hông, quan viên mặc áo đỏ thuần nối đuôi nhau đi vào trường, thanh thế hùng dũng.
Toàn bộ các quan tứ phẩm trở lên ở Thịnh Kinh đã tập trung ở đây, tay cầm hốt ngọc, tiến vào Quốc Tử Giám, đi dọc theo lối chính để tới trước cung Ích Ung.
Hai bên lối đi chính được làm từ đá cẩm thạch trắng đã đặt sẵn những tấm đệm cói.
Cổng cung Ích Ung mở toang, một thái giám già da trắng, mặt nhọn, dáng gầy, cất giọng the thé: “Quỳ!”
Trong tích tắc, toàn bộ quan viên hướng về phía cung Ích Ung, quỳ lên đệm cói, cúi đầu, nâng hốt ngọc lên cao.
Giờ Mão ba khắc, Lâm Tế tửu dẫn ba mươi hai học trò tới trước cổng chính.
Hai bên lối đi chính đầy các đại quan đương triều đang quỳ.
Trước ngày hôm nay, đám học trò này chẳng thể ngờ rằng có vô số đại quan, quyền thần sẽ tề tựu ở đây! Người nhát gan thì đã sợ đến nỗi tái mặt run chân.
Đường Thận cũng kinh hãi lắm, nhưng cậu cố gắng bình tĩnh, cúi đầu nghiêm chỉnh đi theo Lâm Tế tửu tiến về phía cửa cung Ích Ung.
Gần vào tới cửa, Đường Thận để ý thấy Vương Trăn quỳ ở hàng thứ hai phía bên trái.
Dưới ánh mặt trời rực rỡ, Vương Tử Phong mặc quan bào đỏ thuần phẳng phiu, ung dung quỳ trên tấm đệm cói.
Bên cạnh chàng là một người đàn ông trung niên phốp pháp để râu quai nón, bên phải chàng là một ông già bụng phệ.
Vương Trăn vốn đẹp trai lai láng, xếp giữa hai người này thì càng bật lên phong thái tuấn nhã hơn người.
Các học trò tiến vào cung Ích Ung.
Trên sàn gạch lạnh toát xếp ba mươi hai chiếc đệm cói.
Lâm Tế tửu đi đầu, cất cao giọng: “Thần – Tế tửu Quốc Tử Giám Lâm Luân, dẫn ba mươi hai môn sinh của Thiên tử vào cung Ích Ung, nghe thiên tử giáo huấn!”
Ông nói xong, vị thái giám già hô lên: “Quỳ!”
Lâm Tế tửu lập tức quỳ xuống, ba mươi hai học trò cũng quỳ mọp xuống, nom hệt như mấy miếng sủi cảo.
Đệm cói được xếp thành năm hàng, hàng thứ nhất ba chiếc, hàng thứ hai ba chiếc, hàng thứ ba sáu chiếc.
Hàng thứ tư và thứ năm mỗi hàng mười chiếc.
Đường Thận nâng hai tay ngang trước mặt theo Chu Lễ.
Trời nắng chang chang, các quan lớn nhỏ thì quỳ ngoài cung Ích Ung, học trò thì quỳ trong cung Ích Ung.
Cả trong lẫn ngoài điện lặng im như tờ, không ai dám gây ồn ào, ngay cả tiếng hít thở cũng nhỏ như không có.
Chẳng biết đã đợi bao lâu, có tiếng bước chân vững vàng, thong thả vang lên từ phía hậu điện.
Lưng Đường Thận lập tức căng lên.
Trong cung Ích Ung, các học trò Quốc Tử Giám cứng đơ, không ai dám thở mạnh.
Thông qua tiếng động thì biết người nọ chậm rãi đi lên ngai rồng trong cung Ích Ung, nhẹ nhàng ngồi xuống.
Đường Thận nghe thấy giọng nói già cỗi nhưng vững vàng của thiên tử cất lên: “Bắt đầu đi.”
Thái giám già hắng giọng: “Năm Khai Bình thứ hai mươi sáu, ngày mười sáu tháng sáu, ở cung Ích Ung Quốc Tử Giám, Thiên tử truyền khóa thụ đạo!”
Lão ta nói xong, hai thái giám đứng hai bên cổng cung Ích Ung liền xướng lên theo: “Năm Khai Bình thứ hai mươi sáu, ngày mười sáu tháng sáu, ở cung Ích Ung Quốc Tử Giám, Thiên tử truyền khóa thụ đạo!”
Tiếp đó là bốn thái giám khác lặp lại: “Năm Khai Bình thứ hai mươi sáu…”
Câu nói này cứ truyền dần xuống, rền vang khắp Quốc Tử Giám, khí thế hùng tráng kinh người.
Từ cung ích Ung, Thiên tử truyền lời, bách quan lắng tai nghe.
Thiên tử nói: “Ta thường nghe, Mạnh Tử viết: Bá chủ mà lấy vũ lực giả làm nhân từ, sau lưng phải có nước lớn4… “
Thái giám già cao giọng hô: “Ta thường nghe, Mạnh Tử viết: Bá chủ mà lấy vũ lực giả làm nhân từ, sau lưng phải có nước lớn…”
Hai thái giám trẻ tiếp tục nhắc lại câu ấy.
Câu nói lần lượt được truyền xuống dần.
Từ giờ Mão đến giờ Ngọ, các học trò quỳ tròn ba canh giờ.
Ngoài cửa điện, các quan lại Thịnh Kinh cũng quỳ đủ ba canh giờ.
Phơi nắng phơi gió, bách quan vẫn nghiêm cẩn giơ cao hốt ngọc.
Khi Thiên tử giảng nốt câu cuối, đám thái giám cũng truyền lời xong, giọng thái giám già réo rắt: “Thiên tử lâm Ung, bách quan nghe giảng.”
Hoàng đế đương triều – Triệu Phụ – khoát tay lên hai tay vịn của ngai rồng.
Tóc của vị hoàng đế này đã điểm bạc, nhưng gương mặt không hề có nếp nhăn, trừ hai bên khóe mắt.
Đã qua tuổi hoa giáp nhưng đôi mắt Triệu Phụ vẫn sáng quắc như mắt ưng.
Ông ta nhìn ba mươi hai học trò Quốc Tử Giám trong điện, lại dõi mắt ra tận ngoài điện, ngắm bá quan văn võ dưới trướng mình.
Thái giám già tiếp tục truyền lệnh: “Học trò lắng tai, nghe Thiên tử phê bình.”
Học trò Quốc Tử Giám quỳ ngay ngắn, đợi Thiên tử nhận xét.
Chỉ nghe Triệu Phụ nói nhẹ bẫng một từ: “Tốt.”
Lâm Tế tửu rốt cuộc cũng được thở phào nhẹ nhõm.
Nếu không phải hoàng đế còn ngồi lù lù trên kia khiến ông ta không dám hành xử lỗ mãng, thì ông chỉ mong được lăn kềnh ra đất đánh một giấc say sưa, ba ngày ba đêm không phải mở mắt!
Thế là sự kiện Thiên tử lâm Ung rốt cuộc cũng khép lại.
Từ đầu chí cuối, Đường Thận vẫn không biết mặt Triệu Phụ ra sao.
Cậu không dám ngẩng đầu mà cũng không được phép ngẩng đầu.
Sau khi Triệu Phụ đi rồi, bá quan văn võ ngoài điện cũng lần lượt ra về dựa theo phẩm cấp.
Sau đó mới đến phiên các học trò trong điện.
Lâm Tế tửu nói: “Đường Thận, Lưu Phóng, Mai Thắng Trạch, các trò đi theo ta.”
Ba người nhanh chóng đi theo Lâm Tế tửu.
Lâm Tế tửu dẫn bọn họ ra khỏi cung Ích Ung, đi về miếu Đức thánh Khổng ở hậu viện Quốc Tử Giám.
Đi được nửa đường thì thấy thái giám già cười giả lả, cầm phất trần đứng chờ ngoài cổng miếu.
Thấy Lâm Tế tửu đến, ánh mắt lão ta quét qua ba người Đường Thận rồi hỏi: “Lâm đại nhân, đây là ba người đứng đầu kì quán khóa lần này của Quốc Tử Giám phải không?”
“Thưa Quý công công, chính là các trò này ạ.”
“Thế để ta dẫn họ vào diện thánh.”
“Việc này…”
Quý công công chỉ mỉm cười nhìn Lâm Tế tửu, Lâm Tế tửu không dám nói thêm câu nào.
“Mọi sự xin nghe lời Quý công công ạ.”
Quý công công hừ mũi, xoay người nói: “Ba người các ngươi, theo ta.”
“Vâng.”
Mai Thắng Trạch thấp thỏm không yên, vừa theo sau Quý công công vừa lén nháy mắt với Đường Thận: Đệ có biết thế này là sao không?
Đường Thận cũng bối rối lắm chứ đùa.
Cậu nào biết…
Hóa ra lợi ích cho ba người đứng nhất mà Vương Trăn nhắc đến nửa tháng trước là được gặp vua!
Ngoài cung Ích Ung, bách quan được tôi tớ dìu ra khỏi Quốc Tử Giám.
Leo được đến chức tứ phẩm trở lên thì các quan hầu hết cũng ngoài ba mươi rồi, chẳng có mấy ai trẻ hơn.
Thiên tử lâm Ung ròng rã ba canh giờ, Hoàng đế thì ngồi trên ngai rồng, đọc y nguyên bài giảng Hàn Lâm viện soạn sẵn, còn bọn họ thì tự đi mà quỳ.
Trong đội quan lại hùng hậu này chỉ có mỗi Vương Trăn là không cần thư đồng đỡ, đi lại thảnh thơi.
Thị lang bộ Lễ thấy thế thì vừa ghen tị vừa ước ao, than: “Vương đại nhân đúng là còn trẻ!”
Vương Trăn mỉm cười, chắp tay: “Lý đại nhân.”
Thị lang bộ Lễ cũng chắp tay đáp lễ rồi khập khiễng vịn vào người hầu ra khỏi Quốc Tử Giám, leo lên xe ngựa.
Vương Trăn ra đến đầu đường vào Quốc Tử Giám, đang định lên xe ngựa thì nghe có người gọi tên mình từ đằng sau.
Chàng quay lại thì bắt gặp một viên quan mặc áo bào Thái cực Bát quái, đầu đội mũ gài lông chim trĩ, xăm xăm bước tới, gọi: “Vương đại nhân.”
Vương Trăn đáp: “Lý đại nhân.”
Lý này với Lý ban nãy khác xa nhau.
Thị lang bộ Lễ cũng họ Lý, nhưng Lý đại nhân đây lại là Giám chính Khâm Thiên Giám được hoàng đế sủng ái tột bậc – Lý Tiêu Nhân.
Lý Tiêu Nhân nói: “Vương đại nhân nhanh nhẹn ghê, chẳng cần ai đỡ nữa.
Hạ quan quỳ ba canh giờ ngoài cung Ích Ung xong chân nặng như chì, không bước nổi một bước!”
Vương Trăn: “Thế bây giờ Lý đại nhân về phủ nghỉ ngơi chứ?”
Lý Tiêu Nhân: “Ấy, không đâu.
Ta phải ở lại Quốc Tử Giám, chờ Thánh thượng triệu kiến các học sinh xong rồi hầu Thánh thượng hồi cung.”
Hai người hàn huyên với nhau một hồi.
Lý Tiêu Nhân ghé lại gần, thì thào: “Thiên tử lâm Ung lần này, xin tạ ơn diệu chiêu của Vương đại nhân.
Từ lúc Chung Thái Sinh chết đến giờ, Thánh thượng lúc nào cũng không vui, cảm thấy sĩ tử trong thiên hạ đều hướng về bè lũ nghịch tặc.
Nhờ một chiêu hay của Vương đại nhân mà Thiên tử long nhan đại duyệt, đích thân tới cung Ích Ung.” Cũng đỡ cho y ngày ngày phải dè chừng cái sự vui giận thất thường của hoàng đế, từng giờ từng phút nơm nớp lo âu, chỉ sợ bất cẩn khiến Thánh thượng nổi cơn thịnh nộ!
Vương Trăn sửng sốt: “Lý đại nhân nói gì lạ thế? Tử Phong chưa bao giờ đàm luận chuyện lâm Ung với Thánh thượng.
Chẳng lẽ không phải Lý đại nhân có lòng trung thành, lo cho long thể của bệ hạ, nên đã đề xuất ý tưởng này ư?”
Lý Tiêu Nhân cũng giật mình, nhưng chỉ chớp mắt là cười xòa ngay: “Vương đại nhân nói phải.”
Vương Trăn chắp tay: “Bộ Hộ bề bộn công việc, xin được từ biệt ở đây.”
Lý Tiêu Nhân: “Vương đại nhân đi thong thả nhé.”
Vương Trăn lên xe ngựa, đi về bộ Hộ.
Chàng đi rồi, đứa đồ đệ theo sau lưng Lý Tiêu Nhân mới thì thào hỏi: “Sư phụ, Vương Trăn tuy là Thượng thư nhị phẩm, nhưng đến Chinh Tây Đại nguyên soái sư phụ còn chẳng để vào mắt, sao sư phụ nể nang y thế?”
Lý Tiêu Nhân vả “bốp” vào mặt nó.
Đứa đồ đệ bụm má: “Sư phụ?”
“Ngu dốt cho lắm vào, rồi chết lúc nào không hay! Chinh Tây Đại nguyên soái là quân lỗ mãng, ngoài sức vóc ra thì chỉ còn cái dũng của kẻ thất phu.
Gian thần như Vương Tử Phong mà ra tay, có mười Chinh Tây Đại tướng quân cũng không đủ mưu địch lại hắn!”
“Đồ nhi biết lỗi rồi ạ.” Đứa đồ đệ luôn mồm kiểm điểm, nhưng trong bụng thì ấm ức lắm.
Vương Tử Phong cáo già thì sao chứ, Lý Tiêu Nhân nói một câu, Thánh thượng còn bí mật giết phứt Chung Thái Sinh trong thiên lao kia mà!
Lý Tiêu Nhân biết đồ đệ không phục, nhưng y chẳng hơi đâu giải thích dông dài.
Nếu Triệu Phụ quả là một hoàng đế đần độn đến mức Lý Tiêu Nhân nói gì nghe nấy, thì việc gì y phải nơm nớp lo gần vua như gần cọp, mỗi ngày tính kế rút lui an toàn đến bạc cả đầu? Nếu y dám gièm pha, xúi giục Triệu Phụ giết Vương Tử Phong, chỉ e Triệu Phụ là người đầu tiên chém bay đầu y ấy chứ!
Xem ra thứ đồ đệ dốt nát này phải đuổi cổ sớm thôi, kẻo có ngày rước vạ vào thân..