Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 21


Bạn đang đọc Sơn Hà Bất Dạ Thiên – Chương 21


Án thủ
Bữa nay Đường Vân vẫn diện bộ áo gấm quý phái, nhưng mặt nó ỉu xìu như bánh đa ngâm nước, cứ ngập ngừng muốn nói rồi lại thôi.

Đến nước này thì nó chỉ biết im đi cho lành, chứ nói năng còn ích gì đâu?
Thấy nó như vậy, Đường phu nhân than: “Không nên thân!” Bà sai quản gia nhà họ Đường dẫn một thằng con trai khác vào.

Thằng này là một thiếu niên chừng mười bốn mười lăm tuổi, cũng diện áo gấm.

Lạ nỗi, điệu bộ nó cứ rụt rà rụt rè, ánh mắt lấm la lấm lét, thỉnh thoảng lại liếc trộm Đường phu nhân.

Bị phu nhân lườm cho một cái, nó run bắn người, suýt thì ngã ngồi ra đất.
Đường phu nhân nói: “Thận nhi, đây là con thứ của đại bá cháu, cũng là anh họ hai của cháu.”
Ồ, giờ Đường Thận đã hiểu tại sao ba tháng trước Đường Vân bỗng dưng nổi sùng đến đây đập phá.
Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhà nào chẳng có chuyện khó nói.

Khắp phủ Cô Tô ai cũng biết Đường phu nhân là người phụ nữ hiền huệ, tri thư đạt lễ, hồi trẻ còn là người đẹp nức tiếng vùng Giang Nam, hiềm nỗi gia đạo sa sút, tuy xuất thân thư hương thế gia nhưng sinh ra trong cảnh túng bần.

May sao Đường phu nhân rất có phúc, sau khi gả vào nhà họ Đường, bà sinh cho dòng họ một trai một gái, mà chồng bà cũng không kém cỏi, đã thi đỗ cử nhân.
Đường phu nhân biết cách trị gia, quán xuyến từ việc nội trợ đến bán buôn đâu ra đó.

Nhưng phu nhân chẳng có ba đầu sáu tay, lần này gặp họa từ trong nhà.

Đường Vân bị em thứ khích tướng, hiểu lầm Đường Thận, nên để xảy ra chuyện náo loạn ba tháng trước.
Đường Thận biết Đường cử nhân có một đứa con do vợ lẽ sinh, bằng tuổi với mình.

Thằng nhóc này trông mặt mũi thật thà, còn béo tốt hơn mình, nhưng chẳng ai ngờ nó lại ngấm ngầm mưu chuyện xấu.
Trước khi đến đây thằng bé đã bị Đường phu nhân nghiêm khắc răn dạy, thành thử nó rúm ra rúm ró, không dám ho he tiếng nào.
Sau khi Đường phu nhân giải thích một thôi một hồi, Đường Vân mới nghiến răng, hạ quyết tâm xin lỗi Đường Thận: “Lúc trước là do anh ngờ nghệch, nghe lời xúc xiểm của người ta mà hiểu lầm cậu.

Đường… Đường đệ, chúng ta là huynh đệ chung dòng máu, mong đệ hãy tha thứ cho huynh.”
Đường Thận cười: “Ba tháng trước tôi đã tha thứ cho anh rồi.

Những cái anh phá hỏng, đại bá mẫu đã bồi thường từ lâu.”
Đường Thận rộng lượng không tính toán, nhưng điều đó chẳng khiến Đường Vân nhẹ nhõm gì cho cam.
Nó làm sao mà ngờ được, ý tưởng tào lao của Đường Thận lãi mẹ đẻ lãi con, kiếm về hàng đống tiền cho Trân Bảo Các.

Gần đây, Đường Thận còn bày ra trò hậu cần gì đó rất lạ lùng.

Vụ kinh doanh này lúc đầu ai cũng thấy vớ vẩn, ngay cả Đường phu nhân cũng coi nhẹ, nghĩ Đường Thận rảnh rỗi thì thử nghiệm linh tinh, lỗ lãi không quan trọng.

Ai ngờ dịch vụ hậu cần lại thành công ngoài mong đợi!
Đường cử nhân cũng choáng váng, lúc cả nhà quây quần ăn cơm ông bảo: “Thằng em thứ của tôi là loại đầu cứng như gỗ cây du, không biết co duỗi, sao lại đẻ ra thằng con như vậy nhỉ, khác nhau một trời một vực.”
Ý tưởng bán xà phòng của Đường Thận thu lại bao nhiêu lợi nhuận cho Đường gia, Đường Vân rõ rành rành.

Đường Thận làm hậu cần tuy không có lãi, nhưng tiếng tăm của cậu vang dội khắp Cô Tô.

Thành ra Đường phu nhân cũng ngờ rằng dịch vụ hậu cần này vẫn chưa bung hết thực lực, không thể dự đoán sau này còn phát triển đến mức nào.
Điều đáng nể hơn không thể không nói đến: thầy của Đường Thận quả thật là Lương Bác Văn!
Đây là lần đầu tiên Đường Vân phải nhìn thằng em này bằng ánh mắt kiêng nể.

Trông mặt mũi Đường Thận rõ xinh xẻo, sáng sủa, chẳng giống một nhân vật đáng gờm chút nào cả.
Đường Thận thực sự lợi hại thế sao?
Đường phu nhân nói: “Thận nhi, anh cả cháu được bá mẫu dung túng quá nên hư hỏng, sau này bác sẽ quản lí nó nghiêm khắc, không để nó tái phạm lỗi lầm ngu ngốc thế này nữa.”
Đường Thận: “Đại bá mẫu quá lời rồi.”
Đằng nào cũng chẳng chung nhà với nhau, cậu quản Đường Vân làm gì?
Đường phu nhân rất để tâm đến kì thi huyện mới kết thúc hai ngày trước của Đường Thận, sai nha hoàn mang thuốc bổ ra tặng: “Đi thi hao tổn sức khỏe lắm con ạ, anh cả con năm ngoái thi huyện rồi thi phủ xong, về nhà ốm bê bết một trận đấy.”
Diêu đại nương bèn nhận thuốc bổ cho Đường Thận.
Đường Hoàng chợt lên tiếng: “Nếu là do người khác xúi bẩy,” thằng con thứ nghe mà run như cầy sấy, cô nhóc nói tiếp: “Đại bá mẫu, giao kèo giữa Đường Vân… khụ, anh họ cả và anh trai cháu còn tính không ạ?”
Đường phu nhân hết sức bất ngờ, giờ bà mới nhớ ra vụ này.
Đường Vân cũng ngơ ngác, nhưng nó còn hăng tiết vịt lắm: “Đương nhiên là vẫn tính chứ, Đường Vân này đâu phải hạng tiểu nhân nói lời không giữ lấy lời! Nhưng ai bảo nhất định tao sẽ thua? Thi huyện chưa công bố kết quả, nhóc làm sao mà biết Đường Thận có đỗ hay không? Muốn tao gọi nó là anh á, đỗ đồng sinh đi rồi hẵng nói!”
Đường phu nhân thở dài ngao ngán, xách cổ thằng con óc bã đậu về nhà. 
Nhà kia đi rồi, Đường Thận bắt đầu lườm em gái.

Chỉ thấy Đường Hoàng cười hì hì túm tay anh, nói: “Anh thấy em có thông minh không? Anh trông Đường Vân ấy, chẳng qua là bị đại bá mẫu ép đến xin lỗi, chứ ảnh có phục tí nào đâu! Ôi, em muốn ba hôm nữa quá được thấy cái mặt ảnh lúc gọi anh là ‘ca ca’ quá đi!”
Đường Thận: “Vì thế nên em cố tình khích tướng nó hả?”
Đường Hoàng buông tay ra: “Đâu.”
“Nhóc quỷ, ranh ma gớm!”
Đường Hoàng chạy vụt đi: “Còn lâu nhé, Đường Thận điêu toa!”
Đường Thận cười ngất.
Mồm miệng đáo để là thế, nhưng ở nhà họ Đường, người hay lo lắng đến mất ăn mất ngủ chính là Đường Hoàng.
Với ba trường thi đồng sinh thì cứ bảy ngày sau khi thi sẽ yết bảng.

Ngày nào cũng thế, từ sáng tinh mơ Đường Hoàng đã dậy, đi cùng Diêu đại nương ra miếu thổ địa lễ bái.

Cô bé quỳ trên đệm cói, liên tục khấn “xin cho anh con thi đỗ”.

Cứ thế, đến trước hôm yết bảng, ngay cả Đường Thận cũng hồi hộp lây.
Kế toán Lâm hỏi: “Tiểu đông gia lo lắng hả? Nhớ khi xưa, cứ mỗi lần chuẩn bị yết bảng, tôi nóng ruột đến nỗi trằn trọc cả đêm, không sao chợp mắt.

Nhưng tiểu đông gia không giống tôi, cậu thông tuệ lắm, nhất định đỗ kì thi huyện này thôi.”
Đường Thận: “Bác không hiểu đâu ạ.”
Kế toán Lâm: “Không hiểu gì cơ?
Đường Thận thở dài đánh thượt.
Cậu không lo thi hỏng, cái cậu sợ là trượt khỏi mười hạng đầu cơ!
Ngày yết bảng đã tới! Từ tinh mơ, Đường Hoàng lôi xềnh xệch Đường Thận đến cổng trường phủ.

Trời còn nhá nhem nhưng đã có hàng đống người túm tụm trước cổng học viện Tử Dương.

Có những đứa nhóc chỉ trạc tuổi Đường Thận, cũng có những cụ già hơn bảy mươi tuổi, tóc bạc lưng còng.

Các sĩ tử ở đây ai cũng nghển cổ, hồi hộp hướng về cánh cổng học viện đợi chờ.
Giờ Mẹo đã tới, cổng chính trường phủ từ từ mở ra.

Hai sai nha và một học chính bước ra từ trong trường.

Hai sai nha nâng bảng vàng trên tay, rẽ đám đông, cùng nhau dán bảng vàng lên tường.

Cuộn giấy đỏ khổng lồ được trải ra trước mắt đám đông trong tiếng hít thở căng thẳng… rồi những tiếng khóc, tiếng thét chợt vỡ òa.

Người hân hoan mừng rỡ, kẻ nghẹn ngào đắng cay.
Đường Hoàng túm chặt lấy tay Diêu Tam, lo đến nín thở.
Đường Thận cũng chả khá hơn là bao, cậu rướn cổ, nhìn một lượt từ cái tên cuối cùng đến cái tên thứ mười một.
“Không có tên tôi!”
Thế là vơi nửa bầu lo lắng, vẫn còn nửa nữa.

Cậu lại đọc tiếp lên trên, lúc thấy tên mình thì ngay đơ tắp lự.
Đường Hoàng thảng thốt gọi: “Anh ơi?!”
Diêu Tam: “Tiểu đông gia?”

Đường Thận lâng lâng như trên mây, nhìn cái tên đứng hàng thứ nhất trên bảng vàng, hỏi: “Tôi là Đường Thận phủ Cô Tô hả?”
Cùng lúc đó, có một thằng hầu ba chân bốn cẳng chạy về khu tây thành Cô Tô, cuống quýt đập cửa.

Đường Vân đang thiu thiu ngủ, nghe tiếng đập cửa phành phành thì giật mình tỉnh giấc, đùng đùng quát lên: “Đi vào!” Thằng hầu sợ vãi ra quần, vội đẩy cửa vào.

Ban nãy nó chạy như ma đuổi, hẵng còn thở phì phò, nói không ra hơi:
“Đại thiếu, thiếu gia…”
Đường Vân sốt hết cả ruột: “Nhanh cái mồm lên, dám quấy rầy giấc mơ đẹp của tao, hôm nay phạt mày nhịn ăn.”
Thằng hầu kêu trời trong bụng, cuối cùng vẫn đành phải nói rõ: “Đại thiếu gia, Đường Thận đỗ rồi!”
Đường Vân choáng váng.

Lát sau, nó mới lẩm bẩm: “Thằng đó tự tin như vậy, đỗ cũng phải.

Thi huyện không khó lắm, mẹ đã bảo rồi, mình đỗ được thì nó cũng đỗ được.

Nó đỗ, mình phải gọi nó là anh.

Nó không đỗ, mình cũng chẳng được lợi lộc gì.

Mà thôi, tóm lại cái tội ở mình, bị thằng khác dắt mũi.

Mẹ nói đúng lắm, dại một lần rồi mới biết khôn, Đường Vân này nhận thua cũng không sao, gọi nó một tiếng ‘anh’ là được!”
Thằng hầu lại sổ ra: “Đại thiếu gia, cậu ta chẳng những đỗ, còn đỗ đầu nữa cơ!”
Đường Vân ngẩng phắt lên, ngỡ là mình nghe nhầm: “Mày nói sao?”
“Án thủ kì thi huyện năm nay là Đường Thận phủ Cô Tô!”
Đường Vân: “…”
Bá ngọ mày thằng Đường Thận!
Đỗ thi huyện, Đường Vân còn tự an ủi được rằng thôi thì mình sai trước.

Nhưng chớ trêu Đường Thận lại đỗ án thủ thì bảo Đường Vân ăn ngon ngủ yên thế nào được.

Nó vật vã đau khổ suốt một ngày đêm mới dám vác mặt đến nhà Đường Thận.
Đường Vân ngắc ngứ nói: “Đường Vân tao nói lời giữ lời, Đường Thận, tao gọi mày một tiếng “anh”, lúc trước tao sai rồi.”
Đường Thận: “Ờ, gọi thử đi tôi nghe!”
Đường Vân: “…”
“Anh!”
Đường Thận cười đểu: “Đường đại thiếu gia đi thong thả.”
Đường Vân nhục không để đâu cho hết, khóc tức tưởi bỏ về nhà.
Mặt trời ngả về Tây, tiếp đón các bạn cùng trường ghé nhà chúc mừng xong, Đường Thận đi sang Lương phủ.

Cậu vừa tới cửa, quản gia đã chào mừng: “Chúc mừng Đường án thủ.”
Đến thư phòng, Lương Tụng liếc cậu một cái: “Đường án thủ đến đó hả?”
Đường Thận vốn mở cờ trong bụng, của đáng tội, ai đạt hạng nhất mà chẳng đắc ý trong lòng, song trông nét mặt Lương Tụng, nghe giọng điệu của ông, Đường Thận chợt cảm thấy có điều không ổn.

Cậu ngoan ngoãn đi đến bên thầy, thưa: “Tiên sinh, tiểu tử vừa đến chưa kịp thông báo, chỉ muốn báo tin vui cho thầy là con đã đỗ kì thi huyện, cũng coi như có chút công danh ạ.”
Lương Tụng đặt một tờ bài lên án thư, nói: “Ta đây không đời nào tin?”
Đường Thận sửng sốt, lanh lẹ đáp: “Tiên sinh đã thấy bài chế nghệ con viết rồi ạ?”
“Nào chỉ có thấy, con ra đây mà xem.”
Đường Thận bấy giờ mới phát hiện, tờ giấy trên bàn Lương Tụng là bản sao của hai bài chế nghệ và bài thơ thí thiếp cậu đã viết.
“Tiên sinh, con được hạng Giáp hai bài, hạng Ất một bài.

Cả hai bài chế nghệ đều được hạng Giáp.”
“Bài ‘Quân thú ư Ngô’ viết đâu ra đấy, lần này trong các thí sinh phủ Cô Tô và huyện Ngô, không ai viết quá mức xuất sắc.

Bài của con rất hay, đạt hạng Giáp thỏa đáng lắm.” Lương Tụng nói: “Nhưng bài ‘Quốc gia tương hưng tất hữu trinh tường’ thì… Hừm, Đường Thận, con có biết con phạm lỗi gì không?”
Đường Thận bối rối vô cùng.

Cậu vội vàng đến báo tin mừng cho tiên sinh, sao tiên sinh lại mắng cậu? Cậu đã đỗ đầu cơ mà!
“Học trò không biết ạ.”
“Quốc gia tương hưng tất hữu trinh tường, những lời này xuất phát từ sách Trung Dung.

Sách Trung Dung do Khổng Tử viết, vậy mà con dám tuyên bố, ‘ta đây không đời nào tin’?”
Đường Thận bỗng minh bạch, thì ra Lương Tụng đang trách cậu cuồng ngôn, dám nói “ta đây không đời nào tin”.
Đường Thận phân bua: “Tiên sinh, đâu phải tiểu tử không tin thật, tiên sinh đọc tiếp phần sau mà xem, tiểu tử đã lập luận lí giải quan hệ giữa điềm lành và sự hưng vong của nước nhà, cũng chứng minh khi nào thì nên tin, khi nào thì không tin mà.”
Lương Tụng: “Phải, con đã viết thế, nhưng thế thì sao? Lần này thi huyện, quan chủ khảo là huyện lệnh huyện Ngô – Cổ Lượng Sinh.

Cậu ta là thư sinh trẻ tuổi, chẳng những xếp con đứng hạng Giáp, còn ra sức đề cử bài văn này của con với các học chính suốt mấy ngày liền, nói rằng đây là áng văn kiệt xuất.

Nhưng con ơi, sở dĩ có chuyện đó cũng vì cậu ta trẻ tuổi, đầu óc linh hoạt, không câu nệ khuôn mẫu.

Nếu đổi sang một huyện lệnh cổ hủ làm chủ khảo, chỉ cần một câu ‘ta đây không đời nào tin’ này thôi là đủ để người ta không cần xem phần dưới con viết thế nào rồi.

Người ta sẽ khép con vào tội bất kính với Thánh nhân và trừng phạt con.

Chẳng những riêng một kì thi huyện, con có thể bị cấm thi cử vĩnh viễn!”
Lời thầy nói như sét đánh ngang tai, Đường Thận chết trân.
Thư phòng lặng ngắt.
Hồi lâu, Đường Thận cúi đầu, hối hận: “Học trò biết lỗi rồi ạ.” Giọng cậu trĩu nặng, nhưng ở đáy lòng vẫn có chút không phục.
“Hẳn là con nghĩ, đây là cắt câu lấy nghĩa đúng không? Rõ ràng ý của con không phải như vậy, bài văn của con cũng có nội dung như vậy.”
Đường Thận không nói gì hết.
Lương Tụng nhìn cậu, lắc đầu bất đắc dĩ.

Ông bước tới, đặt tay lên vai kéo cậu trò nhỏ độc nhất của mình lại gần.

Đường Thận ngẩng đầu, bắt gặp ánh mắt phẳng lặng như nước của Lương Tụng nhìn cậu.

Người có tuổi, đôi mắt sẽ trở nên đục hơn.

Đường Thận biết, đó là trầm tích của tháng năm, ánh mắt của bậc lão giả sẽ không còn trong trẻo như ánh mắt chàng thiếu niên, mọi người đều như vậy.
Vậy mà lúc này đây, khi nhìn vào đôi mắt đục đi sau bao thăng trầm của Lương Tụng, Đường Thận lại có cảm giác đó không chỉ là biến đổi về mặt sinh lý.

Trong đôi mắt thầy có gió sương gian khổ, trĩu nặng một bầu tâm sự không tên.

Cậu không hiểu được hết lòng thầy, nhưng cậu nhận ra mỗi câu nói của ông cụ đều vì tốt cho cậu.
Lương Tụng dồn ánh nhìn vào người học trò cuối cùng, người học trò duy nhất trên đoạn đường đời sau rốt của ông: “Nhân tâm, khó lường.

Khi con đắc thế, dù có xách đao ra giữa chợ, hống hách ngang tàng, cũng không ai dám làm gì con.

Nhưng khi con thất thế, từng lời nói cử chỉ đều thành cái cớ cho người ta hạch tội.

Con phải nhớ, đừng dễ dàng tin bất cứ kẻ nào.

Từ quân tử thành tiểu nhân, chỉ trong một ý niệm mà thôi.

Nhưng trước lúc đó, Đường Thận à, nếu con muốn khẳng định bản thân trong sạch, con không được để kẻ khác bắt được điểm yếu.”
“Vi sư biết, dẫu hôm nay Cổ Lượng Sinh không phải chủ khảo, con cũng có khả năng đỗ thủ khoa.

Bài văn này của con tuyệt diệu lắm, nó là bài văn hay nhất con từng viết suốt mấy tháng nay.


Nhưng sau này nếu có kẻ muốn dèm pha con, câu ‘ta đây không đời nào tin’ này sẽ là đòn chí tử.

Người ta đã muốn hại con, thì có sá gì việc cắt câu lấy nghĩa, dối trên gạt dưới đâu con? Quan trường là thế đấy.”
“Vi sư biết, con không hề thích thi cử.”
Đường Thận giật mình, thanh minh: “Tiên sinh, con chưa từng nghĩ thế ạ.”
Lương Tụng: “Thư phòng này chỉ có hai thầy trò mình, có gì mà không dám nói? Chẳng cứ riêng con, thiên hạ này đầy người ghét thi cử nhưng vẫn đọc sách, con đã là gì?”
Đường Thận ngừng lời.
Khoa cử, khảo thí, thảm họa bát cổ, về sau bị hậu thế phê bình là cặn bã của nền phong kiến, không đáng tiếp thu.

Đường Thận quả thật không thích, mà chẳng cứ cậu, thời hiện đại có mấy ai thích thi cử đâu? Thế nhưng cậu là người chuyển kiếp tới đây, cậu chỉ có thể đi thi mà thôi.
Lương Tụng nói: “Thế nhưng, khoa cử, là lối tắt duy nhất cho sĩ tử trong thiên hạ.

Vi sư không mong con đỗ Trạng làm gì.

Học trò đỗ Trạng Nguyên ta từng có một đứa rồi, đúng ngày mười chín Tết nó hi sinh trên tường thành Trác Châu, chết dưới trận mưa tên của người Liêu.

Thận nhi, thiên tư con thông tuệ, nhưng lòng con không mang chí thâu tóm thiên hạ.

Đây không phải là chuyện xấu.

Nhưng khoa khảo cũng là quan trường.

Chỉ cần con còn đi thi, còn dính dáng tới quan trường, vi sư xin con hãy giữ lấy đạo Trung Dung.

Cho dù không giật hạng đầu, nhưng giữ được tánh mạng, sống sót đến cùng mới là điều quan trọng nhất.”
Đường Thận thấm thía lời thầy dạy.

Dù sao cậu vốn chẳng phải người cổ đại, chuyển kiếp tới đây chưa đầy một năm.

Hôm đó, khi đặt bút viết bài chế nghệ bát cổ “ta đây không đời nào tin”, cậu chỉ nghĩ rằng giám khảo sẽ thấy mình viết sai, không chấp nhận quan điểm của mình, tương tự như bài văn lạc đề ở thời hiện đại thôi.

Cậu không nghĩ rằng có người có thể lợi dụng điều đó để ngáng chân, bôi nhọ mình.
Quan trường như chiến trường, thậm chí còn khát máu, vô nhân tính hơn cả chiến trường.
Đường Thận: “Học trò đã hiểu.

Từ giờ trước khi đặt bút hay cất lời, nhất định sẽ nghĩ kĩ rồi mới làm ạ.”
Lương Tụng: “Bài văn này của con ta sẽ ém lại, thi phủ hai tháng nữa, con có chắc chắn không?”
Đường Thận: “… Có… ạ?”
“Gì cơ?”
“Có ạ!”
Lương Tụng nở nụ cười.
Hai thầy trò chụm đầu trong thư phòng phân tích bài thi của Đường Thận.

Lương Tụng chỉ ra những chỗ có thể cải thiện.

Trời tối, Đường Thận ăn cơm ở Lương phủ luôn.

Lúc ra về, chưa đến cổng chính cậu đã đụng phải một người.
Hai người thấy nhau đều ngạc nhiên.
Đường Thận chắp tay thi lễ: “Từ biểu ca, lâu rồi mới gặp.”
Người đó chính là Từ Tuệ, Từ Ngu Chi.
Đường Thận gặp Từ Tuệ lần đầu ở quán trà đầu thôn Triệu gia, lần thứ hai là ở nhà Tằng phu tử.

Mấy hôm đó đều không có ấn tượng tốt.

Thấm thoắt từ ngày ấy đã hơn nửa năm, Từ Tuệ lặng lẽ nhìn Đường Thận, cũng chắp tay thi lễ: “Mãi mới có dịp gặp lại, chúc mừng tân án thủ.”
“Từ biểu ca khách sáo quá.”
“Em là học trò của đại nhân, cứ gọi anh là Ngu Chi thôi.”
“Vâng, anh Ngu Chi.”
Vì gặp gỡ thường xuyên nên quan hệ giữa hai người đã dịu đi nhiều.

Đường Thận hỏi: “Lúc anh Ngu Chi đi gấp quá, mãi hôm nay em mới thấy anh.

Dạo này anh bận lắm ạ?”
Từ Tuệ gật đầu: “Anh mới từ Kim Lăng về, làm mấy việc hộ đại nhân.” Nói xong, anh ta nghĩ một lát, rút từ trong tay báo một cây bút lông thỏ ra: “Bút của Vô Tâm thư trai ở phủ Kim Lăng đấy, mấy hôm trước anh đi qua đó tình cờ mua được, tặng em làm quà mừng đỗ án thủ nhé.”
Đường Thận nhận lấy: “Em cảm ơn anh Ngu Chi.”
Sau đó, hai người từ biệt nhau.
Đường Thận về tới nhà, Diêu đại nương đã trổ tài nấu một bàn tú hụ thức ăn ngon, mời luôn kế toán Lâm sang chung vui với cả nhà.
Đường Hoàng và Diêu Tam phấn khởi banh nóc, cứ như thể chính mình đỗ án thủ vậy.
Đường Thận sau khi nghe Lương Tụng chỉ điểm thì điềm tĩnh hơn hẳn.

Cậu nói: “Chẳng qua là án thủ huyện thôi, anh trai em còn chưa đỗ tú tài đây này.

Chờ anh đỗ tú tài rồi em ăn mừng cũng không muộn.”
Đường Hoàng: “Úi xời! Anh em một khi đã quay đầu về bờ, học hành nghiêm chỉnh thì lợi hại nhất trần đời! Diêu đại ca ơi, chiều nay anh đi vắng, không được thấy Đường Vân sang đây xin lỗi rồi.

Mặt anh ta lúc ấy trông như vừa húp trọn cả bãi phân ý! Lúc đi về trông hoang mang ghê lắm, chắc không hiểu anh trai em thi đỗ án thủ kiểu gì.

Hả dạ quá đi mất thôi!”
Diêu Tam đế vào: “Tiểu đông gia thi đỗ án thủ thì có gì mà lạ, tôi thấy tiểu đông gia thi đỗ cử nhân cũng là chuyện bình thường!”
Đường Thận nghĩ thầm: Tui cũng nghĩ vậy đó, nhưng làm người thì phải khiêm tốn, khiêm tốn. 
Cậu đằng hắng cắt ngang: “Dùng bữa nào, dùng bữa nào.”
Học viện Tử Dương dù sao cũng là trường phủ Cô Tô, bốn học sinh tham gia thi huyện lần này, chỉ có một người thi trượt.

Chú béo Tôn cũng đỗ, nhưng chẳng vì thế mà bình tĩnh được chút nào, cứ xoắn xuýt tít mù lên cả lên.

Sáng sớm vừa đến học viện, chú ta đã túm ngay lấy Đường Thận: “Á à Đường Thận, té ra cậu là đồ đệ của Lương đại nhân.

Lương đại nhân có truyền thụ cho cậu bí kíp thi cử gì không? Anh em như thể tay chân, cậu có cái gì tốt cấm được quên tớ đấy!”
Đường Thận cười mắng: “Tớ mà có bí kíp thì còn đi học làm khỉ gì? Nằm phèo ở nhà mà ngủ, bao giờ thi rút bí kíp ra làm bài có phải đỡ rách việc không?”
Tôn Nhạc tiu nghỉu: “Còn có hai tháng nữa thi phủ rồi, nếu tớ không đỗ tú tài thì phải làm sao?”
Đường Thận ngoắc tay: “Lại đây anh mách chú bí kíp nè.”
Tôn Nhạc mừng húm, vội vàng châu đầu ghé tai nghe.
“Không đỗ nổi thì cứ tụt quần áo, bẻ cành táo gai cầm đến trước mặt mẹ chú ấy.

Xưa có Liêm Pha chịu đòn nhận tội, nay có Tôn Nhạc lạy mẹ xin tha, Tôn phu nhân kiểu gì chả mềm lòng!”
“…”
“Muốn ăn đập lắm hả Đường Thận?”
“Há há há há.”
Chí chóe một hồi, hai đứa lại rúc rích như thường với nhau, cùng mò ra ngoài cổng học viện ăn bánh bao nhân thịt.
Thấm thoắt đã hai tháng lại trôi qua.


Tháng tư đem mùa xuân tới, cũng giục giã các thí sinh vượt qua kì thi huyện tiếp tục thử sức ở kì thi phủ.

Tham dự kì thi lần này không chỉ có các thi sinh mới đỗ mà còn quy tụ cả các thí sinh từ những năm trước, đỗ thi huyện mà chưa đỗ thi phủ.

Trong đám thí sinh, Đường Thận bắt gặp Đường Vân, hai đứa cứ giương mắt nhìn nhau từ xa, cuối cùng Đường Vân đành buồn bực chắp tay chào Đường Thận.
Vào trường thi, trong ánh mắt hâm mộ của chú béo Tôn và Đường Vân, Đường Thận cùng mười người đứng đầu kì thi huyện đi vào phòng thi riêng.
Đường Thận cầm quyển bài thi, sướng run người, hít hà một hơi.
Chà chà, không khí mới trong lành làm sao.
Thế này mới gọi là thi chứ, lần này lại đỗ tốp mười nào!
Cậu mở quyển, vẫn là hai bài văn chế nghệ và một bài thơ thí thiếp.
Đề thứ nhất là “Quân tử hiền kỳ hiền nhi thân kỳ thân”, trích từ Đại Học, chương ba phần “Truyện”.

Nguyên văn là “Quân tử hiền kỳ hiền nhi thân kỳ thân, tiểu nhân thân kỳ thân nhi lợi kỳ lợi, thử dĩ một thế bất vong dã1.” Ý là đấng quân chủ hiền năng thì phẩm đức cao thượng, thương yêu dân chúng và người thân.

Quân chủ đời sau cảm thụ được lòng nhân của đời trước, sẽ noi theo, phát huy lòng nhân đức của vua đời trước.

Nhờ vậy mà bách tích được hưởng ân huệ dài lâu, ích nước lợi nhà.
Những câu này đều ngụ ý khi người trước làm đúng, người sau noi theo thì quốc thái dân an.
Lương Tụng yêu cầu Đường Thận phải cẩn trọng từ lời nói đến hành động, đều không phải để hạn chế trí tưởng tượng phong phú của cậu, bó hẹp tư duy, mà muốn cậu suy nghĩ chu toàn, thấu đáo.

Đường Thận ngẫm nghĩ một hồi, trong đầu có vô số phương án phá đề.

Cuối cùng cậu đặt bút viết: “Người trước có công gầy dựng, người sau mới được hưởng yên vui.

Người quân tử mến hiền yêu thân tựa như ngọn tháp chín tầng không gì phá nổi.” Phá đề xong, cậu lưu loát viết cả bài văn.
Đề thứ hai có phần khó hơn, là kiểu đề chắp-nối, đề mục là là “Đến việc trị quốc, lợi dụng địa vị thân cận với vua2.” Câu trước lấy từ chương “Lương Huệ Vương” trong sách Mạnh Tử, câu sau lại lấy từ sách Chu Dịch, quẻ “Quan”.

Đường Thận phải suy nghĩ hồi lâu mới đặt bút viết được.
Viết xong hai bài chế nghệ và thơ thí thiếp, Đường Thận nhìn một lượt chín thí sinh còn lại trong phòng.

Cậu hít sâu, thở phù một cái sảng khoái.
Khoan khoái quá đi mất thôi!
Kiểm tra kĩ từng câu chữ trong bài thi, Đường Thận đứng lên nộp quyển, chờ mười người nữa nộp bài xong rồi cùng nhau ra khỏi trường thi.
Đường Hoàng và Diêu Tam thấy cậu đi ra, lập tức chạy tới đón.

Cô bé dè dặt hỏi: “Anh ơi, anh thi có được không?”
Đường Thận nhướn mày: “Anh của em đương nhiên là thi tốt rồi, anh nhất định phải vào mười hạng đầu!”
Chỉ được thế, Đường Hoàng hớn ha hớn hở.
Đường Thận tự biết mình thể hiện không tệ, so với lần trước không khác mấy.

Lần này được thi với tiêu chuẩn hạng nhất, tuy ngồi làm bài cả ngày, nhưng không còn bị “vũ khí sinh học” tra tấn nữa.

Đường Thận thần thanh khí sảng, ăn no ngủ kĩ, chuẩn bị cho ngày thi thứ hai.

Cậu chẳng hề biết, ngay sau khi ngày thi phủ đầu tiên kết thúc, trong huyện nha của huyện Ngô, Cổ Lượng Sinh đã lựa quyển của cậu ra từ chồng bài thi.
“Người trước có công gầy dựng, người sau mới được hưởng yên vui.

Người quân tử mến hiền yêu thân tựa như ngọn tháp chín tầng không gì phá nổi…”
Cổ Lượng Sinh và các học chính, đề học cùng vây quanh đánh giá bài thi của Đường Thận.
Sau khi xem xong hai bài chế nghệ và một bài thơ thí thiếp, Cổ Lượng Sinh kết luận: “Nói có sách, mách có chứng, ý tưởng độc đáo, văn chương tưởng chừng ôn hòa, nhưng càng đọc càng sắc sảo, thấm thía, quả là một tác phẩm xuất sắc.

Thơ thí thiếp viết cũng rất tuyệt.

Bài thơ thí thiếp của Đường Thận hôm nay chỉn chu từ đầu tới cuối, tuy văn thái hơi kém hơn so với bài thi huyện.”
Học chính phán một câu: “Ưu tú có thừa, không ngoài dự đoán của chúng ta từ kì huyện khảo.”
Cổ Lượng Sinh gật đầu tán thành.
Chờ chấm bài xong, các giám khảo cùng nhau gom các quyển xuất sắc nhất lại.

Cổ Lượng Sinh nhận xét: “Hạng Giáp của phần thi chế nghệ lần này, một là của Đường Thận phủ Cô Tô, một là cho Dương Tri Phàm huyện Ngô.

Phần thơ thí thiếp thì Lưu Vĩnh huyện Ngô viết tốt nhất, xứng đáng hạng Giáp.

Về phần án thủ…”
Thi phủ cũng coi trọng nhất là trường thi đầu tiên, bốn trường sau chỉ thi lấy lệ, thành tích của thí sinh được định đoạt ở ngay ngày thi đầu này.
Cổ Lượng Sinh nhìn ba bài thi, trầm tư hồi lâu, nói: “Ba thí sinh mỗi người một vẻ, trình độ ngang ngửa nhau.

Thế nên, nếu giật giải tiểu tam nguyên kì thi Đồng sinh năm nay, Đường Thận sẽ viết nên một giai thoại cho kì thi lần này đấy.”
Cổ Lượng Sinh vung bút, viết năm chữ “Đường Thận phủ Cô Tô”.
Lúc này Đường Thận vẫn không biết mình vừa thi xong một ngày đã ẵm ngôi án thủ.
Đường Thận nghiêm chỉnh dự thi đủ bốn ngày.

Đến hôm yết bảng là bảy ngày sau, cậu vẫn chỉ ngóng tên mình trong mười hạng đầu, ai ngờ nhìn tận nơi mới biết mình đã đỗ án thủ.
Án thủ thi huyện làm sao mà sánh được với án thủ thi phủ – kì thi tú tài.

Cậu chính là thủ khoa trong số các tú tài đó!
Đường Thận kinh ngạc không thôi, Đường Hoàng thì túm lấy cậu nhảy như con choi choi.

Đường Thận lẩm bẩm tự hỏi: “Lẽ nào mình chính là thiên tài ngàn năm có một? Kiếp trước mình giỏi nhất là toán lý hóa, ngữ văn chỉ làng nhàng, thế mà giờ đèn sách mỗi một năm đã đỗ án thủ?” Cậu tự động bỏ qua bàn tay vàng đọc một lần là nhớ của mình.
Diêu Tam và Đường Hoàng thì quan tâm gì đến toán lý hóa, trong lòng hai người lúc này đang hò reo…
“Anh trai mình quả nhiên là lợi hại nhất!”
“Tiểu đông gia quả nhiên giật giải án thủ!”
Đến Đường Thận cũng bắt đầu hoài nghi mình là thiên tài toàn năng náu mình nơi trần thế.
“Ây chà, trời sinh ta giỏi ắt hữu dụng, ngàn vàng tiêu sạch lại đầy thôi4.

Tôi đã thành nhân tài, giờ là lúc kiếm ngàn vàng đấy.

Kế toán Lâm, bác cháu mình bàn chuyện tăng giá dịch vụ hậu cần nào!”
[4] Trích bài thơ Thương tiến tửu (Mời uống rượu) của Lý Bạch.
Lần này thi phủ, ba học trò của học viện Tử Dương tham gia đều đỗ hết.
Tôn Nhạc vốn không ôm hi vọng gì nhiều nên lúc thấy tên mình ở đáy danh sách đỗ thì chú béo nhảy cẫng lên, hò reo đòi khao đãi tất cả mọi người.
“Trưa mai ở lầu Thiên Thu! Mời các bạn học cùng đến ăn mừng!”
Đường Thận bật ngón cái: “Anh nể chú rồi đấy!”
Tôn Nhạc cười hả hê: “Đường án thủ, chú nói gì thế.

Hôm nay anh mừng quá xá luôn, anh đây thế mà lại đỗ tú tài, Tôn Nhạc anh đây thế mà cũng đỗ tú tài ở tuổi mười lăm! Quả nhiên, anh đây chính là thiên tài há há!”
Đường Thận nghĩ thầm sao câu này quen thế chứ lị!
Đường Thận hỏi: “Ngày mai cậu mời cả trường đến ăn ở lầu Thiên Thu à?”
“Chứ gì nữa, cậu cũng đến đi, tạo tí quan hệ với mấy đứa trường mình.

Cậu phải nghe tớ, bây giờ nhiều đứa gai mắt cậu lắm đấy.

Nếu muốn hai tháng tới được yên ổn ở học viện Tử Dương, trưa mai nhất định phải có mặt.”
Đường Thận bật cười: “Sao mà đến nỗi, chả nhẽ tớ thể hiện dữ quá à?”
Tôn Nhạc trừng mắt: “Cậu thể hiện dữ quá hả? Cậu có biết, cậu đỗ án thủ hai lần liền đồng nghĩa với cái gì không?”
“Cái gì?”
“Tức là thi viện hai tháng sau, cậu rất có thể sẽ đỗ án thủ tiếp!”
“Cậu tin tưởng tớ đến thế sao?”
“Hầy, tin cái con khỉ ý.

Thi viện đâu có giống thi huyện với thi phủ.

Lúc đó ít nhất nửa cái học viện Tử Dương này tham gia thi nè.

Cậu cũng giỏi đấy, nhưng làm sao đã đọc nhiều bằng các thư sinh lớn tuổi.

Có điều cậu đã đỗ án thủ hai lần, chỉ cần cậu không xuống phong độ, và kì thi tới không có con ngựa ô nào, thì Cổ huyện lệnh nhất định sẽ chấm cậu đỗ đầu, khiến cậu trở thành tiểu tam nguyên Đồng thí.”
“Thế mà cũng được à?” Đường Thận không ngờ, khoa cử cổ đại cũng có kiểu quy tắc ngầm này.
Tôn Nhạc cảm khái: “Tớ thế này là thỏa mãn rồi, giờ đỗ tú tài, ít nhất năm năm nữa mẹ sẽ không càm ràm gì cả.

Thi viện tớ không chắc lắm, cứ thử một lần xem sao thôi.

Tớ không bằng cậu, cậu phải cố gắng đấy nhé, Đường tiểu tam nguyên!”
Đường Thận kì thực không hào hứng với cái danh án thủ đến thế, cậu không nghiện sưu tầm, đỗ án thủ hai lần liên tiếp là ngoài dự liệu của cậu.

Cả ba trường thi của kì thi Đồng sinh, thậm chí là trường thi cuối: thi viện, cậu không quan trọng hóa cái nào cả.


Đến lúc này thì dù có từng đỗ án thủ, dẫu lần tới thi Hương sẽ được ngồi trong nhà ở khảo bằng, tất cả đều là thí sinh dự thi bình đẳng như nhau cả.
Đã thế lại không có điểm thưởng, đỗ cao để làm gì? Đỗ là tốt rồi!
Ngày hôm sau, Đường Thận đến lầu Thiên Thu.

Tuy Tôn Nhạc gửi lời mời đến tất cả các học sinh trong trường, nhưng hiển nhiên không phải ai cũng tới.
Ở học viện Tử Dương phần lớn là con nhà thường thường bậc trung hoặc con nhà nghèo, nhóm còn lại là con nhà khá giả.

Hiện giờ, các cậu ấm chơi thân với Tôn Nhạc đều đến góp vui, còn các bạn bè xuất thân hàn môn thì chỉ gọn vào hai bàn, cách xa với những người còn lại, cũng chẳng chuyện trò cùng nhau.
Cơm no rượu say, thư sinh ở trường phủ cũng như người thường, bắt đầu thỏa sức tán phét.
Một tú tài con nhà giàu phát biểu: “Đường Thận, không ngờ cậu đỗ án thủ liên tiếp hai lần, chúc mừng, chúc mừng nhé! Phủ Cô Tô không thể giống những chốn hoang vu khuất nẻo được.

Có biết bao nhiêu nhà dòng dõi thư hương lâu đời, thế mà Trạng nguyên lại toàn con nhà nghèo.

Học viện Tử Dương đã có án thủ Đồng thí xuất thân hàn môn những ba lần liền rồi.

Kì thi viện hai tháng sau, cậu nhất định phải lấy lại thể diện cho tụi mình nhé.”
Đường Thận bật cười: “Điều đó tớ không quyết định được, nhưng tớ tin tất cả các bạn trường ta ở đây sẽ cố gắng hết mình trong kì thi viện.

Đến lúc đó chỉ có thể nói là, dốc hết sức lực, mệnh ở ý trời.”
“Hay cho câu dốc hết sức lực, mệnh ở ý trời!” Cậu ấm nhà họ Vương phía Đông thành hoan hô, “Đường Thận, nghe nói cậu là đệ tử của Lương đại nhân – Lương Bác Văn hả?”
Việc này chẳng biết đã lan truyền khắp phủ Cô Tô từ bao giờ, Đường Thận nghĩ rằng bản thân mình không hề cố ý rêu rao, chẳng hiểu sao ai cũng biết.
Lời này mà đến tai Lương Tụng, chắc ông lại đá đít đứa trò hư này ra khỏi thư phòng mất.
Nhưng mà Đường Thận cũng chẳng thích mỗi lần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa lại phải đến nhờ vả Lương Tụng ra mặt.

Nếu cứ thế thì đến người mù cũng nhìn thấy cậu và Lương Tụng chẳng phải người dưng nước lã!
Đường Thận: “Đúng vậy, tớ là học trò của tiên sinh.”
Vương tú tài chắp tay: “Thật đáng ngưỡng mộ!”
Mộ người khác nói: “Anh họ tớ làm quan nhỏ ở phủ nha có kể rằng, mấy tháng gần đây Lương đại nhân thường không ở phủ Cô Tô mà hay sang Kim Lăng làm việc.

Không biết đại nhân bận gì, chẳng lẽ có sự vụ gì khiến Lương đại nhân phải rời phủ Cô Tô của chúng ta hay sao?”
Người thường mà leo đến chức phủ doãn phủ Cô Tô thì là việc vui động trời.

Nhưng với tầm cỡ và tiếng tăm của Lương Tụng, đáng lẽ ông phải làm quan to ở Thịnh Kinh mới đúng.

Việc ông bị điều xuống phủ Cô Tô rõ ràng là giết gà dùng dao mổ trâu.
Đường Thận không muốn tiết lộ tâm tư của thầy, cũng chưa từng bàn luận chuyện này với Lương Tụng nên chỉ giữ im lặng, cúi đầu ăn cơm.
Vương tú tài nói: “Kìa, cậu đừng đoán linh tinh.

Phủ Cô Tô là nơi chôn rau cắt rốn của Lương đại nhân, sao đại nhân có thể tùy ý bỏ được.

Tớ nghe nói, Lương đại nho đi Kim Lăng không phải vì việc gì lạ cả, mà chính là vì Chung tiên sinh, vị đại nho bị giam trong ngục suốt hai mươi lăm năm!”
Văn hóa Đại Tống cởi mở, rất ưu ái người đọc sách.

Vua Thái Tổ khi xưa đã đặt ra một pháp lệnh đặc biệt: Cấm giết người đọc sách!
Vương tú tài đàm luận chuyện thời sự quốc gia, nhưng không ai cản cậu ta cả, thậm chí còn nhao nhao bàn tán.
“Không ngờ Chung tiên sinh đã bị giam hai mươi lăm năm rồi.

Năm ấy tôi mới chỉ có năm tuổi, nay tôi đã qua tuổi nhi lập rồi, quả nhiên là bãi bể nương dâu.” [5]
[5] Nhi lập chỉ tuổi 30, bắt đầu cứng cáp, tự lập được.
“Hai mươi lăm năm sương gió, Lương tiên sinh vẫn không quên tình bạn năm xưa.

Người trọng tình trọng nghĩa như vậy, không hổ là tấm gương cho bọn hậu bối chúng ta.”
Từ khi nhập hồn vào thời đại này, những người Đường Thận tiếp xúc nhiều chỉ có Đường Hoàng, Diêu Tam, Đường phu nhân và Lương Tụng.

Lương Tụng thường không thảo luận chuyện chính sự với cậu, khi hai thầy trò ở riêng với nhau thì ông chỉ là một thầy giáo bình thường, truyền thụ tri thức cho Đường Thận.

Những người khác càng không thể kể chuyện chính sự cho Đường Thận được. 
Đường Thận lặng lẽ ăn cơm nhưng vẫn dỏng tai lắng nghe các tú tài kia nói.

Tiếc rằng bọn họ tuy là con nhà khá giả nhưng cũng chẳng hiểu rõ về chính trị, thảo luận vài câu đã đá sang chuyện thi viện hai tháng sau rồi.
Về đến nhà, Đường Thận tìm kế toán Lâm, hỏi: “Lương tiên sinh gần đây thường bận rộn bên Kim Lăng, thân là học trò của thầy mà cháu chẳng hay biết gì cả, thật thất trách.

Kế toán Lâm, có một người cháu muốn hỏi xem bác đã từng nghe đến chưa ạ.”
“Người nào thế cháu?”
“Đại nho Chung tiên sinh.”
Kế toán Lâm trợn mắt, hốt hoảng: “Tiểu đông gia, cẩn thận lời nói!”
Đường Thận thấy có điều bất thường, truy hỏi: “Chung tiên sinh là ai thế ạ?”
Kế toán Lâm thở dài: “Thật ra nhắc đến cũng không sao, Đại Tống không cấm cản thư sinh phát ngôn.

Chung tiên sinh tên thật là Chung Nguy, tự Thái Sinh.

Thời tiên đế còn tại vị, ngài giữ chức Tả tướng Chính sự đường, người đời xưng là Chung tướng công.” 
Đường Thận cả kinh.
Quan chế Đại Tống noi theo tiền triều, chia làm tam tỉnh và lục bộ.

Trong đó, Trung Thư tỉnh còn được gọi là Chính Sự Đường chính là tâm phúc của hoàng đế.

Đại Tống lấy bên tả làm trọng, thế nên Tả tướng của Chính Sự Đường xứng đáng là vị trí dưới một người trên vạn người.
Kế toán Lâm nói tiếp: “Khi còn tại vị, Chung tướng công bình giặc Bắc, định rợ Nam, là công thần của Đại Tống.

Chỉ tiếc trong trận chính biến trước cổng hoàng cung hai mươi lăm năm trước, Chung tướng công đã hồ đồ phò trợ thái tử xông vào cung cấm, có ý đồ soán ngôi.

Thái tử bị Thánh thượng hiện giờ bắn chết ngoài cửa cung, Chung tướng công cũng bị bắt sống, nhốt vào thiên lao.”
Đường Thận lập tức hỏi: “Thế ngài ấy với Lương tiên sinh có quan hệ ra sao?”
“Tiểu đông gia chỉ biết Lương đại nhân là một trong thiên hạ tứ nho, nhưng chắc cậu không biết ba vị kia là ai.

Ba vị kia lần lượt là Chung tướng công, Phó tướng công và Trần tướng công.

Mà Chung tướng công có thể coi là đứng đầu tứ nho! Chà, trong bốn người này, chuyện của Trần tướng công tôi không biết.

Nhưng thiên hạ đều hay, Lương đại nhân, cũng chính là thầy của tiểu đông gia ấy, là bạn tri kỉ với Chung tướng công.

Nếu thật như lời tiểu đông gia nói, Lương đại nhân gần đây thường xuyên ghé phủ Kim Lăng vì việc của Chung tướng công, chỉ e là đi dễ về khó, lành ít dữ nhiều.”
Đường Thận suy tư hồi lâu, hỏi: “Vì sao thái tử lại phải soán ngôi?”
Kế toán Lâm cả kinh: “Tiểu đông gia, tuy Đại Tống hậu đãi thư sinh, không giết người có học, cũng cho phép chúng ta luận bài chuyện triều chính, nhưng chuyện nhà đế vương, cậu vẫn chớ nên nhắc đến thì hơn.”
Đường Thận nói: “Bác cũng biết cháu chỉ quan tâm đến tiên sinh, hai bác cháu mình nói kín với nhau thôi ấy mà.”
“Thế thì được.”
Đường Thận: “Thái tử nếu đã là người kế vị thì chuyện ép vua nhường ngôi thật phi lý.

Chẳng lẽ, tiên đế sống thọ quá hay sao?”
Kế toán Lâm: “Lúc tiên đế năm mươi sáu tuổi thì băng hà.”
Đường Thận nhíu mày: “Không già, cũng chẳng trẻ.” Nhưng chẳng đến mức phải tiếm ngôi nhỉ?
Kế toán Lâm: “Tiểu đông gia, tôi chỉ là một tú tài hạng xoàng, nghe người ta bàn tán ở quán trà mới biết được chút ít.

Nếu cậu thật sự muốn tìm hiểu chuyện này, hỏi Lương đại nhân chẳng hơn sao?”
Đường Thận nói: “Tiên sinh gần đây bề bộn ưu phiền, từ khi cháu đỗ án thủ huyện, thầy trò mới gặp nhau hai lần.

Cháu không muốn làm phiền thầy.”
Kế toán Lâm đi rồi, Đường Thận rút một tờ giấy Tuyên Thành, viết vài con tính.
Dựa theo lời kể của Kế toán Lâm, tiên đế băng hà năm năm mươi sáu tuổi, cứ tính du di thì Thái tử tối đa cũng chỉ bốn mươi tuổi.

Nếu tiên đế không có ý định phế Thái tử, Thái tử sẽ không mạo hiểm cướp ngôi.
Trừ khi chuyện soán ngôi là giả, có ẩn tình bên trong.
Đường Thận không biết chân tướng sự việc năm ấy, nhưng cậu tin tưởng Lương tiên sinh.

Nếu Lương tiên sinh đã hết lòng vì Chung tướng công, nhiều lần đi Kim Lăng, lựa chọn tin tưởng Chung tướng công, thì Đường Thận cũng chọn tin rằng Chung tướng công không ép vua thoái vị.
Tuy vậy, bất luận có bí mật gì ẩn giấu sau chuyện này, hậu thế có truyền tai nhau điều gì đi chăng nữa, thì muốn biết chân tướng một sự việc, nên luận xem ai là người có lợi nhất trong việc đó.

Biến cố trước cổng cung, Thái tử mất mạng, hiển nhiên người có lợi nhất là Thánh thượng hiện giờ.

Chung tướng công bị nhốt vào thiên lao, Lương tiên sinh muốn cứu ông ta, chắc chắn là đang chống đối đương kim Thánh thượng – Triệu Phụ.
Triệu Phụ có lẽ nào lại để yên?
Lương tiên sinh không thể thành công được.
Đường Thận thở dài, thắng làm vua, thua làm giặc, chỉ mong Lương tiên sinh sớm giác ngộ chân lí này, đừng để bản thân bị cuốn vào vòng xoáy..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.