Sicily Miền Đất Dữ

Chương 7


Đọc truyện Sicily Miền Đất Dữ – Chương 7

Ông Trùm Croce Malo sinh ra tại làng Villaba, bên một đầm lầy mà ông đã làm cho tươi tốt và nổi tiếng khắp đảo Sicily.

Ở Sicily, chẳng có gì gọi là trớ trêu khi “cha mẹ hiền lành sinh con quỉ sứ”. Ông Trùm sinh ra trong một gia đình đạo ròng. Lúc y còn nhỏ, gia đình tính cho y đi tu làm linh mục kia đấy. Chả thế mà lại đặt tên cho y là Crocefiso (1) – gọi tắt là Croce – một cái tên mà chỉ những gia đình nào sùng đạo lắm mới dùng để đặt cho con. Lúc nhỏ, y là tiểu lễ sinh ở nhà thờ để giúp lễ cho cha cố. Và đến tuần Lễ Thánh (2), nhờ thân thể mảnh khảnh, nét mặt xương xương nhu mì, hiền hậu, nên y đã được chọn để đóng vai Chúa chịu nạn (3).

Nhưng đến tuổi trưởng thành thì rõ ràng là Croce Malo rất khó chấp nhận một uy quyền nào khác ngoài chính y. Y buôn lậu, tống tiền, ăn cướp. Sau cùng, và tệ nhất, y đã tặng cho cô thôn nữ thủ vai Magdalenna (4) trong các lễ kịch Chúa chịu nạn một cái bầu, rồi quất ngựa truy phong. Y nhất định không chịu cưới cô gái kia, lấy cớ là cô ấy đã nhiễm sâu cái vai trò của cô, nên y không thể lấy làm vợ được. Gia đình của cô gái thấy lối giải thích đó nghe khó lọt tai quá, cho nên đã hạ tối hậu thư: một, cưới cô bé; hai, bị thanh toán. Croce Malo quá kiêu hãnh, không chịu cưới cô gái “mang tai tiếng” ấy, nhưng cũng không muốn bị “mần thịt”, bèn dông tuốt lên núi làm ăn cướp. Sau một năm làm nghề dao búa, y đã may mắn tiếp xúc được với các đàn anh trong nghề là tổ chức Mafia.

Mafia là một từ có nguồn gốc Ả Rập có nghĩa là “nơi tôn nghiêm”, “cung thánh”. Từ này nhập vào Sicily khi con cháu tiên tri Mahomet xâm lược đảo này vào thế kỷ thứ 10. Suốt dòng lịch sử, người dân Sicilian bị hết người La Mã đến chế độ dân quyền của Giáo hoàng, rồi đến người phương Bắc, người Pháp, Đức, Tây Ban Nha giày xéo, áp bức, bóc lột tàn nhẫn. Các chính quyền ấy không làm cho người dân Sicilian cái gì khác hơn là nô lệ hoá họ, hãm hiếp vợ con của họ, thủ tiêu các nhà lãnh đạo của họ. Ngay cả những người Sicilian khá giả cũng không thoát được những tai hoạ ấy. Tôn giáo pháp đình kiểu Tây Ban Nha đã vu cáo họ là dị giáo để tước đoạt tài sản của họ. Bởi vậy, Mafia được thành lập như một hội kín để trả thù. Khi nhà vua từ chối can thiệp, không chịu hành động để chống lại bọn quí tộc người Bắc đã hãm hiếp vợ con của họ, thì một nhóm nông dân Sicilian đã giết luôn tên hôn quân nhu nhược đó. Khi bọn cảnh sát dùng nhục hình cassetta (5) để trừng phạt một người Sicilian trộm cắp vặt thì người dân Sicilian tìm cách giết tên cảnh sát trưởng đó, dù tên trộm kia không phải là bà con ruột thịt gì của họ. Dần dần, nông dân và những ngoời nghèo khổ hình thành một tổ chức tự vệ. Và tổ chức này trở thành một chính quyền trong bóng tối. Nhưng người dân nghe theo, trọng nể chánh quyền trong bóng tối này hơn là chính quyền công khai, chính thức, khi giữa đám dân có sự bất hoà với nhau, họ không bao giờ cậy đến cảnh sát hay chính quyền chính thức phân xử giùm, mà nhờ đến thủ lãnh Mafia địa phương đứng làm trung gian hoà giải.

Tội lớn nhất đối với người Sicilian là cung cấp cho chính quyền bất cứ tin tức gì về bất cứ hành động nào của Mafia. Trước bất cứ hành động nào của Mafia, người dân phải tuyệt đối im lặng. Đó là luật omerta. Được thực thi qua bao nhiêu thế kỷ, luật omerta được mở rộng sang cả những trường hợp chính người thân của mình bị Mafia sát hại. Sự bất hợp tác của người dân với chính quyền công khai đã lên tới mức ngay cả những đứa con nít cũng được dạy cho biết không chỉ đường cho một người lạ khi người này hỏi thăm đường đến một làng nào hay nhà của một người nào.

Qua bao thế kỷ Mafia ngầm thống trị đảo Sicily đến nỗi không một chính quyền nào có thể ngăn chặn được quyền lực của Mafia. Cho đến tận thế chiến thứ hai, người dân cũng không bao giờ nói ra miệng cái tên “Mafia”.

Sau năm năm hành nghề dao búa trên núi, Croce Malo được coi như một tay tổ lục lâm, nghĩa là một tay “có nghề”, coi việc cắt cổ mổ bụng, thiên hạ không hơn việc cắt cổ một con gà, một chuyện vặt vãnh không đáng bận tâm. Y cũng được coi là một người “đàng hoàng”, nghĩa là một tay đáng nể, đáng gờm. Sau một vài “dàn xếp”, y an nhiên trở về sống nơi quê nhà ở Villaba, cách thủ phủ Palermo khoảng 40 dặm về phía Nam. Sự “dàn xếp” này bao gồm cả việc trả tiền cho gia đình cô thôn nữ bị hắn tặng cho cái bầu, rồi không chịu cưới, lấy cớ cô này “mang tai mang tiếng” quá. Hành động này được “bốc thơm” như một hành vi nghĩa hiệp của y. Để tránh sự nhục nhã, cô gái ấy đã phải sang Mỹ tha phương cầu thực dưới danh nghĩa một góa phụ trẻ. Bởi vậy – dù là một tên giết người không gớm tay, một tên cướp tàn nhẫn, một tay anh chị của đám “Người anh em” (tên gọi các thành viên của tổ chức Mafia – N.D) – Y – Croce vẫn không tin rằng bấy nhiêu danh hiệu là đã đủ để đảm bảo an toàn cho y trước sự trả thù của gia đình cô gái đã bị y làm nhục. Bởi vì đây là vấn đề danh dự – nếu y không bồi thường – gia đình ấy bắt buộc phải giết y, bất chấp hậu quả ra sao. Nếu không, gia đình ấy không còn mặt mũi nào mà nhìn lại. Vì, không dám trả thù, rửa nhục, ở Sicily này, được coi là một con người đê tiện, hèn mạt đáng khinh.

Bằng cách phối hợp sự hào hiệp với sự quỉ quyệt, Croce Malo đã được coi như một Ông Trùm. Dù chỉ mới vào khoảng tứ tuần mà y đã được coi là “Người anh em” có uy tín và uy thế đến nỗi được mời đến để phân giải những tranh chấp rất tế nhị và gay cấn có thể đưa đến những thanh toán giữa hai hay nhiều sếp Mafia khác. Là một con người vừa lý sự, vừa khéo léo, như thể bẩm sinh đã là nhà ngoại giao có tài, y được đám Mafia ở Sicily tôn là “Ông Trùm hoà giải”. Nhưng, quan trọng hơn hết vẫn là cái tài giết người của y: giết bất cứ ai khi thấy cần, giết rất “ngọt” tay, bình tĩnh, lạnh lùng và không hề áy náy, xót thương.

Dưới “triều” của y, đám Mafia làm ăn phất lên như diều. Những tên cứng đầu cứng cổ cách mấy cũng nhũn như con chi chi, nếu không được thì được “hoá kiếp” hết. Ông Trùm Croce ngày càng giàu có. Ngay cả em trai của y – cha Benjamino Croce – tuy là bí thư chánh văn phòng toà Hồng y giáo chủ của Palermo, nhưng bàn tay của cha nhúng vào máu người ta nhiều hơn là nhúng vào nước thánh, trung thành với Đức Hồng y giáo chủ thì ít, mà với ông anh ruột dao búa thì nhiều.

Ông Trùm lấy vợ và có được một mụn con trai mà y cưng còn hơn trứng mỏng, đến độ tôn thờ “ông” con trai. Lúc đó, y chưa đạt đến trình độ siêu đẳng, và cáo già như sau này và cũng chưa bị các đối thủ chơi cho đòn nào đích đáng nên vẫn còn “bình” lắm, do đó y đã tính chơi một vố liều mạng. Nhưng, thời đó y nổi danh như cồn, không chỉ trên khắp đảo Sicily mà còn chấn động đến cả giới cầm quyền chóp bu ở Rome. Vố đó bắt nguồn từ một sự việc cũng rất tầm thường – một bất hoà nho nhỏ trong gia đình – mà, ngay cả những nhân vật tai to mặt lớn trong lịch sử cũng đành phải chịu.

Số là, với cái địa vị “Chúa Trùm” (Caph di capi: sếp của các sếp – N.D) trong đám anh chị Mafia, Don Croce tuy xuất thân bần hàn nhưng đã “vồ” được một em thuộc gia đình danh gia vọng tộc. Thật ra cái “vọng tộc” mà gia đình này có được chẳng phải vì tổ tiên năm đời mười đời của họ là ông hoàng bà chúa gì, mà là nhờ đã bỏ ra một món tiền lớn, nên đã biến máu đỏ thành “máu xanh” (6) chỉ ít lâu sau ngày cưới, cô vợ đâm ra ngủng nghỉnh, ỷ vào cái máu xanh “mua” của mình, cô nàng tỏ ra coi thường y, chê y đủ thứ, nào là gốc gác bần tiện quê mùa, nào là nói năng không tao nhã, mở miệng ra thì cứ như là đấm vào tai người ta, nào là chỉ quen giao thiệp với phường đầu trộm đuôi cướp, chỉ quen ra lệnh cho bọn đầu trâu mặt ngựa, nên không có những cử chỉ thanh lịch, không biết nịnh đầm. v.v. và v.v… Cô “tiểu thư vôi” ấy nhớ lại cái ngày mà những tay hào hoa phong nhã đã từng đeo đuổi mình phải dạt ra vì Ông Trùm tuyên bố xin cưới nàng. Nàng cứ tưởng như mình là nàng công chúa Bạch Tuyết, nhưng không có bảy chú lùn, mà chỉ có một bầy sát nhân ăn cướp bao quanh. Ông Trùm biết, cay lắm, nhưng không làm gì được. Vì, tuy chê bai vậy, nàng đâu có dại gì mà ra mặt rẻ rúng y. Đây là Sicily, chớ đâu phải là Paris hay Luân Đôn mà bảo là đàn ông không được đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một bông hoa. Và đàn ông Sicilian cũng không có cái kiểu nịnh đầm như mấy thằng cha hiệp sĩ dỏm chốn đế đô. Bởi vậy, y quyết định phải làm một cái gì đó khiến cho con mụ đỏng đảnh này phải biết oai để rồi kính sợ, luỵ phục cho đến trót đời đặng y còn rảnh trí mà chuyên tâm vào lo công việc làm ăn chớ. Ngày đêm, y cố vắt óc tìm cách giải quyết vấn đề. Và cái bộ óc quái quỉ của y đã giúp y đề ra được một kế hoạch “thần sầu” mà đến tổ sư bồ đề Machiavel (7) sống lại cũng phải chào thua.


Có tin đức vua sắp tuần du phương nam để xem thần dân Sicilian của ngài trung thành và tôn kích ngài đến mức nào. Tất cả mọi người dân ở Sicily đều ghét thậm tệ nhà cầm quyền ở Rome và đều sợ Mafia. Nhưng họ lại rất tôn kính đức vua vì ngài luôn mở rộng hoàng tộc bằng các liên hệ máu mủ, bằng các cuộc hôn nhân và nhận làm “bố đỡ đầu”. Và cũng giống như những người dân Sicilian, ngài được tiếng là kính sợ Chúa và sùng kính Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Mary.

Đảo Sicily tưng bừng tổ chức lễ nghênh đón đức vua. Chủ nhật đầu tiên khi đặt chân đến Sicily, đức vua dự lễ Missa tại nhà thờ chánh toà Palermo. Sau lễ Missa, sẽ có lễ báp-têm (8) cho công tử Ollorto là hoàng thân Ollorto, một danh gia vọng tộc lâu đời ở Sicily. Thật ra, đức vua đã từng đỡ đầu cho vô số con vua cháu chúa khác và cũng đã đỡ đầu cho cả hàng trăm đứa trẻ con của các ngài thống chế, quận công, hầu tước…. và cả con của các ngài tai to mặt lớn trong chính quyền phát – xít của Mussolini. Đó là một thủ đoạn chính trị nhằm liên kết chặt chẽ vương triều với chính quyền hành pháp. Khi được nhà vua nhận đỡ đầu thì cậu công tử vương tôn đó đương nhiên trở thành “Hiệp sĩ của Hoàng gia”, có giấy tờ chứng thực đàng hoàng.

Về mặt vật chất cụ thể thì được đức vua ban cho một cái cúp bằng bạc.

Ông Trùm sẵn sàng hành động hớt tay trên hoàng thân Ollorto. Hôm đó, y đã cài vào buổi lễ tới 300 “tay em”. Em ruột của y – cha Benjamino Croce – hôm đó cũng là giáo sĩ trợ tế cho đức ngài Hồng y giáo chủ Palermo chủ tế.

Theo nghi thức thì lễ báp-têm bao giờ cũng bắt đầu từ ngoài cửa nhà thờ. Vì lúc chưa làm báp têm – thì chưa phải là con Chúa. Và giếng nước để làm báp – têm bao giờ cũng ở cuối nhà thờ, ngay chỗ cửa ra vào.

Sau lễ Missa trong nhà thờ, hoàng thân Ollorto hãnh diện bước ra cửa nhà thờ – tay ôm cậu công tử còn nhỏ xíu. Đám đông đứng ngoài hoan hô ầm trời, vì hoàng thân Ollorto – một người mảnh khảnh, đẹp trai – là một quí tộc ít bị dân Sicilian ghét nhất. Đúng lúc hoàng thân bước ra khỏi cửa nhà thờ thì mấy trăm “tay em” của Ông Trùm ùa vào, chặn lối ra của đức vua, bao vây và cô lập ngài khỏi giáo sĩ cử hành lễ báp – têm là Hồng y giáo chủ Palermo.

Đức vua là người có vóc dáng thấp bé với bộ râu rậm hơn mái tóc. Ngài vận binh phục kỵ binh với dây chiến thắng chằng chịt và huân chương kín ngực, xuống đến tận gần rốn, khiến ngài trông như một thằng lính chì, đồ chơi của con nít. Bề ngoài coi ngài oai vệ vậy, chứ thật ra tâm địa của ngài rất dịu dàng, nhân hậu. Bởi vậy, khi cha Benjamino giúi vào tay ngài một cái bọc có đứa con nít đỏ hỏn, thì ngài chưng hửng mất chút xíu, chứ không có cự nự gì. Cha Benjanmino vội vã đổ nước thánh lên đầu đứa nhỏ, quơ quào qua quít vài dấu thánh giá, lẩm bẩm ba xí ba tú dăm ba câu kinh, thế là xong và ẵm đứa bé từ tay đức vua trao cho Ông Trùm ăn cướp của đảo Sicily, trở thành “Hiệp sĩ của Hoàng gia”. Khóc vì cảm động và sướng quá, mụ vợ của Ông Trùm quì sụp trước mặt đức vua, tạ ơn đức vua đã nhận là “bố đỡ đầu” cho con trai mụ. Mụ chẳng ao ước gì hơn – vì tuy là cũng “máu xanh” đấy, nhưng là máu xanh “mua” – nên chẳng bao giờ mụ dám mơ tưởng một hạnh phúc bất ngờ mà lại quá lớn, quá cả sức tưởng tượng của mụ như vậy.

Ông Trùm Croce ngày càng phát tướng ra. Cái mặt xương xương của lão bây giờ sệ ra. Hai gò má rung rinh, nung núc như hai tảng thịt mông ốp vào đó. Mũi của lão trở thành một cái mỏ bự, một cái “ăng – ten” thu phát quyền lực. Mái tóc xoăn, cứng như dây kẽm gai đã ngả màu muối tiêu. Bụng phệ ra một cách oai vệ. Mắt híp lại và lúc nào cũng láo liên, loé lên những tia chớp, phóng ra những cái nhìn vừa sắc, vừa nham hiểm, độc ác. Cùng với tuổi tác, quyền lực của lão cũng tăng lên, đến cái mức trở thành một tượng đài bất khả xâm phạm. Dường như lão không có những nhược điểm mà mọi người không nhiều thì ít đều có; không khi nào lão tỏ ra giận dữ, không khi nào tỏ ra tham lam, lão tỏ ra niềm nở, lịch sự một cách khó tính toán, trìu mến một cách máy móc, vô hồn và đặc biệt không bao giờ có lòng yêu thương, trắc ẩn với một ai. Lão ý thức rất rõ hậu quả nặng nề và tình trạng nguy hiểm thường xuyên của lão, thêm vào đó, rất đa nghi, nhưng dù nằm trên giường với vợ, chớ hề bao giờ lão hé răng chia sẻ với vợ nỗi lo sợ của lão.

Lão đúng là ông vua không ngai của đảo Sicily. Nhưng, đứa con trai độc nhất của lão – vị “Hiệp sĩ của Hoàng gia”, kẻ nối nghiệp lão – lại là nỗi thất vọng ê chề. Không phải vì kẻ thừa kế này ngu si, đần độn gì, mà chỉ vì nó thấm nhiễm đến mức bệnh hoạn cái lý tưởng tôn giáo. Đến nỗi, nó mò sang tận nước Brasil – trong khi Rome là trung tâm của công giáo – để tầm sư học đạo, rồi lặn lội vào tận trong rừng sâu Amazon để truyền giáo cho mấy thằng mọi ở truồng. Thế có đau cho lão không chứ. Lão lấy làm xấu hổ về điều này lắm và chẳng bao giờ nhắc đến dù chỉ là cái tên, thằng con ngu dại đó.

Mussolini lên nắm chính quyền. Ông Trùm không thấy có gì đáng lo ngại lắm. Lão đã quan sát rất kỹ “cái thằng hề mị dân” đó và đi đến kết luận đại khái như thế này:


“Thằng ấy đếch có đởm lược mà cũng chẳng sâu hiểm gì, chỉ được cái bẻm mép. Một thằng như vậy mà còn leo lên được chóp bu quyền hành ở cái nước Ý này, thì tao thừa sức làm vua không ngai ở cái đất Sicily này!”

Nhưng, rồi tai hoạ giáng xuống. Mãi mấy năm sau khi nắm và củng cố xong địa vị, Missolini mới có thì giờ đưa đôi mắt hiểm độc của hắn chiếu cố đến đảo Sicily và mấy “Người anh em”. Hắn khẳng định Mafia là một tổ chức tội ác kinh khủng. Nhưng, nếu chỉ như vậy thôi thì chắc cũng không sao. Cái mà Mussolini không thể tha thứ cho Mafia là tổ chức này, dù núp trong bóng tối, nhưng đã thực sự kiểm soát và giới hạn phần nào quyền lực của hắn trong đế quốc của hắn. Hắn cũng thừa nhận là trong suốt dòng lịch sử, Mafia đã chống lại bất cứ thứ quyền hành nào ở Rome. Tất cả các nhà cai trị ở Sicily trong hàng ngàn năm qua đã trổ đủ thứ ngón nghề, mánh khoé để nắm lấy quyền hành cai trị thực sự ở Sicily mà vẫn không làm nổi. Húc đầu vào Mafia như húc đầu vào đá. Nhưng, nhà độc tài này đã thề rằng “sẽ quất cho bọn Mafia gục luôn, gục vĩnh viễn”. Chính quyền phát xít đâu có thèm coi định chế thủ tục dân chủ ra cái cóc khô gì. Nó sẵn sàng, bằng mọi cách, làm bất cứ việc gì, miễn là đạt được mục đích của mình. Cái được mệnh danh một cách lừa bịp là “lợi ích quốc gia”. Nghĩa là, nó cũng xài những biện pháp của chính Ông Trùm, có phần còn bạo hơn nữa là khác.

Mussolini đã đặc phái và trao quyền cho Caesare Mori, một tay chân tín cẩn nhất của hắn làm thống đốc toàn quyền đảo Sicily. Mori bắt tay vào việc bằng cách trước hết là dẹp cái hệ thống toà án, pháp lý ở Sicily, dẹp luôn cả cái lực lượng bán quân sự gồm toàn người địa phương Sicilian và đưa quân đội từ miền Bắc nước Ý tới. Và bằng đạo quân này, Mori đã cho dân Sicilian tắm máu. Y bắt giữ và lưu đày cả làng, già, trẻ, lớn, bé tuốt luốt, nếu bị nghi là dính dáng xa gần với Mafia.

Trước khi có chế độ độc tài của Mussolini, nước Ý Thiên Chúa giáo không có án phạt tử hình, Điều đó gây trở ngại không ít cho việc chống lại Mafia, vì các tên Mafia ác ôn côn đồ khét tiếng lẽ ra bị tử hình, nhưng vì không có án tử hình nên chỉ bị tù chung thân. Tuy nhiên chỉ ở tù được ít lâu thì hoặc được đồng bọn tổ chức phá ngục giải cứu, hoặc “vượt ngục” một cách rất đáng nghi ngờ. Tổ chức Mafia lại coi cái án tử hình như một biện pháp chủ yếu. Nhưng với Mori thì khác. Những tên Mafia gan lì – dù bị tra tấn bằng hình phạt casetta mà vẫn không khai – thì “đọp” liền. Những kẻ được coi là a tòng, đồng đảng, âm mưu… đều bị đem đi đày ở một hoang đảo trong Địa Trung Hải và bỏ đó ở đó “cho mềm xương”. Chỉ trong một năm, đảo Sicily tả tơi, tổ chức Mafia manh mún, không còn là một lực lượng cai trị nữa. Chính quyền Rome coi như đánh lộn sòng hàng chục ngàn người dân vô tội bị “đọp”, bị bắt bớ, tra tấn, tù đày oan với bọn Mafia chính hiệu.

Ông Trùm Croce lại khoái cái trò chơi dân chủ với cái lối cai trị màu mè nhân đạo. Do đó, lão rất tức giận trước những hành động bạo ngược. Các chiến hữu của lão bị “đọp”, bị kìm kẹp, bị tra tấn, tù đày, còn lão, tuy không nhởn nhơ, nhưng vẫn sống. Lão vẫn chép miệng than thầm: “Tụi nó ngu quá, lộ liễu quá, ăn vụng mà đếch biết chùi mép”. Nhiều đứa bị tù mà chẳng được đưa ra toà xét xử – toà đã bị dẹp sạch rồi còn đâu – chỉ vì chính quyền của Mori chỉ cần nghe tin đồn thì cũng đã làm tới rồi. Những bọn vô lại làm chỉ điểm mà các chiến hữu không dò ra manh mối bọn này để mà diết, thì “đứt bóng” là đáng rồi. Đối với bọn phát – xít thì toà án làm gì cho thêm tốn công, tốn của, mà lại rách việc ra. Chúng đẩy lùi lịch sử trở lại cái thời tôn giáo pháp đình, cái thời quyền năng thiên định của các bạo vương chuyên chế. Ông Trùm tuy chẳng hề tin tưởng tí ti nào vào cái gọi là dân chủ – bất kể dân chủ kiểu nào – nhưng dứt khoát, lão cũng không tin vào quyền năng thiên định. Lão còn dám quả quyết rằng chẳng ai có lý trí lành mạnh mà lại đi tin vào cái quyền năng thiên định ấy, trừ khi bị tứ mã phanh thây.

Tệ hơn nữa, bọn phát – xít lại xài cái hình phạt “tắm nắng” – tức là hình phạt cassetta – khiến cho nhiều, rất nhiều tên Mafia gan lì cũng đành phải phun hết các bí mật ra. Ông Trùm đã khoe một cách căm phẫn rằng ông không bao giờ thèm xài cái hình phạt lạc hậu và dã man ấy. Nếu cần phải giết người nào theo ý Ông Trùm – thì cũng nên cho người ấy “đi” một cách mau lẹ mát mẻ, không nên hành hạ đau đớn thể xác người ta. Đấy, “chủ nghĩa nhân đạo” của Ông Trùm đấy. Theo ông thì cứ “đọp”. Giết là đủ. Cứ giết là khối đứa sợ.

Trong lúc Mori tung ra cuộc khủng bố trắng các Mafioso(9), thì giống như một loại cá mập lặn sâu dưới bùn – Ông Trùm cũng mai danh ẩn tích. Lão không đi lưu vong nước ngoài, mà chỉ chuồn vào một tu viện dòng khổ tu Phranxixcô – dưới sự che chở của cha bề trên Manfredi. Từ lâu hai người đã có quan hệ mật thiết và thân hữu. Khi bắt đầu làm ăn theo kiểu bắt cóc đòi tiền chuộc – mặc dầu rất tự hào về sự mù chữ của mình, vì nhu cầu, Ông Trùm đã phải mướn một tay “văn chương chữ nghĩa bề bề” là cha bề trên Manfredi để viết những bức thư tống tiền. Hai người tỏ ra rất thân thiện và rất tương đắc ở chỗ cả hai cùng có “tam khoái”: một là phá trinh con gái, hai là uống rượu nho thượng hảo hạng, ba là tổ chức trộm cướp một cách tinh vi. Ông Trùm thường mời cha bề trên cùng lão vi hành sang Thuỵ Sĩ chữa bệnh, đồng thời thưởng thức “mùi đời” ở cái xứ sở xinh đẹp và hiền hoà ấy. Một sự nghỉ ngơi hợp lý và cần thiết cũng như là một phần thưởng phải có sau những tính toán căng thẳng của những vụ “làm ăn” nguy hiểm. Vả lại, ở Thuỵ Sĩ thì kín đáo hơn ở Palermo hay ở lục địa Ý.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Mussolini không còn đủ tâm trí và thời gian để “chăm sóc” đảo Sicily nữa. Ông Trùm lập tức nắm lấy thời cơ: đặt lại các đường dây liên lạc với các chiến hữu may mắn lọt lưới của Mori, báo những tin lạc quan cho những “Người anh em” trung kiên đang bị đày ngoài hoang đảo, tỏ tình hữu nghị với các “sếp” Mafia còn bị giam trong tù, cổ vũ bọn này kiên trì chịu đựng ít lâu đợi ngày ca khúc khải hoàn.

Ông Trùm biết rằng hy vọng độc nhất và tối hậu của lão là sự thắng trận của quân đội đồng minh Tây Âu. Bởi vậy, lão dồn hết nghị lực vào mục đích ấy, chớ chẳng phải lão thân Mỹ hay xót thương gì đám dân Sicilian đang rên xiết trong kìm kẹp của Mori và chế độ phát – xít. Lão tiếp xúc với các nhóm kháng chiến, ra lệnh cho lâu la của lão giúp đỡ các phi công quân đồng minh bị bắn rơi và nhảy dù sống sót. Chính trong những giờ phút quyết liệt ấy, Ông Trùm chuẩn bị kế hoạch hậu chiến của mình.


Tháng 7 năm 1943, quân đội Mỹ đã chiếm được đảo Sicily làm đầu cầu để đổ bộ lên vùng Nam Tây Âu. Ông Trùm đã rộng tay giúp đỡ. Trong quân đội Mỹ thiếu gì con em người Sicilian di cư sang Mỹ làm ăn? Chẳng lẽ người Sicilian lại đi chống lại người Sicilian đặng bảo vệ quyền lợi của bọn Đức quốc xã? Ông Trùm xúi giục hàng ngàn lính của Mussolini đào ngũ và trốn vào một nơi mà Mafia đã chuẩn bị cho họ. Bản thân lão móc nối với nhân viên mật vụ Mỹ và dẫn đường cho quân đội Mỹ qua các khe núi để đánh thọc vào sườn binh đoàn trọng pháp của liên đoàn Đức – Ý. Trong khi quân đội Anh đổ bộ bờ phía đông đảo Sicily bị tổn thất nặng nề và tiến quân rất chậm, thì ở bờ phía Tây quân Mỹ đã hoàn thành phần đầu kế hoạch với tổn thất không đáng kể.

Chính bản thân Ông Trùm – lúc này đã gần 65 tuổi và đã sồ sề lắm rồi – dẫn một toán dân quân gồm toàn các “tay em” vào tân Palermo bắt cóc viên tướng Đức, tư lệnh lực lượng phòng ngự của Đức và giấu viên tướng tù binh này ngay tại Palermo cho đến khi quân đội Mỹ tiến vào thủ phủ này. Bộ tư lệnh tối cao quân đội Mỹ tại Nam Tây Âu thông báo cho Ông Trùm biết là họ đã báo công của lão với Washington dưới danh nghĩa “Mafia tướng quân”, và những tháng tiếp theo, Ông Trùm cũng được các sĩ quan tham mưu của Mỹ biết dưới danh hiệu đó.

Thống đốc quân quản Mỹ ở Sicily lúc đó là đại tá Alfonso La Ponto. Là một chính trị gia có thế ở New Jersey, ông ta đã được sự uỷ thác đặc biệt và trực tiếp của Wasshington. Ông ta cũng được huấn luyện để đảm nhận chức vụ đặc biệt này. Tài năng lớn nhất của ông ta là tánh lịch thiệp. Và ông ta đã biết vận dụng tài năng này vào các cuộc thương lượng chính trị. Các sĩ quan tham mưu trong guồng máy quân quản Mỹ cũng được lựa chọn kỹ cho phù hợp với vai trò này. Bộ tham mưu gồm hai mươi sĩ quan và năm mươi hạ sĩ quan và binh lính. Phần lớn bọn này là người Mỹ gốc Ý. Ông Trùm đã đối với bọn này hết sức thân tình, cứ như anh em ruột thịt, luôn tỏ ra bao dung, trìu mến. Đã thế, lão còn tỏ ra “tứ hải giai huynh đệ” vì “tất cả anh em mình đều là con cái Chúa cả”.

Nhưng Ông Trùm – theo cách gọi của người Mỹ – cũng là một nhà thầu. Đại tá La Ponto đã coi ông là cố vấn và là ông bạn hào phóng. Đại tá thường đến nhà lão dùng cơm và nức nở khen những món ăn ở nhà lão.

Vấn đề đầu tiên mà Thống đốc quân quản Mỹ phải giải quyết là chỉ định các thị trưởng cho các thị trấn trên toàn đảo Sicily. Các cựu thị trưởng dưới chế độ phát – xít của Mussolini tất nhiên phải là đảng viên phát – xít và do đó phải nếm cơm tù của Mỹ. Ông Trùm gợi ý ngài đại tá bổ nhiệm các sếp Mafia vào các chức vụ ấy. Và đó là cách Ông Trùm thi ân bố đức cho các sếp này đồng thời biến các sếp này thành tay “đệ tử” của mình. Thành tích hiển nhiên nhất của bọn này là cái “mác” nạn nhân của Mussolini, đã bị hành hạ, tù đày vì đã “phản nghịch, chống lại các mục tiêu và lợi ích của nhà nước phát – xít”. Còn những tội như cướp của giết người của bọn này, theo Ông Trùm báo cáo cho ngài La Ponto, chỉ là do bọn phát – xít chụp mũ, để làm nhục các sếp Mafia mà thôi…. Ông Trùm thường khoe món cá tuyệt hảo do đích thân vợ lão nấu, ngoài ra lão còn kể cho ngài đại tá và bộ tham mưu của ông ta nhiều đức tính cao cả, quí báu của những “Người anh em” của lão – thực ra gồm toàn một lũ sát nhân, đầu trộm đuôi cướp – trong đó cao quý nhất và sắc nét nhất là niềm tin của lũ này vào những nguyên tắc dân chủ, tự do, công lý. Ngài đại tá mừng rơn vì nhờ Ông Trùm mà ngài đã mau mắn tìm ra những con người đúng tiêu chuẩn để cai trị một dân tộc văn minh dưới sự lãnh đạo của ngài. Chỉ trong vòng một tháng hầu hết các thị trấn đã có thị trưởng. Tất cả các thị trưởng đều là những tay Mafioso trung kiên vừa được đem từ nhà tù phát – xít ra và đều được Ông trùm xác minh lý lịch và bảo lãnh là Mafioso thứ thiệt.

Bọn thị trưởng này cũng phục vụ tận tình và đắc lực cho quân đội Mỹ. Chẳng thế mà chỉ với một dúm sĩ quan và lính Mỹ mà cũng đủ để trị an cả hòn đảo Sicily rộng lớn. Chiến tranh vãn còn tiếp diễn và ngay trên đất , Mussolini vẫn còn ngự trị. Ấy thế mà chỉ với một dúm sĩ quan và lính Mỹ mà các điệp viên của Đức và Ý đành bó tay, trên đảo không hề xảy ra một vụ phá hoại nào, không một tên gián điệp nào dám hó hé. Chợ đỏ đen được giới hạn ở mức tối thiểu. Để tuyên dương thành tích ấy, Washington đã ban cho ngài đại tá huân chương đặc biệt và vinh thăng thiếu tướng.

Các thị trưởng Mafia của Ông Trùm đã tận tình, tận lực thực thi đạo luật cấm buôn lậu. Các toán cảnh vệ tuần tiễu ngày đêm, gắt gao lùng sục từ đường phố lớn cho đến ngõ hẻm, từ miền quê cho đến khe núi khuất nẻo. Tuy dưới sự cai quản của quân đội Mỹ, nhưng chế độ khẩu phần lương thực của chế độ phát – xít đặt ra do nhu cầu chiến tranh vẫn còn được áp dụng. Mọi sự vẫn như xưa, nghĩa là nhà nước vẫn thu mua lương thực của nông dân theo giá do nhà nước ấn định. Ông Trùm ra lệnh cho các thị trưởng, bọn cớm, cảnh vệ và các thanh tra nhà nước phải làm thế nào để những tên nông dân đầu bò đầu bướu phải đưa nông sản và dầu ôliu đến bán cho các kho nhà nước theo giá ấn định. Để bảo đảm việc này, Ông Trùm yêu cầu và được ngài đại tá La Ponto hoan hỉ chấp thuận cho lão mướn những xe tải của quân đội Mỹ để chở những lương thực ấy đến thủ phủ Palermo cũng như các thành phố, thị trấn khác như Monreale, Trapani, Syracuse, Catania và thậm chí cho cả thành phố Naples trên lục địa đang bị thiếu lương thực trầm trọng. Người Mỹ kinh ngạc trước tài năng tổ chức và sự hữu hiệu của Ông Trùm và đã không tiếc ban khen về việc lão đã hỗ trợ quân đội Mỹ hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp quá cả sự mong muốn.

Tuy nhiên, Ông Trùm đâu có ăn được những cái bằng khen đó. Và cũng chẳng đọc được những lời lẽ tâng bốc trong cái bằng khen đó. Bởi một lẽ đơn giản là ngay chữ Ý mà lão đã “mù” rồi, nói gì đến tiếng Mỹ! Và những cái vỗ vai khen ngợi của ngài đại tá cũng chẳng làm no được cái bụng phệ của lão. Đâu có ngây thơ đến nỗi tin vào lòng biết ơn của đám con cháu chú Sam này, hoặc tin vào những ân sủng chúa ban cho sau này trên cõi thiên đường để tưởng thưởng cho những việc lành lão đã làm “vì lòng nhân đạo và vì sùng thượng tinh thần dân chủ”. Tất nhiên, lão không chê phần thưởng – bất cứ là do ai ban cho – nhưng phải ban thưởng theo kiểu của lão, và thưởng những món lão chịu kia. Mà lão có muốn “gan rồng đào tiên” đâu. Cái lão muốn, khiêm nhường và tầm thường lắm – thì cũng chỉ là nông phẩm, là dầu ôliu thôi. Bởi vậy, những xe tải của Mỹ chở đầy cứng lương thực – với tài xế có võ trang và giấy thông thành đặc biệt do chính ngài đại tá La Ponto ký – lại chạy về những địa điểm, nhập vào những kho do chính Ông Trùm chỉ định tại những thị trấn xa xôi, hẻo lánh như Montelepro, Partinico, Villaba chẳng hạn, từ đó Ông Trùm và đồng bọn tung ra bán giá cao gấp 50 lần giá chính thức trên thị trường chợ đen mà lão nắm độc quyền. Nhờ đó, lão gắn chặt được mối liên hệ và chia sớt mối lợi của lão cho các sếp đầy quyền lực của cái tổ chức Mafia đang hồi sinh. Chẳng phải lão thương xót hoặc quí hoá hay sợ sệt gì mấy sếp này mà vì các triết lý sống của lão là sự tham lam là cái hại lớn nhất và chắc chắn nhất đưa đến sự thất bại của con người.

Lão chia sẻ mối lợi cho đám đàn em cũng rất thoải mái. Lão còn có cơ hội khác nữa để bày tỏ sự hào phóng của lão. Ngài đại tá La Ponto nhận được nhiều món quà rất vô hại về mặt pháp lý, nhưng lại rất nặng về mặt tài chính, đồng thời lại được biểu lộ khát vọng cao quí của con người là lòng khát khao cái đẹp. Đó là những bức tượng cổ, tranh cổ, và nữ trang cổ. Cho là một trong những cái thú của lão. Các sĩ quan, nhất là bọn lính trơn đối với lão, thôi thì cứ “bố bố, con con” ngậu sị cả lên. Và chúng chẳng bao giờ chê những món quà mà lão tặng cho. Do đó, lão cũng được chúng dành cho lão quyền “ưu tiên hành quân” nghĩa là ưu tiên số một. Những xe tải chở hàng cho lão là những xe tốt nhất hoặc được sửa chữa cẩn thận nhất. Ông Trùm còn bố trí cho chúng được đi dự những bữa tiệc, ở đó chúng được cặp kè với những cô gái Sicilian mơn mởn với con mắt bốc lửa dục tình và với trái tim nóng bỏng là một trong những “đặc sản” của Sicily. Phần lớn bọn này đều có gốc gác Sicilian. Được đón tiếp trong những gia đình Sicilian “thuần chủng”, được ăn những món ăn mà ông bà già ruột của chúng ở bên Mỹ – tuy cũng gốc gác Sicilian đấy, nhưng vì tha phương cầu thực đã lâu hoặc vì lý do nào đó – đã quên mất cách nấu rồi. Nhiều đứa còn thề non hẹn biển với các ả giang hồ hoặc ái nữ của các trùm ăn cướp, giết người, đâm thuê, chém mướn.

Ông Trùm đã có đủ mọi điều kiện trong tay để tái lập cái giang san của lão, để tổ chức lại mạng lưới quyền lực của lão và để tái thu hoạch các nguồn lợi trước kia lão đã hưởng. Các sếp Mafia trên khắp đảo Sicily đều là người mang ơn lão. Có làm được thị trưởng thì cũng do lão “vẽ mặt, đeo râu” cho, chớ ngoài cái tài đao búa ra thì lũ ấy, một chữ bẻ đôi cũng không biết, bình thường làm sao mà leo lên được cái chức thị trưởng vừa oai quyền mà lại vừa nhiều bổng lộc béo bở kia.

Lão kiểm soát tất cả các nguồn nước trên đảo và bán lại cho dân với giá cắt cổ. Bấy nhiêu đó cũng đã bộn bạc rồi. Lão còn chiếm độc quyền thị trường lương thực, lão nâng thuế đánh vào các tiệm trái cây, vào tất cả các lò sát sinh và các cửa hàng thịt, các tiệm cà – phê thường và cà – phê “ôm” và ngay cả mấy phường kèn đám ma cũng được lão để mắt tới. Ngay cả xăng dầu – do một nguồn độc nhứt là Mỹ – lão cũng độc quyền kiểm soát. Lão cung cấp cặp rằng cho các lãnh địa rộng lớn của các quí tộc và thỉnh thoảng – rẻ thì mua chơi – mua lại đất của các chủ đất có cơ phá sản. Với bấy nhiêu thứ quan tâm, thế mà lão vẫn còn đủ thời gian và tâm trí để phác hoạ kế hoạch tái lập cái “quyền lực đen”, quyền lực trong bóng tối trên toàn cõi nước Ý mà lão đã từng nắm giữa trước khi Musolini lên nắm chính quyền. Lão quyết định phải giàu, mạnh trở lại. Vì dưới thời Missolini, lão gần như trắng tay về cả tài sản lẫn quyền lực. Trong những năm sắp tới – như người ta nói – lão sẽ đặt Sicily vào cái máy ép như trái ôliu.

Chỉ có một điều là cho lão buồn phiền lắm mà không làm sao giải quyết được. Đó là thằng con trai độc nhất của lão. Cái thằng điên khùng lẽ ra theo lão mà học tập “làm ăn” đặng mai sau nối nghiệp lão thì không lo, mà cứ lo “làm việc phúc đức”. Cái cơ nghiệp đồ sộ này để cho ai đây. Ông em trai của lão – cha Benjamino – con rơi con vãi thì cả bầy đó, nhưng không được phép lập gia đình chính thức thì cũng như không. Ông Trùm không có một người nào ruột thịt máu mủ để truyền nghề và trao lại cái đế quốc của lão. Điểm lại mặt các sếp sòng Mafia hiện tại thì không có mặt nào vừa có bản lãnh lại vừa có liên hệ huyết tộc, xa gần gì cũng được, và còn trẻ để trước mắt làm cái “quả đấm sắt” một khi bàn tay bọc nhung của lão tỏ ra không đủ sức thuyết phục.


Người thân tín của Ông Trùm đã “chấm” Turi Guiliano vào vai trò đó. Tuy không phải huyết thống, nhưng chính ông em trai của ông và cả cha bề trên Manfredi cũng khẳng định với lão về năng lực và bản lãnh của hắn. Càng ngày càng có nhiều huyền thoại lan rộng trên khắp đảo Sicily về những việc làm táo bạo đến mức tưởng như thần thoại của anh chàng này, thì đủ biết rằng nhận xét của cha Benjamino và cha bề trên là “con mắt tinh đời”.

Ông Trùm đã đánh hơi được giải pháp cho vấn đề của mình.

… ….

(1) Nguyên văn tiếng Ý và có nghĩa là cây thập tự.

(2) Tuần lễ trước ngày lễ Phục Sinh.

(3) Trong tuần lễ Thánh, các nhà thờ thường tổ chức các buổi lễ kịch diễn lại tấn bi kịch Chúa Jesus bị bắt, bị đưa ra toà, bị tra tấn trước khi “bị đóng đinh trên cây thập tự”. Và y đã được hoan nghênh hết sức vì nhập vai rất có “thần”.

(4) Magdalena nguyên là một cô gái điếm, nhưng có lòng ăn năn sám hối nên được Chúa tha tội. Khi Chúa bị nạn, bị đóng đinh, Magdalena đã theo Chúa đến tận nơi Chúa bị hành hình và sau ba ngày Chúa chết, Magdalena là một trong những người đầu tiên phát hiện Chúa đã Phục Sinh (N.D)

(5) Cassetta: hình phạt đại khái như nhốt một người vào trong một thùng thiếc nhỏ, rồi đem ra phơi nắng.

(6) Máu xanh (blue blood): người âu vẫn gọi một cách chế giễu giai cấp quí tộc (high birth or high descent là có “máu xanh”. (N.D)

(7) Machiavel: tác giả cuốn “Ông Hoàng” trong đó đề cập đến các thủ đoạn bá đạo mà các nhà cầm quyền nên áp dụng để chiếm đoạt củng cố và nắm vững chính quyền. Các thủ đoạn ấy vô cùng quỉ quyệt thâm hiểm, bất nhân và tàn bạo. (N.D)

(8) Lễ báp têm: lễ rửa tội

(9) Mafioso: thành viên của tổ chức Mafia – N.D


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.