Bạn đang đọc Sherlock Holmes Mất Tích – Chương 17: Thành Phố Của Các Vị Thần
Chúng tôi đến Lhassa vào lúc sẩm tối ngày 17 tháng Năm năm 1892. Vừa rẽ vào khúc của cuối cùng trên con đường hành hương từ Glyangtse, chúng tôi đã thấy sừng sững trước mắt mình là cung điện vĩ đại Potala như đang lấp lánh bơi phía trên những cánh đồng lúa mạch xanh rờn của thung lũng Kyichu (có nghĩa là Dòng sông hạnh phúc).Đầu tiên, Potala do Đạt Lai Lạt Ma đời thứ năm(1) xây dựng vào năm Ất Tỵ (1645), Ngài cũng là người đặt tên cho nó. Có những dấu tích cho thấy toà nhà trung tâm, “cung điện đỏ”, đã tồn tại từ thế kỷ thứ 7 vào thời của các vị vua Tây Tạng cổ xưa.Cung điện được đặt tên theo đình Potalaka ở Nam Ấn Độ, một trong những ngọn núi thần thánh của vị chúa thần của người Ấn Độ là Shiva. Tuy nhiên, các tín đồ Phật giáo tin rằng ngọn núi này là nơi nhập diệt thiêng liêng của Đức quan Thế âm Bồ tát (Avalokitesvara) đại từ đại bi mà Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân trong hình thể thần thánh của mình. Có thể cung điện Potala không phải là một niềm tự hào về mặt kiến trúc nếu đặt nó ở bất cứ nơi nào trong các thú đô lớn trên thế giới, nhưng với một vùng đất hoang vu, cách biệt nơi thiếu thốn mọi phương tiện giao thông cũng như xây dựng như Tây Tạng thì đó là cả một kỳ công của trí tuệ con người, xét cả về khả năng lẫn sức mạnh, trong việc tạo ra một kỳ quan có quy mô đồ sộ và vĩ đại như thế.Trước đây, chỉ duy nhất có một người da trắng tên là Thomas Manning có vinh dự chiêm ngưỡng công trình này(2) còn trong Bộ chúng tôi chỉ có K.21 là người đã nhìn thấy nó trước tôi. Tôi thành tâm cám ơn Đấng sáng tạo vì đã ban cho tôi vinh dự này. Tôi có thể thấy rằng quang cảnh hùng vĩ trước mắt cũng có một ảnh hưởng tương tự lên những người bạn đồng hành của mình. Tsering, Kintup cùng các tín đồ Phật giáo khác xuống ngựa, nằm phủ phục xuống đất theo tư thế ngũ thể để bày tỏ lòng tôn kính.Thậm chí Gaffuru, một tín đồ Hồi giáo sùng đạo, cũng hướng mặt về phía Điện Potala, cúi chào một cách trân trọng. Đôi mắt Sherlock Holmes thì sáng lên tràn ngập niềm vui trong trẻo thanh tịnh khi đăm đăm dõi nhìn về phía Potala đang hiện dần lên ở xa xa. Vầng trán nghiêm nghị thường cau lại vì nhưng suy tư mãnh liệt cao độ, từ từ giãn ra như nhưng đợt sóng biển chuồi đi êm ả trong một ngày đẹp trời cho phép một nụ cười nhẹ nhàng nở ra làm sáng bửng cả khuôn mặt.Tất cả những thử thách, thiếu thốn và khó nhọc của cuộc hành trình dài dường như được nhấc khỏi vai chúng tôi như có phép màu vậy. Với trái tim thơ thới, lâng lâng, ngây ngất, chúng tôi cất bước đến Linh Thành.Theo lối đi dành cho người hành hương, chúng tôi băng qua nhưng con đường trồng hai hàng cây, xuyên qua các khu vườn và vườn cây ăn quả xanh tốt nơi cung cấp rau xanh và trái cây cho khu chợ trung tâm Lhassa, qua các công viên, những cánh đồng và những khóm rừng nhỏ rậm rạp. Không khí mới trong lành, khoan khoái, dễ chịu và nhẹ nhom làm sao, khác hằn dưới Shigatse. Có được không gian lý tưởng này là nhờ hệ thống đầm lầy và sông suối nuôi dưỡng thảm thực vật sum sê. Mặc dù trong những con suối lấp lánh dòng nước bạc có thể thấy lúc nhúc lưng những con cá hồi béo mập nhưng không hề có chuyện đánh bắt cá ở đây, cũng không có con chim nào bị giết – có một niềm tin mạnh mẽ rằng vì hành động sát sinh này mà có thể một sinh linh đáng lẽ được đầu thai làm người sẽ không được làm người. Dọc theo hai bên bờ vô số những dòng suối nhỏ này là vô vàn loài hoa dại đang ganh nhau khoe sắc, thôi thì có đủ loại: hoa potentill thơm ngát, magenta và cúc xanh, mao lương hoa đàng, cây báo xuân và cây hoa chuông lá tròn. Khi đi ngang qua thung lũng có thể thấy những cánh đồng lúa mạch chín trải dài ra hàng dặm như biển vàng. Đám thợ gặt đã bắt đầu công việc gặt hái, vừa làm họ vừa cất tiếng hát thư thái du dương, cánh phụ nữ cài trên đầu những vòng hoa ông lão vàng rộm.Đoàn chúng tôi đi ngang qua một đám tang giản dị. Xác người chết được quấn chăn đặt theo tư thế ngồi. Chắc chắn xác chết sẽ được mang đến nghĩa trang ngoài thành phố nơi nó sẽ nhận được một phán quyết khúng khiếp – nhưng vốn là truyền thống của vùng này – là bị chặt ra từng mảnh để nuôi lũ kền kền và quạ. Như Manning, khi tường thuật về chuyến đi của mình, đã viết, người không ăn chim chóc mà ngược lại để chim chóc ăn thịt mình.Chúng tôi vào thành phố theo lối cửa ở phía Tây nổi tiếng, thật ra đó là một tháp lớn chứa hài cốt các nhà sư, có một lối đi xuyên qua tầng dưới. Cùng nhập hội với chúng tôi còn có một đám hành hương ồn ào đến từ tỉnh Tsang, cũng nhờ thế mà đoàn lữ hành bé nhỏ chúng tôi tránh được cái nhìn quan tâm quá mức của người qua đường. Tsering đi ở hàng đầu dẫn chúng tôi qua những con đường đông nghẹt khách hành hương, thầy tu, đám ăn mày và các quý ông mặc đỏ lụa quý. Các quý bà sang trọng đội khăn trùm đầu có hoạ tiết kỳ lạ, ngồi trên lưng ngựa lướt qua cùng đám người hầu, trong khi nhưng chị em ít may mắn hơn thì đi bộ, một số khác địu những thùng nước nhỏ trên lưng. Dân du mục trùm kín từ đầu đến chân trắng nhưng tấm da cửu thì đi thành từng hàng nắm tay nhau để có được cảm giác an toàn.Đám đàn bà con gái đến từ Khams hay vùng Đông Tây Tạng với những mái tóc dài được tết rất khéo thành 108 bím, thành kính xoay những hàng chuông chuyển kinh cầu bình an theo nghi thức. Cánh thương nhân đến từ các nước như Turkestan, Bhootan, Nepaul, Trung quốc và Mỏng Cổ bày trên quầy đủ thứ hàng hoá trên đời: trà, vải vóc, lông thú, gấm thêu kim tuyến, ngọc lam, hổ phách, san hô, rượu và trái cây khô, thậm chí những món tầm thường như kim, chỉ, xà bông, với chúc bâu, gia vị và đồ trang sức rẻ tiền từ những khu chợ Ấn Độ xa xôi. Thật đáng kinh ngạc, Lhassa đúng là một thành phố quốc tế; với đông đảo thương nhân cùng du khách không chỉ đến từ những đất nước tôi vừa nhắc đến mà còn có người Armenia, Cashmere và người Nga.Cuối cùng, sau khi đi qua những con đường hẹp và những con hẻm tối, quanh co dường như bất tận, chúng tôi đến trước một bức tường cao bao quanh một toà lâu dài. Tsering đập đập vào cánh cổng gỗ đồ sộ lớn tiếng gọi cửa. Vài giây sau, cánh cửa mở rộng và chúng tôi cưỡi ngựa tiến vào một cái sân lớn bên trong. Cánh cửa nhanh chóng đóng lại sau lưng chúng tôi. Ông Holmes và tôi được dẫn vào một phòng ngủ lộng lẫy trang trí theo phong cách Tây Tạng với các bức tranh tôn giáo cùng các vật dụng dùng để tế lễ, những tấm thảm đắt tiền trải trên sàn nhà và trường kỷ. Người ta dọn lên phục vụ khách đường xa trà cùng với bánh bích quy kem sôcôla hiệu Huntley và Palmer.Tsering đến gặp thư ký thứ nhất của Đạt Lai Lạt Ma để báo cáo chuyến đi của chúng tôi. Trước khi đi, anh ta yêu cầu chúng tôi chỉ ở trong nhà cho tới khi anh quay về, tuyệt đối không được tự ý đi ra ngoài. Chẳng cần lời căn dặn ấy, cả hai chúng tôi cũng đã thấy mệt nhoài, nỗi nhọc nhằn của cuộc hành trình dài dằng dặc dường như chỉ đợi đến lúc này để chiếm lĩnh thân xác chúng tôi.Sau khi ngâm mình trong phòng tắm, gọt sạch lớp bụi đường lâu ngày và thưởng thức một bữa tối ngon lành được phục vụ bởi những người hầu lặng lẽ, được huấn luyện rất tốt, chúng tôi lên giường đi nghỉ. Nệm êm, khăn trải giường sạch bong, chăn thì ấm áp. Chúng tôi ngủ “say như những khúc gỗ” theo cách nói của người xưa.Sáng hôm sau, tôi đánh răng rửa mặt và làm vệ sinh buổi sáng, đọc một đoạn kinh ngắn Brahmo Somajist rồi vừa bỏ quả cau đầu tiên trong ngày vào miệng nhá, thì Sherlock Holmes đã tươi tắn đứng trên ngưỡng cửa.”Ồ, tôi thấy là ông đã sẵn sàng rồi, Hurree,” ông vui vẻ cất tiếng. “Thật may vì Tsering có tin cho chúng ta. Anh ta đứng đợi ta trong phòng ăn”.Sau bữa điểm tâm, chúng tôi bắt đầu cải trang và theo Tsering đến Nobru Lingka (Châu Viên), nơi ở mùa hè của Đạt Lai Lạt Ma. Lâu đài nằm ở ngoại ở thành phố, cách trung tâm khoảng hai dặm. Dọc hai bên con đường dài, thẳng tắp dẫn đến Châu Viên là hai hàng liễu rủ tha thướt duyên dáng. Suốt những tháng xuân và hè Đạt Lai Lạt Ma sống và xử lý công việc ở nơi ẩn cư tuyệt đẹp này nơi mà với những khu vườn râm mát, ao hồ, bầy thú, mái đình và khu nhà ở tiện nghi, ông thấy thoải mái và thú vị hơn cái cung điện lạnh lẽo, có phần hơi u ám Potala.Châu Viên cũng được bao quanh bởi một bức tường cao. Chúng tôi dừng ngựa ở cổng trước, nơi được bảo vệ cần mật bởi một tốp lính có vũ trang. Rõ ràng chúng tôi là những vị khách được người ta ngóng đợi, vì ngay lập tức mấy viên giám mã xuất hiện, dẫn ngựa đi qua cổng. Chúng tôi đi bộ trên con đường có những lùm cây cho ra loại quả hình nón rất đẹp, trồng xen lẫn với những cây liễu dẫn đến khu vực trung tâm công viên, nơi bố trí vườn và nhà riêng của Đạt Lai Lạt Ma. Toà nhà được bao bọc bởi một bức tường cao, màu vàng; cả hai lối vào đều được những vị binh sư khổng lồ canh giữ. Chúng tôi đi qua cổng trước, vào một khu vườn kỳ diệu trồng nhiều cây ăn quả và cây bách xù lưu niên với những thân cây cong queo, xương xẩu gợi nhớ những bức tranh cuộn của Nhật Bản. Rải rác trong vườn có những con chó Tây Tạng giống tai cụp, thấy người lạ thì vươn thẳng người trong cũi với vẻ nôn nóng, toàn là những con chó tuyệt đẹp được nuôi dưỡng chu đáo. Một con suối nhỏ với dòng nước lấp lánh ánh bạc len lỏi chảy qua đám cây cối, để cuối cùng đổ vào một hồ sen yên bình. Những giống chim lạ khoác nhưng bộ lông rực rỡ vui mắt, chao cánh trên cành cây khi nghe tiếng động. Thậm chí tôi còn trông thấy một con vẹt Ấn Độ với bộ lông xanh đỏm dáng đang đậu trên ngọn cây đào khoan thai hát câu thần chú: “Vinh danh đấng Tối cao trên Toà sen”.Lâu đài thật ra chỉ là một toà nhà cỡ trung bình nằm lọt giữa một vùng cỏ cây hoa lá tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về khung cảnh điền viên thơ mộng. Các vị tùy sư dẫn chúng tôi vào một căn phòng tiếp khách rất rộng, trải thảm quý, trên các bức tường treo những bức tranh vẽ theo các chủ đề tôn giáo. Tuy nhiên đồ đạc trong phòng lại là sản phẩm của phương Tây với những chiếc ghế bành tiện nghi và những chiếc bàn nước từ thời Nhiếp chính. Một chiếc đồng hồ trang trí mạ vàng kêu tích tắc nhẹ nhàng trên chiếc tủ buyp phê thời Nữ hoàng Anne, đứng gần chiếc tủ là một người đàn ông nhỏ bé mặc áo choàng thầy tu màu vàng đỏ, đầu cạo nhẵn bóng theo giới luật của nhà Phật. Khi nhà sư tiến về phía chúng tôi để đón khách, tôi để ý thấy dưới đôi mắt đen nhỏ rõ ràng là bị cận thị, có những nếp nhăn xếp hình giẻ quạt rất đặc thù. Ông đeo một đôi kính tròn xoe của người Trung quốc, tròng bằng bilaur hay pha lê rất dày. Giọng nói của ông, dù có âm vực cao, vẫn rất mạnh mẽ và rõ ràng.”Chào mừng Ngài tới Tây Tạng, thưa ngài Sherlock Holmes và cả ông nữa, Babuji”. Chú thích:
(1) Đạt Lai Lạt Ma thứ năm có tên là La Bốc Tạng Gia Mục Thổ (Losang Gyatso) (1617-1682)(2) Hurree đã nhầm. John Grueber và Albert D⬙Ovville từng đặt chân đến Lhassa và viếng thăm Potala, mặc dầu công trình kiến trúc này mãi đến năm 1695 mới được hoàn thành