Bạn đang đọc SEX và những thứ khác – Chương 1: Phần 1 – Chương 01
SEX VÀ …
Sex trước hôn nhân.
Tôi đã quan hệ tình dục với người yêu hồi tôi mười chín tuổi. Phải nói là nó rất tuyệt vời và khiến tình yêu của chúng tôi thêm thăng hoa. Chúng tôi yêu nhau rất tâm đầu ý hợp và vô cùng hạnh phúc. Gia đình hai bên đều vun vén. Khi đó, cả hai chúng tôi đều là sinh viên và sống cùng gia đình – mỗi người một nhà, khi thì quan hệ ở nhà anh ấy, khi thì ở nhà tôi. Các cụ cũng biết nhưng không ngăn cấm và cũng không can thiệp, lờ đi coi như không biết. Như vậy, chúng tôi cũng thoải mái, không phải lén lút, chỉ cần kín đáo và tế nhị, nghĩa là tôn trọng người khác khi họ tôn trọng chuyện riêng tư của mình.
Tôi không bao giờ nghĩ mình như vậy là “mất trinh”, “ đáng xấu hổ”, hay lo sợ “không thể lấy ai khác ngoài anh ấy”. Thực lòng, tôi sợ mất danh dự, mất lòng tự trọng, mất tình nghĩa, mất nhân tình, mất đạo đức…chứ “mất trinh” thì có lẽ nó là cái cuối cùng trên đời này tôi sợ mất. Nói như vậy, không phải tôi coi thường trinh tiết. Ý tôi là “cái trinh” không phải là cái gì to tát. Nó không phải tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức con người. Nó cũng không phải là cái quyết định vận mệnh của một đời người.
“Mất trinh” là sao? Là đã có sex rồi chứ gì? Sex thì có gì là xấu? Ngược lại, nó rất đẹp, nó là cả hai cùng sung sướng, hạnh phúc và yêu nhau hơn. Nó là thần dược kỳ diệu cho tình yêu thêm nồng. Và dĩ nhiên càng yêu nhau, cả hai càng muốn lấy nhau, và chắc chắn cuộc hôn nhân ấy sẽ hứa hẹn hạnh phúc hơn những hôn nhân không có sex hay sex nhạt nhẽo.
Tôi yêu người yêu của tôi. Tôi quan hệ tình dục với anh là hoàn toàn tự nguyện, chứ không phải có một mối quan hệ “cho – nhận”, vì tôi muốn cả hai cùng được thăng hoa, cùng lên đến đỉnh cao của hạnh phúc. Vậy tôi quan hệ tình dục với người tôi yêu thì có gì phải xấu hổ??
Rồi xong! Tôi đã mất trinh! Nếu đã mất trinh rồi thì quan hệ tình dục một lần hay một tỷ lần có khác gì nhau? Làm gì có con chip điện tử đếm “page view” gắn dưới đấy mà lo? Nếu đã mất trinh rồi thì ngủ với một người hay một tỷ người, ai biết? Nhưng sao tôi không làm điều đó? Sao tôi không quan hệ tình dục cho bõ cái công “mất trinh”?
Vậy thì cái gì đã ngăn tôi lại? Trinh thì mất rồi, sợ gì??? Xin thưa., tôi sợ mất “Lòng Tự Trọng” a.! Tôi sợ nhất là mất lòng tự trọng với bản thân mình. Không có gì nhục nhã hơn là tự mình khinh mình, ghê tởm mình. Tôi rất coi trọng cái đạo đức, tiết hạnh và niềm tự hào của mình, chứ không phải cái “màng trinh” vớ vẩn.
Vì “Lòng Tự Trọng”, tôi không đi ngủ lang, nay người này, mai người khác. Vì “Lòng Tự Trọng”, tôi chỉ chung thủy với người tôi yêu mà thôi. Chứ không phải vì anh lấy mất trinh của tôi thì tôi chung thủy với anh đâu nhé!
Nói tóm lại, tôi đang lải nhải cái gì vậy nhỉ?
Tôi ủng hộ sex trước hôn nhân. Nó không phải cái gì ghê ghớm mà phải giữ khư khư, người yêu động vào là tát cho lật mặt. Nó cần phải có sự tự nguyện của hai bên, còn yêu nhau thật lòng hay không thật lòng thì…có trời biết?!!
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và đặc biệt quan trọng là SafeSex (Tình dục an toàn) để tránh việc nạo phá thai đang ngày càng gia tăng đến mức báo động ở Việt Nam. Trong chuyện sex, nếu “tai nạn” xảy ra thì chỉ có con gái là chịu thiệt thòi. Nếu có thai ngoài ý muốn thì người phải đi nạo hút thai là con gái, đau đớn lúc ấy là một chuyện, lỡ sau này không có khả năng sinh nở, đó mới là nỗi ân hận một đời. Đừng nghĩ bọn đàn ông là gì mà mình phải dâng hiến, phục tùng, hay có suy nghĩ “anh ấy không thích dùng bao cao su thì em cũng chiều.”
Tôi nói thật, nếu người yêu muốn quan hệ tình dục, hay nói toạc ra là muốn “phá trinh” em (mà em cũng muốn) thì em cứ gật đầu cho thoải mái (vì em cũng yêu người ta mà), nhưng hắn mà đề nghị “không dùng bao cao su” thì em tát cho hắn lật mặt mà chửi “thằng khốn nạn”. Đấy! Ý tôi là thế!
Em phải biệt tự bảo vệ mình, bảo vệ sức khỏe của mình, chứ không phải bảo vệ cái màng trinh làm gì, ngốc ạ!
Mẹ tôi là một bác sĩ phụ khoa rất giỏi. Bà là chuyên gia nạo hút thai. Trong số bệnh nhân của bà, có nhiều ca sĩ và người mẫu nổi tiếng. Tôi không đánh giá người ta là loại gì mà mới ba tháng trước tới phá thai, tháng này lại tới tiếp. Tôi chỉ thấy tội nghiệp cho họ, chỉ vì nể đàn ông đây mà! Hồ Xuân Hương cũng phải than “cả nể cho nên hóa dở dang” đấy thôi…
Nhưng sao mà phải nể??? Nó (con trai) không thèm quan tâm việc mình (con gái) phải lãnh chịu hậu quả cho cả hai – mà mình lại đi nể nó à??? Đến lúc lên bàn nạo thai thì đứa nào phải chịu đau??? Sau này lấy chồng mà bị vô sịnh thì có nể đứa nào đã làm cho mình bị vô sinh mà không dám chửi nó không??? Hay là chửi nó tơi bời mà kêu trời??? Đến lúc đó thì trách ai??? Hãy tự trách bản thân mình ấy! Hãy trách bản thân rằng mình đã không bảo vệ sức khỏe của chính mình!
Hồi còn là sinh viên, thỉnh thoảng tôi xuống phòng khám giúp mẹ làm vệ sinh và hấp sấy dụng cụ y tế. chứng kiến cảnh một bé gái mới mười bốn tuổi, quan hệ sớm, có thai, phải đi nạo mà lòng tôi đau như cắt, nó không phải máu mủ ruột thịt với mình. Nó chỉ là một đứa con gái bé bỏng, vì kém hiểu biết và thiếu giáo dục giới tính nên mới ra nông nỗi này. Tôi không phản đối chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân, chỉ khuyên chị em quan hệ tình dục an toàn, cho chính bản thân mình chứ không phải cho bất kỳ ai hết!
Còn thuốc tránh thai thì sao? Tôi vẫn gọi thuốc tránh thai là thuốc “cải lão hoàn đồng”. Nó thực sự đúng với cá nhân tôi. Khi dùng thuốc tránh thai, da mặt tôi trở nên đẹp mịn màng, mụn nhọt không còn, ngực nở to hơn, đường cong cơ thể rõ ràng mà không cần phải phẫu thuật, người đầy đặn hơn, vòng kinh đều như đếm, giảm đau bụng kinh và không lo bị “mất hứng” như khi dùng bao cao su. Tuy nhiên, dùng lâu đến năm năm thì nên ngưng, nếu muốn tính đến chuyện lấy chồng và sinh con.
Chỉ với một điều kiện: cả hai phải chung thủy với nhau!
Nếu như bản thân em chỉ chơi bời, hay em thấy người ta cũng hay chơi bời thì tốt nhất là dùng bao cao su, đi đâu cũng phải găm trong ví nhé? Nếu dùng thuốc tránh thai mà một trong hai người không chung thủy thì rất dễ lây bệnh cho nhau. Bệnh gì? Bệnh lâu, bệnh giang mai, viêm gan siêu vi B, bệnh AIDS. Những bệnh này đều gọi là bệnh xã hội, phát tán qua nhân vật “trung gian” là gái điếm, dẫn đến vô sinh, ung thư (gan), hay tệ hơn là…chết. Cũng không tệ mấy nếu như em không sợ chết, nhưng nếu bị AIDS mà bị xã hội xa lánh, khinh bỉ và bỏ rơi thì…tệ thật, nhỉ!
Tóm lại là : Phòng bệnh hơn Chữa bệnh!
GVA 5/11/2007
Bài đã được đăng trên nguyệt san Sài Gòn Tiếp Thị số tháng 9/2008
Chung sống tiền hôn nhân
Tôi luôn muốn viết về đề tài này bởi những gì tôi trải nghiệm là những bài học quý giá và nó đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tuy nhiên, truyền thống và đạo đức của người Việt Nam vẫn khó chấp nhận việc nam nữ chung sống với nhau mà không kết hôn. Điều này tôi chỉ hiểu đơn giản là từ thời xa xưa, cụ tôi cấm bà tôi “nam nữ thụ thụ bất tương thân”, rồi bà tôi cấm mẹ tôi không được “quan hệ” với đàn ông trước khi cưới, rồi đến lượt mẹ tôi nói với tôi về việc giữ gìn trinh tiết cho tới ngày lấy chồng.
Tôi nghĩ tôi rất may mắn vì có một người mẹ tâm lý và biết thông cảm với con gái khi tôi bắt đầu có bạn trai năm tôi mười chín tuổi. Bà không bao giờ tra hỏi tôi hay bắt tôi phải đi khám màng trinh. Bạn trai tôi cũng bị mẹ răn đe: “Này, đừng có ăn cơm trước kẻng đấy nhé”. Anh đã rất lém lỉnh đáp: “Con tưởng là đã nghe tiếng kẻng nên con lỡ ăn cơm rồi mẹ ạ!”
Phải nói rằng đến thế hệ chúng tôi, những người sinh ra vào cuối những năm 70, lớn lên vào thời “mở cửa” thì vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân đã trở nên thoáng hơn. Những thế hệ sau (8x) thì lại càng thoáng và đến thế hệ 9x thì…ngoài sức tưởng tượng.
Mới đây tôi đọc một báo cáo thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố Hồ Chí Minh mà tôi phải giật mình: Trong tổng số 100.283 phụ nữ phá thai có 2.423 vị thành niên từ mười một đến mười chín tuổi.
Đây quả là một con số kinh khủng. Kinh khủng hơn nữa là lứa tuổi trẻ vị thành niên phá thai từ mười một tuổi. Vậy là ngay khi trẻ bắt đầu có hành kinh là đã quan hệ tình dục và mang thai. Tôi không hiểu các bậc phụ huynh nghĩ gì khi thấy con số thống kê này? Chắc nghĩ đó không phải con mình? Tại sao chúng ta có thể tảng lờ một sự thật là tụi trẻ con choai choai ngày nay cũng đã biết làm quen với sex. Hãy làm một điều gì đó cho con mình thay vì cấm đoán. Có cấm đoán cũng không được mà càng cấm, chúng càng tò mò, muốn khám phá tìm hiểm. Điều gì tốt nhất có thể giúp con là nói chuyện với chúng về các biện pháp ngừa thai và phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục.
Điều cốt lõi tôi muốn nói ở đây lại không phải vấn đề “tình dục an toàn” mà khi cha mẹ thẳng thắn nói chuyện với con cái về “tình dục an toàn” nghĩa là họ đã biết nhìn thẳng vào sự thật là con mình quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, họ biết chấp nhận sự thật đó và làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn.
Một khi sự thật được phơi bày: “Hầu hết thanh niên Việt Nam quan hệ tình dục trước hôn nhân.” thì việc sống thử với nhau có gì là ghê gớm ? Có gì là không thể chấp nhận được?
Chúng ta không cho phép đôi trẻ ăn ở với nhau như vợ chồng vì sex chứ gì? Nhưng chúng đã quan hệ tình dục từ lâu rồi, đâu cần phải cưới nhau mới biết đến quan hệ tình dục? Và hãy tin tôi đi, khi sống cùng nhau, phải lo toan mọi thứ cùng nhau, bị stress vì áp lực công việc, chúng không thể quan hệ tình dục cả ngày được. Mà nếu chúng có thể quan hệ tình dục cả ngày sau vài tháng chung sống với bao tất bật lo toan thì đó lại là dấu hiệu đáng mừng, dự báo một hôn nhân vô cùng tốt đẹp.
Là một người làm cha, làm mẹ, đồng thời cũng là vợ là chồng, ta phải hiểu hơn ai hết rằng “sống chung” hội đủ nhiều yếu tối như trách nhiệm, sự chia sẻ, tình thương yêu, tính cảm thông, sự hy sịnh một số cái tôi, v.v… chứ đâu chỉ có sex?
Vậy nên khi bọn trẻ đã có sex rồi, trước khi bước vào hôn nhân, chúng cần phải học cách sống cùng nhau như vợ chồng. Chúng phải học các chia sẻ trách nhiệm, tự làm ra tiền, tự xoay xở chi tiêu khi hai người sống chung với nhau. Bởi “sống chung” là yếu tố bắt buộc trong hôn nhân mà khi hai người yêu nhau, mỗi người một nhà thì sẽ không thể hiểu được việc sống chung khác biệt và khó khăn tới mức nào.
Mười một năm trước, tôi đã có cơ hội sống chung với bạn trai trước khi làm đám cưới. Chúng tôi yêu nhau năm năm và tôi luôn tin rằng anh ấy sẽ là chồng tôi sau này. Suốt thời gian sinh viên, chúng tôi mỗi người ở riêng tại nhà cha mẹ mình ở Hà Nội. Chúng tôi vẫn quan hệ tình dục và rất gắn bó với nhau. Gia đình hai bên cũng vun đắp và chúng tôi đã bàn tới chuyện đám cưới, mơ về một ngôi nhà và những đứa trẻ mà chúng tôi sẽ cùng nhau tạo dựng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp và anh ấy cũng đi theo tôi. Ở Sài Gòn, chúng tôi thuê nhà sống chung. Với những gì chúng tôi đã có trong năm năm yêu nhau, những tưởng mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Nhưng không! Lần đầu tiên sống chung dưới một mái nhà, chúng tôi phải đối diện với một thực tế mà bất cứ đôi vợ chồng mới cưới nào cũng phải trải qua.
Ai phải đi làm kiếm tiền?
Ai trả tiền thuê nhà và hóa đơn điện nước?
Ai phải đi chợ, nấu ăn, làm việc nhà?
Ai phải lo toan thu vén để thu vừa đủ chi?
Câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên đều là TÔI – người con gái trong mối quan hệ này.
TÔI – là người duy nhất đi làm kiếm tiền với đồng lương ít ỏi một triệu đồng một tháng.
TÔI – phải đi chợ, nấu ăn và làm việc nhà.
TÔI – phải lo toan thu vén để sao cho hai người sống và ăn trong phạm vi bốn trăm nghìn đồng một tháng. Một trăm nghìn còn lại chi vào xăng xe, xà phòng, dầu gội, v v…
Tôi làm tất, không kêu ca nửa lời bởi tôi thương anh, anh lúc đó còn đang tìm việc làm. Anh không có lỗi!
Hằng ngày đi làm về, tôi tất bật đi chợ nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, lau chùi nhà cửa bởi tôi đang tập làm vợ. Mà những công việc nội trợ vợ không làm thì ai làm? Anh không có lỗi!
Khi anh tìm được công việc làm giám sát thi công cầu đường ở Trảng Boom, cách Sài Gòn sáu mươi kilomet, công ty bao anh ăn ngủ tại công trình, anh về thăm tôi vào dịp cuối tuần, mang theo một đống quần áo bẩn cho tôi giặt. Tôi vui vẻ giặt đồ bởi đó là việc của một người vợ. Anh không có lỗi!
Mỗi lần anh đến rồi đi, tôi lại đưa cho anh năm mươi nghìn đồng, bởi tôi lo anh đi đường nhỡ xe cộ hỏng hóc còn có tiền sửa chữa, và cả tiền trà, thuốc lá nữa. Hoàn toàn do tôi tự nguyện. Anh không có lỗi!
Mỗi lần anh đến, chúng tôi lại làm tình, bất kể khi đó ốm đau hay mệt mỏi, bởi đó là sinh hoạt vợ chồng. Anh không có lỗi!
Tôi nghĩ tôi đã làm tròn nhiệm vụ của một người vợ, nhưng sao có cái gì đó như đang chết trong lòng? Anh không có lỗi cơ mà! Nhưng tôi cũng không biết lỗi tại ai. Chỉ biết rằng tôi hoàn toàn cô đơn trong mối quan hệ này. Mọi việc chỉ mình tôi cố gắng. Xây dựng mái ấm cũng cũng chỉ một mình tôi. Anh không làm gì cả, không chia sẻ gánh nặng vật chất hay tinh thần. Anh cũng không cần biết tôi vui hay tôi buồn. Việc duy nhất anh làm là nói: “Anh yêu em!”
Không biết từ lúc nào tôi trở nên vô cảm khi nghe anh nói ba từ ấy. Tôi càng hoang mang khi mẹ anh gọi điện hỏi ý tôi về việc bà sang nói chuyện với mẹ tôi để làm đám cưới cho hai đứa.
Ba tháng thôi, chúng tôi đã có ba tháng sống chung như thế, đủ để biết cuộc hôn nhân của chúng tôi sẽ như thế nào. Tôi hoảng sợ như nhìn thấy địa ngục trước mắt, Không! Tôi không thể lấy người này làm chồng được. Tôi không thể chôn vùi cuộc đời tôi trong tấn bi kịch chỉ mới bắt đầu được ba tháng.
Cho dù tôi đã yêu anh năm năm vô điều kiện.
Cho dù tôi đã hy sinh nhiều thứ vì anh.
Cho dù tôi có bị miệng lưỡi thế gian phỉ nhổ vì phụ bạc anh khi anh đã nghe theo tiếng gọi tình yêu mà vào Sài Gòn với tôi.
Cho dù tôi bị người đời đánh giá là “mất trinh” vì đã chung sống với anh như vợ chồng.
Cho dù tôi có bị ế chồng vì không ai lấy một người “lăng loàn” như tôi, vì đã ngủ với anh.
Bất chấp tất cả – Tôi phải từ bỏ anh!
Mười một năm sau, tôi mỉm cười hài lòng với hạnh phúc gia đình mà tôi đang có. Tôi phải cảm ơn ba tháng “sống thử” khó khăn nhất của đời tôi đã dạy tôi một bài học vô cùng quý giá, giúp tôi nhận ra giá trị đích thực của hôn nhân và tìm được người chồng mà tôi có thể tin yêu và gắn bó cả đời.
Tôi biết rằng có rất nhiều đôi yêu nhau như tôi và anh, nhưng họ không có cơ hội “sống thử” như tôi và đều tiến tới hôn nhân.
Mười một năm sau, những cặp vợ chồng là bạn bè cũng thời với tôi đều tan vỡ, có người làm mẹ đơn thân, có người đã lấy chồng lần hai và có người thậm chí đã ly dị hai lần.
Nếu như mối quan hệ của tôi tan vỡ sau ba tháng sống thử thì mối quan hệ của họ bền lâu hơn, ba năm, năm năm hoặc bảy năm, nhưng sự tan vỡ khi đó nặng nề và nghiệm trọng hơn tất nhiều, bởi đó là một ly hôn, là phân chia tài sản, là trách nhiệm với con cái. Sự tổn thất về tinh thần lớn hơn rất nhiều, không chỉ cho hai người mà còn thiệt thòi cho con cái họ nữa. Một vài tháng sống thử không là gì so với bảy mươi năm cuộc đời.
Hãy nhìn cuộc đời bảy mươi năm như một bức tranh toàn cảnh. Đừng vì sợ dị nghị, điều tiếng của hàng xóm láng giềng mà làm mất đi cơ hội của bản thân. Một vài tháng “sống thử” không là gì so với thời gian một đời người, nhưng nó có thể làm thay đổi cả một đời người.
GVA 19/12/2012