Bạn đang đọc Sau Khi Mẹ Kế Tỉnh Lại – Chương 36.
— SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI – THƯ THƯ THƯ —
?????
CHƯƠNG 35.
Người Dịch: Lan Thảo Hương.
Nói xong “lời chúc phúc”, Ninh Hương quay người rời đi mà không tốn thêm nhiều miệng lưỡi với Lưu Oánh nữa. Tóm lại, sau này cũng sẽ không gặp lại nhau, huống hồ cũng không có bất kỳ mối quan hệ gì nên nói dóc với cô ấy tiếp cũng chỉ lãng phí thời gian, mà bọn cô cũng đâu thân quen gì nhau.
Lưu Oánh nhìn ý cười mềm như gió xuân của Ninh Hương quay lưng bước đi, rõ ràng cô chiếm thể thượng phong, nhưng trong lòng không hiểu sao lại thấy có chút ấm ức. Sau đó, nghĩ đến việc mình có thể sống tốt hơn Ninh Hương, trong lòng mới dễ chịu hơn một chút.
Mặc dù Giang Kiến Hải không nâng niu cô ở trong lòng bàn tay như cô tưởng tượng trước khi kết hôn, nhưng tốt xấu gì anh ta cũng có công việc, có tiền, có địa vị, có thể cho cô một cuộc sống giàu có và hãnh diện. Đặc biệt, tác phong của anh ta không có vấn đề, cũng không thích làm loạn.
Lúc trước, khi chưa cùng Ninh Hương ly hôn, dù giữa họ có quan hệ tốt nhưng anh vẫn luôn giữ khoảng cách bình thường. Khi đó, cô đã cảm giác được Giang Kiến Hải là người biết giữ mình trong sạch, không dây dưa loạn với mấy quan hệ nam nữ. Trong nguyên tác, anh ta kết hôn với Ninh Hương và đi cùng nhau đến hết cuộc đời, cho đến cuối cùng cũng chưa bao giờ vứt bỏ Ninh Hương, cũng chưa từng vượt quá giới hạn hay đi ngoại tình trong suốt cuộc hôn nhân. Chỉ một ưu điểm này, anh ta đã mạnh hơn nhiều những người đàn ông khác.
Mà bây giờ Ninh Hương còn lại cái gì? Cô ta muốn cái gì cũng không có, không học thức lại không có ai để ý, và cũng giống như cô đắc tội sạch với nhà mẹ đẻ, đã cắt đứt mọi mối quan hệ.
Không có người để ý, không có nhà mẹ đẻ chống lưng, không có bạn bè và cũng không có một công việc tử tế, sau khi ly hôn còn bị người trong thôn bàn tán, chỉ trỏ. Thường ngày chỉ biết dựa vào thêu thùa, may vá, thêu hoa để kiếm chút tiền trinh, dù có làm nhanh hơn nữa thì cả ngày cũng chỉ biết cắm đầu ngồi thêu, rồi tiền kiếm được chả có bao nhiêu lại còn không có địa vị xã hội gì.
Loại công việc buồn tẻ, mệt mỏi, kiếm không được mấy xu tiền như vậy, là cô thì sẽ không bao giờ làm.
Cứ nghĩ đến cuộc sống bây giờ của Ninh Hương, Lưu Oánh càng cảm thấy đời này cô nhất định phải bắt được Giang Kiến Hải, cùng lắm thì cải tạo lại anh ta. Nếu không, cô cũng sẽ tựa như Ninh Hương bây giờ, có nhà mẹ đẻ lại không thể về, cưới lần hai thì không tìm được người đàn ông ra hồn, rồi cứ sống một mình như cái du hồn lang thang, vậy thì cuộc sống này cũng quá khốn khổ khốn nạn rồi.
Nghĩ đến đây, lòng cô thông suốt hẳn lên. Cầm lấy rổ của mình, cô xoay người nhìn khắp nơi rồi cúi xuống cắt lung tung mấy nhúm cỏ bỏ vào trong rổ, sau đó ôm rổ và liềm đi về nhà.
Nơi này nằm ở biên giới giữa đội Cam Hà và đội Thủy Điềm, lúc cô ôm rổ về đến nhà, Lý Quế Mai đang còng eo xay gạo nếp. Bà yêu cầu Lưu Oánh ra ngoài cắt cỏ đương nhiên là muốn làm bánh nếp lá ngải.
Lưu Oánh đi tới trước mặt bà, cô tránh tiếp xúc ánh mắt và ném thẳng cái xuống đất, sau đó xoay người trở về phòng nằm.
Lý Quế Mai đưa tay lật giở đám cỏ trong rổ, một cơn tức nháy mắt dâng trào và hét lớn về phía phòng cô: “Lưu Oánh, chị cắt cái cỏ gì thế này? Nghiệp chướng, đây là lá ngải mà chị cắt đấy hả?”.
Lưu Oánh ở lại đội Cam Hà đã hơn một tháng, cô buộc phải nghe tiếng địa phương mỗi ngày nên đã có thể nghe hiểu một ít câu đơn giản và cũng hiểu được ý đại khái khi người khác nói chuyện. Nhưng cô quá lười phản ứng lại Lý Quế Mai nên cứ nằm ở trong phòng không nói một câu, nhắm mắt nghỉ ngơi.
Dù sao cô cũng không ăn bánh lá ngải gì gì đó, nên ai muốn ăn thì tự đi mà cắt. Cô không phải là người địa phương, làm sao mà biết lá ngải là cái lá gì? Nếu Lý Quế Mai dám nhục mạ cô quá đáng, cô sẽ làm um lên với bà ta, dù sao cũng không phải do cô không chịu đi cắt, cô chiếm lý mà.
Lừa gạt cho qua, cắt bừa đi, cho bà già kia tức chết luôn!
Quả nhiên, Lý Quế Mai ở bên ngoài sắp bị tức chết rồi, hai tay bà run run siết cái rổ cỏ dại. Mẹ nó chứ, rốt cuộc nhà bà đã cưới phải cái loại con dâu gì thế này, một tháng rồi mà chả biết làm cái mẹ gì!
Không làm được còn không cho phép bà được mắng quá đáng, mắng nặng cái là nhảy dựng lên cãi chem chẻm. Còn vô liêm sỉ vừa cãi vừa lôi kéo hàng xóm sang đây hóng chuyện phân xử thay cho cô ta. Mắt lúc nào cũng rơm rớm nói Lý Quế Mai bà ở nhà bắt nạt cô ta, nói bản thân hiếu thảo với Lý Quế Mai như mẹ ruột của mình, Lý Quế Mai bảo cô làm gì cô cũng ngoan ngoãn làm theo nhưng cuối cùng toàn bị bà bắt bẻ, chửi mắng. Cuộc sống như thế này khiến cô không thể sống được nữa, cô muốn ly hôn.
Sống cái bà nội mày ấy, đời này, Lý Quế Mai bà còn chưa bao giờ phải chịu nhiều cơn tức như thế của con dâu!
Lời này của cô ta là có ý gì, chẳng phải đang ám chỉ công khai việc Ninh Hương ly hôn Giang Kiến Hải trước đó là vì cô ta bị mẹ chồng bắt nạt hay sao? Chẳng phải đang nói bà là người mẹ chồng độc ác, trong mắt không chứa nổi con dâu à!
Thêm nữa, bình thường bảo cô ta nấu cơm, cô ta chỉ toàn nấu theo khẩu vị của quê mình. Làm xong thì bưng đồ ăn lên bàn, còn rắc lung tung một nắm đường vào thức ăn, cứ phải nói là đến chó còn nuốt không trôi!
Nói cô ta thì cô ta cãi lại, nói rằng mình là người vùng khác nên không biết nấu, có học cũng không học được. Mắng cô ta thì cô ta đi tìm hàng xóm đòi phân xử, nói bản thân vất vả nấu cơm nhưng người tốt lại không được báo đáp tốt, còn bị ăn mắng, cuộc đời không còn công lý nữa rồi!
Một tháng qua, hàng xóm bị cô ta tìm đến sợ khiếp vía. Hiện tại chỉ vừa nghe thấy nhà bà có tiếng cãi vã là vội vã chạy đi nơi khác, vì họ sợ bị kéo sang đây phân xử, làm cho mọi người thấy có náo nhiệt cũng không dám sang xem!
Bên nào cũng không thể đắc tội, nên phân xử cũng mệt mỏi lắm chứ!
Hết lần này đến lần khác không chiếm được tiện nghi, hiện tại Lý Quế Mai cũng không dám mắng Lưu Oánh quá nặng. Chỉ mắng mấy câu như nghiệp chướng, oan nợ cho bõ tức rồi đứng dậy đi ra cửa tìm hàng xóm xin một ít lá ngải.
Gạo nếp đã xay rồi, đậu đỏ cũng đã nấu, do đó bánh nếp lá ngải là nhất định phải làm, bởi vì lũ trẻ trong nhà đều thích ăn.
Sau khi xin đủ lá ngải, hôm đó Lý Quế Mai ở nhà nấu một nồi bánh nếp lá ngải. Lưu Oánh nằm trong phòng một lúc thì đi ra, cố ý chạy đến gần bà nhẹ giọng hỏi: “Mẹ, có cần con giúp mẹ không?”.
Lý Quế Mai tức đến tay run lên, khó thở nói: “Cút mẹ mày đi cái con vịt lộn!”.
Không muốn cô làm việc, vậy Lưu Oánh cũng không thèm để ý tới bà nữa, cô xoay người vừa đi ra ngoài vừa nói: “Vậy con vịt lộn là con cút ngay đây, con ra ngoài tìm Giang Hân, dẫn con bé lên cung tiêu xã mua ít đồ ăn ngon”.
Mặc dù Lưu Oánh và Lý Quế Mai thỉnh thoảng cãi nhau khiến Lý Quế Mai tức đến nghiến răng, nhưng cô đối với Giang Ngạn, Giang Nguyên và Giang Hân cũng không tệ lắm, biểu hiện chủ yếu là sẵn sàng chi tiền và mua tất cả đồ ăn ngon. Giang Ngạn, Giang Nguyên và Giang Hân ăn đồ của cô cũng không hề khách sáo, nhưng chúng lại không mấy gần gũi với cô lắm. Bình thường không có việc gì là sẽ chạy ra ngoài chơi, làm một ít việc xấu như trộm gà đuổi chó hoặc đánh nhau với người ta, lăn lộn đến cả người đầy bùn đất mới quay về.
Về phần mâu thuẫn giữa Lý Quế Mai và Lưu Oánh, Giang Kiến Hải còn không quan tâm thì mấy đứa con của anh ta sao có thể quan tâm? Điều mà chúng quan tâm mỗi khi về nhà đó là: “Đói quá, có gì ăn không? Hôm nay có mua bánh đào* không? Hay mua bánh mận** ăn đi”.
+ + +
(*) 桃酥 – là bánh quy, nhưng có nơi lại gọi là bánh đào, đào giòn: có nguồn gốc ở Giang Tây. Là món ăn vặt truyền thống của dân tộc Hán phù hợp cả miền Bắc và Nam, nổi tiếng với đặc điểm khô, giòn, ngọt.
(**) 梅花糕 – Bánh mận: là món ăn vặt đặc sản nổi tiếng ở Giang Nam, Nam Kinh, Tô Châu, Vô Tích và các vùng khác của Giang Tô. Có nguồn gốc từ thời nhà Minh, và đã trở thành món bánh đặc sản truyền thống nổi tiếng nhất vùng Giang Nam khi phát triển đến thời nhà Thanh. Do có hình dáng giống hoa mận nên người ta đặt cho nó cái tên là bánh hoa mận, bánh mận, lan hồ điệp.
+ + +
Nếu như nhìn thấy hai người cãi nhau, Giang Ngạn và Giang Nguyên hiện tại đã không còn căng thẳng như trước nữa, mà đã thành quen rồi. Cả hai chỉ tránh ra ngoài, lắc đầu thở dài ra vẻ ông cụ non: “Nơi nào có phụ nữ thì nơi đó không yên. Có câu nói ba bà thành cái chợ, nhưng rõ ràng hai người đã đủ dựng được cái đài hát rồi”.
Bọn chúng cũng không dám xúm lại bắt nạt Lưu Oánh, bởi vì chúng phát hiện ngay cả bà nội và ba cũng không thể làm gì người phụ nữ này. Ba ruột của chúng còn bị đuổi sang giường chúng ngủ ngay giữa đêm hôm khuya khoắt, lên thành phố cũng phải giấu diếm Lưu Oánh mới dám đi. Bà nội mỗi ngày đều bị làm cho tức đến khó thở, căn bản không làm gì được cô ta.
Cô ta cao như vậy, đặc biệt cái giọng khi cãi nhau còn rất lớn và khẩu âm thô kệch, chứ không mềm mại như giọng địa phương chỗ họ. Khí thế thì rất mạnh mẽ như có thể đè chết người khác, vì vậy Giang Ngạn, Giang Nguyên và Giang Hân rất sợ bị cô ta đánh.
Lưu Oánh sẽ không tùy tiện động tay động chân với Lý Quế Mai vì Lý Quế Mai là mẹ chồng cô, cô ta chỉ dám cùng Lý Quế Mai phân rõ phải trái hoặc đi tìm người khác phân xử thay cho bản thân. Thậm chí, có lúc chạy cô ta còn thẳng đến gặp bí thư đội để đòi phân xử, kể ra những “ấm ức” của chính mình. Ngược lại, chúng là trẻ con, nếu như chọc cho Lưu Oánh tức giận thì Lưu Oánh có thể đánh chúng mà không có lo lắng. Nói ra cũng chả ai nói được gì, vì con của mình còn không thể đánh hay sao? Tùy tiện kéo ra một lỗi sai nào đó thì muốn đánh thế nào thì đánh thế đó thôi.
Thấy cô đi ra ngoài, Lý Quế Mai ngồi đó lẩm bẩm: “Muốn dựa vào tí đồ ăn để lung lạc cháu trai cháu gái của tôi á, nằm mơ đi!”.
Nói xong, bà lại lẩm bẩm mắng Lưu Oánh mấy câu cho giải buồn, vừa mắng vừa gói bánh nếp, sau đó bỏ vào nồi hấp. Ngay lúc mùi hương của bánh nếp lá ngải phiêu đầy nhà bếp, Giang Kiến Hải đột ngột xách vali trở về.
Nhìn thấy Giang Kiến Hải vào nhà, Lý Quế Mai lập tức tràn đầy vui mừng, đôi mắt mờ đục trở nên sáng như tuyết, bà cười vui: “Kiến Hải về à, đúng lúc bánh thanh minh vừa chín, con đợi tí cho bánh nguội rồi ăn nhé. Chuyến đi này thế nào hả con?”.
Giang Kiến Hải ở bên ngoài thanh tịnh một tháng, tâm trạng anh từ lâu đã trở lại bình thường. Dù sao chuyện phiền toái cũng đã tránh được, cũng xem như đổi trời. Anh đặt chiếc túi trong tay xuống, cười nói: “Không phải con đã nói rồi sao, sau khi quay về thành phố Tô làm việc thì con có thể thường xuyên trở về thăm mẹ. Công việc không có vấn đề gì, tất cả đều tốt, hiện tại con đã là xưởng trưởng chân chính. Sao chỉ có mình mẹ hấp bánh thế? Lưu Oánh đâu?”.
Nhắc đến Lưu Oánh, khuôn mặt già nua của Lý Quế Mai sa sầm lại, đôi mắt nhanh chóng đẫm lệ. Bà hít cái mũi, như thể đã tìm được núi dựa lớn, vừa lau nước mắt vừa kể ra những ấm ức một tháng qua mình phải chịu đựng, lại thêm mắm thêm muối nói cho Giang Kiến Hải nghe. Tất nhiên, bà sẽ không nói chính mình có vấn đề, chỉ nói Lưu Oánh thực sự rất lười, làm việc gì cũng qua loa cho xong. Lỡ như bà có nói Lưu Oánh hai câu thì cô ta liền sụ mặt cho bà nhìn, chỉ thiếu không chọc cho bà tức chết luôn. Nói xong lời cuối cùng, nước mắt cũng lau không hết.
Giang Kiến Hải ngồi nghe, lông mày anh nhíu lại thật sâu, đến cuối cùng nhăn thành chữ “xuyên” giữa lông mày.
Sau cùng, anh vỗ nhẹ vai Lý Quế Mai trấn an: “Không sao đâu mẹ, để con nói cô ấy”.
Lý Quế Mai tình thâm ý cắt, nói: “Con lấy vợ về thì phải dạy dỗ cho tốt, bằng không sau này sao nói được nó?”.
Ngay khi bà vừa dứt lời, Lưu Oánh đã dẫn theo Giang Hân từ bên ngoài trở về. Lý Quế Mai có tật giật mình vì cáo trạng xấu, bà vội vàng lau nhanh nước mắt trên mặt, nhưng dù có nhanh thì vẫn bị Lưu Oánh nhìn thấy.
Tuy nhiên, sự chú ý của Lưu Oánh bây giờ chỉ đặt trên người Giang Kiến Hải, không muốn để ý tới bà. Cô liếc mắt nhìn Giang Kiến Hải rồi nói với giọng âm dương quái khí: “Úi xời, ông chủ lớn chịu về rồi đấy à?”.
Giang Kiến Hải không tức giận bởi câu nói của cô, anh nắm lấy va li rồi kéo tay cô đi về phòng của mình. Vào phòng đóng cửa lại, anh mở khóa túi và lôi ra một chiếc khăn lụa màu hồng.
Giang Kiến Hải đưa chiếc khăn lụa đến trước mặt Lưu Oánh, cười nói: “Tự tay anh chọn cho em đấy, được làm từ tơ tằm tốt nhất. Hình thêu bên trên do những thợ thêu giỏi nhất của thành phố Tô thêu ra. Rất đắt, em có hài lòng không?”.
Cái này còn không vui ư? Đây được coi là hàng cao cấp đấy.
Lưu Oánh bĩu môi, không nhịn được cười: “Tính ra anh vẫn còn chút lương tâm”.
Nói xong, cô cầm lấy chiếc khăn lụa đeo lên cổ cho Giang Kiến Hải xem, còn tinh nghịch hỏi anh: “Đẹp không anh?”.
Giang Kiến Hải lập tức trả lời: “Đẹp, rất đẹp!”.
Lưu Oánh đột nhiên nhớ tới cái gì đó, ánh mắt chợt tối sầm lại, cô nhìn chằm chằm Giang Kiến Hải: “So với vợ cũ của anh thì sao?”.
Giang Kiến Hải mỉm cười: “Cô ta sao có thể so được với em? Người không cùng đẳng cấp”.
Nghe anh nói thế, Lưu Oánh liền cảm thấy dễ chịu hẳn, chiếc khăn lụa đúng là rất đẹp.
Đứng trước gương ngắm nghía một lúc, cô lại nhớ đến một chuyện khác liền xoay người hỏi Giang Kiến Hải: “Nãy mẹ anh nói gì với anh thế? Nhìn khóc ấm ức như vậy, là đang cáo trạng em với anh đúng không?”.
Nhắc đến việc này liền có chút không vui, Giang Kiến Hải hít sâu một hơi rồi nhìn Lưu Oánh nói: “Lưu Oánh, bà ấy là mẹ anh, em nên tốt với bà ấy một chút, như vậy tất cả chúng ta mới đều vui vẻ có đúng không?”.
Ý cười trên khóe miệng Lưu Oánh biến mất, cô kéo khăn lụa xuống: “Em không tốt với bà ấy chỗ nào? Chuyện gì em cũng làm, nhưng bà ấy chả vừa lòng cái gì cả. Anh tin những lời bà ấy nói sao? Nếu vậy anh sang hỏi hàng xóm đi, xem ai mới là người chịu nhiều ấm ức nhất”.
Cứ nói thế này chỉ sợ cãi nhau thêm nữa. Giang Kiến Hải không muốn ngay khi vừa về đã cãi nhau với Lưu Oánh, hoặc nên nói anh trở về không phải để cãi nhau, vì vậy anh hít sâu một hơi rồi nói: “Giờ không nói mấy chuyện này nữa”.
Lưu Oánh cũng thức thời, không túm lấy anh đòi tranh luận đến cùng. Sau khi hài hòa ăn xong bữa cơm tối, cả gia đình ngồi lại với nhau vừa ăn bánh thanh minh vừa nghe radio, nói chuyện phiếm. Lần này Lưu Oánh không nằm trong phòng một mình giống như lần trước, nhưng cũng chỉ ngồi cắn hạt dưa tanh tách, không nói tiếng nào.
Cho đến khi Lý Quế Mai buồn ngủ, cả nhà mới giải tán và quay về phòng của mình.
Giang Kiến Hải và Lưu Oánh lần lượt leo lên giường sau khi đã rửa mặt. Ngay lúc Lưu Oánh mới trèo lên giường, Giang Kiến Hải liền xích tới ôm lấy eo cô. Hơn một tháng không gặp, tóm lại cũng có chút nhu cầu sinh lý.
Kết quả, Lưu Oánh giữ chặt lấy tay Giang Kiến Hải, nói: “Một cái khăn lụa đã nghĩ muốn lừa gạt cho qua? Chuyện còn chưa nói xong đâu”.
Giang Kiến Hải lúc này đang vui nên không muốn dừng lại, chỉ qua loa đáp: “Có chuyện gì để mai nói đi”.
Lưu Oánh không chịu: “Không nói rõ ràng thì đừng hòng chạm vào em!”.
Giang Kiến Hải nhìn vẻ mặt cau có của Lưu Oánh, mọi hào hứng lập tức bị dập tắt, anh ngồi dậy dựa vào đầu giường, nhìn cô hồi lâu rồi nói: “Lưu Oánh, một tháng anh mới trở về một lần, em như này là có ý gì?”.
Lưu Oánh cũng ngồi dậy: “Anh còn biết mình một tháng mới về à. Không rên một tiếng đã chạy về thành phố một mình, anh giỏi quá nhỉ? Trở về cũng không nói một câu xin lỗi, không hỏi xem em ở nhà có tốt không, chỉ quan tâm mỗi mẹ anh có phải bị em bắt nạt không. Em là người ngoài gả vào nhà anh, anh nói xem em có thể bắt nạt được ai? Còn nữa, một tháng này anh cũng không gửi một xu tiền về cho em, anh có ý gì?”.
Giang Kiến Hải hít sâu một hơi, day day mi tâm, sau đó nhìn sang Lưu Oánh: “Anh mua khăn lụa cho em rồi còn gì, em có biết cái khăn lụa đó trị giá bao nhiêu tiền không? Không tốt thì anh sẽ mua à? Anh khó lắm mới ngồi thuyền trở về một chuyến, em cứ phải như vậy mới chịu à? Tiền anh đã gửi về cho mẹ rồi, em muốn dùng thì cứ tìm bà ấy, có chuyện gì to tát đâu”.
Lưu Oánh nhíu mày: “Tại sao không gửi cho em?”.
Cô vẫn luôn đợi anh gửi tiền về, nhưng một xu cũng không thấy. Mỗi lần cô mua đồ cho Giang Ngạn, Giang Nguyên và Giang Hân đều là dùng tiền riêng của mình, mà tiền trong tay cô là tiền chết, dùng một đồng là sẽ ít đi một đồng.
Giang Kiến Hải không biết cô đang nghĩ gì, anh giải thích: “Bà ấy là mẹ anh, mẹ anh còn chưa chết đâu, tiền anh kiếm được gửi về nhà không gửi cho bà thì gửi cho ai? Em muốn dùng tiền thì cứ đi tìm bà ấy xin là được rồi”.
Lưu Oánh lại ấm ức: “Em hỏi thì bà ấy sẽ cho sao?”.
Giang Kiến Hải thật sự không hiểu: “Em dùng tiền vào việc cần, sao mẹ lại không cho?”.
Sắc mặt Lưu Oánh lạnh đi: “Anh thật sự không biết mẹ anh là người thế nào có đúng không?”.
Nghe được loại lời này, Giang Kiến Hải lại rất khó chịu, anh gằn giọng nói: “Anh biết! Anh hiểu mẹ anh hơn cả em, cho nên em không cần phải nói đi nói lại cho anh biết bà ấy là ai! Nếu anh suốt ngày nói mẹ em như vậy, em có vui không?!”.
Sau đó anh hít một hơi thật sâu: “Lưu Oánh à, nếu em cứ mãi như vậy, không ra chút mâu thuẫn thì trong lòng không thoải mái, một tháng gặp mặt nhau có một lần mà em cứ muốn cãi nhau toàn chuyện lông gà vỏ tỏi thì cuộc sống như vậy anh không chịu nổi nữa. Anh thật sự không hiểu tại sao em lại lấy anh, là để tra tấn anh sao?”.
Lưu Oánh siết chặt ngón tay nhìn anh chằm chằm, giọng điệu cực kỳ hung hãn: “Giang Kiến Hải, rốt cuộc là ai tra tấn ai? Em lấy anh chỉ để hầu hạ mẹ anh à? Em có thể chăm nom ba đứa bé vì chúng không có mẹ, nhưng dựa vào đâu em phải hầu hạ mẹ anh?”.
Giang Kiến Hải đưa tay lên che mắt cùng trán, một lát sau buông ra, sau đó khí thế bước xuống giường, đeo kính và lật tung áo khoác và hành lý của mình, vừa lật vừa ném mấy tờ phiếu lên giường, nói: “Có phải cô lấy tôi chỉ vì tiền thôi đúng không? Cô đòi tiền đúng không, cho cô, cho cô hết đấy!”.
Vứt hết tiền và phiếu mà mình có đến trước mặt Lưu Oánh, anh nhìn Lưu Oánh hỏi: “Đủ chưa? Có đủ không?! Không đủ để tôi đi mượn về cho cô! Cô có muốn không?! Cô không sợ mất mặt nhưng tôi sợ”.
Lưu Oánh siết chặt ngón tay, ngồi ở trên giường nhìn chằm chằm Giang Kiến Hải, dáng vẻ trông như muốn nhảy dựng lên liều mạng với anh. Nhưng cô vẫn giữ nguyên tư thế và biểu cảm này, không tiếp tục ầm ĩ với Giang Kiến Hải nữa.
Giang Kiến Hải đứng ở trước giường, giây phút yên tĩnh khiến anh tìm về một chút lý trí. Anh đột nhiên cảm thấy còn sống, còn thở thật con mẹ nó quá mệt mỏi, ngồi xuống bên mép giường, anh tháo kính xuống và nói: “Lưu Oánh, tôi cưới em là muốn có một cuộc sống tốt đẹp, một cuộc sống bình yên làm mọi người phải ghen tị, chứ không phải suốt ngày gà bay chó chạy để cho người ta chế giễu như bây giờ”.
Lưu Oánh nhìn sườn mặt của anh, rốt cuộc mở miệng: “Giờ công việc của anh đã ổn định, anh đã là xưởng trưởng rồi. Nếu anh muốn có một cuộc sống yên ổn, không muốn bị người ta chế giễu như bây giờ thì dẫn theo em lên thành phố đi!”.
Giang Kiến Hải nhướng mày trầm mặc, một lúc sau mới nói: “Sao em vẫn không nghe hiểu thế nhỉ? Mẹ anh lớn tuổi rồi, một ngày nào đó không chừng bà ấy sẽ mất. Nếu như trong nhà không có ai chiếu khán, lỡ xảy ra chuyện gì cũng không ai hay biết vậy anh sẽ bị người ta mắng chết!”.
Lưu Oánh không hề thay đổi vẻ mặt, trong lòng đang nghĩ—- Chết không có ai biết đó là quả báo của mụ già chết tiệt đó!
Ngoài miệng lại nói: “Em mặc kệ, em chỉ muốn lên thành phố với anh”.
Giang Kiến Hải thật sự bó tay rồi, khi yêu rõ ràng anh thấy Lưu Oánh có tri thức, hiểu lễ nghĩa lại thông tình đạt lý lắm mà. Tại sao sau khi cưới lại như biến thành một người khác vậy? Anh thực sự bị cô bức đến điên rồi!
Không thể chịu đựng được nữa, thậm chí anh muốn đập đầu vào tường chết cho xong. Nhịn xuống loại xúc động này, anh đưa tay gãi mạnh vài cái trên tóc rồi dựa vào tường gần đầu giường, chớp mắt thở hổn hển.
Lưu Oánh nhặt chỗ tiền và phiếu vung vãi trên giường cất đi, lại nhìn anh nói: “Nếu anh không mở miệng được thì để em nói với mẹ anh. Để em đi làm người xấu đi, dù sao ấn tượng của em ở trong lòng bà cũng không tốt lành gì”.
Sắc mặt Giang Kiến Hải cứng đờ, thở hổn hển không lên tiếng.
Anh muốn nói ly hôn, hai chữ này đã ở ngay bên miệng nhưng lại không chịu được bản thân sẽ trở thành trò cười càng lớn hơn. Nếu ly hôn rồi tìm người khác đó là cưới lần bốn, với anh chắc chắn sẽ khó tránh khỏi có ảnh hưởng xấu, với lại người vợ này chính là gái thành phố mà lòng anh ngưỡng mộ tự mình tìm mà.
Lưu Oánh không biết anh đang nghĩ gì, cô tiếp tục nói khi thấy anh không lên tiếng: “Anh lại có thể trộm đi lần nữa, nhưng em không biết chắc nửa đời sau của anh liệu có sống an ổn hay không. Em đã nói em không hầu hạ được mẹ anh, anh có vứt em lại ở nông thôn cũng vô dụng thôi, ngoại trừ ngày nào cũng cãi nhau với bà ấy. Lần trước em không lên thành phố tìm anh đó là giữ thể diện cho anh, không muốn ảnh hưởng đến chuyện thăng chức của anh, nhưng nó không có nghĩa là em chấp nhận hành vi đó của anh. Nếu anh lại lén lút vứt em ở lại đây, em không biết chính mình sẽ làm ra cái gì đâu. Ví dụ như…..quân pháp bất vị thân tố cáo vạch trần, đưa một ít người lên đại hội diễn thuyết để nhận phê bình…… Dù sao cũng có một ít người miệng nát, lời gì cũng dám nói ra được……”.
(*) Quân pháp bất vị thân: là pháp luật của vua không thiên vị ai.
Nghe Lưu Oánh nhắc tới đại hội phê bình, Giang Kiến Hải quay sang nhìn chằm chằm cô, trong mắt ngập tràn âm tàn phẫn nộ. Nhưng anh không phát tiết ra ngoài, một lúc sau nhắm mắt chịu đựng.
Anh không nói thêm gì nữa, anh muốn giết người, muốn đi chết.
Cuộc sống như này sao mà sống tiếp được nữa, còn không bằng chết trẻ rồi lại đi đầu thai đi!
* * *
Gần như cả đêm không ngủ.
Ngày thứ hai lúc ăn cơm, Lưu Oánh nói với Lý Quế Mai ở trên bàn cơm rằng cô muốn lên thành phố.
Lý Quế Mai sững sờ một lúc sau khi nghe xong, nhưng bà không để ý tới Lưu Oánh mà quay sang nhìn Giang Kiến Hải.
Dưới mắt Giang Kiến Hải có quầng thâm rất lớn, anh hít sâu một hơi rồi trầm giọng giải thích: “Mẹ, con ở bên kia giờ bận lắm, thật sự hơi thiếu người, mỗi ngày ăn đều không ngon nên con tính dẫn Lưu Oánh lên đó để chăm sóc con. Hôm nay con sẽ qua nhà chị hai một chuyến, nhà chị ấy cách nhà mình gần, con sẽ nhờ chị ấy có rảnh thì qua xem mẹ. Con vẫn sẽ thường xuyên trở về, nếu như mẹ có việc cũng có thể gọi điện thoại đến nhà máy cho con”.
Nghe anh nói, Lý Quế Mai cúi đầu, tay cầm đũa chầm chầm xới cơm, nội tâm bất giác cảm thấy nghèn nghẹn. Một lúc lâu sau, bà mới nhìn về phía Giang Kiến Hải: “Vậy A Ngạn, A Nguyên và A Hân thì sao?”.
Khi nghe câu hỏi này, ba đứa nhỏ Giang Ngạn cũng lên tinh thần và đều nhìn chằm chằm Giang Kiến Hải.
Giang Kiến Hải còn chưa lên tiếng, Lưu Oánh đã tiếp lời: “Cùng đi theo. Con muốn chuyển học bạ của mấy đứa lên đó, sau này để chúng đi học ở thành phố. Giang Ngạn, Giang Nguyên và Giang Hân đều thông minh, lên thành phố học sẽ có triển vọng lớn hơn”.
Cô vừa dứt lời, niềm vui khấp khởi lập tức hiện lên trong mắt ba đứa nhỏ.
Riêng Lý Quế Mai lại thấy ấm ức khi nghe Lưu Oánh nói chuyện, bà gắp một miếng cơm đưa vào miệng, nhai một lúc lâu mới nuốt xuống và nói: “Mấy người muốn đi thì đi đi, tôi chỉ là một bà già chướng mắt người khác, không cần phải nói với tôi”.
Giang Kiến Hải nghe xong lời này cũng không chịu được, anh mở miệng định nói chuyện nhưng lại bị Lưu Oánh dùng khuỷu tay chọc một cái, thế là câu nói bị nghẹn giữa chừng nuốt không được nhả không ra.
Ngày hôm sau, Giang Kiến Hải dẫn theo Lưu Oánh và ba đứa nhỏ cùng mấy túi hành lý, ngồi thuyền xuất phát đi tới thành phố Tô. Sau khi khởi hành, Lưu Oánh cùng ba đứa trẻ đều rất vui vẻ, chỉ riêng Giang Kiến Hải một mực trầm mặt không nói nửa câu.
Anh ngồi trên thuyền nhìn mặt sông lăn tăn, trong lòng cứ nghèn nghẹn không thở ra được, trong đầu không hiểu sao lại hiện lên rất nhiều hình ảnh kiếp trước—- Mẹ hiền con hiếu, nhi nữ biết cố gắng, vui vẻ phồn vinh, mọi thứ chân thật như thế nhưng giờ lại thoáng như một giấc mơ đẹp.
* * *
Mà ở sau khi Giang Kiến Hải dẫn theo Lưu Oánh và ba đứa trẻ rời đi, Lý Quế Mai lập tức đi tìm nhóm bà bạn già vừa khóc nước mắt đầm đìa vừa cầm khăn tay lau nước mắt. Miệng mắng Lưu Oánh là hồ ly tinh ngàn năm, cướp mất con trai của bà.
Bà không quan tâm Lưu Oánh đi hay ở, vì Lưu Oánh ở lại nông thôn với bà mà nói thực sự không tốt chỗ nào. Suốt ngày chỉ biết làm bà tức chết, mà bà thì lại không có cách gì để xử trí cô ta, nhưng bà không thể chấp nhận con trai mình sẽ dẫn cô ta đi.
Hơn nữa cho đến trước khi đi, con trai bà cũng không hỏi bà một câu: “Mẹ có muốn đi cùng chúng con không?”.
Con trai bà chắc chắn là không có vấn đề, tất cả đều do con hồ ly tinh kia!
Nghe bà khóc một hồi, không biết lão bà nào nói lớn: “Xời, giờ bà đã biết A Hương tốt chưa?”.
Lý Quế Mai nghe vậy thì sững sờ, sau đó vỗ đùi cái bốp, quả là hối hận đến mức muốn cắn nát răng vàng!
* * *
Bởi vì Lý Quế Mai thường xuyên ra ngoài kể xấu nên mấy chuyện phiền phức của nhà họ Giang chẳng mấy chốc lại truyền đi xa, trở thành chủ đề của rất nhiều người lúc trà dư tửu hậu. Gì họ cũng nói, tóm lại là nói rất sôi nổi.
Nhà họ Giang mỗi ngày đều ra một cố sự, trong khi cuộc sống của Ninh Hương vẫn ngày này qua ngày khác đã hình thành mấy việc không thay đổi. Ngoại trừ thỉnh thoảng sẽ tới xưởng thêu vì lời mời của mấy người Hồng Đào thì không có gì đặc biệt cả. Cuộc sống của rất nhiều người dường như cũng giống như Ninh Hương không có nhiều biến hóa, nhưng thời gian vẫn trôi qua trên đầu ngón tay và những đường kim thêu của thợ thêu, ngày qua ngày, đuổi theo thời đại đi về phía trước.
Ngày 6 tháng 7 năm 1976, Nguyên soái Chu Đức qua đời vì bệnh.(1)
Ngày 28 tháng 7, một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter đã xảy ra ở khu vực Đường Sơn và Phong Nam của tỉnh Hà Bắc, và ảnh hưởng đến Thiên Tân, Bắc Kinh và nhiều nơi khác. Trận động đất khiến hơn hai trăm bốn mươi hai nghìn người thiệt mạng và hơn một trăm sáu mươi tư nghìn người bị thương.(2)
Ngày 9 tháng 9, chủ tịch Mao qua đời. Vào ngày 18, hàng triệu người dân thủ đô đã tổ chức một cuộc mít-tinh tưởng niệm lớn tại quảng trường Thiên An Môn.(3)
Ngày 6 tháng 10, bộ chính trị Trung Quốc đã thực hiện ý nguyện của đảng và nhân dân và đưa ra những biện pháp quyết định nhằm đập tan tình trạng “tứ nhân bang”, chấm dứt mười năm “cách mạng văn hóa”.(4)
+ + +
(1) Chu Đức ( 朱德 ): Tên tự: Ngọc Giai (玉阶). Ông sinh ngày 1 tháng 12 năm 1886 và mất ngày 6 tháng 7 năm 1976, là một chính khách và một nhà lãnh đạo quân sự Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông tên thật là Chu Đại Trân, quê ở huyện Nghi Lũng, tỉnh Tứ Xuyên. Ông là một trong mười Nguyên soái của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được phong hàm trong một đợt phong Nguyên soái duy nhất vào ngày 23 tháng 9 năm 1955.
(2) Còn được gọi là “Động đất Đường Sơn” ( 唐山大地震 ). Hán Việt: Đường Sơn đại địa chấn. Đó là một trận động đất xảy ra ngày 28 tháng 7 năm 1976 với chấn tâm nằm gần thành phố Đường Sơn, Hà Bắc (Trung Quốc). Đây thường được coi là trận động đất gây thương vong nhiều nhất thế kỷ XX xếp trên cả Động đất Ấn Độ Dương 2004. Thiên tai này đã hủy diệt gần như toàn bộ thành phố công nghiệp Đường Sơn, nơi sinh sống của khoảng 1,6 triệu người Trung Quốc, theo thống kê ban đầu của Chính phủ Trung Quốc đã có 655.000 người thiệt mạng, con số này sau đó được giảm xuống còn từ 240.000 đến 255.000 người, ước tính 164.000 người khác cũng bị thương nặng vì trận động đất.
(3) Mao Trạch Đông (phồn thể: 毛澤東; giản thể: 毛泽东; bính âm: Máo Zédōng). Ông sinh ngày 26 tháng 12 năm 1893 và mất ngày 9 tháng 9 năm 1976. Ông được người dân Trung Quốc gọi với tên tôn kính là Mao Chủ tịch, là một nhà cách mạng người Trung Quốc, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi thành lập năm 1949 cho đến khi ông qua đời năm 1976. Là một người theo chủ nghĩa Marx-Lenin, lý thuyết, chiến lược quân sự, chính sách chính trị của ông được gọi chung là chủ nghĩa Mao.
(4) Tứ nhân bang (giản thể: 四人帮, phồn thể; 四人幫) hay còn được gọi là “bè lũ bốn tên” theo các phương tiện truyền thông của Việt Nam, là cụm từ để chỉ một nhóm lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc bị nhà cầm quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho là cấu kết với nhau lộng quyền và để sát hại những Đảng viên không theo phe cánh từ Đại hội X của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng sau đó bị bắt và xét xử năm 1976, sau khi Mao Trạch Đông mất. “Bè lũ bốn tên” là những thành viên hoạt động tích cực nhất trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc. “Bè lũ bốn tên” bao gồm: Giang Thanh (vợ thứ tư của Mao Trạch Đông), Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn.
+ + +
Những niềm vui và nỗi buồn trong năm nay là rất lớn, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những sự kiện trên khiến thần kinh và cảm xúc đều bị kéo căng. Sau khi tứ nhân bang rơi đài, tình hình trong nước chưa nhanh chóng ổn định lại và rơi vào thời kỳ rối ren ngắn ngủi.
Mọi người đều biết rằng thời đại kia đã sắp kết thúc, nhưng họ không biết thế giới tiếp theo sẽ như thế nào.
Nhưng bất kể có xảy ra chuyện gì, dù con đường tương lai có bao nhiêu mê mang thì việc lấp đầy dạ dày vĩnh viễn là chuyện đầu tiên mọi người chú ý đến. Vì vậy, cuộc sống và đội sản xuất ở hầu hết các nơi vẫn diễn ra như cũ và chưa bị ảnh hưởng lớn bởi các sự kiện trên.
Cuộc sống của Ninh Hương tất nhiên vẫn vậy, ngẫu nhiên tới xưởng thêu nghe một ít bát quái, biết một ít chuyện của nhà người khác. Ví dụ như Hồ Tú Liên đang tìm bà mối để làm mai cho Ninh Lan nhưng vẫn luôn không tìm được người phù hợp và hài lòng, do đó Ninh Lan vẫn tiếp tục kiếm điểm công cho gia đình.
Lại ví dụ như, Lý Quế Mai đã sống một mình hơn nửa năm, hiện tại bà đã ít đi rất nhiều kiêu ngạo và nhiều hơn rất nhiều oán hận, chỉ riêng việc mắng chửi con dâu là chưa từng thay đổi. Sống một mình, bà càng thêm bừa bãi và đã biến căn nhà của mình thành một bãi rác, mùi thối bốc cao ngút trời. Ngoại trừ mấy cô con gái thỉnh thoảng quay về giúp bà dọn dẹp, rồi cằn nhằn việc bà không thích sạch sẽ thì không còn ai giúp bà dọn dẹp nhà cửa.
Từ khi Giang Kiến Hải và Lưu Oánh chuyển lên thành phố ở, mỗi lần dẫn theo mấy đứa trẻ về thăm Lý Quế Mai, họ cũng chỉ ở lại một ngày rồi rời đi. Không ai biết cuộc sống ở thành phố của họ như thế nào, nhưng có người nói, sống tốt hay không đều viết hết lên mặt. Nhìn Giang Kiến Hải và Lưu Oánh so với ngày trước càng già hơn, trong mắt hiện rõ vẻ mệt mỏi là biết được cuộc sống của họ rất không suôn sẻ và hài lòng.
Mà cũng bởi vì thời gian trôi qua lâu, không còn nhiều người nói đến chuyện ly hôn của Ninh Hương nữa, tất cả mọi người dường như đã quen và chấp nhận nó. Chỉ là thỉnh thoảng sẽ có bà mối tới cửa nói chuyện hôn sự, đều là một ít người gia cảnh nghèo khó hoặc đàn ông cưới lần hai, mỗi lần như vậy Ninh Hương đều đuổi bà mối đi.
Bị thái độ của Ninh Hương làm mất hứng mấy lần, những bà mối đó cũng tự giác không đến giúp người giật dây nữa, nhưng nói chung là vẫn có chút cảm xúc. Họ ở sau lưng đều nói Ninh Hương không biết tốt xấu, để rồi xem đời này cô còn có tái giá được không?
Một năm kéo một năm, người phụ nữ ngày càng già đi, đến lúc đó muốn lấy được chồng thì càng khó hơn?
Và thời gian trôi đi đúng là rất nhanh, đã một năm kể từ ngày ly hôn, nhưng trong suốt một năm này, Ninh Hương chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tái hôn. Tính cách cô điềm tĩnh có khả năng chịu được tịch mịch và vẫn luôn làm phong phú chính mình, vì vậy cô không cảm thấy rằng cô cần phải có một người đàn ông.
Cô lợi dụng một năm qua để ôn tập lại các kiến thức trong sách giáo khoa cấp hai, cấp ba, đồng thời học thuộc tất cả các bài văn, bài thơ cần đọc thuộc lòng. Ngay cả số bài văn, bài thơ cô thích không nhất thiết phải học thuộc lòng cũng được cô ghi nhớ chúng.
Đồng thời, cô đã tiết kiệm được rất nhiều tiền nhờ vào thêu thùa, bởi vì có Vương Lệ Trân dạy cùng với sự khổ luyện và nghiên cứu chăm chỉ nên kỹ thuật thêu của cô đã tinh tiến hơn trước, chất lượng đồ thêu do cô thêu ra được đề cao lên rất nhiều bằng mắt thường có thể thấy. Tuy rằng sản phẩm thêu của cô trước kia cũng tốt, nhưng còn chưa đạt tới mức khiến người ta phải kinh diễm.
Ninh Hương luôn cảm thấy mình đang tu luyện, cô luôn tin rằng mọi nỗ lực và lắng đọng của mình sẽ không vô ích.
Rồi điều mà cô tin tưởng đã xảy ra vào một ngày cuối cùng của tháng mười năm 1976.
Hôm đó, Hồng Đào đến nhà Vương Lệ Trân tìm cô vào chiều tối. Mặc dù đại cách mạng đã kết thúc nhưng tập tục xã hội hiện tại vẫn chưa bắt đầu thay đổi, hắc ngũ* vẫn chưa thể đứng lên làm người, do đó Hồng Đào không dám đi vào nhà Vương Lệ Trân mà chỉ đứng ngoài gọi Ninh Hương ra.
(*) 黑五类 – Hắc Ngũ: là tên gọi không chính thức của “năm loại phần tử” là địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu, cánh hữu từ những ngày đầu thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến hết Cách mạng Văn hóa. Đối lập chính là Hồng ngũ gồm chiến sĩ cách mạng, cán bộ cách mạng, công nhân, bần cố nông, trung nông. Đây là tầng lớp chính trị dân đen dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong ba thập kỷ đầu. Giai đoạn sau, tiếp tục tăng lên Hắc cửu là địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu, cánh hữu, phản quốc, mật thám, tư bản chui, trí thức. Theo lý thuyết phả hệ, hắc ngũ và các thành viên gia đình của họ đã bị đối xử bất bình đẳng trong khoảng 30 năm kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho đến khi kết thúc Cách mạng Văn hóa. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, hầu hết các hắc ngũ đều phải chịu sự đàn áp, đánh đập, bức hại đầu tiên.
Sau khi gọi người ra ngoài, cô ấy kéo Ninh Hương đến bên cạnh, nói với vẻ thần thần bí bí: “A Hương, hôm nay chị tới trạm thêu có việc, trạm trưởng Trần nhờ chị chuyển lời cho em bảo em ngày mai qua đó một chuyến đấy”.
Thời hạn đồ thêu trên tay Ninh Hương còn chưa tới, mà cô cũng chưa hoàn thành xong nên có chút khó hiểu, hỏi Hồng Đào: “Có chuyện gì thế ạ?”.
Mặt mày Hồng Đào khẽ cong lên: “A Hương à, em lợi hại thật đấy. Trạm trưởng Trần nói rằng có một thầy thêu ở thành phố Tô muốn đích thân gặp em. Xem ra đồ thêu của trấn Mộc Hồ chúng ta sau khi đưa qua thành phố Tô đã được một thầy thêu nhìn trúng tay nghề của em, người ta cầm tranh thêu của em tới công xã hỏi, trạm trưởng Trần nhận ra đó là tay nghề của em nên thầy thêu kia nói muốn gặp em đấy”.
Nghe Hồng Đào nói thế, Ninh Hương cũng không nhịn được mà kích động, hai mắt sáng ngời hỏi: “Gặp em có việc gì thế ạ?”.
Cái này thì Hồng Đào không biết: “Chị cũng không biết, ngày mai em qua thì mới biết được”.
Ninh Hương vẫn rất kích động, cô cười cong mắt nói với Hồng Đào: “Em cảm ơn chị nhé, chị Đào”.
Hồng Đào vỗ tay cô: “Cố lên!”.
Ninh Hương tiễn Hồng Đào một đoạn xa, sau đó đi vào nhà nói cho Vương Lệ Trân biết chuyện này. Vương Lệ Trân cũng cảm thấy đây là một chuyện tốt và rất vui thay cho Ninh Hương, nhất là khi bà nhìn cách Ninh Hương miệt mài thêu thùa đến quên hết tất cả mỗi ngày, bà hy vọng sự chăm chỉ của cô sẽ được đền đáp.