Đọc truyện Sát Phá Lang – Priest – Chương 3: Danh tướng
Tổ tiên Từ gia để lại ít đất đai, Từ bách hộ lại là quân hộ, sống ở địa phương cũng rất không tệ, trong nhà có chút tài sản, liền nuôi một bà đầy tớ già làm mấy việc linh tinh như nấu cơm quét tước.
Đợi đến khi sắc trời hơi hửng sáng, lão trù nương Từ gia mới chậm chạp làm xong điểm tâm, đến gõ cửa thư phòng Trường Canh: “Thiếu gia, phu nhân hỏi cậu có đến phòng bà ăn hay không.”
Trường Canh đang tập trung tinh thần luyện viết chữ theo mẫu, nghe vậy động tác cầm bút dừng lại, trả lời theo thói quen: “Không, mẹ thích thanh tĩnh, ta không đi quấy rầy đâu, phiền bà nói với mẹ ta một tiếng, cứ bảo nhi tử vấn an.”
Lão trù nương không bất ngờ với câu trả lời của y, vì đối đáp mỗi ngày giữa mẫu tử này giống như chỉ làm lấy lệ, chẳng có gì mới mẻ cả.
Kể cũng lạ kì, theo lý thì Từ bách hộ chẳng qua là cha kế, Trường Canh và Tú Nương mới là mẫu tử ruột, nhưng chỉ có mấy ngày Từ bách hộ ở nhà, đôi mẫu tử ruột này mới ngồi ăn cơm cùng bàn, sớm chiều thăm hỏi, giả bộ từ hiếu, hòa thuận vui vẻ, chỉ cần nam chủ nhân vừa đi là họ sẽ lạ hơn cả người lạ, chẳng ai thèm để ý tới ai, ở trong cùng một viện, vậy mà Trường Canh ngay cả cửa chính cũng không đi, mỗi ngày đều qua cửa hông chạy sang cách vách, hai mẹ con mươi bữa nửa tháng cũng chưa chắc đã gặp mặt một lần.
Ngay cả đợt bệnh nặng mất nửa cái mạng của Trường Canh năm trước, Tú Nương cũng chỉ thờ ơ đến ngó qua, chẳng hề để ý tới việc đứa con duy nhất này sống hay chết.
Cuối cùng vẫn là Thập Lục gia bế đi chăm sóc.
Lão trù nương luôn hoài nghi Trường Canh không phải con ruột của Tú Nương, nhưng nhìn ngoại hình thì hai mẹ con lại rất giống nhau, hẳn nhiên có quan hệ huyết thống.
Huống chi, nếu không phải con ruột, một nữ nhân nhu nhược như Tú Nương, lưu lạc tha hương, thân mình còn khó bảo vệ, vì sao phải dẫn theo đứa trẻ đó?
Căn bản không nói thông nổi.
Một lát sau, lão trù nương xách hộp đựng cơm tới, nói với Trường Canh: “Chắc hôm nay lão gia sẽ về thành, phu nhân dặn thiếu gia nhớ về sớm.”
Trường Canh hiểu ý bà ta là gì, Từ bách hộ trở về, họ lại phải giả vờ mẫu từ tử hiếu, liền gật đầu đáp một tiếng: “Biết rồi.”
Ánh mắt y dừng trên hộp cơm, bỗng nhiên, Trường Canh nhìn thấy trên quai dính một sợi tóc dài, tay vốn đưa ra lập tức rụt về.
Tóc lão trù nương đã bạc trắng, sợi tóc đen nhánh mềm mượt này đương nhiên không phải của bà lão, Từ bách hộ vẫn chưa trở về, trong nhà cả chủ lẫn bộc, tổng cộng ba người, không phải trù nương thì đương nhiên là của Tú Nương rồi.
Trường Canh bị bệnh sạch sẽ một cách kỳ quái – con chê mẹ ruột.
Ở cách vách, bảo y ăn cơm thừa trong bát nghĩa phụ đã dùng cũng được, nhưng vừa về nhà, chỉ cần là thứ Tú Nương từng chạm thì một miếng y cũng không đụng vào.
Lão trù nương biết tính nết kỳ lạ này, vội dè dặt lấy sợi tóc kia đi, cười xòa nói: “Đây là phu nhân không cẩn thận làm rơi lên thôi, món bánh này ra khỏi nồi chưa có ai động vào cả, cậu cứ yên tâm.”
Trường Canh hết sức lễ phép nở nụ cười với bà lão: “Không sao, hôm nay ta vừa vặn có vài vấn đề muốn thỉnh giáo Thẩm tiên sinh, để lát nữa ta đến chỗ nghĩa phụ ăn luôn.”
Nói xong, y rốt cuộc không nhận hộp cơm, kẹp sách vở trên bàn vào nách, cầm trọng kiếm treo ở cửa sau mà đi ra ngoài.
Trong viện, Thẩm tiên sinh đang xắn tay áo bận rộn bôi dầu cho mấy cương giáp đã tháo ra.
Cương giáp là do quan binh thủ thành đưa tới. Thực ra quan binh Nhạn Hồi cũng có “Trường Tý sư” chuyên môn tu sửa cương giáp quân dụng, chỉ là trong quân có quá nhiều mũ giáp nên luôn làm không xuể, họ liền chia bớt việc cho Trường Tý sư dân gian.
“Trường Tý sư” là những người sửa chữa cương giáp, hỏa cơ, cả ngày tiếp xúc với mấy thứ bằng sắt, xem như là một người thợ tay nghề. Thế nhưng trong mắt lão bách tính thì Trường Tý sư chẳng khác lắm với đánh chó sửa chân cắt tóc, đều thuộc về “hạ cửu lưu”(1), dù cho làm nghề này không lo cơm áo, song cũng chẳng vẻ vang lắm.
Thẩm tiên sinh là người đọc sách, chẳng biết vì sao lại có sở thích kỳ lạ này, không chỉ rảnh rỗi tự mình loay hoay, còn thường xuyên dùng tay nghề kiếm chút đỉnh tiền, rất ảnh hưởng tới sự văn nhã.
Mà Thẩm Thập Lục bất cẩn chui vào trong giấc mơ của thiếu niên kia đang vô công rồi nghề duỗi đôi chân dài ngồi trên bậc cửa, toàn thân dặt dẹo dựa khung cửa như không xương, bên cạnh để một bát thuốc không – y uống xong cũng chẳng biết đi rửa.
Thập Lục lại vươn vai, lừ đừ vẫy tay gọi Trường Canh, phân phó: “Nhi tử, đi lấy bầu rượu cho ta.”
Thẩm tiên sinh tay toàn dầu máy, mồ hôi nhễ nhại bảo Trường Canh: “Mặc xác y đi, đã ăn chưa?”
Trường Canh: “Vẫn chưa ạ.”
Thẩm tiên sinh liền quay đầu sang Thập Lục gào lên: “Sáng dậy đã nằm đó chờ ăn! Không thể làm chút việc hả? Đi vo ít gạo, nấu vài bát cháo đi!”
Thẩm Thập Lục nghiêng đầu, điếc vừa đủ, chậm rì rì nói: “Hả? Cái gì?”
“Để ta,” Trường Canh riết cũng thành quen, “Vo gạo gì?”
Lần này Thập Lục gia nghe thấy, hàng mày dài nhướng lên, nói với Thẩm tiên sinh: “Bớt sai trẻ con đi, sao không tự mình đi nấu hả?”
Thẩm tiên sinh nhã nhặn này ngày ngày bị tên đệ đệ bại gia khốn nạn kia chọc giận khiến Tam muội chân hỏa bốc lên đầy mặt: “Không phải đã nói là thay phiên sao? Nam tử hán đại trượng phu, ngươi không nghe thấy thì thôi, nói chuyện còn chẳng bao giờ giữ lời là thế nào!”
Thẩm Thập Lục giở lại chiêu cũ, lại “không nghe thấy”, hỏi: “Y đang sủa cái gì vậy?”
Giả bộ giống hết sức.
Trường Canh: “…”
Kỳ thực làm kẻ điếc cũng rất tiện.
“Tiên sinh nói…” Trường Canh vừa cúi đầu, liền đụng trúng ánh mắt trêu đùa của Thập Lục, chỉ tích tắc cảnh trong giấc mơ đêm hôm trước lại lướt qua trước mắt, y thình lình phát hiện thì ra mình không phải là không chút động lòng.
Họng Trường Canh đột nhiên hơi khô, y vội cố gắng định thần lại, mặt không biểu cảm nói: “Lão nhân gia người nên ngồi yên đi, đừng có sáng sớm đã phí tâm chơi xấu.”
Thẩm Thập Lục hôm nay còn chưa kịp uống rượu, chút lương tâm ít ỏi cuối cùng không bị ngâm thành hèm rượu, y cười tít mắt kéo tay Trường Canh, mượn lực đứng dậy, thân mật vỗ đầu thiếu niên, rồi khập khiễng đi vào bếp.
Y vậy mà thật sự chuẩn bị làm việc – Thập Lục gia trăm năm khó được một lần có thể làm chút việc, hiếm thấy vô cùng, có thể so với đá nở hoa luôn ấy chứ.
Trường Canh vội đi theo, chỉ thấy nghĩa phụ khệnh khạng bốc đại mấy nắm gạo, ném hết vào nồi, sau đó ào ào đổ nước, khiến bọt nước văng tung tóe, kế đó y tự hạ thấp địa vị thò hai ngón tay khuấy một cái, lấy ra vẩy vẩy cho khô, tuyên bố: “Vo xong một nửa rồi, Thẩm Dịch, tới thay phiên đi!”
Thẩm tiên sinh: “…”
Thẩm Thập Lục tiện tay xách bầu rượu trên bàn bếp, ngửa đầu dốc một ngụm, như mây bay nước chảy, chuẩn xác không lầm.
… Đôi khi Trường Canh hoài nghi, y ngay cả “mù” cũng chỉ là làm bộ thôi.
Chắc Thẩm tiên sinh phục rồi, không thèm đấu tranh vô nghĩa nữa, hùng hùng hổ hổ dùng bồ kết rửa sạch tay, chạy vào bếp hấp bánh và bắt đầu thu dọn đống lộn xộn Thập Lục vứt lại.
Trường Canh cho Thẩm tiên sinh xem từng tờ giấy mà mình viết lúc sáng sớm, Thẩm Dịch xem xong bình luận xong, Trường Canh liền bỏ giấy vào bếp, giúp đỡ nhóm lửa.
“Chữ viết rất tiến bộ, gần đây bỏ không ít công sức nhỉ,” Thẩm tiên sinh nói: “Ta thấy ngươi phỏng theo là Trường đình thiếp của An Định hầu Cố Quân?”
Trường Canh: “Vâng.”
Thập Lục đang ngồi chơi xơi nước bên cạnh nghe vậy bất ngờ quay đầu sang, trên mặt thoáng qua dị sắc.
Thẩm tiên sinh không ngẩng đầu: “An Định hầu mười lăm lĩnh binh, một trận chiến thành danh, mười bảy làm thống soái, phụng mệnh Tây chinh, trên đường đi qua ngoài thành Tây Lương, gặp di tích cổ nhân, tiền triều cảnh vật như xưa, mà giang sơn đã trăm năm, cảm xúc dâng lên cầm bút viết ‘Trường đình phú’, vốn là viết xong thì thôi, không ngờ bị bọn nịnh hót bên cạnh trộm lưu lại, khắc lên bia đá – kể ra thì nét chữ của Cố Quân là do Mạch Sâm tiên sinh hồng nho đương thời một tay dạy dỗ, quả có chỗ đáng học hỏi, chỉ là lúc viết Trường đình thiếp, y còn trẻ, lại là thiếu niên đắc chí, không khỏi có chút không biết trời cao đất dày, chưa đủ hỏa hầu. Ngươi đã luyện chữ, có nhiều cổ thiếp như vậy không chép, vì sao phải chép của người thời nay?”
Trường Canh cuộn tờ giấy đã viết đầy chữ, không hề tiếc rẻ nhét vào bếp: “Ta từng nghe kể, Huyền Ưng, Huyền Giáp, Huyền Kỵ tam đại Huyền Thiết doanh, ở trong tay lão Hầu gia dẹp yên mười tám bộ lạc Bắc man, sau truyền đến dưới trướng tiểu Hầu gia, lại khiến hãn phỉ Tây Vực cúi đầu – Không phải là ta thích nét chữ của y, ta chỉ muốn biết, nét chữ do bàn tay nắm tam đại Huyền Thiết doanh lưu lại là như thế nào.”
Cái muôi trên tay Thẩm tiên sinh vô thức khuấy trong nồi, ánh mắt lại tựa hồ đã bay xa, một lúc lâu mới chậm rãi nói: “An Định hầu họ Cố tên Quân, tự Tử Hi, là độc tử của trưởng công chúa của tiên đế và lão Hầu gia, thuở nhỏ cha mẹ mất sớm, được kim thượng thương hại, nuôi trong cung, còn đặc biệt ban cho tập tước, vốn trời sinh là người nhàn rỗi phú quý, lại phải đến Tây Vực ăn cát, anh hùng hay không thì ta không biết, nhưng chỉ sợ đầu óc không được tốt lắm.”
Thẩm tiên sinh mặc trường sam cũ giặt đến bạc màu, trên chéo áo còn dính dầu mỡ từ cương giáp, cổ đeo cái tạp dề mốc meo – nhà không có phụ nữ, hai huynh đệ này sống với nhau, chẳng kẻ nào ra gì, tạp dề kia không biết có phải là chưa từng giặt hay không mà sớm chẳng còn nhìn thấy màu nền, khoác trên người trông thật chẳng ra làm sao.
Chỉ có khuôn mặt ấy đường nét rõ ràng.
Thẩm Dịch mũi cao thẳng, lúc không nói cười, khuôn mặt nghiêng gần như uy nghiêm lãnh đạm, mí mắt y run nhẹ, bỗng nhiên thốt ra: “Từ sau khi lão Hầu gia đi, Huyền Thiết doanh công cao chấn chủ, khiến bên trên nghi kị, lại thêm trong triều nịnh thần hoành hành…”
Thập Lục vẫn không lên tiếng chợt mở miệng cắt ngang: “Thẩm Dịch.”
Hai người ở cạnh bếp cùng nhìn y, Thập Lục đang đăm đăm dòm một tấm mạng nhện nho nhỏ trên khung cửa.
Thập Lục uống rượu không lên mặt, càng uống sắc mặt càng trắng, một chút cảm xúc đều thu vào trong mắt, chẳng nhìn thấy rõ.
Y thấp giọng: “Đừng nói bậy bạ.”
Huynh đệ Thẩm thị bình thường cực kỳ không biết lớn nhỏ, kẻ làm huynh đệ bất kính huynh trưởng, huynh trưởng cũng chiều huynh đệ như gì, ngày ngày cãi nhau om sòm từ sớm đến khuya, thế nhưng tình cảm rất tốt.
Trường Canh chưa bao giờ nghe thấy Thập Lục nói chuyện bằng giọng điệu cứng nhắc này.
Y trời sinh mẫn cảm, không rõ nội tình, liền cau mày thật sâu.
Thẩm Dịch cắn chặt răng một thoáng, ý thức được Trường Canh đang quan sát mình, bèn miễn cưỡng thu lại cảm xúc, cười nói: “Coi như ta lỡ lời – nhưng phỉ báng triều đình chẳng phải là thức nhắm lúc trà dư tửu hậu sao? Ta chẳng qua tùy tiện nói một chút.”
Trường Canh nhận thấy bầu không khí xấu hổ, liền thông minh chuyển hướng đề tài, hỏi: “Thế trong mười năm từ Bắc phạt đến Tây chinh, Huyền Thiết doanh về ai quản?”
“Không ai quản cả,” Thẩm Dịch nói, “Sau khi Bắc phạt, Huyền Thiết doanh một độ trầm tịch, kẻ thì đi, kẻ thì chết, trong quân còn lác đác vài lão nhân, phần lớn cũng nản chí ngã lòng. Sau mười mấy năm, tinh binh ngày trước đã sớm đổi một thế hệ khác, trang bị nhiều năm chưa từng thay mới cũng đều hỏng hóc hết cả, cho đến vài năm trước Tây Vực phản loạn, triều đình không còn biện pháp, mới để An Định hầu nhận nhiệm vụ lúc lâm nguy, bắt đầu lại Huyền Thiết doanh – Nói là Cố soái tiếp quản Huyền Thiết doanh, chi bằng nói là y ở Tây Vực một lần nữa mài giũa ra một đội quân tinh nhuệ. Nếu có cơ hội, ngươi trái lại có thể học nét chữ của y hiện tại.”
Trường Canh sửng sốt: “Chẳng lẽ Thẩm tiên sinh từng nhìn thấy nét chữ về sau An Định hầu viết?”
Thẩm Dịch cười nói: “Tuy rằng hiếm thấy, nhưng phố phường thỉnh thoảng cũng lọt ra một hai tờ, đều tự xưng là hàng thật, có điều là thật hay giả thì ta cũng không biết.”
Y vừa nói vừa thổi khói trắng, bưng đồ ăn lên bàn, Trường Canh biết điều tới giúp đỡ, khi bưng cháo đi lướt qua Thẩm Thập Lục, lại bị con ma ốm kia bắt lấy bả vai.
Trường Canh lớn nhanh hơn thiếu niên bình thường, thân hình cao to hơn hẳn bạn cùng lứa, dù cho xương và thịt chưa đủ, chiều cao lại sắp đuổi kịp tiểu nghĩa phụ rồi, thế nên vừa hơi ngẩng đầu đã nhìn vào mắt Thập Lục.
Thập Lục kỳ thực có đôi mắt hoa đào rất điển hình, nhưng chỉ khi ánh mắt y rời rạc nhìn khắp nơi mới nhận ra, bởi vì khi tầm mắt y ngưng tụ, trong đôi đồng tử ấy phảng phất có một đôi vực sâu mây mù che phủ, đen kịt không thấy rõ.
Trong lòng Trường Canh lại giật mình, y hạ giọng, cố ý dùng cách xưng hô bình thường mình không hay dùng: “Nghĩa phụ, sao vậy?”
Thập Lục hờ hững nói: “Trẻ con chơi giỡn, không nên suốt ngày muốn làm anh hùng, anh hùng có kết cục nào tốt đẹp không? Con chỉ cần cả đời ăn no mặc ấm, không sầu lo gì, thì chính là cuộc sống tốt nhất rồi, cho dù túng thiếu nhàn tản một chút cũng không hề gì.”
Thẩm Thập Lục giả câm vờ điếc thì nhiều, hiếm khi mới nói vài câu tiếng người, nhưng vừa mở miệng đã hắt nước lạnh vào Trường Canh.
Một kẻ tàn phế dở mù dở điếc như y, đương nhiên không có chí lớn, nhuệ khí cũng không nốt. Nhưng những lời nhụt chí kiểu được ngày nào hay ngày nấy như vậy, người thiếu niên làm sao nghe lọt nổi?
Trong lòng Trường Canh phần nào không thoải mái, bởi vì cảm giác như bị coi thường vậy, y tức giận nghĩ thầm: “Đều chơi không như ngươi thì tương lai ai nuôi gia đình qua ngày? Ai chăm lo cho ngươi cơm ăn áo mặc? Đúng là đứng nói chuyện không đau lưng mà!”
Y tránh tay Thập Lục, nói lấy lệ: “Đừng lộn xộn, coi chừng cháo nóng làm bỏng bây giờ.”
—Trung Quốc xưa chia thân phận làm cửu lưu – chín loại, chia rõ hơn thì có thượng và hạ cửu lưu, tu cước tức sửa chân là dùng kéo cắt móng hoặc các vết chai ở bàn chân.