Sân không vắng vẻ tàn xuân

Chương 29:Phần 1


Bạn đang đọc Sân không vắng vẻ tàn xuân – Chương 29:Phần 1

ĐÌNH VIỆN LẠNH LẼO
Lãnh hương oanh biến hồng kiều mộng, mộng giác thành già.
Nguyệt thượng đào hoa, vũ hiết xuân hàn yến tử gia.  
không hầu biệt Hậu thùy năng cổ, tràng đoạn thiên nhai.
Ám tổn thiều hoa, nhất lũ trà yên thấu bích sa.
– “Thái tang tử” – Nạp Lan Dung Nhược
(Bài thơ tả tâm trạng đau buồn sau khi người mình yêu thương nhất rời đi.
Hai câu đầu: trong mơ thấy mình ở trên cầu lan can màu đỏ, vây quanh bởi làn hương thơm ngát, làm bạn với nàng, mà sau khi tỉnh lại thì chỉ nghe tiếng than khóc nức nở truyền tới từ ngoài phố. Mưa đã ngừng, ánh trăng hiện ra từ sau đám mây, hoa đào ngoài cửa sổ đang tỏa hương dưới ánh trăng, chim én nhẹ nhàng đậu trên cửa sổ.
Hai câu sau là nỗi nhớ sau khi ly biệt: cây đàn treo không, thấy vật lại nhớ đến người, tâm trạng buồn bã. Khiến người ta buồn đứt ruột không phải là hình ảnh cây đàn không người đánh mà là nỗi nhớ nhung người ấy đã cách xa chân trời. Những năm tốt đẹp đã trôi qua, một đợt khói trà ám vào mành xanh ngọc bích, cảnh đẹp đến đau lòng.)
Tháng ba là mùa hoa đua nở. Vì tết Vạn Thọ sắp đến nên người người trong cung đều đổi y phục Hoa Mãng. Đồng quý phi bị ho từ đầu xuân, tinh thần không khỏe, chỉ hơi nghiêng người nhìn các cung nữ kiểm lại gấm lụa mới mà Nội Vụ phủ đem đến. Ai ai cũng vui mừng, mồm năm miệng mười ồn ã: “Chủ nhân, người xem, mấy cuộn này đều là hàng dệt Tô Châu mới cống năm nay, thêu đẹp hơn, tỉ mỉ hơn hẳn Hồ Nam, Tứ Xuyên.”
Đang lúc cười nói náo nhiệt thì Đức tần và Đoan tần tới. Đoan tần vừa vào cửa đã cười nói ngay: “Tỷ tỷ đã khỏe rồi sao? Hôm nay trông sắc mặt tỷ rất tốt.” Mắt nhìn thấy gấm lụa muôn màu muôn vẻ, màu sắc rực rỡ bày la liệt, không khỏi cười đùa: “Mấy cuộn gấm vóc bày hết cả ra đây, vừa nhìn muội còn tưởng là tỷ tỷ sắp mở cửa hàng tơ lụa ấy chứ!”
Đồng quý phi hơi rướn người lên, bình thản đáp: “Đã phiền muội muội phải lo lắng rồi, tỷ đã khỏe hơn một chút. Mấy cuộn gấm này đều là Nội Vụ phủ dâng lên, hoàng thượng phái người đem đến để tỷ chiếu theo lệ mà chia cho lục cung. Các muội đến rất đúng lúc, mau đến chọn đi.”
Đoan tần cười đáp: “Tỷ tỷ sao lại nói như vậy, làm gì có chuyện bọn muội kén cá chọn canh chứ, tỷ chỉ bộ nào muội sẽ lấy bộ đó.”
Đồng quý phi đang muốn đáp lời, không ngờ lại ho một trận. Cung nữ vội đi lên cầm khăn hầu hạ. Đức tần thấy nàng ho đến mức mặt mày đỏ bừng, không nhịn được mà khuyên: “Tỷ tỷ phải giữ gìn sức khỏe. Thời tiết bây giờ cứ chợt nóng rồi chợt lạnh, rất dễ bị nhiễm lạnh.”
Đồng quý phi uống trà xong mới dần đỡ hơn một chút, chỉ tay về phía tràng kỉ: “Theo quy định xưa nay, vị trí tần được một cuộn gấm Hoa Mãng; Chức Kim, Đoạn Khố mỗi loại hai cuộn. Các muội thích hoa văn gì thì tự tới chọn đi.”

Đúng lúc nói chuyện thì có cung nữ bước vào bẩm báo: “Nghi chủ nhân đến thỉnh an chủ nhân ạ.”
Đức tần cảm thán: “Hôm nay thật là trùng hợp, cứ như đã hẹn từ trước vậy.” Nghi tần đã bước vào phòng. Thời tiết ấm áp, nàng mặc một bộ áo dài màu xanh hoa văn chữ phúc, thọ. Bên ngoài khoác một chiếc áo ngắn. Đoan tần cười: “Mọi người nhìn muội ấy thì sẽ càng muốn ăn mặc đẹp hơn.”
Nghi tần cung kính thỉnh an Đồng quý phi rồi hỏi han sức khỏe. Đồng quý phi sai người đỡ nàng đứng dậy, ban cho ngồi. Vì thấy trên chiếc áo ngoài của Nghi tần có một hàng khuy bằng trân châu, từng viên từng viên tròn trịa lấp lánh, Đoan tần không khỏi than lên môt tiếng “ai ôi”: “Mấy hạt đông châu (trân châu vùng Đông Bắc, quý hiếm, dùng trên mũ của hoàng hậu và hoàng thái hậu) trên y phục của muội muội thật là đẹp, là hoàng thượng mới ban thưởng sao?”
Nàng vừa nhắc tới, Đồng quý phi liền ngẩng đầu lên nhìn, Nghi tần đáp: “Đây rõ ràng là trân châu, làm gì phải đông châu. Dù muội có mượn gan hùm cũng chẳng dám dùng đông châu làm khuy áo!”. Đoan tần cười khẽ: “Hóa ra là nhìn không kĩ, mắt cũng không được tinh lắm, nhìn nhầm rồi.” Nghi tần vốn chẳng thích gì Đoan tần nên cũng không đáp lời.
Đồng quý phi lệnh ba người chọn y phục. Hai vị Đức tần, Nghi tần đều không quan tâm lắm đến mấy chuyện này, chỉ có Đoan tần là chọn tỉ mỉ kỹ càng. Chợt nghe Nghi tần bật cười một tiếng. Đức tần hỏi: “Muội muội cười gì vậy?”
Nghi tần đáp: “Muội cười tỷ ấy vừa bảo mắt mũi không còn tinh tường xong, đúng thật là mắt không còn tinh thật. Có mấy bộ này mà nâng lên đặt xuống một hồi vẫn chưa chọn xong.” Đoan tần không khỏi tức giận, nhưng lại e ngại lý lịch Nghi tần, người này còn mới sinh được một vị a ca nữa. Gần đây hoàng đế ngày nào cũng lật thẻ tên nàng, có thể thấy hoàng đế vô cùng sủng ái Nghi tần. Đoan tần không dám đụng vào, đành miễn cưỡng cười cười: “Tỷ nhìn không rõ nên một lúc lâu rồi vẫn chưa chọn xong.”
Biết Đồng quý phi bận bịu nhiều việc nên ba người lại ngồi thêm một lát rồi đứng dậy cáo từ. Đồng quý phi bỗng nói: “Nghi muội muội đợi đã, tỷ vẫn còn việc cần nhờ muội.”
Nghi tần đành ở lại, Đồng quý phi cân nhắc một hồi rồi bảo: “Qua mấy ngày nữa là tết Vạn Thọ rồi, vị chủ nhân ở Trữ Tú cung đó cũng rất đáng thương. Phiền muội muội vậy, muội tiện đường ghé qua đưa cho nàng vài bộ.”
Nghi tần nghĩ một lúc mới hiểu là Đồng quý phi đang nhắc đến Lâm Lang. Tuy chỉ mới gặp qua ở Nam Uyển nhưng Đồng quý phi vừa nhắc đến, nàng đã nhớ ngay người có khuôn mặt trắng như bạch ngọc bên cây bích đào ngày đó, bóng dáng thướt tha mà hờ hừng lạnh nhạt ấy khắc sâu vào lòng người. Nàng đáp vâng rồi sai người cầm mấy cuộn gấm rồi xin cáo từ.
Nàng ở Trường Xuân cung, cách Trữ Tú cung không xa nên đi thẳng tới luôn. Ban đầu Lâm Lang ở góc phía đông nhưng vì nơi đó chật chội nên mới đổi sang noãn các phía tây. Cẩm Thu đang ngồi dưới mái hiên thêu thùa, thấy Nghi tần thì vội bỏ xuống, chạy tới thỉnh an. Nghi tần hỏi: “Chủ nhân của ngươi đâu?”
Cẩm Thu không biết có chuyện gì nên trong lòng hơi bất an, nàng đáp: “Chủ nhân đang đọc sách ở trong phòng ạ.” Vừa nói vừa vén mành.
Nghi tần thấy trong phòng rộng rãi sáng sủa, cực kì sạch sẽ. Về phía nam trước tràng kỉ có đặt một chiếc bàn hoa lê lớn, Lâm Lang mặc bộ áo gấm màu xanh ngọc, hoa văn lá trúc ẩn hiện, trên đầu có cài chiếc trâm bằng ngọc bích, càng làm nổi lên khuôn mặt trẵng nõn yếu ớt. Nàng đang cúi đầu viết chữ, nghe tiếng chân thì ngẩng mặt lên. Lâm Lang thấy là Nghi tần tiến vào thì không hề ngạc nhiên, nàng thong thả buông bút xuống.
Nghi tần sai người đem cuộn gấm lên, Lâm Lang cảm tạ một tiếng rồi sai Cẩm Thu nhận lấy, cũng không có vẻ mặt gì khác thường, dường như mấy cuộn gấm vóc này cũng chỉ là vải lụa trắng đơn thuần trong mắt nàng vậy. Nghi tần nghe người ta nói rằng, nàng được sủng ái lâu dài, được ban cho châu báu quý giá nhiều đến không đếm xuể. Giờ nhìn thấy nàng như thế này hóa ra chẳng giống tưởng tượng, mà ngược lại, thật sự rất bình thường, trong lòng không khỏi kinh ngạc.
Nghi tần nhìn thấy trên giấy viết dày đặc là chữ, cũng chẳng hiểu thế nào là Trâm hoa tiểu giai, chỉ thấy chữ nào chữ nấy ngay ngắn đẹp đẽ mà thôi. Nàng không nhịn được mà hỏi: “Muội viết gì vậy?” Lâm Lang đáp: “Là bài “Xuân phú” của Dữu Tử Sơn.” Biết Nghi tần không hiểu nên nàng dừng một chút rồi nói: “Chính là viết bài thơ về mùa xuân.”

Nghi tần thấy chiếc lư hương trên bàn đang đỏ lửa, khói bay lên nhàn nhạt, luẩn quẩn vấn vít. Vẻ mặt Lâm Lang bình thản, mờ ảo ẩn hiện như khói từ lư hương kia. Giữa tay áo có một mùi hương xa lạ, âm thầm như muốn thấm vào tận xương tủy.
“Muội đốt hương gì vậy? Phòng thơm quá.” Nghi tần hỏi.
“Chỉ là hương Trầm Thủy bình thường thôi.” Ánh mắt nàng nhìn ra xa, vì thấy trăm hoa đua nở phía ngoài mành nên bất giác thở dài một hơi, khe khẽ đọc: “Trì trung thủy ảnh huyền thắng kính, ốc lí y hương bất như hoa.” (Gương không trong bằng nước ngoài hồ, hương trong phòng không thơm bằng hoa.) Thấy Nghi tần chăm chú nhìn mình, Lâm Lang cười cười giải thích: “Câu này chỉ là tả cảnh thôi, không có ý gì khác.”
Nghi tần cảm thấy Lâm Lang là người bình thản yên tĩnh. Dường như cảnh xuân tươi đẹp và muôn hoa cùng đủ loại chim chóc bên ngoài cửa sổ kia đều như vô hình. Nghi tần xưa nay là người cởi mở thẳng thắn, bây giờ đứng đối diện với Lâm Lang cứ như đứng trước hồ nước mùa thu vậy. Hồ yên lặng gợn sóng. Bản thân không hiểu sao bỗng thấy buồn bã.
Từ Trữ Tú cung trở về đến Trường Xuân cung, Nghi tần ngủ thêm một giấc ngủ trưa. Vì trời nắng đẹp nên nàng sai người hầu phơi áo lông áo da ra để chuẩn bị gấp gọn vào trong rương hòm, đợi đến ngày Hạ Chí lại đem ra phơi thêm lần nữa. Đang lúc thu đồ thì cung nữ chợt kêu lên vui mừng: “Chủ nhân, Vạn tuế gia đến.”
Hoàng đế đã đi qua cửa thùy hoa, vây quanh có hơn chục tên thái giám cận vệ. Nghi tần vội tới tiếp giá. Lễ nghi ngày thường chỉ là thỉnh an một cái, miệng nói: “Thỉnh an hoàng thượng.”
Hoàng đế tự mình đỡ nàng đứng dậy, miệng cười, nói: “Ngày dài hơn. Trẫm vừa ngủ trưa dậy nên ra ngoài đi dạo một lúc.” Nghi tần đi theo hắn vào trong điện, hoàng đế ngồi lên tràng kỉ, đã có cung nữ dâng trà lên. Nàng thấy trong điện đều là mùi của y phục từ da nên ra lệnh: “Đốt hương Đàn đi.”
Hoàng đế không khỏi cười nói: “Xưa nay nàng không thích mấy loại hương hỏa đấy, sao hôm nay lại dùng đến vậy?”
Nghi tần đáp: “Vừa rồi mới thu dọn lại y phục từ da, thần thiếp chỉ sợ trong phòng có mùi.”
Vì qua mành cửa, hoàng đế thấy cây đỗ quyên, sơn trà nơi cuối hành lang đang nở hoa rất đẹp, màu sắc rực rỡ, sáng bừng một khoảng, hắn thuận miệng nói: “Trì trung thủy ảnh huyền thắng kính, ốc lí y hương bất như hoa.” Ai ngờ Nghi tần đáp: “Câu này thần thiếp biết, là “Xuân phú” của Dữu gì gì đó Sơn.”
Hoàng đế hơi ngạc nhiên: “Dữu Tử Sơn – Dữu Tín tự Tử Sơn.” Lại hỏi: “Nàng đọc “Xuân phú” của ông ấy?”
Nghi tần cười rất tươi: “Thần thiếp làm gì đọc mấy câu nho nhã như vậy, là vừa nãy có đến Trữ Tú cung, trùng hợp nghe được Vệ thường tại đọc lên câu này……..” Tuy nàng thẳng thắn cởi mở nhưng cũng rất nhanh nhạy, chưa nói hết lời đã biết mình lỡ miệng. Nàng lén nhìn sắc mặt hoàng đế, thấy không có gì kì lạ nên nàng cười cười nói tiếp: “Hoàng thượng từng đồng ý với thần thiếp, là sẽ cùng thần thiếp thả diều. Hoàng thượng lời vàng ý ngọc thế mà lại chẳng cho phép.”
Hoàng đế cười đáp: “Trẫm không cho phép lúc nào?”
Thế là Nghi tần liền sai người đem diều tới. Bọn tiểu thái giám hiếm hoi lắm mới nhận được ý chỉ kiểu này, có thể cười nói tùy thích, vừa chạy vừa reo hò, bắt đầu thả diều từ trong cung điện. Hoàng đế cho phép kẻ trên người dưới trong Trường Xuân cung ngắm diều thỏa thích nên nhất thời có cả đoàn cung nữ vây quanh hắn cùng Nghi tần đứng nơi hành lang. Từng con diều một bay lên, dần dần bay lên cao mãi. Một con diều có cánh như con chim nhạn lớn bay cao nhất, xa nhất. Nhìn lên chỉ thấy một chấm đen đen, hình dạng thì lờ mờ không rõ lắm, trông giống hệt như một chú nhạn thật.

Hoàng đế đứng ở đó, ngửa đầu nhìn con diều. Trời nắng đẹp, bầu trời có lăn tăn vài gợn mây. Nghi tần đứng cạnh vốn là người hay nói hay cười, lúc này đang ầm ĩ reo hò, reo đến chói tai, cứ líu lo liên tục như hạt trân châu rơi liên tiếp xuống khay ngọc, như sơn ca, như oanh vàng ríu rít. Mấy cung nữ thái giám ai ai cũng sáp lại cười nói, ngươi một câu ta một câu, người này bảo chiếc kia bay cao, người kia nói chiếc này bay xa, tranh nhau nói cười vô cùng ồn ã. Nghi tần càng ngày càng vui, chỉ mấy con diều trên trời cho hoàng đế xem, hắn cũng thuận miệng đáp lại vài tiếng, ánh mắt vẫn không chớp một lần, luôn nhìn chăm chú vào con diều bay xa nhất kia.
Trên trời chỉ có mây mỏng, gió vừa thổi vào khiến nó gần tan hết. Ngẩng đầu đã lâu nên có chút chóng mặt. Vào mùa này, làm sao có chim nhạn được chứ? Một con nhạn đơn độc lẻ loi. “Thiên nam đích bắc song phi khách, lão sí kỉ hồi hàn thử? Miểu vạn lí tằng vân thiên sơn mộ tuyết, chích ảnh hướng thùy khứ?”* (Trời Nam đất Bắc song phi nhạn, cổ thụ mấy mùa hàn sương). Lấy lại tinh thần mới nhận ra là con diều. Diều bay cao như vậy, xa như thế cũng bị giữ bởi một cái dây. “Hoan nhạc thú, thương biệt khổ, tựu trung canh hữu si nhân nữ”** (Hoan lạc thú, biệt ly sầu, nỗi khổ chứa đầy tình tương tư). Đến một vật vô tri cũng muốn bay theo tiếng gọi của tự do.
*,**: Trích “Mạc ngư nhi” – Nguyên Hảo Vấn (bài “Hỏi thế gian tình là gì” đó đó :D)
Bích Lạc thấy nàng đứng nơi đầu gió thì khuyên: “Chủ nhân đứng lâu rồi, vẫn nên quay về phòng nghỉ ngơi thôi.”
Lâm Lang lắc đầu: “Ta không mệt.”
Bích Lạc ngẩng đầu, thấy trên trời cao có mấy con diều đang bay thì cười vui vẻ: “Nếu chủ nhân thích thì chúng ta cũng làm vài chiếc rồi thả… Tiểu Đặng chuyên làm việc nặng làm diều giỏi nhất, dù là người hay chim muông cũng có thể làm giống như thật vậy. Nô tì đi gọi hắn tới làm cho chủ nhân một chiếc.”
Lâm Lang khẽ thở dài: “Cần gì phải khiến người ta ghét chứ?”
Bích Lạc đáp: “Chủ nhân, trong cung này người nhường người ta một lần, người ta sẽ bắt nạt người mười lần. Mấy tên nô tài đó càng phải dẫm lên mũi đạp lên mặt. Bọn chúng chuyên nịnh bề trên, chèn ép kẻ dưới. Lần trước còn dám đem cơm thiu đến nữa, bọn chúng có dám dâng cơm thiu lên cho Nghi chủ nhân không? Vị nào được sủng ái thì bọn chúng liền nịnh hót, xun xoe y như con chó phương tây kia vậy.”
Lâm Lang hơi mỉm cười: “Theo một người chẳng gặp thời như ta đã khiến các ngươi liên lụy nhiều rồi.” Ngừng một lát rồi nói: “Bạc lần trước còn dư một ít, ngươi nhớ cầm cho Tần am đạt ở Nội Vụ phủ, nếu không vải chia tới chỗ chúng ta chỉ sợ là rách hết rồi.”
Một lúc sau, Vinh tần phái người đến gọi Bích Lạc tới giúp nàng thêu túi, thế nên Lâm Lang sai Cẩm Thu lặng lẽ đi một chuyến đến Nội Vụ phủ, tìm Tần thái giám quản lý về y phục trong Quảng Trữ ti. Tên Tần thái giám kia nghe nàng nói xong thì ra vẻ cười cười, cầm lấy thỏi bạc ước lượng rồi nói: “Vô duyên vô cớ, nô tài không dám nhận phần thưởng của chủ nhân.”
Cẩm Thu cười lấy lòng: “Ngày thường công công chiếu cố tới chúng tôi, những ngày sau còn phải nhờ vả công công nhiều, mong người không chê ít.”
Tần thái giám đáp: “Chúng ta là phận nô tài, chủ nhân ban thưởng cho thì nào dám chê nhiều ít. Nhưng mà Vệ chủ nhân là một vị thường tại, mấy tháng trước chúng nô tài còn phụng khẩu dụ của hoàng thượng, cứ theo lệ sắp xếp chi tiêu như vị trí “tần”. Đến nay Nội Vụ phủ trở mặt không chịu phê sổ sách. Số tiền đó chúng nô tài đành phải móc túi bỏ ra, cũng coi như mất trắng hơn nghìn lạng bạc. Trên dưới Quảng Trữ ti có mấy trăm người, tính ra mỗi người phải nộp ra hai tháng tiền lương của mình, ai cũng chửi mắng hết lời. Phần thưởng của Vệ chủ nhân chúng nô tài chẳng dám lĩnh!” Nói xong thì cầm thỏi bạc nhét lại vào tay Cẩm Thu, nghênh ngang bỏ đi.
Cẩm Thu tức đến mức gần bật khóc. Lúc về đến cung thì không dám nói thẳng với Lâm Lang, chỉ bẩm là Tần thái giám không chịu nhận bạc. Lâm Lang nghe xong thì bảo: “Đã làm khó ngươi rồi. Không chịu nhận thì chắc chắn đã nói những lời không lọt tai, liên lụy ngươi phải chịu.”
Cẩm Thu không cam lòng: “Dù gì đi nữa thì chủ nhân vẫn là một vị chủ nhân. Cái đám nô tài đó mới mấy tháng trước mồm mép còn thế nào, ngày ngày đến nịnh hót, ân cần niềm nở, đến hôm nay thì lại thay đổi thái độ như vậy, lẽ nào cho rằng chủ nhân không thể thăng chức chắc?”
Lâm Lang đáp bình thản: “Bọn họ tán tụng người trên cao, giẫm đạp kẻ dưới thấp cũng là chuyện thường tình.” Lại an ủi Cẩm Thu: “Dù hắn nói gì đi nữa thì ngươi đừng để trong lòng là được. Bọn hắn đã có ý làm khó thì chúng ta đành nghĩ cách vậy.”
Cẩm Thu đáp: “Sắp tới tết Vạn Thọ rồi, y phục của chúng ta phải làm sao đây?”

“Trong rương vẫn còn hai cuộn gấm, lấy ra dùng cắt đi. Chúng ta tự may là được.”
“Mấy thứ bọn họ đem tới chẳng dùng được cái nào, đến son phấn chất lượng cũng kém vô cùng. Thứ nào cũng phải tự bỏ tiền ra mua. Tiền tháng này của chủ nhân đã dùng hết sạch từ lâu rồi. Những thứ khác thì không nói, nhưng tết Vạn Thọ sắp đến, một khoản tiền lớn sắp phải bỏ ra như thế, chủ nhân phải tính từ trước mới được.” Lâm Lang chỉ thở dài khe khẽ, không hề đáp lời.
Lâu nay tết Vạn Thọ chưa từng chính thức tổ chức bởi vì hoàng đế còn trẻ, và mấy năm nay triều đình đều bận điều binh dẹp tam phiên, chi tiêu trong cung đình bị cắt giảm triệt để. Tuy là không có quy tắc rõ ràng, nhưng trong hậu cung, tất sẽ có quà mừng thọ từ các cung. Có cung là tiến cống đồ dùng thư phòng, có cung là vật dụng hàng ngày tinh xảo, cũng có y phục tự mình may cho hoàng đế, muôn hình muôn vẻ, còn rất nhiều loại khác nữa.
Bích Lạc thấy mấy ngày gần đây Lâm Lang đều chỉ viết chữ, đọc sách, hoặc là ngồi nhàn rỗi, hoặc đi bộ thong dong trong đình nên lòng nàng cũng dần thấy lo lắng. Hôm nay trời đẹp, ngày xuân ấm áp, hoa thược dược trong đình mới nở, Lâm Lang ngắm hoa một hồi rồi đi vào trong phòng, lại thấy đồ thêu thùa được đặt trên bàn, nàng đứng lại, hỏi: “Lúc này đem thứ đó tới làm gì?”
Bích Lạc cười đáp: “Các cung đều bận rộn chuẩn bị lễ mừng tết Vạn Thọ, nếu chủ nhân không tặng chỉ sợ khiến người ta cảm thấy thất lễ.” Lâm Lang thuận tay cầm lên một chiếc túi nhỏ ở giữa, mới thêu được một nửa, bốn góc của chiếc túi được dùng chỉ đỏ thêu lên ngọn lửa, ở giữa túi có thêu rồng vàng và năm móng vuốt bằng sợi kim tuyến. Tuy chưa thêu xong nhưng đôi mắt  rồng thêu bởi chỉ đen đã sáng rực, trông giống như thật. Nàng lại tiện tay đặt xuống, Bích Lạc nói: “Chiếc túi này thật là đẹp, đường thêu tinh tế đến vậy, vì sao chủ nhân không thêu hết đi?”
Lâm Lang lắc lắc đầu: “Nếu như đã sợ thất lễ thì ngươi đi đem chữ mà ta đã viết mấy ngày trước đến đây, ta chọn lấy một bản, ngươi đem tặng tới Càn Thanh cung là được.”
Bích Lạc cười nói: “Tết Vạn Thọ lại chỉ tặng một trang chữ cho Vạn tuế gia, chỉ sợ…” Lâm Lang liếc nhìn nàng một cái, nàng biết tính vị chủ nhân này, đã quyết định thì rất khó thay đổi, thế nên nàng cũng không dám nói nữa mà đi ôm đến tất cả số chữ thư pháp viết mấy ngày nay.
Đúng lúc Lâm Lang đang nhìn ngắm thì Cẩm Thu bước vào từ bên ngoài, thấy sắc mặt nàng ta khác lạ, Lâm Lang chỉ hỏi: “Sao thế?”
Cẩm Thu đáp: “Nghe nói Vạn tuế gia lệnh Nội Vụ phủ ban chiếu, sắc phong Họa Châu làm Ninh quý nhân.”
Vừa nói xong câu này thì Bích Lạc bật hỏi một cách ngạc nhiên: “Họa Châu nào? Họa Châu của Càn Thanh cung?”
“Còn không phải người đó chắc?” Cẩm Thu đáp, “Ai ngờ được chứ, sắc phong làm quý nhân đấy.” Nói xong câu này thì mới nghĩ ra những chuyện như thế không thích hợp bàn luận, đành liếc nhìn sang Lâm Lang một cái.
Theo quy tắc từ trước, cung nữ phong làm phi tần chỉ có thể thăng cấp dần dần từ đáp ứng, thường tại lên. Họa Châu vốn chỉ là một cung nữ ngự tiền, lúc này được sắc phong làm quý nhân đã quá vượt quy định.
“Chắc chắn có lý do.” Bích Lạc nói.
Cẩm Thu đáp: “Nghe người ta nói là vì tân quý nhân có tin vui, thái hậu vô cùng vui mừng nên hoàng thượng mới hạ chỉ đặc biệt như thế.”
Bích Lạc không kìm được mà liếc nhìn Lâm Lang, Lâm Lang dường như chẳng để ý, đóng lại ống đựng giấy rồi nói: “Mấy chữ này đều viết không đẹp, đợi ngày mai ta viết lại một tờ sau.”
Sự sủng ái của hoàng đế đối với Họa Châu càng ngày càng hiện rõ. Mới đầu là ban chỉ dụ vượt quy định sắc phong lên quý nhân, sau đó là thưởng cho nàng Diên Hy cung. Đây là đặc quyền của phi tần từ vị trí tần trở lên mới có. Sự sủng ái như vậy khiến tất cả lục cung tròn mắt ngạc nhiên, đến Đồng quý phi cũng phải để mắt tới, tự mình điều hai cung nữ trong cung đến Diên Hy cung hầu hạ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.