Bạn đang đọc Rừng Nauy – Chương 4- Part 02
Bà chủ quán mang cà-phê đến cho tôi và đặt nó xuống bàn. Tôi nhấp một ngụm không đường sữa gì cả.
“Nhìn kìa. Cậu còn uống đen không đường nữa?”
“Chẳng liên quan gì đến Humphrey Bogart cả,” tôi kiên nhẫn giải thích. “Chỉ tình cờ là răng tôi không chịu được đường. Cậu nghĩ về tôi sai bét rồi.”
“Sao da cậu rám nắng thế?”
“Mấy tuần rồi tôi đi chơi bộ trên núi. Ba-lô. Túi ngủ.”
“Cậu đi đâu?”
“Kanazawa. Bán đảo Noto. Lên tận Niigata.”
“Một mình ư?”
“Một mình,” tôi nói. “Gặp bạn đồng hành chỗ này chỗ kia.”
“Vài bạn đồng hành lãng mạn chứ? Đàn bà lạ ở những nơi xa lạ.”
“Lãng mạn ư? Bây giờ thì tôi biết đúng là cậu hiểu tôi sai bét thật. Một thằng lưng đeo túi ngủ và râu ria lởm chởm thì lấy đâu ra lãng với mạn!”
“Lúc nào cậu cũng đi một mình thế à?”
“Đại khái thế.”
“Cậu thích cảnh cô liêu à?” cô hỏi, tựa má vào tay. “Du lịch một mình, ăn một mình, ngồi một mình trong lớp…”
“Chẳng ai thích một mình nhiều đến thế. Nhưng tôi không cố đánh bạn, vậy thôi. Làm thế chỉ tổ hay thất vọng.”
Miệng ngậm đầu mẩu của một bộ hoa tai, kính râm tụt trễ xuống, cô ta lẩm bẩm, “Chẳng ai thích một mình nhiều đến thế. Tôi chỉ ghét bị thất vọng.” Cậu có thể dùng câu này nếu có khi nào cậu viết hồi ký.”
“Cám ơn,” tôi nói.
“Cậu thích màu xanh lá cây không?”
“Sao cậu hỏi thế?”
“Cậu đang mặc sơ-mi polo xanh lá cây đấy”. “Chẳng có gì đặc biệt. Tôi sẽ mặc bất cứ màu gì.”
“Chẳng có gì đặc biệt. Tôi sẽ mặc bất cứ màu gì”. Tôi thích lối nói chuyện của cậu quá. Giống như trát vữa, mịn mà hay. Đã có ai nói với cậu điều này chưa?
“Chưa,” tôi nói.
“Tên tôi là Midori,” cô nói. “Xanh lá cây” đấy”. Nhưng tôi mặc xanh lá cây thì nhìn khủng khiếp lắm. Lạ đấy chứ, hả? Hình như tôi bị phép thuật nguyền rủa, cậu có thấy thế không? Tên chị tôi lại là Momoko: “Hồng đào.”
“Chị ấy mặc màu hồng có đẹp không?”
“Tuyệt đẹp? Chị ấy sinh ra là để mặc đồ màu hồng. Thật hoàn toàn bất công.”
Bàn chỗ Midori đã có đồ ăn, và một cậu mặc áo tây vải madras gọi với sang, “Ê, Midori, về ăn đi chứ?”
Cô vẫy tay về phía ấy như đang nói “Biết rồi.”
“Này,” cô nói, “Cậu có ghi chép ở lớp không đấy? Lớp sân khấu ấy!”
“Có”
“Thế này thật không phải, nhưng cậu cho tôi mượn vở ấy được không? Tôi đã lỡ mất hai buổi, mà chẳng quen ai ở lớp cả.”
“Có vấn đề gì đâu,” tôi nói, tay rút quyển vở trong túi sách ra. Sau khi đã xem kỹ và thấy không có bút tích riêng tư gì trong đó, tôi đưa nó cho Midori.
“Cám ơn,” cô ta nói. “Ngày kia cậu có đến lớp không?”
“Có”
“Vậy gặp tôi ở đây vào buổi trưa nhé. Tôi sẽ trả lại vở cho cậu và đãi cậu bữa trưa. Nghĩa là… không ăn một mình thì cậu cũng sẽ không bị đau bụng hay gì chứ, phải không?”
“Không có đâu,” tôi nói. “Nhưng cậu không cần phải đãi tôi bưa trưa chỉ vì tôi cho cậu mượn vở”
“Đừng lo chuyện đó,” cô nói. “Tôi thích đãi người khác ăn trưa mà. Nhưng mà cậu cũng nên ghi lại ở đâu đó. Cậu sẽ không quên chứ.”
“Tôi sẽ không quên. Ngày kia. Mười hai giờ. Midori. Xanh lá cây.”
Ai đó từ bàn bên kia lại gọi với sang, “Nhanh lên chứ Midori, đồ ăn nguội hết rồi!”
Cô vẫn mặc kệ và lại hỏi tôi, “Lúc nào cậu cũng nói chuyện kiểu này à?”
“Chắc vậy,” tôi nói. “Chưa từng để ý chuyện đó.”
Quả thực chưa có ai từng nói cho tôi biết cách nói chuyện của tôi có gì khác thường hay không.
Cô ta có vẻ nghĩ ngợi điều gì đó vài giây, rồi đứng lên, mỉm cười, và đi về bàn mình. Cô vẫy tay lúc tôi đi qua bàn ấy, nhưng ba người kia chẳng ai ngó đến tôi.
Tôi ra khỏi tàu ở trạm Otsuka rồi đi theo bản đồ của Midori xuống một phố rộng chẳng có gì mấy để xem. Không có cửa hàng nào trong phố ấy có vẻ phát đạt, toàn ở trong những toà nhà cũ có nội thất buồn thảm, nhiều biển hiệu đã phôi pha. Trông kiểu nhà thì có lẽ vùng này đã không bị ném bom hồi chiến tranh và cả dãy phố vẫn còn nguyên như cũ. Một vài chỗ đã được xây mới lại hoàn toàn, nhưng hầu hết đều được cơi nới thêm chỗ này cho kia, và chính những cơi nới ấy trông còn nhem nhếch hơn bản thân những toà nhà cũ. Toàn bộ không khí của chỗ ấy khiến ta nghĩ rằng hầu hết nhưng cư dân gốc gác ở đây đã chán ngấy cảnh xe cộ đông đúc, không khí bẩn thỉu, tiếng ồn và giá thuê nhà cao, và đã dọn hết về các vùng ngoại ô, để lại toàn những căn hộ rẻ tiền, những văn phòng cho thuê và các cửa tiệm rất khó bán, cùng với một số ít những người còn ngang bướng bám chặt lấy tài sản để lại của gia đình. Mọi thứ đều mờ mịt và u ám như bị bọc trong một làn khói thải phun ra từ ống xả xe hơi vậy.
Sau mười phút đi bộ đọc dường phố ấy, tôi đến một trạm xăng góc đường, rồi rẻ phải vào một đoạn phố toàn những cửa hàng nhỏ, ở giữa có một tám biển đề Hiệu sách Kobayashi.
Đúng là một cửa hàng nhỏ, nhưng cũng không đến nỗi nhỏ như mô tả của Midori. Nó điển hình là một hiệu sách khu phố, đúng như cửa hàng mà tôi vẫn chạy ù đến những hôm truyện tranh trẻ con vừa về số mới. Lòng tôi bỗng tràn ngập một nỗi nhớ tiếc khi đứng trước cửa hiệu sách.
Toàn bộ mặt tiền của cửa hiệu được đóng kín bằng một cửa sắt cuốn có sơn in một quảng cáo tạp chí: “Tuần báo Bunshun có bán tại đây vào thứ năm hàng tuần.” Vẫn còn mười năm phút nữa mới đến giờ hẹn, nhưng tôi không muốn phải lang thang trong dãy phố đó với bó thuỷ tiên trong tay, nên cứ bấm chuông ở cạnh cửa rồi lùi lại vài bước đứng đợi. Mười lăm giây sau vẫn không thấy gì, và đang chưa biết có nên bấm chuông nữa hay không thì tôi nghe tiếng cửa sổ mở ra ở phía trên. Tôi ngẩng lên và thấy Midori đang nghiêng người ra vẫy:
“Vào đi!” cô nói to. “Cứ nhấc cái cửa lên.”
“Ôkê chứ? Tớ đến hơi sớm!” tôi lớn tiếng đáp.
“Không sao. Lên gác nhé. Tớ đang bận trong bếp.”
Cô đóng cửa sổ lại.
Cái cửa cuốn kêu xào xạo ầm khi tôi nhấc nó lên chừng một thước, chui qua, rồi lại hạ nó xuống. Bên trong cửa hàng tối om. Tôi lần mò tìm đường vào tới chân cầu thang ở phía sau, vấp phải nhưng bó tạp chí lăn lóc dưới đất. Tôi cởi giày rồi theo cầu thang lên phòng khách. Nội thất ngôi nhà tối và ảm đạm. Cầu thang dẫn vào một phòng khách giản dị có một cái ghế sô-pha và mấy cái ghế bành. Đó là một gian phòng nhỏ có ánh sáng lờ mờ lọt vào từ cửa sổ, giống như trong những phim Ba Lan ngày xưa. Bên trái có vẻ là một chỗ chứa đồ và cái gì đó như cửa vào nhà tắm. Đoạn thang lên tầng trên nữa rất dốc và tôi phải thận trọng từng bước, nhưng lên đến nơi thì khung cảnh sáng sủa hơn nhiều đến nỗi tôi thấy nhẹ cả người.
“Tớ ở đây,” Midori gọi. Phía bên phải đầu cầu thang có vẻ là buồng ăn, ở sau đó là bếp. Ngôi nhà thì cũ, nhưng gian bếp có vẻ vừa mới được thay thế bộ tủ mới và bàn rửa vòi nước sáng choang. Midori đang nấu nướng. Một cái nồi đang sôi, và không khí sặc mùi cá nướng.
“Có bia trong tủ lạnh,” cô nói và liếc sang phía tôi.
“Cậu ngồi đi để tớ làm nốt món này.” Tôi lấy một hộp bia và ngồi cạnh bàn bếp. Bia lạnh toát như thể nó đã ở trong tủ lạnh cả năm trời. Trên bàn có một cái gạt tàn nhỏ màu trắng, một tờ báo, và một vịt xì-dầu. Có cả một tập giấy ghi chú và bút viết, thấy có ghi một số điện thoại và mấy con số có vẻ là tính toán chợ búa gì đấy.
“Chắc phải mười phút nữa mới xong,” cô nói. “Cậu đợi được chứ.”
“Tất nhiên rồi,” tôi nói.
“Vậy thì cứ để cho thật đói đi. Tớ làm nhiều đồ ăn đấy” Tôi nhâm nhi bia và dồn mắt vào Midori trong khi cô nấu nướng, quay lưng về phía tôi. Cô làm việc với những động tác nhanh nhẹn khéo léo, đến bốn năm thứ việc một lúc ở trên bếp. Vừa mới bắt đầu luộc cá ở đây, một giây sau đã thấy thái tanh tách ngoài thớt, rồi lấy cái gì đó trong tủ lạnh ra chất đầy vào một cái bát, sau đó nhoáng một cái đã rửa xong cái nồi vừa mới dùng. Từ sau lưng trông cô như một nghệ sĩ Ấn Độ điều khiển bộ gõ – nào rung chuông, nào đánh mõ, nào gõ sửng trâu, động tác nào cũng chính xác và tiết kiệm trong một tổng thể hài hoà. Tôi nhìn mà phát khiếp.
“Nếu tớ giúp được gì thì cậu cứ bảo nhé,” tôi nói, cũng là để khỏi ngượng là chính.
“Ôkê mà,” Midori nói và mỉm cười về phía tôi. “Tớ vẫn quen làm mọi thứ một mình.” Cô mặc quần bò chen màu nước biển và một chiếc áo phông xanh thuỷ quân. Hình lôgô của hãng đĩa hát Apple chiếm gần hết lưng áo. Cô có bộ hông cực kỳ hẹp, như thể đã bỏ qua tuổi phát dục và không chịu nảy nở, và điều đó làm cô trông lưỡng tính hơn các cô gái mặc quần bò chẽn bình thường khác.
Ánh sáng tràn vào từ cửa sổ bếp bao bọc lấy thân hình cô với một đường viền mờ ảo.
“Nhẽ ra cậu không cần phải bày vẽ đại tiệc thế,” tôi nói.
“Tiệc tùng gì đâu,” Midori đáp mà không quay lại. “Hôm qua tớ bận quá không đi chợ hẳn hoi được. Tớ chỉ nhặt nhạnh những thứ có sẵn trong tủ lạnh thôi. Thật đấy, cậu đừng có lo. Với lại họ Kobayashi nhà tớ có truyền thống đãi khách. Tớ cũng không biết tại sao, nhưng nhà tớ thích thù tiếp bạn bè lắm. Thâm căn cố đế thế rồi, như một chứng bệnh vậy. Cũng chẳng phải tại nhà tớ đặc biệt tử tế hoặc tại mọi ngườí quý mến gia đình tớ quá hay gì đó, nhưng cứ hễ có ai đến chơi là sẽ được hậu đãi, bất kì là thế nào. Cả nhà tớ đều có những khiếm khuyết tính cách giống nhau, tốt xấu gì cũng thế. Ví dụ như bố tớ. Ông ấy hầu như không uống rượu, nhưng trong nhà lúc nào cũng đầy rượu. Để làm gì ư? Để đãi khách! Cho nên đừng có nhịn, cậu cứ uống bia xả láng nhé.”
“Cám ơn,” tôi nói.
Tôi bỗng nhớ ra là đã để mấy bông thuỷ tiên ở dưới nhà. Tôi đã để chúng sang bên cạnh lúc cởi giày. Tôi lẳng lặng xuống thang và thấy mười bông hoa đang nở sáng rực trong bóng tối. Midori lấy một cái cốc thuỷ tinh cao trong chạn ra và cắm hoa vào đó.
“Tớ thích thuỷ tiên lắm,” Midori nói. Đã có lân tớ hát bài “Bảy đoá thuỷ tiên” trong một cuộc thi tài ở trường. Cậu biết bài đó không?”
“Chúng tớ có một nhóm nhạc dân gian. Tớ chơi ghi-ta.”
Cô vừa dọn đồ ăn ra đĩa vừa hát bài “Bảy đoá thuỷ tiên.”
Midori nấu nướng giỏi hơn tôi tưởng rất nhiều: đủ các loại món rán, xào, luộc, nướng, muối rất ngon, chế biến từ trứng gà, cá thu, đậu quả tươi, cà tím, các loại nấm, củ cải đỏ, vừng, nấu theo phong cách Kyoto rất tinh tế.
“Ngon tuyệt,” tôi nói, miệng vẫn đầy thức ăn.
“Ôkê, bây giờ cậu nói thật đi!” Midori nói. “Cậu tưởng tớ không thể nấu nướng ngon lành thế này đúng không – và cứ nhìn tớ thì ai cũng nghĩ vậy, đúng không?”
“Quả có thế,” tôi thú thật.
“Cậu quê ở Kansai, nên thích ăn các món có hương vị tinh tế kiểu này, đúng không?”
“Chẳng nhẽ cậu đã chọn món và nấu nướng theo khẩu vị đặc biệt của tớ?”
“Đừng vớ vẩn? Tớ không chịu rắc rối thế đâu. Không đâu. Nhưng nhà tớ vẫn ăn uống kiểu này.”
“Vậy. mẹ cậu hoặc bố cậu, cũng là người Kansai à?”
“Không. Bố tớ đẻ ở Tokyo và mẹ tớ là người Fukushima. Họ hàng nhà tớ không có ai là người Kansai. Tất cả đều là người Tokyo hoặc Kanto bắc.”
“Tớ chịu đấy,” tôi nói. “Làm sao cậu có thể nấu nướng theo lối Kansai một trăm phần trăm thế này được. Có ai dạy cậu à?”
“À, đó là cả một câu chuyện đấy,” cô nói, miệng nhai một miếng trứng rán. “Mẹ tớ ghét đủ thứ việc nhà, và bà ấy hầu như không nấu nướng gì bao giờ. Và chúng tớ lúc nào cũng phải nghĩ, ví dụ như “Hôm nay bận quá, mình gọi đồ ăn về nhà đi”, hoặc “Mình ra hàng thịt mua ít chả cá mà ăn cho rồi”, đại loại thế. Ngay từ hồi bé tớ đã ghét thế rồi, kiểu cứ làm một nồi cà-ri to đùng và ăn ba ngày liền. Cho đến một hôm, đang năm thứ năm trung học, tớ quyết định sẽ phải ra tay nấu nướng cho cả nhà và phải nấu thật ngon. Tớ đến hiệu sách lớn Kinokuniya ở Shinjuku mua cuốn dạy nấu ăn to nhất và đẹp nhất, rồi tớ thông thạo sách ấy từ bìa trước đến bìa sau, từ chọn thớt mài dao cho đến cách lọc xương và đánh vẩy cá, đủ thứ. Tác giả cuốn sách ấy tình cờ lại là người Kansai, cho nên tất cả những món tớ biết nấu đều là theo lối Kansai.”
“Nghĩa là cậu đã học nấu tất cả những thứ này từ một cuốn sách ư?”
“Tớ để dành tiền để đi ăn của thật. Có thế mới học được hương vị. Cảm tính của tớ tốt. Nhưng đầu óc logic thì tớ tuyệt vọng.”
“Cậu tự học mà nấu giỏi thế này thì thực là kinh khủng!”
“Không dễ đâu,” Midori thở dài nói, “Lớn lên trong một cái nhà mà mọi người đều chẳng thèm để ý gì đến đồ ăn thức uống. Tớ nói tớ muốn mua dao với nồi tử tế nhưng chẳng ai cho tiền. Họ bảo “Những cái mình đang dùng là tốt chán rồi”. Nhưng tớ bảo họ điên à, dao dựa kiểu ấy có muốn lọc xương cá cũng không xong, thế là họ nói “Mày lọc xương cá làm cái quái gì cơ chứ?” Không thể nói phải quấy với họ được. Tớ bèn dành dụm tiên tiêu vặt và đi sắm dao nồi rổ rá chuyên nghiệp mang về dùng. Cậu có tin được không? Một con nhóc mười lăm tuổi tiết kiệm từng xu để mua rố rá đá mài và nồi chống dính trong khi lũ con gái khác ở trường đã nhiều tiền thì chớ lại tha hồ sắm quần áo giày dép để chưng diện. Cậu có thấy buồn cho tớ không hả?”
Tôi vừa gật đầu vừa nuốt đầy một ngụm súp đậu xanh nước trong veo.
“Đến lớp cuối ở trung học, tớ đã phải mua một cái chảo rán trứng – loại chảo dài hẹp để làm món trứng dashimaki mà mình đang ăn đây này. Tiền ấy đáng nhẽ tớ dùng để mua một cái xu-chiêng mới. Thế là ba tháng liền tớ chỉ có độc một cái xu-chiêng. Cậu có tin được không? Tớ giặt nó vào ban đêm, làm đủ cách cho nó khô để sáng hôm sau còn mặc. Khổ nhất trần đời là phải mặc xu-chiêng ẩm. Tớ đi đó đây mà nước mắt cứ trào ra. Cứ nghĩ đến mình đang phải khổ vì một cái chảo rán trứng!”
“Tớ hiểu,” tôi nói, phì cười.
“Tớ biết nhẽ ra không được nói thế này, nhưng quả thật tớ thấy như nhẹ cả người khi mẹ tớ chết. Tớ có thể quản lí chi tiêu theo cách của mình. Tớ có thể mua cái gì tớ thích. Bây giờ thì tớ đã có tương đối đầy đủ đồ làm bếp. Bố tớ không biết tí gì về chuyện tiền nong cả.”