Bạn đang đọc Rừng Chưa Thay Lá: Chương 13
– Có thể nói, chưa bao giờ anh nghĩ tới em nhiều như hiện giờ.
Phi Phụng lại cười:
– Anh ngoan lắm. Em phải thưởng mới được.
Bên trong chợt im lặng. Thiên Di không nén được tò mò, cô nghiêng người nhìn vào và thấy Phi Phụng đang vít đầu Trác xuống hôn say đắm. Di vội vã quay đi. Đất trời xung quanh như nghiêng ngả. Trấn tĩnh lại, Di nhìn lần nữa.cô tuyệt vọng đến cùng cực khi nhận ra Trác đáp lại nụ hôn của Phi Phụng cuồng nhiệt không kém.
Tựa vào tường Thiên Di hụt hẫng, cô vụt bỏ chạy khi nghe Phi Phụng nũng nịu hỏi:
– Thích … không?
Dẫn chiếc xe ra khỏi cổng, cô mặc cho nó thả dốc. Nước mắt dường như là đã cạn khô, Di muốn khóc, nhưng không được. Nỗi đau nghẹn giữa ngực khiến cô khó thở. Dừng xe lại bên đường, cô chạy bộ vào con suối nhỏ. Vừa chạy, Di vừa la thật to như người điên. Giá mà cô điên được, có lẽ sẽ thấy đỡ hơn.
Ngồi xuống phiến đá bên bờ, Di cho hai chân uống nước. Nước lạnh khiến cô tỉnh táo lại và thấy thấm thía những lời dì Thủy khuyên. Đúng là làm sao Trác có thể bỏ một cô gái xinh đẹp, giàu có như Phi Phụng để cưới Di cho được. Tất cả với anh chỉ là một phút xao lòng đầy lãng mạn. Chỉ có Di quá khờ nên mới tin đó là thật.
Giờ thì tỉnh mộng rồi. Chính những hình ảnh, âm thanh mà Di mắt thấy tai nghe đã chứng minh lời dì Thủy là đúng, và chúng đã cảnh tỉnh Di sau những giây choáng váng.
Ngày mai cô sẽ rời khỏi đây trong âm thầm. Suốt đời, cô không gặp lại Trác nữa. Điều ấy chỉ nghĩ thôi đã thấy chả dễ dàng chút nào. Nhưng dù khó khăn đau khổ cỡ nào, Di cũng phải mím môi đoạn tuyệt. Thà đau một lần còn hơn dây dưa để khổ cả đời.
Chệch choạng đứng dậy, Di trở ra con đường. Chiếc xe đạp vẫn còn nằm chỏng chơ, Di dắt nó đi mà không lên xe.
Ngày mai con đường này chỉ còn là quá khứ, vội vã hay chậm chạp rồi cũng mãi mãi chia tay.
Mắt cay xè, Thiên Di quay lại nhìn biệt thự Thùy Dương nằm cao trên đầu con dốc trông thật gần, nhưng với cô lại thật xa vời.
*****
Đập mạnh tay xuống bàn, Trác nói như quát:
– Tại sao Thiên Di đi mà tôi không biết gì hết?
Bà Thủy ôn tồn phân bua:
– Chiều hôm qua, con bé tới đây xin phép cậu về Sài Gòn thăm mẹ bị ốm nặng.
Trác kinh ngạc:
– Sao tôi không gặp cô ấy?
Bà Thủy thản nhiên:
– Thiên Di bảo vào tới cửa thấy cậu bận bịu với cô Phụng nên con bé không dám làm phiền.
Trác hơi khựng lại. Rồi anh càu nhàu:
– Nhưng ít ra sáng nay trước khi về, Di cũng phải gặp tôi chớ.
Bà Thủy cao giọng:
– Để làm gì, thưa cậu? Vả lại, xe chạy rất sớm. Di nó ngại cô Phi Phụng nổi trận tam bành nếu trời chưa sáng đã vào quấy rối cậu.
Đốt một điếu thuốc, Trác hỏi:
– Chừng nào Di trở lên?
– Tôi không biết. Mọi việc tùy thuộc vào bệnh tình của mẹ nó.
Trác bồn chồn:
– Nghĩa là sao?
Bà Thủy nói:
– Tôi nghĩ chắc cũng lâu lắm con bé mới trở lại, chúng ta phải tìm giáo viên mới cho bọn trẻ.
Trác sững sờ. Anh rít thuốc liên tục vì câu nói vừa rồi của bà Thủy. Chắc chắn bà đã buộc Di rời xa anh. Rõ ràng bà không ủng hộ như anh nghĩ. Nhưng tại sao Di lại lẳng lặng bỏ đi như thế nhỉ? Có thật hôm qua Di đã tìm anh không? Nếu Di tới đúng lúc anh và Phi Phụng hôn nhau thì đúng là rắc rối to.
Ngập ngừng, Trác hỏi:
– Thiên Di nói sẽ không trở lại à?
Bà Thủy gật đầu:
– Vâng.
Trác gằn giọng:
– Tôi không tin, nhất định không tin.
Từ trên lầu Phi Phụng bước xuống, giọng nhỏng nhảnh:
– Anh không tin ai vậy?
Liếc đôi mắt tô xanh về phía bà Thủy, Phi Phụng cười nửa miệng:
– Có gì khuất lấp trong sổ sách hả? Em đã bảo mà. Những người như thế làm sao tin được.
Trác sa sầm mặt:
– Em im đi! Không biết thì đừng đoán mò!
Phi Phụng giãy nảy:
– Anh la em trước mặt người ở hả? Dầu gì em cũng là bà chủ, em có quyền mắng họ chớ.
– Tại sao lại mắng họ khi họ không phạm lỗi? Em đã bảo không thích ở trang trại Thùy Dương, anh sẽ không ép em. Điều đó cũng có nghĩa là em chẳng có quyền gì cả.
Nhìn vẻ chù ụ của Phụng, bà Thủy nhỏ nhẹ:
– Tôi xin phép xuống bếp.
Bà chưa đi khỏi, Phi Phụng đã sà tới bên Trác, giọng giả lả:
– Chúng ta giận nhau vì bà già đó thật không đáng chút nào.
Trác lạnh lùng rít thuốc.thái độ của anh không làm Phi Phụng nản. Cô ôm lấy anh vừa ve vuốt, vừa ỡm ờ:
– Xin lỗi mà. Hay là muốn em đền?
Đang hụt hẫng vì Thiên Di bỏ đi, Trác cau có:
– Em ngồi xuống đó đi. Làm trò trẻ con, người ta cười cho đấy.
Vẫn ôm lấy Trác, Phi Phụng khinh khỉnh:
– Ai dám cười, em đuổi nó ngay. Tôi tớ của anh thích rình chủ âu yếm lắm thì phải? Hôm qua lúc hôn anh, em thấy con nhỏ Thiên Di đứng lấp ló ngoài cửa. Đúng là trơ trẽn. Lẽ ra em đã kéo nó vào để mắng ột trận rồi.
Trác gạt tay Phụng ra:
– Em trơ trẽn thì đúng hơn. Thiên Di vô tình, còn em lại cố ý. Mọi người sẽ nói gì về chúng ta?
Phi Phụng sa mặt xuống:
– Anh dám nói em trơ trẽn à? Hừ! Lúc nào anh cũng bênh con nhãi ranh ấy. Nếu anh sợ bọn họ phê phán cách sống của em thì đuổi hết đi. Sức lao động bây giờ rẻ mạt, sợ gì không có công nhân chớ.
– Ngoài những lời đó ra, em còn biết nói gì khác không? Rõ ràng anh đã lầm khi nghĩ em sẽ là một bà chủ tốt, biết thông cảm với công nhân. Nào ngờ em coi rẻ người lao động quá. Nói thật, anh cũng là một người lao động tay chân, anh xem đất đai là máu thịt, công nhân là anh em. Nhờ đất, nhờ họ, anh mới có được ngày hôm nay. Anh không bao giờ vì em mà đuổi họ.
Phi Phụng đong đỏng:
– Em không cho phép anh coi thường em. Đừng thấy em hạ mình về đây thăm rồi anh làm cao. Không đời nào em hợp với bọn người của anh, cũng như cuộc sống ở đây. Nếu muốn được sống gần em, trong tương lai anh cũng phải bán hết đất đai để về Đà Lạt thôi. Bằng không, chúng ta chia tay từ bây giờ.
Trác gật đầu nhanh như chớp:
– Ý kiến hay! Chúng ta chia tay đi!
Ngồi sững ra trên ghế, Phi Phụng bất ngờ vì câu Trác vừa nói. Cô không nghĩ anh dám gật đầu vì rõ ràng anh rất mê cô.
Vừa sượng vừa tức, Phi Phụng cong cớn:
– Được! Thử xem ai khổ. Đàn ông Đà Lạt lịch lãm, hào hoa đâu có thiếu. Rồi anh sẽ ân hận khi thấy họ xếp hàng sau lưng em. Hoa khôi chỉ có đàn ông rơi từ trên cao xuống đất, rồi anh sẽ thấy mình rơi ra sao khi mất em.
Trác nhếch môi:
– Vậy chúc em mau tìm được người vừa ý.
Vứt điếu thuốc hút dở vào gạt tàn, Trác bỏ ra ngoài tìm bà Thủy. Giữa anh và bà còn nhiều điều phải nói cho hết.
Nhưng Phi Phụng đâu để Trác đi, cô chạy theo nắm tay anh, giật mạnh:
– Anh vô trách nhiệm vừa vừa thôi. Ngày cưới đã tới rồi, còn kiếm cớ giận để làm khổ em. Vì ai, em bất chấp gã điên, bất chấp mọi thứ tẻ nhạt để về đây chứ? Có bao nhiêu cuộc vui ở Đà Lạt đang chờ em. Anh biết không?
Trác lắc đầu:
– Anh không biết và không bao giờ cần biết, vì nó không dính dáng tới cuộc sống của anh. Nhưng với em, nó quá quan trọng. Bởi vậy, em hãy về Đà Lạt đi. Chúng ta không hợp nhau, nghĩ tới đám cưới làm gì nữa. Anh chỉ chọn một người vợ đồng cam khổ, chớ không chỉ vì cô ấy là hoa khôi. Chúng ta đến với nhau vội vàng quá, nên đã không hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau. Em sẽ khổ nếu phải lấy một gã thô kệch như anh. Bởi vậy, em hãy ngẩng cao đầu hất anh rơi đi. Anh không xứng với em, bị rơi là phải rồi.
Gỡ tay Phi Phụng ra, Trác quay đi. Cô vội chạy theo, giọng dịu xuống:
– Anh giận lẫy em đấy à?
Trác nhìn cô:
– Anh không giận lẫy. Trái lại, anh cảm ơn em đã giúp anh mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình.
Phi Phụng chớp mi:
– Suy nghĩ gì cơ chứ?
Trác từ tốn:
– Chúng ta chỉ nên xem nhau như bạn.
Phụng thảng thốt:
– Anh điên rồi, khi vin vào lời nói lúc giận dỗi của em để biến nó thành hiện thực.
– Anh không điên chút nào. Em nên suy nghĩ lại đi. Sống với anh, em sẽ không hạnh phúc. Vì ngoài khả năng kiếm nhiều tiền ra, anh không thuộc tuýp đàn ông lịch lãm, hào hoa mà em cần. Sự khác biệt trong sở thích, cách nghĩ sẽ giết chết hạnh phúc gia đình.
Phi Phụng nói như đang trả bài:
– Vì tình yêu, em sẽ thay đổi.
Trác nhìn xoáy vào mắt cô:
– Rất tiếc, giữa chúng ta không có tình yêu mà chỉ có mục đích. Anh cần một cô vợ xinh đẹp để tạo thêm thanh thế, em cần một ông chồng giàu để nương tựa. Giờ thì anh nhận ra sắc đẹp là thứ phù phiếm, tâm hồn mới quan trọng. Tâm hồn hai chúng ta chưa bao giờ hòa hợp với nhau.
Phi Phụng rít lên:
– Anh là một thằng đểu! Đừng tưởng muốn bỏ tôi là dễ nha! Anh sẽ ân hận suốt đời đấy.
Trác ôn tồn:
– Em đừng nóng nảy như thế. Tất cả những gì anh nói là sự thật. Anh không muốn chúng ta sau này sẽ đau khổ vì chịu đựng nhau.
Phi Phụng bật khóc:
– Chúng ta đang rất vui vẻ, hạnh phúc, sao anh lại thay đổi? Có phải anh vì người đàn bà khác không? Trả lời em đi chứ?
Trác im lặng. Anh ngập ngừng mãi mới nhè nhẹ gật đầu. Phi Phụng chụp lấy ngực áo anh, giọng cay xé:
– Con khốn ấy là ai? Phải là Thiên Di không? Hừ! Tôi không tha cho nó đâu. Nó đừng hòng chiếm đoạt những thứ thuộc về tôi.
Vừa nói, Phi Phụng vừa quay vào nhà gọi to:
– Chị Thủy! Chị Thủy đâu? Ra tôi bảo!
Từ trong bếp, bà Thủy hớt hải chạy ra:
– Chuyện gì vậy cô Phụng?
Phi Phụng nhìn bà với tất cả căm hận:
– Gọi con Di tới đây!
Bà Thủy nói:
– Thiên Di đã về Sài Gòn rồi, thưa cô.
Dù hơi hẫng, Phi Phụng vẫn quyền hành:
– Ai cho phép nó về?
– Dạ, Di đã xin nghỉ rồi.
– Nghĩa là sao?
Giọng bà Thủy y như thật:
– Ở đây buồn quá, không hợp với dân Sài Gòn như nó, nên Thiên Di xin nghỉ dạy luôn rồi.
Phi Phụng nhíu mày nhìn ra cửa. Trác đã bỏ đi. Cô tức tối chạy đi tìm anh.
Trong khi đó, Trác đang ở phòng sách. Anh đi tới đi lui, cầm từng quyển sách được Di bọc ni lông lại rồi thở dài. Anh không chịu nổi khi nghĩ Di sẽ rời xa anh mãi mãi.
Vừa rồi, Trác đã nói với Phi Phụng những điều cần nói, những vấn đề vẫn chưa giải quyết tới nơi tới chốn. Đúng là ngỏ lời yêu đã khó, khi từ chối tình yêu càng khó hơn. Lúc nãy, Trác hơi nhẫn tâm với Phụng, anh nóng vội quá khi muốn dứt khoát với cô. Dù Phụng xấu tính, trái nết cỡ nào thì cũng do anh chọn mà. Phụng mắng anh đểu cũng đúng. Đã một lần dang dở, trái tim anh vẫn còn lộn xộn với mối tình thứ hai và thổn thức với mối tình thứ ba.
Ngồi xuống ghế nhìn căn phòng vắng đến lạnh lùng, Trác ôm đầu. Lát nữa, anh sẽ tìm bà Thủy. Nhưng phải nói gì để thuyết phục được bà, Trác vẫn chưa nghĩ ra.
Đang loay hoay xếp các tấm thiệp vung vãi trên quầy cho ngay ngắn lại, Thiên Di bỗng nghe có tiếng gọi mình thật ấm. Ngước lên, cô thảng thốt khi thấy Cần:
– Trời ơi! Ở đâu … ra vậy?
Không trả lời cô, Cần nói:
– Lâu lắm rồi mới gặp Di.
Cô cũng xúc động:
– Phải. Lâu lắm rồi. Không ngờ anh tìm ra chỗ này khi không có địa chỉ.
Cần mỉm cười:
– Chỉ là tình cờ. Nói thật, khi thấy Di, tôi vẫn chưa tin mình may mắn đến thế. Thành phố quá đông, tìm ra Di là điều tôi chỉ dám mơ thôi.
Kéo cái ghế nhựa thấp ra, Di bảo:
– Ngồi đỡ nhé.
– Có sao đâu. Tôi sẵn sàng ngồi đây phụ Di bán hết những thứ này.
Di nheo nheo mắt:
– Mỏi lưng lắm đó.
Cả hai bỗng im lặng. Cần quan sát quầy báo của Di với vẻ tò mò. Anh đọc tên những loại báo, tạp chí, sách văn học, sách giáo khoa, tập vở, bút viết rồi cả thiệp Noel treo lủng lẳng.
– Đúng là quầy tổng hợp y như Di đã viết trong thư. Nhưng trông vui mắt hơn tôi tưởng tượng nhiều.
Cần hạ giọng, xót xa:
– Chắc là cực lắm. Suốt ngày ngồi một chỗ.
Thiên Di nhếch môi:
– Quen rồi. Hôm nào ở nhà lại buồn. Dù sao bán sách báo vẫn nhàn hạ hơn bán những thứ khác. Lúc ế ẩm mình vẫn nhâm nhi chúng được. Anh vào Sài Gòn chơi à?
– Không. Tôi đưa chú Út vào chữa bệnh. Ở đây có rất nhiều bác sĩ giỏi.
Nghe nhắc đến Thoại tự nhiên Thiên Di ớn ớn. Cô dè dặt:
– Chú ấy dạo này thế nào?
Cần có vẻ phấn khởi:
– Đã đỡ hơn rất nhiều, hầu như không còn lên cơn nữa và biết nhận ra người quen.
Thiên Di tủm tỉm:
– Anh Thế đổi tính rồi hay sao mà chịu cho anh đưa chú Thoại đi chữa bệnh?
Đưa tay vuốt bìa một cuốn sách, Cần ậm ừ:
– Ừ. Ảnh đã thay đổi sau một lần chết hụt.
Thiên Di tò mò:
– Ảnh bệnh à?
– Không phải. Ảnh bị chú Thoại đâm.
Thiên Di tròn mắt:
– Trời đất! Có chuyện đó nữa sao?
Cần chép miệng:
– Từ ngày Di bỏ đi tới giờ, vùng đất ấy đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện rồi.
Thiên Di ngập ngừng:
– Tôi thật sự không biết chuyện gì đã xảy ra nơi đó.
– Di không thư từ với dì Thủy hay chú Trác sao?
– Không. Ngoài anh ra, tôi không liên lạc với ai hết.
Cần trầm ngâm:
– Những bức thư của Di gởi về trường đại học và về nhà, tôi vẫn giữ rất kỹ. Tiếc một điều là Di không cho địa chỉ, nên tôi không thể hồi âm để ít ra cũng biết được tại sao Di bỏ đi trong lặng lẽ.
Thiên Di thản nhiên:
– Có gì đâu. Tôi muốn về lại nơi mình từng sống. Ở đây, tôi thấy yên ổn hơn ở trại Thùy Dương.
– Nhưng đâu cần vội đến mức không kịp từ giã bạn bè. Thật ra, Di vẫn chưa thật lòng với tôi.
Tránh câu trách móc của Cần, Di dài giọng:
– Kể chuyện ở đó cho tôi nghe đi.
Nhìn Di khá lâu, Cần từ tốn hỏi:
– Di muốn nghe chuyện gì? Chuyện của ai?
Khoanh tay trước ngực cô nói:
– Tôi muốn nghe tất cả những gì anh biết.
Cần lắc đầu, cười:
– Tham lam quá. Nhưng tôi thừa thông minh để hiểu ý Di. Tôi sẽ kể những gì Di quan tâm.
Đứng dậy bán cho khách tờ Mực Tím, Di nheo nheo mắt:
– Anh biết tôi quan tâm cái gì sao?
– Dĩ nhiên. Dù gì cũng bạn bè mà.
Thiên Di ra vẻ bí mật:
– Vậy thì trông hàng cho tôi đi!
Dứt lời, cô đi băng qua đường. Cần trìu mến nhìn theo dáng nhỏ nhắn của Di rồi châm thuốc hút.
Tính ra từ khi Di rời trang trại Thùy Dương cho tới nay đã nhiều tháng rồi. Suốt khoảng thời gian đó, cô gởi cho anh ba lá thư, mỗi lá cách nhau vài tháng. Đó là những lá thư ngắn, lời lẽ chân tình khiến Cần xúc động. Qua thư, anh biết Di đã ổn định cuộc sống với việc làm chủ một quầy sách báo nhỏ. Cô còn cho biết sẽ không bao giờ trở lại trại Thùy Dương. Dù Di không nói ra, Cần vẫn thừa hiểu cô vì Trác. Và anh đã nhức nhối khôn nguôi khi nghĩ đến hai người.
Thiên Di trở lại với một cái khay trên tay. Đặt khay lên bàn nhỏ, cô ríu rít:
– Nước mía, bánh paté-chaud. Không phải là đặc sản, nhưng tôi chắc anh sẽ không chê.
Cần đỡ ly nước mía to như vại bia:
– Đương nhiên là không dám chê rồi.
Nhìn Thiên Di nhấp nhỏm ngóng chuyện, Cần vờ vịt:
– Tôi nên ăn bánh trước hay kể chuyện trước đây nhỉ? Chắc nên kể chuyện trước quá. Mà sẽ bắt đầu từ ai đây? Có lẽ nên từ ông chú Út của tôi cho dễ vậy.
Tằng hắng giọng, Cần nói:
– Sau khi Di đi rồi, tôi không còn bạn nên rất ít về nhà. Nhiều lúc nghĩ mà thương chú Út bị anh Thế đối xử tàn tệ, nhưng về nhà, tôi chẳng đủ bản lãnh để thay đổi cách sống vô trách nhiệm của ba mẹ. Qua lời kể của một người quen là tay chân của anh Thế, tôi được biết anh ấy đang dạy chú Út nhiều trò khác thường mà chỉ nghe kể thôi, tôi đã không an tâm.
Di tò mò:
– Chú Thoại bị tâm thần, anh Thế còn bày trò gì nhỉ?
Cần hạ giọng:
– Ảnh dạy chú Út sử dụng dao.
Di sửng sốt:
– Để làm chi, khi chú ấy không làm chủ được mình?
– Đó cũng là thắc mắc của tôi khi nghe kể mà không được giải thích. Nói thế, nhưng tôi vẫn đoán được mục đích của ảnh. Từ Đà Lạt tôi tức tốc về nhà, và thấy đúng là anh Thế đang kiên nhẫn dạy chú Út đâm trúng vào tim một hình nộm có cách ăn mặc giống y một người mà chúng ta đều quen.
Thiên Di cảm thấy tim đập mạnh:
– Ai vậy?
– Di thử đoán xem.
Cô liếm môi:
– Không lẽ là … là Trác?
Cần thẫn thờ gật đầu:
– Đúng là chú Trác. Thật tôi không ngờ anh Thế ác như vậy. Ảnh muốn dùng chú Út để khử đối thủ trong làm ăn của mình. Tôi với ảnh đã cãi nhau, thậm chí đánh nhau vì vấn đề này.
Thiên Di tròn mắt không tin:
– Anh dám đánh … cậu Mười Ba à?
Cần ngượng ngập thú nhận:
– Lúc đó tôi tức quá, nên đâu biết sợ là gì. Lần đầu tiên trong đời, tôi thật sự đánh lộn và khốn nỗi không phải đánh người ngoài mà là đánh anh họ mình. Tôi đánh hăng đến mức anh Thế thua. Giận mất khôn, ảnh mở xích cho chú Út và ra lệnh cho chú đâm tôi.
Thiên Di bóp mạnh ly nước mía:
– Anh ấy nỡ làm vậy sao?
Cần buồn bã:
– Tôi cũng không ngờ. Khi thấy chú Út lăm lăm con dao trong tay, tôi nghĩ mình chết chắc. Ai dè …
Thiên Di ồ lên:
– A! Vậy là chú Út đâm anh Thế, chớ không đâm anh.
Cần bừng ly nước mía uống một hơi rồi kể tiếp:
– Anh Thế đứng gần chú Út nên khi chú ấy ra tay, ảnh không tránh kịp. Cũng may vết thương chưa thấu tim.
Thiên Di băn khoăn:
– Nhưng sao chú Thoại không đâm anh:
Cần bùi ngùi:
– Hồi chưa bệnh, chú Út rất thương tôi, tới giờ vẫn thế. Lúc tôi và Thế đánh nhau, chú Út la hét rất ghê. Có lẽ anh Thế nghĩ chú Út là phe ta nên mới mở xích cho chú ấy hòng tìm đồng minh. Chú Út điên, nhưng vẫn biết phải quấy. Tội nghiệp! Khi đâm anh Thế rồi, chú vứt dao, ôm mặt khóc hu hu như con nít.
– Sau đó thì sao?
– Vợ chồng bác tôi tức tốc đưa chú Út trở lại bệnh viện Đà Lạt. Nhưng chú Trác đã tìm được bác sĩ giỏi ở Sài Gòn, nên đề nghị tôi đưa chú Út vào với hy vọng sẽ chữa hết bệnh.
Nghe nhắc tới Trác, mặt Thiên Di bỗng tái xanh. Cô xoay xoay cái ly trên bàn, giọng lạc hẳn đi:
– Trác dạo này thế nào? Có khỏe không?
Cần thở hắt ra:
– Chú ấy toàn gặp chuyện xui xẻo.
Di nhỏm người lên:
– Sao cơ? Ảnh gặp chuyện gì?
Cần nói:
– Năm nay hạn, cà phê của trang trại nào cũng chết khô vì thiếu nước, riêng trang trại Thùy Dương còn bị cháy, thiệt hại khá nặng. Chú Trác cứu người nên bị phỏng, phải nằm viện cả tháng.
Thiên Di vuốt mặt, thẫn thờ:
– Trời ơi! Trác bị có nặng không?
– Phải đưa ra Đà Lạt, tôi có đến thăm vài lần. Trông chú ấy đau đớn, tôi chịu không nổi. Mọi việc ở trang trại, dì Thủy đảm trách, nên ở bệnh viện chỉ có mỗi bà Hai lo cho chú ấy.
– Còn Phi Phụng đâu?
Nhún vai, Cần nói:
– Phụng đâu còn dính dáng gì với chú Trác nữa.
Nhìn vẻ sửng sốt của Di, Cần hỏi:
– Bộ Di không biết gì thật sao?
Thiên Di lắc đầu, giọng nghẹn lại:
– Khi trở về Sài Gòn, tôi đã hứa với dì Thủy phải quên trang trại Thùy Dương. Và tôi đã cố gắng làm như vậy.
Cần xót xa:
– Tại vì chú Trác à?
Di gật đầu thú nhận:
– Tôi đã yêu bằng cả trái tim, nhưng Trác lại đùa. Tôi còn ở lại làm chi nữa.
Cần ngập ngừng:
– Theo tôi, chú Trác không đùa đâu. Giờ tôi đã hiểu tại sao Trác không đám cưới với Phi Phụng rồi.
Mặt Di đang xanh lại càng xanh hơn, cô lắp bắp:
– Không có đám cưới nghĩa là sao? Chính tôi đã nhận được thiệp mời do dì Thủy gởi mà.
Cần đáp:
– Nhưng hôn lễ đâu hề tiến hành. Nếu không vì Di, tại sao chú Trác làm thế?
Nhớ tới hình ảnh Phi Phụng và Trác hôn nhau mê mải, Thiên Di cắn môi. Cô lắc đầu:
– Không phải vì tôi. Lúc đó tôi đã đi rồi mà.
Cần trầm giọng:
– Hiện tại chú Trác vẫn một mình, Di nên trở về trại Thùy Dương với chú ấy. Đó là lời khuyên chân tình nhất của một người bạn.
Thiên Di nhìn Cần, lạ lùng. So với cách đây một năm, anh có vẻ chững chạc hẳn ra. Nhưng anh ngụ ý gì khi khuyên Thiên Di như thế?
Cần lại nói tiếp:
– Chú Trác là người khá có tiếng tăm, nên không thể làm một việc thiếu suy nghĩ. Tôi nghĩ hơn ai hết, Trác hiểu rõ thế nào là dư luận. Vậy tại sao chú lại hủy bỏ đám cưới với Phi Phụng? Nếu không phải vì một tình yêu mãnh liệt hơn thứ tình Trác đang có với Phi Phụng ra thì là cái gì? Sau quyết định ấy, Trác đã thu hình lại trước miệng lưỡi người đời, chịu tiếng thị phi của xã hội, nhưng lòng vẫn ngời lên hy vọng ngày nào đó sẽ gặp lại em. Chú ấy tin rằng, sớm muộn gì thì dì Thủy cũng sẽ nói ra nơi em đang ở.
Thiên Di gượng gạo:
– Anh làm như anh là Trác không bằng.