Đọc truyện Rồi Sau Đó… (Afterwards…) – Chương 7
Người chết vô hình, chứ không phải vắng mặt. – Saint Augustin.
Người ta dẫn anh vào một căn phòng lạnh và tối, chìm trong một thứ ánh sáng nhợt nhạt. Trên giường đúng là có một tấm bảng bằng nhựa dẻo liệt kê rõ những công đoạn khác nhau của một buổi khám tổng quát. Nathan nhất cử nhất động tuân theo chỉ dẫn: anh cởi quần áo, mặc vào người chiếc áo Blouse sợi bông, rửa sạch tay rồi tiểu tiện vào một cái liễn trước khi để một y sĩ lấy máu.
Tiến trình khám tổng quát diễn ra trong hầu hết các phòng của bệnh viện. Người bệnh được cấp cho tấm thẻ từ, sau đó phải di chuyển lần lượt tới từng phòng khám nơi có các bác sĩ chuyên khoa tiếp đón.
Trò vui được mở đầu bằng một bản tổng kết khám lâm sàng đầy đủ được thực hiện bởi một người đàn ông tuổi chừng năm mươi gầy gò, tóc hoa râm rất tương xứng với cái tên dịu dàng: Bác sĩ Blackthrow.
Sau khi đã khám xét rất tỉ mỉ, ông ta hỏi luật sư về tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình.
Không, anh không có vấn đề về sức khỏe nào đặc biệt, ngoại trừ chứng thấp khớp mắc phải vào năm lên mười và chứng tăng bạch cầu đơn nhân năm mười chín tuổi.
Không, cũng không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Không, anh không biết cha anh mất vì lý do gì. Cũng không rõ ông còn sống hay đã qua đời.
Không, mẹ anh không phải chết vì bệnh tim mạch.
Bà cũng không bị đái tháo đường.
Ông bà anh ư? Anh đã từng gặp họ đâu mà biết.
Rồi anh phải trả lời thêm một số câu hỏi về cung canh sinh hoạt cá nhân thường ngày.
Không, anh không uống rượu và đã bỏ thuốc từ ngày có con. Phải, đúng là có bao thuốc nhô ra từ túi áo vest (họ lại còn lục lọi cả quần áo mình kia đấy!) nhưng anh không châm bao giờ: anh chỉ thích cầm điếu thuốc trong tay thôi.
Phải, thỉnh thoảng anh có dùng đến thuốc chống trầm cảm. Cả thuốc an thần nữa. Như phân nửa số người có cuộc sống bận rộn.
Tiếp đó người ta đưa anh đến một bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Tại đó, anh phải trả qua những bài kiểm tra phức tạp để đo mức độ trầm cảm vì lý do công việc và gia đình.
Phải, anh thừa nhận đã ly hôn.
Không, anh không bị đuổi việc.
Phải, anh vừa chịu tang một người thân.
Không, anh không phải chịu gánh nặng nợ nần nào hết.
Phải, tình hình tài chính của anh vừa có sự thay đổi…… nhưng là theo chiều hướng tốt.
Thay đổi thói quen ngủ ư? Quả có thế, anh thực sự không có thói quen ngủ vào một giờ cố định và có lẽ vấn đề là ở chỗ đó. Mình đâu có tự đi ngủ mà chỉ đầu hàng khi bị nó tấn công, đúng như người kia vẫn nói.
Kết thúc loạt câu hỏi vừa xong, bác sĩ hào phóng cho anh một lô lời khuyên rẻ tiền, xem như là giúp anh kiểm soát tốt hơn cái mà ông ta gọi là “những tình huống tâm lý-xúc cảm gây lo âu”.
Nathan nghe từ đầu đến cuối những lời khuyên bảo này mà không khỏi giận sôi lên:
Tôi không muốn biến mình thành thiền sư, tôi chỉ muốn biết liệu mạng sống của mình có sắp bị nguy hiểm không thôi, chó má thật.
Rồi vấn đề trở nên nghiêm trọng khi đến phần khám tim mạch.
Anh nhẹ cả người khi nhìn thấy bác sĩ chuyên khoa tim mạch, vẻ mặt của ông ta trông khá phúc hậu và điềm đạm. Nathan trình bày với ông ta về cơn đau nơi vòm ngực đã hành hạ anh từ nhiều ngày qua. Vị bác sĩ lắng nghe chăm chú, hỏi thêm anh về tình huống và mức độ đau chính xác.
Bác sĩ đo huyết áp cho anh rồi đề nghị anh chạy trên một tấm thảm dốc chuyên dụng để đo nhịp tim khi gắng sức.
Sau đó anh được đưa vào chụp điện tâm đồ, chụp cấu trúc mạch và đo nhịp tuần hoàn: nếu tim anh có vấn đề gì thì cũng không thể lọt qua những thiết bị này được.
Cuộc thăm bệnh tiếp tục bằng phần khám tai-mũi-họng. Anh được một bác sĩ chuyên khoa khám họng, mũi, lỗ xoang, tai.
Anh từ chối đo thính lực: không, anh chưa bao giờ gặp vấn đề gì về thính lực hết.
Trái lại, anh buộc phải để cho bác sĩ tiến hành nội soi thanh quản và chụp X-quang phổi: lời giải thích về chuyện hút thuốc lá của anh không đủ sức thuyết phục.
– Vâng, tốt thôi, đồng ý, thỉnh thoảng tôi vẫn còn đốt một điếu, ông biết cái gọi là…
Anh cũng không mặn mà đối với phần khám nội soi trực tràng. Nhưng người ta cam đoan với anh là không đau.
Khi đẩy cánh cửa dẫn vào phòng khám tiết niệu, anh đoán chừng họ sẽ nhắc đến tuyến tiền liệt. Và quả đúng như vậy.
Không, anh chưa phải thức dậy ba lần mỗi đêm để đi tiểu. Không, anh không thấy triệu chứng bí tiểu. Mặt khác, anh còn hơi trẻ để bị u tuyến tiền liệt, phải không nào?
Cuộc thăm bệnh kết thúc bằng đợt siêu âm nhiều phần cơ thể khác nhau. Anh có thể nhìn thấy những tấm ảnh tuyệt đẹp chụp gan, tuyến tụy, lá lách và túi mật của mình trên một màn hình nhỏ.
Anh nhìn đồng hồ đeo tay: đã hai giờ chiều. Thế là xong! Đầu óc quay cuồng, anh muốn ói. Những giờ vừa qua, anh đã khám nhiều hơn cả đời gộp lại.
– Ông sẽ nhận được kết quả trong vòng hai tuần lễ nữa, một giọng vang lên đằng sau anh thông báo.
Anh quay lại và thấy bác sĩ Bowly đang nhìn anh vẻ nghiêm nghị.
– Thế là thế nào, “trong vòng hai tuần lễ nữa”! Anh gầm lên. Tôi không có thời gian để chờ “hai tuần lễ nữa”. Tôi kiệt sức rồi, tôi phát ốm rồi! Tôi cần phải hiểu mình đang mắc bệnh gì!
– Bình tĩnh nào, bác sĩ lên tiếng, tôi đùa đấy, chừng hơn một tiếng nữa là có kết quả khám tổng quá sơ bộ.
Ông ta nhìn luật sư chăm chú hơn và lo ngại:
– Đúng là ông có vẻ rất mệt mỏi. Nếu muốn, ông có thể nằm nghỉ một lát trong lúc chờ kết quả, tầng hai còn một phòng trống. Tôi nói y tá mang khay đồ ăn lên cho ông nhé?
Nathan đồng ý. Anh nhận lại quần áo, lên gác và thay quần áo trong căn phòng được chỉ dẫn, trước khi nằm vật ra giường.
Điều đầu tiên anh nhìn thấy, đó là nụ cưởi của Mallory.
Mallory là ánh sáng, Mallory là vầng thái dương. Luôn tràn đầy năng lượng và niềm vui. Rất dễ gần, trong khi về mặt này, Nathan lại gặp chút rắc rối. Có lần, họ đã thuê người sơn lại căn hộ suốt nhiều ngày, anh không nói một lời với người thợ sơn trong khi Mallory chỉ cần chưa đầy một tiếng đồng hồ đã nắm được những nét chính trong cuộc đời ông ta: từ quên quán cho đến tên con cái. Nathan không xem thường mọi người, trái lại là khác, nhưng thường thì anh không biết cách trò chuyện với mọi người. Quả đúng anh không hẳn là một tay khôi hài. Mallory, bẩm sinh là một người sống tích cực, luôn tạo cảm giác tin cậy cho những người xung quanh. Anh thì không tích cực. Khác với vợ, anh không ảo tưởng về bản chất con người.
Bất chấp tính cách đối lập, hai người họ vẫn có những năm tháng sống vô cùng hạnh phúc. Cả hai đều đã biết cách thỏa hiệp. Tất nhiên, Nathan dành nhiều thời gian cho công việc nhưng Mallory chấp nhận. Cô hiểu nhu cầu chinh phục nấc thang danh vọng của anh. Đổi lại, Nathan không bao giờ chỉ trích những dấn thân đấu tranh của vợ, ngay cả khi anh cho rằng đôi lúc chúng quá đỗi ngây thơ và vụn vặt. Bonnie ra đời còn tô đậm và nuôi dưỡng thêm sự cảm thông giữa hai vợ chồng.
Tự đáy lòng, anh vẫn luôn nghĩ rằng cuộc hôn nhân của hai người sẽ không bao giờ có kết cục chia tay. Ấy vậy mà cuối cùng họ cũng xa nhau.
Công việc, mỗi lúc lại trở nên hấp dẫn hơn với những trọng trách mới mà anh được cấp trên tin tưởng giao phó, góp một phần không nhỏ vào kết cục đáng buồn ấy. Điểm yếu lớn trong mối quan hệ của hai vợ chồng là thiếu thời gian dành cho nhau, anh biết điều ấy.
Nhưng nhất là vì đã xảy ra cái chết của Sean, đứa con thứ hai họ có với nhau, khi mới được ba tháng tuổi.
Chuyện xảy ra ba năm về trước, vào giữa tiết đông, ngày đầu tháng Hai.
Mallory không chịu thuê người trông nom bọn trẻ, trong khi quá dễ nếu giao Bonnie và Sean cho một trong những vú nuôi người Philippin vốn rất đông đảo tại châu Mỹ. Tất cả các đồng nghiệp của anh đều làm thế. Nhưng Mallory sẽ giải thích với bạn rằng, để đến nuôi dạy những con cái của công dân Mỹ giàu có, những phụ nữ này đã buộc phải xa quê hương, xa con cái của chính họ. Nếu giải phóng phụ nữ miền Bắc lại thông qua việc nô lệ hóa phụ nữ miền Nam thì cô, Mallory Wexler, thà bỏ qua lợi ích đó còn hơn. Chăm sóc con cái là nghĩa vụ của cha mẹ chứ không phải của ai khác. Những ông bố chỉ cần tham gia tích cực hơn vào việc dạy dỗ con cái, có thế thôi. Nếu rủi bạn nói ngược lại bằng cách chứng minh rằng các chị vú nuôi người Philippin được nói đến ở đây được nhận một khoản tiền không nhỏ cho công việc họ đảm nhận, họ có thể gửi tiền về nước để trả tiền học phí cho con cái họ, thì bạn sẽ bị coi như một tên thực dân mới đáng ghê tởm và cô sẽ tuôn ra những bài diễn văn đầy tính chiến đấu hẳn sẽ khiến bạn thấy hối tiếc vì đã mạo muội bàn về lĩnh vực này.
Chiều hôm đó, anh rời văn phòng sớm hơn thường lệ. Mallory đã báo sẽ về thăm bố mẹ theo lịch hàng tháng. Thường thì cô dẫn theo Bonnie nhưng vì con bé đang bị viêm họng, anh đã quyết định giữ con gái ở lại New York.
Mallory bay chuyến sáu giờ tối. Nathan về nhà và gặp vợ ngay ngưỡng cửa. Cô hôn anh thật nhanh sau khi thốt lên đại loại: “Em đã chuẩn bị cho anh mọi thứ; anh chỉ việc hâm nóng lò sữa trong lò vi sóng. Và đừng quên cho con ợ hơi…”
Thế là anh chỉ còn lại một mình với hai đứa nhỏ. Đối với Bonnie, anh đã có vũ khí đặc biệt: cuốn băng video “Tiểu thư và gã lang thang”. Mallory đã có một quyết định hết sức ngông cuồng là tẩy chay hãng Disney, lý do là chuột Mickey đã giao việc sản xuất những sản phẩm thứ cấp của mình tại Trung Quốc hay Haiti cho những nhà thầu không ngần ngại lạm dụng lao động là trẻ em. Nhưng hành động mà đậm ý thức công dân này lại khiến Bonnie không vui, cô bé thấy mình bị tước đi quá nhiều phim hoạt hình.
Anh đưa cho con gái cuộn băng sau khi bắt Bonnie hứa sẽ không hé một lời với mẹ, rồi cô bé hoan hỉ thưởng thức bộ phim hoạt hình ưa thích trong phòng khách.
Nathan đặt Sean vào nôi, anh đã đẩy nôi đến cạnh sát bàn làm việc để tiện việc trông con. Sean là một đứa bé không hay quấy và hoàn toàn khỏe mạnh. Nó đã bú một bình sữa vào khoảng bảy giờ tối rồi ngủ tiếp. Thường thì Nathan rất thích chăm sóc con cái. Buồn một nỗi là tối hôm đó, anh thực sự không có thời gian để vui thích với việc này. Anh đang làm một vụ khó và quan trọng. Vả chăng, người ta chỉ còn giao cho anh những vụ quan trọng mà thôi, điều này buộc anh ngày càng phải mang hồ sơ về nhà nghiên cứu. Anh đang dần tìm ra hướng để giải quyết vụ này nhưng khá chật vật.
Xem phim hoạt hình xong, Bonnie đòi ăn (tất nhiên là món mì ống rồi: sau “Tiểu thư và gã lang thang” người ta còn có thể ăn món gì khác chứ?). Anh chuẩn bị đồ ăn cho con gái nhưng không thể ăn cùng con. Tiếp đó, con bé đi ngủ mà không mè nheo thêm chuyện gì.
Anh đã làm việc cật lực suốt bốn tiếng đồng hồ tiếp theo rồi cho Sean bú bình sữa cuối cùng ngay vào lúc nửa đêm, trước khi vào giường đi ngủ. Anh mệt lử và muốn dậy sớm vào sáng hôm sau. Sean là một cái đồng hồ thực sự. Ở tuổi nó, thằng bé đã ngủ thẳng giấc suốt đêm, ngủ ngon đến mức Nathan tin chắc thằng bé phải ngủ ít nhất là đến sáu giờ sáng.
Mọi việc đúng như anh dự đoán nhưng sáng sớm hôm sau, cái anh thấy trong nôi là thân thể không còn sự sống nằm sấp bụng của con trai anh. Lúc nhấc cái thi thể nhỏ bé nhẹ bẫng ấy lên, anh để ý thấy một vệt bọt hồng dây trên lớp khăn lót. Một cảm giác khiếp sợ choán lấy anh và ngay lập tức anh hiểu ra sự thể.
Cái chết đã diễn ra hết sức yên ắng, anh chắc chắn điều ấy. Nathan ngủ chập chờn và anh không hề nghe thấy một tiếng khóc hay tiếng kêu nào.
Ngày hôm nay, ai cũng đã tường tận về cái chết đột ngột của đứa trẻ sơ sinh. Như tất cả những bậc làm cha làm mẹ khác, anh và Mallory đã được cảnh báo về tác hại của tư thế nằm sấp đối với giấc ngủ của trẻ và họ đã luôn tuân thủ lời dặn dò của bác sĩ khoa nhi là đặt Sean ngủ trong tư thế nằm ngửa…
Họ cũng đã để mắt sao cho khuôn mặt của đứa bé không bị vướng và thoáng khí, sao cho nhiệt độ ở trong phòng không bao giờ ở mức quá cao (Mallory đã cho lắp một bộ ổn nhiệt nhân tạo luôn giữ cho nhiệt độ ở mức 20oC), sao cho tấm nệm cứng vừa phải (hai vợ chồng đã mua lấy loại đắt tiền nhất, với đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn). Còn bậc cha mẹ nào chăm sóc con cái chu đáo hơn được đây?
Người ta đã đặt cho anh nhiều lần câu hỏi: có đúng là anh đã đặt đứa bé nằm ngửa không? Nhưng đúng là thế mà! Đúng vậy! Như thường lệ. Đó là những gì anh nói. Nhưng thực tình, anh không nhớ chính xác thời điểm anh đặt thằng bé ngủ. Tâm trí anh không hồi tưởng được cảnh đó. Tất cả những gì anh còn nhớ chính xác, đó là trong buổi tối đáng nguyền rủa ấy, anh đã hoàn toàn bị cuốn vào công việc. Bị cuốn vào tập hồ sơ khốn khiếp về vụ sát nhập tài chính giữa hai hãng hàng không.
Trong cuộc đời làm cha của mình, anh chưa bao giờ đặt một đứa con nào nằm ngủ sấp bụng hay thậm chí nằm nghiêng. Vậy tại sao buổi tối hôm đó anh lại làm vậy được? Không thể thế được. Anh biết anh đã không làm như vậy, nhưng anh không còn nhớ chính xác thời điểm anh đặt con trai ngủ. Và điều thiếu chắc chắn này đã khiến anh vô cùng cắn rứt lương tâm vì cảm thấy mình là người có lỗi.
Rồi đến lượt mình, Mallory cũng tự nhận hết lỗi về mình vì cô đã không cho đứa con thứ hai bú. Như thể hành động đó đã làm thay đổi mọi chuyện!
Tại sao vợ chồng anh đã tan đàn xẻ nghé sau thử thách này thay vì an ủi lẫn nhau? Ngày qua ngày, anh tự đặt câu hỏi đó cho bản thân mà mà không thể đưa ra dù chỉ một câu trả lời thích đáng. Không tài nào lý giải được tại sao người ngày lại cảm thấy mình cần phải sống tách xa người kia.
Chuyện diễn ra là như vậy đấy. Tương đối nhanh. Ở bên cô bỗng trở thành điều khó lòng chịu đựng nổi. Làm sao có thể sống dưới cái nhìn của cô, cái nhìn có lẽ vẫn đang kết tội anh về các chết của Sean, dù chỉ là vô thức? Trở về nhà để nói chuyện gì kia? Lại quay về với quá khứ ư? “Anh có nhớ thằng bé kháu đến thế nào không? Chúng mình đã hãnh diện về con biết nhường nào? Anh còn nhớ nơi mình có được con không? Trong căn nhà gỗ của trạm trượt tuyết trên Núi Trắng… Anh có còn nhớ… Anh có còn nhớ…”
Anh không biết trả lời sao với những câu hỏi của cô: “Anh có tin con đang ở đâu đó trên trời không Nathan? Anh có tin một điều gì khác tiếp sau sự sống này không?”
Anh không biết gì cả. Anh không tin gì hết.
Chỉ còn lại trong anh vết thương không thể liền sẹo này, nỗi muộn phiền không day dứt này, cảm giác tội lỗi khủng khiếp này vì đã bỏ bê con trai.
Anh đã chán nản, đã mệt mỏi lắm rồi. Trong một thời gian dài, cảm giác cùng quẫn đã trào lên dữ dội đến mức anh không còn ham muốn thứ gì nữa, bởi lẽ không bao giờ, không cách nào có thể làm con trai anh sống lại được nữa.
Vậy nên để tiếp tục sống, anh vùi đầu vào công việc. Nhưng ở chỗ làm, anh đặt chân đến đâu người ta cũng đặt cùng một câu hỏi: vợ anh sao rồi?
Luôn luôn là vợ anh.
Còn anh thì sao? Nỗi đau của anh chỉ mình anh hay biết. Ai thèm bận tâm kia chứ? Người ta không bao giờ hỏi anh sao rồi, chính anh. Anh sống với chuyện đó như thế nào? Bọn hộ nghĩ rằng anh mạnh mẽ. A tough man. Trong nghề nghiệp anh đúng là con người như vậy, chứ còn sao nữa? Một kẻ gan lì, một con mãnh thú, một kẻ tàn nhẫn không có quyền rỏ nước mắt hay tuyệt vọng.
Nathan mở mắt và choàng dậy.
Anh biết mình không bao giờ lành được vết thương này.
Tất nhiên, cũng có những ngày, anh được trải qua những khoảnh khắc quý giá cùng con gái, thấy thích thú khi chơi thể thao hay cười trước câu đùa của một cộng sự. Nhưng ngay cả trong những thời khắc ấy, vết thương về kỷ niệm của Sean vẫn không buông tha anh.
Một giờ đồng hồ sau.
Ngồi trên một chiếc ghế bành đối diện với bác sĩ Bowly, Nathan lặng ngắm một khung cảnh mạ vàng, bên trong là một tấm da với một câu nói nổi tiếng của Hippocrate đã được chuyển ngữ sang tiếng La tinh:
“Vita brevis ars longa, experimentum periculosum, judicium difficile.”
– Cuộc đời ngắn ngủi, nghệ thuật mới dài, kinh nghiệm là nguy hiểm, phán quyết thật khó, vị bác sĩ dịch. Điều đó có nghĩa rằng.
– Tôi biết rất rõ điều đó có nghĩa là gì, Nathan ngắt lời ông ta. Tôi đã tốt nghiệp cử nhân ngành luật chứ không phải một trong số những ngôi sao nhạc Pop thịnh hành đến đây để điều trị cai nghiện.
– Được lắm, được lắm, tốt lắm, vị bác sĩ lấp liếm.
Ông ta đưa cho anh một tập tài liệu mỏng khoảng ba mươi trang có ghi lời chú BÁO CÁO Y KHOA.
Nathan lật qua vài trang, ngẩng đầu về phía Bowly và hỏi một cách e dè:
– Tình hình sao rồi?
Bác sĩ thở ra hít vào nhiều lần để kéo dài giây phút chờ đợi hồi hộp.
Gã này quả là một kẻ nhẫn tâm.
Anh dặng hắng trong cổ họng rồi nuốt nước bọt.
Nói đi nào, nói là tao đây sắp toi đời đi nào!
– Quả vậy, ông sẽ không chết vào sáng ngày mai đâu. Chẳng có gì đáng lo trong kết quả khám tổng thể của ông cả.
– Ông… ông chắc chứ? Nhưng tim tôi…
– Ông không mắc chứng tăng huyết áp động mạch.
– Tỉ lệ Cholesterol trong máu thì sao?
Bowly lắc đầu.
– Không có gì là nghiêm trọng cả: lượng LDL, tức Cholesterol xấu của ông chưa ở mức đáng báo động.
– Thế còn cơn đau tức ở ngực?
– Không thành vấn đề: theo bác sĩ chuyên khoa tim, trường hợp xấu nhất cũng chỉ thiên về chứng rối loạn tim, suy động mạch vành tiềm ẩn do một cơn căng thẳng thần kinh dữ dội.
– Không có nguy cơ nhồi máu cơ tim chứ?
– Gần như không thể. Dù sao tôi cũng cứ đưa ông một bình xịt triết xuất từ trinitrine, để phòng ngừa thôi. Nhưng những cơn đau này sẽ chấm dứt nếu áp dụng chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Nathan giật lấy bình thuốc Bowly đang chìa ra cho anh. Anh gần như ôm chầm lấy gã mà hôn. Anh có cảm giác như vừa trút được gánh nặng ba tấn.
Bác sĩ diễn giải cặn kẽ với anh tất cả những kết quả kiểm tra khác nhưng Nathan không nghe gã nữa. Anh biết một điều cốt yếu: anh sẽ không chết ngay được.
Vừa ngồi vào trong ôtô, anh chăm chú đọc lại tất cả những kết luận của từng mục nhỏ trong bản báo cáo y khoa. Không còn nghi ngờ gì nữa, anh đang trong tình trạng sức khỏe cực kì sung mãn. Thậm chí hiếm khi anh cảm thấy khỏe khoắn đến vậy. Chỉ trong vài phút, tinh thần của anh lại lên phơi phới.
Anh nhìn đồng hồ đeo tay. Anh có thực sự cần tới những ngày nghỉ phép này không nhỉ? Giờ đây, một khi anh đã hoàn toàn yên tâm, chỉ bằng quay trở lại với công việc? Nathan Del Amico trở lại với vị trí. Abby, mang cho tôi hồ sơ Rightby’s rồi nối lại tất cả các cuộc hẹn gặp khách hàng của tôi. Chị có muốn tối nay ở lại trễ một chút không, chúng ta sẽ giải quyết một lượt cho xong nhé!
Không. Đành rằng như thế sẽ tốt hơn nhưng đâu cần phải đốt cháy giai đoạn. Anh đủ minh mẫn để nhận thấy rằng có cái gì đó chưa thật ổn. Anh thật lòng muốn đi đón Bonnie.
Anh khởi động chiếc xe hai cầu và nhắm thẳng hướng Park Avenue.
Anh muốn uống rượu mạnh và rít thuốc. Anh lục tìm trong túi quần, túi áo và rút ra hai điếu thuốc. “Tôi không châm thuốc bao giờ, chúng ở đó chỉ để cầm cho đỡ buồn tay”, anh nhại lại chính mình một cách vụng về rồi châm hai điếu thuốc cùng một lúc trong một tràng cười man dại. Cái chết chưa phải cho hôm nay.