Quyến Luyến Roussillon

Chương 13: Thành phố của Gaudí (Thượng)


Đọc truyện Quyến Luyến Roussillon – Chương 13: Thành phố của Gaudí (Thượng)

Tôi nằm trên sô pha ngủ thẳng giấc đến bình minh.

Tôi bị một hồi âm thanh của nồi niu chén bát đánh thức, miễn cưỡng mở to mắt, tôi phát hiện trong phòng bếp có bóng người đang di chuyển. Tôi cầm mắt kính trong tay đeo lên, nhận ra đó là anh Hai.

“Anh sao….” Tôi kinh ngạc nhìn anh.

“Đi rửa mặt đánh răng, chuẩn bị ăn cơm.” Anh Hai vẫn mặc áo sơ mi cotton trắng, ánh sáng ban mai xuyên qua cửa kính chiếu vào, rọi sáng một lớp ánh sáng long lanh trên vai anh.

“Anh không phải đang sốt sao…” Tôi vẫn chưa phản ứng lại.

“Khoẻ rồi.” Anh lấy sữa trong tủ lạnh ra, đổ vào nồi, dáng vẻ nhẹ nhàng bâng quơ, “Có hai vị ở đây, tôi nào dám ngã bệnh.”

“…” Tôi nhìn anh, bỗng nhiên cảm thấy, phía sau tính cách không được lòng người khác, có lẽ cất giấu một trái tim lương thiện.

Một lúc sau, Tử An từ trong phòng đi ra, cậu ấy vẫn còn bệnh nhưng sắc mặt tốt hơn ngày hôm qua rất nhiều.

“Anh Hai,” lúc ăn sáng, Tử An nói, “Bằng không em ở nhà nghỉ ngơi, anh dẫn chị ra ngoài chơi đi.”

Tôi vừa định nói thì anh Hai liền hừ một tiếng, nói: “Em tự lo cho mình đi, bản thân biến thành như vậy còn muốn chỉ huy người khác.”

Tử An thè lưỡi, không nhắc lại nữa mà chuyên tâm ăn cháo.

Đợi dàn xếp xong xuôi cho tiểu tổ tông, anh Hai nói với tôi: “Em muốn đi đâu?”

Vẻ mặt tôi kinh ngạc: “Anh vẫn còn ốm…”

“Tôi không sao.” Từ trên mặt anh, không thể nhìn ra một chút dấu vết phát sốt.

Nhưng tôi vẫn theo bản năng vươn tay sờ trán anh, anh lập tức quay đầu đi chỗ khác, tránh khỏi tay tôi. Tay tôi cứng ngắc với trong không trung, có lẽ anh hơi xấu hổ nên ho nhẹ một tiếng, nói: “Tôi không sao.”

Nói xong anh xoay người bỏ đi.

Tôi ngồi bên cạnh bàn ăn, nhìn bóng lưng của anh, cảm thấy rất nản lòng. Nhưng nghĩ lại, muốn một người chấp nhận người khác vào cuộc sống của mình cũng không phải là chuyện dễ dàng. Bất luận thế nào, chúng tôi là anh em, sợi dây gắn bó này không thể cắt bỏ.

Vì thế vào một ngày nắng sớm, chúng tôi lái xe, chạy trên con đường của Barcelona.

Tôi muốn nói, về Barcelona, ấn tượng của tôi đối với thành phố này chỉ là thế vận hội Olympic và phim điện ảnh của Woody Allen. Ngay cả đất nước Tây Ban Nha này, tôi cũng chỉ biết đấu bò và bóng đá. Tôi vẫn cảm thấy đất nước này tràn trề nhiệt tình, nó thật sự không tương xứng với cá tính lạnh lùng của anh Hai.

Giờ phút này, anh ngồi bên cạnh tôi đang hết sức chuyên chú lái xe, hai bên con đường rộng lớn có các loại kiến trúc kiểu Châu Âu tráng lệ, nhưng anh không có ý muốn giới thiệu với tôi chút nào.

“Anh là kiến trúc sư?” Tôi nhịn không được muốn bắt anh nói chuyện.

“Chính xác hơn là tôi muốn trở thành kiến trúc sư, nhưng tôi hiện tại vẫn còn kém mục tiêu này rất xa.”


Tôi nheo mắt nhìn anh, cảm thấy dường như anh tự coi nhẹ bản thân. Anh cũng nhìn tôi, sau đó nở một nụ cười: “Hôm nay tôi dẫn em đi xem vài chỗ.”

Không bao lâu, anh Hai đậu xe ở ven đường, sau đó dẫn tôi đi bộ trên con đường chính náo nhiệt ở phía trước. Vừa quẹo qua một chỗ rẽ, tôi bị hù doạ bởi một nhóm người đứng xếp hàng. Kỳ thật nếu hàng người này đặt ở bất cứ nơi nào tại Thượng Hải thì tôi không hề cảm thấy bất ngờ, nhưng ở Châu Âu đã hai tuần, ngoại trừ sân bay và hãng xe cho thuê, tôi hiếm thấy có người xếp hàng trên đường.

Hôm nay anh Hai đeo kính râm, như là loại kính của Tom Cruise đeo trong “Top Gun”, anh đi đến vị trí sau cùng của hàng người, rồi ngoắc tôi qua. Tôi ngơ ngác ngẩng đầu nhìn toà kiến trúc trước mắt, thật sự có phần không hiểu người Tây Ban Nha.

Đây là một toà nhà…nói thế nào nhỉ, tương đương với toà nhà “quỷ dị”. Nó có tổng cộng bốn năm tầng, nằm ở góc đường, nối liền với toà nhà bên cạnh, nhưng vô cùng hấp dẫn ánh mắt người ta. Vách tường bên ngoài là màu xám đậm mang chút màu vàng đất, giống như kiến trúc bằng xi măng cốt thép, nhưng trên tường che kín các loại đá thuỷ tinh màu lam và xanh lá cây cùng với ngói trang trí. Mỗi một tầng có ba ban công, hàng rào bảo hộ của từng ban công tạo hình giống như quái nhân đeo mặt nạ trong “Phantom of the Opera”. Tại toà lầu cao nhất là mái hiên thật lớn, hình dạng của mái hiên này như là cái mũ trên đầu thật lớn của hải tặc, ánh mặt trời chiểu rọi xuống, trên “mũ” được khảm vô số “châu báu” màu xanh lam và xanh lá cây, trông nó giống như một cung điện dưới đáy biển thần bí huyền ảo.

Anh Hai chìa tay kéo tôi, tôi mới phát hiện mình đang cản đường. Miệng anh cong lên một nụ cười nhạt: “Em đừng giống như một cô gái ở quê lần đầu tiên vào thành phố được không.”

Tôi không phục bĩu môi: “Em cứ là cô gái ở quê thì sao…”

Khoé miệng của anh Hai vẫn chứa nụ cười, nhưng ánh mắt trở nên nghiêm túc: “Toà nhà này tên là Casa Batlló, là tác phẩm của Gaudí.”

Hàng ngũ mua vé vào cửa di chuyển rất nhanh, sau khi anh Hai mua hai vé, liền dẫn tôi vào kiến trúc tràn ngập thuyết thần bí và sắc thái kỳ dị huyền ảo này. Du khách ở đây hầu hết nghe theo máy hướng dẫn, nhưng anh Hai không giúp tôi mượn một cái, khi tôi nhìn hết đông rồi đến hết tây, bỗng nhiên nghe thấy anh nói: “Em cảm thấy một công trình kiến trúc nếu có thể cảm động lòng người, thì đó là vì cái gì?”

Tôi không biết trả lời vấn đề không đầu không đuôi của anh thế nào, nhưng tôi vẫn suy nghĩ một chút rồi đáp: “Bởi vì nhìn đẹp lắm.”

Anh Hai kéo khoé miệng, không biết là mỉm cười hay là khinh thường. Anh không cho tôi đáp án, có lẽ vấn đề này căn bản không có đáp án. Anh chỉ tháo kính râm xuống, thuận tay cài chiếc kính trên mũi tôi, sau đó bắt đầu giới thiệu tác phẩm của bậc thầy trong giới kiến trúc.

Tôi đẩy kính râm lên đầu, đi theo anh lên lầu hai. Nhìn thấy dáng vẻ nói chuyện của anh Hai, tôi chợt nhớ tới ba của chúng tôi, ông ở Na Uy, không biết lúc này đang làm gì?

Ông có nhớ tôi không, hay là có muốn biết tôi như thế nào không?

Hoá ra, ý nghĩa của người thân chính là bận tâm. Cho dù thế giới này sụp đổ, cho dù chúng ta không quan tâm đến sống chết của mình, nhưng trong lòng lại nhớ nhung một số người, nhớ họ vô điều kiện —— đây là người thân.

Tôi hình như hiểu được chút ít buổi nói chuyện kia của ba, ông từng nói cho tôi biết, tôi có thể thông qua anh Hai để hiểu ông, lúc ấy tôi nửa tin nửa ngờ, mà hiện tại, tôi dường như hiểu được ông muốn nói cái gì.

Có lẽ chúng ta không muốn thừa nhận, nhưng theo một ý nghĩa nào đó mà nói, con cái là cuộc sống tiếp diễn của cha mẹ. Loại tiếp diễn này cũng không chỉ là dung mạo, bề ngoài, thói quen… Loại tiếp diễn này giống như một dấu ấn thật sâu, bắt đầu từ khoảnh khắc chúng ta sinh ra, nó đã dung nhập vào trong xương máu của chúng ta.

“Em xem,” bất tri bất giác, chúng tôi đã đến tầng cao nhất, trước mặt tôi chính là hình ảnh của một hành lang dài xen lẫn nhau, mà thanh âm trầm thấp là của anh Hai, anh đứng sau tôi, hơi thở của anh liền phả trên cổ tôi, “Đây là chỗ tinh tuý trong thiết kế của Gaudí —— hình vòm là nền tảng kiến trúc của ông ấy.”

Hành lang dài trước mắt quả thực khiến người ta chấn động, nhưng tôi vẫn đãng trí bước qua, bởi vì vừa rồi hơi thở của anh phả trên làn da tôi khiến tôi tê dại, cảm thấy không thoải mái lắm.

“?” Anh Hai không hiểu nên nhìn tôi.

Tôi đành phải cười lấy lệ, quay đầu đi chỗ khác, không nhìn anh.

Kỳ quái chính là, đây là lần đầu tiên tôi ý thức được…anh là một người đàn ông.

Từ Casa Batlló đi ra, anh Hai lại dẫn tôi đi đến một kiến trúc khác của Gaudí ở con phố bên cạnh, tên là Casa Milà. Toà chung cư này có chỗ đặc biệt nhất là pho tượng ở tầng cao nhất, cùng với phong cách thần bí huyền ảo vừa rồi thì nơi này hoàn toàn theo phong cách thuyết thần bí.


Anh Hai nói với tôi rất nhiều thứ, ví dụ như cuộc đời của vị bậc thầy Gaudí, ví dụ như chỗ kỳ diệu trong tác phẩm của ông ấy, ví dụ như cái gì là phong cách Gothic… Tôi thật sự không nghe vào bao nhiêu. Nhưng tôi rất thích nhìn dáng vẻ thao thao bất tuyệt của anh, giống như chỉ có lúc này anh mới nói nhiều với tôi, bình thường anh quả thực là tích tự như kim (tiết kiệm lời nói).

Chúng tôi đi mãi đến ba giờ chiều mới ngồi xuống một quán cơm nhỏ ở bên đường để ăn cơm, nhưng khiến tôi ngạc nhiên chính là, nơi này thật là kín người hết chỗ.

“Mọi người ở Tây Ban Nha không cần đi làm sao?” Tôi hỏi.

Anh Hai nhún vai: “Trời à, không làm việc thì làm sao nuôi sống bản thân.”

“Vậy thì tại sao lúc này lại có rất nhiều người đi dạo trên đường thế?”

Anh Hai uống một ngụm cà phê, nói: “Bởi vì mọi người ở đây đều tin rằng, so với kiếm tiền thì làm cho bản thân thoải mái mới là chuyện quan trọng nhất.”

Tôi nhìn anh: “Vì sao anh lại đến đây?”

Điều tôi muốn nói chính là, cá tính của anh cùng với tính cách tuỳ tiện của Barcelona không hợp nhau lắm.

Anh Hai vẫn không cho tôi đáp án, mà chỉ thản nhiên nói: “Sau này em sẽ biết.”

Trạm cuối cùng của hôm nay là một giáo đường còn đang trong giai đoạn thi công.

Việc này thật sự khiến tôi cảm thấy bất ngờ, bởi vì lại có nhiều người đến tham quan một giáo đường vẫn chưa thi công xong. Ở nơi tôi sống…dường như chưa từng xảy ra.

“Nhà thờ Thánh Gia theo tiếng Tây Ban Nha gọi là La Sagrada Família, theo nghĩa đen là cung điện gia tộc thần thánh.” Anh Hai dẫn tôi lách qua đám người chen chúc, dọc theo toà nhà to lớn màu xám này đi đến nơi mặt trời lặn xuống.

“Anh nói là nhà của Chúa Giêsu?” Tôi coi như có chút hiểu biết.

Anh Hai nhìn tôi, gật đầu: “Em có tín ngưỡng tôn giáo không?”

“Không có.” Từ nhỏ đến lớn, mẹ già tôi chỉ muốn tôi tin tưởng một người —— đại khái chính là bà.

“Tôi cũng không có,” anh nhún vai, “Nhưng mà tín ngưỡng tôn giáo vô cùng quan trọng đối với rất nhiều người, giống như là nước và không khí vậy.”

Chúng tôi dọc theo lan can màu đen tiếp tục đi về phía trước. Bóng dáng anh Hai ngay tại trước mặt tôi, chợt xa chợt gần. Trên đầu tôi còn có kính râm của anh, tôi dứt khoát kéo xuống đeo lên.

Vòng qua góc đường, bóng dáng của anh Hai bỗng nhiên tan biến. Ngay lúc tôi không biết làm sao thì anh lại xuất hiện trước mắt tôi, kéo tôi vào cánh cửa sắt màu đen. Phía sau cửa sắt là con đường dốc, ở cổng có người canh cửa, nhìn thấy anh Hai người đó liền gật đầu, anh Hai cũng chào hỏi anh ta.

Cuối con đường dốc là một cánh cửa gỗ màu đen khác, anh Hai đi tới cửa, lấy ra một tấm thẻ trong túi quẹt vào, cửa liền mở ra. Sau đó anh xoay người nhìn tôi, nói:

“Đến đây đi, xem thử chỗ làm việc của tôi.”

Tôi nghĩ, giờ phút này dùng bốn chữ “trợn mắt há mồm” để hình dung tôi thật không sai chút nào. Bởi vì tôi thật sự không ngờ, anh Hai lại làm việc trong một toà giáo đường.


Tôi đi sau anh tiến vào giáo đường, chính xác hơn là tầng ngầm của giáo đường. Tôi vốn tưởng rằng sẽ nhìn thấy cảnh tượng giống như địa đạo của pháo đài cổ kính vào thời Trung cổ, kết quả là văn phòng hiện đại hoá bình thường không có gì khác biệt.

Dọc theo đường đi có rất nhiều người chào hỏi anh Hai, chắc họ đều là đồng nghiệp của anh, còn có người nhiệt tình cho anh cái ôm. Sau đó, những người kia lại dùng ánh mắt tràn đầy nghi vấn nhìn tôi, nhưng anh Hai dường như không phát hiện gì mà tiếp tục dẫn tôi đi vào bên trong.

Cuối cùng chúng tôi đi vào trong căn phòng kính thật lớn, nơi này như là một phân xưởng của nhà máy hoặc là một xưởng thủ công, bày đặt vài chiếc bàn dài song song, trên bàn đều là các loại công cụ cùng với mô hình màu trắng. Tôi nhìn kỹ những mô hình này, đều là mô hình bên ngoài hoặc là từng khu vực của nhà thờ Thánh Gia, chế tạo vô cùng hoàn mỹ, quả thực tựa như đi tới một thế giới hư cấu cỡ nhỏ.

“Đây là nơi anh làm việc?” Tôi hỏi.

Anh Hai gật đầu: “Tôi không phải đã nói với em tôi làm mô hình sao?”

“Em còn tưởng là loại…mô hình chơi đùa của con nít.” Được rồi, tôi thừa nhận mình thật ra có chút nông cạn.

Anh Hai đảo mắt, có lẽ không muốn để ý tôi.

“Nhưng mà những mô hình này có lợi ích gì?” Tôi hỏi.

“Dùng để mô phỏng thiết kế của thầy Gaudí, tiếp tục xây dựng toà thánh đường này.”

Tôi bừng tỉnh hiểu ra gật đầu, bỗng nhiên có phần cảm thấy kính nể ngưỡng mộ anh Hai.

“Giáo đường này đã được xây dựng nhiều thế kỷ,” anh Hai đi đến bên cạnh một mô hình màu trắng tinh xảo, ánh mắt chuyên chú, “Gaudí đã hoàn thành tất cả thiết kế từ lâu, thế nhưng những thiết kế này rất tinh xảo, thậm chí vượt qua kiến trúc bình thường mà mọi người có thể nhận thức. Sau khi ông ấy chết, phải tiếp tục xây dựng như thế nào, đó là một vấn đề.”

“Vì sao lại xây dựng lâu như vậy?”

Anh Hai nhìn tôi cười cười: “Đầu tiên, đây là một công trình kiến trúc phức tạp và cực kỳ khổng lồ, sau đó chính là tiền.”

“Tiền?”

“Nhà thờ Thánh Gia dựa vào quyên góp và thu nhập của vé vào cửa để xây dựng, cho nên khi nào thì hoàn thành vẫn là một ẩn số.”

Tôi còn muốn nói thêm thì đã có người từ phòng kính bên kia lần lượt đi vào, bọn họ thấy anh Hai, vẻ mặt đều kinh ngạc vui mừng, còn nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, còn nói ngôn ngữ mà tôi không biết ở đâu, tóm lại cả phòng nhất thời náo nhiệt lên.

Cuối cùng, một mỹ nữ tóc vàng xinh đẹp đi tới, lúc nhìn thấy anh Hai cô ấy sửng sốt một chút, tôi dùng trí tuệ kế thừa từ mẹ già không coi là nhiều lắm nhưng cũng đủ đoán ra: hai người bọn họ khẳng định có vấn đề!

Tôi nhanh chóng liếc anh Hai một cái, phát hiện dáng vẻ anh vẫn bình thản ung dung. Khi tôi quay đầu lại nhìn mỹ nữ tóc vàng thì phát hiện đối phương đang trừng thẳng về phía tôi.

Những người khác cũng nhìn tôi, thoáng cái, tôi dường như thành mục tiêu công kích.

Nhưng anh Hai vẫn không có tia gợn sóng mà đút hai tay vào túi, anh nói với mọi người thời gian nghỉ phép của anh còn chưa chấm dứt, hôm nay chỉ dẫn tôi đến tham quan, nhìn nơi anh làm việc. Nói xong anh liền tạm biệt mọi người, rồi kéo tôi rời khỏi.

Tôi đi theo sau anh Hai, xuyên qua hành lang trong con đường ngầm, cuối cùng tôi nhịn không được hỏi: “Cô kia chính là bạn gái của anh sao?”

“Người nào?” Anh vẫn còn giả ngu.

Tôi bắt chước anh trợn mắt: “Dùng cách giống như con nít để trốn tránh sao, em còn tưởng rằng người nước ngoài các anh đều rất open.”

Anh Hai không quay đầu mà phản bác nói: “Tôi không phải người nước ngoài.”


“…” Tôi chẳng ừ hử gì cả.

“Sophie cũng không phải là bạn gái của tôi,” anh nói, “Là bạn gái trước.”

“Vì sao hai người chia tay?” Với anh Hai, tôi hình như luôn thẳng thắn, bắt chước anh không ngoằn ngoèo.

Anh dừng bước chân, thiếu chút nữa tôi đã cắm đầu vào anh.

“Bởi vì mục tiêu không giống nhau.”

Tôi không rõ nguyên do: “Mục tiêu gì?”

Đồng tử tôi xoay vòng: “Thế nào, anh định vì sự nghiệp chủ nghĩa cộng sản phấn đấu cả đời mà cô ấy lại bị đế quốc Mỹ ăn mòn tư tưởng tiến bộ?”

Anh Hai nhìn tôi, như là không hiểu tôi đang nói gì.

“Được rồi, chính là anh muốn hướng Đông mà cô ấy muốn hướng Tây.”

Anh nhíu mày suy nghĩ một chút rồi mới nói: “Em…có thể hiểu như vậy.”

Nhưng tôi vẫn chưa từ bỏ ý định: “Thế cuối cùng hai người có mục tiêu gì khác nhau?”

“Gia đình.” Nói xong, anh Hai tiếp tục đi về phía trước.

Tôi đi theo: “Gia đình?”

“Lúc đó tôi cầu hôn với cô ấy, nhưng cô ấy nói không muốn kết hôn, cũng không muốn con cái.”

“Vì vậy hai người liền chia tay?”

“Ừm.”

“Hai người…người nước ngoài đều dứt khoát như vậy sao?”

Anh Hai dừng bước chân, tôi rốt cuộc đụng phải anh, nhưng anh kịp thời giữ tôi lại, nghiêm túc nói: “Thứ nhất, tôi không phải người nước ngoài. Thứ hai, chuyện tình cảm đôi khi cần phải dứt khoát.”

“?”

“Có phải em muốn nói, tôi muốn kết hôn là vì tôi yêu cô ấy, sao có thể chia tay?”

“Gần như vậy…” Tôi gật đầu.

Khoé miệng anh Hai kéo lên một nụ cười khổ, nhưng mà nụ cười khổ kia chỉ hơi lướt qua: “Yêu…có thể là một điều rất phức tạp. Có lẽ cuối cùng, em sẽ phát hiện người em yêu nhất chính là bản thân em.”

Nói xong, anh buông tôi ra, xoay người đến cánh cửa gỗ màu đen kia.

***

Antoni Gaudí i Cornet (25 tháng 6, 1852 – 10 tháng 6, 1926) – theo tiếng Tây Ban Nha, Antonio Gaudí – là một kiến trúc sư Tây Ban Nha, người xứ Catalan. Ông là một kiến trúc sư theo phong cách Tân nghệ thuật của trong dòng kiến trúc Hậu Hiện đại, nổi tiếng bởi những thiết kế độc đáo theo phong cách cá nhân.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.