Đọc truyện Quyến Luyến Phù Thành – Chương 78
Ngày hôm sau, Nhiếp Tái Trầm đang chuẩn bị đi Cổ Thành, đúng lúc Lưu Quảng lại từ Cổ Thành tới, mang theo một phong thư của Bạch Thành Sơn.
Cha vợ anh viết rất ngắn gọn, nói hai ngày trước, một người bạn cũ họ La của ông được người khác phó thác tới Cổ thành, ông giữ lại cùng câu cá uống rượu, chỉ ôn chuyện cũ, không nói chuyện khác. Nếu bên anh có việc thì tự anh xem tình hình rồi quyết định là được, đừng băn khoăn quá nhiều.
Nhiếp Tái Trầm lập tức viết thư hồi âm, cẩn thận dán bì thư, nhờ Lưu Quảng trở về đưa cho cha vợ hộ anh. Tiếp đó anh đến Bộ Tư lệnh, bảo thư ký mời khách đến, anh thì chờ ở phòng họp.
Đặc phái viên Ngô mau chóng đến, Nhiếp Tái Trầm mời vào, sai người dâng trà, anh thì tự tay châm thuốc cho anh ta, nói:
– Tôi thường ngày chỉ biết đánh giặc, chuyện khác lại không biết gì. Mấy ngày vừa qua không làm tốt vai trò chủ nhà tiếp đón không chu toàn, mong anh bỏ quá cho.
Đặc phái viên Ngô xua tay, nói để tự mình làm. Anh ta cầm điếu thuốc rít một hơi, dựa vào lưng ghế, bắt chéo chân, cười nói:
– Nhiếp Tư lệnh khách sáo rồi. Hai ngày này tôi chẳng những lĩnh hội được Dương Thành bát cảnh, lộc ăn còn không cạn. Từng nghe nói đến hữu thực Quảng phủ, giờ tới đây đúng là nổi danh mà không phải giả truyền, thực sự là tôi rất thích. Nếu không phải là còn có việc trong người thì chỉ muốn định cư lâu dài ở đây mà thôi. Mà Nhiếp Tư lệnh à, chúng ta lần trước đã gặp mặt ở Nam Kinh rồi. Tôi từng nghe đến tên của anh, khi ấy gặp mặt chỉ hận gặp nhau quá muộn. Tư lệnh tuổi trẻ đã có thành tựu như thế, giờ lại càng có được cơ hội tốt hơn. Không phải tôi nịnh hót, ngày sau làm anh em, còn mong được anh dìu dắt đó.
Nói xong bật cười sảng khoái.
Nhiếp Tái Trầm mỉm cười nói:
– Không dám không dám. Việc lần trước nhắc đến tôi đã suy xét cẩn trọng. Hôm nay mời anh đến là muốn trả lời anh.
– Mời anh nói.
Đặc phái viên Ngô trở nên nghiêm trang, lại có vẻ hớn hở.
Nhiếp Tái Trầm gật đầu.
– Chính phủ phương Bắc là chính phủ thành lập hợp pháp, tôi dĩ nhiên ủng hộ hết mình. Khi nào quốc hội triệu tập, bên tôi sẽ phái đại diện chính quyền ra Bắc tham dự. Cũng nhờ anh chuyển lời cảm ơn của tôi tới lão Phùng, nói rằng hậu bối Nhiếp Tái Trầm cảm kích ơn dìu dắt tiến cử của ông ấy, nhưng năng lực tôi có hạn, hiện giờ đang dốc hết sức lực duy trì cục diện Quảng Đông, thật sự không còn sức đâu để phân tâm gánh vác trọng trách khác, mong ông ấy lựa chọn anh tài khác.
Nụ cười trên mặt đặc phái viên Ngô dần dần biến mất, nhìn anh, nhấn mạnh một lần nữa để khẳng định:
– Nhiếp Tư lệnh, anh thật sự không đi ư? Lão Phùng vô cùng thưởng thức tài năng của anh, hết lòng tiến cử anh trước mặt Tổng thống. Tổng thống cũng ký thác kỳ vọng cao vào anh. Tôi mong anh hãy thận trọng suy xét lại, đừng phụ ý tốt của người khác, ngày sau hối hận cũng không kịp.
Nhiếp Tái Trầm nói:
– Tôi cống hiến ở Nam Cương, cũng không có gì khác nhau.
Đặc phái viên Ngô nhìn anh chốc lát, sắc mặt dần dà trở nên âm trầm, gật gật đầu, đứng lên cáo từ.
Nhiếp Tái Trầm cũng không giữ lại, đứng lên theo.
– Nhiếp tư lệnh công việc bận rộn, sáng mai tôi sẽ lên đường về luôn. Anh dừng bước, không phải tiễn đâu.
Nhiếp Tái Trầm cũng không kiên trì, tiễn anh ta ra khỏi phòng họp xong thì cho người đại diện mình tiễn anh ta ra cổng lớn Bộ tư lệnh.
Người đi rồi, anh trở lại văn phòng nhưng không có tâm tư để làm việc, thu dọn rồi về nhà sớm. Lúc về tới cổng, nhìn thấy một người ăn mặc kiểu nhân viên văn phòng đang nói chuyện với người gác cổng, cung kính dâng lên một phong thư, sau đó thì rời đi.
– Cậu Nhiếp hôm nay về sớm ạ!
Người gác cổng quay đầu thấy anh thì vội chạy ra mở cổng.
– Vừa rồi là nhân viên của công ty thuyền vụ đến đưa vé tàu, cậu tiện thể mang lên cho tiểu thư đi ạ. Hôm nay tiểu thư cũng về sớm, đang ở trong nhà.
Nhiếp Tái Trầm nhận phong bì nhẹ có in logo của Công ty tàu thuyền du lịch Pháp, bên trong là vé tàu, khi sắp đến phòng khách, anh rút một tấm vé ra, xem thoáng qua.
10 giờ sáng Chủ nhật tuần sau, ghế lô cao cấp du thuyền hiệu Hoàng hậu, đích đến là Cảng Marseille Pháp.
Thời gian chỉ còn một tuần thôi.
Ánh mắt anh dừng ở ngày đi trên vé tàu vài giây, ngay sau đó siết chặt phong thư, đi vào.
Anh vừa đến phòng, thấy cửa mở, dưới đất là một cái rương lớn, cô đang thu dọn tranh vẽ, sách và một số thứ khác ở trên bàn, anh vợ Bạch Kính Đường thì đứng bên cầu xin:
– Tú Tú à, em gái ngoan của anh, Liễu thị đã được anh chị cô ta đón đi rồi, về sau anh sẽ không qua lại gì với cô ta nữa. Anh thề! Em xem anh vẫn luôn tốt với em mà, em giúp anh đi. Anh thật sự biết sai rồi!
Bạch Cẩm Tú xếp sách, cũng không ngẩng đầu lên:
– Chị dâu cũng rất tốt với em.
– Tú Tú, Tú Tú ơi, anh nói thật đó. Sáng anh đến Trương gia, anh còn bỏ hết mặt mũi nhận lỗi với bà ngoại, bà ngoại nói không phải chuyện to tát gì, bảo chị em về nhà. Nhưng chị em chẳng chịu về. Cũng chẳng thèm gặp anh.
– Anh cả, sao anh lại ích kỷ như vậy? Giờ em không khuyên chị ly hôn anh, chỉ đưa chị đi du lịch giải khuây cho tâm trạng thoải mái thôi, sao anh cứ rối hết cả lên thế?
Bạch Cẩm Tú bực bội, quay sang Bạch Kính Đường, đôi mày đẹp chau lại.
– Một hai năm lận chứ không phải mấy ngày! – Bạch Kính Đường thấy em gái bực lên thì không dám nói to, xuống tông lập tức.
– Em mặc kệ, trừ phi chị dâu nói không đi nữa.
Bạch Cẩm Tú vẫn kiên quyết, mặc anh cả nói thế nào thì vẫn cự tuyệt, ngoảnh mặt đi bỗng thấy Nhiếp Tái Trầm đứng ở cửa, liếc thấy phong bì trong tay anh:
– Là vé tàu đúng không? Thấy bảo hôm nay gửi cho em.
Nhiếp Tái Trầm gật đầu đi vào, đưa vé tàu qua, lại bị Bạch Kính Đường giật mất, mở ra, thấy có ba tấm vé thì mặt tái đi, ném xuống, đánh ánh mắt với Nhiếp Tái Trầm, sau đó đi ra ngooài.
Nhiếp Tái Trầm làm như không phát hiện, chỉ là anh vợ cứ hắng giọng ở cửa liên tục, anh hết cách, đành phải đi ra ngoài. Mới ra ngoài đã bị Bạch Kính Đường kéo đến một gian phòng bên cạnh, đóng cửa lại.
– Anh cả, chuyện gì ạ?
– Tái Trầm à, lúc này thì em nhất định phải giúp anh rồi. Em hãy giúp anh nghĩ cách làm thế nào khuyên chị dâu em quay về, để chị dâu tha thứ cho anh!
Nhiếp Tái Trầm có chút khó xử:
– Anh cả, chỉ sợ em không làm được…
– Chỉ cần em chịu giúp thì nhất định được mà. Em gái anh tính tình như vậy mà em còn dỗ dành con bé được. Em mau nghĩ cách giúp anh đi. Anh không phải không cho chị em đi du lịch giải sầu, mà anh chỉ sợ chị em ở cùng em gái anh lâu, nhỡ đâu học được cái không tốt của nó thì không hay.
Nhiếp Tái Trầm nhíu mày lại:
– Tú Tú có chỗ nào không tốt?
Bạch Kính Đường thấy em rể không vui, vội vã cứu vãn:
– Ôi em đừng hiểu lầm, anh không phải nói Tú Tú không tốt, là anh nói tính tình của nó mở miệng ngậm miệng là ly hôn, ngoài em chịu nó được, chứ chả có đàn ông nào chịu được đâu…
Anh ta càng giải thích thì càng phát hiện sắc mặt em rể khó chịu hơn, lập tức dậm chân.
– Dù sao ý anh thế nào em biết mà. Đều là đàn ông với nhau, em đừng so đo với anh cả nữa. Mau giúp anh nghĩ cách đi. Hồi trước anh gả em gái cho em, anh từng nói một lời không tốt nào chưa.
Từ sau chuyện kia, mấy ngày này anh ta chạy đi chạy lại hai nơi, còn phải làm việc, về nhà còn bị em gái ruột phớt lờ không giúp, tròng mắt sắp đảo ngược rồi.
Nhiếp Tái Trầm thật sự thấy không đành lòng, cuối cùng nói:
– Anh cả nghĩ đi tìm mẹ con chị dâu nhận sai, sao không đi tìm cha ạ? Để cha dạy dỗ vài câu, rồi nhờ cha nói hộ chắc được mà. Chị dâu không nghe anh, lẽ nào không nghe lời cha?
Bạch Kính Đường ngớ ra.
Anh ta nhất thời dây dưa với Liễu thị, sau khi vụ việc vỡ lở anh ta sợ nhất là để ông cụ biết được, cho nên sau đó chưa từng nghĩ sẽ chủ động đi nhận lỗi với ông. Giờ bỗng được một câu nhắc nhở em rể làm cho bừng tỉnh, tức thì như trong bóng tối nhìn thấy một ngọn đèn sáng chỉ đường.
Liều mình một lần đi gặp cha để nhận lỗi, dù bị dạy dỗ đánh mắng ra sao cũng chịu, sau đó cần xin cha giúp nói hộ mình đôi lời, vợ mình không thể không nể mặt cha chồng được. Khi khuyên được vợ về nhà rồi, mình sẽ tiếp tục nhận lỗi với vợ, chắc chắn mọi việc sẽ qua thôi.
Bạch Kính Đường mừng rỡ, bắt lấy tay em vợ siết chặt:
– Tái Trầm à, may mà có em đấy. Anh cảm ơn, anh biết rồi. Anh lập tức đi Cổ Thành luôn.
– Hai người lén lút làm gì đấy?
Cửa bỗng bị đẩy ra, Nhiếp Tái Trầm ngoái lại, thấy Bạch Cẩm Tú đứng ở cửa, ánh mắt nghi ngờ nhìn anh và Bạch Kính Đường.
Bạch Kính Đường một lòng chỉ nghĩ mau chóng về Cổ Thành mà thôi, bỏ tay em vợ ra, cười xòa với em gái, sau đó rời khỏi thư phòng, đi tìm Lưu Quảng nói chuyện quay về Cổ thành.
Bạch Cẩm Tú nhìn anh cả đi gấp gáp, hỏi Nhiếp Tái Trầm:
– Sao vậy? Trông anh cả có vẻ rất phấn chấn? Lại như rất cảm kích anh thì phải? Hai anh rốt cuộc đã nói gì?
Nhiếp Tái Trầm không dám giấu cô, liền nói lại chuyện Bạch Kính Đường xin mình giúp đỡ. Anh bèn khuyên anh ta tìm cha vợ. Nói xong thì bổ sung một câu:
– Là anh cả cứ buộc anh giúp, anh hết cách mới nghĩ ra cách đó cho anh cả. Anh không phải cố ý đâu.
Bạch Cẩm Tú hứ một tiếng:
– Cấu kết làm việc xấu!
Nói xong quay người bỏ đi, đi về phòng.
Nhiếp Tái Trầm đi theo vào, thấy cô tiếp tục thu dọn hành lý thì đi lên, từ phía sau ôm lấy eo cô, nhẹ nhàng hôn lên vành tai trắng nõn của cô, thì thầm:
– Tú Tú, cảm ơn những lời tối qua của em. Anh đã trả lời với sứ giả phía Bắc rồi, sẽ không lên phía Bắc nữa.
Bạch Cẩm Tú hơi khựng lại, ừ một tiếng, sau đó gỡ đôi tay của anh đang ôm mình ra, tiếp tục dọn đống váy vóc trên giường.
– Em biết rồi.
Nhiếp Tái Trầm cho tay vào túi, đứng một bên, nhìn cô chốc lát, tiếp tục nói:
– Em còn thiếu gì không, anh chuẩn bị cho em.
– Anh nói xem em còn thiếu cái gì? – Cô trả lời, lấy một cái váy dài ra, đặt sang một bên.
– Vậy anh giúp em thu dọn đồ đạc nhé?
– Không cần đâu, tự em khác làm. – Cô vẫn không quay lại.
Nhiếp Tái Trầm vừa rút tay ra lại lẳng lặng đút vào túi quần.
– À, đã lâu em không đến nhà ngoại chị dâu, mẹ chị ấy mấy hôm trước bị ốm, em bận quá chưa đi thăm được. Hôm nay rảnh rỗi, chúng ta cùng nhau qua đó thăm chị dâu, tiện thăm mẹ chị ấy luôn.
Chợt cô quay lại nói.
Nhiếp Tái Trầm bảo được. Cô thay quần áo, mang theo quà lưu niệm, tới Trương gia thăm hỏi mẹ của Trương Uyển Diễm. Khi trở về phát hiện anh cả vì sốt ruột mà đã ngay lập tức lên đường đi Cổ thành ngay trong buổi tối rồi.
Bạch Cẩm Tú tự nhận thấy cha mà biết được việc này sẽ trách phạt anh cả một trận, sau đó sẽ ra mặt làm người hòa giải, bảo chị dâu về với anh cả. Ngờ đâu qua mấy ngày anh cả chưa trở về mà Lưu Quảng lại tới lần nữa thì lấy làm lạ.
– Chú Lưu, anh cả cháu đâu, sao không quay về cùng ạ? Cha cháu nói thế nào?
Cô hỏi.
Lưu Quảng đáp:
– Đại thiếu gia còn ở Cổ thành, tôi về trước chuyển lời cho lão gia.
Ông nhớ tới việc này giờ vẫn thấy cằm đau nhức.
Ngày đó Bạch Kính Đường về Cổ thành, căng da đầu nói lại chuyện mình giấu vợ lén lút quan hệ với Liễu thị, còn thuê nhà cho chị ta. Sau đó nhận lỗi, nói mình sau này không tái phạm nữa, cầu xin ông cụ nói giúp anh ta để an ta được đón vợ về nhà.
Bạch Thành Sơn nghe xong ngay lúc ấy cũng không phát giận, chỉ bảo anh ta quỳ ở từ đường một đêm, không cho phép ngủ. Buổi sáng hôm sau chỉ nói một câu.
– Cha cháu nói gì ạ?
– Lão gia nói, để thiếu phu nhân yên tâm cùng tiểu thư ra nước ngoài du lịch giải sầu đi. Lão gia bảo tôi chuyển lời cho thiếu phu nhân, bao năm qua thiếu phu nhân lo liệu việc nhà không dễ dàng gì, bao ấm ức thiệt thòi lão gia đều thấy cả, giờ ra ngoài đi bao lâu cũng đều được. Toàn bộ chi phí sẽ do lão gia cung cấp. Còn bảo mọi người dẫn thêm nhiều người theo. Chỉ cần mấy chị em an toàn, chơi vui vẻ, cái khác không vấn đề gì cả.
Bạch Cẩm Tú quá bất ngờ, không ngờ cha lại nói như vậy.
– Vậy anh cả cháu thì sao, sao anh ấy không về?
Lưu Quảng lại thấy cằm đau nhức, không nhịn được sờ vào nó, nói:
– Đại thiếu gia bị ngã, chưa thể về được.
Đêm đó Bạch Kính Đường bị quỳ suốt một đêm, ngày hôm sau đầu gối sưng to, gần như đi phải có người dìu đỡ mới đi được.
Anh ta tính quỳ xong rồi, cha nguôi giận rồi, thì sẽ nói lời hay giúp mình, nào ngờ lại đụng phải gậy cứng, tức thì choáng váng không dám nói thêm gì nữa, đành phải ủ rũ cụp đuổi chuẩn bị quay về Quảng Châu. Nào ngờ lúc lên xe ngựa, chân cẳng không nhanh nhẹn, hơn nữa tinh thần hoảng hốt, không cần thận bị ngã xuống, chẳng những xương đùi bị gãy, còn bởi ngã sấp xuống, cằm đụng vào hòn đá sắc nhọn dưới đất, bị rạch một vết lớn, máu tuôn xối xả, suýt nữa thì ngất đi.
– Bởi thế mà đại thiếu gia không trở về được, vẫn còn nằm trên giường, tôi thì quay về trước để chuyển lời cho lão gia.
Bạch Cẩm Tú giật mình, không ngờ anh cả đã nhọ lại nhọ tới mức độ này, còn bị ngã bị thương nặng nữa.
Tuy tức giận anh cả có quan hệ không rõ ràng với người phụ nữ khác, nhưng nghe nói anh ta bị thương thì vẫn thấy đau lòng, vội vàng đến Trương gia, nói lại lời cha nói và chuyện anh cả bị ngã cho Trương Uyển Diễm biết.
Bà Trương vẫn luôn giục con gái về nhà, giờ nghe thế thì càng sốt ruột, bảo con gái trở về luôn đi. Trương Uyển Diễm cũng không nói gì cả, thu dọn đồ đạc, cùng A Tuyên trở về Bạch gia, hỏi Lưu Quảng vài câu về tình hình của chồng, ngồi yên, có vẻ không mấy yên lòng.
– Mẹ ơi, mẹ mau đến xem cha đi! Cha bị ngã đụng vào cằm, có phải sẽ xấu xí không? Về sau ăn cơm có phải bị thủng không?
A Tuyên lo lắng sốt, đầu óc lại tưởng tượng phong phú, lâp tức nghĩ đến vẻ bề ngoài của cha và việc ăn uống bị cản trở.
Trương Uyển Diễm hừ một tiếng với cậu con, đứng lên nói với Bạch Cẩm Tú:
– Tú Tú, hay là chị đi xem thế nào? A Tuyên cũng sốt ruột, dù sao mấy ngày nữa tàu mới xuất phát, chị về nhà một chuyến nhé.
– Được ạ, chị đi luôn đi.
Trương Uyển Diễm gật gật đầu, thu dọn chút đồ đạc, vội vàng đi Cổ Thành.