Quyến Luyến Phù Thành

Chương 70


Đọc truyện Quyến Luyến Phù Thành – Chương 70

Ngọn lửa trên bấc đèn dầu hơi nảy lên.

Nhiếp Tái Trầm cúi đầu xuống, không trả lời.

Sự im lặng của con trai khiến cho người mẹ ngay lập tức xác nhận những nghi ngờ và suy đoán trước đó của mình.

Vị Bạch tiểu thư kia chẳng những có quan hệ với con mình, hơn nữa còn là quan hệ không bình thường.

Điều duy nhất bà không khẳng định được chính là quan hệ của hai người đã đến mức độ nào rồi, đồng thời, vì lý do gì mà Bạch tiểu thư muốn phủi sạch quan hệ với con mình ở trước mặt bà.

– Nói!

Bà quát lên, không chút kiên nhẫn.

Nhiếp Tái Trầm ngước mắt lên, đối mặt với ánh mắt của bà, nhớ tới sự cảnh cáo và cấm đoán của cô hôm đó, yết hầu như bị cái gì đó chặn lấy, khi cất tiếng cũng thấy khó khăn.

Bà Nhiếp nhìn con trai vẫn câm như hến thì trong mắt bắt đầu ẩn chứa cơn phẫn nộ.

Bà quá hiểu tính đứa con trai này của mình. Nom dáng vẻ ấp a ấp úng của anh, chắc chắn là làm ra chuyện sai trái gì đó rồi.

Bà giơ tay lên vỗ mạnh xuống bàn, rầm một tiếng thật mạnh.

– Có gì mà không thể nói? Con còn không mau nói cho mẹ biết!

Nhiếp Tái Trầm biết đã không thể che giấu được nữa. Mà anh cũng không muốn giấu.

– Mẹ ơi…Tú Tú…Con với cô ấy…đã thành thân ở Quảng Châu rồi…

Bà Nhiếp sững sờ, một lát sau chậm rãi hỏi:

– Chuyện khi  nào?

– Cuối năm ngoái. Chính là lần con về thăm mẹ, khi trở lại con đã…

Anh lí nhí đáp, nói không hết câu.


Bà Nhiếp lại lần nữa ngây người, trong phòng theo đó mà rơi vào yên tĩnh.

– Kết hôn là chuyện lớn như thế, vì sao mẹ lại không biết?

Một lúc sau, bà nhìn con trai, gằn từng chữ hỏi.

Nhiếp Tái Trầm không dám nhìn vào ánh mắt nghiêm khắc của bà, nén nỗi lòng rối loạn xuống, nói:

– Là lỗi của con…Nếu mẹ tức giận thì cứ phạt con đi, cẩn thận kẻo ảnh hưởng sức khỏe…

Bà Nhiếp không thể tin được chuyện như vậy là do đứa con trai chín chắn chững chạc trước tuổi chưa từng khiến bà phải lo lắng làm ra.

Từ lần trước người lấy danh “Bạch tiểu thư” tới thăm bà, bà đã cảm thấy vị “Bạch tiểu thư” ở Quảng Châu này chắc là có quan hệ đặc biệt gì đó với con trai mình, trong đó như có ẩn tình gì đó, ngày đó ra bờ sông giặt quần áo, chính là vì thất thần suy nghĩ mà trượt chân bị ngã dẫn đến hôn mê sâu.

Sau đó thì gặp Bạch tiểu thư người thật việc thật, cô đi rồi, bà Nhiếp đã suy đoán rất nhiều về mối quan hệ giữa cô và con trai mình. Bà thậm chí còn nghĩ lẽ nào con trai của bà mấy năm ra ngoài đi học, chẳng học hành tử tế lại học được thói hư tật xấu gì đó, to gan lớn mất hủy đi sự trong sạch của cô. Danh môn khuê tú như cô dù có thích con trai bà đến mấy thì e là cũng khó mà chấp nhận được, phẫn nộ mà giận dỗi với anh?

Nhưng bất kể thế nào bà cũng không ngờ rằng hai người đã lấy nhau, vị Bạch tiểu thư kia chính là con dâu của bà, thế mà thằng con trời đánh của bà lại che giấu hôn sự với bà.

Bà đúng là sợ đến ngây người.

– Tái Trầm, con nói là thật không?

Bà thở hắt ra một hơi, hỏi con trai.

– Phải ạ.

– Giờ con bé đã biết con giấu mẹ, nên giận con đúng không?

Trái tim Nhiếp Tái Trầm lại lần nữa co thắt lại, như bị kim châm vào, đau đớn vô cùng.

– Vâng. Cô ấy biết rồi, muốn ly hôn với con.

Anh cắn chặt răng,

– Cô ấy….cô ấy không cần con nữa…


Trong phòng lại lần nữa rơi vào yên tĩnh.

Bà Nhiếp ngồi trước bàn nhỏ, bất động nhìn bộ kim chỉ  và đồ lót sắp được làm xong, trước  mắt chợt tối sầm đi, cả người lảo đảo.

– Mẹ, mẹ vừa mới khỏe lại, mẹ đừng tức giận. Toàn bộ là lỗi của con, con không nên giấu mẹ…Mẹ cẩn thận…

Nhiếp Tái Trầm vội vàng đỡ lấy bà.

Bà Nhiếp lấy lại bình tĩnh, hất tay anh ra, đứng lên, cầm chổi lông gà, đổi đầu, đánh phần chuôi vào anh.

Bà dùng hết sức mình.

“Vút” một tiếng, cán trúc chổi lông gà quất trên mông Nhiếp Tái Trầm nứt ra, dây thừng quấn lông gà cũng bị đứt, lông gà bung ra ngoài, rơi đầy đất.

Bà Nhiếp cầm cán trúc đã bị gãy, thở hổn hển mấy hơi, vứt đi, lại ra sân rút một cây củi trong đống củi, phừng phừng trở lại phòng, mắng Nhiếp Tái Trầm đang ôm mông ngồi không nhúc nhích:

– Thằng súc sinh này, uổng công bao năm dạy dỗ của mẹ, không ngờ lại làm ra chuyện hoang đường như thế.

– Cởi áo ra cho mẹ. Quỳ xuống!

Bà lại quát lên.

Nhiếp Tái Trầm nhìn cây củi sần sùi trong tay bà, buông tay đang che mông ra, lẳng lặng cởi áo, quỳ xuống.

Bà Nhiếp cầm chặt cây củi thô, đánh liên tục vào tấm lưng trần của anh, tiếng thịch thịch vang lên không dứt.

Nhiếp Tái Trầm vẫn quỳ bất động, chịu đựng cơn giận từ bà.

Chốc lát, tấm lưng trần của anh đã bị gai và gờ thô ráp trên cây củi làm cho nứt toác ra, tím sưng lên, máu rỉ ra từ miệng vết thương dính trên cây củi, nom vô cùng kinh khủng.

Bà Nhiếp vẫn không chút nương tay, vừa đánh vừa mắng:

– Con ơi là con, con gạt mẹ thì thôi đi. Một cô gái tốt như thế, coi trọng con, nguyện gả cho con, con không thích thì đừng có cưới người ta. Mà cưới người ta rồi, mẹ chết rồi thì thôi, nhưng mẹ còn sống sờ sờ ở đây mà hôn lễ còn không cho mẹ lộ mặt, con muốn đẩy con bé vào đâu? Con bé có lỗi gì với con mà con làm ra chuyện như vậy?


– Con nói cho mẹ biết đi. Nói không được lý do, mẹ đánh chết con.

Nhiếp Tái Trầm chịu đựng cơn đau nhức ở lưng, nói:

– Mẹ ơi, mẹ bớt giận. Lúc đó con lo lắng không môn đăng hộ đối, lo lắng cô ấy chỉ nhất thời bốc đồng mới thành thân với con, hôn nhân sẽ không được lâu dài. Con sợ mẹ sẽ thất vọng nên mới nghĩ sai không báo với mẹ, che giấu mẹ chuyện đó.

Anh vừa mới nói vậy, bà Nhiếp lại càng phẫn nộ:

– Đây là cái lý do hoang đường gì thế. Con rõ ràng tự tìm cớ cho mình. Mẹ đánh chết con.

Rốt cuộc là vừa bệnh nặng một trận, đánh một lát sức đã yếu đi, cắn răng, hung hăng quật cho vài cái nữa, tay nhũn ra, cuối cùng cây củi cũng không giữ được mà rời tay, rơi xuống đất.

Bà ngừng đánh, thở hổn hển lấy lại sức, chậm rãi ngồi xuống ghế, nhắm mắt lại, không nói lời nào.

Nhiếp Tái Trầm không dám biện giải, cũng không đứng lên, vẫn quỳ bất động. Vết thương túa máu sau lưng dần dần tụ thành giọt máu nhỏ, dọc theo lưng eo của anh chậm rãi chảy xuống dưới.

Một lúc sau, bà Nhiếp mở mắt ra, nhìn anh, nói:

– Vừa rồi con nói con bé không cần con nữa?

Nhiếp Tái Trầm ảm đạm gật đầu.

– Vâng. Cô ấy nói không thích con nữa, không còn tình cảm gì với con nữa…Con hối hận rồi, con xin lỗi cô ấy nhiều lần, nhưng cô ấy không chịu tha thứ cho con.  Sở dĩ còn chưa công bố ra bên ngoài là còn chưa thuận tiện. Cô ấy nói lúc nào thuận tiện thì sẽ đăng báo…

Anh nhớ đến dáng vẻ vô tình của cô khi nói những lời này, giọng như lạc đi.

Bà Nhiếp nhìn con trai ủ rũ quỳ trước mặt mình, cơn giận vừa mới nén được xuống lại nổi bùng lên.

Bà thật sự không hiểu vì sao mình lại đẻ ra thằng con ngốc đến như vậy cơ chứ, chỉ hận không thể lấy cây củi gõ vào đầu nó cho nó khôn ra.

– Tái Trầm, sao con lại ngốc đến vậy cơ chứ? Nếu Tú Tú không thích con, một thiên kim tiểu thư như con bé dựa vào đâu mà gả cho con hả?

– Nếu con bé không có tình cảm với con, không thích con, vì sao lại ngàn dặm xa xôi từ Quảng Châu tới nơi hẻo lánh hoang vu này để chăm sóc cái bà già sắp chết này hả con? Dù con bé vì tình nghĩa thì lẽ nào không phái người khác đưa bác sĩ tới, mà cứ phải đích thân tới đây chứ?

Nhiếp Tái Trầm ngây dại cả người.

Bà Nhiếp lại tức giận đến mức nước mắt chảy xuống.

– Hôm đó khi mẹ tỉnh lại, nửa đêm thấy một cô gái trẻ gục bên mép giường, trên mặt còn vương nước mắt, nắm chặt tay mẹ cứ thế khóc mà ngủ mất, nom mà thương xót vô cùng. Con bé chưa từng gặp mẹ, dựa vào đâu mà quan tâm mẹ như thế hả con? Bởi vì mẹ là mẹ của con đấy biết chưa! Con bé nghĩ cho con, con có hiểu hay không!


– Đầu óc con để đi đâu hả? Rốt cuộc trong đầu con nghĩ cái gì?

Tựa như trên trời rót xuống một đạo đề hồ. Trái tim Nhiếp Tái Trầm đập mạnh như trống, nảy thình thịch, như muốn bắn ra khỏi lồng ngực, phía sau lưng thấm ra một tầng mồ hôi mỏng, mồ hôi mang theo dịch muối ngấm vào vết thương rách toác, khắp cả lưng vừa đau nhức vừa xót.

Huyết dịch trong người anh nóng lên, anh chậm rãi đứng thẳng lên.

Bà Nhiếp đã lau nước mắt, lạnh lùng nói:

– Vừa rồi mẹ nghe con nói, con bé gì mà bốc đồng nhất thời, sao thế, là trước đó con bé ép con lấy con bé bằng được à? Trời ơi là trời, con lấy đâu ra mặt mũi lớn thế hở con? Mẹ mặc kệ tất cả. Một cô gái tốt như thế, mẹ thương con bé không biết để đâu cho hết, con phải chân thành đi xin lỗi con bé cho mẹ.

Nhiếp Tái Trầm cúi đầu, không dám hó hé câu nào.

– Mẹ cho con biết, phụ nữ lúc mềm lòng thì rất mềm lòng, lúc tàn nhẫn thì còn tàn nhẫn hơn cả nam giới. Mẹ không quan tâm con ân hận như nào. Nuôi con trai có phước mà không biết hưởng, mẹ không còn mặt mũi đâu mà đi cầu xin con bé hộ con được. Dù con bé có nể cái mặt già này làm hòa với con, chỉ sợ trong lòng cũng không thoải mái.

Bà Nhiếp cầm lấy áo lót đang khâu dở, cúi đầu, tiếp tục khâu những đường cuối cùng.

– Mẹ không ép con, tự con đi làm đi. Nếu mẹ không đợi được con bé gọi mẹ một tiếng mẹ, cả đời này con đừng mong mẹ lấy vợ khác cho con, cũng đừng bao giờ vác mặt về đây nữa. Mẹ mắt không thấy tâm không phiền.

Nhiếp Tái Trầm hô hấp dần dần nặng lên, nhìn người mẹ già đang cắm cúi khâu vá không để ý tới mình nữa, chợt cầm chiếc áo vừa cởi ra lên và xách rương hành lý còn chưa mở ra, đi ra ngoài.

– Đứng lại, con định đi đâu? – Bà Nhiếp gọi giật lại, hỏi.

Nhiếp Tái Trầm dừng chân, quay đầu lại:

– Mẹ, con biết rồi. Con lập tức quay về luôn.

Bà Nhiếp nhìn vết thương trên lưng anh, nhíu mày:

– Đang nửa đêm nửa hôm, con vừa mới về, có gấp thì cũng không thể đi ngay lúc này được. Ngày mai hẵng đi.

Bà buông kim chỉ xuống, đứng lên đi lấy thuốc.

Nhiếp Tái Trầm thấy bà nói vậy, đành ép ý nghĩ chỉ mong bay đến bên cô ngay tắp lự xuống, vâng một tiếng.

Bà Nhiếp cầm thuốc trị thương về, bưng theo chậu nước, bảo anh nằm sấp trên giường, gỡ gai đâm vào da anh đi, sau đó bôi thuốc cho anh. Nhìn vết thương rách toác sưng lên của con trai, nghĩ mình vừa rồi nổi nóng ra tay quá nặng, thở dài:

– Từ nhỏ đến lớn đây là lần đầu tiên mẹ đánh con. Nếu con có thể hiểu được, ngày nào đó dẫn con dâu đến gặp mẹ, thì con cũng không bị đánh oan đâu.

Nhiếp Tái Trầm nhắm mắt lại, nằm yên không nhúc nhích.

Anh chịu cơn đau, ngủ lại một tối. Ngày hôm sau, mang theo thuốc trị thương mẹ đưa, cùng với lời dặn dò của bà, trong tia nắng ban mai trong trẻo, lại lần nữa bước trên con đường quay trở về.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.