Quyền Lực Thứ Tư

Chương 39


Đọc truyện Quyền Lực Thứ Tư – Chương 39

Báo

FINANCIAL TIME

Ngày 1 tháng Mười một, 1991

CỔ PHIẾU CỦA CÁC TẬP ĐOÀN BÁO CHÍ

RƠI TỰ DO

Khi Townsend đáp máy bay tới Honolulu thì Elizabeth Beresford đã đi được nửa quãng đường vượt Đại Tây Dương. Trong ba tuần qua ông đã phải trải qua kỳ thi khắc nghiệt nhất trong đời – và, giống như mọi kỳ thi khác, có một khoảng thời gian trước khi biết kết quả.

E.B. đã hỏi, tìm hiểu tỉ mỉ và nghiên cứu mọi khía cạnh của mọi vụ giao dịch mà ông đã từng tham gia. Giờ đây bà biết nhiều về ông hơn cả mẹ, vợ, con và cơ quan thuế vụ của ông cộng lại. Trên thực tế Townsend tự hỏi liệu có còn điều gì giấu được bà ta hay không – ngoài chuyện ông đã làm gì ở trong phòng để dụng cụ thể thao với con gái ông hiệu trưởng. Và nếu ông phải trả giá đắt vì điều đó, chắc chắn bà sẽ đòi ông phải mô tả chi tiết vụ làm ăn này.

Mỗi đêm khi trở về căn hộ của mình, người mệt lử, ông lại tính toán kỹ càng với Kate về mọi khả năng có hoặc không thể xảy ra. “Anh chỉ chắc chắn có một điều,” ông thường nhắc đi nhắc lại. “là cơ hội sống sót của anh hiện nằm hoàn toàn trong tay người đàn bà đó.”

Họ đã hoàn thành giai đoạn một: E.B thừa nhận là nếu nói chi ly ra, công ty có đủ khả năng trả nợ. Sau đó bà ta chuyển mục tiêu sang giai đoạn hai: bán đi một số tài sản. Khi nghe bảo rằng bà Summers muốn mua lại số cổ phiếu của mình trong tờ New York Star, ông miễn cưỡng phải đồng ý. Nhưng ít nhất E.B cũng cho phép ông giữ lại số lợi tức nằm trong quyền kiểm soát của ông ở tờ Melbourne Courier và Adelaide Gazette. Tuy nhiên ông đã phải bán tờ Perth Sunday Monitor và Continent để đổi lấy việc giữ lại tờ Sydney Chronicle. Ông cũng phải bằng lòng với số lợi tức ít hơn trong kênh truyền hình Úc của mình và tất cả những công ty con không sinh lợi ở Multi Media, nhờ đó ông có thể tiếp tục phát hành TV News.

Đến hết tuần thứ ba E.B đã hoàn thành điệu múa thoát y và để lại ông gần như trần trụi. Và tất cả chỉ vì một cuộc điện thoại. Ông bắt đầu tự hỏi không biết những lời nói đó còn ám ảnh ông bao lâu nữa:

“Ông đã nghĩ tới con số nào chưa, thưa ông Townsend?”

“Rồi, thưa ngài Đại sứ. Ba tỷ đô la.”

E.B. không phải nhắc ông là bà ta vẫn cân nhắc những kế hoạch dự phòng trước khi có thể chuyển sang giai đoạn ba.

Mặc dù nhiều lần họ đã viết đi viết lại bản thông cáo chính thức, kết luận của nó luôn luôn là một: Global Corp sẽ tiến hành tự nguyện giải thể. Trong đời hiếm khi Townsend phải trải qua những giờ phút đáng ghét hơn thế. Ông có thể mường tượng ra tiêu đề ảm đạm trên tờ Citizen: Townsend phá sản.

Khi họ thỏa thuận được về lời lẽ của bản thông cáo, E.B. đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Bà hỏi Townsend về những ngân hàng mà ông cho rằng thông cảm được với những nguyên do của ông nhất. Ngay lập tức ông chỉ ra sáu ngân hàng, và sau đó cho biết thêm năm ngân hàng nữa luôn có mối quan hệ thân thiết từ lâu với công ty. Nhưng ông cảnh báo bà là cũng như những ngân hàng còn lại, ông chưa bao giờ giao dịch với bất kỳ ngân hàng nào trong số chúng trước khi ông cố kiếm ba tỷ đô la cho vụ mua Multi Media. Và một ngân hàng trong số chúng đã đòi ông trả lại tiền cho họ nếu có thể.

“Vậy chúng ta sẽ để nó lại đến phút cuối,” E.B. nói.

Bà bắt đầu tiếp cận với quan chức cao cấp phụ trách vấn đề cho vay của ngân hàng có mức tín dụng lớn nhất, và nói cho ông ta biết những biện pháp thắt lưng buộc bụng mà bà bắt Townsend phải chịu. Ông này cảm động và đồng ý ủng hộ kế hoạch của bà – nhưng chỉ khi tất cả các ngân hàng khác có liên quan cũng chấp nhận khoản tiền trợ giúp. Năm ngân hàng tiếp theo được chia mức cao hơn một chút, nhưng khi đã yên tâm về sự hợp tác của họ, E.B. bắt đầu lần lượt thuyết phục được hết ngân hàng này đến ngân hàng khác. Ở London bà đã gặp Barclays, Midland Montagu và Rothschilds. Bà định tiếp tục chuyến đi sang Paris để gặp Crédit Lyonnais, và sau đó là bay tới Frankfurt, Bonn và Zurich, trong một nỗ lực nhằm gắn kết các mắt xích của chuỗi dây chuyền.

Bà đã hứa với Townsend là nếu thành công ở London, bà sẽ gọi điện và báo cho ông biết ngay lập tức. Còn nếu thất bại ở bất cứ công đoạn nào, bà sẽ bay ngay tới Honolulu và sẽ thông báo vắn tắt cho các đại biểu của Global đang họp biết rằng họ không còn là nhân viên của công ty trong tương lai nữa, do đó, họ sẽ phải đi tìm một chỗ làm mới.

E.B. đã rời London buổi chiều hôm đó, mang theo toàn bộ hồ sơ, một tập vé máy bay và một danh sách số điện thoại cho phép bà có thể liên lạc với Townsend vào bất kỳ thời điểm nào, dù là ngày hay đêm. Trong bốn ngày tới bà đã có kế hoạch làm việc với tất cả các ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ quyết định số phận của Global. Townsend biết rằng chỉ cần thất bại trong việc thuyết phục một trong số đó, bà sẽ chẳng chần chừ gì mà không quay về New York và gửi ngay hồ sơ của ông xuống tầng mười ba. Sự nhượng bộ duy nhất của bà là sẽ thông báo ông biết một giờ trước khi đăng thông cáo báo chí.

“Ít ra, nếu đang ở Honolulu, ông sẽ không bị báo chí toàn thế giới làm cho bất ngờ,” bà đã nói vào trước hôm sang châu Âu.

Townsend tặng cho E.B một nụ cười gượng. “Nếu bà cho đăng một thông cáo như thế thì việc tôi ở đâu sẽ chẳng thành vấn đề,” ông nói. “Chúng vẫn sẽ tìm thấy tôi.”

Chiếc Gulfstream của Townsend hạ cánh xuống Honolulu ngay trước khi mặt trời lặn. Ông rời sân bay và đi thẳng đến khách sạn. Khi đăng ký phòng, ông đã nhận được lá thư, ”Tất cả các ngân hàng ở London đã đồng ý với các điều khoản. Tôi đang trên đường tới Paris. E.B.”

Ông mở hành lý, đi tắm và mời những giám đốc chính của ông ăn tối. Họ đã đến đây từ khắp nơi trên thế giới vì những điều mà lúc đầu ông dự định là những ý tưởng đổi mới sự phát triển của công ty trong vòng mười năm tới. Giờ đây có vẻ như họ sẽ được nghe nói về việc làm thế nào để phá hủy nó trong mười ngày tiếp theo.

Tất cả những người ngồi quanh bàn đều cố tỏ ra vui mừng cực độ, mặc dù trong vài tuần qua hầu hết bọn họ đã từng được mời phỏng vấn, với sự hiện diện của E.B. Và tất cả bọn họ, sau khi được tiết lộ, liền xếp xó mọi sáng kiến phát triển công ty mà họ có thể đã có. Lời nói lạc quan nhất đi qua miệng E.B. trong những cuộc kiểm tra đó là “vững vàng”. Bà ta đã yêu cầu thư ký công ty và văn phòng tài chính chủ chốt của tập đoàn chuẩn bị kế hoạch dự phòng bao gồm tạm ngừng các cổ phiếu của công ty và chuẩn bị giải thể. Khó có thể nhìn thấy điều này ở họ, cứ như thể tự bản thân họ đang có điều gì vui mừng vậy.


Sau bữa tối Townsend leo luôn lên giường và lại mất một đêm thức trắng mà không thể đổ lỗi cho việc chậm máy bay. Vào khoảng ba giờ sáng ông nghe thấy tiếng một bức thư được luồn qua khe cửa. Ông bật dậy và xé nó ra một cách căng thẳng. “Người Pháp đã miễn cưỡng đồng ý – Tôi đang tới Frankfurt. E.B.”

Lúc bảy giờ, Bruce Kelly đến gặp ông ở phòng để cùng ăn sáng. Gần đây Bruce đã quay lại London để trở thành giám đốc quản lý của Global TV, và ông bắt đầu giải thích cho Townsend rằng vấn đề lớn nhất của ông bây giờ là thuyết phục những người Anh đa nghi mua một trăm nghìn đĩa vệ tinh đang được trữ tại nhà sách ở Watford. Sáng kiến mới nhất của ông là tặng chúng miễn phí cho các độc giả của Globe. Townsend chỉ vừa uống trà vừa gật đầu. Chẳng ai trong số họ nhắc đến chủ đề đang xâm chiếm đầu óc mình.

Sau bữa sáng họ cùng đi xuống phòng uống cà phê, và Townsend đi từ bàn này sang bàn khác tán gẫu vởi những người điều hành chủ chốt của ông trên toàn thế giới. Khi đã đi hết một vòng quanh phòng, ông đi tới kết luận là tất cả bọn họ đều, hoặc là những diễn viên đại tài, hoặc là họ chẳng có khái niệm gì về hoàn cảnh thực sự bấp bênh như thế nào. Ông hy vọng ý nghĩ sau là đúng.

Bài diễn văn khai mạc buổi sáng hôm đó do Henry Kisinger đọc nói về tầm quan trọng quốc tế của khu vực ven Thái Bình Dương. Townsend ngồi trên hàng ghế đầu, thầm ước giá như cha ông cũng có mặt để nghe những lời của một cựu bộ trưởng khi ông ta nói về những cơ hội mà không một người nào có thể hình dung ra được trước đây một thập kỷ, và ông tin rằng ở đó, Global sẽ đóng vai trò quyết định. Townsend nghĩ đến mẹ ông, giờ đã hơn chín mươi tuổi, và những lời nói của bà khi lần đầu tiên ông trở về Úc bốn mươi năm trước: “Mẹ luôn ghê tởm nợ nần dưới bất kỳ hình thức nào.” Thậm chí ông còn nhớ rõ ngữ điệu trong giọng nói của bà.

Trong ngày hôm đó, Townsend tham gia vào tất cả những cuộc thảo luận mà ông có thể, rồi ra khỏi những cuộc thảo luận đó với những từ vang lên trong tai “cam đoan”, “viễn cảnh” và “mở rộng”. Trước khi lên giường đi ngủ, ông đã nhận được bức thư mới nhất của E.B.: “Frankfurt và Bonn đã đồng ý, nhưng đòi những điều khoản cứng rắn. Đang trên đường tới Zurich. Sẽ gọi điện ngay khi tôi biết quyết định của họ.” Ông lại mất một đêm thức trắng chờ tiếng chuông điện thoại.

Đầu tiên Townsend đoán là sau Zurich, E.B. sẽ bay thẳng đến Honolulu để có thể thông báo riêng cho ông. Nhưng bà không nghĩ rằng đó là một ý hay. “Dù sao đi nữa,” bà ta nhắc ông “Tôi cũng khó mà có thể nâng cao tinh thần của các đại biểu bằng cách tán gẫu với họ về công việc của tôi.”

“Có lẽ họ nghĩ bà là nhân tình của tôi,” Townsend nói.

E.B không cười.

Sau bữa trưa ngày thứ ba là lúc ngài James Goldsmith diễn thuyết tại hội nghị. Trước khi trời tối Townsend đã xem đồng hồ, lo lắng không biết E.B. sẽ gọi điện vào lúc nào. Ngài James bước lên diễn đàn trong tiếng hoan hô nồng nhiệt của các đại biểu. Ông đặt bài diễn văn lên bục, nhìn xuống đám thính giả mà ông có thể không gặp đã lâu và bắt đầu bằng những từ, “Tôi vô cùng vui sướng được nói chuyện với những người đang làm việc cho một trong những công ty phát đạt nhất thế giới.” Townsend bị thu hút bởi quan điểm của ngài James về tương lai của đế chế, và tại sao ông lại quyết định đứng trong Nghị viện châu Âu. “Là một thành viên được bầu, tôi sẽ có cơ hội để…”

“Xin lỗi ngài.” Townsend nhìn lên và thấy người quản lý khách sạn đang do dự đứng bên cạnh ông.

“Ngài có một cuộc gọi từ Zurich. Bà ấy nói là việc khẩn cấp.” Townsend gật đầu và vội vã theo ông ta ra khỏi căn phòng mờ tối, đi vào hành lang.

“Ngài sẽ nhận điện ở văn phòng tôi chứ?”

“Không.” Townsend nói. “Hãy cắm máy lên phòng cho tôi.”

“Tất nhiên, thưa ngài,” viên quản lý nói khi Townsend bước vào chiếc thang máy gần nhất.

Ở hành lang, ông gặp một trong những thư ký của mình, người đang tự hỏi tại sao sếp lại bỏ bài diễn văn của ngài James khi ông ấy đang được hoan hô nồng nhiệt. Khi Townsend vào trong phòng, điện thoại vẫn đang đổ chuông. Ông nhấc ống nghe lên, thật may là bà ta không thể nhìn thấy ông đang căng thẳng thế nào.

“Keith Townsend đây,” ông nói.

“Ngân hàng Zurich đã đồng ý với các điều khoản.”

“Ơn Chúa.”

“Nhưng với điều kiện. Họ đòi lãi suất cao hơn tỷ lệ cơ bản ba mức trong thời gian mười năm. Điều này sẽ làm Global mất thêm 17,5 triệu đô la.”

“Thế bà trả lời thế nào?”

“Tôi đã chấp nhận các điều khoản của họ. Họ đủ thông minh để thấy rằng họ nằm trong số những ngân hàng được tiếp xúc cuối cùng. Vì vậy tôi không có nhiều quân bài để mặc cả với họ.”

Ông im lặng một lát trước khi hỏi, “Vậy cơ hội sống sót của tôi hiện giờ ra sao?”

“Vẫn không tốt hơn là năm ăn năm thua,” bà ta nói. “Đừng có phung phí bất kỳ khoản tiền nào đấy.”

“Tôi chẳng có khoản tiền nào cả,” Townsend nói. “Thậm chí bà đã lấy đi tất cả thẻ tín dụng của tôi, bà có nhớ không?”


E.B. không trả lời.

“Liệu tôi còn phải làm gì nữa không?”

“Chỉ cần đảm bảo rằng khi đọc bài diễn văn thân mật tối nay, ông hãy làm cho bọn họ hoàn toàn tin rằng ông vẫn là chủ tịch một công ty truyền thông phát đạt nhất thế giới, chứ không phải ông có thể chỉ còn vài giờ để tuyên bố tự giải thể.”

“Và khi nào tôi sẽ biết điều đó?”

“Theo như tôi đoán thì lúc nào đó vào ngày mai,” E.B nói. “Tôi sẽ gọi cho ông ngay khi cuộc gặp của tôi với Austin Pierson kết thúc.” Đường dây chết lặng.

oOo

Armstrong được Reg đưa xuyên qua trời mưa tuyết từ Heathrow tới London trên chiếc Concorde. Ông luôn khó chịu vì các quan chức hàng không dân dụng không cho phép ông dùng chiếc trực thăng bay trên thành phố vào ban đêm. Về tới Tòa nhà Armstrong, ông đi thang máy thẳng lên tầng mái (1), đánh thức người đầu bếp dậy và lệnh cho ông ta chuẩn bị bữa ăn. Ông tắm một lúc lâu dưới vòi nước nóng, và ba mươi phút sau xuất hiện ở phòng ăn tối trong chiếc áo choàng dài, miệng phì phèo điếu xì gà.

Một đĩa trứng cá lớn được bày sẵn, và chưa kịp ngồi xuống ông đã bốc một miếng to. Sau vài miếng nữa, ông nhấc cặp lên bàn và ghi chép vào tờ giấy đặt trước mặt. Ông nghiên cứu chương trình nghị sự của cuộc họp hội đồng quản trị ngày mai trong khi liên tục nhồi đầy miệng trứng cá và uống hết ly sâm panh này đến ly sâm panh khác.

Sau ít phút, ông đẩy tờ chương trình sang một bên, tin tưởng rằng nếu ông có thể vượt qua được mục một thì ông sẽ có câu trả lời thuyết phục cho bất cứ câu hỏi nào mà ngài Paul có thể nêu ra. Ông ì ạch đi vào giường, ngồi tựa lên đống gối. Ông bật ti vi và bắt đầu chuyển hết kênh này đến kênh khác để tìm xem có tiết mục gì làm ông thư giãn. Cuối cùng ông ngủ thiếp đi khi đang xem một bộ phim cũ của Laurel và Hardy.

oOo

Còn cách cửa phòng họp khá xa Townsend đã có thể nghe thấy tiếng nói chuyện lao xao của đám đại biểu đang chờ đợi. Khi ông bước vào phòng, tất cả lập tức im lặng và đứng dậy. Ông đi lên diễn đàn và đặt bài diễn văn của mình lên bục, sau đó nhìn xuống đám thính giả, những người đàn ông và đàn bà ưu tú nhất trong giới truyền thông, nhiều người trong số họ đã phục vụ ông hơn 30 năm.

“Thưa các quý bà và quý ông, hãy để tôi bắt đầu bằng việc nói rằng chưa bao giờ Global phát triển tốt hơn hiện nay để đối mặt với những thách thức của thế kỷ hai mốt. Chúng ta hiện đang kiểm soát 41 đài phát thanh và truyền hình, 137 tờ báo và 249 tạp chí. Và tất nhiên gần đây chúng ta đã có thêm một hòn ngọc trên vương miện: TV News, tờ tạp chí bán chạy lớn nhất trên thế giới. Với danh mục vốn đầu tư này, Global đang trở thành đế chế truyền thông giàu quyền lực nhất trái đất. Và tôi thấy trước mặt tôi là đội ngũ những người con đã hiến dâng tất cả để giữ cho Global đứng trên hàng đầu của các công ty truyền thông. Trong một thập kỷ tới…” Townsend nói thêm bốn mươi phút nữa về tương lai của công ty và những vai trò mà họ sẽ phải đảm nhiệm, rồi kết thúc bằng những câu, “Đâỵ là năm đáng ghi nhớ đối với Globe. Sang năm khi chúng ta gặp nhau, hãy để cho những kẻ chỉ trích chúng ta phải xấu hổ bằng cách hoàn thành ăn mừng lớn hơn nữa.”

Tất cả đứng dậy và hoan nghênh ông. Nhưng khi những tràng vỗ tay đã tắt, ông lập tức nhớ ra một cuộc họp khác sẽ diễn ra ở Cleveland vào sáng ngày mai, tại đó chỉ có một câu hỏi duy nhất được trả lời, và chắc chắn sau đó sẽ chẳng có ai vỗ tay cả.

Khi các đại biểu giải tán, Townsend đi dạo quanh phòng, cố tỏ ra tươi tỉnh khi chào tạm biệt một số giám đốc điều hành của mình. Ông chỉ hy vọng rằng khi trở về, họ sẽ không gặp những phóng viên của các tờ báo đối địch muốn biết tại sao công ty lại đi đến chỗ tự nguyện giải thể. Và tất cả chỉ vì một chủ ngân hàng ở Ohio đã nói, “Không, thưa ngài Townsend, tôi muốn ông phải trả lại năm mươi triệu ngay chiều nay. Nếu không tôi sẽ chẳng còn cách nào khác là phải chuyển vụ việc sang cơ quan pháp luật.”

Ngay khi rời khỏi hội nghị. Townsend quay về phòng thu xếp hành lý. Người lái xe đưa ông ra sân bay, nơi chiếc Gulfstream đang đợi ông để cất cánh. Ngày mai có lẽ ông sẽ đi ở khoang rẻ tiền? Ông không biết cuộc hội thảo đã tốn của ông bao nhiêu tiền. Chỉ vài phút sau khi cài chặt thắt lưng ông đã ngủ thiếp đi.

oOo

Armstrong định dậy sớm để hủy một số giấy tờ trong két nhưng ông bị đánh thức bởi tiếng chuông của tháp Big Ben, báo trước chương trình ti vi lúc bảy giờ. Ông chửi rủa một hồi vì biết rõ những việc vẫn cần phải làm khi cố nhấc chân xuống giường.

Ông mặc áo, đi vào phòng ăn và thấy bữa sáng đã dọn sẵn sàng: thịt lợn hun khói, nước sốt, nửa tá bánh pudding , và bốn quả trứng rán, ông chiêu tất cả bằng cà phê đen.

Lúc 7 giờ 35 ông rời phòng và đi thang máy xuống tầng 1. Ông bước ra ngoài, bật đèn, nhanh chóng đi dọc theo hành lang qua bàn thư ký và nhập mã số vào ổ khóa gắn cạnh cửa văn phòng. Ngọn đèn chuyển từ màu đỏ sang xanh, ông đẩy cửa bước vào. Khi đã vào trong, ông bỏ qua đống thư từ đợi sẵn trên bàn và bước thẳng tới chiếc két lớn đặt ở góc phòng. Mất thêm vài phút nữa và phải nhập một mã số phức tạp hơn trước khi mở được cánh cửa nặng.

Tập hồ sơ đầu tiên ông rút ra mang nhãn “Liechtenstein”, ông mang nó đến chỗ máy cắt giấy và bắt đầu nhét từng tờ một vào. Sau đó ông quay lại két và lấy tập hồ sơ thứ hai có tên “Nước Nga (hợp đồng sách)” và tiếp tục đối xử với nó như thế. Ông đang rút dở chừng tập hồ sơ Khu vực phát hành” thì một giọng nói vang lên,”Ông nghĩ ông đang làm cái quái gì vậy?” Armstrong quay đầu lại thấy một nhân viên bảo vệ đang soi đèn vào mặt ông.

“Biến ngay khỏi đây, đồ ngu,” ông quát. “Và đóng cửa lại.”

“Tôi xin lỗi, thưa ngài,” người bảo vệ nói. “Không ai bảo tôi là ngài đang ở đây.” Khi cửa đã đóng, Armstrong tiếp tục cắt nhỏ tài liệu trong khoảng bốn mươi phút nữa tới khi ông nghe thấy tiếng cô thư ký đến.


Cô gõ cửa. “Chào ngài Arsmtrong,” giọng nói có vẻ hân hoan. “Pamela đây. Ngài có cần giúp gì không?”

“Không,” ông nói lớn để át tiếng ồn của máy hủy tài liệu. “Lát nữa tôi sẽ đi.”

Nhưng phải mất thêm hai mươi phút nữa ông mới mở cửa. “Còn bao lâu nữa thì đến giờ họp hội đồng quản trị?” Ông hỏi.

“Chỉ còn khoảng hơn nửa giờ,” cô đáp.

“Bảo ông Wakeham đến gặp tôi ngay.”

“Ngài chủ tịch thường trực hôm nay không đến, thưa ngài,” Pamela nói.

“Không đến? Tại sao?” Armstrong gầm lên.

“Tôi nghĩ ông ấy mắc phải dịch cúm đang hoành hành quanh đây. Và ông ấy đã gửi lời cáo lỗi tới thư ký công ty.”

Armstrong xem số điện thoại của Peter trong sổ và quay số. Tiếng chuông điện thoại vang lên vài lần trước khi có một giọng phụ nữ trả lời.

“Có Peter ở đó không?” Ông hỏi cộc lốc.

“Có, nhưng ông ấy đang ốm.”

“Hãy dựng ông ta dậy.”

Một lát im lặng kéo dài trước khi có tiếng lạo xạo hỏi. “Ông đó à, Dick?”

“Phải,” Armstrong đáp. “Anh nghĩ thế quái nào mà định vắng mặt trong cuộc họp cốt yếu này?”

“Tôi xin lỗi, Dick, nhưng tôi bị cúm và bác sĩ khuyên tôi nên nghỉ ngơi ít ngày.”

“Tôi cóc cần biết bác sĩ của anh khuyên cái gì,” Armstrong nói. “Tôi muốn anh dự cuộc họp này. Tôi sẽ cần đến mọi sự ủng hộ.”

“Vâng, nếu ông cảm thấy điều đó là quan trọng.” Peter nói.

“Tôi hoàn toàn chắc như vậy,” Armstrong đáp. “Vậy hãy tới đây và nhanh lên.”

Armstrong ngồi xuống sau bàn, nhận ra tiếng rì rầm phát ra từ những văn phòng phía xa cho thấy tòa nhà đang bắt đầu làm việc. Ông xem lại đồng hồ: chỉ còn khoảng mười phút nữa là cuộc họp bắt đầu. Nhưng không có viên giám đốc nào ghé vào để tán gẫu như thường lệ, hoặc để đảm bảo rằng họ có sự ủng hộ của ông cho bất kỳ đề xuất nào họ đưa ra trước Hội đồng Quản trị. Có lẽ họ không nhận ra là ông đã trở về.

Pamela dè dặt đi vào phòng và đưa cho ông tập hồ sơ dày về chương trình cuộc họp buổi sáng. Mục một, như ông đã đọc đêm qua, là “Quỹ trợ cấp”. Nhưng khi xem trong hồ sơ, chẳng có một ghi chú ngắn gọn nào để các giám đốc xem xét – ghi chú đầu tiên này được đính kèm với mục hai; sự giảm sút số phát hành của Citizen sau khi Globe giảm mười xu giá bìa.

Armstrong tiếp tục đọc hồ sơ cho đến khi Pamela bảo ông rằng chỉ còn hai phút nữa là đến 10 giờ. Ông đứng lên, kẹp tập hồ sơ dưới nách và tự tin đi dọc theo hành lang. Trên đường đến phòng họp, nhiều nhân viên đi qua ông và nói “Chào ngài.” Ông tặng cho họ những nụ cười thân mật và chào hỏi họ, mặc dù không phải lúc nào ông cũng biết chắc tên của họ là gì. Khi đi tới cánh cửa để ngỏ của phòng họp, ông có thể nghe thấy các giám đốc của mình thì thầm với nhau, nhưng khi ông bước vào thì tất cả đều im lăng một cách sợ sệt, như thể sự có mặt của ông đã giáng một đòn làm cho họ câm lặng.

oOo

Townsend được một nữ chiêu đãi viên đánh thức khi máy bay bắt đầu hạ cánh xuống sân bay Kennedy. “Có một bà Beresford nào đó đang gọi điện cho ông từ Cleveland. Bà ấy nói ông sẽ nhận cuộc gọi.”

“Tôi vừa mới ra khỏi cuộc họp với Pierson,” E.B. nói. “Nó kéo dài hơn một giờ, nhưng cho đến khi tôi rời khỏi đó, ông ấy vẫn chưa nghĩ được điều gì.”

“Ông ta chưa quyết định à?”

“Chưa. Ông ta còn muốn biết ý kiến Hội đồng Tài chính của ngân hàng trước khi đi tới quyết định cuối cùng.”

“Nhưng chắc chắn là giờ đây, khi tất cả các ngân hàng khác đã có vị trí thích hợp, Pierson không thể…”

“Ông ta hoàn toàn có thể. Đừng quên ông ta là chủ tịch một ngân hàng nhỏ ở Ohio. Ông ta không quan tâm tới những gì mà các ngân hàng khác đã đồng ý. Và sau bài báo tệ hại liên quan đến ông được đăng vài tuần trước, hiện giờ ông ta chỉ quan tâm đến một chuyện thôi.”


“Chuyện gì?”

“Không để hở sườn.”

“Nhưng chẳng lẽ ông ta không nhận ra là tất cả các ngân hàng khác sẽ nuốt lời hứa nếu ông ta không làm theo kế hoạch chung?”

“Có, ông ta có nhận ra, nhưng khi tôi nêu điều đó ra ông ta chỉ nhún vai và nói, “trong trường hợp đó tôi sẽ chỉ phải chịu may rủi cùng với những người khác.”

Townsend bắt đầu văng tục.

“Nhưng ông ta đã hứa với tôi một điều,” E.B. nói.

“Điều gì?”

“Ông ta sẽ gọi điện ngay khi có quyết định của Hội đồng.”

“Tử tế quá nhỉ. Vậy tôi phải làm gì khi cái Hội đồng đó chống lại tôi?”

“Cho đăng tải bản thông cáo mà chúng ta đã thỏa thuận,” bà ta nói.

Townsend cảm thấy muốn xỉu.

Hai mươi phút sau ông xuống sân bay. Một chiếc Limousine đã đợi sẵn ở đó. Ông mở cửa và lên ngồi ở ghế sau. Việc đầu tiên ông làm là gọi về căn hộ của mình ở Manhattan. Chắc hẳn Kate đang đợi điện thoại, vì nàng trả lời ngay lập tức.

“Anh đã nghe được tin gì từ Cleveland chưa?” Đó là câu hỏi đầu tiên của nàng.

“Rồi. E.B. đã gặp Pierson, nhưng ông ta vẫn chưa quyết định,” Townsend đáp khi chiếc xe hòa vào dòng xe cộ đang nối đuôi nhau trên Đại lộ Nữ Hoàng.

“Cơ may để ông ta gia hạn cho khoản vay là bao nhiêu?”

“Hôm qua anh cũng hỏi E.B. câu hỏi đó, và bà ta nói là năm mươi trên năm mươi.”

“Em chỉ ước ông ta cứu chúng ta ra khỏi cảnh nghèo khổ.”

“Ông ta sẽ sớm quyết định thôi.”

“Lúc nào ông ấy quyết định, hãy gọi điện cho em đầu tiên nhé, bất kể hậu quả thế nào.”

“Tất nhiên em sẽ là người đầu tiên anh gọi rồi,” ông nói và dập máy.

Cuộc gọi thứ hai của Townsend, khi chiếc Limousine vượt qua cầu Queensboro, là cho Tom Spencer. Ông ta chẳng nghe được điều gì khác. “Nhưng tôi sẽ không mong được biết gì cho đến khi E.B. đã nói cho ông biết,” Tom nói. “Đó không phải là phong cách của bà ta.”

“Khi tôi biết Pierson quyết định thế nào, tôi nghĩ tốt hơn ta nên thảo luận với nhau về việc phải làm tiếp theo.”

“Chắc chắn rồi,” Tom nói. “Hãy gọi cho tôi ngay khi ông nghe được bất kỳ điều gì, và tôi sẽ tới thẳng đó.”

Người lái xe nhẹ nhàng rẽ vào phần đường bên phải trước khi đỗ lại bên ngoài tổng hành dinh của Tập đoàn Global International. Anh ta ngạc nhiên khi lần đầu tiên sau hai mươi năm, ngài Townsend cúi xuống và cảm ơn anh ta. Nhưng anh ta thật sự bị bất ngờ khi thấy ông chủ chào “Tạm biệt.”

Vị chủ tịch tập đoàn Global International sải chân vượt qua vỉa hè và đi vào tòa nhà. Ông đi thẳng tới chiếc thang máy. Người trực tầng bước vào và vặn chìa ở ổ khóa cạnh nút trên cùng. Cánh cửa đóng lại và thang máy bắt đầu đi lên tầng 47. Khi cửa thang máy mở ra, Townsend đi thẳng tới chỗ cô tiếp tân đang mỉm cười với ông. Cô định nói, “Chào ngài Townsend,” thì nhìn thấy vẻ mặt dữ tợn của ông và nghĩ tốt hơn hết là không nói gì.

Bước chân Townsend không hề ngập ngừng khi cánh cửa kính dẫn vào khu văn phòng của ông mở ra. “Có thư không?”, là tất cả những gì ông nói khi đi ngang qua bàn thư ký trước khi bước vào văn phòng.

(1) Tầng mái : nguyên tác penthouse – nhà hoặc căn phòng xây trên mái một toà nhà cao.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.