Bạn đang đọc Quỷ ám – Chương 9
Chương 04
Họ đưa bà tới nơi an nghĩ cuối cùng trong một nghĩa trang mà các bia mộ phải kêu khóc vì không đủ chỗ thở.
Thánh lễ cũng trơ trọi như cuộc đời bà. Mấy người anh của bà từ Brooklyn tới. Ông chủ tiệm tạp hoá ở góc phố, kẻ vẫn bán chịu cho bà. Nhìn người ta ròng bà xuống cõi tối tăm của một thế giới không còn cửa sổ, Damien Karras khóc nức nở vì một nỗi buồn đau mà đã từ lâu ông đặt không đúng chỗ.
” A, Dimmy, Dimmy… ”
Một người cậu vòng tay quanh vai ông.
” Đừng lo, bà cụ bây giờ đã ở thiên đàng rồi, Dimmy ạ, bà được hưởng ân phúc.” Ôi Chúa, cầu cho điều ấy được nên! Chúa ơi! Tôi xin Ngài, cầu cho điều ấy được nên!
Họ đợi ngoài xe lúc ông còn lần lữa bên nấm mộ. Ông không chịu nỗi cái ý tưởng bỏ mẹ lại một mình.
Lúc ngồi xe đến ga Pensylvania, ông đã nghe mấy người cậu kể lể các bệnh tật của họ bằng một thứ Anh ngữ rặt giọng dân di cư, đứt khúc.
” … chứng khí thũng… phải bỏ hút thuốc… năm ngoái, cậu suýt chết… cháu có biết không?”
Những cơn co giật vì giận dữ cứ chực bùng phát trên môi ông, nhưng ông trấn áp chúng xuống và cảm thấy xấu hổ. Ông nhìn ra cửa sổ, họ đang đi qua trạm Cứu tế Quốc nội, nơi mà những sáng chủ nhật giữa mùa đông tháng giá, mẹ ông thường đến lãnh sữa và những bị khoai tây, trong khi ông còn nằm trên giường; Sở Thú công viên trung tâm, nơi mà mùa hè bà thường bỏ ông lại đó chơi, còn bà thì đi xin ăn bên vòi phun trước quảng trường. Lúc ngang qua khách sạn, Karras bật khóc nức nở, rồi cố chận lại những hồi ức, ông lau lên sự ướt át của những niềm tiếc nuối nhói đau. Ông thắc mắc là tại sao tình yêu lại đợi cái khoảng khắc xa vời này, đợi cái khoảng khắc khi ông không cần phải sờ vào, khi những giới hạn của sự tiếp xúc và sự đầu hàng của con người đã thu nhỏ lại chỉ còn bằng cỡ của tấm thẻ in nội dung thánh lễ mà ông nhét trong ví: Để tưởng nhớ…
Ông biết. Nỗi đau thương này đã xưa cũ.
Ông đến Georgetown đúng giờ ăn tối, nhưng ông không buồn ăn. Ông bách bộ trong ngôi nhà nhỏ của mình. Các bạn hữu Dòng Tên đến thăm chia buồn. Họ lưu lại chốc lát, hứa giúp lời cầu nguyện.
Quá mười giờ đôi chút, Joe Dyer xuất hiện với một chai Scoth. Ông ta hãnh diện chưng ra: ” Chivas Regal đàng hoàng đấy nhé!” ” Cha lấy tiền đâu ra mà mua rượu vậy, thó ở hộp tiền bố thí chắc?” ” Đừng có bậy bạ, làm thế là đi đứt lời phát nguyện nghèo khổ của tôi rồi còn gì.”
” Thế thì ở đâu cha có rượu nào?”
Karras mỉm cười, lắc đầu lúc đi lấy mang lại một cái ly và một cái ca uống cà phê bằng thiếc. Ông rửa ly chén trong chiếc bồn rửa mặt nhỏ xíu ở phòng tắm và nói: ” Tôi tin cha.”
” Tôi chưa hề thấy một đức tin nào lớn hơn thế.”
Karras cảm nhận một cú đau nhói quen thuộc. Ông cố xua nó đi và trở lại với Dyer lúc ấy đang ngồi trên chiếc giường con của ông, gỡ khăn chai rượu. Ông ngồi xuống cạnh bạn.
” Cha muốn giải tội cho tôi bây giờ hay chốc nữa?”
” Cứ rót đã”, Karras bảo, ” rồi chúng ta sẽ giải tội cho nhau.”
Dyer rót rõ nhiều vào ly, vào tách. ” Các vị viện trưởng đại học không nên uống rượu,” ông thì thầm. ” Làm thế sẽ tạo gương xấu. Tôi nghĩ là tôi đã cất hộ cho ông ấy khỏi cái chước cám dỗ kinh khủng đó.”
Karras nuốt rượu Scoth, nhưng không nuốt trôi nổi câu chuyện đó. Ông biết quá rõ cung cách của cha Viện trưởng. Một con người tế nhị và nhạy bén, ông luôn luôn ban cho bằng hình thức gián tiếp. Dyer đã đến, ông biết, với tư cách là một người bạn, nhưng cũng với tư cách sứ giả riêng của vị viện trưởng nữa. Cho nên Dyer xa xôi đề cập đến việc Karras cần phải được “nghỉ ngơi”, nhà tâm thần học Dòng Tên xem đó như một điềm lành cho tương lai và cảm thấy trong khoảnh khắc chứa chan nhẹ nhõm.
Dyer rất tốt với ông, chọc cho ông cười, kể cho ông nghe về bữa tiệc tại nhà Chris MacNeil, cung cấp cho ông những giai thoại mới về Cha Giám thị phụ trách kỹ luật Dòng Tên. Ông ta uống rất ít, nhưng cứ liên tục rót đầy ly của Karras, và lúc ông cho là Karras đã đủ lịm vào giấc ngủ, ông đứng dậy khỏi giường, duỗi thẳng người Karras ra, còn ông ngồi xuống bàn giấy tiếp tục cà kê cho đến lúc mắt Karras ríu lại và lời lẽ cha chỉ còn là những tiếng lúng búng trong miệng.
Dyer đứng lên cởi giầy cho Karras. Ông tuột giày ra.
” Bây giờ định ăn cắp giày của tôi đấy hả?” Karras lắp bắp, giọng nhừa nhựa.
” Đâu có, tôi chỉ xem chỉ chân của cha để đoán hậu vận đấy chứ. Nào, bây giờ câm mồm lại và ngủ đi.”
” Cha đúng là tên ăn trộm mèo Dòng Tên.”
Dyer cười khẽ rồi đắp lên người Karras chiếc áo khoác mà ông vừa lấy trong tủ quần áo. ” Nghe đây, người ta phải lo lắng về mấy cái hoá đơn thúc trả tiền ở cái trường đại học này. Còn tất cả các ông chỉ có mỗi việc lần chuỗi và cầu nguyện ấy tên hip-pi ở dưới phố Một đấy thôi.”
Karras không trả lời. Hơi thở ông đều và sâu. Dyer lặng lẽ ra cửa, tắt đèn.
” Trộm cắp là một tội lỗi,” Karras lẩm bẩm trong cõi tối.
” Lỗi tại tôi mọi đàng”, Dyer nói khẽ.
Ông chờ đợi giây lát, sau đó tin chắc là Karras đã ngủ say, ông rời ngôi nhà.
Nửa đêm, Karras thức giấc, mắt đẩm lệ. Ông vừa mơ thấy mẹ ông. Đứng bên cửa sổ cao bên trên Manhattan, ông trông thấy bà từ một ki-ốt xe điện ngầm ló mặt ra. Bà đứng trên lề đường với một chiếc túi đi chợ bằng giấy nâu, đang dáo dác tìm ông. Ông vẫy tay. Bà không trông thấy ông. Bà lang thang suốt con phố. Giữa dòng xe buýt, xe tải, đám đông xa lạ.. Bà đâm hoảng hốt. Karras phát điên lên, chạy ra đường vừa khóc vừa gọi tên mẹ vì không còn tìm thấy bà, vì ông hình dung ra bà đang lao đao, chới với giữa mê cung của những đường hầm ngầm dưới đất.
Ông đợi cho cơn nức nở lắng xuống, rồi mò mẫm tìm chai Scoth. Ông ngồi trên giường và uống trong bóng tối. Nước mắt ràn rụa. Chúng không chịu thôi. Điều này giống như ngày ông còn bé, cái nỗi đau thương này.
Ông nhớ lại một cú điện thoại của cậu ông.
” Dimmy à, cái chứng chàm ngoài da ấy đã ảnh hưởng đến bộ óc của bà cụ. Bà không chịu để bác sĩ đến gần. Cứ la hét suốt. Nói chuyện cả với chiếc ra-đi-ô thổ tả ấy. Cậu nghĩ phải đưa bà đến Bellevue thôi, Dimmy ạ. Một bệnh viện thông thường người ta không chịu nổi đâu. Cậu đoán chỉ cần hai tháng là bà cụ lại khỏe như xưa, lúc đó chúng ta sẽ lãnh bà cụ ra. Ổn chứ? Nghe đây Jimmy, cậu cho cháu biết là các cậu đã thực hiện việc đó rồi. Họ chích cho bà một mũi rồi đưa bà đi bằng xe cứu thương sáng nay rồi. Các cậu không muốn làm phiền cháu, trừ phi có một cuộc họp giám định cần phải có mặt cháu để ký vài thứ giấy tờ. Bây giờ. Sao?…Bệnh viện tư à? Ai sẽ trả tiền đây, Dimmy. Cháu ư?”
Ông không còn nhớ là mình đã lăn ra ngủ.
Ông tỉnh dậy trong trạng thái tê lịm, với ký ức về sự mất mát nó đã hút cạn kiệt hết máu ở bao tử ông. Ông loạng choạng vào phòng tắm, tắm hoa sen, cạo mặt, mặc một chiếc áo dòng. Lúc đó là năm giờ ba mươi lăm phút. Ông mở khoá cửa vào Thánh đường Ba Ngôi, khoác áo lễ lên, rồi dâng lễ ở bàn thờ bên cánh trái.
” Memento etiam… ” Ông cầu nguyện với nỗi tuyệt vọng trống rỗng. Xin hãy nhớ kẻ đầy tớ ngài là Mary Karras… ”
Trên cánh cửa tủ cất Bánh Thánh ông trông thấy khuôn mặt người nữ điều dưỡng ở phòng nhận bệnh viện Bllevue, nghe lại những tiếng thét từ căn phòng cách ly.
” Ông là con trai bà cụ ạ?”
” Vâng, tôi là Damien Karras.”
” Chà, tôi không cách nào vào trong đó được. Bà ta đang lên cơn.”
Ông nhìn xuyên qua lỗ thông hơi vào căn phòng bít bùng với một bóng đèn trơ trọi treo trên trần, tường được lót bằng các vật liệu êm để chống gây thương tích, trần trụi, không bàn ghế, trừ một chiếc giường nhỏ mà bà đang mê sảng, điên loạn trên đó.
“… Chúng tôi cầu xin ngài hãy ban cho bà một nơi an nghỉ, đầy ánh sáng và sự bình yên… ”
Lúc bà bắt gặp tia nhìn của ông, bà chợt lặng yên đưa đôi mắt bị ngáng trở về phía lỗ thông hơi.
” Sao con lại làm điều này hở Dimmy? Sao vậy?”
Đôi mắt ấy còn nhu mì hơn mắt của chiên con.
” Agnus Dei… ” Ông lẩm nhẩm lúc cúi đầu và đấm ngực. Lúc ông nhắm mắt và cầm Bánh Thánh lên, ông trông thấy mẹ ông trong phòng định bệnh, tay bà chắp lại để vào lòng, nét mặt ngoan ngoãn và bối rối lúc viên chức giám định giải thích cho bà nghe về báo cáo của bác sĩ tâm thần ở bệnh viện Bellevue.
” Bà có hiểu điều đó không, Mary?”
Bà đã gật đầu, không hề mở miệng, họ đã tháo hàm răng giả của bà ra. ” Sao, bà có ý kiến gì về điều đó không, Mary?”
Bà hãnh diện trả lời viên chức giám định.
” Có con trai tôi đây phát biểu thay cho tôi.”
Một tiếng rên đau đớn thoát ra từ môi Karras lúc ông cúi đầu trên Bánh Thánh. Ông đấm ngực như thể ngực ông là thời gian, và lắp bắp, ” Domine, no sum dignus… Tôi chẳng xứng đáng… xin chỉ nói một lời thì linh hồn tôi sẽ được lành mạnh.” Cưỡng lại mọi lý luận, cưỡng lại mọi kiến thức, ông cầu xin có một Đấng Nào Đó chịu lắng nghe lới cầu nguyện của ông.
Ông không nghĩ như vậy.
Sau Thánh lễ, ông trở về nhà, cố dỗ giấc ngủ. Không ăn thua gì. Lúc gần trưa, một linh mục còn trẻ, ông chưa bao giờ gặp, bất thần đến. Ông ta gõ rồi nhìn vào cửa.
” Cha bận ạ? Tôi gặp cha chốc lát được không?”
Trong ánh mắt đó là cả một gánh nặng bồn chồn, trong giọng nói kia là cả một lời thỉnh cầu níu kéo.
Trong thoáng chốc, Karras thấy ghét người khách này.
” Mời vào”, Ông dịu dàng nói. Trong lòng bừng bừng giận dữ vì cái phần này của bản ngã ông nó đã làm cho ông lúng túng, bất an, cái phần mà ông không kiểm soát nổi, cái phần nó nằm cuộn tròn trong ông như một sợi dây thừng, lúc nào cũng chực bùng ra không ai khiển, khi có tiếng ai đó kêu cầu giúp đỡ. Cái phần đó không chịu để ông yên. Ngay cả trong giấc ngủ. Bên những bến bờ của cõi mộng mơ ông, thường vẫn có một âm thanh nghe như một tiếng kêu ngắn, yếu mòn của ai đó đang gặp cơn bĩ cực. Cái âm thanh đó gần như không nghe thấy được từ xa. Luôn luôn là cái âm thanh đó. Hằng mấy phút sau khi thức giấc, ông thường cảm thấy bứt rứt về một nhiệm vụ nào đó chưa hoàn tất.
Người tu sĩ trẻ cứ lóng ngóng, dao động, có vẻ rụt rè. Karras kiên nhẫn dẫn dắt ông ta. Mời thuốc lá, cà phê. Xong cố tạo ra một vẻ quan tâm lúc vị khách trẻ ảm đạm kia lần hồi bộc bạch một vấn đề quen thuộc: nỗi cô đơn khủng khiếp của đời tu sĩ. Trong tất cả những nỗi u uẩn, xao xuyến mà cha Karras thường gặp trong cộng đồng này, đây là một vấn đề gần đây đã nổi cộm lên nhất. Bị cách ly hoàn toàn với gia đình và phụ nữ, nhiều linh mục Dòng Tên đâm ra sợ cả việc bộc lộ tình cảm với các linh mục đồng liêu, sợ hình thành những tình bạn trìu mến và sâu đậm.
” Chẳng hạn như tôi muốn khoác vai một người bạn khác, nhưng ngay lập tức, tôi lại sợ anh ta cho tôi là kẻ đồng tính luyến ái. Ý tôi muốn nói, cha có nghe tất cả những lý thuyết về biết bao nhiêu những chứng bệnh tiềm ẩn thường hút lấy giới tu hành. Cho nên đơn giản là tôi tránh làm việc ấy. Ngay cả việc đến phòng ai đó chỉ để nghe vài đĩa nhạc, tôi cũng không dám, kể cả trò chuyện hay hút thuốc với nhau. Không phải là tôi sợ gì anh ta, tôi chỉ ngại một nỗi là anh ta lại ngại tôi thôi.”
Karras cảm thấy gánh nặng lây dần từ người kia sang ông. Ông cứ để cho nó đến, cứ để cho người tu sĩ trẻ dốc tận can tràng. Karras biết thế nào ông ta cũng còn trở lại, trở lại nữa, ông ta cũng cảm thấy được khuây khoả khỏi trũng cô đơn, thế nào ông ta cũng kết bạn với cha Karras và đến khi ông ta nhận ra được rằng ông đã làm điều đó không chút sợ sệt và nghi ngờ, có lẽ ông sẽ tiếp tục làm bạn với những linh mục khác nữa.
Nhà tâm thần học đâm ra mệt mỏi rã rời. Ông thấy mình lãng đãng trôi vào nỗi sầu muộn riêng tư. Ông liếc nhìn tấm lắc mà ai đó đã tặng ông dịp Nô-en năm ngoái, NGƯỜI ANH EM TÔI ĐAU KHỔ, TÔI CHIA XẺ NỖI ĐAU CỦA ANH, TÔI GẶP THIÊN CHÚA NƠI ANH, ông đọc. Một cuộc gặp gỡ bất thành, ông thống trách mình. Ông đã vẽ bàn đồ, vạch ra đường lối cho nỗi giày vò quặn thắt của anh em mình, vậy mà chưa bao giờ ông bước chân trên những nẻo đường đó, hoặc giả ông tin tưởng như vậy. Ông cho rằng niềm đau mà ông cảm thấy chính là niềm đau của riêng ông.
Rốt cuộc, vị khách nhìn đồng hồ tay. Đã đến giờ ăn trưa tại nhà ăn trường đại học. Ông khách đứng dậy, chuẩn bị cáo từ, sau đó dừng lại nhìn một cuốn tiểu thuyết thời thượng nằm trên bàn giấy của Karras.
” Cha đã đọc nó chưa?”
Người khách lắc đầu. ” Thưa chưa. Có nên đọc không ạ?” ” Tôi cũng không biết. Tôi vừa đọc xong và cũng không dám chắc là thật sự hiểu.” Karras nói dối.
Ông nhặt quyển sách lên trao cho khách.” Cha muốn, cứ cầm về đọc. Cha biết đấy, tôi rất muốn biết ý kiến của một người khác.” ” Vâng, rất muốn”, vị tu sĩ trẻ vừa ngắm nghía chiếc bìa áo bọc ngoài sách đầy bụi, vừa nói. ” Tôi sẽ cố đọc xong và hoàn lại cha trong hai ngày.”
Trông thần thái khách đã có vẻ tươi tỉnh hơn.
Lúc cánh cửa sắt “kịch” đóng lại sau lưng khách, Karras cảm thấy bình yên trong giây lát. Ông cầm quyển sách kinh lên bước ra sân, rồi cứ thong thả bách bộ trên sân và đọc kinh.
Vào xế trưa, ông lại tiếp một vị khách khác, vị linh mục chánh xứ Thánh đường Ba Ngôi, đã trọng tuổi. Vị linh mục này ngồi xuống ghế cạnh bàn giấy và ngỏ lời chia buồn về cái chết của mẹ Karras. ” Hãy dâng hai Lễ cho bà cụ, Damien ạ, và một Thánh lễ cho chính cha.” Ông nói hơi khò khè với chút xíu hơi hướng phát âm của người Ái Nhĩ Lan nói tiếng Anh.
” Rất đa tạ sự quan tâm của cha.”
” Bà cụ niên kỷ bao nhiêu rồi?”
” Bảy mươi.”
” Thế là thọ lắm.”
Karras xoắn tia nhìn lên tấm thẻ thường đặt trên bàn thờ mà vị cha xứ đã mang theo mình. Đó là một trong ba tấm bìa cứng dùng trong Thánh lễ, được bọc plastic và có ghi một đoạn kinh nguyện cho cha dâng lễ xướng. Nhà tâm thần học thắc mắc không hiểu vị khách của mình đang làm gì với tấm thẻ ấy.
” Này, Damien, ta lại mới có thêm một vụ đó nữa ngày hôm nay đây. Cha biết rồi đó, xảy ra trong nhà thờ. Một vụ phạm thánh nữa.”
Một tượng Thánh nữ Đồng Trinh ở sau lưng nhà thờ đã bị sơn phết trông giống như một gái điếm, vị cha xứ thuật cho ông nghe. Sau đó, cha xứ trao tấm thẻ bàn thờ cho Karras. ” Còn cái này thì xảy ra vào buổi sáng sau khi cha đi New York. Thứ Bảy phải không? Đúng rồi, thứ Bảy. Này, cha hãy nhìn đây. Tôi vừa nói chuyện với một trung sĩ cảnh sát,và này… này, cha hãy nhìn thử tấm thẻ này xem. Damien.”
Lúc Karras xem xét tấm thẻ, vị cha xứ cắt nghĩa rằng có một kẻ nào đó đã đút một tờ giấy có chữ đánh mày vào giữa tấm thẻ nguyên bản và bìa bọc thẻ. Nội dung của bản thứ phẩm này, mặc dù có vài chỗ gạch bỏ và nhiều lỗi đánh máy, về căn bản được viết bằng một thứ tiếng la-tinh dễ hiểu và lưu loát, mô tả bằng những chi tiết khêu gợi và sống động một cuộc tiếp xúc đồng tính luyến ái tưởng tượng giữa Thánh nữ Đòng Trinh Maria và Thánh nữ Marie Madeleine.
” Thế đủ rồi, cha cũng không cần phải đọc hết.” Cha xứ nói, giật phắt lại tấm thẻ, như sợ nó gây ra tội lỗi. ” Đó là một thứ văn la-tinh trác tuyệt; tôi muốn nói là nó có một văn phong, một văn phong la-tinh của giáo hội. Chà, người trung sĩ cảnh sát cho biết ông ta có thảo luận với một nhà tâm lý học, và ông ta bảo rằng con người làm mọi việc này- hừ, rất có thể là một linh mục, cha biết đó, một linh mục vô cùng bệnh hoạn. Cha có nghĩ thế không ?”
Nhà tâm thần học cân nhắc giây lâu, rồi gật đầu. ” Vâng, vâng, có thể như thế lắm. Ông ta hành động như thế để phản kháng, có lẽ, đang lúc trong một trạng thái mộng du hoàn toàn. Tôi cũng không biết nữa. Có thể lắm. Có lẽ là như vậy.”
” Cha có nghĩ một kẻ nào đó không, Damien?”
” Tôi không hiểu ý cha.”
” Thế này đây, trước sau gì những kẻ nào đó cũng tìm đến cha, đúng không? Tôi muốn nói đến những kẻ bệnh hoạn đó, nếu quả thật có những kẻ như vậy trong khuôn viên trường đại học này. Cha có biết một kẻ nào giống như vậy không? Một kẻ mắc chứng bệnh loại đó?”
” Không, tôi không biết.”
” Phải, tôi đã nghĩ là cha chẳng tiết lộ cho tôi biết đâu.”
” Thưa cha, dù gì đi nữa, tôi cũng không biết gì cả. Chứng mộng du là một cách giải quyết một số tình huống xung đột có thể xảy ra, và hình thức giải quyết thường thấy thường là có tính cách tượng trưng. Do đó, thực sự là tôi không biết. Và nếu chính đó là một kẻ mắc chứng mộng du, thì có thể y đã hoàn toàn quên hết những gì y làm, cho nên thậm chí chính bản thân y cũng không còn biết lối nào mà lần ra nữa.”
” Còn nếu cha có trách nhiệm phải tiết lộ y ra thì sao?” Vị cha xứ láu lỉnh hỏi. Karras nhận thấy cha xứ cứ ngắt vào trái tai, một cử chỉ do thói quen mỗi khi ông cho rằng mình ranh ma lắm.
” Quả thực tôi không biết,” nhà tâm thần học nhắc lại.
” Phải rồi, phải rồi, tôi đã nghĩ là có đời nào cha lại cho tôi biết đâu,” vị cha xứ đứng dậy bước ra phía cửa. ” Cha có biết là các cha giống như cái gì không? Giống hệt như các ông thầy tu ấy !” Ông ta phàn nàn.
Karras khẽ cười, còn vị cha xứ quay lại ném tấm thẻ bàn thờ lên bàn giấy. ” Tôi nghĩ là cha nên nghiên cứu cái này,” ông lầu bầu. ” Có thể cha sẽ khám phá ra một điều gì đó.”
Vị cha xứ đi ra cửa.
” Họ đã kiểm tra vết dấu tay trên đó chưa ?” Karras hỏi.
Vị cha xứ dừng bước, khẽ quay lại. ” Hừ, tôi không tin tưởng gì chuyện đó. Vả lại, có phải là ta đang theo dõi một đối tượng hình sự nào đâu, đúng không? Đúng hơn, đó có lẽ chỉ là một giáo dân trong xứ đạo bị điên loạn đấy thôi. Cha nghĩ sao về điều ấy, hở Damien? Cha có nghĩ có thể đó là một người trong giáo xứ không? Cha biết không, tôi thì tôi nghĩ như vậy đó. Nhất định không phải là một linh mục nào cả, mà là một người trong giáo xứ thôi.” Ông ta kéo trái tai. ” Cha không nghĩ thế sao?”
” Quả thật tôi không biết,” ông lập lại lần nữa.
” Phải, tôi nghĩ cha có đời nào chịu nói đâu.”
Khoảng cuối ngày hôm ấy, cha Karras được bãi nhiệm chức cố vấn và được bổ nhiệm làm giảng viên môn tâm thần học tại trường Y khoa thuộc Viện Đại học Georgetown. Ông nhận được lệnh “nghỉ ngơi”.