Bạn đang đọc Quỷ ám – Chương 15 – part 02
Vị bác sĩ tâm thần ưu tư đó khẽ mỉm cười. ” Chứng ít-tơ-ri ,” ông nói tiếp, “là một thể loại thần kinh trong đó các rối loạn tình cảm bị chuyển dạng thành các rối loạn thuộc thể. Chẳng hạn, trong chứng suy nhược thần kinh, người bệnh mất ý thức về các hành động của y, y nhìn thấy chính y hành động nhưng lại gán những hành động của y đó ột người khác. Tuy nhiên, ý tưởng của y về cái bản ngã, về cái nhân cách thứ hai đó, thì mơ hồ; còn Regan thì lại có vẻ rành mạch, rõ ràng. Do đó, chúng ta đi đến một triệu chứng mà FREUD thường gọi là thể “chuyển dạng” của chứng loạn thần kinh ít-tơ-ri. Nó phát sinh từ những mặc cảm phạm tội trong cõi vô thức và nhu cầu phải bị trừng phạt. Tính cách phân liệt hết sức nổi bật ở đây, có thể tính cả đến chứng bản ngã đa trùng cũng nên. Và hội chứng đó có lẽ còn bao gồm cả những co giật như trong bệnh động kinh, những ảo giác, sự kích thích cơ vận động khác thường.”
” Chà, điều đó nghe ra rất giống trường hợp của Regan” Chris đánh bạo nhận xét trong nỗi âu sầu. ” Bác sĩ có nghĩ thế không ? Ý tôi muốn nói là ngoại trừ cái phần mặc cảm phạm tội. Cháu nó có thể mang mặc cảm phạm tội về chuyện gì mới được chứ ?”
” Vâng, một câu trả lời đã thành khuôn sáo,” vị bác sĩ tâm thần đáp, ” có lẽ là vì vụ ly dị. Trẻ con thường cảm thấy chính chúng là kẻ bị loại bỏ, bị bỏ rơi, và chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự ra đi của một bậc cha mẹ. Trong trường hợp con gái bà, có lý do để tin rằng đó có thể chính là nguyên do. Ở đây, tôi đang suy nghĩ về nỗi ưu tư và phiền muộn sâu sắc đối với ý niệm về cái chết của con người, chứng sợ hãi sự chết. Ở trẻ con, người ta thấy chứng đó có kèm theo sự hình thành của mặc cảm phạm tội có liên quan đến sự khủng hoảng trong gia đình, rất thường thấy là nỗi sợ hãi bị mất cha hoặc mẹ. Nó sản sinh ra cơn giận hoảng và tâm trạng tuyệt vọng sâu đậm. Thêm vào đó, tội lỗi trong chứng ít-tê-ri kiểu này không nhất thiết được ý thức biết đến. Thậm chí nó còn có thể là thứ tội lỗi mà ta gọi là “thả nổi”, một thứ tội lỗi chung chung không có liên quan đến điều cá biệt.” Ông kết luận.
Chris lắc đầu. ” Tôi thấy rối tung rối mù cả,” nàng thì thầm. ” Ý tôi muốn nói là cái bản ngã mới này bắt đầu từ chỗ nào chứ ?”
” Vâng, một lần nữa, đây là một sự ức đoán,” ông đáp, ” chỉ là một sự ức đoán thôi – nhưng giả thiết rằng đó là chứng loạn thần kinh ít-tê-ri ở thể chuyển dạng bắt nguồn từ mặc cảm tội lỗi, thì cái bản ngã thứ hai kia đơn giản là tác nhân hành xử quyền trừng phạt. Nếu bản thân Regan phải làm điều đó, thì bà thấy, thế có nghĩa là cô bé công nhận tội lỗi của mình. Đằng này cô bé lại trốn thoát việc công nhận đó. Do đó mới phát sinh một bản ngã thứ hai.”
” Và đó chính là hội chứng mà bác sĩ nghĩ là con bé mắc phải.”
” Như đã nói, tôi không biết,” nhà tâm thần học đáp, vẫn tránh né. Có vẻ như ông đang chọn lựa các từ ngữ như ông đang chọn các hòn đá đầy rêu phong để lấy lối đi qua một khe suối. ” Thật là cực kỳ bất thường đối với một đứa bé ở tuổi Regan lại có thể tập họp và tổ chức được các thành phần của một bản ngã mới. Và có những điều khác nữa cũng khiến ta bối rối không ít. Ví dụ như việc cô ta chơi cầu cơ cũng biểu thị được tính cách cực kỳ dễ dẫn dụ. Lại nữa, rõ ràng là tôi chưa hề thôi miên cô bé thực sự.” Ông nhún vai. “Vâng, có lẽ cô bé đã cưỡng lại. Nhưng điều gây ấn tượng thực sư,” ông lưu ý, “chính là tính chất khôn sớm, khôn trước tuổi đã thể hiện ở bản ngã mới này. Đó không phải là một con bé mười hai tuổi chút nào. Nó phải già dặn hơn, già hơn rất nhiều. Thế rồi lại còn thứ ngôn ngữ mà cô bé nói nữa.” Ông nhìn chăm tấm thảm phía trước lò sưởi, tay kéo vành môi dưới trong dáng suy tư. ” Dĩ nhiên, có một trạng thái tương tự, nhưng chúng ta không biết được nhiều. Về điều ấy: một dạng mộng du trong đó người bệnh chợt biểu thị kiến thức hay những kỹ năng mà y chưa bao giờ biết đến – trong đó, chủ đích của bản ngã thứ hai là tiêu diệt bản ngã thứ nhất. Tuy nhiên… ” Từ ngữ đó đãi dài ra. Bất chợt, vị bác sĩ tâm thần ngước lên nhìn Chris. ” Chà, vấn đề thật phức tạp kinh khủng,” ông bảo nàng, ” và tôi đã đơn giản nó hết mức rồi đấy.”
” Như vậy, căn nguyên của vấn đề là gì ?” Chris hỏi.
” Lâm thời lúc này,” ông bảo nàng, ” chỉ là một sự trống không. Cô bé cần được khám kỹ lưỡng bởi một nhóm các chuyên gia, cần đến hai ba tuần lễ thực sự tập trung nghiên cứu trong khung cảnh một y viện, cứ cho là y viện Barringer ở Danton đi.”
Chris nhìn chỗ khác.
” Điều đó có trở ngại gì cho bà không ?”
” Không. Không có vấn đề gì đâu,” nàng thở dài. ” Chỉ đơn giản là tôi đành mất hy vọng thôi.”
“Tôi không hiểu ý bà.”
” Đó chỉ là một bi kịch nội bộ thôi.”
Từ văn phòng của Chris, vị bác sĩ tâm thần điện thoại cho y viện Barringer. Họ đồng ý tiếp nhận Regan vào ngày hôm sau.
Hai bác sĩ cáo từ.
Chris nuốt lấy niềm đau với hồi ức về Dennings, với hồi ức về cái chết, dòi bọ, sự trống rỗng, sự cô liêu và tĩnh lặng không thể diễn tả nên lời, sự tối tăm dưới bản ngã, tấc đất trong nấm mồ với không còn gì động đậy, không, tuyệt chút không cử động. Trong khoảng khắc ngắn ngủi, nàng khóc. Thật là quá sức… quá sức… . Sau đó nàng dẹp ý nghĩ đó đi và bắt đầu chuẩn bị hành lý.
° ° °
Nàng đang đứng trong phòng ngủ mãi chọn một bộ tóc giả để đội ở Dalton thì Karl xuất hiện. Anh ta thông báo có ai đó muốn gặp nàng.
” Ai vậy ?”
” Nhân viên điều tra.”
” Ông ta muốn gặp tôi à ?”
Anh ta gật đầu. Xong, anh trao cho nàng một danh thiếp ghi chức vụ. Nàng thờ ơ nhìn qua tấm danh thiếp. WILLIAM F. KINDERMAN, tấm thiếp ghi: TRUNG UÝ ĐIỀU TRA, và nép dưới góc trái tấm phiếu như chẳng mấy liên quan là dòng chữ: Ban Điều Tra Án Mạng. Thiếp được in bằng co chữ nổi Tedor, hoa mỹ, cứ như được lựa chọn bởi một tay buôn bán đồ cổ không bằng.
Nàng ngước lên khỏi tấm thiếp với một mối nghi ngờ do linh tính. ” Ông ta có mang theo thứ gì đó giống như một kịch bản không ? Giống như một phong bì lớn hay cái gì đó ?”
Theo chỗ Chris đã khám phá ra, không một ai trên trần thế này lại không có một cuốn tiểu thuyết hay một kịch bản hoặc một ý niệm về một hay cả hai thứ đó cất kỹ trong một ngăn kéo hay một ngõ ngách tâm hồn nào đó. Nàng có vẻ hấp dẫn những người đó như thể các linh mục hấp dẫn bọn say rượu vậy.
Nhưng Karl lắc đầu. Chris đâm ra hiếu kỳ và đi xuống cầu thang.
Ông ta đang đứng nghiêng ngả nơi hành lang lối vào, vành mũ bèo nhèo, nhúm nhó gài chặt trong mấy ngón tay mập mạp, ngắn ngủn, vừa mới được cắt tỉa tinh tươm. Con người tròn trĩnh, giữa lứa tuổi ngũ tuần, đôi má xệ bóng nhẫy vì xà phòng. Nhưng quần thì lại nhàu nhò lên gấu và rộng thùng thình mỉa mai cho cái đức chăm sóc thân thể quá cần mẫn của ông chủ nó. Một chiếc áo khoác bằng vải tuýt lùng thùng, lỗi thời, còn đôi mắt nâu ướt rượt xệ xuống hai bên khóe thì cứ nhìn đăm đăm vào những quãng ngày đã qua. Ông thở khò khè như người mắc bệnh suyễn lúc đứng đợi tại đó.
Chris đến gần. Người thám tử đưa tay ra với dáng điệu mỏi mệt và có phần giống cung cách một người cha, rồi nói lào thào bằng giọng khàn khàn của người mắc chứng khí thủng. “Tôi quá quen với vẻ mặt đó trong bất cứ cuộc điều tra cảnh sát nào, thưa cô MacNeil.”
” Vậy là tôi bị điều tra chăng ?” ” Trời đất, làm gì có thế, không có đâu,” ông nói, lấy tay gạt qua cái ý niệm đó như thể đập một con ruồi. Ông nhắm mắt, nghiêng đầu. Tay kia ông để hững hờ trên bụng. “Không, đây chỉ là vấn đề thủ tục thôi.” Ông trấn an nàng, ” thủ tục thôi mà. Kìa, cô bận sao ? Nếu thế thì mai vậy. Mai tôi trở lại vậy ?”
Ông quay lưng như thể chực bỏ đi, nhưng Chris đã nóng ruột bảo, ” có chuyện gì vậy ? Burke ? Burke Dennings chăng ?” Cái vẻ thư thả bất cần và chán chường của viên thám tử không hiểu sao đã khiến nàng thêm căng thẳng.
” Xấu hổ! Thật xấu hổ quá chừng!” Viên thám tử lẩm bẩm với đôi mắt nhìn xuống, đầu khẽ lắc.
” Ông ta bị giết chăng ?” Chris hỏi với vẻ mặt chấn động. ” Ý tôi muốn nói có phải vì thế mà ông đến đây không? Ông ấy bị giết? Đúng thế ?”
” Không, không, không, đây chỉ là thủ tục thôi,” ông lập lại, “thủ tục mà. Cô biết đó, một người quan trọng như vậy, chúng tôi đâu có thể bỏ qua được,” ông biện bác với cái vẻ chẳng đặng đừng. ” Ít nhất thì cũng phải nêu một hai câu hỏi. Có phải ông ấy đã ngã không ? Ông ấy có bị xô đẩy không ?” Lúc ông hỏi, đầu và tay ông cứ nghiêng từ bên này sang bên kia. Rồi ông nhún vai mà thì thầm, gọng khàn đặc. ” Ai biết đâu ?”
” Ông ấy có bị cướp không ?”
” Không, không bị cướp đâu, thưa cô MacNeil, không hề bị cướp, với lại thời buổi này đâu có ai cần đến một lý do như thế nữa. Tay ông cứ động đậy không ngừng, giống như một chiếc bao tay bèo nhèo dưới ngón tay của một người điều khiển con rối. ” Thời buổi bây giờ, thưa cô MacNeil, đối với một tên sát nhân, một lý do, một động cơ chỉ tạo thêm rắc rối thôi, đúng vậy, chỉ gây thêm trở ngại mà thôi.” Ông lắc đầu. ” Ba cái loại ma tuý đó, mấy thứ thuốc ma quỷ đó,” ông than thở. ” Cái thứ L.S.D đó.”
Ông nhìn Chris, mấy ngón tay ông cứ nhịp đều đều trên ngực. “Cứ tin tôi đi, tôi là một người cha, nên nhìn những trò đời điên đảo, tôi cứ đứt từng khúc ruột. Cô có con không ?”
” Có một.”
” Con trai chứ ?”
” Một cháu gái… ”
” Chà… ”
” Này ta vào văn phòng đi.” Chris sốt ruột ngắt lời, quay lưng lại dẫn lối, nàng đã mất hết kiên nhẫn.
” Cô MacNeil à, phiền cô một việc được chứ ?”
Nàng quay lại với vẻ mệt mỏi và lờ mờ ngỡ ông ta định xin chữ ký của nàng cho lũ con ông ta. Không bao giờ họ bảo là xin cho họ. Lúc nào cũng nói là xin cho con họ thôi. ” Được thôi, hẳn là được,” nàng đáp.
” Cái bao tử của tôi,” ông phác một cử chỉ với vẻ mặt nhăn nhó. “Chắc cô có thứ nước Calso chứ, hy vọng ? Nếu phiền quá thì thôi khỏi. Tôi không muốn làm phiền.”
” Ồ, có gì đâu mà phiền,” nàng thở dài. ” Kéo một cái ghế trong văn phòng mà ngồi đi ông,” nàng chỉ chỗ, rồi quay lưng đi xuống bếp. “Tôi nghĩ là có một chai trong tủ lạnh.”
” Thôi, để tôi vào bếp luôn,” ông bảo nàng, đi theo sau. ” Tôi kỵ làm phiền ai lắm”
” Không phiền đâu.”
” Nhưng cô thật quá bận rộn, cứ để tôi xuống bếp. Cô có con cái gì không ?” Ông ta hỏi lúc hai người đang đi. ” Quên, à mà đúng rồi, có chứ, một cô con gái, cô đã nói với tôi rồi. Đúng thế rồi. Mỗi một cô con gái.”
” Mỗi một đứa thôi.”
” Và cháu bao lớn ?” ” Vừa mới được mười hai.”
” Vậy là cô chưa phải lo,” ông thì thào. ” Chưa, chưa đâu. Dù vậy, sau này thì phải coi chừng.” Ông lắc đầu. Chris nhận thấy dáng đi của ông ta là một dáng đi lạch bạch đã được cải biên. ” Lúc mà cô phải chứng kiến bao nhiêu những chuyện bệnh hoạn ngày một ngày hai,” ông nói tiếp. ” Thật không thể tin được. Khó mà tưởng tượng nổi. Điên khùng thật. Cô biết chứ, mới hai ngày trước đây – hay mấy tuần trước gì đó – tôi quên mất – tôi ngó bà xã tôi, tôi bảo: Mary à, cái thế giới này – toàn bộ cái thế giới này – đang bị khủng hoảng thần kinh ráo trọi. Tất cả. Toàn thế giới.” Ông phác một cử chỉ toàn cầu.
Họ vào bếp. Tại đó, Karl đang chà bóng phần trong lò nướng bánh. Anh ta không hề quay lưng mà cũng chẳng buồn biết đến sự có mặt của họ.
” Như thế này thì quả thật là quấy rầy quá lắm.” Viên thám tử cứ cò cử giọng khản đặc, lúc Chris mở cửa tủ lạnh. Nhưng tia nhìn của ông vẫn dán lấy người Karl, lướt nhanh và đầy tra hỏi qua thớt lưng, qua đôi tay và cần cổ của người quản gia kia, y như một con chim đen, nhỏ lượn là là trên mặt hồ. “Tôi gặp một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng,” ông nói tiếp. ” Thế mà tôi lại đi xin nước Calso. Trời đất.” Chris đã tìm thấy chai nước đó, lúc nàng lo tìm đồ mở nút chai. ” Uống đá không ?” nàng hỏi.
” Thôi, uống không, uống không tốt rồi.”
Nàng mở chai nước.
” Cô biết cuốn phim cô đóng tên là “Thiên thần”chứ ?” Ông ta nói. ” Tôi xem cuốn phim đó sáu bảy lần đấy.”
” Nếu ông muốn truy tìm tên sát nhân,” nàng thì thầm lúc rót chất nước Calso sủi bọt ra ly, ” thì cứ việc bắt nhà sản xuất và chuyên viên cắt cúp cuốn phim đó đi.”
” Ồ không, không đâu, cuốn phim đó tuyệt tác, thật đó, tôi mê lắm !”
” Ông ngồi xuống đi.” Nàng gật đầu về phía bàn.
” Ồ, cám ơn cô,” ông ta ngồi xuống. ” Không mà, cuốn phim ấy tuyệt thật đó mà,” ông khăng khăng. ” Rất cảm động. Chỉ có điều là,” ông đánh bạo, ” một điều tí ti thôi. Ồ, xin cảm ơn cô.”
Nàng đặt ly nước Calso xuống và ngồi xuống bên kia bàn, hai tay chắp ra phía trước mặt.
” Chỉ có một khuyết điểm nhỏ,” ông lại bắt đầu ra chiều biện bạch. ” Nhỏ thôi. Và xin cứ tin tôi đi, tôi chỉ là người không chuyên môn, một thường nhân. Cô biết chứ? Tôi chỉ là khán giả. Vậy thì tôi biết gì? Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm tưởng, cảm tưởng của một người thường, là bè nhạc đệm đã nhảy xổ vào một vài lớp cảnh. Nó làm rộn quá đáng.” Lúc này, ông ta đã hăng lên, sôi nổi. ” Nó cứ theo nhắc nhở tôi mãi rằng đây là một cuốn phim xi-nê. Bà biết chứ? Cũng giống hệt như bao nhiêu những góc độ thu hình tân kỳ gần đây vậy. Nó gây xao lãng quá sức. À này, thưa cô MacNeil, cái bản phối nhạc đó có phải tác giả đã “thuỗn tạm” của nhạc sĩ Mendelssohn không, có lẽ ?”
Chris khẽ nhịp mấy ngón tay lên bàn. Cái gã thám tử lạ lùng. Tại sao ông ta cứ nhìn Karl suốt ? ” Tôi cũng không biết nữa,” nàng bảo. “Có điều tôi rất hân hạnh là ông thích cuốn phim ấy. Thôi, ông uống đi,” nàng nhắc ông ta, gật đầu về phía ly Calso. ” Thứ nước này có khuynh hướng làm mập đấy.”
” Vâng, đã hẳn. Tôi quá sức ba hoa, mà cô thì lại bận rộn. Xin bỏ lỗi cho.” Ông nâng ly nước lên như thể chúc sức khỏe rồi uống cạn, ngón tay út của ông cong xa ra khỏi các ngón tay khác, ra dáng nết na. “Ái chà, ngon, ngon thật,” ông hít hà, mãn nguyện. Lúc ông đẩy chiếc ly qua một bên, mắt ông thoáng bắt gặp bức tượng chim do Regan nặn. Lúc đó bức tượng là vật trang trí chính ở giữa bàn, chiếc mỏ chim trôi nổi như châm biếm suốt dọc chiều dài trên mấy lọ tiêu. ” Kỳ quặt,” ông mỉm cười. ” Hay.” Ông ngước lên. ” Nhà nghệ sĩ ?”
” Con gái tôi đấy,” Chris bảo ông.
” Ngộ lắm.” ” Này, tôi không thích cứ… ”
” Vâng, vâng, tôi biết, tôi quấy rầy quá thể. Vâng, đây, chỉ một câu hỏi, hoặc hai câu, là chúng ta xong. Thật vậy, duy nhất chỉ một câu hỏi thôi rồi tôi xin kiếu ngay.” Ông nhìn đồng hồ tay như thể bồn chồn muốn cáo lui ngay để đến một cuộc hẹn nào đó. ” Xét vì ông Dennings xấu số,” ông nói một cách khó nhọc, hổn ha hổn hển, ” đã hoàn tất việc làm phim của ông ta tại khu vực này, nên chúng tôi thắc mắc không biết rằng ông ta có thể đến thăm một ai đó vào cái đêm xảy ra tai nạn đó không? Dĩ nhiên ngoài cô ra, tôi muốn biết là ông ta có còn bạn bè nào nữa ở khu vực này hay không ?”
” Ờ, đêm hôm đó ông ta đã ở đây,” Chris bảo ông.
” Hả ?” Đôi mày viên thám tử nhướng lên như hai cái lưỡi liềm. ” Gần thời gian xảy ra tai nạn chăng ?”
” Tai nạn xảy ra khi nào ?” Nàng hỏi ông.
” Bảy giờ năm phút,” ông bảo.
” Vâng tôi nghĩ thế.”
” Chà, thế là xong rồi,” ông gật đầu, quay người trên ghế ra chiều chuẩn bị đứng lên. ” Ông ta say, ông ta cáo lui, rồi ông ta ngã xuống dãy bậc cấp. Phải, thế là xong. Rõ ràng quá. Dù vậy, thưa cô, để có tài liệu ghi vào hồ sơ, cô có thể cho tôi biết ông ta rời nhà này khoảng mấy giờ được không ?”
Ông ta quào vào sự thật như một gã độc thân ngắt véo vào rau cỏ ở ngoài chợ. Làm thế nào mà ông ta lên được chức trung uý nhỉ ? Chris thắc mắc. ” Tôi không biết,” nàng đáp. ” Tôi không có gặp ông ấy.”
” Tôi không hiểu.”
” Thế này, ông ta đến và đi lúc tôi vắng nhà. Lúc đó tôi đang bận ở văn phòng một bác sĩ ở Rosslyn.”
” À, tôi hiểu.” Ông ta gật gù. ” Dĩ nhiên rồi. Nhưng thế thì làm sao cô lại biết ông ta có đến đây ?”
” Ờ, thì Sharon nói.”
” Sharon ?” ông ngắt ngang.
” Sharon Spencer. Cô ta là thư ký riêng của tôi. Cô ta có ở đây lúc Burke ghé vào. Cô ta… “
” Ông ta đến thăm cô ấy ?”
” Không, thăm tôi.”
” Vâng, hẳn thế rồi. Vâng, xin lỗi vì tôi đã ngắt lời.”
” Con gái tôi bị ốm và Sharon bỏ ông ta ở đây để đi mua ít thuốc men theo toa bác sĩ. Tuy nhiên khi tôi về đến nhà thì Burke đã bỏ đi.”
” Lúc đó là mấy giờ, xin cho biết ?”
” Bảy giờ mười lăm hay khoảng đó, bảy giờ rưỡi.”
” Cô rời nhà lúc mấy giờ trước đó ?”
” Có lẽ vào khoảng sáu giờ mười lăm.”
” Mấy giờ thì cô Spencer rời nhà ?”
” Tôi không rõ.”
” Và giữa khoảng thời gian cô Spencer ra đi và thời gian cô (Chris) về nhà, còn ai ở trong nhà này với ông Dennings, ngoài con gái của cô không ?”
” Không còn ai.”
” Không còn ai à ? Ông ta bỏ cháu bé lại một mình sao ?”
Nàng gật đầu.
” Không có người giúp việc nào sao ?”
” Không, Willie và Karl lúc đó… ”
” Họ là ai vậy ?”