Đọc truyện Quo Vadis – Chương 63
Thường thường khi diễn vở bi kịch Aurelux trong nhà hát hay nhà hát vòng, người ta thường bố trí sao cho có thể mở ra và tạo nên hai cảnh riêng biệt. Nhưng sau buổi biểu diễn trong khu vườn của Hoàng đế, người ta chán cách thông thường ấy, bởi người ta chỉ muốn sao cho nhiều người nhất có thể được tận mắt trông thấy cái chết của tên nô lệ bị đóng đinh lên thập tự, mà trong kịch sẽ bị gấu xé xác. Trong các nhà hát, vai gấu thường do diễn viên khoác bộ da gấu đóng, nhưng lần diễn này sẽ là gấu thực. Đó chính là ý mới của Tygelinux. Thoạt tiên, Hoàng đế bảo trước là Ngài sẽ không tới dự, nhưng do sự vật nài của kẻ đang được sủng ái, ngài lại thay đổi ý định. Tygelinux giải thích cho ngài, rằng sau chuyện xảy ra trong vườn, ngài lại càng cần phải xuất hiện trước chúng dân, đồng thời hắn cũng cấm đoán rằng tên nô lệ bị đóng đinh câu rút sẽ không thể nhục mạ Hoàng đế như ông Kryxpux đã làm. Dân chúng đã phần nào bão hoà và mệt mỏi với việc đổ máu, người ta bèn báo trước rằng sẽ phát một đợt vé xổ số mới và tặng quà, đồng thời sẽ có tiệc đêm vì buổi diễn sẽ được tổ chức vào buổi tối, trong nhà hát được chiếu sáng với dày đặc đèn nến.
Quả thực ngay lúc sẩm tối toàn bộ toà nhà đã đầy nghẹt người. Tất cả các cận thần, đứng đầu là Tygelinux, đều có mặt đông đủ, không phải để xem diễn, mà chủ yếu là để bày tỏ cùng Hoàng đế lòng trung thành của mình sau chuyện vừa xẩy ra, và để trò chuyện với nhau về lão Khilon, người mà toàn thành Roma đang nói đến.
Người ta thì thầm vào tai nhau rằng sau khi ở vườn về, Hoàng đế giận điên lên, ngài không sao chợp mắt nổi, ngài bị những cơn hãi hùng và những giấc mơ kinh dị, cho nên ngay ngày hôm sau, ngài liền tuyên bố sắp lên đường đi Akhai. Mặc dù những người khác bác lại, khẳng định rằng giờ đây ngài sẽ lại càng nghiệt ngã hơn nữa đối với dân Thiên chúa giáo. Cũng không thiếu những kẻ hèn nhát thấy trước rằng lời buộc tội mà lão Khilon đã ném vào mặt Hoàng đế trước đám đông có thể sẽ dẫn đến những hậu quả tồi tệ nhất. Rốt cuộc, cũng có những người yêu cầu Tygelinux chấm dứt những cuộc khủng bố, xuất phát từ lòng nhân đạo.
– Các ngài hãy xem các ngài đang đi tới đâu. – Barkux Xoranux nói. – Các ngài muốn làm dân chúng thoả nỗi hận thù và khiến họ tin rằng hình phạt đã giáng xuống những kẻ có tội, vậy mà kết quả hoàn toàn ngược lại.
– Đúng thế! – Antyxlius Verux thêm, – hiện nay tất cả mọi người đều xì xào rằng bọn họ là những người vô tội. Nếu như đó mà lại là sự khéo léo thì lão Khilon quả đã có lý khi nói rằng bộ óc của các ngài không đựng đầy nổi một chiếc đĩa tí xíu.
Tygelinux quay về phía họ và nói:
– Người ta cũng còn thì thầm với nhau rằng, cô con gái Xervilia của ông, hỡi Barkux Xoranux, và bà vợ của ông, hỡi Antyxlius, đã che giấu bọn nô lệ Thiên chúa của mình trước công lý của Hoàng thượng.
– Đó là điều xằng bậy! – Barkux lo lắng kêu lên.
– Chính các mụ li dị chồng của các người muốn giết hại vợ tôi vì ghen tức với phẩm hạnh của nàng! – Antyxlius Verux nói với vẻ không kém phần lo lắng.
Còn những người khác lại trò chuyện về lão Khilon.
– Lão làm sao thế nhỉ? – Epriux Marxenlux nói. – Chính lão đã nộp họ vào tay Tygelinux, từ một kẻ khốn cùng lão đã trở nên giàu có, lão có thể yên ổn sống nốt những ngày còn lại của mình, có được một đám ma tuyệt vời và một nấm mồ xinh xắn, vậy mà không! Lão lại muốn mất sạch sành sanh trong chớp mắt và cả mạng nữa. Quả thực, chắc lão điên!
– Lão không điên mà đã trở thành một tín đồ Thiên chúa! – Tygelinux bảo.
– Lẽ nào lại thế được! – Vitelius cất tiếng.
– Tôi đã bảo từ trước mà! – Vextynux xen vào – Các vị cứ giết hết bọn tín đồ Thiên chúa đi, nhưng xin hãy tin tôi, chớ có đánh nhau với vị thần của bọn họ. Chuyện này không đùa được!… Các vị hãy nhìn xem đang diễn ra những gì nào! Tôi không đốt cháy Roma, nhưng nếu như Hoàng thượng cho phép, tôi sẽ dâng đồ tế hiến sống cho vị thần của bọn họ. Và tất cả mọi người lẽ ra đều phải làm như vậy mới phải, bởi vì tôi xin nhắc lại: không thể đùa với ông ta được đâu! Xin các vị nhớ cho là tôi đã báo trước cho các vị như thế!
– Còn tôi lại nói khác. – ông Petronius nói – Tygelinux cười khi tôi bảo rằng họ đang chống cự, còn giờ đây tôi sẽ nói thêm: bọn họ đang chiếm lĩnh nữa kia!
– Sao thế? Sao thế? – vài giọng hỏi lại
– Thề có Ponlukx!… Bởi nếu như ngay cả lão Khilon còn không cưỡng nổi họ, thì ai có thể cưỡng lại nổi? Nếu như các ngài nghĩ rằng sau mỗi một buổi diễn lại không có thêm những tín đồ Thiên chúa mới, thì với toàn bộ sự am hiểu Roma của mình, các ngài sẽ trở thành gã thợ nồi hoặc các ngài bắt đầu đi cạo râu cằm đi là vừa, vì khi ấy các ngài sẽ thấy rõ hơn dân chúng đang nghĩ gì, và trong thành phố đang có gì diễn ra.
– Ông ta nói đúng quá, thề có chiếc áo peplum của nữ thần Điana – Vextynux kêu lên.
Nhưng Barkux quay sang ông Petronius:
– Ông muốn đưa đến đâu?
– Tôi muốn kết thúc ở chỗ mà các ngài bắt đầu: quá đủ máu rồi.
Tygelinux nhìn ông châm chọc và nói:
– Ê! Thêm chút xíu nữa thôi!
– Nếu như ông thiếu cái đầu, thì hẵng còn cái thứ hai ở chót gậy ấy! – ông Petronius đáp.
Cuộc trò chuyện cắt ngang vì Hoàng đế đến, ngài ngồi vào chỗ của mình, có Pitagorax tuỳ tòng. Ngay sau đó, người ta bắt đầu diễn vở Aureolux, mà người ta thực cũng không để ý xem lắm vì còn mải nghĩ tới lão Khilon. Dân chúng, đã quá quen với cực hình và máu, cũng chán ngán, họ xuỵt, họ phát ra những tiếng kêu không tán thưởng đối với triều thần và đòi mau tới cảnh diễn có gấu, cảnh hấp dẫn nhất. Nếu không có hi vọng được nhìn lão già bị trị tội và không có quà tặng, thì chỉ độc cảnh diễn thôi không thể giữ nổi đám đông.
Cuối cùng, giây phút chờ đợi đã tới. Trước hết các tiểu đồng phục dịch nhà hát khiêng ra một cây thập tự bằng gỗ, khá thấp, để gấu có thể chồm đến ngực kẻ chịu xử tội, tiếp đến, hai người nữa dẫn- mà đúng hơn là kéo – lão Khilon ra, vì xương chân gẫy nát nên lão không thể tự đi được. Người ta đặt lão và đóng lên gỗ nhanh đến nỗi những vị cận thần tò mò không kịp nhìn cho thật rõ, mà mãi tới khi cây thập ác được cố định và cái hố đã chuẩn bị sẵn, mọi cặp mắt đều dồn vào lão. Nhưng hiếm ai có thể nhận ra lão Khilon ngày trước ở ông cụ già trần truồng này. Sau những cực hình mà Tygelinux ra lệnh tra tấn lão, trên mặt lão không còn lấy một giọt máu, và chỉ trong bộ râu cằm trắng bạc mới thấy có vết đỏ của máu đọng lại khi lão bị dứt đứt lưỡi. Qua làn da trong suốt gần như có thể nhìn thấy rõ từng chiếc xương của lão. Lão có vẻ già hơn trước rất nhiều, gần như lụ khụ. Ngược lại, trước kia mắt lão bao giờ cũng ném ra những cái nhìn vĩnh hằng, bất an và đầy dữ dội, bộ mặt nhạy cảm của lão hồi trước bao giờ cũng phảng phất vẻ lo lắng và phấp phỏng triền miên, giờ đây, mặt lão lộ vẻ đau đớn, nhưng lại ngọt ngào và bình thản, như mặt những người đang ngủ say hay đã chết. Có thể trí nhớ về tên vô lại trên thập tự được Chúa Crixtux xá tội đã cấp thêm cho lão lòng tin, cũng có thể lão nói thầm với vị Chúa nhân từ rằng: “Chúa ơi, tôi đã từng đốt Người như một con sâu độc, nhưng suốt cả cuộc đời tôi là một kẻ bần hàn, đói khát; người ta chà đạp tôi, đánh tôi và áp bức tôi. Chúa ơi, tôi là kẻ nghèo hèn và vô cùng bất hạnh, giờ đây họ đang bắt tôi phải chịu cực hình và đóng đinh tôi lên cây thập tự, vậy xin Người hỡi Chúa Nhân Từ, chớ đạp bỏ tôi trong giờ chết”. Và hẳn là sự bình an đã thâm nhập vào trái tim nhỏ nhoi của lão. Không ai cười, vì trong con người bị đóng đinh câu rút này có gì đó thật khẽ khàng, lão già yếu, không chút sức tự vệ, như cầu xin lòng thương hại bằng sự nhẫn nhục của mình, đến nỗi bất giác mỗi người đều tự hỏi, lẽ nào có thể hành hạ và đóng đinh câu rút những kẻ không cần việc ấy cũng chết đến nơi rồi? Đám đông câm lặng. Giữa đám cận thần, Vertynux nghiêng người sang trái sang phải, thì thào bằng giọng kinh hoàng: “Các vị hãy nhìn xem họ chết ra sao kia kìa!”. Những kẻ khác chờ con gấu xuất hiện, lòng chỉ cầu mong cho buổi diễn kết thúc thật nhanh.
Rốt cuộc, con gấu cũng nặng nề bò ra đài diễn, lắc lư về hai bên cái đầu cúi thấp, nó hé mắt nhìn chung quanh, dường như đang suy nghĩ hay tìm kiếm điều gì. Cuối cùng nó nhìn thấy cây thập tự, trên đó là một thân hình trần truồng, nó bèn tiến lại gần, nhổm dậy, nhưng rồi sau đó lại thả hai chân trước xuống đất và ngồi ngay dưới chân cây thập tự bắt đầu gầm gừ, dường như tình thương hại cũng lên tiếng ngay trong trái tim thú dữ của nó trước mảnh thân người này.
Những tiếng kêu khích lệ vang ra từ miệng bọn phục dịch nhà hát, nhưng dân chúng vẫn câm lặng. Trong khi đó lão Khilon chậm chạp ngước đầu, và một hồi lâu, lão lướt mắt nhìn qua những người xem. Cuối cùng, cái nhìn của lão dừng lại ở đâu đó trên những dẫy ghế cao nhất của nhà hát, ngực lão bắt đầu phập phồng gấp gáp hơn, và lúc ấy chợt xảy ra cái điều khiến người xem thán phục và kinh ngạc. Đó là khuôn mặt của lão chợt rạng rỡ một nụ cười, vầng trán lão như có ánh hào quang bao phủ, trước lúc chết, mắt lão ngước lên nhìn trời, và lát sau hai giọt nước mắt to tướng, tràn ra dưới mi, chậm chạp lăn trên mặt lão.
Rồi lão qua đời.
Và khi ấy một giọng đàn ông dõng dạc kêu lên ở phía trên cao, dưới tấm che trần:
– Bằng an cho những người tử vì đạo!
Một sự im lặng nặng nề trùm lên cả nhà hát.