Đọc truyện Quo Vadis – Chương 51
Từ chỗ Hoàng đế ra, ông Petronius ra lệnh cáng về ngôi nhà của ông trên đồi Karyny, ngôi nhà ba mặt có vườn bao quanh, còn mặt trước kề với tiểu Forum Xexyli nên trong thời gian có hoả hoạn nó là ngôi nhà duy nhất còn sót lại.
Cũng vì lý do đó, những cận thần khác, bị mất sạch nhà cửa với bao thứ tài sản khác và các tác phẩm ở bên trong, thường gọi ông Petronius là người may mắn. Mà nói cho cùng, đã từ lâu người ta đồn rằng ông là con trai cả của nữ thần Fortuna, và tình thân ngày càng tha thiết mà thời gian gần đây Hoàng đế biểu lộ với ông hình như cũng khẳng định sự đúng đắn của ý kiến đó.
Song giờ đây, đứa con đầu tiên của thần tài Fortuna ấy có thể phải suy nghĩ về sự đổi thay của bà mẹ đẻ, hay nói cho đúng hơn, về sự giống nhau giữa nữ thần với thần Eronox, kẻ đã xé xác con đẻ của chính mình.
“Giá như nhà của ta cũng bị cháy trụi – ông tự nhủ – cùng với tất thẩy những viên ngọc chạm, những chiếc bình Etrux, đồ pha lê Alekxanđria và đồ đồng Koryntơ của ta, có thể Nerô sẽ quên đi điều xúc phạm kia. Thề có Ponlukx! Cứ nghĩ thử xem, nhẽ ra chỉ còn phụ thuộc vào ta, vào quyết định của ta, để lúc này đây ta đã là tổng quản cấm quân! Ta sẽ tuyên bố rằng Tygelinux là kẻ đã đốt thành phố, mà thực ra chính là hắn chứ ai, ta sẽ mặc cho hắn chiếc tunica đau đớn, sẽ giao hắn cho dân chúng, sẽ bảo vệ được những tín đồ Thiên chúa và sẽ xây dựng lại Roma. Biết đâu những người trung thực lại chẳng được dễ chịu hơn lên. Nhẽ ra ta phải làm việc đó, dù chỉ vì mỗi mình Vinixius mà thôi! Nếu như công việc quá nhiều, ta sẽ nhường cho cháu ta quyền tổng quản – và Nerô sẽ không hề phản đối việc ấy… Rồi sau đó mặc sức Vinixius muốn rửa tội cho tất thẩy đám lính cấm vệ, cho ngay cả Hoàng đế nữa càng hay, ta có thiệt gì đâu cơ chứ. Một Nerô kính Chúa, một Nerô phẩm hạnh và nhân từ – thật là một điều đáng mừng, dù cho y có điều bộ đến mấy đi nữa”
Và sự vô lo của ông lớn đến nỗi ông bất giác mỉm cười, song chỉ giây lát sau, ý nghĩ của ông đã hướng về một phía khác. Ông ngỡ như đang còn ở Anxium và ông Paven xứ Tarxu đang nói với ông:
“Các ngài gọi bọn chúng tôi là kẻ thù của cuộc sống, nhưng thưa ngài Petronius, xin ngài hãy trả lời tôi: nếu như Hoàng đế lại là một tín đồ Thiên chúa và hành động theo giáo thuyết của chúng tôi, thì có phải cuộc sống của các ngài sẽ trở nên chắc chắn và yên ổn hơn chăng?”
Nhớ đến những lời ấy, ông lại tự nhủ:
“Thề có Kaxtor! Nơi đây người ta đã tàn sát biết bao tín đồ Thiên chúa, vậy mà Paven lại tìm được ngần ấy tín đồ mới; nếu như thế gian không thể đứng nổi trên sự đểu giả, thì ông ta nói có lý… Nhưng biết đâu nó sẽ đứng được cũng nên, một khi nó vẫn đang đứng được đấy thôi. Chính bản thân ta, mặc dù học hành đã nhiều, nhưng vẫn chưa học nổi cách trở thành một thằng đểu giả cỡ bự, vì vậy ta sẽ phải tự mở phanh mạch máu ra thôi… Sự thể rồi sẽ phải kết thúc bằng cách ấy, mà nếu như không bằng cách ấy thì cũng sẽ phải kết thúc bằng cách khác. Ta chỉ thương Eunixe và tiếc cho chiếc bình quý xứ Miren của ta, mà Eunixe đã là người tự do, còn chiếc bình sẽ đi theo ta kia mà. Dù thế nào đi nữa, Ahenobarbux cũng không thể nhận được chiếc bình ấy! Ta cũng thương cho Vinixius. Mà nói cho cùng, mặc dù thời gian gần đây ta thấy ít buồn chán hơn trước kia, nhưng ta cũng vẫn sẵn sàng. Mọi vật trên thế gian đều tươi đẹp, nhưng đại đa số con người thì lại dung tục đến nỗi chẳng đáng tiếc chi cuộc sống. Kẻ nào biết sống, kẻ đó hẳn sẽ biết chết. Và dù rằng ta nằm trong đám cận thần, ta vẫn là một con người tự do hơn chúng nó có thể tưởng nhiều lắm.”
Nghĩ tới đây ông nhún vai:
“Chúng nó có thể nghĩ rằng lúc này đây đầu gối ta đang run rẩy và nỗi sợ hãi khiến tóc trên đầu ta dựng ngược cả lên, còn ta, khi trở về nhà, ta sẽ tắm trong nước ngâm hoa đồng thảo, rồi Nàng Tóc Vàng của ta sẽ đích thân xoa dầu thơm cho ta, và khi ăn chúng ta sẽ bảo chúng hát thật to bản tụng ca dâng thần Apolon mà Antemiox đã soạn. Ngày trước có lúc ta đã từng nói:”Không cần nghĩ đến cái chết vì không có chúng ta góp sức thì tự nó cũng vẫn nghĩ đến chúng ta”. Song dù sao cũng thật đáng ngạc nhiên nếu như quả có thực những Cánh đồng Elize nào đó, nơi có những bóng ma… Nếu vậy thỉnh thoảng Eunixe sẽ đến với ta và chúng ta sẽ cùng nhau lang thang trên những nội cỏ mọc đầy hoa lan nhật quang. Ta sẽ tìm ra được những người bạn bè tốt đẹp hơn ở chốn này. Một lũ hề! Một lũ làm xiếc, một đám thường dân dung tục chẳng có lấy một chút thị hiếu văn hoá nào! Có đến mười vị arbiter alegantiarum cũng chẳng thể cải biến nổi bọn Trymalkhion ấy thành những người đứng đắn. Thề có nữ thần Perxefona! Ta ngán chúng quá thể!”
Song tiếp đó, ông bắt đầu cân nhắc tình thế. Nhờ sự sáng suốt của mình, ông hiểu rằng cái chết đe doạ ông ngay tức thời. Nerô đã lợi dụng một giây phút thích hợp để nói vài lời đẹp đẽ, cao vọng về tình bằng hữu, về sự tha thứ, và chính vì thế hắn tự ràng buộc bởi những lời nói đó. Giờ đây hắn sẽ phải tìm cớ, và trước khi hắn tìm ra, có thể cũng phải mất khối thời gian. “Trước tiên, hắn còn phải tổ chức cuộc hội thi với những người Thiên chúa giáo đã – ông Petronius tự nhủ – rồi sau đó hắn mới nghĩ tới ta, và nếu đúng thế thì chẳng cần chi phải lo lắng và thay đổi nếp sống. Vinixius bị đe doạ bởi những mối nguy sát sườn hơn!…”
Từ lúc đó, ông chỉ nghĩ tới Vinixius, người mà ông quyết định phải cứu bằng được.
Đám nô lệ khiêng chiếc kiệu đi nhanh giữa những đống phế tích, tro tàn và những ống khói đang còn đầy rẫy trên đồi Karyny, song ông ra lệnh cho chúng phải chạy thật nhanh để có thể mau chóng về đến nhà. Vinixius đang ở nhà ông vì toà biệt thự của chàng bị cháy và may thay, chàng đang có mặt ở nhà.
– Hôm nay anh có gặp Ligia không? – ông Petronius hỏi mào đầu
– Cháu vừa từ chỗ nàng quay về.
– Hãy nghe cậu nói đây, và đừng có hỏi thêm mà phí mất thời gian. Hôm nay, ở chỗ Hoàng đế người ta đã quyết định trút tội đốt cháy Roma cho dân Thiên chúa. Họ sẽ bị truy nã và sẽ chịu cực hình. Cuộc săn lùng sẽ bắt đầu ngay bây giờ đấy. Anh hãy mang Ligia đi trốn ngay tức khắc, sang bên kia dẫy Anpơ hay đến tận Phi Châu cũng được! Nhanh chân lên, vì từ Palatyn tới khu Zatybre gần hơn từ đây.
Vinixius vốn là một người lính, chàng không để mất thì giờ hỏi những câu thừa. Chàng lắng nghe ông nói, đôi lông mày cau lại, nét mặt chăm chú và dữ dội, nhưng không hề run sợ. Rõ ràng, trước mối nguy, cảm giác đầu tiên thức dậy trong con người này là ý muốn chiến đấu và tự vệ.
– Cháu đi đây. – Chàng nói.
– Một lời nữa thôi: hãy mang theo tráp đựng vàng, mang theo khí giới và một ít người trong số tín đồ Thiên chúa của anh. Nếu cần, đánh tháo!
Vinixius đã ra đến cửa gian chính sảnh.
– Hãy cho cậu biết thông tin qua một tên nô lệ. – Ông Petronius còn gọi với theo người ra đi.
Và còn lại một mình, ông bắt đầu đi dạo dọc những hàng cột được trang trí trong gian chính sảnh, suy nghĩ về những gì vừa xảy ra. Ông biết rằng sau khi đám cháy tắt, Ligia và ông Linux lại quay về ngôi nhà cũ, ngôi nhà – cũng như phần lớn khu Zatybre – còn sống sót, và đó là một điều bất lợi, vì nếu không thì khó lòng tìm nổi họ trong đám đông dân chúng. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng rằng không một kẻ nào trong cung điện Palatyn biết nơi họ ở, nên thế nào Vinixius cũng sẽ đến trước bọn lính cấm vệ. Ông cũng nghĩ rằng, muốn ra tay một lần bắt được thật nhiều tín đồ Thiên chúa, hẳn Tygelinux sẽ phải chăng lưới trên toàn thành Roma, mà điều đó cũng có nghĩa là hắn sẽ phải chia lính cấm vệ thành từng toán nhỏ. Nếu như có không quá mười tên đến bắt nàng – ông nghĩ – thì chỉ cần một mình chàng khổng lồ xứ Ligi cũng đủ bẻ gẫy xương bọn chúng, huống hồ lại có thêm Vinixius đến giúp sức nữa. Nghĩ thế, ông hởi lòng hởi dạ. Thực ra, dùng vũ khí chống lại lính cấm vệ cũng gần như đồng nghĩa với việc mở đầu cuộc chiến tranh chống Hoàng đế. Petronius cũng hiểu rõ rằng, nếu Vinixius trốn tránh cuộc trả thù của Nerô, thì sự trả thù ấy rất có thể sẽ giáng xuống đầu ông, nhưng ông chẳng lo lắng nhiều về điều ấy. Ngược lại, ý nghĩ về việc đảo lộn, quấy rối Nerô và Tygelinux khiến ông vui lên. Ông quyết định sẽ không tiếc cả tiền của lẫn người để làm việc đó, và vì rằng hồi ở Anxium, ông Paven xứ Tarxu đã cải đạo cho đa số nô lệ của ông, nên ông có thể hoàn toàn tin rằng: trong việc bảo vệ cô nàng nữ tín đồ Thiên chúa ông có thể tin vào sự sẵn sàng hi sinh của bọn họ.
Eunixe bước vào làm gián đoạn những dòng suy nghĩ của ông. Nhìn thấy nàng, tất thẩy những lo lắng và ưu tư của ông tan biến không còn một mảy may. Ông quên cả Hoàng đế, cả tình trạng thất sủng mà ông vừa rơi vào, cả lũ cận thần khốn nạn, cả cuộc truy quét đang đe doạ những người Thiên chúa, cả Vinixius cùng Ligia, ông chỉ còn biết ngắm nàng với cặp mắt của một nhà duy mỹ đang say mê những đường nét tuyệt vời, và với cặp mắt của một người tình đang hít thở hương tình ái toát ra từ những đường nét đó. Mặc một chiếc áo dài màu hoa cà trong suốt thường được gọi là Coa Vestis, qua đó trông rõ thân thể hồng hào của nàng, nàng quả đẹp như một nữ thần. Thêm nữa, cảm thấy mình đang được ngưỡng mộ, lại yêu ông với cả tâm hồn, lúc nào cũng khao khát những ve vuốt của ông, nàng ửng hồng vì sung sướng, dường như nàng không phải là một tỳ thiếp mà là một nàng trinh nữ ngây thơ.
– Nàng sẽ nói điều gì cùng ta đấy, hỡi tiên nữ Kharyta? – ông Petronius vươn cả hai tay đón nàng.
Nàng cúi mái tóc vàng của nàng lại gần ông và nói:
– Thưa ông chủ, ngài Antemiox cùng các ca công đã đến và hỏi ông chủ có muốn nghe ngài hát hôm nay chăng?
– Anh ta cứ đợi đấy đã nhé. Anh ta sẽ hát cho chúng ta nghe bản thiều ca dâng thần Apolon trong bữa trưa. Chung quanh hãy còn đầy đổ nát và tro tàn, còn chúng ta sẽ nghe thiều ca dâng lên Apolon! Thề có những khu rừng Barfox! Cứ nhìn nàng trong chiếc áo Coa vestis này ta lại ngỡ như chính nữ thần Afrođyta đã vén riềm trời xuống đây đứng trước mặt ta vậy.
– Ôi ông chủ! Eunixe thốt lên.
– Hãy lại đây, hỡi Eunixe, hãy ôm chặt ta trong vòng tay em và cho ta uống đôi môi em… Em yêu ta chứ?
– Em yêu ông chủ hơn cả thần Zeux nữa!
Nói đoạn nàng áp môi nàng vào môi ông, nàng run lên vì sung sướng trong vòng tay ông.
Lát sau, ông Petronius nói:
– Nhưng nếu như chúng ta phải lìa nhau?…
Eunixe nhìn ông với nỗi kinh hoàng trong mắt:
– Sao lại thế, thưa ông chủ?…
– Nàng đừng sợ… Nàng thấy không, biết đâu ta sẽ phải lên đường vào một cuộc hành trình xa thẳm.
– Xin hãy mang em theo với…
Ông Petronius đột nhiên thay đổi câu chuyện và hỏi:
– Nàng hãy nói ta hay, trên các thảm cỏ ngoài vườn có hoa lan nhật quang hay chăng?
– Ngoài vườn cả trắc bá lẫn thảm cỏ đều vàng úa đi vì đám cháy, những cây sim thơm cũng trút hết lá, cả khu vườn trông như đã chết rồi.
– Cả thành Roma cũng như đã chết rồi, và chẳng mấy chốc nữa nó sẽ là một nghĩa địa thực sự. Nàng có biết là đã có mật lệnh chống lại dân Thiên chúa giáo và sẽ bắt đầu cuộc khủng bố bọn họ, trong đó hàng nghìn người sẽ mất mạng?
– Người ta trừng phạt họ vì tội gì cơ, thưa ông chủ? Đó là những người rất tốt và hiền lành cơ mà?
– Chính vì tội ấy!
– Vậy chúng ta hãy đi về vùng biển. Đôi mắt thiên thần của ông chủ vốn không thích trông thấy máu.
– Được rồi, nhưng bây giờ ta phải tắm đã. Nàng hãy tới xoa dầu cho ta với nhé. Thề có chiếc thắt lưng của nữ thần Kapryđa! Chưa bao giờ ta thấy nàng đẹp đến thế. Ta sẽ ra lệnh làm cho riêng nàng một bể tắm có hình trai ngọc, và nằm trong đó, nàng sẽ giống như một viên ngọc trai quý giá… Đến nhé, Tóc Vàng của ta!
Rồi ông bước ra, và một giờ sau, cả hai đầu đội những vòng hoa hồng, với đôi mắt mơ màng, nằm trước chiếc bàn đầy những bát đũa bằng vàng. Những tiểu đồng phục dịch họ đều mặc giả các thiên đồng ái tình, họ vừa uống rượu nho bằng những chiếc cốc quý giá quấn dây thường xuân vừa nghe bản thiều ca dâng lên thần Apolon được hát lên có đàn hạc đệm theo dưới sự điều khiển của Antemiox. Họ có cần biết chi đến việc chung quanh toà biệt thự đang nhô lên từ đống hoang tàn những chiếc ống khói của những ngôi nhà và gió đang mang tro tàn của thành phố Roma bị thiêu cháy đi rải khắp nơi. Họ chỉ cảm thấy hạnh phúc và chỉ nghĩ đến tình yêu, thứ tình yêu đã biến cuộc đời họ thành một giấc mơ thiên giới.
Nhưng trước khi bản thiều ca kết thúc, tên nô lệ quản gian chính sảnh đã bước vào.
– Trình ông chủ, – hắn nói với một giọng nói trong đó run lên nỗi lo sợ, một viên xentunion cùng một toán lính cấm vệ đang đứng trước cổng mang theo mệnh lệnh của Hoàng thượng muốn được gặp ngài.
Tiếng ca và những thanh âm của đàn hạc ngừng hẳn. Nỗi lo lắng lan ra khắp tất cả những người có mặt, bởi vì trong quan hệ với những người bạn, Hoàng đế không bao giờ sử dụng đến lính cấm vệ, và trong thời buổi ấy, việc chúng đến nhà chẳng báo hiệu điều gì tốt lành cả. Chỉ mỗi mình ông Petronius không tỏ một chút xúc động nào, ông nói như người đã quá chán ngán những lời mời mọc triền miên:
– Ít nhất chúng cũng phải để cho ta được yên ổn dùng xong bữa trưa đã chứ?
Rồi ông quay sang viên quản gian chính sảnh:
– Cho vào!
Người nô lệ biến đi sau bức trướng che; một lát sau có thể nghe thấy những bước chân nặng nề vang lên và viên bách trưởng Aper mà ông Petronius quen, bước vào, giáp trụ đầy người và chiếc mũ chiến bằng sắt trên đầu.
– Thưa quý ngài, – y nói – đây là thư của Hoàng thượng.
Petronius uể oải đưa bàn tay trắng nuốt cầm lấy chiếc bảng lướt mắt nhìn qua rồi hoàn toàn bình thản đưa nó cho Eunixe.
– Tối nay Người sẽ đọc một khúc ca mới trong thiên “Thành Tơroa”, ông nói, – và Người mời ta đến dự.
– Tôi chỉ được lệnh trao thư cho ngài, – Viên bách trưởng lên tiếng.
– Phải, sẽ không có thư trả lời đâu. Nhưng này bách trưởng, anh có thể nghỉ ngơi chốc lát với chúng tôi và dốc cạn một cốc rượu nho hay chăng?
– Xin cảm ơn quý ngài. Tôi sẽ rất vui lòng uống cạn cốc rượu nho chúc sức khoẻ ngài, nhưng tôi không thể nghỉ được vì đang làm công vụ.
– Sao người ta lại giao cho người đưa thư thay vì gửi nô lệ mang đến?
– Tôi không rõ, thưa ngài. Cũng có thể nhân tiện tôi được phái tới khu vực này vì một việc khác.
– Ta biết, – ông Petronius nói, – việc chống dân Thiên chúa.
– Đúng thế, thưa ngài.
– Cuộc truy quét đã bắt đầu lâu chưa?
– Một số đơn vị đã được phái đến khu Zatybre ngay trước ngọ.
Nói đoạn, viên bách trưởng gẩy từ cốc một ít rượu vang dâng chiến thần Marx, sau đó uống cạn rồi nói:
– Xin các vị thần linh hãy ban cho ngài những gì ngài muốn, thưa ngài.
– Ngươi hãy cầm chiếc cốc ấy về! – ông Petronius bảo.
Rồi ông ra hiệu cho Antemiox hát nốt bản thiều ca dâng Apolon
“Râu Đỏ bắt đầu đóng trò với ta và Vinixius đây – ông nhủ thầm khi những chiếc đàn hạc lại vang lên – Ta đoán được ý định của hắn. Gửi lời mời qua viên xentunion, hắn muốn ta phải hoảng sợ. Tối nay chúng sẽ hỏi viên bách trưởng xem cách thức ta nhận thư ra sao. Chớ, chớ! Chớ có vội mừng, hỡi con rối độc ác và hà khắc kia! Ta biết là ngươi không quên lời nhục mạ đâu, ta biết rằng cái chết không bỏ qua ta, nhưng nếu ngươi nghĩ rằng ta sẽ nhìn vào mắt ngươi với vẻ van xin, rằng ngươi sẽ nhìn thấy trên nét mặt ta nỗi sợ hãi và luồn cúi, thì ngươi nhầm đấy.”
– Hoàng đế viết rằng: “Các khanh hãy đến dự nếu các khanh muốn”, – Eunixe nói – Vậy người có đi không, thưa ông chủ?
– Ta đang ở trong một tâm trạng rất tuyệt và ta có thể nghe ngay cả thơ của Người, – ông Petronius đáp, – Vậy ta sẽ đi, thêm nữa còn vì Vinixius không tới dự được.
Sau bữa trưa và sau khi đi tản bộ theo lệ thường ông để cho các nô tỳ chải tóc và xếp nếp áo, rồi một giờ sau, đẹp như một thiên thần, ông ra lệnh cáng đến đồi Palatyn. Giờ đã muộn, buổi tối yên tĩnh, ấm áp, mặt trăng chiếu sáng đến nỗi những tên lampađaria(1) đi trước kiệu tắt đuốc đi. Trên các đường phố và giữa những đám tro tàn lang thang những toán người đã nốc say rượu nho, quấn đầy dây thường xuân và những loài dây dại, mang trên tay những cành sim thơm và nguyệt quế hái trong các khu vườn thượng uyển của Hoàng đế. Sự dồi dào của lương thực và niềm hi vọng sẽ không có những hội vui vĩ đại khiến lòng người tràn ngập niềm vui. Đây đó người ta hát vang những bài ca ca ngợi “Đêm thần thánh” và tình yêu, đây đó người ta nhẩy múa trong ánh trăng; mấy lần liền, đám nô lệ phải hét lên yêu cầu nhường đường cho “ngài Petronius tôn kính”, và những khi ấy đám đông vừa tránh ra vừa gào lên chào con người mà họ kính mến.
Còn ông cứ nghĩ hoài về Vinixius và ngạc nhiên vì không nhận được một tin tức gì từ chàng cả. Ông là người theo chủ nghĩa hưởng lạc và là một người ích kỷ, nhưng tiếp xúc với ông Paven xứ Tarxu, với Vinixius và hàng ngày được nghe về những người Thiên chúa giáo, ông đã thay đổi ít nhiều, mặc dù bản thân ông cũng không nhận thấy chuyện ấy. Có một làn gió nào đó thổi từ họ vào người ông, mang đến cho tâm hồn ông những hạt giống lạ. Ngoài bản thân mình, ông bắt đầu lưu ý đến những người khác, còn riêng đối với Vinixius thực ra ông đã gắn bó từ lâu, vì ngay từ thời thơ ấu ông đã rất yêu mẹ chàng, chị ruột của ông, nên giờ đây tham dự vào việc của chàng, ông theo dõi nó căng thẳng như thể theo dõi một vở bi kịch.
Ông vẫn không mất hi vọng rằng Vinixius sẽ đến trước khi bọn lính cấm vệ tới, và chàng đã trốn thoát cùng Ligia, hoặc trong trường hợp cần thiết, chàng đã đánh tháo cho nàng. Nhưng ông muốn biết thật chắc, vì ông thấy trước là sẽ phải trả lời đầy đủ các thứ câu hỏi, tốt nhất là cần chuẩn bị trước.
Dừng trước dinh thự Tyberius, ông bước ra khỏi kiệu và chỉ lát sau ông đã vào gian chính sảnh đầy các cận thần. Những người bạn hôm qua, mặc dù ngạc nhiên vì ông vẫn được mời, song vẫn xa lánh ông, còn ông bước vào giữa bọn họ, tươi đẹp, khoáng đạt, vô tư và tự tin như chính ông mới là người có thể ban phát ân sủng. Một số kẻ thấy ông như vậy đâm ra lo lắng trong dạ, không biết có phải họ đã biểu lộ với ông quá sớm sự dửng dưng hay chăng?
Tuy nhiên Hoàng đế vờ như không trông thấy ông và không đáp lại cái cúi chào của ông, giả vờ là đang bận nói chuyện. Ngược lại, Tygelinux tiến đến gần ông và nói:
– Xin chào vị arbiter alegantiarum! Có phải bao giờ ngài cũng vẫn khẳng định rằng bọn Thiên chúa giáo không phải là người đã đốt cháy Roma?
Ông Petronius nhún vai, vỗ vào đùi hắn như đối với một tên nô lệ mới giải phóng và đáp lại:
– Ông cũng hiểu rõ như tôi cần phải nghĩ về chuyện ấy thế nào.
– Tôi đâu dám sánh với sự thông thái của ngài.
– Và vô hình trung ông nghĩ có lý đấy, bởi vì nếu thế thì khi Hoàng thượng đọc cho chúng ta nghe một khúc ca mới trong bản “Thành Tơroa”, thay vì việc kêu quang quác như một lũ công, ông sẽ phải nói được một câu cho đúng chỗ.
Tygelinux cắn môi. Hắn không vui vẻ gì với chuyện Hoàng đế quyết định hôm nay sẽ đọc một khúc ca mới, vì điều đó lại mở ra một lĩnh vực trong đó hắn không thể đọ sức nổi với ông Petronius. Quả thực, trong khi xướng đọc, Nerô theo thói quen cũ bất giác vẫn đưa mắt nhìn ông Petronius, chăm chú quan sát xem có thể đọc được qua nét mặt ông điều gì chăng. Còn ông, khi nghe ông nhướng mày lên, đôi chỗ ông gật gù, đôi chỗ căng tai chú ý như muốn kiểm tra lại cho rõ xem ông nghe có đúng không. Rồi sau đó, chỗ thì ông khen, chỗ thì ông chê, đòi sửa lại hoặc trau chuốt thêm một số câu thơ. Bản thân Nerô cảm thấy rằng, trong những lời ca tụng bốc trời, những kẻ khác chỉ quan tâm đến bản thân mà thôi, riêng mỗi mình con người này quan tâm đến thi ca chỉ vì thi ca, rằng chỉ mỗi mình ông hiểu, và nếu như ông có khen ngợi điều gì thì có thể tin chắc rằng những dòng thơ ấy xứng đáng được ca ngợi. Dần dần ngài bắt đầu thảo luận cùng ông, đôi co với ông, và cuối cùng khi ông Petronius nêu nghi ngờ của ông về sự chính xác của một cách diễn đạt, thì ngài bảo ông:
– Khanh sẽ thấy ở khúc ca cuối cùng vì sao ta lại dùng nó.
“À, – ông Petronius nghĩ thầm. – Vậy là ta vẫn chờ được đến khúc ca cuối cùng”.
Nghe thấy thế, không chỉ một kẻ tự nhủ:
“Khổ thân ta chưa! Có nhiều thời gian, Petronius có thể lại quay về với ân sủng và sẽ đánh bại cả Tygelinux”
Rồi bọn họ lại bắt đầu nhích tới gần ông. Song kết cục của buổi tối ít may mắn hơn, bởi vì lúc ông Petronius từ biệt ngài, Hoàng đế bỗng nheo mắt hỏi ông với nét mặt vừa nanh ác vừa vui mừng:
– Mà sao Vinixius lại không đến?
Nếu như ông Petronius biết chắc Vinixius và Ligia đã ở bên ngoài cổng thành, hẳn ông đã đáp lại: “Được phép Người, y đã cưới vợ và ra đi rồi”. Nhưng trông thấy nụ cười lạ lùng của Nerô ông đáp:
– Tâu thánh thượng, lời mời của Người đến vào lúc hắn không có mặt ở nhà.
– Bảo với hắn rằng ta rất vui sướng được gặp hắn, – Nerô trả lời, – và nhân danh ta bảo hắn đừng có bỏ qua cuộc đấu, trong đó bọn Thiên chúa giáo sẽ đăng đàn.
Những lời ấy khiến ông Petronius lo lắng, vì ông thấy hình như chúng đề cập trực tiếp đến Ligia. Ngồi vào kiệu, ông bảo đưa thẳng về nhà và giục đi nhanh hơn cả ban sáng. Song đó không phải là chuyện dễ. Trước dinh thự Tyberius tụ tập một đám đông dầy đặc và huyên náo, cũng say sưa như lúc trước nhưng không ca hát nhẩy múa mà hình như đang phẫn nộ. Từ xa vang lại những tiếng người kêu la mà ông Petronius không hiểu được ngay lập tức, những tiếng kêu to dần lên, tăng mãi lên để cuối cùng trở thành một tiếng hò la man dã vang động:
– Ném bọn Thiên chúa giáo cho sư tử!
Những chiếc kiệu xinh xắn của các cận thần trôi đi giữa đám người đang gào thét. Từ lòng sâu của những dãy phố cháy trụi dồn về thêm bao đám người nữa, nghe tiếng kêu họ cũng lặp lại. Người ta truyền khẩu nhau tin cuộc tróc nã đã bắt đầu từ trưa, rằng đã tóm được hàng lũ bọn đốt nhà, và thế là chẳng mấy chốc trên những đường phố mới vạch và những đường phố cũ, trong những ngõ hẻm chỉ còn là phế tích, chung quanh đồi Palatyn, trên tất cả những ngọn đồi và khu vườn, vang rền những tiếng hò la điên cuồng hơn nữa, rộng và dài như thành Roma:
– Ném bọn Thiên chúa giáo cho sư tử!
– Bọn súc vật! – ông Petronius khinh bỉ nhắc lại, – dân chúng thật xứng với Hoàng đế.
Và ông bắt đầu nghĩ rằng cái thế giới dựa trên bạo lực, trên sự dã man mà ngay cả những tộc người man rợ cũng không hề sánh nổi, trên những tội ác và sự trác táng đến điên loạn, cái thế giới ấy sẽ không thể tồn tại được. Roma là bá chủ thế giới và là cái ung nhọt của thế giới. Từ đó đang toát ra mùi tử thi. Bóng đen của cái chết đã đổ xuống cuộc sống thối tha này. Đã nhiều lần người ta nói đến điều đó, ngay cả trong đám cận thần, nhưng chưa bao giờ ông Petronius thấy rõ cái sự thật, rằng cỗ xe vinh quang, trên đó Roma ngồi chĩnh chệ như một người ca khúc khải hoàn, kéo theo sau một đàn các dân tộc bị dày xéo, đang đi tới bờ vực thẳm. Ông thấy như cuộc sống của cái thành phố bá chủ thế giới này là một đám rước của lũ hề, một cuộc sống cuồng hoan nhất định sẽ phải chấm dứt.
Giờ đây ông hiểu ra rằng chỉ có những người Thiên chúa giáo có được những cơ sở khác để sống, nhưng ông nghĩ chẳng mấy chốc nữa các tín đồ Thiên chúa cũng sẽ chẳng còn lấy một chút dấu vết nào. Và khi ấy sẽ là cái gì?
Cuộc diễu hành của lũ hề đang tiếp tục với sự chỉ huy của Nerô, nhưng nếu như Nerô có biến đi thì lại có một kẻ khác hệt như y hay tồi tệ hơn, vì với một đám dân chúng thế kia, một đám quý tộc thế này thì không có lý do gì để có được kẻ khác tốt đẹp hơn. Sẽ lại là một cuộc cuồng hoan mới, thêm nữa, càng dung tục và đáng tởm hơn.
Mà cuồng hoan thì không thể kéo dài được, sau đó cần phải đi ngủ, chí ít cũng vì kiệt sức.
Nghĩ về điều đó, ông Petronius cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Có đáng sống hay chăng trong sự bấp bênh của ngày mai, chỉ để mà nhìn một trật tự tương tự của thế gian? Thần chết đâu có kém đẹp đẽ hơn thần ngủ và cũng mang đôi cánh trên vai kia mà?
Kiệu dừng lại trước cửa nhà, người canh cửa tỉnh ngủ mở cửa ngay tức khắc.
– Ngài Vinixius cao quý đã về chưa? – ông Petronius hỏi y.
– Vừa mới về xong, thưa ông chủ. – Người nô lệ đáp.
“Vậy là hắn ta không đánh tháo được cho nàng” – ông Petronius nghĩ thầm.
Và cởi vội chiếc áo toga, ông chạy vào gian chính sảnh. Vinixius đang ngồi trên chiếc ghế ba chân, đầu cúi sát xuống gần gối, hai tay ôm đầu; nghe tiếng bước chân, chàng ngẩng lên với bộ mặt đã hoá đá, trên đó chỉ có đôi mắt phát ra những tia nóng bỏng.
– Anh đến quá muộn sao? – ông Petronius hỏi.
– Vâng, chúng bắt nàng từ trưa.
Im lặng bao trùm.
– Anh đã gặp nàng chưa?
– Đã.
– Ở đâu?
– Trong nhà ngục Mamertyn
Ông Petronius rùng mình nhìn Vinixius dò hỏi.
Chàng hiểu ngay.
– Không, – chàng nói, – chúng không ném nàng vào Tullianum mà cũng không đưa vào ngục giữa. Cháu đã đưa tiền mua chuộc một tên gác ngục để hắn nhường phòng hắn cho nàng. Bác Urxux nằm ở ngưỡng cửa canh cho nàng.
– Sao Urxux không bảo vệ nàng?
– Chúng phái tới những năm chục tên lính cấm vệ. Mà cũng vì ông Linux cấm bác ấy.
– Thế ông Linux đâu?
– Ông Linux sắp chết. Vì thế chúng không bắt ông.
– Anh định thế nào?
– Cứu thoát nàng hoặc chết cùng nàng. Cháu cũng tin Chúa Crixtux.
Vinixius nói với vẻ như bình thản, nhưng trong giọng nói của chàng có cái gì đó xé lòng, khiến trái tim ông Petronius rung lên một tình thương chân thành.
– Cậu hiểu cháu, – ông nói, – nhưng cháu muốn cứu nàng bằng cách nào?
– Cháu mua chuộc bọn gác ngục trước nhất để tránh cho nàng khỏi bị làm nhục, sau nữa để chúng không cản trở nàng khi trốn.
– Khi nào chuyện ấy sẽ xẩy ra?
– Bọn chúng bảo rằng không thể trả nàng ngay cho cháu bởi vì chúng sợ trách nhiệm. Bao giờ nhà ngục đầy người và người ta không còn nắm nổi con số tù nhân, chúng sẽ giao nàng cho cháu. Nhưng đó là phương sách cuối cùng! Còn trước tiên chính cậu sẽ cứu nàng và cháu! Cậu là bạn thân của Hoàng đế. Chính Hoàng đế đã ban nàng cho cháu. Xin cậu hãy đến gặp ngài và cứu lấy cháu!
Thay vì đáp lại, ông Petronius gọi một người nô lệ và ra lệnh cho y mang đến hai chiếc áo khoác màu sẫm và hai thanh gươm, rồi ông mới quay sang Vinixius:
– Dọc đường cậu sẽ nói anh nghe, – ông bảo, – còn bây giờ anh hãy mặc áo, cầm vũ khí và chúng ta sẽ tới nhà ngục. Đến đó, anh sẽ đưa cho lũ gác ngục một trăm nghìn xexterxi, đưa cho chúng gấp đôi hoặc gấp năm cũng được, miễn là chúng thả Ligia ngay lập tức. Nếu không sẽ quá muộn.
– Ta đi thôi. – Vinixius nói
Lát sau, cả hai đã ra ngoài phố.
– Bây giờ nghe cậu nói đây. – ông Petronius lên tiếng. – Cậu không muốn phí thì giờ. Lúc này cậu đang bị thất sủng. Tệ hơn nữa cậu chắc là Hoàng đế sẽ làm ngược với điều cậu yêu cầu. Nếu không thế đời nào cậu lại khuyên anh đi trốn cùng Ligia hoặc đánh tháo cho nàng. Vì một khi anh trốn thoát thì cơn thịnh nộ của Hoàng đế sẽ quay lại trút lên đầu cậu. Nhưng bây giờ thì y thà làm điều gì đó theo yêu cầu của anh hơn là yêu cầu của cậu. Song chẳng nên tính đến chuyện ấy làm gì. Anh hãy chuộc nàng ra khỏi nhà tù và trốn đi! Chẳng còn cách nào khác đâu. Nếu không thành công, lúc ấy sẽ có thời giờ tìm cách khác. Anh nên biết là chúng bắt Ligia không phải chỉ vì nàng tin vào Chúa Crixtux, mà cơn tức giận của Poppea đang đe doạ cả anh lẫn nàng. Anh có nhớ rằng chính anh đã xúc phạm tới Auguxta vì đã từ chối ả hay không? Ả biết là anh từ chối ả vì Ligia, người mà ả căm ghét ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hồi trước ả đã cố tình giết nàng bằng cách vu cho nàng làm chết con ả. Trong chuyện vừa xảy ra có bàn tay của Poppea! Nếu không làm sao anh có thể giải thích nổi tại sao Ligia là người đầu tiên bị bắt? Kẻ nào có thể chỉ nhà ông Linux? Cậu xin nói anh hay rằng chúng đã theo dõi nàng từ lâu rồi! Cậu biết là cậu đang làm tan nát lòng anh và đang tước đoạt của anh chút hi vọng cuối cùng, nhưng cậu cố tình nói cho anh biết, bởi vì nếu anh không giải thoát cho nàng trước khi chúng nó nghĩ rằng anh có thể làm chuyện ấy, thì cả hai sẽ chết.
– Vâng, cháu đã hiểu.
Vì đêm đã khuya, những đường phố vắng tanh, song câu chuyện của họ bị gián đoạn bởi một tên đấu sĩ say khướt đi ngược lại, hắn lăn vào ông Petronius, bíu tay vào vai ông, phả vào mặt ông hơi thở sặc mùi rượu vang và gào lên bằng giọng khê nặc:
– Ném bọn Thiên chúa giáo cho sư tử!
– Này gã Mirmilon, – ông Petronius bình thản bảo, – ngươi hãy nghe lời khuyên và xéo theo đường của ngươi!
– Nhưng kẻ say lại dùng nốt tay kia túm lấy vai ông:
– Mày phải kêu lên cùng với tao, nếu không tao sẽ vặn gẫy cổ mày: ném bọn Thiên chúa giáo cho sư tử!
Nhưng thần kinh của ông Petronius đã chịu đựng quá đủ những tiếng gào la ấy. Kể từ lúc rời khỏi Palatyn, chúng như một cơn ác mộng khiến ông ngạt thở, chúng xé rách cả màng tai ông, nên khi nhìn thấy nắm đấm của tên khổng lồ vung lên trên đầu mình, ông hết chịu đựng nổi.
– Này anh bạn, – ông nói, – anh sặc mùi vang thối và anh lại xúc phạm đến ta.
Nói đoạn ông thọc thanh đoản kiếm mà ông tự vũ trang khi ra khỏi nhà vào ngực hắn, ngập đến tận chuôi, rồi nắm lấy tay Vinixius, ông nói tiếp như chẳng có chuyện gì xẩy ra:
– Hôm nay Hoàng thượng bảo cậu: “Hãy nhân danh ta nói với Vinixius phải có mặt ở võ hội, lúc bọn Thiên chúa giáo lên võ đài”. Anh có hiểu điều đó có nghĩa gì không? Bọn chúng muốn được xem nỗi đớn đau của anh đấy. Việc ấy đã được xếp đặt rồi. Cũng có thể vì thế cho tới nay chúng chưa bắt anh và cậu. Nếu anh không cứu thoát nàng ngay bây giờ, thì… cậu cũng chẳng biết nữa! có thể Akte sẽ đứng ra bênh vực anh, nhưng liệu cô ấy có được tích sự gì không?… Đất đai của anh ở đảo Xyxilia cũng có thể hấp dẫn Tygelinux đấy. Cứ thử xem!
– Cháu sẽ dâng cho hắn tất cả những gì cháu có. – Vinixius đáp.
Từ đồi Karyny đến Forum không xa lắm, nên chỉ lúc sau họ đã tới nơi. Đêm đã bắt đầu rạng dần và những bức tường của lâu đài nhô ra rõ nét từ bóng đêm.
Đột nhiên, khi họ rẽ về phía nhà ngục Mamertyn, ông Petronius đứng dừng ngay lại và bảo:
– Lính cấm vệ!… Muộn mất rồi!
Quả thực hai hàng lính đang vây quanh nhà ngục. Ánh rạng đông rát bạc lên những chiếc mũ trụ bằng sắt và những ngọn thương của chúng.
Mặt Vinixius tái nhợt như đá cẩm thạch.
– Ta đi thôi. – chàng nói.
Lát sau họ dừng lại trước hàng quân. Ông Petronius, người có trí nhớ phi thường, ông nhớ không phải chỉ các chỉ huy mà gần như tất cả lính cấm vệ, nên trông thấy viên chỉ huy toán quân quen mặt, ông vẫy anh ta lại:
– Có chuyện gì thế, Niger? – ông hỏi, – Các anh được lệnh phải canh giữ nhà ngục à?
– Đúng vậy, thưa ngài Petronius tôn kính. Ngài tổng quản lo rằng chúng nó sẽ đánh tháo cho bọn đốt nhà.
– Các ngươi có lệnh giữ không cho bất cứ ai vào không? – Vinixius hỏi
– Không, thưa ngài. Những người thân có thể thăm tù nhân, bằng cách ấy chúng ta sẽ tóm được nhiều bọn Thiên chúa giáo hơn.
– Vậy hãy để cho ta vào. – Vinixius nói.
Rồi siết chặt tay ông Petronius, chàng nói với ông:
– Cậu hãy đến gặp Akte, cháu sẽ về để xem nàng trả lời cậu ra sao.
– Về nhé! – ông Petronius đáp.
Chính lúc đó từ dưới đất và từ sau những bức tường dầy chợt vang lên tiếng hát. Bài hát, thoạt tiên trầm đục và bị chặn lại, mỗi lúc một to lên. Giọng đàn ông, đàn bà và trẻ con hoà vào nhau thành một dàn đồng ca thống nhất. Trong sự yên tĩnh của buổi rạng đông, cả nhà ngục cùng cất tiếng hát như một chiếc đàn hạc. Nhưng nó không phải là âm điệu não nùng và tuyệt vọng. Ngược lại, trong bài ca vang ngân niềm vui lẫn sự khải hoàn.
Binh lính kinh ngạc nhìn nhau. Trên bầu trời xuất hiện những ánh hồng và ánh vàng đầu tiên của buổi bình minh.
Chú thích:
(1) La tinh: Nô lệ soi đường