Đọc truyện Quo Vadis – Chương 41
Nerô đánh đàn và hát bản tụng ca dâng lên “Bà chúa Sip”, bài ca mà chính ngài soạn nhạc và lời thơ. Hôm ấy ngài có giọng hát tốt và cảm thấy rằng âm nhạc của ngài đã quá đỗi lôi cuốn những người có mặt, cảm giác ấy thêm sức cho những thanh âm và ngài phát ra bao nhiêu thì lại cũng đung đưa tâm tưởng của chính ngài bấy nhiêu, khiến ngài cảm thấy đầy cảm hứng. Rốt cuộc chính ngài cũng bị tái người đi bởi nỗi xúc động chân thành. Chắc hẳn đó là lần đầu tiên trong đời, ngài không muốn nghe những lời ca tụng của những người có mặt. Ngài ngồi lặng hồi lâu, hai tay tì vào chiếc đàn tranh, đầu cúi xuống, rồi ngài đột ngột đứng bật dậy và nói:
– Ta mệt rồi, ta cần khí trời. Các ngươi hãy lên lại dây đàn đi.
Nói rồi ngài quấn chiếc khăn lụa quanh cổ.
– Các ngươi hãy đi cùng ta! – Ngài hướng về phía ông Petronius và chàng Vinixius đang ngồi trong góc phòng – ngươi, Vinixius hãy đưa tay ta vịn, ta yếu lắm, còn Petronius hãy nói ta nghe về âm nhạc.
Rồi họ cùng bước ra khoảng bao lơn của lâu đài được phủ lụa và rắc hoa kỵ phù lam.
– Ở đây dễ thở hơn – Nerô nói – tâm hồn ta xao động và buồn bã, mặc dù ta thấy rằng có thể công diễn với những gì mà ta vừa hát thử cho các ngươi nghe và đó sẽ là thắng lợi huy hoàng chưa từng có người La Mã nào đạt được.
– Hoàng thượng có thể trình diễn tại đây, tại Roma và tại Akhai. Thần thán phục người với cả trái tim và khối óc, ôi thánh thượng! – ông Petronius đáp.
– Ta biết! Khanh quá biếng nhác để có thể phải ngợi ca một cách miễn cưỡng. Khanh cũng chân thành như Tulius Xennexio, nhưng lại hiểu biết nhiều hơn y. Hãy nói ra hay khanh nghĩ gì về âm nhạc.
– Khi thần lắng nghe lời thơ, nhìn cỗ xe mà hoàng thượng cầm cương tại hý trường, nhìn ngắm một pho tượng đẹp hoặc một bức tranh tuyệt tác, thần cảm thấy cả người bị cuốn hút bới những gì mà thần nhìn thấy và cảm thấy được trong niềm thán phục của thần chứa đựng tất thảy những gì mà các thứ ấy mang lại. Nhưng khi nghe âm nhạc, nhất là nhạc của hoàng thượng, trước mắt thần mở ra mỗi lúc một nhiều những vẻ đẹp mới, những niềm khoái cảm mới. Thần chạy theo chúng, nắm bắt chúng, nhưng trước khi thần kịp thâu nhận chúng thì đã lại tràn tới những thứ mới và mới nữa, giống hệt như những làn sóng biển từ chốn vô biên ào về vậy. Tâu hoàng thượng, âm nhạc chính là biển cả. Chúng ta đứng trên một bờ, nhìn ra khơi xa song chẳng thể nào thấy được nổi bờ bên kia.
– Ôi, khanh quả là một người hiểu biết sâu sắc lắm thay! – Nerô thốt lên.
Họ im lặng dạo bước hồi lâu, chỉ có tiếng những đóa hoa kỵ phù lam khẽ xào xạc dưới chân họ.
– Khanh đã thốt ra ý nghĩ của chính ta. – Mãi sau Nerô mới nói. – Bởi thế, bao giờ ra cũng nói rằng trong toàn cõi La Mã chỉ có mình khanh hiểu nổi ta. Đúng vậy! Ta cũng nghĩ đúng như thế về âm nhạc. Khi ta đàn và hát, ta thấy được những thứ mà ta chưa hề biết tồn tại trong vương quốc của ta hoặc trên cõi đời này. Ta là hoàng đế, thế giới thuộc về ta, ta có thể làm tất thẩy mọi chuyện. Ấy thế nhưng âm nhạc mở ra cho ta những vương quốc mới, những ngọn núi và những biển cả mới, những niềm khoái cảm mới mà cho tới nay ta chưa từng được biết. Thường ta không biết phải gọi tên chúng là gì, không thể hiểu nổi chúng bằng trí óc, ta chỉ cảm nhận được chúng mà thôi. Ta cảm thấy các vị thần linh, nhìn thấy đỉnh núi Olimpơ. Một làn gió thiên giới nào đó thổi vào ta, ta trông thấy như qua một làn sương những thứ gì đó vô cùng kỳ vĩ, mà vẫn thanh bình và sáng chói như vầng dương vừa mọc…Cả thế gian đàn hát quanh ta và ta nói ngươi hay, (nói tới đây giọng Nerô rung lên một nỗi ngạc nhiên thực sự), rằng ta, một hoàng đế và một vị thần, khi ấy chợt cảm thấy nhỏ bé như một hạt bụi đất vậy. Ngươi có tin chăng?
– Vâng! Chỉ có những nghệ sĩ vĩ đại mới cảm thấy nhỏ bé trước nghệ thuật.
– Đêm nay là một đêm chân thành, ta sẽ cởi mở thâm hồn với khanh cho khanh hay nhiều điều hơn nữa…Khanh cho rằng ta mù quáng hoặc mất trí chăng? Khanh nghĩ là ta không biết rằng ở Roma người ta viết lên tường thành những lời thóa mạ ta, gọi ta là thằng giết mẹ, là kẻ giết vợ…Họ xem ta là một con quái vật, một tên bạo chúa chỉ vì Tygelinux đã xin được ta cho phép, dùng mấy cái án tử hình đối với kẻ thù của ta…Phải, bạn ạ, họ coi ta là quái vật và ta cúng biết điều đó…Họ thêm thắt sự tàn bạo cho ta đến mức chính ta đôi khi cũng phải tự hỏi không hiểu ta có phải là bạo chúa hay không…Nhưng họ không hiểu rằng hành vi của một con người đôi khi có thể tàn bạo, nhưng người đó có thể không phải là người tàn bạo. Ôi chẳng một ai tin, có thể là khanh, bạn thân yeuek cũng không tin rằng nhiều khi âm nhạc đu đưa tâm hồn ta, ta cảm thấy ra tốt lành như một đứa trẻ trong nôi. Xin thề với khanh có những vì sao kia chứng giám là ta nói ra một sự thật hoàn toàn, người ta đâu hay rằng có biết bao điều tốt lành ở trong trái tim này, bao nhiêu kho báo mà chính ta phát hiện ra ở đó trong khi âm nhạc mở cánh cửa cho nó.
Ông Petronius không hề nghi ngờ rằng lúc này đây Nerô đang nói rất chân thành, rằng âm nhạc có thể làm xuất hiện những khuynh hướng thường bị đè chồng chất với hàng núi hàng núi thói ích kỷ trụy lạc và tội ác, ông bèn nói:
– Cần phải hiểu hoàng thượng gần gũi như thần đây. La Mã chưa bao giờ biết đánh giá đúng Người cả.
Hoàng đế tỳ mạnh hơn nữa lên vai Vinixius, dường như ngài đang bị gánh nặng bất công đè trĩu, ngài đáp:
– Tygelinux bảo ta, tại viện nguyên lão người ta thì thầm vào tai nhau rằng Điođor và Terpnix chơi đàn tranh giỏi hơn ta. Họ không thừa nhận cho ta ngay cả chuyện đó. Còn khanh, bao giờ khanh cũng nói thật, hãy thành thực nói ta hay: Hai người ấy chơi đàn giỏi hơn hay chỉ giỏi bằng ta?
– Không bao giờ! Hoàng thượng có cách gẩy ngọt ngào hơn họ mà vẫn mạnh mẽ hơn. Người là nghệ sĩ, còn bọ họ chỉ mà những tay thợ thủ công khôn khéo mà thôi. Quả thực, nghe nhạc của họ trước, ta có thể hiểu rõ hơn hoàng thượng là người vĩ đại đến thế nào!
– Nếu thế thì hẵng cứ để cho chúng nó được sống. Cả hai sẽ không bao giờ biết được rằng lúc này đây ngươi đã có công lớn như thế nào đối với chúng. Vả chăng, nếu ta có trị tội chúng thì vẫn phải lấy kẻ khác vào thế chân chúng kia mà.
– Và người ta sẽ nói thêm rằng chính vì yêu âm nhạc hoàng thượng đã tiêu diệt âm nhạc ở quốc gia. Tâu thánh thượng, xin chớ bao giờ giết nghệ thuật vì nghệ thuật cả.
– Khanh khác Tegelinux biết bao – Nerô đáp – Nhưng khanh thấy dấy, trong mọi lĩnh vực ta đều la nghệ sĩ, và vì rằng âm nhạc mở ra trước mắt chúng ta những thế giới bao la mà ta chưa bao giờ ngờ rằng chúng tồn tại, những đất nước mà ta chưa chiếm lĩnh được, những khoái cảm và hạnh phúc mà ta chưa từng được nếm trải, nên ta không thể nào lại sống một cuộc đời bình thường. Âm nhạc mách bảo ta hay rằng có tồn tại sự phi thường, ta sẽ dùng toàn bộ sức mạnh quyền uy mà các thần linh đặt vào tay ta để tìm cho bằng được sự phi thường ấy. Nhiều khi ta nghĩ rằng muốn đạt tới những thế giới phi phàm ấy(1), cần phải thực hiện một điều gì chưa từng có kẻ nào thực hiện được, cần phải vượt qua mọi người trong việc tốt lành hoặc điều xấu xa. Ta biết người ta cho rằng ta điên. Nhưng ta đâu có điên, ta chỉ đang tìm kiếm! Mà nếu ta có điên, thì điên vì buồn chán và sốt ruột bởi không thể tìm ra. Ta tìm kiếm – khanh có hiểu hay chăng – ta muốn vĩ đại hơn con người, bởi vì chỉ bằng cách đó ta mới có thể trở thành nghệ sĩ vĩ đại nhất.
– Ngươi có biết rằng chính vì thế ta đã ra lệnh giết mẹ và vợ ta? Ta muốn dâng hiến ở ngưỡng cửa dẫn vào cái thế giới chưa từng biết kia món lễ vật lớn lao nhất mà con người có thể dâng hiến. Ta ngỡ rằng sau chuyện đó sẽ có một điều gì đó xảy ra, một cánh cửa nào đó sẽ mở ra, qua đó ta sẽ được trông thấy một thứ gì chưa hề được biết. Dù cho cái đó tuyệt diệu hay kinh khủng đến vượt quá khái niệm con người, chỉ cốt sao cho nó phải thật phi thường và vĩ đại…Nhưng lễ vật ấy hình như cũng hãy còn chưa đủ. Hẳn là để mở cánh cửa hoàng thiên cần phải có thứ lễ vật vĩ đại hơn nữa – và hãy dâng hiến đi, những gì lời phán quyết đòi hỏi!
– Hoàng thượng định làm gì kia ạ?
– Ngươi sẽ được thấy, sẽ được thấy nhanh hơn là ngươi nghĩ, còn bây giờ chỉ cần biết rằng có hai Nerô, một kẻ như người ta vẫn biết, còn kẻ thứ hai là nghệ sĩ mà chỉ mỗi mình ngươi biết, kẻ đó dù có giết người như chính thần chết hay điên khùng như chính thần Bakhux, cũng chỉ vì hắn bị ngạt thở bởi sự tẹt dí và tủn mủn của cuộc đời thường, hắn muốn diệt sạch nó đi, dù có phải dùng tới lửa và thép…Ôi, cái thế giời này mới phẳng trẹt làm sao nếu ta không đủ sức!…Không một ai đoán nổi, ngay cả nhà ngươi, hởi người bạn thân thiết của ta, rằng ta là một nghệ sĩ vĩ đại đến chừng nào! Chính vì vậy mà ta đau khổ và thú thật với người, nhiều khi tâm hồn ta buồn bã như những cây trác bá đang đen sẫm trước mắt chúng ta kia. Nặng nề lắm thay khi con người phải mang đồng thời cả gánh nặng của quyền lực tối cao lẫn gánh nặng của tài năng vĩ đại nhất…
– Thần thông cảm với hoàng thượng bằng cả trái tim, cùng với thần cả đất liền và biển cả, nếu không kể tới Vinixius, kẻ vẫn âm thầm đem lòng ngưỡng mộ người.
– Đối với ta lúc nào anh ta cũng đáng yêu – Nerô nói – Mặc dù anh ta phục vụ chiến thần Marx chứ không phải phục vụ các thi thần.
– Hắn ta phục vụ trước hết nữ thần Afrođyta – ông Petronius nói.
Và đột nhiên ông quyết định sẽ bằng một động tác vừa giải quyết cho đứa cháu trai vừa xua tan những nỗi nguy hiểm có thể đeo dọa chàng.
– Hắn đang yêu, như chàng Tơroilux yêu sau nàng Krexxyđa vậy – Ông nói – Xin hoàng thượng hãy cho phép hắn được trở về Roma, nếu không hắn sẽ chết héo hon mất. Hoàng thượng chắc biết rằng đã tìm lại cô nàng con tin xứ Ligi mà người đã ban cho hắn và khi đi Anxium, hắn để nàng lại cho một ông lão Linux nào đó trông nom. Thần không dám tâu với hoàng thượng chuyện ấy trong lúc người đang soạn bản tụng ca của người, bởi vì việc đó quan trọng hơn tất thảy những việc khác. Vinixius chỉ muốn biến nàng thành tình nhân, nhưng khi thấy cô nàng phẩm hạnh sánh với Lukrexia thì hắn lại đem lòng tha thiết yêu cái đức hạnh ấy và giờ đây hắn muốn cưới nàng làm vợ. Nàng vốn là công chúa con vua nên sẽ không làm điếm nhục Vinixius, còn hắn thì quả là một tên lính thực thụ, hắn thở dài, khô héo, rên rỉ, nhưng hắn vẫn chờ được phép của vị quân vương.
– Quân vương không chọn vợ cho binh sĩ. Tại sao hắn lại cần sự cho phép của ta?
– Thần đã thưa rằng hắn ngưỡng mộ hoàng thượng.
– Vậy thì hắn càng chắc rằng sẽ được phép chứ sao. Đó là một cô gái đẹp nhưng không quá hẹp. Auguxta Poppea kêu ca với ta rằng chính cô ta đã dùng phép chài đứa bé của ta trong vườn thượng uyển tại điện Palatyn…
– Nhưng thần đã báo cho Tygelinux rằng các thần linh không hề bị ma thuật bao giờ. Người có nhớ không, thưa hoàng thượng, y đã bối rối vô cùng, còn chính người thì thốt lên: “Habet!”
– Ta nhớ chứ.
Đoạn hoàng đế quay sang Vinixius:
– Có thật ngươi yêu nàng đúng như Petronius nói không?
– Thần yêu nàng, tâu hoàng thượng! – Vinixius đáp.
– Vậy ta ra lệnh cho ngươi ngay ngày mai phải trở về Roma, cưới ngay cô nàng và chớ có ra mắt ta mà thiếu nhẫn cưới đấy nhé.
– Xin đa tạ người, tâu hoàng thượng, bằng cả trái tim và tấm lòng.
– Ôi, thật là dễ chịu khi làm cho con người được hạnh phúc – Hoàng đế nói – Suốt cuộc đời ta chẳng muốn làm việc gì khác cả.
– Xin hãy ban cho chúng thần một đặc ân nữa, tâu thánh thượng – Ông Petronius nói – Xin người hãy tuyên bố cho hoàng hậu được biết ý muốn của người. Vinixius chẳng bao giờ dám cưới kẻ mà hoàng hậu ác cảm, song chỉ cần một lời của người thôi, tâu hoàng thượng, cũng đủ xua tan ngay điều các cảm đó, xin người tuyên bố rằng chính người đã ra lệnh như thế.
– Được rồi – Hoàng đế nói – ta chẳng thể từ chối ngươi và Vinixius điều gì.
Hoàng đế quay vào biệt thự, họ bước theo sau ngài, lòng tràn ngập niềm vui sướng vì thắng lợi. Vinixius phải cố lắm mới khỏi ôm chầm lấy cổ ông Petronius, vì thế là bây giờ đây tất cả mọi mối nguy hiểm và trở ngại hình như đều đã tiêu tan.
Trong gian chính sảnh của biệt thự, chang Nerva trẻ tuổi và Tulius Xenexio đang nói chuyện phiếm với hoàng hậu còn Terpnox và Điođor đang lên lại dây đàn. Nerô bước vào, ngồi xuống chiếc ghế khảm đồi mồi và thì thầm điều gì đó vào tai tên tuổi đồng hầu cận người Hi Lạp, rồi ngài ngồi chờ đợi.
Tiểu đồng quay trở lại ngay với một chiếc hộp bằng vàng, Nerô mở hộp lấy ra một chuỗi hạt bạch ngọc to và nói:
– Đây là thứ đồ trang sức xứng với đêm nay.
– Ánh bình minh lấp lánh trên từng viên ngọc – Poppea đáp, tin chắc rằng chuỗi ngọc sẽ dành cho ả.
Hoàng đế nhắc nhắc những viên đá ngọc hồng hồng một lúc lâu rồi nói:
– Vinixius này, ngươi hãy nhân danh ta tặng chuỗi hạt này cho nàng công chúa trẻ tuổi Ligi mà ta đã ra lệnh cho ngươi phải lấy làm vợ.
Cái nhìn bất thần đầy giận dữ và kinh ngạc của Poppea chuyển từ hoàng đế sang Vinixius rồi cuối cùng dừng lại ở ông Petronius.
Còn ông, thoải mái nghiêng người qua tay ghế, lướt nhẹ tay dọc theo bản căng dây của chiếc thụ cầm, dường như muốn ghi nhớ thật chính xác hình dáng của nó vậy.
Sau khi cảm tạ vì món quà tặng, Vinixius lại gần ông Petronius và nói:
– Cháu biết cảm ơn cậu bằng cách nào đây về điều mà hôm nay cậu đã làm cho cháu?
– Anh hãy dâng nữ thần Eutarpa một đôi bồ câu – ông Petronius đáp – hãy ca ngợi những bài ca của hoàng đế và hãy cười giễu các điềm báo. Cậu mong rằng kể từ đây tiếng gầm rống của lũ sư tử sẽ không làm kinh động giấc ngủ của anh và đóa hoa huệ xứ Ligi của anh nữa.
– Không ạ – Vinixius nói – giờ thì cháu hoàn toàn yên lòng.
– Vậy thì cầu thần tài Fortuna sẽ hào phóng với anh chị. Còn bây giờ thì hãy chú ý vì hoàng đế đã lại cầm lấy chiếc đàn forminga rồi kia. Hãy nín thở lắng nghe và cố rặn lấy một giọt lệ.
Quả thực hoàng đế đã cầm lấy chiếc forminga lên tay và ngước nhìn lên trời. Những tiếng chuyện trò trong phòng lắng bặt hẳn, mọi người ngồi yên lặng như bị hóa đá. Còn Terpnox và Điođor, những kẻ sẽ đệm theo hoàng đế, lúc thì quay đầu nhìn nhau, lúc nhìn miệng ngài, chờ đợi những than âm đầu tiên của bài hát.
Đột nhiên tiền sảnh bắt đầu náo động và ồn ào, rồi lát sau, từ sau bức rèm cửa hiện ra trước tiên là Faon, một nô lệ giải phóng của hoàng đế, liền sau anh ta là chấp chính quan Lekanius.
Nerô nhíu mày.
– Xin người hãy lượng thứ, thưa quốc vương thánh thượng! – Faon hổn hển thốt ra – Cháy tại Roma! Phần lớn thành phố đang chìm trong lửa!…
Nghe thấy thế mọi người đều đứng bật cả dậy, Nerô đặt chiếc đàn forminga xuống và nói:
– Hỡi các vị thần linh!…Ta sẽ được nhìn thấy một thành phố đang cháy và sẽ hoàn thành thiên trường ca “Thành Tơroa” của ta.
Rồi ngài quay về phía chấp chính quan:
– Nếu ra đi ngay bây giờ, liệu có còn kịp nhìn ngắm đám cháy không?
– Tâu hoàng thượng! – Vị chấp chính quan nhợt nhạt như sắc tường đáp lại – Cả một biển lửa đang trùm lên khắp thành phố, khói làm dân chúng ngạt thở, người ta ngất đi hoặc lao người vào lửa vì đã hóa điên…Roma bị tiêu hủy mất thôi, chúa thượng ơi!
Một giây im lặng, nói bị gián đoạn bởi tiếng kêu của chàng Vinixius:
– Vre misero mihi…(2)
Và chàng thanh niên quẳng vooitj chiếc áo toga, chỉ mặc độc có áo tunica lao đầu ra khỏi lâu đài.
Còn Nerô vươn hai tay lên trời thốt lên:
– Thương thay cho ngươi, thành đô thiêng liêng của Priam!…
Chú thích:
(1) Nguyên văn: Thế giới mới Olimpơ – tức thế giới các thần.
(2) Latinh: Thảm thương thay.