Đọc truyện Quan Vận – Chương 48: Hai tay chuẩn bị
– Ý kiến hay.
Khác với dự đoán của Quan Doãn, câu nói đầu tiên của Hạ Lai lại là hoàn toàn tán thành.
– Núi Bình Khâu mặc dù danh tiếng không lớn nhưng cảnh sắc thiên thành, vẻ đẹp tự nhiên khéo léo tuyệt vời. Hơn nữa đầm Bình Khâu nước xanh biếc như ngọc. Rừng cây rậm phía chân núi như cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi an dưỡng. Nếu như làm tốt thì có thể xây dựng một khu nghỉ dưỡng dưới chân núi, hi vọng có thể thu hút không ít các lãnh đạo cơ quan đến đây tĩnh dưỡng.
Quan Doãn cứ nghĩ Hạ Lai sẽ phản đối với kế hoạch khai thác du lịch núi Bình Khâu, không ngờ cô không những đồng ý mà còn đưa ra ý tưởng xây dựng rất có tính sáng tạo. Trong lòng bất giác mừng thầm, Hạ Lai đúng là con người thành phố. Tầm mắt quả thật rộng lớn.
Ba ngươi Lưu Bảo Gia nghe không chớp mắt, mặc dù cả ba đều đã học xong đại học nhưng nói về tầm mắt và kiến thức so với người có xuất thân thế gia như Hạ Lai thì vẫn còn kém xa. Đặc biệt là ý tưởng xây dựng khu tĩnh dưỡng thì hình như chưa bao giờ nghe thấy nên cả ba bất giác trợn tròn mắt, không biết nói tiếp thế nào.
– Chi phí nhận thầu núi Bình Khâu 10 năm là một trăm tệ.
Quan Doãn không trực tiếp đáp lại ý tưởng của Hạ Lai mà chỉ hàm ý chi phí nhận thầu.
Hạ Lai và Quan Doãn yêu nhau bốn năm, cô và Quan Doãn sớm đã ăn ý với nhau. Quan Doãn vừa gợi ý, cô liền trả lời:
– Biết các anh không có tiền đầu tư vào khu an dưỡng, nhưng sự thông minh của các anh ở chỗ là nhận đầu tư núi Bình Khâu trước. Tôi cho rằng thời gian nhận thầu 10 năm là không đủ, phải thêm 20 năm nữa. Thời gian càng dài thì tiềm năng tăng giá càng lớn. Ưu thế của các anh là nắm được toàn bộ tài nguyên huyện Khổng. Không cần biết là tài nguyên xã hội hay tài nguyên nhân lực thì đều đã có quyền thầu núi Bình Khâu 30 năm. Cộng thêm một bản kế hoạch đặc sắc, tôi nghĩ việc tìm các nhà đầu tư không kể là từ Bắc Kinh hay từ tỉnh thành đều không hề khó. Chí ít thì theo tôi biết cũng có một vài nhà đầu tư đang kiếm tìm dự án đầu tư.
Hạ Lai thần thái nho nhã, đoan trang xinh đẹp lại thông minh, càng làm cho mấy người Lưu Bảo Gia phục sát đất.
Thế nhưng khâm phục là khâm phục, Lưu Bảo Gia, Lôi Tấn Lực và Lý Lý vẫn như mây mù, vẫn không hiểu những lời Hạ Lai nói như mạo hiểm đầu tư hay mượn gà đẻ trứng rốt cuộc là gì, càng không biết là nên làm thế nào. Sự chênh lệch giữa người thành phố và nông thôn đã lớn, đừng nói là chênh lệch giữa thị trấn huyện với người Bắc Kinh còn lớn thế nào nữa.
Lưu Bảo Gia có hiểu hay không không quan trọng, quan trọng là Quan Doãn hiểu. Hắn đột nhiên nắm chặt tay Hạ Lai đưa lên tim, cười rạng rỡ:
– Hạ Lai, em đến huyện Khổng sớm hơn có phải là tốt không, thế thì anh đã không phải một mình chống chọi rồi.
– Khụ, khụ..
Lưu Bảo Gia đứng dậy, quay đầu đi chỗ khác:
– Tôi không nhìn thấy gì, không nhìn thấy gì đâu nhé.
Lôi Tấn Lực và Lý Lý cũng nhất loạt đứng dậy. Lôi Tấn Lực không nói gì, còn Lý Lý thì lắc đầu thở dài:
– Buồn nôn quá, thật đúng là trọng sắc khinh bạn, tức quá, thật làm cho người ta ngưỡng mộ…
Lời còn chưa nói hết thì đã bị Quan Doãn đá cho một cái vào mông.
Hạ Lai tủm tỉm cười. Cô là người Bắc Kinh, vừa có nét cao sang của người con gái quyền quý, vừa có nét thoải mái hiện đại của người con gái Bắc Kinh, vô cùng vui vẻ lạc quan, không để ý đến những hành động thô lỗ của mấy người, cũng không quan tâm đến mấy câu đùa của mấy người Lưu Bảo Gia. Ngược lại cô còn vô cùng thích cái không khí thân mật giữa Quan Doãn và những người bạn.
Buổi tối mấy người Lưu Bảo Gia trở về thị trấn. Hạ Lai ở lại nhà họ Quan. Cô ngủ cùng giường với Tiểu Dung. Buổi tối hai người to nhỏ rất nhiều chuyện, câu chuyện đều xoay quanh Quan Doãn từ lúc nhỏ đến lúc lớn. Các thói xấu và các vụ bê bối, tất cả các bí mật của Quan Doãn đều bị Tiểu Dung tiết lộ hết.
Có thể lấy được lòng tin của Tiểu Dung trong thời gian ngắn như vậy, lại còn trở thành người bạn nói không hết chuyện với Tiểu Dung, sức hấp dẫn của Hạ Lai đúng là vượt xa người thường.
Ngày hôm sau, Quan Doãn đưa Hạ Lai đi bằng xe đạp, cùng với bạn đồng hành là Tiểu Dung, ba người du lịch khắp một lượt huyện Khổng. Đầu tiên là đến sông Lưu Sa, nước sông Lưu Sa mùa này đang cao, cây cỏ tươi tốt, nước sông lấp lánh. Thỉnh thoảng có vài con chim nước bay qua bay lại trên mặt nước, điểm sáng một con sông không nổi tiếng trên bình nguyên, cũng muôn hình vạn dạng khiến Hạ Lai xem đến thế là đủ.
Dự án đập nước sông Lưu Sa đã bắt đầu đi vào thi công. Đập lớn ở chỗ phía tây thị trấn, cách thị trấn gần 2 km. Dọc hai bờ sôngđã nổi lên những cái cột trống, những lều bạt, có những nhân viên kĩ thuật đã bắt đầu tiến hành thả dây, bắt đầu công tác đo đạc. Khi đi qua khu thi công, Quan Doãn chú ý quan sát, đa số nhân viên đều là người thân của Lý Vĩnh Xương. Đừng nói là không có người của Lãnh Phong tham gia, mà ngay cả người của Lý Dật Phong cũng không có một ai.
Tuy rằng Lý Dật Phong và Lãnh Phong chính kiến bất hòa, quan điểm phát triển kinh tế không thống nhất nhưng sau khi thông qua dự án đập nước sông Lưu Sa, đối với dự án xây dựng đập nước thì phương pháp đã giống nhau. Từ đó có thể thấy Lý Dật Phong thứ nhất là không muốn từ hạng mục đập nước thu lại lợi ích gì, hai là không nhúng tay vào việc xây dựng đập nước. Hiển nhiên là làm tốt cả hai tay công tác chuẩn bị.
Cũng đúng, huyện Khổng không phải là ván cầu của Lý Dật Phong và Lãnh Phong, mà là điểm đến của Lý Vĩnh Xương. Lý Vĩnh Xương không rời huyện Khổng đến huyện khác nhậm chức là bởi vì ở huyện Khổng ông nói một là môt, hai là hai. Có thể muốn gì được nấy, muốn gió có gió, muốn mưa có mưa. Nếu đi huyện khác, dù ông có làm Chủ tịch Huyện hay Bí thư thì cũng chưa chắc đã được như ở huyện Khổng, có thể chỉ huy một vài người, làm thái thượng hoàng.
Chẳng qua… Quan Doãn âm thầm lắc đầu. Nếu như hạng mục đập nước thành công thì là tấm bia lớn cho Lý Dật Phong, còn nếu như thất bại thì là địa lôi của Lý Vĩnh Xương. Lý Vĩnh Xương không thể không đoán ra ý đồ Lý Dật Phong và Lãnh Phong không nhúng tay vào hạng mục đập nước, từ bỏ lợi ích. Ông ta vẫn khua trống mở cờ xông vào tiền phương, là do ông ta tự tin, cho rằng ở huyện Khổng này chỉ cần ông ta tồn tại thì không bao giờ xuất hiện cục diện không thể khống chế được.
Đối với vấn đề đập nước sông Lưu Sa, Hạ Lai không hứng thú. Ở đại học Bắc Kinh mặc dù cô cũng giống như Quan Doãn, học về trung văn, nhưng cô có sự nhạy bén trời sinh về kinh tế. Từ góc độ kinh tế mà nói, cô không cho rằng hạng mục đập nước sông Lưu Sa là điểm tăng trưởng kinh tế cho huyện Khổng.
Trên đường đi đến núi Bình Khâu, Hạ Lai ngồi phía sau Quan Doãn, hai tay nắm chặt áo Quan Doãn, cùng với sự lắc lư của xe đạp, đôi tay cô không ngừng động phải người Quan Doãn, làm anh thấy buồn buồn chỉ muốn bật cười.
– Đúng là lạ quá, ngồi sau xe đạp của anh em thấy vui hơn rất nhiều so với ngồi những xe xa hoa khác. Hẹn ước của chúng ta là mười năm sau anh vẫn phải đi xe đạp chở em đến núi Bình Khâu, được không?
Hạ Lai dùng ngón tay trỏ đặt lên phía trên má phải của Quan Doãn, nghiêng đầu tưởng tượng, rồi tự lắc đầu cười.
– Mười năm sau không biết bộ dạng anh lúc đó thế nào nhỉ? Lúc đó bụng béo, đừng nói là đi xe đạp chở em, sợ mình anh cũng không đi được nữa rồi.
Quan Doãn vẫn chưa kịp cãi lại vài câu thì đúng lúc đó trên đường có một khối gạch, hắn đang muốn tránh thì lại bị Hạ Lai động vào người làm cho buồn buồn nên mải cười, quên mất phương hướng, tay lái bị nghiêng làm hai người ngã xuống đường.
Khi sắp ngã, Quan Doãn dùng sức quay người lại, ôm Hạ Lại vào lòng. Kết quả là hắn ngã ra đất, còn Hạ Lai nằm lên người hắn, diễn một cảnh sinh động giữa trời đất.
Tiểu Dung bên cạnh đầu tiên là sợ hãi hô lên, sau đó nhìn thấy hai người không những không sao mà lại còn như đang hưởng thụ giây phút này. Cô không chịu được, hét lên:
– Anh chị đừng quá đáng thế, em đang ở đây đấy nhé.
Quan Doãn cười ha hả, quay người lại, ôm Hạ Lai. Còn Hạ Lai thì mắt hơi nhắm lại, mỉm cười xấu hổ, xinh đẹp như hoa, kiêu ngạo như công chúa. Phong cảnh núi Bình Khâu chiếu rọi tình yêu của hai người như một bức tranh sinh động, đẹp như thơ ca.
Sự xuất hiện của Hạ Lai không những giải đáp những khúc mắc trong lòng Quan Doãn, còn làm cho cuộc đời Quan Doãn chuyển sang một bước ngoặt khác.