Quán Gò đi lên

Chương 7


Bạn đang đọc Quán Gò đi lên – Chương 7

Chương 13
Con Kim xách túi trở về quán Đo Đo vào một ngày không ai biết trước. 
Vừa thấy bóng nó thấp thoáng trước cửa, thằng Cải ré lên: 
– Í, Kim! 
Đám con gái bên trong mừng rỡ ùa ra. 
Con Cúc reo ầm: 
– A, chị Kim về chơi! 
Con Lan nghiêng đầu ngắm nghía: 
– Chị Kim mới lấy chồng có mấy ngày mà đẹp ra quá ta! 
Sau một lúc tay bắt mặt mừng, con Lệ dòm dáo dác, ngạc nhiên hỏi: 
– Sao đi có một mình vậy? Chồng Kim đâu? 
Con Kim cười hì hì: 
– Chồng hả? Không lấy nữa! Kim về đây xin làm lại! 
Cô Thanh tươi cười bước ra: 
– Ghé ăn ủng hộ quán hả mi? 
Rồi cô nắm tay con Kim kéo vô trong: 
– Vô đây chơi. 
Con Kim đặt phịch người xuống, thở ra: 
– Con về đây xin làm lại. 
– Kỳ vậy? – Cô Thanh ngạc nhiên – Con nói thiệt hay nói chơi đó? 
– Thiệt đó, cô. 
– Sao con không theo chồng về Đài Loan? 
Con Kim tặc lưỡi: 
– Rốt cuộc con đâu có lấy thằng cha đó. 
Cặp môi cô Thanh vẽ thành hình chữ O: 
– Trời đất, sao vậy con? 
Lúc này tụi con Lan, con Lệ, con Cúc và thằng Lâm bu nghẹt chung quanh, hiếu kỳ dỏng tai nghe. 
Cô Thanh sợ con Kim có điều chi khó nói, liền xua tay: 
– Mấy đứa giải tán đi! Chuyện người lớn tụi bây nghe làm chi. 
Con Lệ dẩu môi: 
– Con Kim bằng tuổi với con. Nó người lớn, con cũng đâu có phải là con nít. 
Cô Thanh trừng mắt: 
– Mi ngon mi đi lấy chồng như nó đi. Tới chừng đó mới tính mi là người lớn được. 
Con Kim thấy găng quá, liền cười cười: 
– Kệ tụi nó cô. Chuyện của con đâu có gì cần giấu giếm. 
Con Lan vỗ tay: 
– Chị Kim nói đúng đó. Tụi con cần nghe để học tập rút kinh nghiệm chớ cô. 
Nghe con Kim nói vậy, cô Thanh không thèm đuổi đám lóc chóc kia nữa. Cô quay lại con Kim: 
– Thiệt ra là chuyện gì vậy? Cô thấy thằng đó bảnh trai lắm mà. 
Con Kim chép miệng: 
– Thằng cha đó chỉ bảnh phần trên thôi cô ơi. 
Con Cúc láu táu: 
– Còn phần dưới của ảnh thì răng hả chị? 
Con Cúc vừa hỏi xong, mấy đứa đứng chung quanh ôm bụng cười ngặt nghẽo. Còn cô Thanh thì day qua nạt: 
– Mi có im đi không! Con gái gì mà ăn nói vô duyên! 
Con Cúc bối rối gãi đầu, không hiểu mình vô duyên chỗ nào. Nó là đứa nhà quê, quen nghĩ gì nói nấy, tự nhiên mới hỏi một câu đã bị rầy, mặt bất giác ngẩn ra. Tuy không hiểu, nhưng thấy tụi con Lan, con Lệ cười rũ, mặt nó liền đỏ lựng. 
Con Kim cố nín cười, kể: 
– Nhà trai mời nhà gái đến nhà hàng Arc-en-ciel ở quận 5 để hai bên ra mắt nhau. Kêu là nhà gái cho oai chớ bên con chỉ có hai mẹ con, sục sạo vất vả lắm mới mò thêm được một ông cậu họ xa ở tuốt trên Hóc Môn. Khi ba người bên con tới thì “chú rể” và mấy người nữa đã ngồi sẵn trong bàn. Hai bên nói qua nói lại, tâm đầu ý hợp lắm… 
Con Lan thấy con Kim cà kê lâu lắc, sốt ruột giục: 
– Chị Kim kể lẹ lẹ tới chỗ quan trọng đi, để em còn ra bán hàng chớ. 
Con Kim nhìn con Lan, cười hì hì: 
– Nói tóm lại là nếu cứ ngồi trò chuyện hoài như vậy thì chị đã lấy thằng cha đó làm chồng rồi. Nhưng kẹt một cái là con người ta đâu có ngồi suốt đời được… 
– Đúng rồi đó! – Con Cúc lại ngứa miệng – Ngồi như rứa ê mông lắm. Em từng ngồi sàng gạo em biết mà.
Lần này thì cô Thanh không thèm nạt con Cúc nữa, chỉ lắc đầu. 
Con Kim quay nhìn cô Thanh, thở dài: 
– Tưởng mọi chuyện đâu vô đó rồi, nào ngờ khi đứng dậy ra về, con bỗng phát hiện thằng chả đi cà thọt. Sém chút nữa con xỉu ngay tại chỗ rồi đó cô. 
Con Lan nín thở: 
– Rồi sao hả chị? 
– Thì dẹp luôn chớ sao. 

Thằng Lâm nhớ đến câu chuyện chặt chân của mình, cảm thấy tủi thân, bèn cảm khái: 
– Nếu ai cũng như chị Kim, những người tật nguyền không lấy vợ lấy chồng gì được sao? 
Con Kim hừ mũi: 
– Chuyện tật nguyền là chuyện phụ, chuyện chính là họ lừa mình. Ngay từ đầu họ có ình biết chú rể bị tật đâu. Ý họ muốn gài mình vào thế đã rồi… 
Cô Thanh gục gặc đầu: 
– Con quyết liệt như vậy là đúng! 
Cô đặt tay lên vai con Kim: 
– Thôi, con ở lại đây làm với cô. 
Con Kim quay về quán Đo Đo, nhân sự trong quán thêm một phen đảo lộn. 
Con Lệ trở vô lại trong bếp giữ chức “bếp trưởng”, nhường chiếc bàn kế toán cho con Kim. Con Cúc tụt xuống làm phụ bếp như những ngày đầu. 
Con Lệ, con Cúc “xuống chức” một cách vui vẻ. ấy là vì đứa nào cũng mến con Kim. Việc con Kim trở lại khiến tụi nó mừng rỡ hơn nhiều so với việc “thăng quan tiến chức”. 
Thằng Lâm, thằng Cải cũng vui lắm. 
Lâm nói: 
– Kim về lại quán, tôi mừng hết lớn. 
Con Kim cười: 
– Lâm đừng đổ thừa. Tuổi của Lâm mừng không mừng gì cũng chẳng lớn thêm được nữa đâu! 
Thằng Cải nắm tay con Kim: 
– Kim xinh đẹp, giỏi giang, lanh lẹ, sợ gì không có chồng hả Kim! 
Con Kim cảm động: 
– Kim có sợ gì đâu! 
Tất nhiên, người vui nhứt phải là ông Tiger. Bởi vì lúc con Kim ra đi, ông là người buồn nhứt. 
Hai giờ chiều ông tới, thấy đứa nào từa tựa như con Kim đang ngồi bên trong, ông tưởng mình đang chiêm bao. Ông dụi mắt hai ba lần, ngó lại vẫn thấy cái đứa đang ngồi đó giống hệt người ông thầm thương trộm nhớ. 
Bán tín bán nghi, ông sè sẹ bước lại gần, tay che che trước trán, mắt không dám chớp. 
Bộ tịch của ông Tiger khiến con Kim tức cười quá. Nó cười hì hì: 
– Con đây, chú. 
– Ôi, em đó hả? – Ông Tiger mừng rỡ, bây giờ ông mới dám mở miệng – Em về hồi nào vậy? 
– Hồi sáng, chú. 
Gặp lại con Kim, ông Tiger mừng quá nên chẳng buồn để ý đến cách xưng hô “xa cách” của nó. Ông hồi hộp: 
– Em về chơi hay về luôn? 
– Dạ, con về luôn. 
– Ôi, hay quá! 
Ông Tiger hoan hỉ thốt. Nhưng rồi sực nhớ đến một chuyện quan trọng, ông trố mắt nhìn con Kim: 
– Ủa, nghe nói em đi lấy chồng mà? Chuyện đó có không? 
Con Kim muốn dập tắt mọi hy vọng của ông Tiger, liền nhanh nhẩu gật đầu: 
– Dạ có. 
– Vậy sao em còn trở lại quán Đo Đo? – Ông Tiger không khỏi thắc mắc. 
Con Kim cười tươi như hoa: 
– Có chi lạ đâu chú? Lấy chồng xong, càng phải ráng làm ăn để mai mốt nuôi con chớ! 
Nghe con Kim nói vậy, mặt ông Tiger lập tức xịu xuống. Mặt con Kim giống hoa tươi bao nhiêu thì mặt ông trông giống hoa héo bấy nhiêu. 
– Em nói vậy cũng phải! 
Buông thõng một câu, ông uể oải quay lại chỗ ngồi quen thuộc, uể oải rút bịch lòng gà và gói xôi bắp từ trong cạc-táp ra. 
Dạo này ông Tiger uống mỗi ngày mười chai bia. Lẽ ra bữa nay ông phải tăng thêm hai chai nữa cho tương xứng với nỗi buồn trong lòng nhưng có lẽ tửu lượng của ông chỉ tới đó nên ông đành bằng lòng với con số mười tròn trịa. 
Không tăng được bia, ông tăng thức ăn. Ông kêu nhộng, hến xào, chả, tré. 
Con Kim đi lấy chồng hụt trở về, thấy ông Tiger tập ăn thức ăn của quán thì mừng lắm. Chỉ cái tật thiếu tiền là ông Tiger không sửa được. Kêu càng nhiều món, số tiền thiếu càng lớn. Nhưng bây giờ con Kim không coi đó là tội lỗi gì nghiêm trọng. Ông Tiger chuyên thiếu nợ, nhưng bao giờ ngày hôm sau ông cũng mang đến trả đàng hoàng, đầy đủ. 
Thế là ông Tiger đã kêu món ăn của quán, mặc dù ông vẫn ghiền xôi bắp, lòng gà, lúc nào cũng thủ sẵn trong cạc-táp. Đó là tiến bộ thứ nhứt của ông Tiger, con Kim hài lòng kết luận. 
Tiến bộ thứ hai là bây giờ ông không buồn bắt bẻ cách xưng hô của con Kim. Hồi con Kim còn phòng không chiếc bóng, ông nằng nặc bắt nó kêu ông bằng “anh”. Nay con Kim đã yên bề gia thất rồi, chuyện nó kêu ông bằng “anh” hay bằng “chú” đối với ông đã không còn quan trọng nữa. 
Ông nói thẳng ý nghĩ đó với con Kim: 
– Bây giờ em muốn kêu anh bằng gì cũng được! 
Ông Tiger tuyên bố câu đó với vẻ trang trọng và kiêu hãnh hệt như tổng thống tuyên bố giảm thuế cho người nghèo. Ngực ông ưỡn về phía trước, ra khí độ của một bậc trượng phu, không chấp nhứt chi cách xưng hô vụng về của kẻ… tiểu nhân. Nào ngờ con Kim làm ông cụt hứng quá xá. Nó láu lỉnh: 
– Dạ, chuyện đó chú khỏi lo! Trước giờ con chỉ kêu có một cách thôi chú. 
Nghe con Kim đối đáp xóc hông như vậy, ông Tiger quê quá. Không biết làm chi cho đỡ ngượng, ông nhìn quanh, thấy con Lan đang xớ rớ gần đó, liền sầm mặt nạt: 
– Chú kêu dĩa hến cả buổi rồi, sao chưa có? 
Tội nghiệp con Lan, lòng nó chưa nguôi chuyện thằng Lâm, giờ bỗng nhiên bị ông Tiger “giận cá chém thớt”! 
– Gần có rồi chú! 
Con Lan nói một câu rồi lủi thủi quay vô, mặt chảy dài như bánh đa nhúng nước. 
Nhưng ông Tiger chỉ buồn bực mấy ngày đầu thôi. Dần dần, thấy con Kim đối xử với ông vẫn vui vẻ, thân thiện, cách ăn nói đùa giỡn lại không có vẻ chi là gái có chồng, ông bình tâm trở lại. 
Rồi từ chỗ bình tâm ông chuyển qua ngạc nhiên. 
Ông theo dõi con Kim suốt mười ngày, thấy nó vẫn đơn thân độc mã trên chiếc xe Dream, anh chồng chẳng tới lui đưa đón, cũng không hề ló mặt đến quán lấy một lần. 

Ông Tiger thắc mắc quá, nhưng không dám hỏi ai. 
Một bữa không nén được tò mò, ông ngoắt thằng Cải, giả bộ hỏi: 
– Cháu bao nhiêu tuổi? 
– Dạ, hai mươi. 
Ông chỉ thằng Lâm: 
– Còn chú em kia? 
– Dạ, thằng đó mười tám. 
Ông Tiger lại chỉ con Lan. 
– Dạ, con nhỏ đó cũng mười tám. 
Ông Tiger chỉ lòng vòng một hồi, cuối cùng chỉ tới con Kim. 
– Dạ, chị đó hăm ba. 
Ông Tiger chép miệng: 
– Hăm ba mà đã lập gia đình, sớm quá! 
Thằng Cải không biết ông Tiger giăng bẫy, liền cười hề hề: 
– Gia đình đâu mà gia đình! Chị đó còn độc thân mà, chú! 
Thằng Cải làm ông Tiger sửng sốt quá chừng: 
– Sao nghe nói cổ mới đi lấy chồng? 
– Tính vậy nhưng không được chú ơi! – Thằng Cải ra vẻ trải đời – Chuyện tình cảm nhiều sóng gió bất ngờ lắm! 
Ông Tiger nghe như có làn gió mát thổi qua hồn. Cũng như thằng Lâm, ông muốn sụp xuống lạy thằng Cải quá. 
Không lạy thằng Cải được, ông ngoắt thằng Lâm: 
– Từ hôm nay, đem cho chú mười hai chai bia nghe! 
Thì ra tửu lượng của ông Tiger không chỉ gói gọn trong phạm vi mười chai. Nghe con Kim trở về với đời sống độc thân, ông uống cả trăm chai chắc cũng không say. Chỉ hiềm nổi ăn mừng kiểu đó tốn kém quá. 
Từ bữa đó, ông Tiger ăn uống tới đâu trả tiền tới đó, không còn thiếu nợ nữa. 
Sự thay đổi của ông Tiger khiến con Kim buồn vui lẫn lộn. Không nghe câu nói quen thuộc “Cho anh thiếu lại hai chục ngàn mai trả được không?”, nó cảm thấy như thiêu thiếu điều gì. 
Con Kim trở về chừng hai ngày thì bà Fanta xuất hiện. Bà Fanta là người ngoại quốc nhưng lại mê món mì Quảng. 
Hôm đầu tiên bà bước vô, không đứa nào dám lại gần. 
Con Lan chạt tuốt vô bếp, cùng con Cúc con Lệ đứng dồn thành một cục. 
Thấy bà Fanta ngồi dáo dác dòm quanh, con Lệ thúc con Lan: 
– Mày ra hỏi khách dùng chi, sao chun tuốt vô đây? 
Con Lan ôm cứng con Cúc: 
– Em có biết tiếng Tây tiếng U chi mà hỏi? 
– Mày ngu quá! – Con Lệ hừ mũi – Không biết nói thì lấy tay huơ. 
– Huơ đi đâu? 
– Huơ vô tờ thực đơn chớ huơ đi đâu! Mày chỉ từ trên xuống dưới, tới chỗ nào bả gật đầu thì thôi! 
Con Lệ làm khôn, nhưng nó quên rằng tờ thực đơn chỉ ghi toàn tiếng Việt. Bà Fanta dòm vô đó cũng như dòm vô cánh rừng, biết chi mà gật với lắc. 
Con Lan không đủ bình tĩnh để phát hiện ra sơ hở của con Lệ. Nghe con Lệ mách nước, nó hít vô một hơi rồi hùng dũng đi ra. 
Nhưng số con Lan là số hên. Bà Fanta không biết sinh sống ở Việt Nam bao lâu mà tiếng Việt coi bộ khá sõi. 
Thấy con Lan bước lại, bả ngước lên nói ngay: 
– Mì quảng! 
Con Lan bẻ tay răng rắc, chuẩn bị huơ tay, nghe vậy mừng húm, dạ một tiếng rồi quay vô, rối rít khoe với con Lệ, con Cúc: 
– Bả nói tiếng Việt rành lắm. Bả kêu mì Quảng. 
Con Lan bưng tô mì Quảng ra, bà Fanta lại nói: 
– Nước mắm. 
Con Lan ngó trật lại, thấy thiếu lọ nước mắm, lại ba chân bốn cẳng chạy vô, phục lăn: 
– Bả kêu nước mắm chị Lệ ơi. 
Con Lệ hừ mũi: 
– Bả kêu nước mắm thì đem nước mắm ra. Có chút xíu vậy mà cũng quên. 
Con Lan cầm lọ nước mắm chạy ra, nhoáng cái đã phóng vô lần nữa: 
– Trời đất, bà Tây này bả rành tiếng Việt quá chừng chừng! Lần này bả kêu tới bánh đa. 
Con Cúc tròn mắt: 
– Bánh đa mà bả cũng biết hả chị? 
Con Lan gật đầu: 
– Ừ, vậy mới nói! 
Vừa đáp con Lan vừa cầm cái bánh đa lật đật chạy đi. 
Nhưng lần này con Lan hố to. Thấy nó chìa cái bánh đa ra, bà Fanta lắc đầu. 

Thằng Lâm nãy giờ ngồi trước hiên nói chuyện với thằng Cải, lò dò đi vô, thấy vậy liền bước lại làm oai: 
– What do you need? 
Bà Fanta giật mình khi nghe “nhà trí thức” Lâm xổ tiếng Anh. Và bà mỉm cười lặp lại hai tiếng “bánh đa” khi nãy. 
Thằng Lâm cúi nhìn cái bánh đa trên tay con Lan, nhíu mày nói: 
– Chắc bả chê cái bánh này bị khét. Lan vô đổi cái bánh khác đi. 
Con Lan đổi cái bánh khác đem ra, bà Fanta vẫn lắc đầu quầy quậy. 
Rồi trước cặp mắt ngơ ngác của con Lan và thằng Lâm, bà đứng lên khỏi ghế, thủng thỉnh tiến đến chỗ quầy để các loại nước giải khát, chỉ tay vào… chai Fanta. 
Thằng Lâm ôm đầu: 
– Trời đất, bả muốn uống Fanta! 
Con Lan mặt đỏ bừng, lẩm bẩm: 
– Vậy mà mình tưởng bả kêu bánh đa. 
Con Cúc không biết ất giáp chi, thấy con Lan tiu nghỉu đi vô, liền hí hửng hỏi: 
– Ngoài bánh đa, bả còn kêu thêm món gì khác không hở chị? 
– Bánh đa đâu mà bánh đa! – Con Lan thở đánh thượt – Bả kêu Fanta đó mày ơi! 
Cũng như ông Tiger và ông Thịt Luộc Muối Tiêu, từ hôm đó trở đi bà Fanta ghé quán mỗi ngày, nghiễm nhiên mang một cái tên mà bả không biết và trở thành một trong ba người khách ruột của quán Đo Đo. 
Chỉ khác một điều: bà Fanta luôn ghé buổi sáng, ông Tiger trấn thủ suốt buổi chiều, còn ông Thịt Luộc Muối Tiêu chỉ xuất hiện vào giờ thằng Cải lăm le kéo cửa.
Chương 14
Thằng Lâm từ dạo được con Cúc ban phát miễn phí đều đặn cả chục ánh mắt và nụ cười cả ngày thì phấn khởi lắm. Bây giờ tối tối sau khi phủi chân leo lên ghế bố, nó vùi đầu vào mấy cuốn tập, ôn thi nghiêm chỉnh, không còn nhấp nhổm như bị kiến cắn nữa. 
Thằng Cải thấy vậy mừng húm. Nó khoe với con Cúc: 
– Từ hôm được Cúc “thương” đến giờ, thằng Lâm học hành tiến bộ lắm. 
Con Cúc băn khoăn: 
– Rứa là ảnh sẽ thi đậu phải không anh Cải? 
– Chắc chắn rồi. 
Con Cúc sung sướng: 
– Nếu đúng như rứa thì em “thương” ảnh đến mấy cũng được! 
Con Cúc làm thằng Cải cảm động quá chừng. Nó nhìn con Cúc bằng ánh mắt ấm áp: 
– Cúc tốt bụng ghê! 
– Có chi mô mà tốt bụng anh Cải! – Con Cúc cười hì hì – Mỗi ngày chỉ nhìn ảnh rồi nhăn răng ra cười ai làm chẳng được! 
Khi nói như vậy, con Cúc không ngờ mọi chuyện dần dần rắc rối hơn nó nghĩ. 
Thằng Lâm được con Cúc “nhìn rồi nhăn răng ra cười” suốt một tháng đã bắt đầu thấy chán. 
Một hôm không nhịn được, nó thú nhận với thằng Cải: 
– Tao thấy chuyện tình của tao với con Cúc nó sao sao ấy Cải ơi! 
Cải giật thót: 
– Sao sao ấy là sao? 
– Tao cũng chẳng biết nữa! – Lâm gãi đầu – Nhưng cứ như vậy hoài thì nhạt nhẽo quá! 
Cải nhìn Lâm dò xét: 
– Chớ mày muốn sao? 
– Tao muốn tỏ tình với nó. 
Cải giương mắt ếch: 
– Tỏ tình gì tỏ tình hoài vậy? Bữa trước mày nhờ tao tỏ tình rồi mà. 
Giọng Lâm buồn buồn: 
– Nhưng tao muốn chính miệng tao nói thương nó và tận tai nghe nó nói thương tao. 
– Chi vậy? 
– Tao thích vậy. 
Cải tự ái: 
– Bộ mày không tin tao hả? 
– Không phải là không tin! – Lâm phân trần – Nhưng đã yêu nhau thì phải nói yêu qua yêu lại. Cứ nhìn nhìn ngó ngó suông thì chán lắm. 
Cải chừng như hiểu ra tâm trạng của Lâm. Nó trầm ngầm một hồi rồi tặc lưỡi: 
– Thôi được rồi. Trưa mai tao sẽ nhường chiếc ghế của tao lại ày. Mày ngồi sát rạt con Cúc, tha hồ mà nói yêu qua yêu lại. 
Dĩ nhiên thằng Cải hứa hẹn như vậy là có tính toán. Trước khi nhường cái vị trí thuận lợi đó lại cho thằng Lâm, nó đã dặn dò con Cúc kỹ lưỡng. 
Thằng Lâm không hay biết chi, đặt đít ngồi xuống cả buổi, vẫn chưa dám hó hé tiếng nào. 
Thấy thằng này ngồi lâu thiệt lâu mà chưa chịu mở miệng nói thương mình, con Cúc sốt ruột giục: 
– Anh Lâm nói chi nói lẹ đi! Lát nữa cô Thanh tới không thấy anh Cải ngồi coi xe, cổ rầy đó! 
Thằng Lâm nãy giờ trống ngực đập tưng tưng, đang mơ màng sắp xếp những lời lẽ văn hoa ý nhị trong đầu, bỗng dưng thấy con Cúc giục mình tỏ tình như ngoài chợ người ta giục mua cá, mặt nó bất giác tưng hửng: 
– Cúc nói sao? 
Con Cúc bồn chồn đáp, mắt vẫn nhìn lom lom ra đường: 
– Em kêu anh nói gì thì nói lẹ lẹ đi! 
Rồi thấy thằng Lâm cứ ú a ú ớ, con Cúc sốt sắng gợi ý: 
– Anh Lâm định nói thương em phải không? 
Thằng Lâm giật mình: 
– Ờ, ờ… anh cũng định… 
– Anh Lâm định nói rứa chớ chi nữa! – Con Cúc toét miệng cười – Em cũng thương anh Lâm lắm! 
Con Cúc làm một lèo dồn dập khiến thằng Lâm choáng váng. Đầu ong ong, nghe con Cúc nói thương mình mà sao sống lưng nó lạnh toát. Nó đinh ninh khi nói đến chuyện đó, con Cúc sẽ bẽn lẽn ngượng ngùng ghê lắm. Nó chờ nhìn thấy nụ cười hoa tình ái nở e ấp trên gương mặt của người con gái nó không nguôi tưởng nhớ bấy lâu nay. 
Nhưng Lâm chẳng thấy gì như vậy cả. Con Cúc làm nó hoang mang quá. Con Cúc nói chuyện yêu đương sao nghe ào ào, nghe vui vẻ tưng bừng như đang chơi lô tô hay đang lắc bầu cua cá cọp. 
Thằng Lâm chưa hết bàng hoàng thì cô Thanh tới. Thế là nó đành phải đứng lên khỏi ghế, bụng không biết nên vui hay nên buồn. 
Thằng Cải thấy thằng Lâm đi vô, liền chạy lại vỗ vai, nhăn nhở: 
– Sao, nãy giờ nói yêu qua yêu lại đã chưa? 

– Đã cái đầu mày! – Lâm làu bàu – Nãy giờ toàn con Cúc nói, tao có nói được gì đâu. 
Thái độ của thằng Lâm khiến Cải lo lắng. Nó thót bụng lại: 
– Con Cúc nói gì mày vậy? 
– Nó nói nó thương tao! 
Nghe cái giọng ỉu xìu của bạn, Cải như không tin vào tai mình. Nó há hốc miệng: 
– Nó nói nó thương mày chớ có phải nó báo tin ba mày qua đời đâu, sao mặt mày giống đưa đám quá vậy? 
Gặp lúc khác, nghe cái câu trù ẻo của thằng Cải, sức mấy thằng Lâm chịu bỏ qua. Nhưng lúc này, ruột đang rối bòng bong, nó chẳng buồn để ý ba cái chuyện râu ria tiểu tiết đó. Nó chỉ thở dài: 
– Nó nói nó thương tao nhưng mặt nó lại tươi hơn hớn. 
– Tao chẳng hiểu gì cả! – Cải vò đầu – Mày nói rõ ràng chút coi! 
Lâm nuốt nước bọt: 
– Tao thấy nó cười hì hì, y như giỡn chơi vậy. 
– Trời đất! – Cải kêu lên – Vậy mày còn đòi gì nữa! Chẳng lẽ mày muốn nó khóc? 
– Ai kêu nó khóc làm chi! Nhưng nó đừng nhe răng ra cười mới phải! – Lâm nhăn nhó, cảm thấy khó khăn khi phải giải thích cho thằng Cải hiểu được cảm giác của mình – Ai lại vừa nói thương người ta vừa cười hí hí! 
Phàn nàn xong, thằng Lâm tỉ mỉ tường thuật cho thằng Cải nghe cuộc đối đáp vừa xảy ra ngoài hiên. 
Thằng Cải trước nay chưa nói thương ai bao giờ và cũng chưa bao giờ được ai nói thương, không biết cái không khí lúc đó nó ra làm sao, nhưng khi xem phim xem kịch trên ti-vi, nó thấy không ai làm như con Cúc. 
Cải có cảm giác thằng Lâm nói đúng, bèn gãi cổ, cố tìm cách trấn an bạn: 
– Mày trách oan con Cúc, tội nghiệp! Nó thương mày từ lâu lắm rồi nhưng chưa có dịp nói ra. Nay thổ lộ được cái điều thầm kín đó, nó sung sướng quá nên nhăn răng ra cười đó thôi. 
Thằng Lâm nghệt mặt nghe, bụng cố tin tin: ừ, dám lắm! Con Cúc là con gái quê, buồn thì khóc hu hu, vui thì cười hích hích, đâu có ý tứ như con gái thành thị. Bữa nay tỏ tình được với mình, nó phấn khởi quá không nhịn được nên toét miệng ra cười, có vậy mà mình lại nghi ngờ tấm chân tình của nó, thiệt bậy hết sức! Thằng Lâm nhủ bụng như vậy và tối đó nó tụng bài ro ro, học đến đâu thuộc làu làu đến đó. 
Nó đâu có biết sáng hôm sau, thằng Cải đi lùng con Cúc. 
– Cúc muốn giết thằng Lâm, giết luôn Cải hả Cúc? 
Con Cúc tròn xoe mắt: 
– Có chuyện chi mà anh Cải nói nghe kinh rứa? 
Cải nghiêm mặt: 
– Hôm qua Cúc nói Cúc thương thằng Lâm phải không? 
Ngó bộ mặt hầm hầm của thằng Cải, con Cúc run trong bụng: 
– Thì anh Cải dặn em nói rứa mà. 
– Dặn cái con khỉ, Cúc khờ quá! – Cải đấm hai tay vào nhau – Ai lại làm ào ào như tạt nước rửa nhà vậy. Mai mốt Cúc cứ để cho thằng Lâm muốn nói gà nói vịt gì kệ nó, Cúc đừng có giành nói trước. Cúc chỉ ngồi cúi đầu xuống thôi, y như lúc Cúc ngủ gục vậy. Đợi khi nào thằng Lâm hỏi Cúc có thương nó không, lúc đó Cúc hãy mở miệng, hiểu chưa? 
– Ui cha, rắc rối quá! – Con Cúc than – Ba cái chuyện quỷ này em đâu có rành, anh Cải dặn răng thì em làm rứa! 
Thằng Lâm không biết thằng Cải lén lút “phụ đạo” cho con Cúc hai ba bữa liền nên một hôm thấy thằng Cải xách xe ra chợ mua hành tỏi, nó xề xuống chiếc ghế cạnh con Cúc. 
Nó ngồi nhìn con Cúc một hồi, thấy con Cúc cắm cúi quạt than chớ không nhìn nó cười hì hì và thúc nó tỏ tình như bữa trước, nó yên tâm lắm lắm. 
Lâu thiệt lâu không thấy con Cúc ngước lên, Lâm đánh bạo hắng giọng: 
– Cúc nè. 
– Gì anh Lâm? 
Con Cúc đáp, vẫn cúi gằm đầu. 
Thằng Lâm ngó vậy chớ lãng mạn lắm. Nó khoái văn hoa thơ mộng, định ví đôi mắt người yêu như hai vì sao nhưng đang trưa đứng bóng, chẳng có vì sao nào lấp lánh để chỉ cho con Cúc. 
Nó ngó xuống bếp lò, chợt nảy ra ý nghĩ so sánh đôi mắt con Cúc với hai hòn than đỏ: 
– Đôi mắt của Cúc ấy mà! 
Con Cúc vẫn tiếp tục “ngủ gục” theo lời dặn dò của thằng Cải: 
– Đôi mắt em răng? 
Lâm chỉ tay vô lò than: 
– Anh thấy đôi mắt em sáng như hai… 
Thằng Lâm chưa kịp thốt ra hai tiếng “hòn than” đã giật mình khựng lại. Nó chợt nhớ chỉ có mắt cọp mới đỏ rực như hai hòn than thôi, còn mắt con người ta đâu có man dại như vậy. 
May mà con Cúc đang gằm đầu nên không thấy thằng Lâm đang chỉ tay vô cái bếp than đỏ hừng hực. Thấy thằng Lâm ngập ngừng, nó hỏi: 
– Sáng như hai cái gì hả anh Lâm? 
Lâm rụt tay lại: 
– À, ý anh muốn nói đôi mắt em sáng như hai… hai… 
Đang bí, Lâm sực nhớ đến bài học hồi nhỏ, liền hí hửng: 
– Như… hai hòn bi ve đó mà. 
Hồi nhỏ, Lâm có học bài đó thiệt. Nhưng đó là bài tập đọc tả con mèo. Mắt giống như hòn bi ve cũng là mắt mèo chớ không phải mắt người ta. Lâm biết vậy nhưng kẹt quá đành lấy ra ví von đại, hy vọng con Cúc lù khù này chẳng phản đối chi. 
Nào ngờ con Cúc hồi nhỏ cũng học ngay chóc bài đó, mặt liền nhăn như bị: 
– Bộ anh Lâm kêu em là mèo hả? 
Con Cúc làm thằng Lâm tá hỏa: 
– Đâu có. 
– Chớ răng anh Lâm kêu mắt em giống hòn bi? 
Lâm gãi đầu: 
– Mắt mèo cũng giống hòn bi, mắt em cũng giống hòn bi, nhưng bi của em đẹp hơn! 
Thấy thằng Lâm lính quýnh nói lung tung, con Cúc ngứa miệng tính cãi tiếp nhưng sực nhớ những lời dặn dò của thằng Cải, nó lập tức nín thinh cúi xuống bếp lò quạt lia quạt lịa. 
Không nghe con Cúc bắt bẻ gì nữa, Lâm khoái lắm. Nó tưởng con Cúc bùi tai trước lời giải thích của nó, bèn tán tỉnh tiếp: 
– Còn tóc em đó mà. 
– Tóc em răng? 
Lâm lim dim mắt, mơ mộng: 
– Anh thấy tóc em giống như muôn sợi tơ vàng óng ánh. 
Lần này con Cúc có muốn “ngủ gục” cũng không được. So sánh bá láp của thằng Lâm khiến nó không nhịn nổi, liền cười hí hí: 
– Tóc bà Fanta mới giống tơ vàng. Mẹ em kêu tóc em giống cây chổi chà. 
Hình ảnh của thằng Lâm thơ mộng trữ tình bao nhiêu thì hình ảnh con Cúc đưa ra lại “phàm phu tục tử” bấy nhiêu. Cái lối ăn nói “trần tục” của “người yêu” khiến Lâm cụt hứng ngồi im. 
Lâm định tán hươu tán vượn lòng vòng một hồi rồi ngỏ thiệt tấm chân tình với con Cúc để được nghe con Cúc ấp úng nói lời yêu cho thỏa lòng mong ước. Nhưng ý định nên thơ đó đã bị hình ảnh “cây chổi chà” trong lối văn chương bình dân của con Cúc quét sạch sành sanh không còn một mảy. 
Thôi để lần sau! Lâm buồn rầu tự nhủ và lẳng lặng đứng lên khi thấy thằng Cải đang cong lưng phóng xe từ phía chợ Tân Định chạy về.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.