Đọc truyện Quái Khách Muôn Mặt – Chương 4: Diệt kình ngư bị lôi vào tử địa
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hết năm này qua năm khác. Năm đó Uyên nhi đã mười ba, trông chàng không những cao hơn Vân Tuệ một chút mà cử chỉ, hình dáng cũng thay đổi rất nhiều.
Uyên nhi không còn là trẻ con nữa, chàng đã trở nên một thư sinh tao nhã, ăn nói văn vẻ, cử chỉ khuôn phép. Tất cả những võ công ở trang Đơn Thư Thiết Quyển chàng cũng học hết rồi, chỉ kém hỏa hầu thôi.
Nếu chàng ở trên đại lục mà có sư phụ trắc nghiệm võ công của chàng thì thể nào ông ta cũng gật đầu hài lòng mà cho chàng hạ sơn để hành hiệp trên giang hồ học hỏi kinh nghiệm rồi, nhưng không may cho chàng vì không có sư phụ mà chỉ có chị Tuệ thôi.
Tuy vậy, chị Tuệ cũng như là thầy, là bạn và cả là mẹ trông nom chàng, thương yêu chàng.
Vân Tuệ cũng biết công lực của Uyên nhi đã có thể một mình đi ra bên ngoài được rồi nhưng nàng không cho đi, viện lý do chàng hãy còn ít tuổi.
Còn Vân Tuệ năm đó tuy nàng đã gần đôi mươi, bề ngoài trông lại trẻ trung như cô gái nhỏ mười lăm mười sáu tuổi thôi.
Nhưng bên trong nàng đã thành thuộc và càng lớn càng đẹp nhất là thân hình nàng, ai trông thấy cũng phải đem lòng yêu mến ngay. Nàng có bộ tóc vàng ngã, có đôi mắt xanh lại thêm làn da trắng như ngọc, như ngà, ai trông thấy cũng phải tấm tắc khen ngợi.
Nàng luyện Thiên Địa Cương Khí đã tới mức chín thành hỏa hầu. Hiện giờ có một điều duy nhất nàng chưa làm nổi là chưa có thể khiến chân khí của nàng đều dồn ra như mây và sương mù bao trùm khắp mình mẩy, tựa như đi trong mây vậy.
Đầu mùa hè năm ấy, đồ dùng trong cù lao đã hết sạch, vì võ công của mình đang tập tới mức rất quan trọng, không sao bỏ dở mà đi được, nàng đành phải sai một ông già nông dân tên là Lý Thất, xưa kia vẫn theo sư phụ nàng vào Trung Nguyên phụ trách đi mua vật dụng cần dùng đó vậy.
Lý Thất vâng mệnh, mang theo con trai là Lý Thu, biệt hiệu Tiểu Hắc Thủ đi cùng. Nhân lúc đêm khuya, nước thủy triều rút, thủy động mở ra, hai cha con đi bằng thuyền đặc biệt của cù lao chui qua cửa động ra ngoài luôn. Chiếc thuyền đặc biệt của cù lao đó cũng khác thường. Thân thuyền dài ba trượng, mà bề ngang chỉ có tám thước thôi, đáy thuyền lại bọc sắt, cứng rắn lạ thường nên không sợ va chạm phải đá ngầm hay bất cứ vật gì.
Vì phải đi qua thủy động nên cột buồm của chiếc thuyền đó có thể gỡ ra để nằm xuống được. Lý Thất vẫn thường lái chiếc thuyền này vào ra luôn luôn nên y rất thuộc đường lối của cù lao này. Tuy đêm khuya mà y lái không va chạm một tảng đá nào hết. Nhưng y vừa ra khỏi khu đá ngầm thì đột nhiên nghe có tiếng rào rào, thân thuyền bỗng trồi lên trên không rồi lại bị nước đẩy cho thuyền úp xuống. Lý Thất thấy vậy kinh hoàng vô cùng, vội nắm tay con nhảy ra ngoài thuyền. Cha con Lý Thất vừa nhảy ra khỏi thuyền thì chiếc thuyền đó đã lật úp. Y biết vùng đó có nhiều các mập và cá lưỡi cưa, hễ bị chúng đớp phải không chết cũng cụt chân hay cụt tay. Vì vậy y không kịp xem tại sao thuyền lật úp vội lôi tay con bơi vào một tảng đã ở chỗ gần nhất, ngờ đâu y mới bơi vào một nửa đường đã nghe thấy phía sau có tiếng kêu như long trời lở đất, hai cha con đều bị nước lôi cuốn bơi về phía đó tức thì.
Lúc ấy y mới quay đầu lại nhìn. Dưới ánh trăng, chỗ cách xa y chừng ba trượng có một con cá Kình nhô lên to như một khoảng núi nhỏ vậy. Mồm nó có thế nuốt chửng được một tòa nhà nhỏ, nó đang hút nước vào nên cha con y mới bị lôi cuốn bơi ngược vào mồm con cá ấy.
Y thất kinh hoảng đến mất cả hồn vía, mồ hôi lạnh toát ra, vội kêu la cầu cứu. Nhưng tha hồ cho y kêu đến khản cả tiếng và hết sức bơi cũng không sao thoát khỏi chốn nguy hiểm đó được. Nhưng khi y đã hết hy vọng rồi và yên trí thế nào cũng bị trôi vào miệng cá Kình chứ không sai thì bỗng nghe thấy một tiếng quát thánh thót rồi có một đạo hồng quang làm lòe mắt y. Đạo hồng quang đó như một cái cầu vồng, nhanh vô cùng, chỉ nháy mắt một cái là làn ánh sáng đỏ đó đã bắn trúng vào mắt con cá Kình luôn.
Con cá Kình ấy bị thương vội mím mồm lại và chỉ nghe thấy sầm một tiếng thật lớn, nó vội lặn ngay xuống đáy biển.
Hai cho con Lý Thất đang kinh hoảng chưa kịp nhận rõ sự gì xảy ra thì cả hai bỗng thấy có một sức hút rất mạnh lôi về phía trước.
Nhân đó Lý Thu vội bơi vào tảng đá gần bờ. Khi hai cha con trèo được lên tảng đá thì thấy một cái bóng người đứng sẵn ở trên rồi. Cả hai cha con vội quỳ xuống bái lạy, khấn vái thầm.
Bóng người trông thấy hai cha con y khấn vái như vậy vội chạy lại đỡ dậy nói :
– Lý đại thúc làm sao thế? Cháu là Uyên nhi đây mà! Vừa rồi…
Chàng chưa nói dứt đột nhiên phía đằng sau đã có tiếng gió động. Một bóng trắng ở trên không hạ xuống, chưa xuống đến mặt đất, người ấy đã hỏi :
– Uyên đệ, không việc gì đấy chứ?
Uyên nhi nghe nói vội đáp :
– Chị Tuệ, chị đã tới đấy à? Em không việc gì, chỉ có Lý đại thúc với Lý Thu bị hoảng sợ một phen thôi.
Thì ra người mới tới là Vân Tuệ. Nàng vừa phi thân xuống cạnh Uyên nhi đã quan sát xem chàng có việc gì hay không? Nàng thấy rõ chàng ta quả thực vô sự nên mới yên tâm. Nàng ta liền nói với Lý Thất rằng :
– Lý đại thúc bị kinh hoàng đấy à? Câu chuyện đầu đuôi ra sao?
Hai cha con Lý Thất đột nhiên thấy Vân Tuệ và Uyên nhi ở trên trời giáng xuống đã kinh hoàng đến ngẩn người ra, quên cả sự kinh hiểm vừa rồi. Lý Thất nghe Vân Tuệ hỏi như vậy hai hàm răng vẫn còn run cầm cập rồi kể những chuyện vừa qua cho Vân Tuệ và Uyên nhi hay.
Vân Tuệ kinh ngạc vô cùng liền cau mày lại định lên tiếng hỏi thì Uyên nhi đã dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng và nói trước :
– Con cá Kình này đáng ghét thực! Sáu bảy năm nay nó vẫn bơi quanh đây. Bây giờ lại đem thanh Đơn Huyết của đệ đi nữa. Đệ phải nghĩ cách giết chết nó lấy lại thanh kiếm mới được.
Vân Tuệ nghe xong thở dài một tiếng vội hỏi :
– Hiền đệ định đi đâu tìm kiếm nữa? Bây giờ trời tối như thế này, nếu nó lặn xuống nước đào tẩu thì biết làm sao mà kiếm được?
Uyên nhi cứ tưởng lúc đó không phải là trời tối, nghe thấy nàng nói như vậy, ngạc nhiên vô cùng vội hỏi :
– Chị Tuệ, bây giờ trời sáng lắm, chị không thấy gì ư?
Vân Tuệ nghe nói rất đỗi ngạc nhiên vội hỏi :
– Cái gì? Ai bảo không phải là trời tối? Ngoài mười trượng tôi không thấy gì hết, sao hiền đệ lại bảo là trời sáng?
Uyên nhi vỗ đầu lẩm bẩm :
– Trời ơi, sao hai mắt của ta lại không tối?
Cha con Thất Lý thấy chàng nói như vậy cũng giật mình kinh hãi, nhưng họ tỏ vẻ hoài nghi nhìn thẳng vào mặt Uyên nhi.
Uyên nhi rất thông minh, trước kia chưa nghe thấy họ cứ tưởng nơi đây xưa nay không có trời tối, nhưng bây giờ chàng nhận xét lại những việc xưa nay mình làm. Xem kỹ lại cuốn Thần Nông Y Giản thấy có ghi công dụng các thứ thuốc như thế nào, chàng mới tỉnh ngộ. Sở dĩ mình trông thấy ban đêm cũng như ban ngày là vì mình đã bôi nước của Kình châu vào mắt mà nên. Chàng định nói cho Vân Tuệ hay thì ngoài trăm trượng, con cá Kình khổng lồ lại xuất hiện.
Chàng thấy đầu nó rung động mạnh làm cho nước ở xung quanh nổi sóng, ngọn sóng nào cũng cao như núi, không khác gì trời long đất lở trông kinh người.
Vân Tuệ và hai cha con Lý Thất tuy không trông rõ nhưng tai vẫn nghe, nhất là cho con Lý Thất lại càng hoảng sợ thêm, cứ run lẩy bẩy như hai cái lò xo vậy.
Uyên nhi thấy bảo kiếm Đơn Huyết của mình vẫn còn nằm trong mắt con cá Kình, hồi hộp hết sức, chỉ sợ nó rung như vậy kiếm mình sẽ rớt xuống đáy bể. Lúc ấy khó mà mò thấy được thanh kiếm này nữa. Chàng không nghĩ ngợi gì hết, định nhảy luôn xuống bể để lấy lại thanh bảo kiếm, ngờ đâu đã bị Vân Tuệ nắm chặt lấy cánh tay và hờn giận nói :
– Hiền đệ định đi đâu thế?
Uyên nhi biết nàng không muốn mình mạo hiểm, nghe hỏi chàng đành phải ngưng chân lại và cứ chăm chú nhìn vào con cá Kình rồi đáp :
– Chị Tuệ hãy về nhà trước nhé! Chị về lấy chiếc thuyền ra đây để đón Lý đại thúc và Lý đại ca về. Còn tiểu đệ ở đây nghĩ cách trục chiếc thuyền lớn kia lên để Lý đại thúc còn dùng nó đi vào Trung Nguyên buôn bán.
Vân Tuệ biết Uyên nhi muốn bảo mình tránh mặt để một mình đối phó với cá Kình nhưng nàng không nói rõ, vội cố ý quay đầu lại nhưng lại lắc đầu đáp :
– Bây giờ trời tối quá, tôi không trông thấy lối đi lỡ chân một cái rớt xuống nước thì sao? Chi bằng chờ trời sáng rồi hãy hay.
Uyên nhi cau mày lại, tỏ vẻ bất mãn nhưng bụng bảo dạ :
– Tại sao lúc tối chị lại trông thấy lối đi mà bây giờ quay trở về lại bảo không trông thấy đường?
Sự thật lời nói của Vân Tuệ cũng không phải là giả dối. Lúc nàng tới đây, vì quan tâm đến Uyên nhi, sợ chàng bị nguy hiểm mới vội giở khinh công ra đuổi theo. Còn bây giờ, nguyên nhân đó không những tiêu tan hết và nàng còn biết hễ mình rời khỏi nơi đây, Uyên nhi thế nào cũng nhảy xuống bể đuổi thảo đấu với Kình ngư. Như vậy, nàng an tâm sao được, hơn nữa, nay ta lại còn phải mạo hiểm mới rời khỏi được chốn này?
Thì ra, đêm nào cũng vậy, đến giờ Tý, Vân Tuệ với Uyên nhi đầu ở trên đỉnh núi luyện tập nội công. Tối nay, Uyên nhi vừa luyện xong, đang đứng ngắm phong cảnh bỗng thấy dưới nước có con cá Kình đang lẳng lặng bơi tới, định tấn công chiếc thuyền của cha con Lý Thất nên chàng vừa lo âu vừa tức giận.
Lúc ấy, khinh công của chàng đã luyện xong Phi Long cửu thức rồi. Tuy chưa ở trên đỉnh núi cao hơn hai mươi trượng mà nhảy xuống bên dưới bao giờ, nhưng tầm cao đó không sao làm khó dễ được chàng. Hơn nữa, chàng lại nóng lòng cứu người nên quay lại bảo Vân Tuệ được mỗi câu :
– Đệ phải đi cứu người đây!
Nói xong, chàng giở ngay thân pháp Phi Long Hồi Không (Rồng bay lượn trên không) nhanh như điện chớp thân hình chàng giống hệt một con rồng đang bay lượn trên không từ từ đáp xuống bên dưới. Hai mắt của chàng rất sáng, lại thêm trong đêm tối nên thông thấy rõ mọi vật như ban ngày vậy. Chàng đã định tâm hạ xuống một chỗ nào đó nên chỉ thấy chàng xuống tới hòn đá nhô ra ở trên mặt nước một cái, chàng đã tung mình nhảy lên, giở môn khinh công Tùy Phục Trục Lưu (theo sóng đuổi dòng nước) ra, nhảy lên cao hơn hai mươi trượng.
Lần thứ hai hạ chân xuống, thân hình chàng đã tới chỗ thuyền của Lý Thất vừa bị đánh đắm rồi. Đồng thời, động tác của chàng nhanh không thể tưởng tượng. Dù hành động của con cá rất nhanh, chàng thấy nó há mồm định nuốt cha con Lý Thất nên chàng càng tức giận thêm liền rút bảo kiếm ra dùng thế Họa Long Điểm Nhãn (vẽ rồng điểm mắt) ra, lao thanh kiếm đó vào mắt con cá ngay.
Thế Họa Long Điểm Nhãn đó, đáng lẽ lao thanh kiếm ra khỏi tay, giết xong kẻ địch lại có thể thâu thanh kiếm trở về như thường. Nhưng lúc này công lực của chàng chưa luyện tới mức thượng thừa, hơn nữa, chỗ chàng đứng lại cách con cá quá xa nên mới bị con cá mang thanh kiếm của chàng đi như trên.
Vân Tuệ thấy Uyên nhi đột nhiên nhảy xuống bể, cả kinh, muốn cản trở cũng không kịp nữa. Nàng đứng ở trên đỉnh núi nhìn xuống nhưng trong đêm tối nàng chỉ nhìn xa độ mười trượng thôi. Và nàng cũng chưa hề từ trên cao nhảy xuống những hòn đá lởm chởm ở trốn mặt nước như thế bao giờ. Đồng thời nàng cũng không biết Uyên nhi đi đâu, cứu ai. Nhưng chỉ vì sợ chàng bị nguy hiểm mà nàng đành liều nhảy xuống đuổi theo thôi.
Nàng lượn lờ ở trên không rất chậm và nàng đã vận Thiên Địa Cương Khí ra bao vây mình mẩy rồi dù có té xuống nước, nàng vẫn mượn cương khí đó mà nhảy lên được. Cũng may, nơi đó không có nhiều đá ngầm như những nơi khác nên khi sắp đáp xuống tới mặt nước liền trông thấy một tảng đá lớn yên một chỗ rồi vì nàng không dám nhảy quá xa như Uyên nhi và khi trông thấy đằng trước có ánh sáng đỏ thấp thoáng, nàng vội nhảy theo về phía đó. Cũng vì vậy mà nàng tới sau Uyên nhi là thế.
Khi nàng tới nơi thì con cá Kình đã lặn xuống đáy bể rồi nên nàng không trông thấy hình bóng của nó. Con cá Kình khổng lồ này lại chính là con cá Kình mà năm xưa Uyên nhi đã ở trong dạ dày nó ba ngày. Vì nó luyến tiếc những trái Kình châu đã tu luyện mấy nghìn năm mới luyện thành nên mấy năm nay nó cứ bơi quanh quẩn ở cù lao này để chờ dịp may cướp lại những trái Kình châu đó và để trả thù nữa.
Ngờ đâu, mấy năm nay Uyên nhi cứ ở trong lòng cù lao mải mê luyện tập văn học và võ công chưa hề ra ngoài thủy động một bữa nào hết.
Con cá, vì mình mẩy quá đồ sộ không sao lại gần cù lao được nên nó chỉ có bực mình suông mà thôi chứ không làm gì nổi Uyên nhi cả. Nhưng vì nó tu luyện đã lâu ngày nên rất linh mẫn. Tối nay, thấy Lý Thất ở trong thủy động bơi thuyền ra, chờ cho thuyền của cha con người nông dân ấy tới gần, nó mới nhô lên làm cho thuyền đắm để dụ Uyên nhi ra cứu.
Quả nhiên nó đã dụ được Uyên nhi ra khỏi cù lao thật.
Nhưng không may cho nó, chưa làm gì nổi Uyên nhi đã bị chàng lao kiếm làm chột luôn một mắt. Nó vừa đau vừa tức giận, chỉ muốn nuốt cả bốn người có mặt luôn tại chỗ mới hả dạ.
Tất nhiên, Uyên nhi cũng đã hiểu rõ ý muốn của con cá Kình. Chàng vừa muốn lấy lại thanh bảo kiếm của mình, vừa muốn giết con cá để trừ hại cho mọi người. Nhưng Vân Tuệ không chịu cho chàng mạo hiểm và cũng cấm luôn chàng nhảy xuống nước nữa. Bốn người cứ đứng yên ở trên tảng đá rộng không đầy một trượng để chờ trời sáng tỏ rồi sẽ tính sau.
Cha con Lý Thất quần áo ướt đẫm lại bị gió lạnh thổi tới khiến hai người chịu rét không nổi đứng run lên cầm cập.
Uyên nhi và Vân Tuệ thấy vậy thương hại vô cùng nhưng không nghĩ ra được cách gì giúp cha con họ khỏi rét. Đột nhiên, trên mặt bể lại có nhiều đợt sóng nổi lên như những trái núi nho nhỏ nhằm tảng đá của bốn người đang đứng mà lấn át tới.
Uyên nhi đã trông thấy rõ chính là con cá Kình đang bơi tới nhưng chàng không cho Vân Tuệ hay cứ đứng đợi con cá tới gần là ra tay tấn công luôn.
Tuy không trông thấy gì nhưng Vân Tuệ đã đoán biết nếu có sóng như thế thì thể nào con cá Kình cũng đã tới gần nên nàng vội bảo Uyên nhi mau đem cha con Lý Thất vào tảng đá lớn phía sau để tránh né.
Tuy trong lòng không muốn nhưng Uyên nhi không dám cãi lời Vân Tuệ. Chàng đành hậm hực cắp cha con Lý Thất giở khinh công tuyệt mức ra phi thân vào một tảng đá lớn phía bên trong.
Thân pháp của chàng rất nhanh lại thêm trong lúc bốn bề tối om như mực. Vân Tuệ chỉ thấy chàng nhảy lên cao đánh vút một cái rồi mất dạng ngay.
Vân Tuệ vì không thấy rõ đường lối nên theo sau chậm hơn và khi nhảy lên cao rồi nàng phải cẩn thận tìm kiếm xem Uyên nhi hạ thân xuống tảng đá nào rồi nàng mới dám hạ thân theo xuống đó. Vì thế Uyên nhi đặt cha con Lý Thất đứng xuống rồi mà vẫn chưa thấy nàng tới. Nhân dịp may hiếm có đó, chàng vội quay trở lại tảng đá hồi nãy.
Con cá Kình tuy chỉ còn một mắt nhưng nó vẫn không kém sáng suốt. Nó thấy Uyên nhi bỏ đi lại quay trở lại tức giận vô cùng phun ngay một vòi nước lên thật cao và bơi thẳng tới. Đồng thời mồm nó ngậm sẵn một hụm nước bể định khi tới gần sẽ phun ngụm nước ấy để đẩy Uyên nhi té xuống dưới bể.
Uyên nhi đứng yên ở trên mặt tảng đó vận sẵn Đơn Thiết thần công, hai chân đứng một trước một sau mà chân sau như đóng đinh vào mặt đá vậy. Hai tay buông xuôi xuống, vận sẵn nghìn cân nội lực để chuẩn bị hễ con cá tới gần là tấn công ngay. Khi con cá đến chỗ cách chàng chừng năm trượng, chàng rú lên một tiếng thật dài, dơ tay phải lên, chĩa năm ngón tay ra như năm cái móc sát nhằm đầy con cá chộp một cái, đồng thời giơ tả chưởng lên ở xa nhằm mắt trái của cá tấn công luôn một thế rất mạnh.
Cùng lúc đó, con cá Kình cũng há mồm ra phun luôn bụm nước hàng vạn đấu vào người Uyên nhi. Tuy Uyên nhi đã luyện môn thần công phi thường đó nhưng nếu bị vòi nước cao và to như hòn núi nhỏ phun trúng cũng khó mà chịu đựng nổi, nên sau khi chàng ra tay tấn công rồi đã vội tung mình nhảy lên cao mười mấy trượng để tránh né. Vòi nước của con cá vừa lướt qua dưới chân chàng và đánh trúng vào tảng đá chàng đứng hồi nãy, tảng đá ấy bị vỡ ra làm bốn mảnh bắn tung lên.
Uyên nhi ở trên không thấy vậy cũng phải kinh hãi và bụng bảo dạ rằng :
– Nguy hiểm thật.
Chàng vừa nghĩ vừa vận hết công lực vào bàn tay phải, chìa tay ra cách xa, chộp mạnh một cái. Thanh bảo kiếm đang cắm ở mắt con cá liền theo nội kình của của chàng mà bay ngược trở lên. Chàng chỉ khẽ chộp đã nắm được cán thanh kiếm liền.
Có bảo kiếm trong tay không khác gì hổ thêm cánh, chàng không do dự gì cả, hóa thành thế Giao Long Quy Sào (rồng trở về tổ) hai chân của chàng co lại rồi đập mạnh. Thế là đầu chàng chúc xuống dưới, chân chổng ngược lên trên, nhanh như điện chớp, phi xuống lưng con cá tức thì.
Con cá Kình thân hình to lớn, chuyển động chậm chạp và thân pháp của Uyên nhi quá nhanh nên nó cứ yên trí Uyên nhi đã bị vòi nước của nó đánh rớt xuống bể rồi cho nên nó vội vã há mồm hút nước vào bụng để mong hút được xác của Uyên nhi vào trong.
Uyên nhi hạ thân xuống lưng nó mà nó không hay biết gì hết. Vẫn cứ hút nước liên tiếp. Uyên nhi thấy con cá ngu xuẩn như vậy, tức cười vô cùng. Chàng nhẹ nhàng nhảy lên đầu nó, múa kiếm nhằm mắt đâm luôn. Con cá Kình rất tinh mắt, trông thấy hồng quang thấp thoáng, biết là khí giới của đối phương đâm tới vì lần trước nó đã chột mắt bởi hồng quang này rồi, nó liền vội vàng nhắm mắt lại.
Uyên nhi không ngờ con cá lại khôn ngoan đến thế. Kiếm của chàng đâm trúng mi mắt của nó chỉ nghe thấy “soạt” một tiếng, mi mắt con cá đã bị đâm trúng nhưng chỉ thủng có một lỗ thôi chứ con ngươi của nó không hề hấn gì.
Uyên nhi thấy vậy vội tung người nhảy lên thật cao. Cũng may chàng nhảy ngay, bằng không vòi nước ở trên mình nó đã phun trúng chàng rồi.
Vừa rồi, Vân Tuệ đuổi theo tới chỗ cha con Lý Thất đứng thì không thấy hình bóng của Uyên nhi đâu hết, biết chàng ta không chịu nghe lời mình nên nàng quay trở về chỗ cũ ngay. Nàng lo âu vô cùng. Khi nàng quay về tới chỗ cũ thì ánh trăng vừa ở trong đám may ló ra chiếu xuống mặt bể sáng tỏ. Xa xa nàng trông thấy Uyên nhi đang ở trên không ngộ hiểm suýt bị vòi nước đánh trúng.
Nàng hoảng sợ thêm quên cả sự lợi hại thét lớn một tiếng vận Thiên Địa Cương Khí ra tấn công luôn hai chưởng.
Kình phong của nàng đem theo một làn sương mù trắng nhắm mắt còn lại của con cá Kình tấn công.
Thân hình của nàng nhanh như điện chớp dưới ánh sáng trăng trông nàng như một luồng khói trắng phi tới lại thêm người nàng có một lớp sương mù bao phủ nên con cá Kình không nhận ra được nàng là vật gì.
Bất cứ người hay là cầm thú đều coi trọng con mắt của mình. Tuy con cá Kình không biết vật bay tới trước mặt mình là vật gì nhưng nó biết vậy sẽ làm hại con mắt duy nhất của nó. Do đó nó nổi cơn thịnh nộ liền há mồm định đớp cái bóng trắng ấy.
Vì quá nóng lòng, Vân Tuệ tưởng thế công của mình thế nào cũng đánh trúng đích, ngờ đâu khi tới gần nàng mới biết đánh trật cách hơn trượng. Nàng định vận chưởng tấn công mạnh thì đột nhiên thấy mồm con cá Kình đã há to cản lối đi của nàng. Nàng thất kinh la lớn vội dùng Thiên Cân Trụy cố giữ người lại không cho lao nhanh về phía trước nữa và giơ song chưởng lên tấn công thật mạnh.
“Bùng!”
Chưởng này trúng ngay vào hàm trên của con cá. Nàng lại mượn sức phản chán nhảy lui về sau.
Uyên nhi ở trên không trông thấy như ngộ hiểm nhưng sự thật thì chàng tinh thông Phi Long cửu thức có thể ở trên không bay lượn và thay đổi thế thức cho nên không việc gì cả. Vì thế khi vòi nước của con cá phun lên chàng chỉ xoay người giơ chưởng ra khẽ đập vào vòi nước một cái người đã bắn lên cao hơn trượng ngay, khi đã vòng qua được vòi nước rồi chàng mới từ từ hạ chân xuống bên dưới.
Mắt của Uyên nhi sắc bén lạ thường. Chàng đã thấy chị Tuệ ở đằng xa tới nhưng chàng không ngờ nàng ta lại mạo hiểm như vậy, cho nên chàng vừa trông thấy Vân Tuệ nhả xổ vào mồm cá thì chàng vừa kinh hãi vừa lo âu, rú lên một tiếng thực dài đẩy ra một luồng gió mạnh khôn tả, còn tay phải múa kiếm đâm thẳng vào mồm con cá ngay.
Nói thì chậm nhưng lúc ấy là lúc Vân Tuệ đã ngừng được người lại, giơ tay tấn công hàm trên con cá thế là một người tiến một người lùi vừa va chạm vào nhau. Vân Tuệ đã nghe thấy phía sau có tiếng gió mạnh vội quay đầu lại đã thấy một luồng ánh sáng đỏ nhằm người mình và chụp xuống. Nàng biết ngay đó là Đơn Huyết bảo kiếm, tuy nàng không trông thấy bóng người trong làn kiếm nhưng cũng biết người đó là Uyên nhi rồi.
Nàng thất thanh cả kinh kêu gọi :
– Uyên hiền đệ, tôi ở đây.
Uyên nhi đã không kịp thâu kiếm lại.
Sự thật, Uyên nhi đã trông thấy Vân Tuệ nhưng thế đâm bổ của nàng đã nhanh và kinh nghiệm của chàng còn non nớt nên mới cuống quýt nhảy xổ xuống như thế.
Tuy vậy chàng cũng kịp kềm kiếm thức và đang sử dụng thế Thần Long Truy Vĩ hóa thành Thương Long Bái Vĩ, kiếm ở trong tay chàng đã rạch xuống bên dưới một nhát trúng kêu đánh xoẹt một tiếng trúng ngay vào lưỡi của con cá Kình đang thè ra định cuốn Vân Tuệ. Lúc ấy, tuy chưởng của chàng đã giảm bớt hai thành công lực nhưng vẫn đánh trúng vào lưng Vân Tuệ kêu đánh bùng một tiếng, thân hình của nàng bị đẩy bắn ra.
Uyên nhi thấy mình đã gây nên họa lớn, đả thương lầm chị Tuệ nên hối hận vô cùng, vội nhảy xuống theo ôm ngang lưng nàng. Nhưng động tác đó nhanh như điện chớp chỉ xảy ra trong nháy mắt thôi.
Mồm trên con cá Kình bị Vân Tuệ đánh trúng một chưởng đau nhức vô cùng, nó đang ngậm miệng lại và lưỡi cuốn lên trên. Ngờ đâu lưỡi nó lại bị kiếm của Uyên nhi đâm trúng, nó càng đau thêm mà ngậm miệng càng nhanh.
Khi Uyên nhi ôm được người Vân Tuệ thì đồng thời mồm con cá Kình cũng vừa mím chặt và nó vội chúi đầu xuống dưới nước uống một ngụm nước bể vào.
Uyên nhi ôm được Vân Tuệ vào lòng, cúi đầu nhìn mặt nàng, trong lòng hoảng sợ vô cùng vì lúc ấy chàng thấy Vân Tuệ mặt nhợt nhạt không có sắc máu và hơi thở yếu ớt, hai mắt nhắm nghiền.
Uyên nhi vừa lo âu vừa hối hận, chỉ muốn giơ kiếm lên tự vận ngay vì thế chàng quên cả lúc này mình đang ở đâu. Chàng rầu ứa mắt ra, vì vậy chân khí ở trong người bị tắc nghẹn.
Thế là thân hình của chàng cùng Vân Tuệ đều rớt xuống bên dưới. Khí hai chân của chàng chạm nước chàng mới biết mình đang ở đâu vội ngẩng đầu nhìn phía đằng trước thấy có một cái hang động cao hơn hai trượng. Chàng nóng lòng muốn thoát khỏi mặt nước để cứu chữa Vân Tuệ nên không kịp nghĩ ngợi gì hết vội vận chân khí giở thân pháp Tùy Ba Trục Lưu (theo sóng đuổi dòng) ra giẫm chân lên mặt nước đạp mạnh một cái cả chàng và Vân Tuệ đã phi thân vào trong động tức thì.
Hang động lớn ấy hình như có một đường hẻm đi sâu vào bên trong nhưng thực sự đó là mồm và cổ họng con cá Kình. Khi Uyên nhi vào tới bên trong mới ngửi thấy mùi tanh quen thuộc ngày trước, chàng ngạc nhiên nhìn bốn bề chung quanh, chàng nhận ra hang động tròn và lại to vô cùng đó có vách lại lồi lõm lại cứ rung hoài và từ từ có những nước chua nhỏ xuống.
Lúc ấy chàng mới tỉnh ngộ và biết mình đã đi nhầm đường rồi. Chàng định quay trở ra thì bỗng nghe tiếng kêu ào ào, nước bể cuồn cuộn đổ vào. Chàng vội dùng tay trái ôm Vân Tuệ, giơ tay phải lên dùng thế Phi Long Hồi Không tung mình nhảy lên lượn một vòng để tránh ngọn nước bể đó. Nước càng ngày càng lên, một lát sau đã lên tới ba bốn trượng sắp đụng vào người của Uyên nhi rồi.
Chàng thấy vậy lại giẫm chân vào một làn sóng nhảy cao hai trượng nữa và người chàng sắp va vào đỉnh động. Chàng ngửng đầu nhìn thấy nơi đỉnh động còn có một cái đinh ba đâm cá bị sét rỉ còn cắm trên đó. Lần này chàng tỉnh ngộ thêm bụng bảo dạ :
– Thế ra ta đã quay trở vào bụng con cá Kình lần thứ nhì mà không hay. Thảo nào động này lại rung động như vậy.
Nghĩ xong chàng đạp chân đá mạnh một cái người đã phi lên hơn ba trượng, tay phải giơ kiếm lên trên cao theo đà người quay tít một vòng, vách đỉnh động liền thủng ngay một cái lỗ rộng hơn trượng. Vách của dạ dày con cá đã thủng, máu tươi chảy ra làm ướt cả lưng Uyên nhi. Con cá Kình bị đau, dạ dày càng rung động mạnh thêm, nước bể bên trong cũng tròng trành nổi sóng, từng ngọn một bắn thẳng lên đỉnh vách.
Chỗ vết thương có nước bể tràn vào, con cá càng đau thêm, vì thế dạ dày của nó càng cử động mạnh hơn.
Uyên nhi thấy vậy cứ điểm vào ngọn sóng liên tiếp, người ở trên không bay lượn nhanh thêm, nhưng tay phải của chàng cũng không bao giờ yên cả.
Hễ khi nào người chàng đâm túi bụi vào vách động nên chỉ trong nháy mắt, trên đỉnh đó đã bị máu chảy xuống như suối.
Chắc con cá Kình đó biết cách hút nước vào như vậy không phải là phương pháp, nó lại mở cửa hậu để cho nước ở trong dạ dày chảy ra. Trong nháy mắt nước ở trong dạ dày nó còn lại rất ít.
Uyên nhi thừa cơ nhảy xuống bên dưới, tay mua tít thanh kiếm. Kiếm của chàng lia đến đâu, máu thịt bắn tung tới đó và chỉ trong nháy mắt đã mở được một cái lỗ hổng rồi.
Uyên nhi đã nghĩ sẵn cách thoát cho nên chàng vừa trông thấy cái lỗ hổng xuất hiện liền phi thân ra bên ngoài. Khi ra tới ngoài thân, bên ngoài này ít chỗ hổng.
Đâu đâu cũng là mỡ vàng, chàng học qua Thần Nông Y Giản, đối với nội tạng của người cấu kết như thế nào nên chàng biết rõ lắm. Chàng vừa ra khỏi ruột già và tiến thẳng về phía quả tim của nó ở bên trái vì chỉ nơi chứa đựng quả tim là ít thịt và mỡ nhất. Uyên nhi quay mấy vòng thì đã trông thấy quả tim con cá khổng lồ. Chu vi của nó hơn hai trượng to như một bể đựng máu vậy. Bể này cứ rung động hoài. Chàng biết đã tìm tới nơi tới chốn rồi.
Trong lòng cả mừng, Uyên nhi vội vận công lực trong người ra, chả cần sử dụng thể thức gì hết, chàng đâm luôn bảy tám nhát kiếm. Chàng thấy lỗ bị đâm thủng, máu phun như suối. Chỉ trong nháy mắt máu đã ngập lên hơn cả thước. Lúc ấy, chàng đã leo lên trên đỉnh quả tim và vội thâu kiếm vào bao ngồi ở trên mấy huyết quản thực lớn để xem xét lại vết thương cho Vân Tuệ.
Vân Tuệ vốn đã vận Thiên Địa Cương Khí để bảo vệ lấy thân thể rồi nên nếu không phải là Uyên nhi giở Đơn Thiết chưởng ra thì không khi nào nàng lại bị đả thương như thế, dù võ công của nàng chưa luyện tới tuyệt đỉnh nhưng vết thương của nàng không nặng lắm và cũng không nguy hiểm tới tính mạng. Nàng chỉ chết giấc thôi. Nhưng tại nàng quá hoảng sợ khi trông thấy Uyên nhi đâm đầu vào miệng con cá Kình.
Vả lại khi vào trong dạ dày con cá, nước chua của con cá xông lên kích thích giây thần kinh nên nàng đã lai tỉnh từ lâu rồi. Nhưng cảm thấy khó thở và chân tay yếu ớt, đồng thời nằm ở trong lòng Uyên nhi nàng đột nhiên cảm thấy một sự kích thích kỳ lạ. Nàng nghĩ mãi cũng không nghĩ ra đó là nguyên nhân gì nhưng chỉ biết mình đang được Uyên nhi ẵm và cảm thấy niềm khoan khoái lạ thường. Hơn nữa, nàng cảm thấy có luồng hơi nóng ở người chàng dồn sang khiến nàng càng như thấy dễ chịu hơn. Nàng lại thấy tim của mình đập rất mạnh, mặt nóng hổi.
Nàng chỉ sợ Uyên nhi biết mình thức giấc cho nên nàng cứ giả bộ mê man và đầu thì rúc vào nách chàng để chàng khỏi trông thấy.
Uyên nhi có biết chuyện đó đâu. Chàng chỉ thấy chị Tuệ cứ nằm yên không cử động, lòng hối hận thương xót vô cùng.
Lúc ấy chàng cứ nghĩ với ra được cách thoát khỏi bụng con cá Kình. Nhân lúc nghỉ ngơi này, chàng muốn làm thế nào cho Vân Tuệ khỏi ngay. Chàng ngồi lên đỉnh quả tim của con cá Kình, ngồi lên mấy đại động mạch rồi khẽ đặt Vân Tuệ xuống hai đùi, nhìn sắc mặt đỏ bừng liền ngẩn người ra rồi lại nắm cổ tay nàng thăm mạch thử xem.
Chàng bắt mạch giây lát rồi thở dài lo âu vì chàng thấy mạch của Vân Tuệ khác hẳn mạch của người chết giấc và bị thương nặng. Chàng không có kinh nghiệm chữa bệnh cho người nên không hiểu tâm lý và trạng thái của Vân Tuệ. Lúc này, chàng chỉ thấy tĩnh mạch của nàng hơi khác lạ nên mới thắc mắc như thế.
Chàng càng sợ thêm, nước mắt tuôn dầm dề trên má của Vân Tuệ.
Vân Tuệ thấy Uyên nhi đặt mình nằm lên trên đùi của chàng lúc này không có lý do gì hồi hộp nữa nên nàng không dám mở mắt ra nhìn.
Nàng đang nằm suy nghĩ bỗng thấy Uyên nhi hô hấp rất mạnh và mặt mình lại có mấy giọt nước lạnh nhỏ xuống. Trong lòng ngạc nhiên vô cùng, không hiểu chàng ta đang làm gì thì bỗng nghe chàng ta nức nở gọi :
– Chị Tuệ… Chị Tuệ.
Lúc này mới biết chàng ta qua lo âu khóc lóc như vậy, nàng không nỡ để cho chàng đau lòng nên đành phải mở mắt ra.
Uyên nhi nghĩ mãi không tìm được ra nguyên nhân tại sao Vân Tuệ mãi không tỉnh như thế, lo quá hóa khóc, ngờ đâu tiếng khóc của chàng lại có công hiệu làm cho Vân Tuệ mở mắt ra tức thì. Tuy Vân Tuệ mở mắt nhưng nàng lại ở trong người con cá tối đen như mực giơ tay không trông thấy năm ngón, nên dù nàng có mở mắt thì người khác làm sao mà biết được, nhưng nàng đã quên mắt Uyên nhi trông cảnh vật ban đêm cũng như ban ngày. Vì vậy, nàng vừa hé mắt ra chàng đã trông thấy và mừng rỡ vô cùng cười khì một tiếng nói :
– Chị Tuệ tỉnh rồi đấy à? Chị thử vận khí xem đau ở chỗ nào để lát nữa chúng ta ra ngoài đệ sẽ nghĩ cách cứu chữa cho.
Nhắc tới vết thương của nàng chàng mới nghĩ đến sự lỡ tay của mình không dám cười nữa, mặt tỏ vẻ hổ thẹn ngay và nói tiếm :
– Chị Tuệ, chỉ tại đệ đánh…
Chảng chưa nói tới chữ chết thì Vân Tuệ đã giơ chiếc tay mềm mại lên bịt mồm chàng, miệng tủm tỉm cười an ủi chàng và định hỏi hiện giờ đang ở đâu. Ngờ đâu nàng vừa há mồm đã thấy cổ họng ngọt ngọt và khạc một tiếng đã phun ra một đống máu.
Uyên nhi giỏi về y lý thấy nàng phun như vậy mới thấy an tâm, biết nàng có phun máu như thế mới chóng khỏi. Quả nhiên chàng lại thăm mạch cho Vân Tuệ thử xem và đã thấy mạch của nàng ôn hòa nhiều. Vân Tuệ tuy không trông thấy nhưng chờ chàng thăm mạch xong liền lên tiếng hỏi :
– Thưa thầy đang…
Nàng vừa nói thì Uyên nhi đã vội bịt miệng không cho nói và đỡ lời :
– Chị Tuệ, bây giờ nội tạng của chị hãy còn bị thương, tốt hơn hết chị đừng nói chuyện để giữ chân khí. Hiện giờ chúng ta còn đang nằm ở trong bụng cá Kình, đệ đang nghĩ cách ra khỏi nơi đây, khi ra khỏi chốn này rồi, lúc đấy đệ sẽ chữa cho chị ngay.
Vân Tuệ bị bịt mồm hai má đỏ bừng liền gật đầu đồng ý.
Uyên nhi cõng nàng lên vai, bảo nàng ôm chặt lấy cổ mình rồi chàng rút Đơn Huyết bảo kiếm, vận Đơn Thiết thần công xuống tay dồn ra mũi kiếm.
Thanh bảo kiếm đỏ tia ra những luồng sáng chói lọi làm đỏ cả trong người con cá Kình. Những tia ánh sáng của đầu mũi kiếm tia ra đầu mũi như rắn phun nọc vậy.
Uyên nhi đã cầm kiếm trong tay liền đâm ngay vào ống đại động mạch ở cạnh người. Chàng không rút kiếm ra vội liền nhảy sang bên rạch mạnh một cái huyết quản đó đã bị đứt làm đôi ngay, máu tươi ở bên trong chảy ra lênh láng như suối. Uyên nhi lại cắt đứt luôn hai ống nữa.
Trái tim liên can mật thiết với tính mạng con người hay cầm thú cũng vậy. Con cá Kình bị Uyên nhi đâm vào trái tim mấy nhát kiếm đã mất rất nhiều máu rồi, nó đang uể oải. Bây giờ lại bị cắt đứt mấy ống huyết quản thì nó sống sao được. Con cá Kình vừa bị cắt đứt động mạch thì Uyên nhi đã thấy nó nhún người nẩy thực mạnh rồi như trời long đất lở, lăn lộn hoài.
Chàng cũng đoán biết con cá thể nào cũng giãy chết nên chàng không kinh hoàng chút nào, chờ tới khi con cá ưỡn bụng lên chàng liền nhảy tới cạnh xương hông của nó múa kiếm đâm thẳng vào một nhát và tay phải dùng chưởng tấn công một thế cực mạnh. Thế là chàng đã mở một lỗ hổng nhỏ rồi. Chàng thuận tay rạch luôn một miếng thịt cực lớn, lỗ hổng ấy mới chui người ra lọt. Chàng chui ngay vào trong lỗ đó, vừa chui vừa rạch, quần áo hai người đều bị máu của con cá Kình nhuộm đỏ hết. Lúc ấy chàng cũng không nghĩ gì đến việc sạch sẽ cả. Cứ việc chui vào khoét tiếp. Khoét chừng nửa trượng mà cũng chưa ra khỏi bụng cá.
Chàng càng chui sâu vào bao nhiêu, lỗ hổng càng chật chội bấy nhiêu và khó thở nữa, nhất là mùi tanh hôi của thịt cá làm cho Vân Tuệ không chịu nổi nôn ọe. Chàng lo âu vô cùng, vận hết thần lực đâm mạnh một nhát lên trên nữa. Chàng nghe “phập” một tiếng nên cả mừng biết mình sắp thoát khỏi cá rồi nên vội rạch luôn một vòng và dụng chưởng lực đẩy mạnh một cái. Miếng thịt cá trên đầu chàng bị đẩy bẳn ra bên ngoài, ánh sáng mặt trời với không khí trong sạch đã theo lỗ hổng đó chui vào, chàng mừng rỡ vô cùng rú lên một tiếng thực dài, tung mình nhảy ra ngoài bụng cá luôn.
Ngờ đâu chàng vừa nhảy ra bên ngoài đưa mắt nhìn xung quanh một hồi rồi thở dài buồn bã. Thì ra lúc ấy, chàng với con cá đang ở giữa bể cả, không trong thấy bờ bến đâu hết. Chàng cũng không biết chỗ chàng đang ở cách cù lao bao xa nữa.
Nhưng cũng may con cá tuy chết bụng cá nổi bềnh lên mặt nước, chỗ bụng của nó nhô lên mặt nước rộng từng bảy tám trượng như một cái cù lao nhỏ đủ cho hai người ngồi và nằm nghỉ như thường.
Vân Tuệ tuy nằm phục trên vai Uyên nhi nhưng nàng đã nhận xét thấy không khí và ánh sáng khác trước nhiều. Nàng ngửng đầu mở mắt ra nhìn thấy hoàn cảnh bốn bề chung quanh và người Uyên nhi đỏ như máu.
Nàng liền hỏi ngay :
– Xem kìa, Uyên đệ, sao người của hiền đệ đẫm máu như thế? Hiện giờ chúng ta đang ở đâu vậy?
Uyên nhi đã đứng trên bụng cá và đã tra kiếm vào bao rồi. Chàng đang định đặt Vân Tuệ xuống bỗng nghe nàng hỏi như vậy, quay đầu lại nhìn thấy Vân Tuệ mặt vì nằm úp ở trên vai chàng nên không nhiễm tí máu nào nhưng tóc và quần áo cũng đều nhuộm đỏ hết. Chàng vội đặt nàng ngồi xuống vừa cười đáp :
– Chị Tuệ, chị thử xem, đầu và người chị có giống tiểu đệ không?
Quả nhiên Vân Tuệ chưa chú ý đến mình, nghe chàng nói như vậy mới nhìn lại, khắp mình mẩy của mình đỏ như máu tươi lại càng kinh hãi thêm.
Uyên nhi thấy vậy thở dài và nói tiếp :
– Hà… chị Tuệ, chị nhìn xuống bên dưới xem có phải là đất không hay là con cá chết. Vừa rồi chúng ta chui ở bụng con cá ra cho nên mới nhuộm đầy máu cá. Nhưng bây giờ chúng ta tuy đã ra khỏi bụng cá rồi mà không trông thấy đất liền đâu hết. Gần đây lại không có cù lao hay thuyền bè gì cả, làm thế nào mà trở về được?
Vân Tuệ nghe chàng nói như vậy cúi đầu nhìn xuống quả thấy dưới chân mình mềm nhũn như không phải là đất đai, nàng lại đưa mắt nhìn bốn bề chung quanh lại càng kinh hãi thêm, nên nàng nghĩ mãi không ra được cách nào để thoát khỏi chốn đó cả.
Lúc ấy, trời sắp chính ngọ, mặt trời nóng như lửa chiếu xuống đầu hai người, chỉ trong chốc lát, máu ở trên hai người đã khô.
Uyên nhi rất quan tâm đến vết thương của Vân Tuệ nên vội hỏi :
– Chị Tuệ, mau vận khí thử xem, nếu thấy chỗ nào đau hay bị trắc trở nói cho hiền đệ để đệ nghĩ cách cứu chữa cho chị ngay. Chữa khỏi cho chị xong, chúng ta phải nghĩ cách rồi khỏi đây luôn.
Thấy Uyên nhi hỏi như vậy, Vân Tuệ mới cảm thấy mình mệt mỏi và yếu đuối thực nhưng nàng vẫn phải dẹp sự kinh hãi và lo âu sang bên vội vàng xếp bằng tròn vận khí điều tức thử xem, ngờ đâu nàng vừa mới vận khí một cái đã khạc ra một đống máu tươi, người lảo đảo suýt ngã ngay.
Uyên nhi đứng cạnh thấy vậy vội ôm lấy nàng và luồn tay qua nách, đưa về phía trước ôm chặt ngực trái của nàng xoa bóp luôn luôn. Đồng thời tay phải của chàng cũng đưa ra phía trước vào Đan Điền huyệt.
Vân Tuệ thấy Uyên nhi ôm chặt lấy mình, tay xoa ngực tay để lên trên bụng như thế hổ thẹn vô cùng, hai má đỏ bừng nhưng nàng không dám chống cự, trái lại còn tựa cả lưng vào Uyên nhi nữa.
Tuy Uyên nhi phát dục rất nhanh, cao lớn không kém gì một người mười tám tuổi nhưng dù sao tuổi của chàng chỉ có mười ba, chưa biết tình ái là gì, vì thế tuy chàng ôm Vân Tuệ vào lòng, hai tay lại xoa bóp nơi quý báu nhất của thiếu nữ mà không thấy động lòng chút nào, chàng chỉ nhất tâm chữa khỏi cho chị Tuệ cho nên hai bàn tay của chàng đã vận Đơn Thiết thần công ra theo trong cuốn sách Thần Nông Y Giản mà chữa cho Vân Tuệ. Một luồng chân khí ở gan bàn tay của chàng dồn sang người của Vân Tuệ thông hết các quãng huyệt còn giúp nàng thâu lượm chân khí đã tản mát.
Vân Tuệ chưa học qua cuốn Thân Nông Y Giản nhưng phàm người luyện võ đều biết vận nội công để chữa thương cho người khác.
Nhưng nếu chân khí của bổn thân không luyện tới mức thượng thừa thì không ai dám ra tay chữa thương cho người khác cả, vì chữa như thế không những bị tiêu hao chân lực rất nhiều và nếu thiếu định lực hay bị ngoại vật chi phối chân khí sẽ chạy loạn xạ ngay. Nhẹ thì nội thương mà nặng thì sẽ bị tẩu hỏa nhập ma hay là toi mạng cũng nên. Vì thế mà Vân Tuệ cảm thấy hai gang tay của Uyên nhi nóng hổi hai luồng chân khí như hai ngọn lửa kèm theo Tam Muội Chân Hỏa thấu sang bên người mình.
Nàng cả kinh thất sắc, nàng không lo cho mình mà sợ cho Uyên nhi nhỡ sơ suất một chút thì chàng ta không tẩu hỏa nhập ma thì cũng bị thương nặng. Như vậy dù chữa khỏi cho nàng đi chăng nữa cũng vô ích. Cho nên nàng tuy kinh ngạc nhưng thấy Uyên nhi như người đã cưỡi lên mình hổ rồi cự tuyệt cũng không được nữa. Vì vậy nàng cứ hoảng sợ mà cố hết sức vận công để trợ giúp Uyên nhi Nhờ có nàng hợp tác, quả nhiên Uyên nhi đỡ mệt nhọc hơn trước. Một lát sau chân khí của nàng đã nghênh tụ dần hòa hợp với chân khí của Uyên nhi thông qua các quan huyệt rồi trở về Đan điền. Uyên nhi lại giúp nàng chuyển vận thêm hai lần như thế nữa, thấy không còn bị cản trở gì chàng mới ngưng tay.
Lúc bấy giờ, Vân Tuệ không những đã lành mạnh như thường lại còn nhờ được Tam Muội Chân Hỏa thuần dương đồng tử của Uyên nhi dồn sang làm cho nội công của nàng đã tinh tiến hơn trước nhiều.
Uyên nhi chữa cho Vân Tuệ xong liền buông tay ra. Vân Tuệ vội quay lại ông lấy chàng vào lòng cảm động vô cùng khẽ gọi rằng :
– Uyên hiền đệ…
Nàng vừa nói tới đó đã thấy Uyên nhi mồ hôi ở trên đầu toát ra như tắm, mặt của chàng bị máu cá nhuộm đỏ nên không sao thấy rõ được sắc mặt ra sao nhưng trong thái độ cũng đủ biết chàng mệt nhọc lắm rồi. Nàng càng cảm động thêm, ứa nước mặt nức nở hỏi :
– Uyên hiền đệ hà tất phải tốn công mệt nhọc như vậy, vết thương của tôi có nặng lắm đâu, bây giờ tôi tuy lạnh mạnh rồi mà hiền đệ mệt nhọc như thế này, tôi yên lòng sao được.
Uyên nhi mỉm cười đang định an ủi nàng mấy câu để cho nàng yên tâm nhưng nàng nhất định không cho chàng nói mà còn nói thêm mấy câu :
– Uyên hiền đệ mỏi lắm rồi, mau ngồi nghỉ ngơi đi.
Nói xong nàng đỡ chàng ngồi dậy rồi lại kêu chàng nằm xuống gối vào đùi mình, móc túi lấy khăn tay ra lau mồ hôi và máu cá ở trên mặt cho chàng. Chàng được Vân Tuệ chăm sóc cho mình như vậy cũng cảm động hết sức, chàng cứ nhìn vào mặt nàng, đôi môi máy muốn nói nhưng Vân Tuệ đã dùng tay bịt mồm lại và giả bộ hờn giận nói :
– Hiền đệ không chịu nghe lời tôi thực tức chết đi được. Nếu hiền đệ còn nói nữa thì tôi sẽ đánh cho đấy.
Nàng nói, miệng tủm tỉm cười, hai má đỏ bừng rồi lại bịt tay vào mắt Uyên nhi và nói tiếp :
– Hiền đệ nhìn tôi làm chi, mau nhắm mắt mà nghỉ ngơi đi. Hiền đệ chẳng nói mau nghĩ cách rời khỏi đây là gì?
Vốn dĩ chân khí của Uyên nhi chưa luyện đến mức thượng thừa nên sau khi tiêu hao bấy nhiêu chân khí để chữa vết thương cho Vân Tuệ đã thấy mỏi mệt vô cùng nên nghe nàng nói như vậy cảm động vô cùng nên vội nghe lời nhắm nghiền hai mắt đề nghỉ ngơi, ngờ đâu chàng ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Lúc ấy trái lại, Vân Tuệ lại càng tỉnh táo vô cùng, thấy Uyên nhi nằm gối vào đùi mình ngủ rất ngon, nàng vừa mừng rỡ và lo âu. Nàng cúi đầu nhìn mái tóc đen của chàng bị máu cá nhuộm thành đỏ, bộ mặt đẹp của chàng tuy nàng đã lau chùi sạch nhưng vẫn còn lấm tấm chưa hết nhưng không tổn hại gì đến bộ mặt đáng yêu của chàng. Nàng đã ngắm càng thấy mặt chàng đẹp như tranh vẽ. Đầu óc của nàng cứ nghĩ vơ vẩn hoài, chỉ thấy lúc ấy nàng thay đổi sắc mặt luôn, khi thì cau mày lo nghĩ, khi thì mỉm cười, sau cùng hổ thẹn hai má đỏ bừng và vội ngẩng mặt lên không dám nhìn mặt Uyên nhi nữa. Nhưng không bao lâu sau nàng lại cúi xuống ngắm nhìn và bụng bảo dạ rằng :
– Nếu mặt y xấu xí thì khi nào ta lại yêu y như vậy.
Vấn đề đó quả thực khó giải đáp. Nàng nghĩ mãi mà không ra được câu trả lời, nhưng có một điều nàng dám chắc là sau này Uyên nhi không may ngộ nạn, bộ mặt bị hủy xấu như ma lem đi nữa thì nàng vẫn yêu chàng như thường. Vì bộ mặt của Uyên nhi đã in sâu vào tận đáy lòng nàng rồi. Nàng cứ ngắm nhìn và nghĩ vơ vẩn, quên cả mình đang ở đâu và đang đói khát, sự thực suốt cả ngày trời nàng chưa hề ăn uống gì.
Lúc ấy, mặt trời đã lặn bốn bền tối dần, gió bể thổi đến càng lúc càng mạnh. Nàng ngơ ngác nhìn bốn bể xung quanh chỉ thấy có trời và nước. Ngoài sóng gió ra thì không còn gì nữa, vì thế nàng mới lo âu quay đầu lại ngắm Uyên nhi thì thấy chàng vẫn ngủ say, miệng tủm tỉm cười hình như đang mơ một giấc mộng đẹp vậy. Nàng khẽ thở dài một tiếng, không nhẫn tâm gọi chàng dậy.
“Ta nên gọi chàng dậy… Nhưng thôi để chàng ngủ thêm vì chàng quá mệt”.
Quả thực, Uyên nhi quá mệt nhọc. Chàng ngủ say, quên hết tất cả những chuyện chung quanh thì ra lúc ấy chàng đang mê thấy mình mới bước chân vào giang hồ làm những việc nghĩa hiệp diệt trừ kẻ gian nên chàng rất đắc chí, giơ tay lên đấm một cái, ngờ đâu đánh trúng phải bộ ngực của Vân Tuệ.
Vân Tuệ giật mình kinh hãi vội ngửa người về sau tránh né và thấy Uyên nhi trở mình một cái lại ngáy khò khò ngay.
Lúc ấy nàng mới biết Uyên nhi nằm mơ, vừa buồn cười vừa tức giận. Nàng định đỡ đầu chàng lên trên đùi mình nhưng sợ chàng thức giấc. Đồng thời nàng thấy những máu cá ở đầu và người mình tuy đã khô rồi nhưng tanh hôi vô cùng, khó ngửi hết sức nên nàng nghĩ thầm :
– Sao ta không nhân dịp này xuống bể tắm rửa một lát, đằng nào Uyên đệ đang ngủ say kia mà. Vả lại, không có người xem trộm, ta tắm một cái cho thoải mái có hơn không?
Nghĩ đoạn, nàng lẳng lặng đi tới cạnh nước, nhảy xuống bể. Vì nắng chiếu suốt một ngày nên nước bể lúc đó rất mát. Nàng cứ nhô lên hụp xuống ở trên ngọn sóng và thấy trong người dễ chịu vô cùng. Nàng lặn xuống bể để gội đầu, rửa sạch rồi nàng mới giặt quần áo. Máu cá dính vào quần áo suốt ngày nên không sao giặt sạch được.
Nàng tức giận vô cùng cứ để cho nó nổi ở trên mặt nước không thèm vò nữa. Đoạn nàng bơi đi bơi lại và lặn xuống nhô lên nghịch ngợm một hồi.
Uyên Nhị bị ánh sáng mặt trời đang lặn xuống mặt nước chiếu xuống, phản chiếu làm cho chàng chói mặt liền thức tỉnh. Chàng mở mắt ra nhìn không thấy Vân Tuệ đâu cả, cả kinh thất sắc, chàng tỉnh táo ngay vội lên tiếng kêu gọi :
– Chị Tuệ… Chị Tuệ…
Tiếng kêu của chàng có vẻ hoảng hốt.
Vân Tuệ đang ở dưới nước nghe tiếng gọi của chàng nên tưởng chàng đang xảy ra chuyện gì. Vì qua lo âu nên nàng quên cả mình đang tắm dưới nước. Nàng nhô đầu lên và nhảy lên lưng cá. Vừa trông thấy Uyên nhi chạy tới, đồng thời bị gió bể thổi đến, nàng cảm thấy người giá lạnh thì mới nhớ ra là mình vừa mới trầm mình dưới nước nên nàng hổ thẹn vô cùng. Nàng la thất thanh rồi lại nhảy xuống bể.