Đọc truyện Quái Khách Muôn Mặt – Chương 33: Ý thiếp hóa thành gió xuân
Sáng hôm đó, ở nhà họ Long, các nam bộc thì lo treo đèn kết hoa, còn nữ bộc thì phụ trách bầy biện bàn ghế và trang điểm trong nhà. Không bao lâu, Long phủ đã được bầy biện rất huy hoàng, lộng lẫy, già trẻ lớn bé người nào cũng tỏ vẻ mừng rỡ vô cùng.
Cũng như mọi buổi sáng, Long Uyên đi các phòng thỉnh an, chàng thấy mọi người treo đèn kết hoa như vậy thì biết rằng gia đình mình hôm nay tổ chức cuộc vui để đón mình mới về. Trong lòng chàng rất cảm động, vì thấy ai cũng đã dậy hết.
Chí Lễ vừa trông thấy chàng đã vội nói :
– Mau lại đây sưởi ấm cho khỏi lạnh! Trời rét thế này sao con dậy sớm thế?
Long Uyên lắc đầu nói :
– Thưa đại bá phụ, con không lạnh.
– Bậy nào! Con có phải là người sắt đâu mà không lạnh.
Đúng lúc ấy có một tỳ nữ mang một cáo áo lông điêu đến cho Long Uyên. Long Uyên định không mặc nhưng lại sợ đại bá phụ mắng nữa nên bất đắc dĩ chàng đành phải mặc vào.
Chí Lễ liền bảo Long Uyên ngồi xuống rồi nói tiếp :
– Uyên nhi! Con biết nhà họ Long chúng ta chỉ có một mình con là nối dõi thôi. Bây giờ con đã lớn rồi, vậy phải lấy vợ sinh con đẻ cái. Nhà chúng ta xưa nay vẫn tích phúc tích đức, nhưng không hiểu sao chỉ có mình bát đệ sinh con thôi. Không lẽ ta không có một đứa con nào để nói tông cho mình hay sao?
Long Uyên thấy Chí Lễ ứa nước mắt thì cũng mủi lòng, vội nắm chặt lấy tay người bác để an ủi. Chí Lễ vội gạt lệ nhìn Long Uyên cười và nói tiếp :
– Các bác đã sắp quy tiên đến nơi rồi, muốn sanh con đẻ cái cũng không được nữa, cho nên các bác đều trông mong vào con. Bác chỉ mong trước khi chết, cưới vợ cho con, dù con có sinh con hay không đó là do số trời. Bác chỉ mong con nhận lời, có thế thôi.
Long Uyên thấy bác mình nói như vậy trong lòng khó xử hết sức. Trước kia chàng chỉ yêu có một mình Vân Tuệ, sau lại có Phong Lan xen vào, nếu không có Vân Tuệ nhận lời thì có lẽ Phong Lan sẽ đau khổ suốt đời. Nếu bây giờ phải nghe lời bá phụ lấy thêm năm thê bảy thiếp, như vậy có phải là thái quá không? Đồng thời cũng ảnh hưởng đến tình yêu của mình với Vân Tuệ và Phong Lan nữa.
Chí Lễ thấy Long Uyên im lặng không nói gì thì lại mỉm cười nói tiếp :
– Bác biết lòng con lắm! Không khi nào bác lại hồ đồ bắt con phải lấy một lúc chín vợ đâu. Ngày hôm nay bác nói chuyện với con, chỉ mong con sửa soạn, hay là hiện giờ nếu con thấy người nào hợp thì đừng ngại mà lấy người đó về làm thiếp.
Long Uyên thấy đại bá phụ nói như vậy vội vàng vâng vâng dạ dạ rồi vội vàng đứng dậy cáo lui ngay. Khi chàng sang đến phòng thất bá phụ thì Long Chí Tri đã vội kéo tay chàng và nói :
– Long nhi! Chắc hôm nay con đã nghe khá nhiều giáo huấn phải không? Thế nào, con đã chịu thay đổi tâm tính chưa?
Thì ra Chí Tri với Long Uyên hợp nhau hơn hết, vì thế đối với người bá phụ này Long Uyên chẳng giấu diếm tí gì, chàng ngồi xuống ghế thở dài lắc đầu nói :
– Thất bá phụ không biết đó thôi! Con thấy khó chịu và khó xử lắm.
Chí Tri vừa cười vừa nói :
– Ai bảo con là nam tử duy nhất của nhà họ Long. Nếu là người khác thì đã vội vàng nhận lời mà lấy chín vợ rồi.
Rồi ông ta thở dài, nói tiếp :
– Người già bao giờ cũng mong có con có cháu. Điều này những người trẻ tuổi như con không hiểu thấu đâu. Người già nào cũng sợ chết, chỉ còn cách trông mong vào con cháu nối dòng nối dõi thôi. Cho nên nếu con không nhận lời yêu cầu của các bá phụ, thì có khác nào bóp chết tính mạng của các vị ấy đâu.
Long Uyên nghe thế thì giật mình kinh hãi vội đáp :
– Không phải con không bằng lòng, nhưng mà…
Chàng ngập ngừng không sao nghĩ ra câu gì để trả lời. Chí Tri thấy vậy liền nói tiếp :
– Ta thấy con là người có số đào hoa. Tuy bây giờ con thấy khó chịu, nhưng tới lúc đó hoàn cảnh bắt buộc, như vậy con không thể nào tránh được đâu.
Long Uyên nghe Chí Tri nói vậy thì hổ thẹn mặt đỏ bừng.
Thế rồi Chí Tri giữ Long Uyên ở lại ăn cơm. Trong bữa cơm, Chí Tri kể chuyện :
– Nửa năm trước, bá phụ đi Oai Hải mua thuốc, khi trở về qua Hoàng Hà thì đột nhiên gặp một ông già bị thương khá nặng, đi với một thiếu nữ rất đẹp.
Long Uyên nghe kể vội chen lời hỏi :
– Có phải bá phụ muốn nói tới Tú…
Chàng mới nói tới chữ Tú thì biết mình lỡ lời nên mặt đỏ bừng, ngậm miệng không nói nữa.
Chí Tri cười ha hả nhìn chàng rồi nói tiếp :
– Uyên nhi! Đúng vậy đấy! Hai người một già một trẻ đó chính là cha con Tú Mai. Lúc ấy bá phụ thấy cha nàng bị thương rất nặng liền động lòng thương. Sẵn có cây sâm Cao Ly vừa mua được ở Oai Hải, ta liền tặng cho ông ta nửa cây làm thuốc, nhờ vậy ông ta mới thoát chết. Nội thương của ông ta tuy đã khỏi được già nửa, nhưng ngoại thương vẫn còn phải chạy chữa thêm, ta liền sai bọn Long Ngũ các người đặt ông ta lên xe chở về nhà ngay. Khi nghỉ chân ở khách sạn, ông ta mới thú thật với bá phụ rằng y chính là Giao Đông Nhất Tiên Diệp Tướng, một vị hiệp đạo ở Giao Đông. Vì y thấy bọn Hoàng Hà ngũ giao hoành hành trên sông Hoàng Hà, giết hại nhiều lương dân, nên y liền đem theo Tú Mai tới sông Hoàng Hà để truy lùng bọn chúng. Khi tới Hoàng Hà, y gặp phải lão nhị của bọn Ngũ giao đang giết người cướp của, liền ra tay giết ngay lão nhị ấy. Ngờ đâu hai tên khác trong bọn hay tin kéo tới vây đánh, nên y mới bị thương nặng như vậy.
Sau khi nghe Chí Tri kể lai lịch của cha con Tú Mai, Long Uyên liền bụng bảo dạ: “Bọn Ngũ giao này hoành hành trên sông Hoàng Hà, một tháng sau thế nào ta cũng phải đi Lương Sơn Bạc để trả thù cho cha con Tú Mai mới được”.
Chí Tri lại nói tiếp :
– Diệp Tướng là người rất có huyết tính. Y thấy bá phụ không phải là người trong giang hồ, và cũng không muốn bá phụ bị liên lụy, nên y yêu cầu để y ở lại một mình trong điếm chữa thương, và xin bá phụ đem Tú Mai về làm tỳ nữ cũng được, quý hồ chỉ mong đền ơn bá phụ thôi. Con thử nghĩ xem, khi nào bá phụ lại bắt cô ta làm tỳ nữ như thế. Tuy bá phụ không biết võ nghệ, nhưng thân phụ của con là một đại hiệp khách có tên tuổi. Nếu bọn chúng có kéo tới đây thì làm sao địch nổi thân phụ của con chứ.
Long Uyên cười thầm, bụng bảo dạ: “Thất bá phụ là thư sinh có khác! Hoàng Hà ngũ giao là bọn giặc cỏ, chúng chỉ có cái trò đánh lén thôi chứ có phải là người có tên tuổi gì đâu. Nhưng chúng người nhiều thế mạnh, như tối hôm qua chẳng hạn, nếu không có bà cháu Võ Di bà bà biết trước thì hôm nay bác cháu mình đâu có an nhàn ngồi nói chuyện ở đây”.
Tuy nghĩ như vậy, nhưng chàng cũng không tiện cãi lại, nên cứ ngồi yên mà nghe. Chí Tri lại thao thao nói tiếp :
– Vì thế bá phụ mới cương quyết đem cha con y về. Về tới đây bác lại hết sức chữa cho, không đầy một tháng vết thương của Diệp Tướng đã lành mạnh. Y vì cảm động nên nhất định xin ở lại bổn trạch làm một giáo sư hộ viện, đồng thời bảo con gái làm tỳ nữ cho bá phụ. Bá phụ cương quyết không nhận, nhưng bá mẫu thấy Tú Mai đẹp như vậy, nên định giữ nàng lại để làm tiểu thiếp cho con. Sau này có sinh được trai hay gái thừa kế hương hỏa của bá phụ.
Long Uyên nghe tới đó thì trống ngực đập mạnh, mặt mày đỏ bừng, chỉ cúi đầu xuống chứ không nói nửa lời. Chí Tri thấy vậy nói tiếp :
– Con đã được gặp Tú Mai rồi, con có bằng lòng nàng không?
Long Uyên rối trí vô cùng, không biết trả lời như thế nào cho phải.
Chí Tri cười ha hả thủng thẳng nói tiếp :
– Việc này là việc chung thân đại sự, việc gì con phải hổ thẹn như thế? Nhưng nếu con không bằng lòng, bá phụ cũng không cưỡng ép đâu. Ta nghĩ rằng có con hay không là do số trời đã định, có điều bá mẫu của con hiếm hoi nên thấy rất có lỗi với tổ tiên, cho nên bắt ép bá phụ phải khuyên con lấy Tú Mai làm thiếp. Tối hôm qua bá mẫu đã vội sai Tú Mai đi hầu hạ con rồi, sáng hôm nay bà ta còn đi hỏi thăm Tú Mai nữa. Con nhỏ ấy tuy là con nhà giang hồ, nhưng nửa năm nay gần gũi với bá mẫu con tính tình nó đã thuần nhiều. Ta với bá mẫu chắc con thế nào cũng ưa nàng ta.
Long Uyên thấy Chí Tri nói thế, lòng cảm động hết sức. Chàng thấy bá phụ thương mình như vậy nên không nhẫn tâm làm mất lòng ông. Chàng vội đứng dậy và an ủi ông ta rằng :
– Việc này con không có ý kiến gì hết, quý hồ bá phụ và bá mẫu đã ban cho…
Chí Tri nghe tới đây vội đứng dậy ôm vai chàng cười ha hả và nói :
– Ngoan lắm! Con của ta ngoan thực! Hà hà…
Ông ta vừa cười vừa gọi một nữ tỳ vào và dặn rằng :
– Tiểu Mai, mi mau đi báo tin cho các vị lão gia hay. Đến ngày mùng ba Tết này, đại thiếu gia sẽ cưới Tú Mai làm vợ của phòng bảy, đồng thời dặn quản gia dành ra một món tiền để sửa soạn tiệc tùng và sắm sửa các thứ cho hôn lễ.
Tiểu Mai vội tiến tới quỳ xuống chào mừng Long Uyên, rồi cười khanh khách và đi luôn. Các nam bộc và tỳ nữ bên ngoài khi hay tin cùng cười ồ và bàn tán xôn xao.
Long Uyên ngượng vô cùng, cứ tưởng là mình đang nằm mơ. Chí Tri liền gọi Long Uyên vào thư phòng giúp mình luyện đơn dược.
Bỗng có một nữ tỳ chạy vào mời chàng ra ngoài khách sảnh, Long Uyên vội theo nữ tỳ ra ngoài luôn. Vừa ra tới khách sảnh chàng đã thấy đại, nhị, tam bá mẫu và mẹ của mình, ngoài ra còn có cả Phong Lan và Tú Mai nữa. Mọi người thấy chàng đến đều trố mắt lên nhìn.
Long Uyên xấu hổ quá định quay đầu bỏ chạy, nhưng Chí Hiếu phu nhân đã nắm được tay chàng và nói :
– Uyên nhi xấu hổ cái gì? Mau mau lại đây xem những đồ cưới mà thất phu nhân đã sắm sửa cho con đây. Con xem có hài lòng không?
Bất đắc dĩ Long Uyên phải tiến tới thỉnh an các bá mẫu, rồi mới nhìn sang các đồ sính lễ. Chàng đưa mắt liếc nhìn sang Phong Lan và Tú Mai thì cũng vừa bắt gặp hai nàng đang liếc trộm mình. Chàng không dám nhìn hai nàng lâu vì sợ các bá mẫu biết.
Chí Tri thấy chàng đưa mắt cầu cứu, liền lớn tiếng đánh trống lảng :
– Uyên nhi! Đơn dược trong thư phòng con đã luyện xong chưa?
Long Uyên vội đáp :
– Xin lỗi các vị bá mẫu! Uyên nhi còn bận luyện đơn bên trong, con xin phép vào trong trước.
Nói xong, chàng gật đầu chào mọi người rồi đi ra ngay. Ra tới cửa, chàng bỗng nhớ tới một việc, liền quay đầu lại, dùng Thiên Lý Truyền Âm hỏi Phong Lan rằng :
– Lan muội không trách cứ ngu huynh chứ?
Phong Lan khẽ lắc đầu, Long Uyên thấy vậy mới yên tâm, nhưng chàng vẫn nói tiếp :
– Nếu vậy tối hôm nay chúng ta sẽ nói lại…
Nói xong chàng vội đi luôn.
Lúc này Phong Lan mới ngẩng đầu lên lén nhìn Tú Mai, người sẽ cùng thuyền với mình, nàng thấy Tú Mai quả thực không kém gì mình.
Tú Mai cũng nhìn Phong Lan, thấy nàng không có vẻ gì ghen ghét mình, nên cũng đáp trả lại bằng một nụ cười duyên dáng.
Còn Long Uyên, sau khi ra khỏi khách sảnh thì đi một mạch tới phòng cha mẹ mình. Chàng thấy cha mẹ đang ngồi ăn cơm với Võ Di bà bà. Chàng thấy Bà bà có vẻ hổ thẹn, như đã làm sai chuyện gì vậy, nhưng Bà bà không để ý tới, chỉ gọi chàng đến ngồi cạnh thôi.
Long Uyên vừa ngồi xuống, Võ Di bà bà liền nói trước :
– Uyên nhi, già này cũng phải mừng cho cậu.
Long Uyên ngượng ngùng cúi mặt xuống, Chí Dũng vội đỡ lời cho con :
– Tiểu nhi được Bà bà lượng thứ cho phép cưới cả Tú Mai và Phong Lan về làm vợ, đáng lẽ phải do tiểu nhi tạ ơn Bà bà mới phải. Sao Bà bà lại mừng cho tiểu nhi như thế?
Long Uyên hiểu rằng phụ thân nhắc khéo mình phải cám ơn Võ Di bà bà, vì vậy chàng vội rót một chén rượu cung kính mời Võ Di bà bà và nói :
– Uyên nhi xin cám ơn ân điển của Bà bà.
Nói xong chàng uống cạn chén rượu ấy. Võ Di bà bà cũng cầm chén rượu lên uống và nói :
– Già này cũng cám ơn cháu, cháu ngồi xuống đi.
Tiếp theo bà ta lại nói với Chí Dũng rằng :
– Tuy Uyên nhi còn ít tuổi, nhưng công lực của nó có thể nói là vô địch thiên hạ.
Long Uyên nghe Bà bà khen mình như vậy đang định lên tiếng thì Võ Di bà bà đã xua tay và lên tiếng nói tiếp :
– Uyên nhi khỏi phải khách khứa, già này nói như vậy không phải là khen ngợi bừa đâu. Ngươi phải biết rằng già này suốt đời không chịu phục ai cả, ngay cả sư phụ của Tuệ nhi năm xưa tiếng tăm lừng lẫy thiên hạ như vậy mà già này cũng không phục, khi gặp y du ngoạn ở Võ Di, già liền đấu với y năm ngày năm đêm, sau cùng thì thua y một chưởng. Nhưng từ khi thấy ngươi với Tuệ nhi và biết hai người gặp kỳ ngộ, già này mới biết câu trời cao lại có trời cao hơn thực không sai chút nào.
Lời nói này làm cha mẹ của Long Uyên ngẩn người ra chẳng hiểu gì, ngay cả Trí Dũng cũng chỉ hiểu lờ mờ thôi.
Võ Di bà bà thấy hai vợ chồng thắc mắc liền giải thích rằng :
– Hiền điệt chưa biết đấy thôi, công lực của Uyên nhi hiện giờ thật là thâm tuyệt, hiếm thấy trên thế gian. Tuy Uyên nhi võ nghệ cao siêu như thế nhưng lại không kiêu ngạo chút nào, lòng dạ lại hiền từ, tuy đã bước ra giang hồ hành hiệp chỉ lo cứu dân độ thế mà không nhiễm phải những thói xấu khác.
Tiếp theo đó, bà ta bèn kể chuyện Long Uyên ở Sào Hồ bỏ tiền cứu giúp những người bị nạn, rồi cùng với Phả Cái và Lỗ Trí kế hoạch giúp người thế nào nhất nhất thuật lại cho mọi người nghe.
Vợ chồng Trí Dũng ngẩn người nghe bà già kể chuyện, cho tới khi bà ta kể xong, Trí Dũng phu nhân lẳng lặng nắm lấy tay Long Uyên cảm động đến ứa nước mắt. Trí Dũng không ngờ con mình lại có hùng tâm tráng trí và kế hoạch chu đáo như vậy, ông khoan khoái giơ ngón tay cái lên khen ngợi Long Uyên và nói :
– Phải như thế mới không hổ thẹn là con cái nhà họ Long ta. Không những cha hết sức tán đồng việc này, mà có lẽ tổ tiên nhà họ Long cũng phò hộ ngầm cho con đấy.
Nói tới đây, ông đã nghẹn ngào không sao nói tiếp được. Ông sợ Võ Di bà bà chê cười, nên đứng dậy cáo lui trước.
Trí Dũng phu nhân thấy chồng như vậy liền cười, rồi nói với Võ Di bà bà :
– Bá mẫu không phải là người ngoài nên cháu cũng không sợ bá mẫu chê cười. Uyên nhi làm cho nhà họ Long được vẻ vang như vậy cháu lấy làm mừng lắm, nhưng không mừng bằng nó biết thương yêu những người khốn khổ trong thiên hạ, nên bây giờ cháu có chết cũng yên tâm lắm rồi.
Võ Di bà bà nói :
– Năm xưa già luyện võ chỉ biết tranh danh sính cường, thực sống uổng phí mấy chục năm trời. Đáng lẽ già chờ chờ cho Lan nhi lấy chồng rồi sẽ vào núi ẩn dật, nhưng từ khi biết Uyên nhi có kế hoạch như vậy, lão thân quyết định sẽ đem chút hơi tàn này hiệp trợ cho Uyên nhi các người để làm thêm vài việc phúc đức.
Long Uyên thấy mọi người khen mình thì lúng túng cuống cả chân tay lên. Bây giờ nghe Võ Di bà bà nói xong chàng mới xen lời nói :
– Uyên nhi tài hèn sức mọn, việc gì cũng phải mong Bà bà chỉ giáo thêm cho. Xin Bà bà từ nay đừng khách sáo như thế nữa.
Võ Di bà bà mỉm cười nói :
– Chỉ mấy ngày nữa, Uyên nhi sẽ là cháu rể của lão thân, việc gì lão thân phải khách sáo với ngươi nữa.
Ba người đang trò chuyện thì có tỳ nữ vào bẩm báo rằng :
– Bên ngoài có một người họ Lỗ xin vào yết kiến.
Long Uyên cả mừng, biết rằng Trại Trọng Liên đã tới, vội cáo từ Võ Di bà bà và mẹ rồi ra tận ngoài cửa tiếp đón. Chàng đưa Lỗ Trí vào trong khách sảnh, rồi sai người bầy tiệc đồng thời mời cha mình và thất bá bá Chí Tri tới.
Trong bữa cơm, mọi người vừa ăn vừa bàn về kế hoạch của Long Uyên. Long Uyên vì phấn khởi nên uống khá nhiều. Khi thấy đã hơi say, chàng liền cáo từ mọi người vè phòng nghỉ ngơi trước.
Vừa bước vào phòng Long Uyên đã thấy một thiếu nữ ngồi bên mép giường, đang đùa giỡn với con búp bê bằng ngọc. Chàng cứ nghĩ là Tú Mai đến hầu hạ mình, hôm nay đã quen biết nhau rồi, chàng không còn khách khứa như hôm trước nữa, vội tiến tới ôm choàng lấy vai nàng, kéo nàng vào lòng, miệng khẽ gọi :
– Tú…
Thiếu nữ nọ bỗng nhiên bị người ta ôm vào lòng thì kinh hoảng, nhưng lại chuyển sang mừng rỡ và xấu hổ khi nhận ra người đó là Long Uyên. Nhưng khi nghe Long Uyên lên tiếng thì nàng ta lại nổi khùng cất giọng ghen tương nói :
– Tôi không phải là Tú Mai! Đại ca buông tôi ra…
Long Uyên đã nhận ra thiếu nữ này là Phong Lan chứ không phải Tú Mai, chàng biết mình đã gây họa rồi, trong bụng thầm trách: “Sao ta lại hồ đồ thế! Hồi sáng đã hẹn với Phong Lan tới đây, vậy mà lại quên bẵng đi. Chuyện nhận lời lấy Tú Mai đã có lỗi với nàng rồi, bây giờ lại nhầm lẫn nàng với Tú Mai nữa thì lại càng không phải”.
Nghĩ tới đó chàng ngập ngừng muốn lên tiếng thanh minh, nhưng lại không biết nói sao cho phải.
Phong Lan thấy chàng đứng ngây người ra đó thì càng giận dữ hơn, nên đẩy chàng ra và chạy ra khỏi phòng.
Ngờ đâu nàng mới chạy được hai ba bước đã nghe bộp một tiếng, nàng vội quay đầu lại nhìn mới hay Long Uyên bị mình đẩy té nằm trên đất, và hình như chết giấc rồi.
Phong Lan ngẩn người ra giây lát, trong lòng vẫn chưa tin, vì Long Uyên là người có võ công cao siêu đâu khi nào té ngã một cái mà chết giấc ngay được.
Nàng nhìn kỹ lại thì thấy Long Uyên mặt đỏ bừng, hơi rượu bốc lên hừng hực, và nằm ngay đơ trên mặt đất. Lúc ấy Phong Lan mới hoảng sợ, vội vàng chạy lại ẵm Long Uyên lên giường, và đi lấy khăn ướt đắp lên trán cho chàng. Nhưng chờ mãi mà Long Uyên vẫn chưa lai tỉnh, Phong Lan sợ hãi vô cùng, vội vàng cởi áo choàng lông bên ngoài của Long Uyên ra, rồi xoa bóp khắp người cho chàng.
Xoa bóp mãi mà Long Uyên vẫn không có phản ứng gì, Phong Lan sợ quá liền nằm phục lên người chàng định khóc lên cho đỡ sợ. Bỗng nhiên Long Uyên giơ tay ra ôm chặt lấy nàng cười ha hả.
Phong Lan bị ôm chặt thì hoảng sợ, liền vùng khỏi tay Long Uyên và lăn vào bên trong giường. Nàng đang định lên tiếng thì miệng đã bị Long Uyên dùng môi khóa chặt. Đèn trong phòng cũng đột nhiên tắt lịm, chỉ còn nghe tiếng giường rung động, và bên ngoài gió bấc thổi ào ào.
Tuyết phủ càng lúc càng dày, nhưng trong phòng Long Uyên vẫn đầy xuân tình ấm áp khôn tả.